Những mảnh vụn,
Ngày ... tháng ...
Ngày… Tháng…
Cách
nay đúng 120 năm, ngày mồng một tết Mậu Tý (năm 1888), quan Đình
Nguyên Phan Đình Phùng đã khai bút bài thơ nói lên tâm sự của mình.
Nước thì bị quân xâm lăng dày xéo, nhà thì tan tác, lòng mang niềm
riêng canh cánh bên lòng. Bài thơ Mậu Tý Nguyên Nhật, được coi như
một áng văn thơ đánh dấu một thời suy vi của đất nước và cũng là nỗi
niềm của một nhà nho dấn thân vào con đường chiến đấu chống lại quân
xâm lược:
Lưu oanh đình ngoại ngữ hoa chi
Hoa báo xuân quy nhân vị quy
Bình Lĩnh bách niên tư nhật nhiễu
Hồng Sơn vạn lý vọng vân phi
Ngô gia hữu giáo căn trung hiếu
Khách địa vô tâm oán biệt ly
Giai tiết thị nhân hành lạc xứ
Ngã phùng giai tiết bất thăng bi
Bài phỏng dịch:
Oanh vờn hoa nụ ngoài hiên
Gọi bông thắm, nhắc mùa xuân vắng người
Trăm năm Bình Lĩnh nắng soi
Hồng Sơn muôn dặm ý vời thức mây
Nếp nhà trung hiếu đôi vai
Lòng không đất khách óan vời nỗi xa
Người vui năm mới lượt là
Bùi ngùi tết đến sầu ta một mình.
1888-2008. Hơn một thế kỷ mà sao đất nước Việt
Nam
vẫn còn tao loạn. 1888 thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, phong trào
Cần Vương cứu quốc bị tan rã thì nhà nho, quan Đình Nguyên Phan
Đình Phùng bỏ bút cầm gươm khởi nghĩa ở núi Vụ Quang tiếp tục công
cuộc chiến đấu. Ông là ngọn lửa cuối bừng lên sau khi vua Hàm Nghi
bị bắt và đày sang xứ Algerie và ông Tôn Thất Thuyết ôm hận vong
quốc ở xứ người như câu đối viếng nặng chĩu nỗi niềm tâm sự: Thù
nhung bất cộng đái thiên, vạn cổ phương danh lưu Tượng quân. / Hộ
giá biệt tầm tĩnh địa thiên niên tàn cốt ký Long Châu (Thù ngoài
không đội trời chung, muôn thuở tiếng thơm lưu Tượng quân / phò chúa
riêng tìm cõi thác, ngàn năm xương bạc gởi Long Châu).
Tình cảnh đất nước ngửa nghiêng như thế, nên ngày mồng một tết, có
để ý gì đến chuyện vui tết mừng xuân. Núi vẫn trăm năm nắng soi và
mây đùn muôn dặm, sao nơi đất khách lòng trống không của nỗi biệt ly
của niềm ai oán của người buồn nỗi thế thời...
Cụ Phan Đình Phùng là một hào kiệt của đất nước, văn võ song toàn.
Trong 11 năm chiến đấu, qua bao nhiêu chiến thắng với những tướng
tài dưới trướng như Cao Thắng, người đã chế tao được
khẩu súng trường tương tự như súng của Pháp nhưng đường sẻ rãnh
trong nòng ít sâu hơn nên đạn đi không được xa. Khi thượng tướng Cao
Thắng bị hy sinh, cụ Phan đã khóc và đọc những câu truy điệu:
“Thanh bửu kiếm mười năm sẵn có, đấng anh hùng dùi mài mãi không
thôi.
Áng nhung trường một phút như không, con tạo hóa ghét ghen chi lắm
thế
Nghĩa đồng ưu tưởng lại luống đau lòng
Tình vãn điếu nghĩ càng thêm rơi lệ...”
Có những câu ai điếu thống thiết khóc người anh hùng trẻ tuổi:
”Hữu chí phất thành, anh hùng dĩ hỷ
Vị tiệp tiên tử, thiên ý vị hà?
(có chí không thành, anh hùng thôi vậy
chưa thắng đã chết, ý trời ra sao)
Cao Thắng là một tướng tài. Ông tổ chức quân đôi có quy củ bắt chước
theo lối Âu Châu, được trang bị đồng phục và tinh thần rất cao, kỷ
luật nghiêm minh. Ông áp dụng chiến thuật du kích và làm quân Pháp
nhiều lần khốn đốn. Pháp mang quân đến đánh từ năm Quý Tị (1893)
đến năm Ất Mùi (1895) nhưng bị thiệt hại nhiều nên sai Hoàng cao
Khải viết thư dụ hàng nhưng không có kết quả. Sau đó sai Nguyễn Thân
làm Tiểu Phủ Sứ mang quân đánh dẹp. Thân là người tàn ác, bốc mồ mả
của thân tộc cụ Đình Nguyên để làm áp lực cũng như tính đa sát, giết
người như ngóe tàn bạo nên nghĩa quân dần dần bị thu hẹp vùng hoạt
động. Vì gian khổ nhiều năm thêm vì thế nước suy vi nên cụ bị mắc
bệnh tả lỵ mà mất...
Hồi nhỏ, tôi đã đọc hai bài viết, một dụ hàng của Hoàng Cao Khải và
một khẳng khái trả lời của cụ Phan Đình Phùng. Bây giờ đọc lại tôi
lại thấy rưng rưng niềm cảm xúc cũ. Hồi nhỏ, ở tiểu học, đọc những
bài học thuộc lòng của nhà thơ Đằng Phương, đọc bài viết “Hải
ngoại huyết thư“ của cụ Phan Bội Châu, hay bức thư trả lời của cụ
Phan Đình Phùng trong sách Tân Quốc Văn, một đứa trẻ mới hơn chục
tuổi đầu là tôi đã biết cảm xúc, đã biết nghiến răng căm hận kẻ bạo
tàn và kính trọng những anh hùng tiên liệt của đất nước. Tôi nhớ
câu câu mở đầu lá thư của Hoàng Cao Khải “Phan Đình Nguyên túc
hạ...” và tôi cũng nhớ những câu trả lời vừa thống thiết vừa cương
quyết của cụ Đình Nguyên. Có lẽ, những điều ấy đã gây ấn tượng rất
mạnh cho tôi và tôi hiểu rằng tôi đã yêu đất nước dân tộc tôi một
phần vì những chương trình giáo dục ấy.
Bây giờ, ở năm 2008, ở trong nước, học sinh vẫn còn học luân lý của
Mác Lênin, một thứ triết học ngoại ỉ lai không tưởng trong chương
trình giáo dục nên dường như đã quên đi công khó của tiền nhân. Với
chủ trương duy lợi, nên những gì có thể bán được dù linh thiêng thế
nào cũng không từ, kể cả lãnh thổ cha ông. Giặc thù phương Bắc lấn
chiếm lãnh thổ, ngang ngược, bất chấp công pháp quốc tế mà những tên
Cộng sản nắm chính quyền lại khiếp nhược hèn nhát không dám phản
ứng. Đến nỗi những người trẻ bày tỏ lòng căm phẫn cụng bị cấm đoán
biểu tình. Cái họa mất nước là do tinh thần hèn kém kiểu Lê Chiêu
Thống chứ nếu quyết liệt hành động bảo vệ biên cương như cha ông ta
đã làm bao nhiêu năm nay thì dân tộc chúng ta đâu có nhục nhã như
ngày hôm nay…
Ngày …Tháng…
Những
ngày cuối năm nay, tình hình thời sự có nhiều biến động. Chiến
tranh ở
Iraq
vẫn còn kéo dài và trong một thời gian ngắn khó có thể giải quyết.
Tình hình kinh tế thì nhiều viễn ảnh u ám, cán cân chi thu chênh
lệch, kinh tế trì trệ và Hoa Kỳ là một con nợ khổng lồ của cả thế
giới. Với người Việt Nam
thì biến cố Trung Cộng thành lập đơn vị hành chánh ở tại các quần
đảo Trường Sa và Hoàng Sa lãnh thổ của Việt
Nam
đã gây công phẫn trong dư luận. Thế mà, những người lãnh đao Cộng
sản lai không có một phản ứng nào mà trái lại còn cấm đoán những
người dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước và kiên quyết muốn hy sinh
để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Những tên bán nước trong Bắc bộ Phủ
có còn dám nhìn mặt tổ tiên những tiền nhân đã dũng liệt bảo vệ
giang sơn từ ngàn năm trước…
Tôi chợt nhớ những ngày đầu năm Giáp Dần tháng giêng năm 1974 khi
hải quân VNCH đã nổ súng bắt đầu cho một cuộc hải chiến bảo vệ vùng
biển tổ quốc. Lúc ấy, tình hình của đất nước chúng ta cũng đầy khó
khăn trên mọi lĩnh vực. Hoa Kỳ đang giảm dần viện trợ nên quân phí
bị thiếu hụt và mọi phương tiện chiến tranh bị giảm thiểu đến mức
tối thiểu. Trong khi đó, Cộng Sản Bắc Việt lại được viện trợ mạnh mẽ
hơn bao giờ hết của những nước Cộng sản và dồn toàn lực vào cuộc
chiến với thế thượng phong rõ rệt. Thế mà, khi Trung Cộng xâm phạm
lãnh hải, mặc dù hải quân của chúng ta yếu hơn, tàu chiến cũ hơn,
nhưng vẫn có những hành động tức khắc để phản ứng chống lại. Cuộc
chiến ấy chấm dứt với hơn 60 tử sĩ trong đó có Hải Quân Trung Tá
Ngụy Văn Thà hạm trưởng của hộ tống hạm Nhật Tảo. Đó là một niềm đau
thương của dân tộc nhưng cũng là niềm tư hào của những người con hy
sinh cho tổ quốc biểu hiện.
Tôi nhớ lại những ngày ấy khi tôi làm việc ở phi trường Biên Hòa ở
các phi đạo F5. Không lực VNCH có 6 phi đoàn xử dụng phi cơ phản lực
F5 mà 5 phi đoàn ở Biên Hòa và một phi đoàn ở Đà Nẵng. Khi trận hải
chiến xảy ra, trước sự cố có thể xảy ra là không quân Trung cộng có
thể can thiệp thì đơn vị trách nhiệm những trận không chiến phải
là các phi đoàn F5.
Chúng tôi đã sửa soạn cho trận chiến ấy trong nhiệm vụ của mình. Dự
trù cho một biệt đội ra Đà Nẵng để lo việc bảo trì cho các phi cơ
F5E những chuyên viên khá nhất được chọn kể cả nhân viên vũ khí và
phi đạo. Các bình xăng phụ được chuyển ra Đà Nẵng vì đó là một cơ
phận cần thiết để tăng tầm hoạt động cho phi cơ. Phi cơ F5E trang bị
2 hỏa tiễn không đối không Sidewinder và một đại bác 20 ly cũng được
các chuyên viên vũ khí sẵn sàng. Phi cơ F5E có hệ thống radar cũng
được kiểm soát lại để sẵn sàng cho những phi vụ nghênh cản. Chúng
tôi sửa soạn trong cái không khí của những người con dân đất Việt có
dịp góp một phần nhỏ trong trách nhiệm bảo vệ vùng biển và vùng trời
của đất nước.
Tôi có tham dự vài cuộc họp ở các phi đoàn và thấy rằng ở đó các phi
công Việt
Nam
đã biểu tỏ một tinh thần yêu nước thật cao độ. Khi Bộ Tư lệnh Không
Quân hỏi về khả năng của các phi đoàn thì câu trả lời là dù có yếu
thế nhưng không thể bó tay dâng đất dâng biển cho địch. Họ cũng có
một chút phân vân về khả năng giới hạn của phi cơ F5E nhưng ai ai
cũng đều hãnh diện với gánh nặng mà tổ quốc đã giao phó. Câu hát của
Không Quân VNCH như “lúc quốc biến bao người con thân yêu ra đi,
tiếc tấm thân mà chi...” được hát với cái sôi nổi nhiệt tình của
tuổi trẻ. Bây giờ nhớ lại, cá nhân tôi cũng lây chút bồi hồi. Quân
lực chúng ta yếu hơn nhưng vẫn không quên gương sáng của tổ tiên đã
ngàn năm bảo vệ lãnh thổ không mất một tấc đất cho quân phương bắc
xâm lược. Dù cuộc chiến không xảy ra theo những dự trù nhưng tới bây
giờ tôi và những đồng ngũ của chúng tôi vẫn hãnh diện vì đã có dịp
đứng dưới cờ để phục vụ cho đất nước và dân tộc….
Ngày xưa, tổ tiên chúng ta với danh tướng Lý Thường Kiệt đã có bài
thơ hào hùng
Nam
quốc sơn hà nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành kham thủ bại hư”
Thì bây giờ, lẽ đâu chúng ta không còn ngôn ngữ nào để biểu lộ tinh
thần yêu nước quên mình hy sanh hay sao?….
Ngày … Tháng…
Bài viết tháng trước có đoạn viết về nhà thơ Bùi Chí Vinh đang ở
trong nước đã có người để ý đến. Trong một lần nói chuyện với Cao
Xuân Huy, tác giả Tháng Ba Gãy Súng, anh cũng bầy tỏ lòng ưa thích
những bài thơ của Bùi Chí Vinh. Anh cho rằng, làm thơ mà cứ theo
đúng đường lối như phần đông các nhà thơ trong nước thì thơ đâu có
còn là thơ nữa. Anh cười rung hàng râu mép rậm khi nhắc về thơ Bùi
Chí Vinh và còn cho biết trước năm 1975 Bùi Chí Vinh là một người
lính Nhảy Dù của QLVNCH. Và anh kết luận “Vì có mang trong người cái
máu Nhảy Dù của mình nên mới làm thơ… ngon như vậy đó..” Thực tình
tôi không biết chuyện ấy có thực không nhưng trong dòng thi ca phần
đông đều chảy xuôi mà có những bài ngược chiều thì chắc phải là gây
được sự chú ý.
Khi Minh Thi hỏi Bùi chí Vinh : “Đôi khi ông tự ví mình là cọng
rác. Điều ấy có ý nghĩa gì trong thơ ông?” trong bài phỏng vấn thì
chàng thi sĩ đã trả lời:
“Đó là sự thực. Trong tình thế văn chương lúc này không phải là lúc
“tham chính” mà phải chọn đứng bên lề để “văn dĩ tải đạo”. Nếu chọn
sự nổi tiếng bằng những bài thơ minh họa cao cấp có tính “quốc
doanh” thì tôi xin từ chối để làm một thi sĩ nhân dân đúng nghĩa
hơn. Tôi làm thơ như một thứ ghi chép thời sự bằng năng khiếu riêng.
Làm một cọng rác thơ như thế thiết tưởng cũng xứng đáng làm
người..”
Có một bài thơ của Bùi Chí Vinh mang tính thời sự như thế. Bài ”Suy
nghĩ về thần đồng văn chương Adora”, với những suy nghĩ đi sâu vào
sự kiện thực tế để tìm ra được những ẩn số của cuộc sống hay, nói rõ
hơn là những phần giả trá của một cuộc sống xã hội sa sút đến không
ngờ…
“Ngày 15 tháng 11 năm 2007 báo chí loan tin
“Hàng trăm học sinh Việt
Nam
giỏi tiếng Anh đón chào thần đồng Adora người Mỹ”
Adora Svitak tuổi lên mười
Sản xuất tập truyện
Nhưng
Ngón
Tay
Bay
đầy giá trị
Những
Ngón
Tay
Bay
của thần đồng huyền bí
Bay từ giấc mơ đất nước nhà giàu
Những
Ngón
Tay
Bay
biến thành hàng tiếp thị
Xoa dịu vỗ về xứ sở chiêm bao
Những Ngón
Tay
Bay không thể điều trị bệnh ho lao
Con nít xóm nghèo vẫn mỗi ngày viêm phổi
Những
Ngón
Tay
Bay
không dựng nổi nhịp cầu
Cầu Cần Thơ vẫn trong cơn hấp hối
Những
Ngón
Tay
Bay
được soi đường dẫn lối
Để bắt tay lựa chọn bạn bè
Bắt tay trường quốc tế, trường chuyên, trường quý tộc
Công tử nhi đồng, tiểu thư nhí xun xoe
Tội nghiệp Adora đeo kính cận cười toe
Nụ cười toét miệng không phân ranh quốc tịch
Nụ cười y chang các đứa bé vỉa hè
Bán vé số, bán hàng rong rách đít
Những
Ngón
Tay
Bay
trở nên cổ tích
Khiến chúng sinh quên hết chuyện hoang đường
Chuyện tham những, chuyện bất công, chuyện mất nhà mất đất
Chỉ còn chuyện loài người ôm giấc mộng văn chương
Những
Ngón
Tay
Bay
làm thế giới gần hơn
Nhưng cũng làm thần đồng Adora xa lạ
Nếu Adora sinh trưởng ở Việt
Nam
Chắc chắn cô bé sẽ vô chùa quét lá
Ở xứ sở vàng bị chôn dưới đá
Phù Đổng vươn vai đã bị đụng trần
Những
Ngón
Tay
Bay
lết bò vì cơm áo
Thiên tài làm gì có chỗ cõi phù vân?”
Bùi Chí Vinh muốn nói gì với cả cái thế giới giả trá chung quanh mà
thực tế được che đậy bằng những chiêu bài hào nhoáng? Có phải chế độ
này muốn tạo ra những giấc mộng văn chương để làm lu mờ và quên lãng
đi những chuyện tham nhũng bất công, những khiếu kiện dân oan mất
nhà mất đất ? Tôi đã tự hỏi mình khi đọc những câu thơ ấy. Và cảm
thương cho dân tộc chúng ta, trong một thời đại điêu linh ngặt
nghèo…
Ngày …Tháng…
Nhìn vào văn học trong nước, sẽ thấy những hiện tượng nào và sự kiện
nào nổi bật? Cuối năm, tôi đã đặt câu hỏi ấy cho nhiều người cầm bút
để tìm tòi được những kết luận mà mình thấy thích thú. Bây giờ, câu
hỏi ấy lại đến với tôi và, tôi cũng gắng trả lời theo những điều
mình biết. Mà, khổ thay, những điều ấy phần đông là học lóm được
trên sách vở hoặc trên internet. Với tôi, hiện tình văn học trong
nước là một đề tài hấp dẫn.
Nếu nói có nhiều sự kiện thì về văn học ở trong nước có nhiều sự
kiện nổi bật. Hình như ờ trong nướp cái từ ngữ “đổi mới“ dường như
được xử dung quá tải, ở chỗ nào, phương diện nào cũng đều muốn “đổi
mới“ kể cả trong lãnh vực văn học.
Như trong vụ án Nhân Văn Giai phẩm, bây giờ cũng muốn đổi mới nhận
định nhưng là một cuộc thay đổi nửa vời, chẳng ra ngô ra khoai gì
cả. Giải thưởng Nhà Nước về văn học nghệ thuật đợt ba năm 2006 được
công bố có tên các nhà văn thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm : Phùng
Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm trong khi những dòng chữ, những
bài viết buộc tội, xỉ mạ còn chưa ráo mực. Hai người được giải là
Phùng Quán mất năm 1995 và Trần Dần mất năm 1997, còn hai người còn
lại là Hoàng Cầm, 86 tuổi và Lê Đạt, 80 tuổi. Không hiểu trao giải
như thế có muộn màng không? Nhất là tên những người đoạt giải không
có Hữu Loan, một nhà thơ kiên cường bất khuất ”Cái hồi ấy, ai
cũng tôn vinh ông Hồ nhưng mà riêng tôi, tôi bới, chửi luôn ngay
trước Đại Hội. Cái bữa tôi bới như thế, giới phụ nữ hoan nghênh lắm.
Họ mang đến bao nhiêu là hoa đến tặng, để đầy cả cái bàn của tôi và
nói rằng “Cái người nói thẳng, nói thật như ông là nên sống để cho
dân nhờ còn cái loại ăn điêu nói hớt thì nên chết lãng bay đi”
Hữu Loan có lần trả lời cuộc phỏng vấn của đài RFA đã nói như thế.
Thanh Thảo một người trong ban tuyển chọn đã thấy kết quả bình chọn
cho giải văn học có tên Hữu Loan nhưng giờ chót lại bị gạt ra lý do
không rõ. Nhưng mọi người đều hiểu ngầm rằng rằng chính quyền làm
sao trao giải thưởng cho một người bất khuất như thế.
Nhà văn Đỗ
Chu
thì cho rằng giải thưởng này là một lời xin lỗi đối với những sai
lầm đã qua cho những người đã chịu nhiều oan khuất. Nhưng chưa hẳn
là vậy khi trong đám tang của ông Nguyễn Hữu Đang. Một đại diện
chính quyền vẫn còn nêu những sai phạm của người đã chết trong bài
ai điếu trong thời gian mắc sai lầm khi tham gia vào nhóm NVGP. Tới
bây giờ, họ vẫn coi nhóm NVGP là những người có tội…
Năm vừa qua ở trong nước đã in lại sách của nhà văn Lê Xuyên và
Dương Nghiễm Mâu. Phạm Xuân Nguyên đã cho rằng việc tái bản những
tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu nằm trong ý nghĩa ấy, là công nhận sự
hiện hữu của nến văn học mà trước đây đã bị khai tử và bôi xóa bởi
những người đã cưỡng chiếm được miền
Nam.
Ông đi sâu vào việc phân tích những tác phẩm đã tái bản từ Nhan Sắc
đến Cũng Đành, và tử Đôi Mắt Trên trời đến Tiếng Sáo Người Em Út.
Những tính chất như tâm trạng day dứt dằn vặt của người trí thức
trước cuộc sống, cũng như chất nhân bản rất người trong văn phong
giản dị nhưng chĩu nặng suy tưởng. Phạm Xuân Nguyên kết luận :
“...Trong nền văn chương Sài Gòn trước năm 1975, Dương Nghiễm Mậu có
vị trí khá đặc biệt nhờ ở văn tài của ông. Ông viết không ồn ào thị
trường, không thời sự nhất thời, nhưng lặn sâu vào bề trong của con
người và bề sâu ngôn ngữ và ma lực của ngòi bút ông khiến ai đã đọc
thì không thôi ám ảnh. Văn nghiệp Dương Nghiễm Mậu ngoài truyện ngắn
còn có những tiểu thuyết gồm nhiều tác phẩm trong đó có những tác
phẩm rất đáng chú ý. Tuy nhiên vì nhiều lý do khó có thể chọn lọc để
in lại hết. Còn in lại truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu là lựa chọn
chính xác. Từ đây, có thể hy vọng trong tủ sách này của nhà xuất
bản Văn Nghệ và Công ty văn hóa Phương
Nam
sẽ tiếp tục cho ra những cuốn khác có giá trị văn chương của các
tác giả khác. Văn chương dân tộc Việt
Nam
thế kỷ XX đang cần được kiểm kê đầy đủ ngõ hầu một bộ văn học sử thế
kỷ này sẽ được viết ra trung thực với lịch sử.
Nhưng có nhiều dư luận phản ứng bất đồng. Như bài viết ký tên cô
giáo Lê Anh Đào kết án truyện của Dương Nghiễm Mậu thú vật hóa con
người và lưu manh hóa hình tượng văn học. Vũ Hạnh trong bài viết
đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày
22/4/2007
”Đâu là tiêu chí của người xuất bản” đã phê phán kịch liệt. Giọng
văn thô lỗ áp đặt của một loại công an văn hóa viết lấy được của một
người cầm bút nằm vùng đã biểu hiện cho một khuynh hướng mắt mù tai
điếc không cảm thấy được những biến chuyển của dân tộc. Vũ Hạnh kết
án truyện của Dương Nghiễm Mậu phản động và sách của Lê Xuyên thì
đồi trụy, Và cái bản đồng ca từ ba chục năm nay lại nhai lại. Nào là
phương tiện của chủ nghĩa thực dân mới nhằm tha hóa giới trẻ để họ
chồng lại “cách mạng”, nào là văn nghệ thời ấy cũng độc hại không
kém bom mìn tàn phá đất nước. Vũ Hạnh viết :
“... Gần đây trên một vài tờ báo có đăng bài viết của nguyên Thủ
Tướng Võ Văn Kiệt nội dung như thế, bởi sự cảm thông đoàn kết để sớm
đưa đất nước phát triển vươn xa. Theo tinh thần ấy, có thể sẽ có sự
xem xét lại kho sách của ông Nguyễn Hiến Lê đều được in lại với khối
lương lớn, dẫu tác giả chưa đến với cách mạng một ngày và nội dung
của đa số sách Nguyễn Hiến Lê vốn là sách dịch chứa nhiều quan niệm
tư sản.
Ngay cả tác gỉa hiện sống ở Mỹ như Nguyễn Mộng Giác vẫn có sách mới
in tại quê nhà, đó là Sông Côn Mùa Lũ do chính Trung Tâm Quốc Học ở
thành phố này kết hợp với nhà xuất bản Văn Học Trung Ương ấn hành
cách đây độ chừng mười năm. Như thế, để khẳng định rằng chúng ta
không hề có thành kiến nào đối với văn học thời cũ hay là văn học
nước ngoài của các Việt Kiều mà điều chúng ta bận tâm là những sản
phẩm văn hóa như thế đã đem lại lợi ích gì cho xã hội này?”
Hình như, Vũ Hạnh có bộ óc méo mó và hay quên, khi cố ý hay vô
tình? Thí dụ như sách của tác giả Nguyễn Hiến Lê được in có Hồi Ký
NHL. Nhưng chỉ in những phần chung chung còn cả một phần lớn tác giả
phân tích về tình trạng xã hội miền
Nam
rất chính xác thì lại bị cắt bỏ. Phần nhận định ấy được in ở hải
ngoại trong bộ ba cuốn mà cuốn thứ ba như một bản cáo trạng xác thực
và hùng hồn của một nhà trí thức dù trước đây đã tỏ ra có cảm tình
nhiều với chế độ cộng sản.
Một người trong cuộc có sách được tái bản có phản ứng ra sao, tôi
đọc bài viết của Nguyễn thị Lan Anh để mường tượng ra Dương Nghiễm
Mậu trong hoàn cảnh ấy:
“... Nghe và đọc hết một lượt các bài góp ý phê bình hiện tượng
tái bản sách của các nhà văn trước năm 1975, mà cụ thể của Dương
nghiễm Mậu, tôi nhắc điện thoại Bố ơi, người ta mắng bố ghê quá. Con
sợ... Bên kia đầu giây, giọng đàn ông trẻ trung đầm ấm ”Không sao
toàn cái bên lề có gì mà sợ” Giọng điệu như vậy mà bảo là không sao.
Con lên chở bố đi cà phê thấy sự thực bố “không sao“ mới tin. Ừ thì
lên! Chỗ cũ ấy, nhớ không?..”…
Ngày …Tháng…
Xuân sinh hạ trưởng thu liễm đông tàng. Cái vòng sinh hóa và sinh
diệt ấy cứ hoài hoài tái diễn. Ước vọng thì còn nhiều, mà bàn tay và
trí óc thì hữu hạn. Tuổi già đến nơi, cái tuổi sáu mươi lừng lững,
cái tuổi sáu mươi của một chu kỳ mới, có phải? Thời gian, sao như ở
mộng du:
Đốt thời gian đốt không gian
Trốn trong góc chật dặm ngàn chưa qua
Đốt dĩ vãng đốt đời ta
Mực hoen máu đỏ vỡ òa tâm tư
Đốt lịch sử lửa phần thư
Bình minh ngùi chốn mộng du một mình
Đốt tâm thức củi hư vinh
Cắt da thịt nuối tính tình hổ ngươi
Đốt kỷ niệm chuỗi môi cười
Gọt rơi bào ảnh giọt mời trối trăn
Đốt lòng dạ lửa phần căn
Bến bờ có lạ chỗ nằm yên nơi
Đốt thiên tải những kiếp người
Thiên thần ác quỷ chỗ ngồi mù không
Đốt năm tháng mãi chưa xong
Sợi dây quẩn kiếp lưu vong không cùng…”
|