
Photo PH: Mảnh thời gian
|
Ngày… Tháng…
Tháng ba, năm 1975, những ngày tháng bắt đầu tấn thảm kịch cho
dân tộc. Tháng ba, năm 2008, dư âm chiến tranh vẫn còn trong
những người sắp về già như tôi. Trong trí nhớ một thời là những
hằn dấu không phai, là những thương tích của một cuộc đổi đời
khủng khiếp.
Ký ức, có phải là một vết thương sâu, khi nghĩ về và nhớ lại.
Ba mươi năm trước, thời gian có lẽ dài với một đời người nhưng
với lịch sử, chỉ là một cái tích tắc chớp mắt. Chiến tranh, với
tất cả sự phi lý của nó, kéo dài hơn hai chục năm rồi đột nhiên
chấm dứt. Sự chấm dứt ấy, có thể là niềm vui của chục triệu
người Việt này bên phe chiến thắng nhưng cũng là nỗi đau của
chục triệu người Việt bên phe thua trận. Và, có cả những người
chưa kịp vui hay buồn, đã đi sang thế giới khác. Hỏi rằng họ có
tiếng nói không? Hình như, có những nhà văn đại diện trả lời.
Những biểu hiện nỗi niềm của một thời đại bằng chữ nghĩa. Nhiều
người nói bằng ngọn bút. Nhưng dường như chưa đủ. Phải rồi, làm
sao tỏ lộ được những chung mang của cả một thế hệ. Bên này, bên
kia, mỗi bên đều có những bất cập của mình. Máu sông, xương núi,
những cái chết âm thầm đồng loạt. Những tử lộ mà con người dù
biết vẫn phải đi vào.
Với tôi, có lúc muốn quên mà có khi lại gượng nhớ. Quên, bởi
chiến tranh đã qua, chúng ta không thể cứ ngoái nhìn quá khứ,
nhất là quá khứ ấy đầy dẫy những cơn ác mộng. Hồi trước, tất cả
tiềm lực dân tộc lao vào cuộc chém giết lẫn nhau. Nếu yên hàn,
tất cả lực lượng ấy để xây dựng và phát triển sẽ làm đất nước
văn minh và hùng mạnh biết là bao nhiêu. Đằng này, chiến tranh,
tàn phá, chết chóc… Có những nỗi đau, không quên được đành phải
nhớ. Và, lịch sử cũng rất công bình và phân minh. Sau một thời
gian làm khoảng cách, những xốc nổi biến đi để trong mỗi người
có sự trầm lắng tâm tư. Lúc ấy, chúng ta nhìn chính mình và thời
đại mình chính xác hơn.
Tháng ba, trong văn học Việt Nam đã có những tác phẩm viết về
thời điểm ấy, như “Tháng ba gãy súng“ của Cao Xuân Huy, như
”Ngày N+...“ của Hoàng Khởi Phong, hay những bài ký của ký giả
Nguyễn Tú… Mỗi một trường hợp là những buốt xót, mỗi một tác giả
là nỗi niềm đớn đau. Lịch sử và chiến tranh đã có những tàn nhẫn
vô tình của nó. Thời gian vẫn lạnh lùng trôi…
Ngày...
Tháng..
Tháng ba, đọc lại “Ngày N+...” của Hoàng Khởi Phong. Như một
cách ngoái nhìn. Từ những trang sách, nhớ về một thời, sống lại
những cảm giác. Thuở ấy, đã ba mươi năm mà sao như còn hôi hổi
chất sống. Những ngày tháng, ghi chép lại thành hồi ký. Rất văn
chương, rất trung thực và cũng rất nhiều xót xa đau đớn.
Có người hỏi rằng sự trung thực trong văn chương có thể làm
thành giá trị của tác phẩm ? Tôi nghĩ đó là một điều cần nhưng
chưa đủ. Nhà văn không phải là người ghi chép lại trăm phần trăm
sự kiện. Mà, còn phải có nghệ thuật và kỹ thuật để ngôn ngữ
chuyên chở được tất cả tâm cảm không những của tác giả mà còn
của độc giả chia sẻ và chung mang. Những bức hình chụp rõ ràng
từng đường nét, chỉ là một bức hình. Nhưng nếu có sự sắp xếp,
chọn lựa góc cạnh, và đem cái tâm cảm của người chụp vào, mới có
thể là một tác phẩm nghệ thuật. Viết văn cũng thế, ở trong
trường hợp tương tự…
Tôi đọc “Ngày N+…” từ phần cuối ngược lên. Dĩ nhiên, đây không
phải lần đọc đầu tiên. Đã nhiều lần, tôi tìm được những hình ảnh
của bạn bè tôi, của những người chung quanh tôi. Và, biết bao
nhiêu là cảm khái về cảnh cũ, người xưa. Nơi chốn ấy, tôi đã đi
qua. Phú Bổn, Cung Sơn, Tuy Hòa,… Thành phố ấy tôi đã từng sống
những tháng ngày ở thì buồn nhưng xa thì nhớ… Tôi đọc bức thư
của Hoàng Khởi Phong gửi các em học sinh của trường tiểu học
Vườn Hồng. Những cô bé, cậu bé thuở ấy bây giờ đã lớn đại diện
cho một lớp tuổi trưởng thành sau chiến tranh. Vườn Hồng là một
trường tiểu học ở đảo Phú Quốc mà tác giả có đóng góp vào sự xây
dựng và phát triển. Tôi thấy tác giả muốn phân bua về tình cảnh
của những người thuộc lớp tuổi lớn hơn vì thời thế bị lưu lạc
thất tán trên toàn thế giới.
Không biết có phải đó là cái với tay đến tương lai không trong
khi toàn tác phẩm là cả một cái ngoái nhìn về quá khứ.?
Một cách chủ ý, Hoàng khởi Phong nhắc nhiều đến những cậu bé lạc
lõng trong lửa đạn nhưng vẫn trong veo những tình tự nhân bản. Ở
đầu cuộc di tản, vào buổi sáng là cảnh gặp một toán Thiếu sinh
Quân quân phục đại lễ trắng tinh diễn hành trước cổng Quân Đoàn.
Buổi trưa, tại một nơi cách Pleiku 20 cây số:
“… Thị xã Pleiku mỗi lúc một khuất sau lưng, trời nắng gay gắt,
đoàn xe như một con rắn khổng lồ bò chậm chạp trên mặt lộ bóng
nhẫy. Đột nhiên phía trước mặt chừng non cây số, một đám người
thấp thoáng. Từ xa tôi biết chắc đây là đám Thiếu Sinh Quân đã
gặp buổi sáng lúc ra khỏi cổng Quân Đoàn, vẫn nón đỏ trên đầu,
quần soóc dưới chân, đa số đều đã cởi trần, các em đã di hành
lần cuối trong bộ quân phục đi phép đó, những vạt áo ka ki trắng
vắt vai… Các sĩ quan của trường đâu, họ đã dạy dỗ các em thế nào
về nhiệm vụ của một người lính, họ đã dẫn dắt các em như thế nào
trong quân ngũ, bây giờ họ đâu cả rồi. Họ biến đi đâu hết cả.
Sáng nay tôi gặp các em lúc bẩy giờ rưỡi, bây giờ là mười hai
giờ, các em đã vượt hai mươi cây số trong thời gian đó. Đa số
các em đều là con cháu các quân nhân sắc tộc thiểu số đã hy sinh
cho miền
Nam
này. Các em là dòng dõi của các sắc dân Mường Mán vùng thượng du
Bắc Việt, Rahde, Bahner,
Sedan
vùng cao nguyên Trung Phần… Trong khoảng vài giờ đồng hồ vừa
qua, các em đã bước đi sắt đá trên con đường bị bội phản. Các em
đã làm chính tôi phải xấu hổ. Ở địa vị tôi là một em lớn trong
số các em –chắc chắn tôi không có được sự bình tĩnh đó, thế mà
các em tập hợp lại, vài em lớn dẫn dắt các em nhỏ, đùm bọc nhau,
bình thản lên đường…”
Một đoạn khác : “… Một cảnh thương tâm trước mặt, một em nhỏ
chừng mười ba tuổi nằm trên cáng. Cáng được cột bởi những cây
gậy đi rừng, rõ ràng là một cáng hướng đạo. Em bé chân trái bị
mảnh đạn cắt gần lìa đầu gối, máu ướt đầm lớp quần áo buộc quanh
vết thương, đôi mắt em thất thần, em vẫy ba người bạn lại, hai
em chừng mười bốn và một em chừng mười một. Em nói với bạn một
cách rõ ràng cương quyết:
Minh,
Ngọc, hãy bỏ tao lại đây, hãy đi với mọi người. Chắc tao không
thể sống được. Mang tao theo tụi mày sẽ không thoát khỏi đây.
Tôi thấy vẻ ngập ngừng của hai đứa lớn. Tôi tiến lại gần và nói
với tất cả: Các em đi trước đi. Để em bị thương lại đây, tôi có
bác sĩ lo hộ.
Tôi đã nói dối. Tôi biết em bị thương nặng không thể sống nổi,
cái chân trái gần cụt hẳn,
máu ra như suối cả mấy tiếng đồng hồ rồi. Tôi biết một bác
sĩ thiết giáp, tôi nhớ xe ông ta cách xe tôi chừng trăm thước.
Tôi bảo người lính đi tìm, rồi hối hai em Minh và Ngọc phải đi
ngay đi. Em nhỏ nhất bây giờ mới tiến lên mở ba lô lấy một chiếc
chăn mỏng đắp lên người bạn bất hạnh. Cả ba lùi lại, tôi thấy
các em chào nhau bằng kiểu chào hướng đạo. Ba đứa quay đi, nước
mắt dàn dụa.
Bóng ba đứa lúp xúp trên mặt đường…”
Đã sống trong những hoàn cảnh hiểm nguy bi đát như thế, chúng
ta mới hiểu được tấm lòng với nhau. Bên cạnh những ích kỷ thấp
hèn, những bội phản trắng trợn, những hung đồ tác oai tác quái,…
vẫn còn những người anh hùng, những người lao vào nguy hiểm diệt
chốt để mở đường cho cả đoàn di tản. Những cái chết thật hào
hùng, của những anh hùng dường như vô danh.
Viết trung thực, nhiều chi tiết được nhớ lại và kể về,
trong hồi ký ấy, tôi còn thấy cả cái tâm cảm của một người vẫn
còn lãng mạn dù trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Những tâm cảm
ấy như những nét chấm phá để điểm tô cho một tác phảm
văn chương đúng nghĩa. Thí dụ như đoạn viết vế một tiếng tiêu
buồn thảm trong đêm di tản:
“… Tiếng tiêu của người lính biệt động quân này có lúc làm tôi
bay bổng chín từng trời, có lúc dồn dập như đoàn xe hàng trăm
chiếc hàng ngang chạy băng trảng cỏ, có lúc cuồn cuộn như nước
sông Ba, có lúc thê lương như tiếng khóc của đứa bé chào đời
ngoài đồng trống. Tôi quên hết quá khứ với những mong ước thời
trai trẻ, quên hết hiện tại bi đát của đoàn triệt thoái kỳ lạ
hôm nay, tôi quên cả tương lai vật vã.
Hình như tôi vẫn ngủ, tiếng tiêu vẫn mơ hồ lană quất bên tai…”
Có người cho rằng đề tài chiến tranh theo sát thời sự chỉ có
giá trị giai đoạn nhất thời, chỉ những đề tài về con người muôn
thuở mới có gía trị trường cửu. Không hiểu nhận định ấy có chính
xác bao nhiêu? Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ chiến tranh và thời thế
vẫn là một đề tài lớn cho văn chương. Không phải nhiều người
viết về những cái chung mang của một thời đại là đề tài bị cũ đi
hoặc nhàm chàn đi.
Nếu gặp người viết có chân tài, tác phẩm sẽ thành một cống
hiến to lớn cho đời sau!!!
Đã có quá nhiều người viết về những ngày tháng tư hoảng loạn của
quê hương. Mỗi người một vẻ, mỗi một tâm tư tuy khác nhau về chi
tiết nhưng đại thể đều giống nhau. Chung tâm tư của những người
bị dồn vào tử lộ ấy, không phải chỉ có những người lính VNCH mà
thôi, mà, trong khung cảnh hỗn loạn ấy có cả triệu thường dân là
nạn nhân.
Trong một trò chơi sấp ngửa của định mệnh và tử thần không từ
một ai.
Chuyện tang tóc, tử biệt sinh ly là chuyện thường tình và con
người trong cơn hồng thủy ấy đã có những phản ứng thật là kỳ
lạ. Trong nỗi chết vẫn có mầm sống cấy lên. Trong mỗi niềm thất
vọng vẫn le lói niềm hy vọng.
“… Mỗi thành phố chết một cách khác nhau. Pleiku như một mãnh hổ
bị lao. Phú Bổn như một con nai trúng đạn.
Qui Nhơn như một con gấu bị dồn tới đường cùng, gầm gừ một hồi
rồi cũng sập bẫy. Tuy Hòa giống như
một con cá lớn đã lọt vó, bốn góc nước cứ cạn dần, rồi trơ trên
nền vải thưa. Bây giờ là Nha Trang.
Nha Trang là một thành phố chết vì bệnh dịch…”
Dưới con mắt của một nhà văn và tâm cảm phẫn nộ của một người
lính bị đẩy vào những thế đứng chênh vênh của kẻ bị bỏ rơi,
”Ngày N+ …” là những trang sách như những trang nhật ký ghi
chép lại trong hồi ức không thể nào quên. Làm người chứng bất
đắc dĩ, ghi nhận lại tất cả những chi tiết mà ở đó, sự tàn bạo
lên ngôi cũng như tình cảm chân thành hy sinh che chở cho nhau
cũng được đề cập tới để làm thành sự so sánh như nỗi khác biệt
nhau giữa bóng tối và ánh sáng. Pleiku –Tuy Hòa. Một chặng.
Qui Nhơn-Phú Quốc. Chặng thứ hai. Sài Gòn –
Subic Bay.
Chặng kế và chưa phải là chặng chót. Nỗi thảm thương đau đớn của
sinh ly vẫn còn, bắt đầu cho những ngày lưu lạc tha phương. Ở xứ
người, dĩ vãng vẫn còn là gánh hành trang nặng nề trên vai, của
nỗi gánh chịu và nhục hèn của những người thua trận và chạy trốn
khỏi
quê hương. Hành trình ấy có lẽ là của chung nhiều người của một
thế hệ Việt
Nam
lớn lên từ bắt đầu cuộc chiến và trưởng thành từ tàn cuộc chiến.
Bây giờ, đã ba mươi năm dù đã có tiếng gào thét kêu gọi để quên
từ hai phía nhưng trong thực tế vẫn là những vết thương sâu chưa
lành miệng.
Nói không chẳng thể nào đủ mà còn cần những việc làm cụ thể biểu
lộ được tinh thần hòa hợp hòa giải thực sự.
Có nhiều người cho rằng không nên nhắc đến những ngày tháng tư
năm 1975 nữa. Chúng ta không nên cứ khoét sâu vào vết thương của
dĩ vãng. Nhưng, với riêng tôi, đọc lại những trang sách vẫn là
một dịp để hành hương về những tháng ngày xa,
để nhớ lại những ngươi đã khuất và thấm thía hơn cái phi lý của
chiến tranh. Đọc “Ngày N+...”
lần thứ hai thứ ba, tôi thường chọn ở đó những trang sách mô tả
những tình cảnh đầy nét nhân bản, của những người dù bất cứ
trong hoàn cảnh nào cũng cư xử với nhau như một con người mà
không phải loài thú. Những người ấy chia sẻ với nhau sự khốn
cùng hơn là xâu xé nhau dầy đạp nhau.
Tôi nghe có người nói rằng mỗi ngày ba mươi tháng tư có những
người với dụng ý riêng đã tỏ lộ sự xúc cảm của mình để như một
cái tem dán lên xác nhận một vị trí chính trị rõ ràng. Và họ
phê phán những người mà họ cho rằng tới bây giờ vẫn khư khư cái
nhìn xưa cũ trong khi hiện tình chính trị đang đổi mới. Tôi
nghĩ, cái nhận xét ấy phiến diện một chiều. Không thể bắt những
nạn nhân quên đi thảm cảnh mà họ và gia đình phải cam chịu. Cũng
như, những trang sách “Ngày N+...”
không phải bụi phủ đi khi nỗi đau nhục của người thất trận chưa
phai mờ. Dù rằng, đoàn kết dân tộc là mục tiêu tối hảo
để phú cường cho đất nước trong tương lai. Và quá khứ vẫn có
nhiều bài học tốt để văn chương ghi chép lại những trang lịch sử
tuy có ố máu đỏ nhưng vẫn ngời lên nét ngoi lên cho ngày mai…
Ngày …Tháng…
Vincent Lam là một nhà văn gốc Trung Hoa vừa đoạt giải thưởng
Giller về văn học của Canada với tập truyện ngắn
”Bloodletting and Miraculous Cures”. Vincent Lam còn là một bác
sĩ làm việc trong phòng cấp cứu của bệnh viện
Toronto
East
General
Hospital.
Một năm ở trên thế giới trao tặng rất nhiều giải thưởng văn
chương và có nhiều nhà văn tài năng kiệt xuất, mà tại sao tôi
lại muốn tìm hiểu để viết về Vincent Lam ? Lý do giản dị, vì
tính tò mò khi có người viết về đất nước Việt
Nam,
cũng y hệt như khi tôi đọc và tìm hiểu về Marguerite Duras hay
Graham Greene. Vincent Lam viết “Cholon, Near Forgotten”. Một
cuốn tiểu thuyết coi như tự truyện của một người mà gia đình đã
có thời sống trong cộng đồng Hoa Kiều ở Chợ Lớn. Xem qua những
tấm hình trên website của Vincent Lam, tôi như thấy lại một đời
sống của những người Việt gốc Hoa, mà có khi họ là làng xóm láng
giềng của tôi. Tôi đã sống ở vùng Chợ Lớn, mẹ tôi có sạp vải và
buôn bán ở Chợ Lớn và tôi có những đứa bạn cùng lớp người Hoa
nói tiếng Việt còn ngọng đớt. Đọc những trang sách viết về những
con phố cũ, những ngõ hẻm xưa, có cái thú vị của những người trở
về thăm lại những đoạn ấu thời đã qua đi mãi mãi…
Vincent Lam sinh năm 1974 tại London, Ontario, trong một gia
đình gốc Trung Hoa đã sinh sống ở Việt Nam trước khi di cư qua
Canada.
Cha của Vincent Lam đã có rất nhiều nghề nghiệp, từ nghề xây
cất tới đầu bếp, và sau cùng là một chuyên gia canh nông tại Ấn
Độ.
Bốn năm sau,
gia đình di chuyển tới Ottawa nơi mà Vincent Lam đã lớn lên từ
những truyện kể của người cha cũng như từ các tác phẩm của C.S.
Lewis và Roald Dahl, và manh nha trong óc và càng ngày càng in
sâu là trở thành nhà văn.
Hiểu rằng bản thân mình khó có đủ ngôn ngữ để sáng tạo của tác
phẩm văn chương lớn, Lam ghi danh vào trường Y
khoa của Viện Đại học Toronto với hy vọng rằng từ những kinh
nghiệm của đời sống thực tại và những chất liệu giàu có của nghề
nghiệp sẽ giúp ích rất nhiều cho mong ước ấy.
Khi Lam làm việc trên tàu Arctic với nhiệm vụ là một bác sĩ,
anh tình cờ gặp nhà văn nổi tiếng Margaret Atwood và được bà
ưng thuận đọc trước và nhận định các truyện ngắn của anh. Sau đó
bà gửi cho anh một email chỉ có vỏn vẹn một hàng chữ
:
”Chúc mứng anh! Anh có thể viết văn được!” Sau đó bà đã giới
thiệu Lam với nhà xuất bản Doubleday ở Canada.
Hơn thế nữa, bà còn lấy một truyện ngắn của Lam và thay đổi bố
cục của nó cũng như gợi ý Lam viết một truyện ngắn khác dựa
trên những hiểu biết về y học của bệnh Sars. Lam thực hiện theo
gợi ý của bà và viết thành truyện ngắn “Contact Tracing”. Đây là
một truyện ngắn nổi bật nhất của Lam trong tuyển tập
“Bloodletting & Miraculous Cures” đoạt giải Scotiabank Giller
Prize. Anh làm việc trong bịnh viện và có rất nhiều kinh nghiệm
trong việc chống lại dịch bệnh Sars cũng như am hiểu những tình
cảnh và tâm lý của người bệnh. Anh kể
”ở phòng cấp cứu của bệnh viện, người y sĩ là tâm của cơn giông
bão tạo ra bi kịch và căng thẳng.
Chúng tôi làm việc trong một thế giới của cả hai tính chất y
khoa và con người thường phối hợp lại, nơi mà tiêu chuẩn thật
cao và có khi không tiên đoán trước được. Là bác sĩ, tôi đáp ứng
tất cả những điều chung quanh tôi, và hành động
trong thế giới ấy. Là một người viết văn, tôi vận dụng tất cả
để có chất tươi mát và mới lạ trên trang giấy”
Với những câu chuyện của bốn sinh viên y khoa : Ming, Fitz, Sri
and Chen; Lam đã mở ra những thế giới của những người theo đuổi
nghề nghiệp chữa bệnh cho người.
Lam đã có một câu ví von:
“Tôi nghĩ rằng làm cha và làm nhà văn còn khó hơn là làm nhà văn
và bác sĩ vì lý do với làm bác sĩ và nhà văn thì phải lập kế
hoạch để có bằng cấp. Còn khi làm cha mẹ thì không bao giờ chấm
dứt được vai trò và trách nhiệm của bậc cha mẹ. Khi bạn đang
chăm chú với công việc của mình và đứa con trai dập cửa thình
thình và hét “mở cửa! Mở cửa!”
thì chắc chắn bạn phải đứng dậy và mở cửa.”
Người cha đã để lại nhiều ấn tượng cho tâm hồn Lam.
Đó là một người đàn ông sinh trưởng ở Trung Hoa nhưng đã sống
lưu lạc ở nhiều quốc gia và đã lăn lộn với nhiều nghề nghiệp
cuộc đời ấy đã thành một ám ảnh thôi thúc Lam viết một thiên tự
truyện về gia đình mình. Cuốn truyện
viêt về một nơi chốn mà gia đình Lam đã sống một thời gian khá
lâu.
Vincent Lam thố lộ:
”Tác phẩm có tên là Chợ lớn, Near Forgotten.
Đó là cuốn sách đầu tiên tôi định viết. Năm 14 tuổi tôi đã muốn
viết nó.
Khi tôi không còn làm công việc phụ trách về sức khỏe y tế cho
cộng đồng, tôi lại muốn viết lại về nó. Nhưng rồi, lại băn khoăn
bất định
và đành viết tập truyện ngắn “Bloodletting & Miraculous cures”
trước. Vậy là cuốn tiểu thuyết này đã bị đình hoãn nhiều lần”
Cuốn sách này kể về nhân vật chính là Percival Chen sinh ra ở
một ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông cùng thời gian với sự suy tàn của
đế chế Mãn Thanh. Ông ta bị mồ côi cha mẹ và sau cuộc xâm chiếm
của quân đội Nhật Bản vào Hồng kông thì chạy qua Việt nam và vào
Sài Gòn sinh sống. Ông ta đã tạo được sự may mắn khi làm hiệu
trưởng một trường dạy Anh ngữ ở Sài Gòn nhưng lại làm mất đi cơ
hội khi làm nghề cờ bạc chuyên nghiệp trong những năm chiến
tranh. Khi cuộc chiến bùng nổ Chen di cư ra khỏi Việt nam và
khi sang sống ở Brisbane, Úc Châu thì bị ung thư và ở trong hoàn
cảnh thời gian đợi chờ cái chết.
Trong tâm cảnh ấy, Chen chỉ chờ mong những cuộc viếng thăm của
con cháu sống rải rác mọi quốc gia trên thế giới. Những đứa con
và cháu là những mẫu người sống lưu lạc và không bao giờ muốn
đối mặt với quá khứ sống ở những nơi không phải là quê hương
mình và rất ngần ngại khi xác định lý lịch của mình….
Chợ Lớn, dần đã lãng quên. Những cửa hiệu, những sạp hàng, những
con phố, những ngõ hẻm.
Những người Tiều trồng rau. Những người Quảng buôn bán. Những
người Hẹ dệt vải. Những người Hải
Nam
tiệm ăn. Những phố Tản Đà, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương đầy
tiệm ăn náo nhiệt… Vincent Lam đã trở về, đã chụp ảnh, đã gặp
lại những người thân của gia đình. Những tấm ảnh mở ra những
cuộc sống. Ở một nghĩa nào đó, viết về ngày đã qua tương tự như
làm hồi sinh lại quá khứ. Mà quá khứ ấy, không phải là của
Vincent Lam mà còn là của một gia tộc mà vì thời thế hoặc vì mưu
sinh mà lưu lạc khắp bốn phương trời sinh sống ở mọi nơi mọi
quốc gia trên thế giới.
Đọc Marguerite Duras để nao nao nhớ lại bến Bắc qua sông Hậu
Giang, để ngậm ngùi về tâm tình của một người đàn bà ngoại quốc
đã để lại tâm tình nơi xứ sở tạm ngụ. Đọc Graham Greene để nhớ
tới Sài Gòn, nhớ tới quán cà phê bên lề đường của khách sạn
Continnental, nhớ tới thời gian của chiến tranh của xáo trộn
chính trị. Còn đọc Vincent Lam, ý nghĩ nào hiện đến ? Có còn tồn
tại không cái thế giới của người Hoa, những người ngụ cư nhưng
vẫn tồn tại văn hóa riêng, vẫn đèn nến sáng choang ở những ngôi
chùa thờ Quan Thánh thờ Bà Thiên Hậu ?
Còn tôi, vẫn thỉnh thoảng bâng khuâng về những khi tuổi nhỏ,
đóng vai vua Quang Trung để tập kích đám học trò trường Tàu đi
qua xóm mình. Nhưng, hình như Chợ lớn là lãnh địa của họ. Buổi
chiều đi học về muộn, nhìn bầy chim én bay lượn trên nóc Chợ
lớn, thấy những hàng quán bán ăn đêm với những tiếng người các
chú ngọng líu ngọng lo, tự nhiên thấy mình đi lạc vào một lãnh
địa khác. Cái cảm giác ấy, thật là kỳ lạ…
Ngày...
Tháng…
Trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường? Ưng hay oan, người vô tội hay
tên đồ tể uống máu người không tanh?
Những câu hỏi ấy, dần dần đã có những bằng cớ để nhận xét chính
xác hơn một con người, một nhân cách.
Ở phương vị một nhà văn, Hoàng Phủ Ngọc Tường có những đóng góp
nào cho văn học Việt
Nam?
Chỉ có một vài tập thơ như
”Ngươì hái phù dung” hay “Những dấu chân qua thành phố”.
Còn
tất cả hầu như là những cuốn ký mà theo nhiều người cho rằng
chỉ là những sản phẩm để phục vụ tuyên truyền.
Nhưng xuất thân từ miền nam nên cũng không được tin dùng mấy và
cũng vì gốc gác trí thức tiểu tư sản nên đã trong tình trạng dự
bị đảng khá lâu. Mặc dù lúc nào cũng gọi những người Cộng sản
là người của “cách mạng” mà không nghĩ đến một điều những bàn
tay lông lá của Nga Hoa hỗ trợ và chỉ huy cuộc chiến từ đằng
sau. Và, suốt bao nhiêu cuốn ký đã được xuất bản, cái luận điệu
ấy vẫn một giọng không đổi. Dù trước mắt HPNT sau năm 1975, hoàn
cảnh kinh tế chính trị của Việt
Nam
suy đồi đến mức nào. Rất có nhiều người phản tỉnh, dù sớm hay
muộn nhưng ông ta thì không, vẫn một mực tán dương một cuộc
chiến mà ông ta gọi là cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Hãy đọc một tập sách ông ta xuất bản năm 2002.
”Rượu hồng đào chưa nhắm đã say” ngay bài ký đầu tiên “Tại sao
tổ quốc lại là mẹ”, đã thấy luận điệu của một văn nô,
viết để tán tụng những con người cầm quyền sai lầm, nhiều
triệu người đã hy sinh cuộc đời mình cho mưu đồ hiếu chiến của
một cuộc chiến tương tàn mà thực chất là một cuộc xâm lăng của
phe Cộng sản trong cuộc chiến tranh lạnh trong thời kỳ cao độ
ấy.
Trong bài ký lổn nhổn những danh từ nghe khó lọt lỗ tai và những
chuyện kể không tưởng tương tự như anh hùng không bao giờ có
thực Lê Văn Tám ôm bom cho nổ kho đạn. Thời chiến tranh viết vậy
thì còn có lý do chứ bây giờ, tất cả sự thực đã tỏ lộ, và phơi
bày tất cả những xấu xa của một chế độ vong bản tôn thờ những
hình tượng của lý thuyết ngoại lai làm tàn hại dân tộc thì thật
là vô lý. Qua truyện ký này, tôi thấy được cái tâm tư của một
người không chịu mở mắt để nhìn xa khắp nơi trên thế giới và tự
hỏi rằng tại sao với chế độ mà ông ta tán tụng là cách mạng này
lại làm suy đồi đất nước ?
Tôi lại chợt nhớ câu Thơ của Bùi
Chí Vinh “một nhạc sĩ vàng, ôm cây ghi ta đỏ, chơi nhạc mầu da
cam” mô tả Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ đã viết “Huyền thoại mẹ”
cũng y chang như ngôn ngữ bài ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Thú thực tôi rất yêu tình ca Trịnh Công Sơn, cũng như hiểu
biết tâm tư của những người trẻ sống trong một thời đại đầy biến
cố của dân tộc. Tôi đã nghĩ thế hệ chúng tôi trong trí óc đã sẵn
những nốt nhạc của họ Trịnh. Nhưng thú thực thật khó ngửi khi
nghe những bài hát kiểu “Huyền Thoại
Mẹ”…
tại sao lại có những nốt nhạc ngang phè ấy trong một bản nhạc
lãng mạn thơ mộng? Tự dưng tôi lại thấy những câu thơ tuyên
truyền của Tố Hữu về mẹ Suốt hiện về trong trí nhớ. Sao cái
khuôn dáng nhân vật người mẹ giống nhau đến như thế như tạc
khuôn,
và khuôn ấy là của những người tuyên huấn đảng…
Muốn nhận định rõ
ràng hơn vế Hoàng phủ Ngọc Tường hãy đọc thêm những truyện ký
như “Hoa Trái Quanh Tôi” hoặc “Ngôi Sao Trên đỉnh Phú Văn Lâu”.
Chắc chắn, nhận xét cũ sẽ không đổi. Cái vẻ lãng mạn chỉ là bề
ngoài mà bên trong là những mưu đồ lôi kéo người khác đi vào
chiến tranh với tôn chỉ của Cộng sản đội lốt chiêu bài yêu nước
tranh đấu cho tự do dân chủ.
Thành ra với tôi, dù có chút chữ nghĩa hào nhoáng bên ngoài, dù
có những ngọn lửa rơm dần mỗi ngày một hao mòn tâm ý bên trong,
Hoàng Phủ Ngọc Tường trên phương diện văn chương cũng chẳng có
gì xuất sắc. Mà xuất sắc làm sao được khi cứ bị như con bò lái
xe che hai cặp mắt để hướng về phía trước. Làm sao tầm nhìn và
tâm tư được khoảng khoát rông rãi hơn..
Bây giờ, tôi xin giãi bày một vài nhận xét về con người chính
trị của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhất là vai trò của ông ta trong
biến cố tàn sát người vô tội ở Huế năm Mậu Thân. Tôi cố gắng để
gạt bỏ những thiên kiến có thể làm cho nhận xét của mình không
chính xác.
Những nhân chứng sống ở Huế đã xác nhận rằng mấy ngày sau tết
Mậu Thân tất cả các loa đều phát thanh bài hiệu triệu kêu gọi
tổng nổi dậy do chính HPNT đọc và viết. Theo nhà văn Ngô Minh
một người thân cận với anh ta thì xác nhận điều đó đúng nhưng
cái “Liên Minh Dân Chủ và Hòa Bình Thành Phố Huế”
do Lê Văn Hảo làm chủ tịch và HPNT là tổng thư ký. Đây chỉ là
tổ chức bình phong vô quyền và Hảo và Tường bị giữ lại ở mật khu
bên ngoài Huế chỉ có Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng phủ Ngọc Phan là
vào Huế và có tham gia vào những cuộc xét xử của tóa án nhân
dân.
Thế nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường lại viết ký sự
”Ngôi sao trên đỉnh Phú Văn lâu” tả lại cảnh mình chiến đấu và
hoạt động ở Huế. Như vậy chắc có hai HPNT chung một thời gian
nhưng khác nơi chốn, một ở trong “xanh” và một ở ngoài “phố”,
Chúng ta có thể
tin vào thuật phân thân không nhỉ?
Thế nhưng Ngô Minh lại bào chữa. HPNT bị hiểu lầm và oan.
Ông
ta giãi bày giùm họ Hoàng Phủ:
”Tôi nghĩ có sự hiểu nhầm hiểu sai rất oan ức này do cái “lời
hiệu triệu” với giọng đọc của Hoàng Phủ Ngọc Tường thu thanh từ
trước,
phát đi khắp các nẻo đường Huế sau khi nổ ra chiến dịch làm cho
ai cũng tưởng anh đang ở Huế.
Thứ nữa là tập ký sự
”Ngôi sao trên đỉnh Phú Văn Lâu”
mang tên tác giả là Hoàng Phủ Ngọc Tường viêt về những người giữ
cờ trên Phú Văn Lâu Huế.
Không tham gia đánh trận trực tiếp
làm sao mà viết về cuộc chiến với những chi tiết cụ thể như thế?
Sự thực không phải vậy. Hoàng Phủ Ngọc Tường bảo rằng đây là một
tập sách viết chưa đạt.
Vì thế trong 4 tập của Tuyển Tập Hoàng Phủ Ngọc Tường tập ký này
không được chọn một trang nào cả.
Tường kể:
”Đây là cuốn sách tôi viết từ một tư liệu ghi chép thực tế những
người giữ cờ ở Huế của Nguyễn Đắc Xuân.
Tôi nhớ bản thảo ấy chỉ có từ 5 đến 7 trang. Tôi đã hư cấu thêm
theo sự cho phép của thể loại ký và theo suy nghĩ của tôi-chứ
tôi đâu có mặt ở Huế vào thời điểm ấy. Viết xong gửi đi tôi ghi
tên cả hai người cùng viết. Một hôm tôi đang làm rẫy ở trong
rừng thì nhận được một cuốn sách của nhà xuất bản Giải Phóng.
Không hiểu vì sao bản này khi in thành sách tên tác giả lại chỉ
có mình tôi.
Thế là tôi trở thành thằng hớt tay trên của bạn.
Tôi đã viết thư gửi ra Hà Nội
phản ứng với giám đốc
NXB Giải Phóng lúc đó là anh Khương Minh
Ngoc.
Nhưng sau đó tôi được anh Bảo Định Giang, lúc này chức vụ lớn
hơn,
nhưng đang phụ trách tiểu ban văn nghệ miền Nam can ngăn
bảo rằng làm thế sẽ có lợi cho cách mạng nhiều hơn. Không biết
có lơi là lợi gì?
Lúc đó tôi đã kể cho anh Nguyễn Đắc Xuân nghe tất cả chuyện oái
oăm này...”
Nhưng chưa hết, lại có chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường lại bị
”hiểu nhầm“ nữa.
Ở trên website Talawas,, bà An ở Paris đã phát biểu:
”Đọc bài“ Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi cũng nghĩ ngay tới
bộ phim
”Việt Nam A Television History” của Stanley Karnow mà một người
gốc Huế
-
phố cổ Bao Vinh) đã nói tới.
Tôi hoàn toàn đồng ý với độc giả này. Hình ảnh Hoàng phủ Ngọc
Tường trong bộ phim này rất ấn tượng và ấn tượng ấy củng cố niềm
tin Hoàng Phủ Ngọc Tường là đao phủ ở Huế. Đầu tiên khi xuất
hiện trên màn ảnh
anh được giới thiệu là “political commissary
(chính ủy). Rồi câu nói về
”những con rắn độc”
(tôi còn nhớ đại ý đánh rắn phải đánh giập đầu). Sau này khi
Hoàng Phủ Ngọc Tường sang Pháp
tôi có hỏi anh thì được biết khi người ta phỏng vấn anh nói một
số người trong phe cách mạng có ý kiến như vậy, nhưng khi dựng
phim, câu trả lời bị cắt xén” đánh rắn phải đánh dập
đầu” trở thành tuyên bố của “chính ủy” Hoàng Phủ Ngọc Tường”
Hình như, những bào chữa cho Hoàng Phủ Ngọc Tường của Ngô Minh
không có sức thuyết phục mấy. Bao nhiêu chứng cớ chưa đủ làm rõ
sự thực sao? Nếu như Hoàng Phủ Ngọc Tường ngậm miệng biết lỗi
của mình như Nguyễn Đắc Xuân đi tìm những chứng tích xa xưa để
viết sách kiếm ăn, thì rồi thời gian qua đi cũng nguôi ngoai.
Đằng này, lại luôn miệng kêu oan và có khi lại còn chửi lại :
”Không hiểu sao đến giờ vẫn có những kẻ xấu miệng cứ tìm cách
buộc chặt tôi vào vụ Mậu Thân Huế. Đúng! Mậu Thân đã trở thành
một bi kịch đời tôi!Tôi đành xem họ như những kẻ vu khống bẩn
thỉu, thế thôi!”
Không, thưa ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, những người buộc ông vào
tội đao phủ giết người ấy không phải là người xấu miệng và bẩn
thỉu đâu! Họ là những thân nhân của những người bị thảm sát,
chết mà tay nối tay bằng sợi kẽm gai xuyên qua và bị vỡ sọ bởi
những cán cuốc đã đào huyệt họ. Và, ở thời thế này, cái câu quả
báo nhãn tiền đã đến rất nhanh. Tôi không phải là người vô tâm
đùa cợt trên đau khổ của người khác nhưng chắc ông phải hiểu
cái đau đớn bất toàn của thể xác mình bây giờ chính là cái
nghiệp ông phải trả vì hành vi của mình.
Hy vọng dù ông là người cộng sản vô thần nhưng cũng tin điều ấy…
Nguyễn Mạnh Trinh |