.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Đọc hồi ký
"Nguyễn Tường Bách và Tôi"

  • 23.01.2008

 

Ở tuổi của tôi, những điều hiểu biết về Tự Lực Văn Đoàn không phải chỉ gồm trong sách vở. Qua những người quen biết, đã có những câu chuyện, những giai thoại chung quanh những nhân vật đặc biệt của lịch sử này. Cuộc sống của họ, trôi nổi theo những biến cố của đất nước và tôi nghĩ, nếu ở những lớp hậu sinh, nhìn vào đó sẽ gặt hái được nhiều kinh nghiệm. Số phận của những quốc gia nhược tiểu thường không nằm trong chủ quyền độc lập mà thường lệ thuộc vào những kế sách và âm mưu của những cường quốc…Việt Nam là một ví dụ cụ thể nhất.

Từ những khai phá về văn chương tạo thành một thời kỳ văn học rực rỡ, những thành viên trong Tự Lực Văn Đoàn còn là những nhà cách mạng và họ là những người hành động có mặt trong những thời kỳ đầy biến động của lịch sử. Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo,... không phải chỉ là nhà văn mà còn là chiến sĩ, là người đem lý tưởng của văn chương thực hiện trong cuộc sống.

Và một nhân vật, là một trong lớp bác sĩ Tây y đầu tiên của Đại Học Hà Nội, đã viết văn làm thơ từ khi còn trẻ, là chủ nhiệm tờ báo Ngày Nay, là em út trong gia đình bảy người con trong đó có những tên tuổi lẫy lừng: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, cũng là một khuôn dáng lịch sử, của những nhà văn mà cũng là những người cách mạng, đã hành động với lý tưởng đã ôm ấp từ thuở thiếu thời: bác sĩ Nguyễn Tường Bách.

Cụ Nguyễn Tường Bách sinh năm 1916 đến năm nay đã 92 tuổi. Tiểu sử của cụ là nhà văn, phụ trách tờ Ngày Nay bộ mới năm 1945, rồi tờ Việt Nam, tham gia đảng Đại Việt dân Chính rồi sau gia nhập Quốc Dân Đảng hợp nhất của Đại Việt cách Mạng Đảng và Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1946 lưu vong sang Trung Hoa và bị kẹt lại khi Mao Trạch Đông chiếm Hoa Lục và hành nghề bác sĩ đến năm 1988 mới cùng gia đình sang định cư ở Hoa Kỳ. Cuộc sống ấy, được cụ viết trong tập tiểu thuyết nhưng có phong vị của một tập hồi ký “Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn”.

Tôi vốn là đứa tò mò và luôn luôn muốn tìm hiểu xem những lớp cha anh của tôi đã suy nghĩ thế nào, đã sống như thế nào trong những thế thời lịch sử đã qua. Tôi độ chừng là từ chuyện kể của cụ Nguyễn Tường Bách sẽ tìm được những chi tiết lý thú cho cá nhân tôi và có khi cho độc giả nữa. Anh Duy Lam, vốn là cháu của cụ Bách đã sắp xếp để tôi có dịp được hầu chuyện với cụ nhân thể vấn an sức khỏe cụ bà luôn. Chúng tôi dự trù là sau tết âm lịch sẽ cố gắng có một buổi phỏng vấn mà tôi nghĩ sẽ tìm hiểu được nhiều điều từ bên trong lịch sử dân tộc cũng như lịch sử của văn chương cũng như nỗi niềm, tâm sự của người trí thức trước những ngã rẽ quanh co của thời thế.

Nhưng, tuần rồi, nghe tin cụ bà vừa từ trần. Tự nhiên, thấy có một điều gì buồn buồn, mất mát. Những chân dung con người ấy, rồi cũng phải mờ phai. Những cuộc sống ấy, rồi sẽ thành những câu chuyện kể của quá khứ. Đọc lại cuốn sách cụ vừa viết và xuất bản năm 2005 ”Nguyễn Tường Bách và Tôi“ như một cách thế tưởng niệm. Cuộc đời ấy, dường như cũng trôi nổi theo thời thế, cũng có niềm xót đau chung của một thế hệ. Trong suốt gần một thế kỷ, trải qua bao nhiêu là dâu biển, sự việc đã đổi thay đến chóng mặt, ngoài một yếu tố. Cái tình của người đối với người, cái sắt son của tình chồng vợ và tấm lòng yêu đất nước dân tộc và quặn đau theo những biến cố lôi kéo con người vào những hoàn cạnh đau thương. Nhưng, có một điều, là tinh thần lạc quan chan hòa trong hồi ký. Cái tinh thần của hướng đạo sinh cộng với nhân sinh quan đầy chất nhân bản đã giúp tác giả vượt qua được những thác ghềnh của cuộc sống…

Trong tác phẩm, tôi đã gặp một nhà văn Hứa Bảo Liên, với văn phong đơn giản, thành thật nhưng truyền cảm. Ở đó, tôi gặp lại mẫu người vợ, người mẹ tuy là ngươì Hoa nhưng lại mang tinh thần và suy nghĩ của người vợ, người mẹ Việt Nam. Bên cạnh người chồng, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, vẫn còn giữ mãi hình ảnh của người yêu lúc trẻ, tài ba, trí thức, yêu đất nước và đầy lý tưởng. Làm người kể chuyện, có những chuyện thật gay cấn, thế mà dưới cảm quan và cái nhìn của cụ, vẫn đơn giản, bình thường, chân thực nhưng chuyên chở được cảm xúc cũng như suy tư lúc đó.

Trong phần mở đầu “Mấy giòng tâm sự” cụ vẫn chân thành tâm sự:

“... Vì có nhiều người khuyến khích và cổ võ, nên sau một thời gian ôn về quá khứ, tôi mới cầm bút viết. Ban đầu tôi viết có vài ba chục trang” Một người chồng tốt, người cha tốt”. Nhưng sau đưa cho một số người thân đọc, thì họ đều cho rằng tôi viết quá ngắn ngủi, sơ sài, cần viết cụ thể hơn, nên thêm vào những nhân vật có quan hệ mật thiết mà tôi đã gặp và nên kể thêm về mình nữa.

Tôi đang cố gắng định viết, thì tai bay vạ gió, tôi mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, phải mổ và chữa chạy hơn một năm trời. Phải chạy điện, tiêm thuốc ròng rã thực là khổ sở. Nhìn những giọt thuốc từ từ rỏ vào mạch máu vì không muốn bỏ phí thì giờ trôi đi lãng phí, tôi cố gắng cầm bút, có khi ngồi, có khi nằm, nguệch ngọac viết. Tôi cố thuật lại những sự kiện đã qua, vì tôi nghĩ rằng có nhiều sự kiện chỉ có tôi biết mà thôi, anh Bách thì chắc chắn sẽ không viết, nếu tôi không viết ra thì phí mất. Cuối cùng, tôi viết ra được cuốn hồi ký nhỏ này, ít ra cũng là thành thực và khách quan…”

Viết trong hoàn cảnh đau ốm như vậy phải kể là người có nghị lực nhất là ở niên kỷ đã cao như cụ. Là người luôn sống với kỷ niệm và không bao giờ quên kỷ niệm, cụ bắt đầu thiên hồi ký của mình với một thành phố: Hà Nội:

“Ngay bây giờ, trong lúc đứng trên những mảnh đồi xanh mướt, hay những bãi cát vàng vô tận, gợn sóng bạc nhấp nhô của bờ biển Tây Thái Bình Dương Hoa Kỳ, tôi lại nhớ. Nhớ tha thiết tới những cánh đồng lúa tại ngoại thành Hà Nội, hay mặt nước xanh êm đềm của hồ Hoàn Kiếm hay hồ Tây mênh mang.

Hà Nội là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, là nơi mà tôi không bao giờ quên được, là nơi mà mỗi khi lưu lạc chốn nào trên thế giới, tôi vẫn thường nhớ tới. Vì quãng đời thơ ấu và tuổi trẻ của tôi, những ngày có bao nhiêu kỷ niệm tươi đẹp, nhưng vẫn pha lẫn bao u buồn, đều đã qua tại thành phố đặc biệt ấy... ”

Tác giả là con gái của một ông bang trưởng người Trung Hoa, nhưng sống gần gũi nhất và cũng là người yêu thương nhất là người bà và người mẹ. Tuy sống trong một gia đình giàu có nhưng hoàn cảnh của bà là tình cảnh của một đứa con lớn lên trong nhiều nghịch cảnh. Khi người bà và người mẹ mất đi, bà phải phấn đấu để cố gắng vượt qua những trở ngại trong gia đình. Ở ngoài xã hội, tác giả là một cô gái năng động, thích thể thao, có lý tưởng, yêu đất nước, dân tộc. Hè năm 1943, bà bị quân Nhật bắt giam vì tham gia vào những việc phản kháng. Sau được bảo lãnh và trả tự do cùng với sự cam kết sẽ không dính vào những vụ việc phản kháng nữa. Tác giả hay lui tới nhà thương Phủ Doãn và ở đấy đã gặp và quen biết với sinh viên Nguyễn Tường Bách học Y khoa năm cuồi cùng đang tập sự tại đây. Trai tài gái sắc, hai người trở thành một cặp tình nhân lý tưởng dù thời cuộc lúc ấy vô cùng rối ren, bom My thả khắp nơi, lại có nạn đói chết hàng triệu người ở miền Bắc, rồi quân Nhật đảo chính và sau đầu hàng Đồng Minh. Quân Tưởng vào miền bắc rồi rút đi, cuộc chiến tranh với Thực dân Pháp và cuộc chiến Quốc Cộng…

Bác sĩ Nguyễn Tường Bách đã tham dự vào những hoạt động chính trị với sự hăng say của tuổi trẻ. Làm chủ nhiệm báo Ngày Nay bộ mới với tôn chỉ của người Việt quốc gia, sau đó làm chủ bút Việt Nam Thời Báo, rồi chủ nhiệm tờ Việt Nam. Cùng với Khái Hưng và Hoàng Đạo, ông viết bài để đối chọi lại với tờ Cờ Giải Phóng cuiả Việt Minh lúc đó. Trong khi đó, tác giả Hứa Bảo Liên vừa đi dạy học và cũng vừa tập tành cầm bút và dịch từ Việt ngữ sang Hoa ngữ những bài viết trên Việt Nam và Việt Nam Thời Báo.

Năm 1946, tác giả sang học tại Đại Học Vân Nam ở thành phố Côn Minh. Ở đây tình cờ bà gặp lại những người quen biết của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Việt Nam chạy qua như Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo, Vũ Hồng Khanh, Xuân Tùng,... Và sau này bà cũng gặp lại bác sĩ Nguyễn Tường Bách từ Hà Khẩu chạy qua sau những ngày chiến đấu với Việt Minh.

“Chúng tôi gặp nhau trên đất xa lạ này, thực là không ngờ. Sự trùng phùng nhanh chóng nàylàm tôi không khỏi nghĩ đến nhiều khi người ta chỉ khác nhau ở một bước đi, mà cả cuộc đời đã thay đổi hẳn, Mấy tháng trước nếu tôi thay đổi ý kiến ở lại Hà Nội. Tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ đến những sự kiện có thể xảy ra- bắt bớ, tù tội do những kẻ ngạo mạn, điên cuồng! Sinh ly, tử biệt do chiến tranh bùng nổ! Lại rất có thể vì hoàn cảnh ác liệt, thời gian qúa xa xôi, đến khi có dịp gặp lại nhau, một sợi dây vô hình đã ngăn cản giữa chúng ta thì sẽ ra sao?

Cuối năm đó chúng tôi đã thành hôn với hình htức đơn giản, không thủ tục và cũng không có nhẫn cưới. Chỉ có lòng tin ở nhau, can đảm cùng bước vào tương lai còn mờ mịt... ”

Sau khi ở Côn Minh một thời gian, mọi người di chuyển về Quảng Châu cho gần Việt Nam hơn và tiện mọi việc liên lạc. Mọi người sống rất đạm bạc, lưu vong nhưng vẫn cố gắng hoạt động để mong ngày trở về. Giữa năm 1946, có một cái tang lớn, nhà văn Hoàng Đạo từ trần trên chuyến xe lửa từ Hồng Kông đi Quảng Châu và chôn cất ở bên đường. Trong lúc túng quẩn, tác giả phải là người đi chạy tiền để có ngân khoản lo liệu:

“…Tôi biết số tiền này rất cần, nhưng số tiền lớn như vậy, tương đương với hai lượng vàng, không biết có thể vay được hay không?Nhưng nay không còn htì giờ để nghĩ ngợi được nữa.

Lúc đó vào buổi trưa, trời nắng chang chang, giao thông lúc này cũng không tiện lợi. Ra tới bến tôi phải đợi tàu qua sông và đi bộ khá xa. Nhà cô ta ở phố buôn bán, lại cũng không biết bây giờ cô ta có ở nhà hay không?

Cô Bình là bạn thân của tôi khi còn ở Hà Nội. Vừa gặp cô tôi nói luôn việc tôi muốn nhờ. Cô bạn biết tính tôi, nếu không cần lắm, tôi không bao giờ vay mượn ai cả. Nên sau khi nghe tôi nói, cô bảo tôi ngồi chờ. Tôi thấy cô bận bịu chạy lên chạy xuống. một luc 1lâu cô đưa cho tôi một tập giấy bạc hỗn độn giấy lớn giấy nhỏ. Xem ra cô phải mượn tạm của mấy cô em dâu mới đủ. Tôi mừng quá, vội gài cẩn thận vào túi trong rồi vội vàng cáo từ ra về.

Khi về đến nhà đã gần tối, cả nhà đang chờ đợi. Sau khi trao số tiền cho anh Tam, tôi mệt lữ vì trong nửa ngày hôm nay tôi đã vừa đi vừa chạy không biết bao nhiêu cây số. Đó là chưa kể khi còn phải chờ đợi để chen chúc nhau đáp tàu qua sông... ”

Sau đó là tan tác. Phần đông mọi người trở về Việt Nam trong khi bác sĩ Nguyễn Tường Bách ở lại Trung Hoa và kẹt lại cho đến khi Hồng Quân Trung Hoa chiếm được cả Hoa Lục. Một cuộc sống mới được kể ra với sự chân thực của người kể. Bao nhiêu là biến cố: cải cách ruộng đất, công tư hợp doanh, tức phản, tam phản, phản phái hữu, công xã nhân dân nhảy vọt lớn, đại cách mạng văn hóa,... tất cả dược gói gọn trong những trang sách khiến độc giả từ những nhan đề khẩu hiệu lạ tai ấy biết được một phần nào chính tình Trung Hoa qua cái nhìn và cảm nhận của một người dân bình thường. Cuộc sống đầy những cái chết vô lý, những sự bất công và con người đối xử với nhau hành hạ nhau nhiều khi làmhạ thấp vị trí của con người xuống thnah con vật. Gia đình bác sĩ Nguyễn Tường Bách may mắn không bị bách hại gì nhưng cũng phải chịu chung đời sống nghèo đói thiếu thốn của mọi người. Tác giả thì dạy học, còn bác sĩ Bách thì làm ở nhà thương

cho đến khi về hưu. Năm 1988, sau hơn 40 năm sinh sống ở Trung Quốc, gia đình tác giả định cư ở Hoa Kỳ và hiện sinh sống tại Nam California.

Đọc xong những trang hồi ký, nghĩ về một người vừa từ trần, tôi thấy hình như mình vừa được nghe chuyện về một người vợ hiền, một người mẹ tốt. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có nhưng vẫn cố gắng học tập rèn luyện và luôn luôn nghĩ rằng thân phải tự lập thân và không nhờ cậy gì đến sự giàu có của gia đình. Với tinh thần phấn đấu của hướng đạo sinh, tham gia làm những công tác xã hội không quản thời giờ và tiền bạc cũng như thường giúp đỡ những người nghèo khổ kém may mắn.

Dòng dã gần cả một thế kỷ, đất nước Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu biến cố và những cuộc đời bị lôi theo con lốc ấy đã thành những cuốn hồi ký sống động. Trong văn học Việt Nam có qúa nhiều cuốn hồi ký nhưng phần đông đều viết với chủ ý ngoài văn chương, hoặc để phân bua bào chữa cho mình hoặc có dụng ý đánh bóng tự khen mình. Hiếm có cuốn hồi ký như “Nguyễn Tường Bách và tôi” của tác giả Hứa Bảo Liên. Qua cái tôi của tác giả, chúng ta thấy được những nét phác họa đời sống, sinh hoạt, suy tư, của chân dung Nguyễn Tường Bách. Và cũng ở đó, chúng ta nhìn thấy những nhân vật lịch sử đang sống, đang hoạt động như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, như Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, như Vũ Hồng Khanh, như Xuân Tùng… Họ sống lưu vong, vật lộn với đời sống khó khăn ở xứ Trung Hoa và luôn luôn hướng vọng về đất nước chờ một chuyến trở về.

Dù thiên hồi ký này viết với bút pháp đơn giản tự nhiên nhưng cũng có những đoạn tả tình tả cảnh khá lý thú. Những thành phố, những con sông không phải chỉ là đơn thuần những địa danh mà còn là nơi chứa đựng những kỷ niệm một đời mà khi tác gỉa tả lại hoặc nhắc đến là với cả tấm lòng gửi theo. Có lẽ tác giả đã viết bằng cảm xúc của trái tim mình hơn là lý luận của bộ óc suy tư.

Đời người dù dài hay ngắn đều cũng phải qua đi theo lẽ sinh diệt của đất trời. Nhưng, có những điều vẫn còn tồn tại. Đó là những trang sách, như một đóng góp cho đời, như trong hồi ký “Nguyễn Tường Bách và tôi” của cụ bà Hứa Bảo Liên. Xin cầu nguyện cho hương hồn cụ bà thong dong nơi đất Phật…

 

 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.