.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Lê Văn Trương,
tiểu thuyết của triết lý người hùng

  • 12.04.2008

Lê văn Trương (1906-1964), một tiểu thuyết gia đã viết tới gần 100 tiểu thuyết, người viết văn trong thời kỳ 1935-1940 một thời lừng lẫy làm mưa làm gió trên văn đàn. Trong văn học Việt Nam, thời tiền chiến là một thời kỳ thành đạt nhất với nhiều đóng góp đáng kể của Tự Lực Văn Đoàn và các nhà văn không tập hợp thành nhóm như Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trong Lư, Vũ Hoàng Chương... và Lê Văn Trương. Ông là thần tượng một thời và có nhiều ảnh hưởng mà cái triết lý người hùng của ông đã thuyết phục và lôi cuốn đông đảo độc giả. Tuy vậy, ông không được đánh giá cao lắm trong giới các nhà phê bình văn học. Trong “Nhà văn hiện đại” Vũ Ngọc Phan nhìn ngắm ông từ môt chân dung ít thiện cảm.

Trong “Sống và viết“ nhà văn Nguyễn Ngu Í đã viết như sau:

”… Tôi nhìn ảnh anh, thời tiền chiến, cách hai mươi hai năm. Trong “Nhà văn hiện đại‘ của Vũ Ngọc Phan, quyển tư, tập thượng. Tôi bỗng nhớ lại lời anh Vũ Hoàng Chương mới đây: “Vũ Ngọc Phan đã quá nặng tay với Lê Văn Trương’ Nhà văn hiện đại” ấy đã nâng cao vài người mà cũng đã hạ thấp đôi người”. Tôi lướt mắt qua mấy cuốn tiểu thuyết của anh tôi vừa tìm đọc lại : Cô Tư Thung, truyện dài đầu tay của anh, do nó tôi bắt đầu làm quen với anh, đúng ba chục năm về trước. Một Người, Tôi Là Mẹ, quyển anh thích nhất, mà tôi đã từng say sưa đọc; cuộc phỏng vấn anh trong Bách Khoa, về quan niệm sáng tác, mà đây cũng là đoạn kết:

Tôi hỏi anh câu cuối,

Người ta cho rằng những anh hùng anh tạo ra là những anh hùng rơm, chỉ có tài nói huênh hoang. Anh có giận không?

Anh lắc đầu, tỏ vẻ không thừa sức đâu mà giận.

- Những người ấy họ sống ít, sống hẹp, sống cạn chớ thật ra, những người anh hùng ngoài đời mà tôi được gặp, họ còn có những hành vi, cử chỉ anh hùng gấp muôn lần những anh hùng trong tiểu thuyết của tôi…”

Nguyễn Ngu Í viết bài phỏng vấn này năm 1965, đến năm nay, 2008, đã hơn bốn chục năm. Bây giờ, tôi ngẫm lại lời nói của nhà văn Lê Văn Trương thấy có điều xác thực. Đã trải qua nhiều cảnh ngộ của cuộc đời, bản thân tôi đã từng mắt thấy tai nghe nhiều thảm kịch trong cuộc sống, và đã gặp biết bao nhiêu người trong những trường hợp ngặt nghèo mà vẫn vươn lên, với sức mạnh tâm linh bền bỉ để vượt qua được những chông gai của cuộc nhân sinh. Người hùng ở thời đại này nhiều lắm. Qua những cuộc đổi đời, những quay cuồng thời thế, chúng ta đã thấy những người với nghị lực vô biên đã đứng vững được. Không hẳn họ là những anh hùng thời chiến với những công trận lẫy lừng, mà có khi họ là những bà mẹ, sau năm 1975, chồng bị cải tạo, một nách bầy con thơ dại, mà vẫn tảo tần hy sinh thăm nuôi chồng, dạy dỗ con ăn học. Họ đi vào cuộc chiến đấu ngàn vạn lần khó khăn hơn những chiến sĩ ngoài sa trường.

Tôi nhớ khi còn ở trại tị nạn đảo Galang đã gặp một ông già người Hoa, tối tối cõng đứa cháu trên vai đi lang thang. Hỏi ra, thì mới biết cả toàn gia đình hơn bốn chục người vừa dâu rể vừa cháu nội ngoại đã bị chìm thuyền ở Mã Lai chết tất cả chỉ còn sót lại hai ông cháu. Ông già đã nói với tôi rằng vì đứa cháu nên phải gắng sống để nuôi nấng nó chứ thật ra rất chán đời không muốn sống cô đơn lủi thủi như vậy. Mỗi buổi tối, khi từ chỗ xem truyền hình về, hình ảnh một ông già lủi thủi cõng đứa cháu về chỗ ngủ thấy đứt ruột làm sao. Mười mấy năm sau tôi gặp ông ở chợ Tàu Los Angeles, được biết là đứa cháu đã có vợ có con và ông đã kể lại cả một thời gian cực nhọc để nuôi đứa cháu mồ côi nên người. Tôi nghĩ, đó là một hình ảnh người hùng mà tôi khâm phục. Và, trong cuộc sống này, những người hùng như thế nhiều lắm…

Người hùng của Lê Văn Trương có thể là Vượng trong “Người anh cả” đã hy sinh đời sống cá nhân mình từ danh vọng, tình yêu, tiền bạc để nuôi dưỡng bảo bọc mấy đứa em học hành đến nơi đến chốn và thành những người hữu dụng trong xã hội. Vượng đã nói : ”lòng kẻ làm anh phải rộng như bể. Làm anh là tất cả một nghệ thuật... Đại phàm trong gia đình lỗi của con em thì cha anh phải nhận lấy. Có cái can đảm nhận lấy như thế thì mới có đủ cái lòng để dìu dắt con em...” Tình cảnh của người anh cả, cha mẹ mất sớm, phải một mình mang gánh nặng dìu dắt nuôi nấng một đàn em đòi hỏi sự hy sinh không cùng. Anh chỉ là một thư ký của một sở tư nên rất hạn chế về tiền bạc hy sinh giật gấu vá vai mới nuôi nổi một đàn em ăn học. Về sau các em thành đạt giàu có, tuy có cuộc sống đầy danh vọng tiền bạc nhưng lại ruồng rẫy bỏ mặc người anh lẻ loi già yếu nhưng Vượng vẫn không chút gì oán giận.

Hay mẫu người hùng cũng có thể là Vân trong “Tôi là mẹ”, vợ của Vĩnh. Vĩnh làm chủ đồn điền buôn bán thua lỗ bị phá sản phải đi buôn lậu để có tiền cứu vãn lại cơ nghiệp nhưng bị giết ở giữa rừng trên con đường qua Xiêm. Vân góa chồng năm 21 tuổi, một nách ba đứa con mà cương quyết từ chối lời cầu hôn của một y sĩ say mê sắc đẹp mình, trung thành suốt đời với hình ảnh của người chồng quá cố và không lúc nào quên lời trối trăn của người chồng là Vĩnh để can đảm nhận lãnh trách nhiệm làm mẹ và nuôi dưỡng dạy dỗ con nên người. Nhân vật “Tôi là mẹ “cũng đã nói; ”Mình phải vì các con mà can đảm, cái đời chúng ta bây giờ không kể đến nữa, Chỉ kể cái đời của chúng nó…”. Trong đời sống của người tị nạn, những mẫu người hùng như vậy không phải là hiếm có.

Với những lớp tuổi lớn hơn lớp tuổi chúng tôi chừng hai ba thập niên, như tác giả Nguyễn Ngu Í thì nhà văn Lê Văn Trương cũng có nhiều ảnh hưởng. Tác giả “Sống và Viết “đã thổ lộ:

“mà những kẻ bị đời rẻ rúng xem thường như cô gái buôn hương bán phấn, cậu em bán báo, cũng có thể thành người cho ta đáng quí trọng. Thế hệ của chúng tôi đã không thể như cha ông hành động như những anh hùng Lương Sơn Bạc, như Quan Vân Trường, như Đơn Hùng Tín, cũng không thể như lớp đàn anh đua đòi theo các nhân vật quá ẻo lả của Từ Trẩm Á, của Song An, hay quá phi thường như Bách Si Ma, Hoàng Ngọc Ân, thì những người hùng của anh đến, thật hợp cảnh hợp thời.

Trách sao chúng tôi không say sưa, không vồ vập và cố noi gương.

Anh đã dạy chúng tôi biết bất bình, không an phận, khinh phú quí giàu sang tội lỗi, trọng gian nguy nghèo khổ thanh cao và nhất là không chấp nhận cái hèn, cái hèn hạ thấp con người, cái hèn làm nhục dân tộc. Và nhờ anh mà hai câu thơ này của Phạm ngọc Khuê được phổ biến và làm châm ngôn cho một số người:

Lấy chí ngang tàng và lòng quyết thắng
Làm hơi rượu mạnh để say sưa”

Đó là với thế hệ trước còn với thế hệ chúng tôi thì trong hoàn cảnh chiến tranh cũng như ảnh hưởng các trào lưu văn học từ phương Tây nên tiểu thuyết của ông ít được đón nhận hơn. Nhưng với riêng tôi, thì lúc học tiểu học và bắt đầu lên trung học, tôi đã đọc những “Anh em thằng Việt” hay “Hai đứa trẻ mồ côi” với cái say sưa của tuổi mới lớn và nhiều khi bắt chước theo những nhân vật này. Tôi thích những nhân vật của tuổi thơ mà đầy chất anh hùng hy sinh thà chịu thiệt thòi nhưng không làm những điều mà mình thấy không đúng. Như thằng Việt, nghịch ngợm, thông minh nhưng luôn luôn bênh vực che chở em và trong con người lúc nào cũng tiềm tàng ý hướng chỉ huy lãnh đạo. Hay như hai cậu bé mồ côi, từ đánh giày qua bán báo, tuy nghèo khổ nhưng lương thiện và cầu tiến, từ không biết chữ đã tự học để đọc và viết thông suốt. Những nhân vật ấy đã tạo hình một cách tự nhiên trong tôi thành những cá tính mà mãi về sau nhiều khi nghĩ lại vẫn thấy những ảnh hưởng. Trong cuộc đời tôi, trải qua khá nhiều thăng trầm nhưng cái triết lý người hùng ấy dù có lúc thấy hơi cải lương nhưng không phải là không tác dụng. Có thể nó giúp tôi có thêm bản lĩnh để đối mặt với đời… một cách gián tiếp.

Đọc lại những tác phẩm của Lê Văn Trương, những cuốn sách mà nhiều người cho rằng độc giả của nó thời đó phần đông là bình dân, tôi thấy tiểu thuyết của ông có nét lôi cuốn ở trong. Có thể ông là một người kể chuyện dễ dãi ít lưu tâm lắm về kỹ thuật và chú trọng về lượng hơn là về phẩm. Nhưng trong những tiểu thuyết ấy tôi tìm được rất nhiều cá tính của những nhân vật mà người ta tưởng là hiếm hoi trong đời thường mà thật ra lại có nét sống động của những mẫu người đang sống và đang hành động. Những chân dung ấy có da thịt não tủy của con người thật, và tác giả đã viết với ý hướng của một người luôn luôn đặt mình vào sự lạc quan và tin tưởng vào bản lĩnh cũng như những ý hướng dù có hơi lý tưởng một chút của mình. Tiểu thuyết của ông, dù là những truyện phiêu lưu mạo hiểm, cũng không phải chỉ là thuần tưởng tượng. Cuộc đời của ông cũng có những lúc vào trường hợp như thế. Thăng trầm trong cuộc sống đã tạo ra những cảm giác mạnh trong tiểu thuyết ông. Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn ấy tiếc thay lại có lúc luận thuyết dài dòng khiến diễn tiến truyện bị chậm đi dù ông kể những truyện mà mình đã trải qua, đã sống với đầy đủ những cảm giác thật, những suy nghĩ thật.

Cuộc đời của Lê Văn Trương không phải là đời của một người bình thường. Ông sinh năm 1906, năm 20 tuổi thi đỗ vào ngạch chuyên viên bưu điện sang làm việc ở Nam Vang, rồi tới Monkolboray làm chủ sự nhà Dây thép ỏ nơi này để nối đường dây Battambang- Bangkok. Chính ở nơi này ông quen biết với giới giang hồ, buôn lậu và nghiên cứu để sau này thực hành những công việc ấy. Bốn năm sau, chán nghề công chức, ông bỏ việc làm và cùng gia đình đến Lovea ở Battambang bên Cao Miên lập đồn điền, rồi làm thầu khoán để làm đường sắt tàu hỏa nối liền Nam Vang và Battambang. Trong ngày khánh thành con đường này, ông là thương gia đầu tiên đã chở mười toa trâu bò trong chuyến tàu đầu tiên nối liền hai thành phố này. Ông cũng làm rất nhiều nghề ở Cao Miên, và trong đầu óc đã manh nha ý tưởng viết văn và say mê đọc sách khi rảnh rỗi. Ông thường hay tổ chức những hội săn bắn lớn và thỉnh thoảng cũng tổ chức những cuộc buôn lậu có tầm vóc liên quốc gia buôn thuốc phiện lậu sang Thái Lan, buôn trâu bò sang Singapore và buôn lậu ngọc và đá qúy sang Trung Hoa…

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929, ông bị phá sản và cùng vợ và bốn con trở về đất Bắc. Ông bị các nhà băng làm khó dễ vì nợ tiền để lập đồn điền ở Battambang và đời sống khá khó khăn. Ông bắt đầu viết báo tuy thỉnh thoảng vẫn cùng người vợ thứ đi buôn lậu thuốc phiện ở Bắc Giang hoặc đi thầu những công việc xây dựng đường xá, sân bay ở Trung Hoa.

Ông đầu tiên cộng tác với “Trung Bắc tân văn” của nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, giữ mục “Trắng Đen“, dưới bút hiệu Cô-Lý, có nghĩa là lý luận của người cô độc một mình. Ông cũng cộng tác chặt chẽ với nhà xuất bản Tân Dân của ông Vũ Đình Long và cũng là cây bút nồng cốt của Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Truyền Bá, Ích Hữu...

Thời kỳ những năm 1935-1940 là những năm vàng son của ông. Tiểu thuyết của ông in ra hàng tuần và được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Có thể nói, ông có ảnh hưởng văn học lúc đó ngang với Tự Lực văn Đoàn với các cây bút lừng danh như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam...

Giáo sư Phạm Thế Ngũ trong bộ sách Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên đã có nhận xét về nhà văn Lê Văn Trương như sau;

”… Trước hết ông là nhà tiểu thuyết của giới giang hồ. Rất nhiều truyện của ông là những truyện trai tứ chiếng gái giang hồ, mô tả cuộc đời, kiến văn cùng tâm lý của hạng người này. Nhưng không phải ông mô tả những cái kém cỏi sa đọa tồi bại của họ như một vài nhà văn xã hội tả chân mà trái lại có khuynh hướng nâng cao họ lên địa vị những anh hùng về thủ đoạn hoặc tâm hồn có thể làm cảm động kính phục. Ngay truyện đầu tiên của ông thuộc loại này: “Trước cảnh điêu tàn Đế Thiên Đế Thích” là một truyện tình giữa Bella Như Nhang hay Cô Ba Cần thơ, gái điếm thượng lưu cùng Hoàng Cương tay kinh doanh phá sản vì gặp hồi kinh tế khủng hoảng. Mấy truyện kế tiếp Cô Tư Thung, Cánh Sen Trong Bùn, cũng đều là truyện tình trong giới giang hồ cả. Ngoài truyện tình trong giới giang hồ còn những truyện ông thuật lại cuộc đời giang hồ mà có lẽ chính ông đã từng trải ở Cao Mên, Trung Hoa. Thí dụ truyện Trường Đời, Tôi Thầu Khoán... thuật công việc đắp lộ ở vùng Hoa Nam gần biên giới Bắc Việt, truyện Những Đồng Tiền Xiết Máu nói về cờ bạc ở Ma Cao, truyện Tôi Là Mẹ, Người Bạn Hiền kể việc làm đồn điền ở Cao Mên, buôn lậu qua rừng XiêmLa hoặc làm cá trên Biển Hồ...”

Và: ”... Cái hấp dẫn người đọc ở Lê Văn Trương thường chỉ là ở những tiểu thuyết giang hồ, cái vị lạ, những cảnh tượng xa xôi, những gặp gỡ kỳ thú hay gian hiểm ông kể lại cho người đọc. Bạn muốn biết Saigòn 1930 ăn chơi thế nào, bạn muốn biết người ta hít cocaine thế nào trong một tổ quỷ, hãy đọc Cô tư Thung. Bạn muốn biết trong những sòng bạc ở Macaokhach chơi được đón tiếp như thế nào, những thứ gọi là “trẩm dục, bình phong dục, mỹ nhân chúc” hãy đọc “Những đồng tiền xiết máu”. Bạn muốn biết cuộc đi núi trèo đèo ở biên giới Hoa Việt gian lao như thế nào, tắm suối Ôn Tuyền rồi bị xạ phang bắt cóc rùng rợn như thế nào, hãy theo ông Trọng Khang cùng cô Khánh Ngọc vào “Trường Đời”. Bạn muốn thăm thú Cao Mên tiếp xúc với người Kờ Me, người Cô Là hay học vài câu thổ ngữ nữa, hãy theo Hoàng Cương lên Đế Thiên Đế Thích, theo Vĩnh đi phá đồn điền ở Lovea, hoặc tải hàng lậu qua rừng Xiêm. Ở đây chúng ta phó thác cho tác giả-tuy rằng cũng có khi nghe kể ta phải mỉm cười: đi xa về tha hồ nói khoác. Nhưng khi tác giả đụng tới con người, tới nhân loại mà ta biết rõ bản chất, thì những bịa đặt của tác giả, chúng ta không thể cho qua được. Những kẻ xuất nhân về nghị lực hoặc tâm hồn, đời đâu phải không có, song con người hùng trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương lắm khi hiện ra thật là kỳ cục. Con người hùng ấy dưới ngòi bút Lê văn trương lúc gan dạ lầm lỳ tưởng súng nổ bên tai không thèm động dong, lúc roi gân bò trong tay, hung hăng chỉ muốn đập muốn quất, lúc giảng luân lý như một thầy đồ gàn An Nam, lúc quỳ mọp dưới chân người đẹp như một chnag kỵ sĩ Tây phương thời phong kiến, lúc la lối hò hét như phường tuồng, lúc lại khóc thút thít như con nít...”

Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong “Nhà văn hiện đại” cũng nhận xét:

”Lê Văn Trương lại tựa vào một thuyết rất hẹp. Cái thuyết sức mạnh của ông là thứ lý thuyết nông nổi không có gì vững vàng, không thể so sánh mảy may với cái thuyết về sức mạnh và về người siêu nhân của Nietzsche. Tác giả còn cần đi sâu hơn nữa.

Tiểu thuyết của Lê Văn Trương mỗi ngày mỗi nhiều. Nhưng xét chung tất cả người ta thấy các truyện của ông không khác nhau mấy tí. Người ta lại thấy về đường tư tưởng và ý kiến, những truyện của Lê Văn Trương chỉ có chiều rộngkhông có chiều sâu. Không một ai có thể bảo ông không giàu tưởng tượng nhưng người ta nhận thấy rằng bao giờ ông cũng thiên về một mặt là tin cậy ở sức mạnh bồng bột- thường thường là vật chất-nên troong tiểu thuyết của ông có rất nhiều sự quá đáng còn những cái thật “nhân loại“ thì thật quý hiếm.

Về cách hành văn, người ta thấy từ quyển truyện đầu tay cho đến những quyển xuất bản gần đây nhất của ông, ông không thay đổi mấy. Xưa kia ông hay nghị luận trong các truyện ngắn, truyện dài thì bây giờ ông cũng vẫn hay nghị luận một cách trường giang đại hải. Văn ông chỉ là một thứ văn hoạt, thứ văn dễ hiểu cho người trung lưu trí thức không có gì đặc sắc…”

Kể ra, chê bai đến như Vũ Ngọc Phan thì hết mức. Nhưng bây giờ, tôi đọc lại những tiểu thuyết của Lê Văn Trương, thì dù tâm tư cũng như suy nghĩ có khác thời ấy nhưng thấy những nhận xét của nhà phê bình họ Vũ cũng chỉ đúng một phần. Dù ông viết đến cả trăm cuốn tiểu thuyết nhưng ít có trường hợp trùng hợp nào quá đáng cũng như mỗi cốt truyện đều có những đặc tính khác nhau lồng trong những hoàn cảnh dễ làm lôi cuốn độc giả. Không phải bất cứ một tác giả nào in ra được số lượng tiểu thuyết to lớn như thế mà vẫn được ái mộ, vẫn được tìm đọc trong suốt một thời gian dài.

Đọc Lê Văn Trương, qua tập truyện ngắn đầu tay là “Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích” gồm 11 truyện ngắn, tuy nhiều truyện vẫn chưa thoát được lối văn cổ biền ngậu hoặc thích nghị luận, nhưng có nhiều truyện theo tôi chứa đầy cá tính và tuy nêu ra những luân lý bình thường nhưng lại có vẻ gần gũi với đời sống. Nhà phê bình Vũ ngọc Phan cũng tỏ lời khen ngợi các truyện ngắn như “Cánh tay đứa trẻ” hay truyện “Con Quay”, truyện “Hai hào” trong tập truyện này và cũng nêu ra cái triết lý trọng nền tảng gia đình và luôn tán dương sự hy sinh quên mình để bảo bọc con cháu.

Có nhiều người nhận định rằng độc giả ái mộ Lê Văn Trương khác biệt với độc giả của Tự Lực Văn Đoàn cũng cùng một thời kỳ đó. Độc giả ái mộ TLVĐ thường là những trí thức tiểu tư sản trung lưu và thường có căn bản học vấn. Còn độc giả của Lê Văn Trương thì thuộc thành phần thấp hơn, thích đọc những truyện dễ dãi và không muốn nhức đầu với những luận đề khúc mắc, những suy luận phức tạp.

Tiểu thuyết của Lê Văn Trương phần đông đều có ý hướng thượng với những nhân vật nhiều khi làm những công việc bất hợp pháp như buôn lậu nhưng lại có nhân cách nhiều khi đáng quý hơn là những người được coi là có đạo đức có tư cách của xã hội.

Trong hoàn cảnh đất nước chúng ta, qua bao nhiêu biến cố, từ nhiều cuộc đổi thay, với người cầm bút có nhiều cuộc chia ly. Trần huyền Trân đã làm bài thơ “Từ biệt Lê Văn Trương” như một kỷ niệm đánh dấu những cuộc lên đường:

”Thôi thế anh về yên xóm cỏ
Có buồn khêu lại ngọn tàn đăng.
………
Thôi anh về đi tôi đi đây
Chim nào có cánh không thèm bay?
Cây nào có gió không buồn lay?
Lòng nào có máu không thèm say?
Tôi sẽ giẫm lên nguồn huyết mạch
Mà lau nguồn lệ chúng sinh rơi
... Tôi đi thực đấy dù gian khổ
đời có như người tướng bị thương
một tối rùng mình lau máu mủ
cũng không khép mắt đóng sa trường.”

Nhà văn Nguyễn Ngu Í cũng có viết lời tưởng niệm với cả tâm tư và lòng thành thật:

“đọc anh chúng tôi say mê vì nhận rằng đó là một mảnh của cuộc đời mà người viết nó đã sống qua, hay đã nghe đã thấy và tác giả cầm bút vì tin chắc rằng mình đang làm một sứ mạng.

Những người có tuổi chỉ đứng về mặt nghệ thuât mà xét tác phẩm của anh đã cười anh huênh hoang, đã trách anh ba hoa, chê bố cục cuốn này lỏng lẻo, chê nhân vật nọ phường tuồng, bắt bẻ chữ dùng sai, moi móc cách hành văn luộm thuộm. Chẳng phải lớp trẻ chúng tôi có học ít nhiều không thấy những khuyết điểm đó nhưng chúng tôi “cho qua“ những điều ấy. Và chúng tôi cho chàng Vĩnh (trong Tôi Là Mẹ) cũng rất “hùng” khi đi buôn lậu; đem tài, trí, sức ra để “qua mặt“ kẻ thù đất nước và lũ tay sai của chúng đó cũng là một cách gián tiếp trả thù dân tộc.

Rồi chúng tôi lại biết anh đã bị đuổi khỏi trường Bưởi vì cùng một vài bạn cầm đầu một cuộc bãi khóa để phản kháng ông hiệu trưởng đã mắng học sinh: ”quân An Nam dơ bẩn”. Và ngọn bút của Cô-Lý trên trung bắc tân văn đã “giết” tên chủ gánh xiệc ngoại quốc đã làm nhục dân tộc Việt trên đất nước nhà.

Vì chúng tôi lúc bấy giờ như những con thuyền nằm trên cạn, mơ những cuộc viễn du, nhìn xuống con sông mà chỉ thấy có sức nước cuồn cuộn chảy, không để ý chi đến củi mục, cành khô, rác rến … cuốn theo dòng…”

Còn riêng tôi, bây giờ, khi đọc qua nhiều tiểu thuyết của nhà văn tiền bối Lê Văn Trương, thì tâm đắc một điều. Sống là phải can đảm chịu đựng những gian khổ và vững tin vào một tương lai tốt đẹp hơn hiện tại. Không biết có phải là một hình thức của “người hùng“ không, nhưng theo tôi, nếu thực hiện như thế cũng là “hùng” lắm rồi. Dân tộc chúng ta qua những biến chuyển thời thế, đã có mặt khắp năm châu bốn biển và gây dựng cơ nghiệp từ bàn tay trắng ở xứ sở định cư, thì chăc 1hẳn có rất nhiều những người “hùng“ thầm lặng. Họ có thể là những người cha, người mẹ ra đi hy sinh cho tương lai con cái. Họ có thể là những người lính cũ, qua xứ người muộn màng nhưng vẫn can đảm dấn thân để tìm đến một cuộc sống tốt đẹp hơn nhân bản hơn…

Nhà văn Lê Văn Trương đã tạ thế cách nay hơn nửa thế kỷ thế kỷ nhưng những kẻ hậu sinh cũng tìm được nhiều điểm lạc quan trong văn nghiệp của ông. Một nhà văn lừng lẫy một thời với số lượng tác phẩm sáng tác to lớn. Một người làm việc và hoạt động với cả tâm lực của mình trong đời sống bình thường và trong đời sống văn chương. Thời tiền chiến chúng ta đã có nền văn học tạo được nhiều thành quả rực rỡ. Trong số người góp công vào hàng đầu phải kể đến tác giả của “Tôi Là Mẹ”, “Trường Đời”, …


Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.