.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Hết ý

  • 8.01.200

Cầm mảnh giấy nhắn tin mà người bộ đội giao liên trao cho, Bình hơi ngạc nhiên nhưng vẫn vui mừng lên tiếng:

- Bà nó ơi, anh Thanh vẫn bình yên! Chiều nay anh ấy sẽ đến thăm mình.

 

 *

 

Là một đại tá của Việt Nam Cộng Hòa giải ngũ về hưu, Bình đã tạo được một cơ sở trồng và sản xuất cà-phê ở vùng Ban Mê Thuột. Một cơ sở khá đồ sộ, mà Bình đã xây dựng nên nhờ ở khoản tiền "tiết kiệm" đã gom góp từ đồng lương đại tá, ở vị trí cò quận năm trước khi về hưu. Là con người có đầu óc thực dụng, Bình hài lòng với số vốn đã dành được và thỏa mãn với thân phận của mình nên đã xin giải ngũ khi đáo hạn tuổi, không muốn kéo dài cuộc đời binh nghiệp để hy vọng mang sao. Thà bằng lòng với những gì đang nắm trong tay còn hơn là chạy theo một viễn ảnh bấp bênh, có khả năng nguy hại cho những gì đã thụ đắc.

 

Cơ sở kinh doanh của Bình hoạt động được trên một năm thì biến cố lịch sử 30 tháng Tư xảy ra nên có chi ra mà thu vào thì chưa thấy đâu cả. Thế là, cùng với cảnh tan hoang của đất nước, Bình thoáng thấy trường hợp mất trắng của bản thân, đau gấp mấy lần chuyện mất nước. Đang bối rối để tìm một lối thoát cho sự nghiệp thì được tin Thanh, người anh cả của Bình, đi theo kháng chiến từ ngày Việt Minh vào Hà Nội. Bình hy vọng rằng, với sự giúp đỡ của anh mình rồi đây mọi việc sẽ êm xuôi. Chuyện bản thân sự nghiệp cũng như chuyện làm ăn kinh doanh.

 

Về chuyện cá nhân, Bình đang cân nhắc giữa đi hay không đi "đăng ký học tập". Đi thì công trình mồ hôi nước mắt, với bao nhiêu vốn liếng bỏ ra, sẽ tan thành mây khói. Viện cớ đã giải ngũ về hưu đã mấy năm qua để không đi, liệu có yên thân được với "những người anh em bên kia" hay không? Trong khi đắn đo như vậy, mảnh giấy nhắn tin kia của Thanh lại đến với Bình như một cái phao tế độ.

 

Theo Việt Minh từ những ngày cộng sản kéo vô Hà Nội cho đến nay tất nhiên Thanh phải là nhân vật khá quan trọng của phía bên kia. Bình nghĩ về anh mình như thế vì, dù là chỗ tình nghĩa ruột thịt, Thanh không khi nào hé răng cho Bình biết mình là hạng người như thế nào bên phía cộng sản. Để bảo mật cho bản thân cũng như cho tổ chức. Khi Bình nghĩ rằng anh mình có đẳng cấp cao trong hàng ngũ cộng sản thì đương nhiên phải có cơ sở để tin tưởng như thế.

 

*

 

Số là, trong cuộc tổng công kích hồi Tết Mậu Thân, Thanh là một trong những thành phần tầm cỡ của cộng sản nằm vùng bị Việt Nam Cộng Hòa bắt giam. Thanh nhớ tới chú em đang làm lớn bên "quân đội Sài Gòn" nên đã tìm cách kêu cứu. Đúng theo đường lối hành động của một con người bên phía quốc gia, Bình không cần biết ông anh của mình mang tội danh gì nhưng cũng tích cực vận động, chạy chọt để bảo lãnh Thanh ra khỏi vòng tù tội. Nhờ đứng trong hàng ngũ "đàn em của Chị Tư" nên Bình đã cầu cứu được sự giúp đỡ của Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng để cứu anh mình.

 

Khi ra tù, Thanh bị chỉ định cư trú tại nhà của Bình trong cư xá Chí Hòa vì điều kiện phóng thích của an ninh quân đội là Thanh phải được theo dõi và tách rời khỏi môi trường cộng sản. Và Bình phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của Thanh. Vì tình nghĩa gia đình, Bình cam kết bất cứ điều gì miễn là anh mình không lâm vào cảnh tù đày lao lý.

 

Thời gian trôi qua, Thanh có vẻ ngoan ngoản, bình thản dạo chơi đây đó, ban đầu quanh quẩn trong cư xá rồi lần hồi mở rộng vòng tròn ngao du. Đến khi chiến trường sôi động lên với những Bình Long anh dũng, An Lộc oai hùng và Ban Mê Thuột thất thủ thì người nhà Bình không còn thấy Thanh đâu nữa. Ban đầu, gia đình cho là Thanh lãng trí quên mất lối về nhà. Bình lo ngại nhưng rồi cũng tìm cách ém nhẹm, chưa vội cho an ninh quân đội hay. Thế rồi tình hình đất nước rối như mớ bòng bong, chuyện nhỏ nhặt của một con người đâu còn quan trọng nữa. Cho tới ngày hôm nay, mới có mảnh giấy nhắn tin kia xác nhận rằng Thanh vẫn còn nguyên vẹn.

 

 *

 

Chiều hôm ấy, trời nhá nhem tối, một chiếc xe jeep của Mỹ đổ xịch trước cửa nhà của Bình, vài ba bộ đội, súng dài cầm tay, liền nhảy xuống trước, "bố trí" ở tư thế bảo vệ yếu nhân. Người ngồi ghế trước, bên cạnh tài xế, bệ vệ xuống xe, chậm rãi đi vào trong nhà. Chưa được mấy bước thì có tiếng reo hò từ bên trong vọng ra :

- Kìa anh, xin anh bỏ lỗi cho, vợ chồng em chưa kịp ra ngõ đón mừng anh.

- À, chú.

- Thấy anh bình yên, vợ chồng em rất vui mừng.

- Chú không theo dõi tôi, nhưng tôi thì lúc nào cũng biết tin chú.

- Anh chu đáo quá. Xin mời anh và mấy chú bộ đội ở lại dùng cơm tối với vợ chồng em.

- Không cơm nước gì hết. Tôi đến đây theo quân lệnh. Một là cơ sở làm ăn của chú. Cái gì của nhân dân thì phải trả lại nhân dân.

- Thưa anh không, chính do mồ hôi và nước mắt của vợ chồng em,...

- Với đồng lương tháng của một sĩ quan, làm gì chú tạo dựng được một cơ ngơi như thế này chứ? Bọn sĩ quan ngụy của các chú chỉ có ngồi mát, ăn bát vàng, chỉ tay năm ngón.

- Thưa anh...

- Không thưa gởi gì hết. Bắt đầu từ mai sẽ có một đơn vị bộ đội đến tiếp quản vườn cà-phê và xưởng chế biến của chú. Hai là, bản thân chú, sao không đi đăng ký học tập cải tạo để trở thành công dân lương thiện, theo tiêu chuẩn xã hội chủ nghĩa, với người ta? Còn chần chừ gì nữa?

 

Cuộc đoàn tụ gia đình giữa hai anh em - người quốc gia, kẻ cộng sản – vô cùng căng thẳng, chẳng khác nào giữa hai kẻ cựu thù. Sau đó, vợ chồng Bình đành thu dọn tài sản riêng tư – may mà không bị ông anh tình nghĩa cho lệnh tịch thu - mướn xe chở về Sài Gòn, lòng đầy căm tức, chẳng nói gì được. Bình nhớ lại chuyện phải dày công gỏ cửa từng tướng lãnh một để gỡ rối cho Thanh, thậm chí suýt mất chức mất lon vì Thanh. Vì tình nghĩa gia đình, Bình đã xem thường tất cả, danh dự và tương lai bản thân cũng như an ninh và an toàn của đất nước để cứu anh mình. Thế mà ngày nay Thanh đành, nhân danh Đảng và ý thức hệ, đối xử thẳng mực Tàu với mình một cách lạnh lùng và máy móc!

 

 *

 

Bình đi học tập cải tạo mà tức như bị bò đá. Qua tâm sự với bạn bè, Bình hay kể lại và lên án nặng nề trường hợp bất nhân, bất nghĩa và tàn nhẫn vô nhân đạo của ông anh ruột cộng sản, cạn tàu ráo máng. Giờ đây, Bình mới thấy rõ, như trắng với đen, là chủ nghĩa cộng sản đã hủy diệt hoàn toàn con người đích thật, để biến nó thành một công cụ của cái ý thức hệ, được tôn vinh bừa bãi là "ngày mai của nhân loại". Thanh không còn biết gì là tình cảm anh em, liên hệ gia đình mà chỉ tuân hành quân lệnh và phục vụ cho đường lối của Đảng. Để đáp lại những liều lĩnh và tình cảnh hết lòng của Bình nhằm lôi Thanh ra khỏi vòng tù tội và để bảo đảm cho Thanh, dù cho tội trạng tày trời của Thanh đối với Việt Nam Cộng Hòa, người anh cả kia đã dựng một bức tường đá kiên cố trước những ý muốn và kỳ vọng của Bình trong những ngày sa cơ thất thế. Trước kia thương yêu và kính nể anh mình bao nhiêu thì giờ đây Bình căm giận và oán ghét cái chế độ đã biến đổi Thanh thành một con người vô tri, vô giác, vô tình bấy nhiêu.

 

Với thái độ đanh đá cá cày của Thanh như vậy, Bình đi học tập cải tạo như một con người vô sản chân chính vì cảnh nhà khó khăn thiếu thốn. Nghe theo lời khuyên của ông anh chồng cộng sản "tốt bụng", vợ con Bình khăn gói đi vùng kinh tế mới để "tạo điều kiện cho chồng, cha sớm trở thành người tốt". "Được Đảng và Nhà Nước chiếu cố", vợ con Bình bị đưa đến một vùng đất mà sỏi đá không thể biến thành cơm với sức người.

 

Gia đình không có miếng ăn, cái mặc thì lấy đâu ra phương tiện để tiếp tế nuôi Bình. Tấm thân "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao" của Bình trước kia nay gầy nhom như cây tăm, không còn đi "cơ động" được nữa mà chỉ "lao động bồi dưỡng", làm việc lặt vặt quanh lán trại, để cho tổ đội không bị mất ngày công. Từ một con người đồ sộ trước 75 biến thành một tên tù cải tạo ốm tong teo, cơ thể Bình vẫn đòi hỏi chất dinh dưỡng một cách mạnh mẽ vì cái thiếu nó đòi hỏi phải có cái bổ sung.

 

Phần ăn hằng bữa - bằng cơm gạo mốc độn sắn lát khô, độn bắp hay khoai lang - khoảng một tô lưng miệng hoặc một cục bột mì luộc bằng nắm tay hoặc mười mấy củ khoai tây luộc to bằng ngón chân cái hay một lon bo bo chưa bóc vỏ,... cùng với một ít rau luộc và nước muối, ăn vào rồi như chưa ăn thì làm sao mà duy trì được hình hài. Cơ thể đòi hỏi quá nhiều mà bữa ăn ở trại cung cấp chẳng được bao nhiêu. Muốn uống nước lã để trừ cơm cũng không được vì trại quy định cho mỗi người tù chỉ được ba lon guigoz nước đun chín mỗi ngày mà thôi. Nước suối hay nước giếng giữa rừng cứ thế uống vào thì đi đời là cái chắc.

 

Túng thì phải tính, nhất là túng vì đói ăn. Bụng đói thì trí óc cùng quẫn, không buồn suy nghĩ gì hết ngoài chuyện tìm cách để dồn đầy bao tử. Nhổ cỏ, trồng cây, tưới nước, bón phân hoa màu, những công việc đó, Bình làm như một cái máy trong khi đầu óc cứ suy nghĩ tìm cách để cải thiện cái ăn. Suy nghĩ thì suy nghĩ nhưng trong trại tù cộng sản thì lấy đâu ra cái gì mà ngốn ngấu vào dạ dày. Cái đói có những đòi hỏi mà lý trí con người đứng đắn lương thiện, nhưng không đủ năng lực tự chế, không sao hiểu được. Cho nên dễ bị nó cám dỗ đưa đến chỗ hành động sằn bậy và sai quấy, mà không buồn ngượng.

 

Suy nghĩ dễ dàng biến thành hành động khi bị bụng đói thôi thúc và đầu óc đã mất sáng suốt, Bình không bị bắt buộc phải cân nhắc cái đúng hay sai, chỗ phải chăng hay xấu xa của chuyện làm. Hàng ngày, qua ngang chuồng lợn của trại, trông thấy đống sắn phế thảy để nuôi heo, Bình đã có những dự tính trong đầu. Những âm mưu không mấy trong sạch đối với một người tù cải tạo có một quá khứ không đốn mạt nên còn mãi đắn đo, nên đã đưa vào loại bất khả thi.

 

Nhưng, ngày một ngày hai đòi hỏi quá quyết liệt của cái dạ dày "thất nghiệp" không còn cho phép Bình coi trọng vấn đề sĩ diện nữa. Đánh dấu mục tiêu từ trước, một lần lướt qua ngang là Bình đã lẹ mắt nhanh tay nhặt lấy một củ sắn còn tương đối tốt và cho vào túi xách. Thế là Bình có được một phần bổ sung cho bữa ăn hôm đó. Cũng chỉ thỏa mãn phần nào tiêu chuẩn ăn trong ngày. Tuy nhiên, hành động đó cũng không thể nào lập đi lập lại một cách dễ dàng vì cần phải tránh né cái nhìn của cán bộ trại và của cả người tù phụ trách chăn nuôi. Trong môi trường cộng sản, mỗi cá nhân đều có nghĩa vụ phải bảo vệ "địa bàn" của mình và theo dõi hành tung của những kẻ khác. Để còn báo cáo lập công, lấy điểm và lập thành tích thi đua, cho cá nhân và cho tập thể.

 

Ăn quen, nhịn không quen, chương trình "cải thiện" bữa ăn ngày một leo thang. Thế nhưng, đống sắn nuôi heo kia đâu phải lúc nào cũng dư thừa vì tù còn thiếu ăn nữa là lợn. Cạn nguồn cung cấp, Bình bắt đầu chuyển hướng tới ngõ khác.

 

Ngày nào, sau khi cung cấp xong bữa ăn chiều, tổ "anh nuôi" cũng luộc sắn hoặc bánh bột sắp sẵn từng phần ăn cho 6 người vào thau để sáng sớm hôm sau phân phối sớm cho các tổ đội khi có kẻng thức. Một mục tiêu có phần dễ tấn công lại vô cùng hấp dẫn cho những người đói ăn xấu nết. Bình đã qua nhiều đêm mất ngủ vì phải dựng chương trình và kế hoạch.

 

Suy nghĩ là hành động. Vào một đêm không trăng, giả vờ có nhu cầu xuống suối vì lý do "đột xuất", Bình nhất quyết ra tay. Bước ra khỏi lán, Bình đứng lại hô to:"Báo cáo bộ đội, tôi ra ngoài!", đúng theo quy định trại tù miền núi, không cần biết bộ đội đứng đâu. Để chứng tỏ đương sự không có "âm mưu ý đồ" trốn trại. Báo cáo xong, Bình lẳng lặng hướng về phía suối nước dưới chân đồi. Đường xuống suối phải qua ngang nhà bếp phục vụ tù, một tuyến đường rất thuận lợi cho dự tính của Bình. Trên đường xuống suối, Bình dừng lại ở nhà bếp như đã dự định. Hoàn thành xong công tác thật tốt đẹp, Bình lui chân trở lại để về lán thưởng thức thành quả của mình. Được một vài bước thì một tiếng quát to khiến Bình rụng rời tay chân:"Anh kia, dừng lại!"

 

Cả một chương trình kế hoạch bỗng chốc đã tiêu tan. Gã bộ đội bắt được quả tang Bình lấy một số sắn cho vào bọc vải. Thế là sáng hôm sau, Bình được nghỉ lao động để "làm việc" với cán bộ quản giáo. Chiều tối hôm đó, sau giờ lao động và cơm chiều, tổ của Bình được lệnh sinh hoạt để kiểm điểm và phê bình thành viên có hành vi xấu xa.

 

Trước tiên, anh tổ trưởng đưa vấn đề ra trước tổ cho anh em "nắm". Sau đó, mỗi tổ viên phát biểu ý kiến, đại để phân tích lý do đưa đương sự đến hành động và bắt buộc phải có phê bình. Cuối cùng, đương sự phát biểu cho biết động cơ thúc đẩy, tự phê và nhận tội cũng như chịu lỗi trước tập thể. Kết quả phiên sinh hoạt được anh tổ trưởng đúc kết rồi đưa lên cán bộ quản giáo. Bình lãnh ba ngày biệt giam và cắt thơ ba tháng. Không biết từ đó về sau, cái đói có bớt hoành hành anh hay không. Suy cho cùng thì nguồn gốc của "tội phạm" đó là cung cách trừng trị tù bằng bao tử của cộng sản.

 

*

 

Bốn năm năm sau, trong thời gian chuyển trại về Nam Hà thì chuyện đói ăn của tù có phần giảm đi vì Đảng và Nhà Nước đã "khoan hồng nhân đạo cho gia đình tiếp tay với trại nuôi dưỡng tù". Cơm no, bò cưỡi, bụng dạ đầy đủ thiên hạ mới toan tính những chuyện khác. Người thì trổ tài nấu nướng thức ăn (trong tù), người thì nghiên cứu tử vi, châm cứu, kẻ thì đọc sách, tập đàn,... đa dạng, nhiều chuyện, lắm vấn đề. Trong tình hình thoải mái đó, gia đình Bình – qua thúc đẩy của ông anh cộng sản - gởi khá nhiều sách nặng tính giáo dục xã hội chủ nghĩa để hy vọng Bình sớm được tha. Với bản tính keo kiệt, bủn xỉn đến độ ích kỷ, hết lời để chê, Bình không cho anh em tù mượn xem qua mà chỉ cho thuê! Cho mướn sách trong nhà giam đã là chuyện có một không hai, lại còn đòi cho mướn thứ sách giáo điều cộng sản chủ nghĩa cho tù cải tạo nữa, quả là hiện tượng hy hữu! Thế là bộ sách kia cứ nằm yên trong bọc vải của Bình, chờ ngày chuyển trại là vứt đi thôi. Còn cá nhân anh thì được anh em tù kính nhi viễn chi, để cho anh chơi với chính anh.

 

Cho đến một sáng nọ, sau kẽng thức, tù nhân trong buồng đều trong tư thế sẵn sàng để khi cán bộ trực ban mở khóa buồng là tung ra tranh thủ sửa soạn cho tầm lao động trong ngày. Riêng một chiếc mùng cứ im ỉm, chắc là đương sự muốn nằm nướng cho đến phút chót hoặc giả đương sự muốn xin báo ốm, nghỉ lao động.

 

Cửa buồng mở tung, anh em tù hàng hai đi ra, chiếc mùng kia vẫn án binh bất động. Anh buồng trưởng đến lay chân thì té ra Bình đã "đi xa" từ lúc nào. Bình chết không một lời trối trăn, không một di chúc mà cũng không có dấu hiệu dự báo vì mấy ngày trước đó không ai nghe nói Bình ốm đau gì cả. Nhưng, dư luận bàn ra tán vào cho rằng Bình chết vì đau số tiền mất trắng qua lần Nhà Nước đổi tiền mấy tuần trước đây. Nghe đâu Bình đã mất đi một số tiền khá lớn vì không đổi được, trong khi nhiều anh em khác đã đổi được qua hệ thống của "Cậu Ba Củ Bự" và "Cái Sen".

 

Tính tình và phong cách xã giao của Bình đã chặt đứt mọi hướng quan hệ tình cảm cũng như bầu bạn anh em để rồi phải tự mình cô lập nên khi có chuyện chẳng nhờ vả được ai. Bình đã chết trong tức tưởi vì tình cảm ruột thịt anh em trong gia đình quá tệ, vì tình đời thờ ơ lạnh lùng do chỗ bản thân anh không biết giao du. Một lối ra đi trong thầm lặng của một con người hiếm thấy. Biết đâu đó là ước muốn của riêng anh?! Sống chẳng ai chơi, chết rồi cũng chẳng chơi với ai. Quả là hết ý!

 

 

Phan Quân

(Cõi đời vô duyên)

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.