.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Lâm Kim Loan

Ninh à, Ngọ ơi !

  • 14.11.2007

Để tôi nhớ lại xem. Dường như trong đời, từ trẻ đến giờ, đã vào cái tuổi gọi là sồn sồn. Nhìn về quá khứ thấy tiên tiếc. Tiếc tuổi thơ, tuổi học trò. Tiếc cái gì nữa? Không tiện nói ra! Nhìn tới tương lai lo lo sờ sợ. Lo già hoá lẩm cẩm, sợ tầng ozone mỏng dần, trái đất bị hâm nóng (global warming) ngày nào đó quả điạ cầu sẽ nổ tung. Không biết thân trung ấm tứ đại nầy sẽ rơi vào cõi nào vì chưa kịp tu! Tôi đã “năm chìm bảy nổi sáu lênh đênh” chớ ít sao. Có người Việt nào “bỏ của chạy lấy người” vì biến cố bảy mươi lăm, từng làm Thuyền Nhân (Boat People) mà tối thiểu không qua những “chìm” đau đớn, đau điếng, đau đậm, đau đay đáy, đau để đời! Đã vòng vo từ vùng biển Kiên Giang mút cuối nước Việt Nam đến Sài Gòn đô hội. Đã trôi từ mủi Cà Mau đến trại tị nạn Pulau Besar Mã Lai. Đã được người Úc cho ăn nhờ ở đậu thêm mấy chục năm tại cái tiểu bang trời đải với cảnh vật hữu tình. Đã xem như “đụng đầu chạm trán, bốn mắt nhìn nhau”, có lẽ cũng đến trăm ngàn người trong cái thế giới lúc nhúc người ơi là người. (Ai muốn biết người đông cở nào thì cứ ra chợ cá Đồng cá Biển Rạch Giá, ra chợ Cầu Muối ở Sài Gòn, Thành phố Kuala Lumpur, hoặc Cabrammatta, thành phố Sydney của nước Úc thòi lòi). Vậy mà sao tôi chưa từng cụng được cây si thứ thiệt nào! Vô duyên đến độ! Sao mà vô duyên tợn! Tôi chưa bao giờ được ai yêu say đắm như thi sĩ Hữu Loan yêu Lê Đỗ Thị Ninh mắt to đen láy, tóc xanh xanh, cười xinh xinh; hoặc thi sĩ kiêm tu sĩ Phạm Thiên Thư một thời ngất ngây với “ vai nhỏ tóc dài, tay nụ hoa thuôn, ôm nghiêng cặp sách” Hoàng Thị Ngọ!! Dù mấy thứ đó, kiểm đi điểm lại, tôi đều có đủ cả.

 

Thuở gọi là tiền dậy thì hồi năm nẳm. Đầu óc non nớt tuổi mười hai mưi ba, chưa mường tượng được thế nào là cảm giác tuyệt cú mèo của tình yêu trai gái. Chưa nghe qua ai kể chuyện thật ngoài đời về sinh ly tử biệt não lòng của tình vợ chồng thuở ban đầu nồng nàn rực lửa. Nhỏ này có tánh hay bắt chước, nên đã bắt đầu hát không kèn không trống bài ca Những Đồi Hoa Sim. Bắt chước giọng Hoàng Oanh, điệu Rumba: “Những đồi hoa Sim, ôi những Đồi Hoa Sim tím chiều hoang biền biệt….” Sau đó lại tập ngâm nga bài thơ Màu Tím Hoa Sim: “Nàng có ba người anh đi Quân Đội, Tôi người Quốc Vệ Quân, Yêu nàng như tình yêu em gái…” của Hữu Loan. Rồi thì, khi bổng, lúc trầm  “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về…” của Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Tôi hát lửng bửng, ngâm lỏm bỏm. Hát và ngâm vì nhạc nghe lã lướt mà lời cũng hay hay. Tôi đoán lời lưng chừng, hiểu lơ mơ về ý thơ ý nhạc, vì còn con nít quá, vì chưa từng yêu.  Yêu đơn phương, tình mơ mơ màng màng như Phạm Thiên Thư, người bỗng ngộ đời ngộ đạo:

 

Lẽo đẽo theo em, tình không trọn,

Lần theo gót Phật, Pháp vẹn toàn. (Mì ăn liền)

 

 Ở tuổi còn con nít trân, làm sao tôi có thể cảm đến tận cùng chất tuyệt vời của tình yêu được nuôi lớn dần từ tình em gái đến vợ hiền, và nỗi đau khổ biến thành niềm đau đớn mãi mãi không nguôi của một bức tử tức tưởi như Hữu Loan đã mất Ninh:

 

Tưởng như trời sập trên đầu,

Tưởng đâu đất lở bể dâu hoá cồn! (Mì ăn liền).

 

Nói chuyện hiện tại của 2007. Tôi là dân chuyên đọc báo cũ. Ậy, xin quý vị đừng hiểu lầm chữ “cũ” này. Tôi mua báo mới ủng hộ nhà báo đàng hoàng, nhưng vì không có thì giờ nhàn hạ để xem báo một mạch, nên mất tiền mua báo mới mà phải xem báo cũ là thế. Mua vẫn mua, lật vài trang rồi quẵng cạnh giường để chờ dịp xem tiếp. Cách đây hai hôm, kéo ra từ chồng sách báo một tờ báo, định đọc vài trang dỗ giấc ngũ. Tình cờ, số báo ngày 14 tháng 9 năm 2007 Việt Luận, có đăng bài viết của chính Thi Sĩ Hữu Loan, với cái tựa không biết do ai đặt: “Hữu Loan và Hoa Sim”. Số báo nầy tôi chưa đọc trang nào, lúc đó tôi còn chao đảo vì mới mồ côi mẹ được một tuần. Chỉ cố niệm Phật để ngủ, để bớt buồn chớ tâm thần đâu mà báo với chí. Đọc để ngủ mà bị bức xúc phải ngóc dậy gỏ máy lọc cọc. Tôi có thói quen khi mở máy là bật xem email của bạn bè tứ xứ trước. Email từ Pháp của một huynh đài gởi đến với chủ đề: “Nỗi lòng của Phạm Thiên Thư theo Ngọ, về mà thôi...”.  Nội dung email thế này : “Gởi Muội một trạng thái tình cảm không dám chạm sự thật, đã được phủ một lớp sương mờ mờ ảo ảo, và từ đó, lời ca tiếng nhạc tuyệt vời của Phạm Thiên Thư....”  Xin lỗi huynh, muội cần “bật mí” thư này của huynh, để giải thích vì sao muội đọc bài viết của thi sĩ Hữu Loan mà lại kéo Phạm Thiên Thư và Ngọ vào. Hơn nữa, bài huynh đính kèm “ PTT và ngày xưa Hoàng Thị” do NL nào đó viết đã phóng lên mạng (Net) cho bá tánh năm châu bốn bể thưởng lãm cả rồi mà.

 

Điều gì thi sĩ Hữu Loan (HL) đã viết, làm nhỏ này xúc động đến phải lòm còm ngồi dậy mở máy lúc hai giờ sáng một đêm cuối tuần? Xin thưa vì, đọc “HL và Hoa Sim”. Tôi tưởng tượng một đầu bạc phơ và một tóc buồn pha muối, đang trà đàm đối ẩm bên ngọn đèn mù u tranh tối tranh sáng, trước sân một mái lá khiêm nhường ở làng Nguyên Hoàn, xã Mai Lĩnh, vào một đêm không trăng gần cuối tháng Năm âm lịch. Trái đất xoay vòng, ngần ấy tháng Năm buồn từ 1948!!! Ừ “Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi”. Nhỏ muốn nghe kể chuyện đời tôi không? Huyền thoại của Màu Tím Hoa Sim, nỗi lòng, ẩn ức, uất ức của một đời người trên đất Bắc, “sống” và “chết” gần tròn 90 năm dài đăng đẳng của một kiếp người. Thưa bác vâng ạ! Cháu đã sẳn sàng, dù hành trang của đời cháu, có lẽ không thể nào so bì được tí nào với những nét chấm phá đặc thù độc đáo như bức tranh cuộc đời bác. Thế là, thi sĩ Hữu Loan bắt đầu... Những đồi Sim tím chiều hoang, tím mông lung buồn, tím cả khoảng đời còn lại của ai. Lão thi HL lim dim hồi tưởng về Nàng “Sóc Con” “Hoa Sim”.  Tình yêu thế nào mà được xem như yêu người em gái. Nổi nhớ nhung của sinh ly. Rồi đến những đoạn trường về cái chết đột ngột tức tưởi của nàng. Những biến cố của hậu tử biệt. Lòng nhân hậu và hiếu nghĩa đã đem đến cơ duyên cho cuộc tình thứ hai với người thiếu nữ Phạm Thị Nhu (cũng vô cùng xúc động, đầy khí khái nhân nghĩa). Thêm nữa, cách bày tỏ lập trường cứng rắn, thẳng thắng thẳng thừng về một chế độ, dù cá đang nằm trong rọ… Một, hai, ba, bốn, năm, sáu…lý do, đủ để tạo thêm một đêm trắng mắt của mấy trăm đêm đã mất ngủ thì cũng chẳng sao. Tôi đã đọc ông với một tâm trầm lắng đầy cảm kích, với một tình của trái tim dễ dàng rung động và xúc động tự thuở của tôi. Mường tượng cái giọng Bắc Kỳ Thanh Hoá “Tôi thương tôi nhớ Hoa Sim của tôi quá rồi” tựa hồ như máu tim đang từng giọt rơi xuống cho tình yêu. Nước mắt tôi cũng rơi theo từng dòng của lão thi Hữu Loan.

 

Trong “Hữu Loan và Hoa sim” tôi chỉ xin chép lại vài nét chính. Tác giả đã tự truyện thế này: "Tôi sinh ngày 2-4-1916, làng Nguyên Hoàn, xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá trong một gia đình nghèo, con tá điền  nhưng lại “con nhà nghèo học giỏi”…., được bà Tham Kỳ, mẹ của Ninh (nàng) “mời về nhà làm gia sư dạy kèm cho hai đứa con gái”. Ninh lúc đó mới tám tuổi, bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi”, rồi hớp hồn thầy luôn, như HL đã diễn tả: “Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đả hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời”. Gia sư được cô học trò bé bỏng “ thông minh nhưng ít nói, và mỗi lần bé mở miệng là cứ y như bà cụ non”, chăm sóc thầy kín đáo, thể hiện qua từng quả chanh mọng ướt, vài trái ớt đỏ au tươi rói vừa hái sau vườn. Một hôm “Sóc con” làm thầy chạy theo muốn đứt hơi lên khu rừng Thông, Sóc chạy băng băng xuống sườn đồi, tím ngắt một màu sim, hái cho thầy những quả sim đen nhánh, chín mọng... Những tiếng cười vô tư của thầy trò, trong thâm tâm, của anh trai và em gái…  Rồi thì, thầy quyết đi kháng chiến. Chín năm sau chiến sĩ trở lại chốn xưa, cô  bé ngày nào nay đã dậy thì mười bảy, mắt đen hơn, má hồng hơn. Đáng nói đáng kể hơn là tình càng sâu, càng nặng hơn cả nét đẹp cuả má hồng tuổi xuân thì, mắt nhung long lanh mộng. Yêu nhau và cưới nhau qua một đám cưới đơn sơ,  cô dâu không cần may áo cưới : “Yêu nhau, thương nhau cốt cái tâm và cái tình bền chặc là hơn cả, ông chồng độc đáo ạ!”. Người vợ trẻ  “Hoa Sim” đã thỏ thẻ với chồng như thế trong ngày hợp hôn. Lý do được người yêu gọi  “Ông chồng độc đáo”, vì “tôi cao ráo,  học giỏi, làm thơ hay, lại ... đẹp giai”. (Mấy ai dám tự hào và thành thật như thế!)

 

Không biết những người bày trận, gây ra chiến tranh có tìm được hạnh phúc cho chính họ? Họ có đạt được cứu cánh tối ưu nào cho đời sống con dân, cho đúng với bổn phận và trách nhiệm của bậc minh quân cầm quyền vận nước, tha thiết với an lạc của nhân loại? Đầu óc hiểu biết hạn hẹp của kẻ này chỉ thấy chiến tranh đi đôi với chết chóc, gây ly tán và tạo thêm hận thù trực tiếp hoặc gián tiếp. Giả dụ qua trường hợp của thi sĩ Hữu Loan : “Cưới nhau xong là đi ”. Đi để tiếp tục lăn xả vào cuộc chiến do ai đó bày ra mà bổn phận làm trai thời loạn phải tham dự. Ba tháng sau ngày cưới, “..không chết người trai khói lửa, mà chết người gái nhỏ hậu phương”. Người vợ trẻ  đột ngột chết đuối thảm thương vì muốn chụp lấy tấm áo bị nước cuốn. “Đó là ngày 25, tháng Năm âm lịch, năm 1948”… “Hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “nàng có ba người anh đi bộ đội, những đứa em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng còn xanh…Tôi về không gặp nàng..”  Người chiến sĩ đó chỉ khóc thầm và “giấu kín nỗi đau trong lòng” về cái chết đột ngột đau thương của người vợ trẻ. Dấu vì “không muốn cho đồng đội ảnh hưởng tinh thần chiến đấu của họ”. Hữu Loan theo kháng chiến vì một  lý tưởng mà sau nầy ông mới vỡ lẽ và trở nên cay đắng. “Tôi đã chán ngấy cái mặt nạ yêu nước” của một nhóm người, một chủ nghĩa mà trước khi vào kháng chiến ông đã tôn thờ. Ông sống với cái tâm “không thể làm những gì trái với suy nghĩ của tôi”. Ông đã tâm tình trong bài tự truyện: “Làm thơ phải có cái tâm, mà phải là cái tâm thật linh thiêng thì mới có thơ hay. Làm thơ mà chả có tình có tâm thì chả ra gì.” Ông chống đối thứ thơ bồi bút xu thời lúc bấy giờ. Ca tụng Đảng, bác Hồ, thơ chủ trương chiến tranh:  “cái ấy là cái khổ dân nhất”. Và  bài thơ Màu Tím Hoa Sim lúc bấy giờ bị chính quyền thời ấy chỉ trích là phản động. Hãy nghe ông trần tình vô cùng tự nhiên “Cái đau khổ riêng của con người, tại sao lại không được khóc?”

Dù vẫn nhớ “Hoa Sim” ngày xưa, định mệnh đã dẩn dắt, cuộc đời đã đưa đẩy ông đến mối tình thứ hai với “người phụ nữ có tâm hồn sâu sắc Phạm Thị Nhu”, người đang sống cùng và đã cho ông mười đứa con. Nếu tình yêu của thi sĩ Hữu Loan với Ninh nẩy nở  từ sự rung động giữa trai gái, thì với người bạn đời Nhu, tình cảm được phát khởi bởi lòng từ bi đối với một cô gái nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, bị chế độ dập vùi đến cùng đường; bởi ân nghĩa với đấng sinh thành của Nhu; và bởi lòng bất nhẩn về tính tàn độc của một chế độ. “Ông địa chủ giàu lòng nhân đạo, rất yêu nước thương người, thường cho tá điền gánh gạo đến ủng hộ quân kháng chiến… Tôi quý mến và luôn nhớ đến ông”, “cô gái mười bảy tuổi được tha chết nhưng bị lịnh cấm không ai được liên hệ, thuê mướn hoặc cưới làm vợ”.  Hữu Loan đã bất chấp tất cả khi “gặp cô ta quần áo rách mướp, mặt mày lem luốc, đang lom khom tìm lượm vài củ khoai dân bỏ sót, nhét vào túi áo, rồi chùi một củ vào quần và đưa lên miệng gặm”. Ông đem Nhu về quê và lấy làm vợ. “Cho đến ngày nay, bà ấy cho tôi mười người con ngoan, 6 trai 4 gái và cháu nội cháu ngoại hơn 30 đứa”. Sau đó là hồi ký về sự “tái xuất giang hồ sau 30 năm tự chôn mình nơi chôn nhau cắt rốn.

 

Ở tuổi gần chín mươi, theo lời ông, Bài thơ Màu Tím Hoa Sim, vào cuối năm 2004, được Công Ty Vitek VTB mua bản quyền với giá 100 triệu đồng Việt Nam với lý do: hình thức bảo tồn văn hoá. “Bán thơ” cho một lý do nghe ra “thì cũng được đi”. Nhưng chỉ một bài thôi nhé, vì theo ông kể, “sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng moa mấy tập thơ khác”, nhưng ông từ chối. Đây là câu kết của bài tự truyện “thơ tôi làm ra không phải để bán”. Ngoài nội dung đầy tình của bài, có lẽ câu kết đã làm tôi hứng khởi bật dậy khỏi giường, tình nguyện thêm một đêm mất ngủ. Đọc tới đọc lui “Hữu Loan và Hoa Sim” để viết nên những dòng này. Viết về cái tình của người làm thơ, về nhân cách rất giàu của một  người rất nghèo, một người đã sáu nổi, năm (mươi) chìm, tám (trăm) cái long đong. Chìm vì thiết tha sống theo tiếng nói con tim. Long đong vì khí khái sống bất kể bao trù dập. Sĩ khí đó mấy ai có được! Biết đâu, cũng có một kẻ không vì sĩ khí, mà vì ngông nghênh ngốc nghếch ngổ ngáo cũng sẽ hành xử như thế: “Một đủ rồi, thêm nữa chi dzậy?”

 

Từ bảy tuần nay, mỗi thứ Sáu là ngày tôi đến nghĩa trang Liverpool viếng mộ ba má tôi. Trước mộ phần hai đấng sinh thành, tôi đã “ba à, má ơi”. Bàn tay trái tượng trưng cho cha, bàn tay phải là mẹ. Tôi đã nâng niu hai bàn tay và áp hai tay lên ngực, nơi có trái tim vẫn đập rộn ràng, tung tăng một tình phụ mẫu tử y nguyên. Thím Tám, người đã tặng tôi vòng tay an ủi thân ái trong đêm cầu siêu đầu tiên cho mẹ tôi, đã có lần an ủi tôi như thế này : “Cha mẹ đâu có mất, cha mẹ vẫn còn trong từng tế bào của mình. Bàn tay trái tượng trưng cho cha, bàn tay phải là mẹ”. Vừa nghe câu ấy, lúc đó tôi như người tìm lại được vàng đã mất. Đâu phải, quí hơn vàng nhiều nhiều lắm. Với tình yêu, tình vợ chồng, tôi nghĩ cũng tương tự như thế. “Đôi mắt to đen láy tròn xoe của người vợ vắn số như có ánh chớp ấy đã hiện diện, hằn sâu vào tâm trí” và theo thi sĩ Hữu Loan suốt cả cuộc đời như ông đã tâm sự. Còn nữa, những trái sim đen nhánh, trái chanh mọng nước, trái ớt đỏ au… và tấm áo ngày xưa nàng đã vá cho chồng. Sim, chanh, ớt, đã chạy vào bao tử, ruột gan tim óc, thành máu luân lưu trong khắp cơ thể chồng rồi. Tấm áo sờn vải cũng nhiều lần thấm mồ hôi chồng. Áo tan hoại theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên, nguyên si trong lòng ai đó. Và, trong Ngày Xưa Hoàng Thị, Thi Sĩ Phạm Thiên Thư không đã một thời ôm chầm đê mê những kỷ niệm rực rở, dù là tình yêu đơn phương một người nữ với “vai nhỏ tóc dài, chân bước thênh thang, dáng lau lách buồn, tay nụ hoa thuôn”; được lồng vào một thiên nhiên trử tình:  “đường mưa nho nhỏ, có chim non dấu mỏ dưới cội hoa vàng, có chùm hoa được ngắt vội ép vào cuối vỡ. Đường chiều nắng úa với mây đỏ cuối đường”…sao? Dường như thi si Phạm Thiên Thư làm bài thơ nầy sau khi ông đã trỡ thành tu sĩ thì phải. Những kỷ niệm vàng son được chắt chiu nuôi dưỡng làm phong phú tâm hồn ta, không phải để hành hạ ta với những giọt lệ thầm, không phải để làm thương tổn cái hiện tại ta đã nhọc công gìn giữ vun bồi.

 

Vậy kẻ hậu bối nầy xin mạo muội đề nghị với nhị vị lão thi rằng thì là, nếu tình cờ quá khứ chợt hiện về như một ánh chớp, thì xin nhị vị cứ nhắm mắt lại mà  thầm gọi Ninh à, Ngọ ơi; Ninh ơi, Ngọ à. Hãy ngất ngư, ngất ngây với một-thời-đã-yêu-và-một-thời-đã-sống. Nhớ chút chút cũng đủ rồi, quá đủ. Vì chất nặng hơn lượng. Để một người thì không làm buồn lòng người hôn phối đầu ấp tay gối hiện tại, một người thì mau được giải thoát ra khỏi cái cõi ta bà đầy phiền não nầy. Nhỏ nầy tìm đỏ mắt một cái tên để “à ơi” mà có đâu để “ơi à”. Kiếm đâu cho ra trong cõi đời nay một trái tim yêu cuồng nhiệt làm chảy

lỏng đối tượng. Yêu thật thà không toan tính! Khó thiệt! Thiệt mà!

 

 

Lâm Kim Loan

(Tháng 10, 2007 )

 

Chú thích: Những chữ viết nghiêng là nguyên văn của thi sĩ Hữu Loan trong “ Hữu Loan va Hoa Sim”, báo Việt Luận, số 2200, 14-09-2007, trang 50 và 51.

Quý vị nào muốn đọc bài “ Hữu Loan va Hoa Sim” xin len Net dưới đây.

http://www.hatnang.com/showthread.php?t=22467
Và muốn xem: Huyền thoại Mài tím hoa sim thì bấm vào đây : http://phusaonline.free.fr/ButViet/GiaiThoai/HuuLoan/0_HuuLoan.htm

 

                                                                    

LÂM KIM LOAN

Kim Loan hay Lâm Kim Loan, quê miền sông nước Kiên Giang - Rạch Giá.

Sinh viên trường Thuốc Sàigòn rồi Sydney, hiện là Bác sĩ y khoa tại Cabrammatta, nơi đông đảo đồng hương ở Sydney.

Tham gia nhiều sinh hoạt về Văn hóa, Xã hội, Từ thiện ... trong Cộng đồng Việt tại Úc châu.

Lâm Kim Loan làm thơ, viết văn như một nhu cầu trong đời sống tình cảm của mình.

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.