.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Thư mục Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm

Khảo luận Phật Việt hải ngoại :

 

Ðường đến Phật.

 

  • 28.07.2006

1.

Triết học hướng ngoại, hướng về hành động và chân lý thực dụng hơn là những ý tưởng trừu tượng, đóng vai trò chủ đạo hình thành nhân sinh quan của người phương tây (hay ngược lại). Từ đó, thúc đẩy việc chinh phục thiên nhiên ngoại giới, kể cả vũ trụ bao la, đem lại những tiến bộ sửng sốt về khoa học, kỷ thuật.

Song le, bên cạnh cuộc sống văn minh và sung mãn, người tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, đang hứng chịu những khủng khoảng tinh thần, anh hưởng trầm trọng đến mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Rõ ràng, văn minh vật chất không phải là đáp số đúng cho hạnh phúc thật sự của từng con người đơn lẻ, cho sự an bình trật tự của gia đinh và xã hội.

Từ thực tế này, người phương tây đang rầm rộ tìm về cội nguồn triết học nghịch chiều hướng nội, Nội quan và Chủ quan chủ nghĩa (Immanenism, Subjectivism); tìm đến với đạo giáo đông phương, đặc biệt là Phật giáo. Ở đây họ tìm thấy lời giải đáp cho những nan đề của thời đại. Phật chỉ cho họ con đường trở về với chính mình, làm sáng cái tâm mình để thấy được bản tánh (Minh tâm kiến tánh), để thấy được Niết Bàn ở đây và hiện tại.

Bởi hiện tượng này, Giáo hoàng Gioan Phao lồ II đã lên tiếng rằng. Nhân loại (có lẽ ngài muốn nói đến người phương tây) đang đứng trước ngưỡng cửa của Chủ quan chủ nghĩa và Nội tại chủ nghĩa.

Cái chung chung là vậy. Trở về với việc trong nhà. Theo cùng số phận tan thương của đất nước, cùng với mọi người Việt, các bậc phụ huynh Phật tử hầu như ai cũng đã trải qua một cuộc đời đầy đau thương sóng gió, gánh chịu và chứng kiến bao nỗi thăng trầm bể dâu. Từ một đất nước rách bươm, ra đi vì không còn một chọn lựa nào khác, để đến sống tại những quốc gia giàu mạnh. Với kinh nghiệm bản thân, họ thấy rằng Phật đã giúp họ có đủ bi, trí, dũng để đón nhận bất cứ oan nghiệt nào trong quá khứ, thì nay Phật giáo cũng là đối trọng để giúp cho con cháu mình cân bằng cuộc sống vật chất xô bồ trên đất nước người.

Thế nhưng việc đem đạo Phật đến với giới trẻ ở hải ngoại khó khăn gấp bội so với trong nước.

 

Ở quê nhà, con đường các thanh thiếu niên đến với Phật không khác lắm so với thế hệ chúng tôi đã đi qua.

Trước đây trực diện với chiến tranh chết chóc; nay lại đối đầu với phân ly và đau khổ, với đói khát lo sợ, việc tìm đến với tôn giáo là một nhu cầu tự nhiên. Chúng ta đã tin và sống, hành xử trong tinh thần Phật giáo theo dấu mòn đưa lối của ông bà, cha mẹ. Ðạo đối với chúng ta nặng về những ràng buộc tình cảm. Thêm vào đó tiếng chuông chùa sớm tối, khói trầm hương kinh kệ, ngày rằm mồng một đi chùa, ăn chay niệm Phật, tất cả là cái nôi đạo vị nuôi dưỡng tình tự tôn giáo.

Có thể nói rằng, không có một tôn giáo nào ngoài đạo Phật ở Việt Nam, nơi mà đa số những Phật tử thuần thành lại có một sự hiểu biết rất hạn hẹp về kinh kệ, giáo lý. Phật chỉ đơn giản là đấng từ bi cứu độ. Thuyết nhân quả nôm na là gieo ác gặt ác... Cao siêu hơn một chút, lý giải sự vô thường, được mất, của cuộc đời thì đọc câu kinh Bát Nhã được hiểu một cách mơ hồ, “Sắc sắc không không”. Có mấy ai thông hiểu được sự khác biệt giữa sắc là không và sắc không khác không! (Sắc tức thị không, sắc bất dị không)

Từ thuở ấu thời và mãi cho đến một thời gian dài sau nầy, khi lễ Phật tụng kinh, chúng ta đều đọc thuộc lòng các bài kinh chữ Hán được phiên âm Việt. Ví như “Khai kinh kệ vô lượng thậm thâm vi diệu pháp, bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ”; hoặc “Nguyện thử diệu hương vân”. Mấy câu này, nhờ Hán và Việt có những chữ tương tợ nên cũng lờ mờ lõm bõm đoán nghĩa. Ðến như Kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða thì đọc thuộc lòng như cháo, nhưng chẳng hiểu mô tê chi về một tạng kinh gói trọn triết lý căn bản nhất của Phật giáo đại-thừa. “Cố tri bát nhã ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú”. Khó quá! Tệ hơn nữa đọc mấy bài chú phiên âm từ tiếng Phạn thì mù tịt. Nghĩa đã không thông mà lý do tại sao phải đọc cũng không hề biết “Hắc ra đá ra dạ da...” hay “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế” (!)

Thành thử kinh không có tác dụng giúp cho Phật tử hiểu để tin về Phật, hoặc truyền đạt lời cầu nguyện, mà chỉ còn là phương tiện âm thanh để chú tâm mà thôi. Hỏi thử trong chúng ta có bao nhiêu người đến với đạo Phật qua ngỏ tri thức nhờ được nghe các “thời pháp”, như giới trí thức phương tây tin nhận Phật giáo qua các thiền sư Suzuki, Nhất Hạnh và Ðạt Lai Lạt Ma.

Vì ràng buộc với đạo nặng về tình cảm, thế nên, cũng dễ hiểu nếu một Phật tử từ bỏ đạo để rửa tội theo người yêu, thành chồng, thành vơ.ỳ Tình cảm yêu thương đôi lứa, sức mạnh của tình yêu đã mạnh hơn tình cảm tôn giáo bản thân. Họ không có căn bản Phật pháp lý luận triết học, tri thức cần thiết để bám víu cho đức tin của mình.

Chúng ta chẳng những thiếu nhiều giảng sư, tăng sĩ và cư sĩ uyên thâm được đào tạo, mà lại còn thiếu nhiều Kinh sách Việt ngữ giản dị, trong sáng và dễ hiểu.

Từ thế kỷ thứ hai Việt Nam tiếp nhận Phật giáo qua hai ngỏ. Nam với ngài Ma Ha Kỳ Vực và Khương Tăng Hội (Ấn Ðộ); Bắc với ngài Mâu Bác (Trung Hoa) để từ đó hình thành Phật giáo Tiểu Thừa (Nam Tông) và Phật giáo Ðại Thừa (Bắc Tông). Nhưng hầu hết kinh sách lại được dịch từ tiếng Trung Hoa phương Bắc, chứ không phải từ tiếng Sanskrit hay tiếng Ấn ở phương Nam. Ðiều này dễ hiểu, vì nước ta tuy tiếp nhận nhiều nguồn văn hóa khác nhau, nhưng văn hóa Trung Hoa qua ngàn năm lệ thuộc, có một ảnh hưởng sâu đậm nhất trên bình diện tổng quát và đặc biệt về Phật học. Ðây nếu là điều thuận lợi cho tổ tiên chúng ta khi học Phật, nhưng lại là điều bất lợi cho chúng ta khi sử dụng kinh sách dịch hiện nay. Vừa tối nghĩa vưà rườm rà.

Phải chăng các thế hệ tổ tiên và ông cha chúng ta vì am hiểu và tinh thông chữ Hán, trực tiếp qua kinh sách bằng tiếng Trung Hoa nên có cái may mắn tiếp cận với Phật giáo chính xác hơn chúng ta?

Lịch sử Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển rực rỡ gắn liền với thời hưng thịnh của Phật giáo. Có nhiều lý do để giải thích. Một trong những lý do đó có phải chăng là vì sự xuất hiện của nhiều tăng sĩ Phật giáo kiệt xuất đã vận dụng được tinh hoa triết lý Phật giáo vào đời sống thực tiễn của nhân dân. Và, nếu họ làm được như vậy vì họ phải là những người thông hiểu và thực hành Phật pháp một cách rốt ráo. Bên cạnh các thiền sư Trung Hoa uyên bác như Vô Ngôn Thông, Thảo Ðường, Nguyên Thiều... khai sáng đạo, kinh sách tiếng Trung Hoa là nguồn cung ứng về giáo lý. Hai yếu tố này không thể tách lìa với sự phát triển Phật giáo trong thời đại đó.

Nói như thế vì lịch sử Phật giáo Trung Hoa cho ta thấy họ có những cơ may vô cùng quý giá. Trước hết, về địa lý, Trung Hoa nằm cạnh kề Ấn Ðộ là nơi phát xuất của đạo Phật nên các nhà sư Ấn Ðộ và Trung Á có nhiều thuận lợi để đến truyền giảng chánh pháp. Kế đến, hầu hết kinh sách Phật giáo được dịch ra tiếng Trung Hoa từ nguyên bản Sanskrit do bởi các sư tăng Ấn Ðộ hay Trung Á; thông thạo Sanskrit thì đã đành, các ngài lại vô cùng uyên bác về Hoa ngữ. Các vị sư tăng này đã cống hiến không những cho Trung Hoa, mà cho cả các nước chịu ảnh hưởng và xử dụng chữ Hán như Nhật Bản, Việt Nam, Ðại Hàn, một gia tài Phật học đồ sộ với khoảng hơn ba ngàn dịch bản trong hơn mười lăm ngàn sách và cuộn kinh.

 

2.

Có lẽ cũng nên lần theo bước chân của các ngài để thấy được sự hưng thịnh của Phật giáo ở Trung Hoa và các nước vùng Ðông Nam Á trong đó có Việt Nam, là kết quả tất yếu của công trình phiên dịch ưu việt kinh sách Phật giáo từ nguyên bản Sanskrit hay Ấn ngữ.

Có thể nói một cách tổng quát. Trong thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Thiên Chúa giáo đã có lưu hành ở Trung Hoa một số công trình văn học Phật giáo. Vào đời Hán (58-75), nhà sư miền Trung Á Kâsyapa Mâtanga và đồng đạo Chu-Fa-Lan vào Trung Hoa dưới triều Ming Hoàng đế bắt đầu dịch kinh. Vào thế kỷ thứ hai xuất hiện An-Shih-Kao, một cao tăng thuộc dòng dõi hoàng tộc Parthian, ngài là một nhân vật vĩ đại nhất trong việc phiên dịch kinh điển. Ðặc điểm nổi bậc là ngài đã sử dụng ngôn ngữ Trung hoa một cách chính xác. Lưu loát hùng hồn mà không màu mè tô điểm. Giản dị mà không thô kệch. Trong thời gian từ 148-170, cùng với 5 vị tăng xuất sắc khác, ngài đã chú tâm vào dịch thuật. Tác phẩm của ngài được ca tụng vì sự trong sáng và giản dị.

Nhờ các sư tăng tiên phong này mà thế kỷ kế tiếp Phật giáo Trung Hoa đã có được hai trung tâm lớn ở Nan King và Wuchang ở miền Nam. Ở đây, thiền sư Chihch'ien một mình đã dịch trên 49 tác phẩm. Dưới triều Huang-Wu (224), cùng với Wei Chínan và Chu Lu Yen, hai nhà sư lỗi lạc đến từ Ấn Ðộ, ngài dịch kinh Dhammapada được lưu truyền sử dụng cho đến ngày nay. Ảnh hưởng bởi phong cách thi văn Trung Hoa, thoạt đầu Chihch'ien không hài lòng mấy với văn phong của hai nhà sư Ấn Ðộ, ngài cho rằng thiếu nét tao nhã hào nhoáng. Wei Chí Nan đã nói “Ðức Phật đã dạy rằng, tiếp nhận chân lý không màu mè tô điểm. Những ai truyền giảng kinh nên làm thế nào cho dể hiểu và đừng để mất đi bất cứ ý nghĩa nào.” Ðể bảo vệ cho quan điểm dịch thuật của mình, ngài đã dùng lời của Lão Tử “Lời hoa mỹ thì không chân thật, lời chân thật thì không hoa mỹ.”

Cuối thế kỷ thứ ba, Phật giáo Trung Hoa lại thêm một cơ may mới với ngài Dharmaraksha thuộc dòng dõi Trung Á. Gia đình ngài sinh sống ở Tunghang (Bắc Trung Hoa) nên ngài lấy tên Tàu là Fa-Hu. Theo đạo Phật từ hồi nhỏ, ngài theo các thầy du hành qua nhiều nước và học nhiều ngôn ngữ Trung Á, sưu tập 165 tạng kinh. Ngài đã phải bỏ công nhiều năm sao chép và dịch thuật. Trực chỉ đến chân lý bằng ngôn ngữ giản dị là đặc trưng tác phẩm của ngài. Ngài đã có công tạo dựng được ở Trung Hoa một nền văn học Phật giáo với phong cách mới.

Thế kỷ thứ tư là thời gian hỗn loạn. Chiến tranh lan rộng trên nửa phần lãnh thổ miền Bắc của Trung Hoa. Giữa cảnh điêu linh khốn cùng của nhân dân, Phật giáo Trung Hoa do bởi cơ duyên mầu nhiệm lại nhận được một tinh hoa xuất chúng để giúp cho nền Phật học đạt đến sự sung mãn. Ðó là Kumârajiva, một người Ấn Ðộ có trí nhớ siêu phàm. Từ thuở ấu thời ông đi chu du qua nhiều vương quốc ở Trung Á để tìm học Phật. Bị tướng Lu Kang của Trung Hoa bắt cầm tù dẫn về Tàu năm 383. Ông ở Liangchou trong 18 năm. Ở đó ông trở thành lỗi lạc về cả nói lẫn viết tiếng Trung Hoa. Do tài năng xuất chúng của mình ông được tướng quân Yaohsing mang về Ch'angan phong làm quốc sư và thúc dục ông phiên dịch các kinh sách Phật giáo. Kinh Kim Cương, kinh Liên Hoa, kinh Bát Nhã là công trình dịch thuật của Kumârajiva trong kho tàng vô giá của Phật giáo Trung Hoa và các nước Ðông Nam Á. Uyên thâm Phật pháp, thêm vào khả năng siêu việt về cả Sanskrit và Hoa ngữ, đã giúp ngài hầu như nắm vững trọn vẹn nội dung nguyên bản và chuyển ngữ gần như vẹn toàn trung thật nhất để đưa những lời Phật dạy đến thẳng các tín đồ Phật giáo trong đó có các thế hệ tổ tiên chúng ta. Công trình của các tăng sĩ học giả Ấn và môn đồ Thích Ca Trung Hoa trên bước đường đầu tiên phổ biến kinh sách đấy rẫy những sự kiện lý thú, những việc vừa được lược trích chỉ để đủ trả lời phần nào luận cứ được nêu ra trên đây.

Công trình vĩ đại như vậy thế mà các ngài vẫn không hài lòng về công việc dịch thuật của mình. Kumârajiva nói : “...khi được đổi ra tiếng Trung Hoa thì vẻ đẹp sững sốt của nguyên bản đã bị đánh mất đi. Dù cho cái ý chính vẫn còn giữ lại được nhưng nét lôi cuốn của bản gốc đã bị gạn lọc. Ðiều này cũng có thể sánh như nhai cơm để nuôi người khác. Không những cái hương vị đã mất mà kẻ nhận cơm cũng thấy chán ngấy.” Trước khi nhắm mắt lìa đời ngài đã thổ lộ nới các tăng sinh và cộng sự rằng, thật ra ngài đã tiếm đoạt chức năng của một dịch giả; dưới ngòi bút của ngài chỉ có một trong ba trăm lẻ cuộn kinh là không bị giảm lược thâu gọn.

Sau cùng là Huyền Trang, Hsuan-Tang 600-664; còn mang danh hiệu là Tam Tạng Pháp sư, là người tinh thông cả ba tạng Tam tạng.  Một vị Bồ tác, là nhà chiêm bái và học giả, nhà hùng biện và dịch thuật, nhà thám hiểm bậc nhất và thiên tài ngôn ngữ...dây là một số danh xưng thường để nhắc đến ngài.

Theo Tự điển Phật học Đạo uyển.  Huyền trang là một cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách văn hệ Phạn ngữ ra tiếng Hán. Sư du hành 16 năm (629-645) Ấn Ðộ, lưu lại học tại Nalanda và thăm viếng tất cả các di tích Phật giáo quan trọng. Huyền Trang sinh tại Hồ Nam. Năm lên 13 tuổi Sư đã xuất gia. Sư tu học kinh sách Đại thừa với nhiều giảng sư khác nhau và thấy có nhiều chỗ giảng giải mâu thuẫn. Ðây là lí do chính thúc đẩy Sư lên đường đi Ấn Ðộ để tự mình tìm hiểu.  Năm 629, Sư rời Trường An. Năm 631, Sư đến Kashmir, năm 633 mạo hiểm tìm đến các dấu tích Phật.  Sau cùng tìm đến đại học Phật giáo Na-lan-đà. Hai năm sau, Sư rời Na-lan-đà đi Tích Lan, rồi lại trở về Na-lan-đà học tiếp triết học Ấn Ðộ. Danh tiếng của Sư lừng lẫy, nhiều vua chúa mời Sư giảng dạy. Năm 645 Sư trở về Trường An và mang theo 520 bộ kinh sách của Tiểu thừa và Ðại thừa về Trung Quốc (Trong lời tựa của vua Đường Thái Tông giới thiệu tác phẫm Đại Đường Tam Tạng Thánh giáo  ghi là 657 bộ.  NĐT). Những năm sau đó, Sư tập trung dịch kinh và dịch được 75 bộ. Vì thông cả văn hệ Phạn ngữ (sanskrit) nên Sư cũng dịch ngược lại Ðạo đức kinh của Lão tử và Đạ i thừa Khởi tín luận (s: mahāyānaśraddhotpāda-śāstra) sang Phạn ngữ (vì nguyên bản Phạn đã thất truyền). Ðặc điểm của các bản dịch của Huyền Trang là trình độ văn chương rất cao và rất chính xác. Sư là người có công trong việc đưa vào tiếng Hán một loạt thuật ngữ Phật giáo quan trọng.Vào thế kỉ thứ 16, dựa vào chuyến Tây du của Huyền Trang, bộ Tây du kí của Ngô Thừa Ân ra đời, trong đó Huyền Trang có tên là Tam Tạng, mang nhiều tình tiết li kì hấp dẫn người đọc.

 

3.

Ngày nay. Tuổi trẻ học Phật thiếu kinh sách dễ hiểu mà đầy đủ. Cần cả kinh sách song ngữ.

Như vậy tuy tằng kinh sách Phật học Trung hoa đã do những cao tăng uyên bác hàng đầu dịch thuật từ Sanskrit hay Ấn ngữ, kinh sách nầy cũng đã mất mát đi khi so với nguyên bản. Thế nên, khi được dịch một lần thứ hai sang Việt ngữ, tránh sao khỏi thiếu sót, rắc rối. Khó hiểu cho thế hệ chúng ta, cho giới trẻ, nhất là ở hải ngoại, là những người không biết được tiếng Hán và cũng không thông với tiếng Việt, khi đề cập đến các vấn đề thuộc về triết học và tôn giáo, nhất là kinh điển Phật giáo. Như đã nói ở trên, trước đây thì kinh được đọc bằng âm Hán Việt, hàng chục năm nay, với nỗ lực của nhiều chư tăng, kinh đã dịch ra Việt ngữ. Tuy có dễ hơn song cũng vẫn còn quá khó vì còn có quá nhiều chữ gốc Hán.

Ta thử đọc một đoạn dịch ngắn trong kinh Thủy Sám của T.T. Thích Trí Quang, ấn bản ở hải ngoại năm 1992. “Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học, bốn thứ niệm xứ, bốn thứ chánh cần, năm căn năm lực, bốn thứ thần túc.” Trích bản dịch nầy vì đây là một bản dịch tương đối giản dị so với các kinh sách được dịch bởi T.T. Trí Tịnh như kinh Ðịa Tạng, Liên Hoa hay các tác phẩm khác của T.T. Thiên Hòa, Thiên Hoa. Có bao nhiêu người đủ trình độ Phật học để hiểu được đoạn kinh bằng chữ Việt này? Có người lập luận rằng đây là kinh nên phải dịch từng chữ. Muốn đạt được ý phải được giảng giải thêm.

Thế nhưng, muốn được giảng giải thì, hoặc là đọc sách. Sách đã hiếm, mà lời sách chú giảng cũng không kém phần rắc rối, khó hiểu. Hoặc là đến nghe các buổi thuyết pháp .Các buổi thuyết pháp do các sư tăng uyên thâm hay có trình độ Phật học và trình độ diễn đạt, thật sự đáp ứng được lòng mong mỏi học đạo. lôi cuốn được tín đồ, đặc biệt là giới trẻ, thì thật là càng quá hiếm!

Ở trong nước, như đã trình bày ở trên, vượt qua các trở ngại này, tuổi trẻ vẩn tìm đến với đạo qua những ràng buộc tình cảm sẳn có, rồi từ đó với nổ lực cá nhân và duyên nghiệp với đạo, tự mình len lỏi trong khu rừng rối rắm vô cùng cao siêu của kinh điển để tìm học Phật.

 

Ở hải ngoại thì như thế nào? Dưới góc độ thực tiễn, Phật giáo rất cần thiết cho họ.

Marx đã vơ đủa cả nắm khi cho rằng, tôn giáo chỉ là ma túy ru ngủ, có tác dụng làm tạm nguôi đi, tạm quên đi những khổ đau, cơ cực của cuộc đời. Tôn giáo không giải quyết căn nguyên của đau khổ. Qua thực hành Phật pháp, ngay cả trong tuổi thanh xuân chưa vướng bận nhiều với khổ đau và hệ lụy, không ít người đã thấy được Ðạo Phật là con dường rốt ráo giải quyết tận gốc khổ đau, tạo dựng một cuộc sống thật sự an vui, hạnh phúc và yêu đời, yêu người.

Ðược như vậy vì “Chủ yếu của Phật giáo là vấn đề thoát ly ra khỏi sự dục vọng, sự sân hận và sự ngu si, chứ không phải thoát ly ra khỏi cuộc đời.”. Ðây là lời của Mục sư Ken Tanaka, thuộc viện Ðại học Berkley, người đã nắm bắt được một phần mạch nguồn của đạo Phật để phản bác quan điểm của Ðức Giáo Hoàng John Paul II khi đề cập đến vấn đề giải thoát của Phật giáo trong tác phẩm nổi tiếng và gây sôi nổi “ Bước qua ngưỡng cửa hy vọng “ (Crossing the Threshold of Hope ), rằng “...cái gì, được gọi là cõi “ Niết Bàn” một trạng thái cách biệt hoàn mỹ với cuộc đời...” (!)

Giáo sư Phật học Minh Chi nói rõ hơn. Phật giáo không bao giờ định nghĩa Niết bàn như là một thái độ bàng quan hoàn toàn đối với thế gian như Giáo Hoàng nói. Niết bàn là từ bỏ Tham, Sân, Si là nỗ lực tối đa để con người trở thành hoàn thiện, trở thành bậc Thánh ngay ở thế gian này chứ không phải ở một thế giới nào khác, tại một tương lai xa xôi nào khác. Phật giáo luôn luôn khẳng định. Niết Bàn là ở đây và trong hiện tại.

Chẳng phải hiểu nhiều về giáo pháp căn bản của Phật giáo là thuyết Tương Tức, Tương Nhập (Interdependence), chỉ cần hiểu được rằng những gì cá nhân trải qua đều do Nhân và Duyên mà tạo Nghiệp; Nhân Duyên là cội rễ của nghiệp báo, thì người theo Phật dã chấp nhận cuộc đời một cách tích cực kể cả khi bất hạnh hay lúc hưng thịnh.

Thêm vào đó, trong một xã hội đề cao sự hưởng thụ cá nhân, dục vọng được buông thả, luật pháp không thể nào kiềm hãm được những hành động thiếu đạo đức, lòng tham lam ích kỷ và sự hận thù oán ghét. Chỉ có luật nhân quả mới hướng dẫn con người làm việc lành. Việc này không những giúp cho cá nhân, gia đình có được hạnh phúc mà cộng đồng và xã hội cũng hòa bình, an lạc.

Phần tích cực nhất, trong việc thực hành Phật giáo đã cống hiến Thiền, một phương pháp tu hành rất hiệu nghiệm. Càng ngày càng được sự lưu tâm và thu nhận của đông đảo mọi giới ở Âu Mỹ. Nơi mà hiện nay có tới 500 trung tâm Phật giáo. Một trung tâm lớn được thiết lập kề sát Tòa Thánh La Mã. Sự kiện nầy Ðức Giáo Hoàng đã ghi nhận “Phật giáo đến với người của khối Thiên Chúa Giáo Tây Phương, khuấy động sự chú trọng về phương diện tâm linh, cũng như trong đường lối cầu nguyện của người Phật Giáo”. Và. “ Ngày hôm nay, chúng ta đang thấy một sự lan tràn nào đó của Phật giáo trong thế giới Tây phương”

Ðằng sau sự sung mãn về vật chất và tiến bộ vượt bực về khoa học kỷ thuật của phương Tây, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã thấy được sự trống vắng cô đơn của mỗi cá nhân, sự khủng hoảng về tâm linh của họ trên hành trình đi tìm một hạnh phúc đơn giản ở thế gian. Phật giáo và phương pháp Thiền là đáp ứng vẹn toàn cho sự khắc khoải đó. Thiền sư Nhất Hạnh cũng đã đóng góp công lao không nhỏ trong thành quả này.

Ðiều nghịch lý là trong khi đó thì thanh niên Việt Nam, xuất thân từ các gia đình Phật tử, lại không mấy quan tâm, nếu không muốn nói là lơ là xa lạ.

Nếu nói việc đem đạo đến với giới trẻ ở hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ, khó khăn gấp bội so với ở quê nhà thì lý do ở đâu? ở tự thân giới trẻ hay tại vì chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn để lôi cuốn họ?

Ngoài tất cả khó khăn gặp phải như giới trẻ ở quê nhà, ở hải ngoại họ còn cái mất mát là, chẳng còn hay còn lại rất ít được ôm ấp trong “cái nôi đạo vị nuôi dưỡng tình tự tôn giáo.”

Ðiều này thật vô cùng quan trọng. Tôi nhớ rất rỏ một kinh nghiệm, và, trong chúng ta ai cũng sẽ có một kinh nghiệm của riêng mình, mãi mãi đọng lại trong ký ức, gắn bó mình với đạo.

... Lúc còn là một học sinh, một buổi chiều mùa hè đạp xe lên chùa Thiên Mụ thăm một người bạn học hiện đang tu ở đó. Chú đang bận khóa kinh chiều. Ðứng trước chánh điện mênh mông vắng lặng. Nghe tiếng thông reo rì rào trong gió chiều. Mùi trầm hương phảng phất. Tiếng mõ, tiếng kinh, trong không gian mênh mông đó, như vẳng lại từ một nơi nào xa thẳm. Thật lạ lùng tất cả âm thanh không hề khuấy động mà dường như tăng thêm cái tĩnh lặng của một buổi chiều. Tôi đã hứng được, đã nắm bắt được cái khoảnh khắc tuyệt vời đó. Cái khoảnh khắc mà sau nầy, dù theo những kỷ thuật ngồi Thiền: hít vào, thở ra, nín thở.... tôi chẳng bao giờ gặp lại được.

Các bạn trẻ đâu có cái diễm phúc của thế hệ chúng tôi hay các bạn bè cùng lứa hiện ở quê nhà.

Không chùa thử... trở về nhà!

Ở Việt Nam, nhà nào cũng dành gian giữa hoặc nơi trang nghiêm nhất để lập bàn thờ Phật và gia tiên. Ngày hai buổi thắp nén hương, dóng một hồi chuông lễ Phật. Từ lúc sinh ra, đến khi trưởng thành, từ thời ông bà, cha mẹ đến đời mình, mọi chuyện trở thành một nếp sinh hoạt thân quen. Do điều kiện nhà cửa sinh sống ở Mỹ, chuyện thờ tự cũng mất đi vẻ trang nghiêm. Nơi đầu tủ, một góc nhà, nơi phòng ngủ, dưới basement... , tiện đâu thờ đó. Mùi trầm không có, khói hương cũng năm khi mười họa. Hương cắt ngắn, nhúng nước cho bớt khói, khỏi đen nhà. Chuông chẳng dám đánh... sợ hàng xóm!

Chúng ta, thời còn nhỏ phải đòi mới được theo cha theo mẹ đến chùa. Lớn lên chẳng ai thúc hối, không tháng tháng thì cũng thỉnh thoảng đến chùa lễ Phật. Bây giờ muốn con đi chùa hay dự các buổi sinh hoạt, thuyết giảng, ngày Tết, ngày lễ, ngày vía... nhỏ nói đã khó, lớn lên là học sinh, sinh viên lại càng khó hơn. Ðầu tiên chúng cũng háo hức. Ðược một hai lần bắt đầu thấy nản; không thoái thác thì cũng lấy lý do bận học, bận làm... để khỏi buồn lòng cha mẹ. Ði chùa vì cha mẹ chứ không phải vì Phật! Có đứa than phiền không hiểu được cái thư mời nói gì: “Cung thỉnh quí vị đạo hữu, chư thiện trí thức quang lâm vân tập”?... !!! Cha mẹ dịch đại khái ra tiếng Mỹ: “you are warmly welcome!” Chúng nhe răng cười! Tiếng Việt đâm ra khó hiểu hơn tiếng... ngoại quốc! Ðến chùa, đến hội, mạnh thầy, thầy giảng, tràng giang đại hải. Một là quá khó, hai là chẳng ăn nhập gì với ưu tư vướng mắc của chúng. Ngồi chịu trận, liếc chừng xem cha mẹ có theo dõi hay không. Tâm trí phiêu bồng theo một câu chuyện riêng tư, một game đang chơi nửa chừng ở nhà, hay tung tăng lạc bước ở một Shopping Center nào đó! Ði chùa chỉ còn lại tác dụng ngoài dự tính, là tập cho tuổi trẻ “kiên nhẫn” và “tròn chữ hiếu”!!!

Kinh kệ sách giảng trong sáng, đơn giản, dễ hiểu đã đành, mà hình thức thờ tự lễ lạc trang nghiêm, nhưng cũng phải đơn giản.

Sinh hoạt ở làng Hồng của thầy Nhất Hạnh nếu không phải là mẫu mực thì ít ra cũng là một cách mạng cần thiết nếu muốn giúp cho tuổi trẻ đến với Phật và sống theo đạo. Do yêu cầu mới, nếu xưa kia các tăng sư phải thông Hán học thì nay các ngài, các thầy phải thông Anh ngữ. Ðây là điều hết sức cần thiết. Các em sinh ra hay lớn lên ở Hoa Kỳ, cho dù gia đình vẫn cho trau dồi Việt ngữ, các em cũng rất hạn chế về từ ngữ Hán-Việt để hiểu được các danh từ Phật học. Các em mới sang định cư có khá hơn nhưng cũng lắm vất vả, truân chuyên.

Chắc chắn nói “Bát chánh đạo”; “Tứ diệu đế” khó hiểu hơn là “The Eightfold Path” hay “Four Noble Truths”; ”Right Thinking” rõ ràng hơn là “Chánh Tư Duy”. Cả hai đều là tiếng nước ngoài, có điều Hán ngữ đã thuộc về quá khứ, Anh ngữ là thứ tiếng đang học và đang xử dụng. Rất cần thiết có nhiều kinh sách song ngữ, như đã nói trên. Thêm vào đó, tuổi trẻ ở hải ngoại được hưởng một nền giáo dục khoa học kỹ thuật cao, các giảng sư nhất định phải có đủ trình độ và bản lĩnh, cũng như khả năng dùng Phật pháp để lý giải các nan đề của tâm linh và cuộc sống thực tế. Tóm lại yêu cầu cho một sư tăng truyền đạo cao hơn nhiều, khó khăn hơn nhiều so với trong nước.

Vào thập niên ba mươi, bốn mươi ở Việt Nam đã hình thành hệ thống Khuông hội và Gia Ðình Phật tử. Khuông hội là nơi nương tựa Phật và pháp cho cư sĩ tại gia và gia đình tận ngõ ngách, thôn làng. Dựa vào Khuông hội là tổ chức Gia Ðình Phật tử. Qua hình thức sinh hoạt trẻ trung, sống động G.Ð.P.T. đã giáo dục thanh thiếu nhi học Phật và sống theo Phật. Ðây là những sáng kiến tuyệt vời, đúng lúc, hữu hiệu. Ở hải ngoại đang cần những cải cách sáng tạo có tầm mức như vậy. Gia đình Phật tử nếu muốn đóng góp trong sự nghiệp giáo dục Phật giáo ở hải ngoại chắc cũng cần rất nhiều thay đổi cả hình thức lẫn nội dung cho thích hợp.

 

4.

Hơn ba mươi năm định cư nơi quê hương mới, thời gian chưa đủ để cho có một cuộc sống thật sự đầy đủ về mặt vật chất. Tuổi trẻ Việt Nam ở đây, so với quê nhà thì quả đã hưởng được một cuộc sống tương đối sung túc tiện nghi hơn, nhưng việc trước mắt của họ là học, là làm ra tiền càng nhiều càng tốt, cung ứng cho nhu cầu vật chất càng ngày càng gia tăng. Thời gian bận rộn đầu tắt, mặt tối đã không còn có lúc cho những suy tư về đạo giáo. Mặt khác, cuộc sống văn minh vật chất trong thời gian đầu hội nhập dễ đưa lại cái ảo tưởng là con người chẳng cần với tới những thỏa mãn xa xôi về tâm linh. Cho đến một lúc nào đó, khi đối diện với cái cô đơn và dằn vặt như hiện trạng của thanh thiếu niên Âu Mỹ hiện nay, lúc muốn tìm một sự an vui hạnh phúc thực sự, các bạn trẻ sẽ tìm về với cội nguồn Phật học. Ngày hôm nay đã không mời gọi được họ, liệu ngày đó có đáp ứng được không? Chúng ta đang cần nhiều Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Thiền sư Nhất Hạnh!!!

                                              

Tài liệu trích và dịch :

1/. “Phật Giáo Qua Cách Nhìn Của Ðức Giáo Hoàng”, Lương Minh Sơn (Người Việt).

2/. “Crossing The Threshold Of Hope”, John Paul I I.

3/. “Chinese Literature”, Ch'en Shou-Yi.

4/. “Phật Giáo Là Gì?”, Ðạt Lai Lạt Ma (Người Việt)

5/ “Vài Nhận Ðịnh...”,

Nhân Tử Nguyễn văn Thọ

“Ðối thoại với Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II”. Giao Ðiểm -

6/ Tự điển Phật học Đạo uyển

./.

NINH HẠ - NGUYỄN ĐỨC TÂM

Tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh tại Huế

HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
Nguyên :

- Giám Đốc Điều Hành Cơ quan Dịch vụ Xã hội cho Di Dân và Tị nạn (Á, Phi, và Âu châu) tại Illinois.

- Ủy Viên các Hồi Đồng Cố Vấn về Á-Mỹ Sự Vụ (Advisory Council on Asian American Affair) của:
+ Thị Trưởng Thành Phố Chicago,
+ Bộ Trưởng Nội Vụ Tiểu Bang Illinois (Secretary of State),
+ Biện lý Cook County State (Cook County State's Attorney).

- Ủy viên Hội đồng Quản Trị Liên Hội Quốc Gia NAVASA (National Alliance of Vietnamese American Social Service Agencies).

- Ủy viên HĐQT Tổ chức bảo vệ người Tị nạn, Di dân ICIRR (Illinois Coalition for Refugees and Immigrants Rights).

- Hội viên CAAELII (Coalition of Asian-African, European and Latino Immigrants of Illinois).


Được trao tặng  "Vision In America Award" 2004  của International Channel Networks

BÁO CHÍ - TRUYỀN THÔNG
Nguyên :

- Chủ bút báo Người Việt Illinois.

- Trưởng biên tập thời sự Windy City Weekly Magazine Radio 88.7 FM.

- Cộng tác với các báo Thế Kỷ 21, Văn Học...(Hoa Kỳ).  Trang mạng Talawas, Phù Sa...

ĐÃ XUẤT BẢN :

- Cơn Giông Ngày Về, Văn Mới (Hoa Kỳ) 1999.

- The Silver River, Steck Vaughin 1994.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.