.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Việt Nam và Hoa Kỳ
Bốn mươi năm nhìn lại

 

Những điều trớ trêu và mỉa mai của lịch sử

Vietnam and the United States of America 40 Years Ago

The Whims and Ironies of History

Nguyễn Xuân Phong

 

  • 13.01.200

Đôi li vào chuyn.- Để đánh dấu bốn mươi năm ngày đảo chánh 1.11.1963, Trung Tâm Việt Nam của Trường Đại Học Texas Tech (Vietnam Center-Texas Tech University) có tổ chức một cuộc hội thảo quy tụ nhiều nhơn vật Việt-Mỹ (cộng sản cũng như không cộng sản), phần đông có liên hệ đến Việt Nam, với mục đính tìm hiểu ý nghĩa đích thực của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và để rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai. Nhơn cơ hội này, ông Nguyễn Xuân Phong, với tư cách là thành viên của Trung Tâm, có đóng góp một bài tham luận, được đăng trên tạp chí "Human Rights/Droits de l'Homme", số tháng 9 năm 2003.

 

*  *  *

 

Một tháng Mười Một tới đây là ngày kỷ niệm bốn mươi năm cuộc đảo chánh do các tướng lãnh Việt Nam tiến hành để lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ðể đánh dấu cơ hội đó, Vietnam Center của Texas Tech University sẽ tổ chức kỳ họp thường niên thứ 10 vào hai ngày 24 và 25 tháng Mười, 2003, với chủ đề "Những bước thăng trầm của Ngô Ðình Diệm: Ảnh hưởng đối với Hoa Kỳ và Việt Nam". Các cuộc thảo luận thế nào cũng sẽ làm cho người ta nhớ đến cuộc tao ngộ lịch sử đầy đau khổ của hai quốc gia và hai dân tộc, có nếp sống khác biệt nhau quá nhiều và xa cách nhau bằng cả chiều rộng của Thái Bình Dương...

 

Thời buổi bây giờ, những người ở lứa tuổi bốn mươi và trẻ hơn còn nhớ gì nhiều nữa đâu về cuộc chiến tranh Việt Nam, một trong những thảm kịch tập thể lớn nhứt của thế kỷ thứ XX. Ngay ở Việt Nam, 80% dân số hiện nay (trên tổng số 80 triệu) chưa tới tuổi bốn mươi. Khi nói đến chiến tranh ở Việt Nam - một cuộc chiến dường như đã lần hồi phai mờ vào cõi mịt mù của lịch sử - điều quan trọng nên quan tâm trước hết là phải nói đến tầm vóc và cường độ không thể tưởng tượng được của nó.

 

Không ai còn có thể chối cãi là số lượng chất nổ được sử dụng ở Việt Nam còn nhiều hơn tổng số bom đạn đã được dùng xuyên suốt trong Thế Chiến II. Những ước tính thật dè dặt cho biết số người Việt Nam bị chết trong thời gian một thế hệ chiến tranh, ở Bắc lẫn Nam Việt Nam, là vào khoảng từ ba đến năm triệu và ít ra cũng có từ mười đến mười lăm triệu người tàn tật và bị thương, cộng với số thương vong của Mỹ khoảng 60.000 người chết và mất tích, cùng với 156.000 người bị thương trong số 2,7 triệu quân nhân nam nữ của Hoa Kỳ luân phiên nhau phục vụ ở Việt Nam, một đất nước có diện tích rộng lớn chừng bằng một nửa tiểu bang Texas.

 

Với con số tổn thất nhân mạng khổng lồ như thế thì Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ đã phải gánh chịu một chi phí quá nặng, chính thức là vào khoảng 150 tỷ Mỹ kim, quy ra thời giá thì cũng phải lên tới 500 tỷ! Khi nói rằng cho tới ngày nay, chưa có cuộc xung đột vũ trang nào nặng nề hơn cuộc chiến ở Việt Nam về mặt đau thương, chết chóc và về số tiền của người nộp thuế mà Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ phải gánh chịu, thì đó có thể là một lời an ủi khá buồn phiền!

 

Thông thường, người ta không dễ gì nhớ lại một kinh nghiệm đau thương của quá khứ mà đầu óc vẫn thanh thảng và lòng không nặng trĩu. Bao nhiêu thập niên đã trôi qua, thế mà vết thương do chiến tranh ở Việt Nam để lại vẫn chưa lành được đối với một số người, vì cảm xúc vẫn còn sống động như tự thuở nào và đôi khi còn bị đắng cay và hận thù lấn át. Lịch sử thường tạo điều kiện cho người ta rút ra bài học của quá khứ, nhưng dường như nhiều người, cả Mỹ lẫn Việt, chưa làm được như vậy với cuộc chiến ở Việt Nam, một cuộc xung đột rắc rối, lôi thôi, mà có người cho là Chiến Tranh Việt Nam và có người lại gọi là Chiến Tranh Mỹ ở Việt Nam? Dù cho tên gọi là thế nào đi nữa, cuộc chiến ở Việt Nam cũng dứt khoát là một giai đoạn vô cùng bất hạnh trong lịch sử của hai quốc gia Việt Nam lẫn Hoa Kỳ.

 

Những thế hệ trẻ cứ tự hỏi không biết một thảm kịch khủng khiếp như vậy đã bắt đầu như thế nào và không biết làm cách nào mà hàng triệu người cứ tiếp tục chém giết lẫn nhau lâu dài như thế, thậm chí giữa những thành viên cùng trong một gia đình. Ðã có hàng nghìn quyển sách nói về chiến tranh ở Việt Nam và càng ngày càng có những tài liệu mật kín của nhiều cơ quan chính phủ Mỹ được bạch hóa và công bố, làm sáng tỏ thêm những điểm khó hiểu của cuộc chiến đó ở Việt Nam.

 

Thế nhưng, cũng cần thử tìm xem điều gì đã xảy ra ở Việt Nam, khoảng nửa thế kỷ trước đây, chủ yếu là để giúp những thế hệ trẻ. Và hội nghị sắp tới của Trung Tâm Việt Nam tại trường Ðại Học Texas Tech, bàn về Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam may ra sẽ làm sáng tỏ được nhiều khía cạnh then chốt của cuộc chiến tranh huynh đệ Việt Nam và sự triển khai ồ ạt và nhanh chóng chưa từng thấy của hỏa lực Mỹ.

 

Cuộc chiến ở Việt Nam là điểm nóng bỏng nhất trong cuộc xung đột toàn cầu, mỉa mai thay lại mang nhãn hiệu "Chiến Tranh Lạnh". Từ khi sáng lập ra Tổ Chức Liên Hiệp Quốc hồi 1945, thế giới đã tận tình tìm cách tự mình thích nghi với một thứ hòa bình trong "Chiến Tranh Lạnh", nhưng ở Việt Nam dân chúng phải sống qua một thứ chiến tranh trong "Hòa Bình Nóng", trong vòng ba thập niên... Cho đến hôm nay, những vấn đề căn bản của chiến tranh và hòa bình mà Tổng Thống Diệm và các tổng thống Mỹ phải đương đầu, khoảng nửa thế kỷ qua, vẫn chưa được giải quyết trên thực chất.

 

Một số người cho rằng chiến tranh ở Việt Nam là một thứ "nội chiến", khi các thành phần không cộng sản trong lực lượng Việt Minh ý thức được rằng họ không còn đứng chung với Hồ Chí Minh và đảng cộng sản của ông ta để cùng chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp được nữa. Sau có vài ba tháng gọi là "liên hiệp" với Hồ Chí Minh để thành lập một chính phủ ở Hà Nội hồi tháng Chín 1945, những nhóm không cộng sản đã thấy rõ rằng - đặc biệt là những chính đảng quốc gia truyền thống như Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Ðảng Ðại Việt, nói cách khác là bất cứ ai không chấp nhận thế lãnh đạo của Hồ Chí Minh và đồng bọn - sẽ đương nhiên bị loại bỏ bằng cách này hay cách khác. Thế là, vào cuối thập niên 1940, có một cuộc đấu tranh sống mái giữa người Việt Nam với nhau, trong tinh thần đó, một cuộc đấu tranh nhanh chóng bị chìm đắm và dìm sâu vào một cuộc chiến lớn hơn, khi lực lượng viễn chinh Pháp trở lại sau Thế Chiến II, với sức mạnh khủng khiếp của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, nhờ đó mà đánh bại được Trục Ðức-Ý-Nhật...

 

Tháng Mười Một năm 1963, hai vụ hạ sát của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm lẫn Tổng Thống John F. Kennedy, xảy ra chỉ cách nhau có hai mươi ngày. Cái chết của hai ông này là màn giáo đầu cho một thảm kịch chung mà hai dân tộc Việt và Mỹ phải gánh chịu trong mười năm đăng đẳng sau đó. Chiến tranh ở Việt Nam ồ ạt leo thang một cách nhanh chóng hồi năm 1964 và do đó, người ta có thể thắc mắc là liệu Tổng Thống Diệm và các tổng thống Hoa Kỳ, vào cuối những năm 1950 và đầu thập niên 1960, có thể nào đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột không, hoặc giả có tìm được phương thức hữu hiệu nào để đánh bại Hồ Chí Minh một cách nhanh chóng, hầu ngăn chận tiến trình xâm lược Nam Việt Nam bằng vũ lực của ông ta hay không? Năm 1963 đó, là thời điểm có ý nghĩa hơn hết để nghiên cứu hẳn vấn đề căn bản của chiến tranh ở Việt Nam. Tạm gác qua một bên những cuộc biểu tình của Phật Giáo và những hoạt động chính trị đối lập khác, chống lại chính phủ Nam Việt Nam, liệu Tổng Thống Diệm có khả năng gì đương đầu với loại "chiến tranh nhân dân" mà Bắc Việt áp dụng để thôn tính Nam Việt Nam hay không?

 

Tổng Thống Diệm không có cách nào khác hơn là phải đương đầu với những cái khó khăn quá quắt, ngoài tầm tay của ông. Giữa lúc chủ nghĩa "quốc gia dân tộc" bùng lên mãnh liệt sau Thế Chiến II ở các thuộc địa cũ thì ông lại có nhiệm vụ khó khăn là phải làm cho người ta chấp nhận chủ nghĩa quốc gia Việt Nam qua hình ảnh của một Nam Việt Nam trong vai trò "Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do", với viện trợ và sự hiện diện của Mỹ. Và Hoa Thịnh Ðốn cũng thấy rõ rằng Tổng Thống Diệm khó có cơ may trong bất cứ cuộc tổng tuyển cử nào - trung thực hay bịp bợm sau Hiệp Ðịnh Genève 1954 - đương đầu với Hồ Chí Minh, một người đã nắm phần chắc là chế độ cộng sản Bắc Việt và lực lượng vũ trang chính quy của ông - đã từng cho thấy mức độ hữu hiệu của nó tại Ðiện Biên Phủ - có lợi thế chính trị lẫn quân sự để đem chế độ cộng sản áp đặt lên toàn cõi Việt Nam bằng cách loại bỏ sự can thiệp và sự có mặt của Mỹ, cũng như họ đã thành công trong việc đánh đuổi Pháp trước kia.

 

Ngay trong khi hành động can thiệp của Mỹ lên cao độ ở Việt Nam, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp cũng không cần cầu cứu đến quân bộ chiến của các nước đồng minh hay những quốc gia ủng hộ họ can thiệp vào. Họ thừa biết rằng làm thế thì họ sẽ thất bại về mặt chính trị, vì nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới sẽ không thể tin tưởng vào họ trong một bối cảnh như thế, và họ sẽ không có chút hy vọng gì chống cự lại sức mạnh của lực lượng Mỹ. Vì lý do đó, thậm chí họ cũng không nhờ không quân yểm trợ để phụ lực với quân lính của họ trên chiến trường.

 

Nhờ lịch sử trớ trêu nên Hồ Chí Minh đã làm cho người Việt Nam chấp nhận được chủ nghĩa cộng sản như bộ phận gắn liền với chủ nghĩa quốc gia dân tộc, trong cuộc chiến đấu chống lại sự hiện diện và hành động can thiệp của ngoại bang ở Việt Nam. Nhưng cái độc đáo của ông Hồ Chí Minh là đã du nhập và tiến hành một loại chiến tranh đặc biệt, cái gọi là "chiến tranh nhân dân".

 

Ðó là hình thức chiến tranh toàn bộ, kết hợp chính trị, ngoại giao và quân sự với nhau, mà vẫn áp dụng những hành động chiến đấu quy ước và khuynh đảo, xóa bỏ bất cứ sự phân biệt nào tách rời quân sự với dân sự. Mọi người đều là chiến sĩ, kể cả trẻ con và người già, và vận dụng mọi hình thức chiến đấu kể cả việc đánh bom các rạp chiếu bóng và nhà hát, thủ tiêu xã trưởng và viên chức chính phủ, cũng như ám sát các nhân vật quan trọng. Ngày nay, những hành động này cũng đã trở nên quá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

 

Các chuyên viên sẽ tiếp tục nghiên cứu cuộc chiến tranh ở Việt Nam, và một ngày kia sẽ tìm được đáp số cho loại "chiến tranh toàn bộ" đó, một cuộc chiến tranh chủ trương huy động rộng rãi dân chúng, làm cho họ trở thành vừa là chiến sĩ vừa là nạn nhân vô tội, vừa là mồi nhử vừa là con tin trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù. Thái độ phủ nhận hoàn toàn sự khác biệt giữa quân và dân trong chiến tranh - như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã áp dụng một cách triệt để - là yếu tố chiến lược quan trọng nhất trong chiến tranh ở Việt Nam, mà cũng là một thách thức to lớn nhứt đối với căn bản của nền tảng luân thường đạo lý bên thế giới văn minh. Vấn đề đau lòng xót dạ này vẫn chưa được giải quyết và càng ngày càng tiếp tục trở thành phổ biến trong những cuộc xung đột vũ trang ngày nay.

 

Trong cuộc chiến ở Việt Nam, kỷ thuật và khoa học của chiến tranh đã được cải biến và đem áp dụng vào những chi tiết hành quân bé nhỏ nhứt. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã áp dụng rất tài tình, mà cũng hết sức tàn nhẫn, ý niệm "chiến tranh toàn bộ" đó, thường được gọi một cách thô thiển là "chiến tranh du kích" với bản chất "đánh rồi bỏ chạy" của nó. Muốn đương đầu với hình thức chiến tranh toàn bộ, các chuyên viên quân sự cho rằng cần có từ chín đến mười quân lính mới loại được một chiến sĩ du kích, chẳng khác gì nhiệm vụ của cảnh sát viên rượt đuổi một tên giết người hàng loạt đang đào thoát!

 

Khi chiến tranh ở Việt Nam lên cao điểm nhất vào những năm 1968-1969, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với khoảng một triệu quân, cùng với năm trăm nghìn quân bộ chiến Hoa Kỳ, cũng chỉ đạt được tỷ lệ 4,5 chống 1 và không thể chiến đấu mà không có không quân yểm trợ. Tuy nhiên, dù cho Hoa Kỳ sử dụng không lực một cách ồ ạt, ngoài sức tưởng tượng, cũng không mấy hữu hiệu để ngăn chận đà xâm nhập liên tục của hàng trăm nghìn quân lính và chiến cụ từ Bắc vào Nam Việt Nam...

 

Nhất định là Tổng Thống Diệm có biết được những khía cạnh đó trong cuộc xung đột ở Việt Nam, tuy nhiên cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông đã cố gắng tránh việc đưa quân lính Hoa Kỳ một cách ồ ạt vào Nam Việt Nam và tránh "quốc tế hóa" cuộc xung đột ở Việt Nam, mặc dù đã thừa biết rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hồi đó không ngang sức bao nhiêu với quân đội nhân dân của Giáp.

 

Ngoài ra, từ năm 1945 đến 1963, các Tổng Thống Truman, Eisenhower, Kennedy và Johnson của Mỹ không thiết tha lắm hoặc không hào hứng với ý kiến đưa quân bộ chiến Mỹ vào Việt Nam. Rất tiếc, Tổng Thống Diệm không còn sống để chứng kiến cuộc chiến tranh leo thang nhanh chóng và khủng khiếp từ năm 1964 đến 1968, với nửa triệu lính Mỹ mà Tổng Thống Lyndon Baines Johnson đã gởi tới Nam Việt Nam.

 

 

Phần lớn người Mỹ và dân chúng trên thế giới cứ nhớ rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến tranh của Johnson, nhưng trường hợp của Tổng Thống Johnson quả là một điều mỉa mai của lịch sử. Tại phiên họp ngày 3 tháng Tư, 1954 do John Foster Dulles - lúc bấy giờ là Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tổng Thống Dwight D. Eisenhower - triệu tập, Lyndon B. Johnson, với tư cách là lãnh tụ Thiểu Số Thượng Viện, không mấy tán thành việc Mỹ đơn phương can thiệp vào Việt Nam để cứu nguy cứ điểm Ðiện Biên Phủ, dù cho chỉ dùng lực lượng không và hải quân, một ý kiến do Ðô Ðốc Arthur Radford, Chủ Tịch Ban Tham Mưu Liên Quân, đề nghị, nhưng không được một tướng lãnh cao cấp nào của Ngũ Giác Ðài tán thành. Lúc bấy giờ, chính Phó Tổng Thống Richard Nixon là người đồng ý đánh Tướng Giáp và quân sĩ của ông một trận nên thân và điều này chắc chắn có thể thay đổi được vận mệnh của Việt Nam và Mỹ rất nhiều. Thế là LBJ và bảy lãnh tụ Thượng và Hạ Viện có mặt tại phiên họp yêu cầu Foster Dulles phải huy động "đồng minh" - ngày nay gọi là "cộng đồng quốc tế" - trước khi Hoa Kỳ làm điều gì ở Việt Nam. Một lần nữa, nghe giống như những gì đã xảy ra hồi gần đây... Về phần Richard Nixon thì số mệnh đã định rằng ông phải chờ mười lăm năm nữa mới trở thành tổng thống Hoa Kỳ và rút hết nửa triệu quân Mỹ về, thay vì đưa họ sang Việt Nam.

 

Vào lúc Tổng Thống Diệm từ trần hồi tháng Mười Một 1963, Hà Nội đã tăng cường các hành động quân sự quy ước rồi, đã đẩy mạnh những hoạt động khuynh đảo, phá hoại và khủng bố ở Nam Việt Nam và mở rộng cuộc xung đột Việt Nam về mặt chánh trị và ngoại giao trên trường quốc tế. Ðối với nhiều người thì đã rõ ràng là các chánh phủ ở Hoa Thịnh Ðốn và Sài Gòn không có khả năng vô hiệu hóa kẻ thù, bảo đảm an ninh cho nhân dân ở Nam Việt Nam, và Thế Giới Tự Do không có cách nào để đương đầu một cách hữu hiệu với loại chiến tranh mà "Bắc-Việt-cộng-sản" đang tiến hành chống lại "Nam-Việt-Nam-quốc-gia", theo cách gọi thông thường thời đó.

 

Tổng Thống Diệm biết rõ rằng ông phải thành lập một quân đội Nam Việt Nam có khả năng chận đứng các cuộc tấn công quân sự quy ước của quân đội chính quy Bắc Việt. Có một quân đội hữu hiệu không chưa đủ, Tổng Thống Diệm còn phải đương đầu với những hành động khuynh đảo đa dạng nhằm phá hoại khả năng và quyền lực của chính phủ ông. Ông dư biết rằng chế độ chính trị của ông có tồn tại được hay không là tùy thuộc rất nhiều vào khả năng của ông để thu phục được con tim và khối óc của nhân dân Việt Nam, chống lại chuyện Hồ Chí Minh tự cho mình là đại diện duy nhứt của chủ nghĩa dân tộc, của tính độc lập, của chế độ công bằng xã hội và của nền thịnh vượng ở Việt Nam.

 

Tổng Thống Diệm và đồng minh Hoa Kỳ của ông đều đứng vào một vị thế là phải làm sao để có được sức mạnh mà đánh phá, chiếm giữ, bình định, đem lại tự do và hình thành chế độ dân chủ, tôn trọng nhân quyền, làm cho kinh tế phát triển và xã hội tiến bộ, cho nhân dân ở Nam Việt Nam. Ðối với phần đông chúng ta - người Việt, người Mỹ và những người khác - đã từng sống qua những năm dài chinh chiến ở Việt Nam, từ những năm 1950 đến những năm 1970, thì những gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay, đặc biệt ở Trung Ðông hiện giờ, cho thấy dường như nhân loại vẫn tiếp tục gặp phải những vấn đề đẫm máu của chiến tranh như ở Việt Nam khoảng nửa thế kỷ qua, cũng chính những phương trình phức tạp đó mà chưa có đáp số nào hữu hiệu.

 

Hầu như hằng ngày, đầu óc chúng ta cứ đầy dẫy những thứ "đã từng thấy rồi", và chúng ta bị bắt buộc phải nghĩ rằng "vật càng đổi, sao càng dời thì mọi chuyện đều y như cũ", dù cho nhiều người đầy thiện chí đã cố gắng tìm cách giải quyết những vấn đề vô tận về chiến tranh và hòa bình, dựa trên những lập luận quá nhàm tai về quyền giết chóc để sống còn, để tăng tiến tự do dân chủ chống lại cố chấp và áp bức, để bảo vệ phẩm cách và quyền con người chống lại hành động dã man hay cái ngớ ngẩn của mọi dạng độc tài, cực quyền và chuyên chế...

 

Ðã nhiều phen, khi không còn chung sống được qua hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau, bằng rộng lượng và thông cảm thì lúc nào người ta cũng chọn thứ ngôn ngữ của vũ khí, từ búa rìu bằng đá thời nguyên thủy chí đến bom hạt nhân tiên tiến của ngày nay. Một khi cố gắng thuyết phục và can gián không xong thì những người chủ động cho rằng mình có cái quyền ghê gớm là tiêu diệt, dù cho một vài người cứ nhứt định là phải giết hại một cách văn minh trong khi những người khác lại không mấy quan tâm đến hoàn cảnh của con người khi phải chết đi.

 

Người ta lúc nào cũng có thể lý luận về mặt phải mặt trái của chiến tranh và thiên hạ lúc nào cũng lý luận, nhưng các cuộc tranh cãi như thế thường là trừu tượng và tình hình phức tạp đâu vẫn còn đó để cuối cùng lại đi đến những hậu quả chết chóc. Vã lại, cho dù với lý do gì đi nữa thì hành động chém giết nhau thực ra cho thấy, trước nhất, một sự phá sản tệ hại của trí khôn con người, một tình cảnh bất lực vì không đưa ra được một giải pháp tích cực và xây dựng để tránh cảnh chết chóc và hủy diệt.

 

Bạo động bao giờ cũng được tiến hành một cách nhứt định là đau lòng, thường nhơn danh Thượng Ðế hay César, hoặc nhơn danh cả hai. Hành động chém giết, trước tiên, như là một vết thương tự mình tạo ra, hoặc có thể nói là một dạng giải phẩu hay cưa cắt một bộ phận nào đó trên cơ thể để hy vọng cứu chữa được toàn bộ thân xác. Không một ai muốn ca ngợi chiến tranh, nhưng chiến tranh là một thực tế bất biến của cuộc sống hàng ngày, dù thế nào cũng cần được biện minh bằng cách này hay cách khác cho phải lẽ, trong phạm trù của một triết học, của một hệ tư tưởng hay của một lý thuyết nào đó, mà con người không ngừng truyền bá.

 

Nói cho đúng ra, cả nhân dân Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ lẫn năm vị tổng thống Mỹ kế tiếp nhau, đã liên hệ đến hành động can thiệp vào Việt Nam của Mỹ từ những năm 1950 đến 1970, đều không muốn hoặc thậm chí không nghĩ rằng cuộc thập tự chinh của Hoa Kỳ để mưu tìm tự do và dân chủ ở vùng đất Việt Nam xa xôi kia lại có thể biến thành một thảm kịch khủng khiếp đến như thế của nhân loại.

 

Trận chém giết ở Việt Nam đã bắt đầu vào giữa những năm 1940, khi Thế Chiến II sắp chấm dứt, và vào một thời điểm mà phần lớn dân chúng Hoa Kỳ thật ra chưa biết Việt Nam nằm nơi nào trên bản đồ thế giới. Lúc đó, mọi người thiết tha hy vọng sao những sự khủng khiếp của Thế Chiến II, với năm mươi triệu người chết, không thể và không nên được tái diễn nữa và cũng là lý do để cho Tổ Chức Liên Hiệp Quốc được thành hình nhanh chóng, với vài khó khăn, nhưng cũng khá nhanh chóng.

 

Một lần nữa, cũng qua cái mỉa mai thông thường của lịch sử, chính một người Mỹ, ông Franklin D. Roosevelt (FDR), một vị tổng thống vĩ đại và một con người nhất quyết toàn tâm toàn ý làm cho thế hệ mai sau khỏi phải gánh chịu những tai họa của chiến tranh. Ông phấn đấu mạnh mẻ để hình thành Tổ Chức Liên Hiệp Quốc cho đến ngày cuối cùng của đời ông hồi tháng Tư 1945, nhưng không có được niềm vui sướng để biết rằng Tổ Chức Liên Hiệp Quốc sẽ hình thành hai tháng sau khi ông qua đời, với việc phê chuẩn Hiến Chương Liên Hiệp Quốc tại Hội Nghị San Francisco ngày 26 tháng Sáu, 1945.

 

Niềm vinh hạnh được chứng kiến phái đoàn Mỹ ký tên vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc thuộc về nhân vật kế vị FDR, ông Harry S. Truman, người đã tuyên bố là tổ chức quốc tế mới mẻ và đầy thiện ý này phải làm sao cho thế giới đừng khiếp sợ chiến tranh nữa. Thế mà chỉ có bốn mươi hôm sau, vào hai ngày 6 và 8 tháng Tám, vị tổng thống mới của Hoa Kỳ, ông Harry S. Truman, đã cho ném hai quả bom nguyên tử mới của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki, rồi Nhật Bản phải đầu hàng không điều kiện vì chiến tranh đã trở nên khủng khiếp không sao nói được. Thế là, lần đầu tiên bóng ma chiến tranh xuất hiện để cho nhân loại thấy cái hình dáng khủng khiếp nhứt của nó, qua hàng hàng lớp lớp người chết và hàng loạt hủy diệt, không sao tưởng tượng được...

 

Nhưng kỳ lạ thay, điều thuận lý đôi khi tương đối bị đảo ngược, và Tổng Thống Truman chắc đã nhận ra rằng thay vì làm cho thế giới khỏi phải sợ chiến tranh thì chính vì quá khiếp "sợ chiến tranh" mà nhân loại đã nhiều lần thoát khỏi sự tàn sát của hạt nhân, cụ thể là với Chủ Tịch Nikita Khrushchev và Tổng Thống John F. Kennedy, qua cuộc Khủng Hoảng Hỏa Tiễn ở Cuba hồi 1962, và biết đâu chừng với Tổng Thống Richard Nixon và Chủ Tịch Leonid Brezhnev vào đầu thập niên 1970 trong chiến tranh ở Việt Nam, nếu như "Thuyết Người Ðiên Tiết[1]" đã được đem ra áp dụng...

 

Trở lại năm 1945, Thế Chiến II chấm dứt nhanh chóng, phù hợp với hy vọng của một con người thực tế như Tổng Thống Mỹ Harry S. Truman, nhưng đối với Mỹ thì cũng vào thời điểm đó của lịch sử Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh ở Việt Nam lặng lẽ bắt đầu. Chính ngày 2 tháng Chín 1945 đó, khi Nhật Bản đặt bút ký tên đầu hàng trên chiến hạm Missouri của Mỹ thì Hồ Chí Minh - một trường hợp mỉa mai khác nữa của lịch sử - vay mượn chính những lời lẽ trong bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ để tuyên bố, tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, một nước Việt Nam độc lập và sự ra đời của một chính phủ bị cộng sản chi phối, cho một đất nước mang tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

 

Thậm chí, Hồ Chí Minh còn có những lời ca ngợi về cái quá khứ cách mạng vẻ vang của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ và cuộc diễn hành của Việt Nam ở Hà Nội được tiến hành với khúc nhạc "Star Spangled Banner" (Ngọn cờ ngời sao, quốc thiều Mỹ) và lá cờ "Sao và Sọc" (quốc kỳ Mỹ) được hiên ngang trưng bày bên cờ đỏ sao vàng của Việt Minh, cùng với những lời khen tặng của hai điệp viên OSS Hoa Kỳ (Office of strategic services, cơ quan tình báo, tiền thân của CIA), đại tá Peter Dewey và Archimedes Patti - khách danh dự của Hồ Chí Minh tại cuộc lễ - vì đã cung cấp cho Việt Minh vũ khí và đạn dược quý báu để chống lại quân lính của Ðế Quốc Nhật và đánh đuổi chính phủ Vichy của Pháp.

 

Hồi 1945, lịch sử còn mỉa mai lâm ly bi đát hơn nữa với việc Hồ Chí Minh được một bác sĩ Mỹ, ông Paul Hoagland - thày thuốc OSS, thành viên của phái bộ "Deer Team Mission" (bí danh của một tổ công tác OSS) hiện diện ở đó lúc bấy giờ - chữa trị khỏi những căn bệnh chết người là rét rừng và kiết lỵ. Lúc đó, còn có tin cho rằng Hồ Chí Minh mong muốn liên minh với nước Hoa Kỳ giàu có và hùng mạnh để chiến đấu giành độc lập chống lại đế quốc Nhật và chính phủ Vichy của Pháp. Cũng có tin cho rằng vào cuối năm 1945 đó, một khoảng thời gian với vô số sự kiện lịch sử xảy ra trên thế giới, trong một buổi dạ tiệc trang trọng diễn ra tại dinh chủ tịch ở Hà Nội, Hồ Chí Minh yêu cầu một sĩ quan OSS khác, Thiếu Tá Frank White, trao một bức thư cho Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman, xin Mỹ ủng hộ để giúp Việt Nam thu hồi độc lập và chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp. Không có phúc đáp hay một loại phản ứng nào của Tổng Thống Harry Truman về bức thư có tính giả thuyết này của Hồ Chí Minh, là người thậm chí còn nói rằng trước đó đã kêu gọi Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson giúp đỡ Việt Nam cởi bỏ ách thực dân Pháp!

 

Dứt khoát là các chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Truman và Tổng Thống Eisenhower có phần trách nhiệm về vụ chủ nghĩa cộng sản bành trướng ở Việt Nam và do đó ở toàn bộ vùng Viễn Ðông. Thực ra, chính qua Tổng Thống Eisenhower, tại cuộc họp báo vào khoảng đầu năm 1954, mà "thuyết đô-mi-nô" mới trở thành một mối ám ảnh chánh trị hàng đầu. Cũng phải ghi nhận là một số sự kiện, vào cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950, đã tác động trực tiếp đến diễn tiến của cuộc xung đột ở Việt Nam. Và những gì xảy ra sau đó là nhân dân Việt Nam bị lâm vào một trong những cuộc xung đột rối loạn và giết hại lẫn nhau nhiều nhất trong lịch sử của nhơn loại, còn nhân dân Mỹ cũng bắt đầu chứng kiến cuộc chiến tranh lâu dài nhất trong hai trăm năm lịch sử Hoa Kỳ.

 

Vậy thì Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam như thế có đúng không? Có phải 60.000 người Mỹ đã chết một cách vô lối ở Việt Nam không? Nhân dân Việt Nam có được chút lợi lộc như thế nào đó do Mỹ can thiệp vào chiến tranh ở Việt Nam hay không? Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ có thất trận ở Việt Nam không? Một số người thường nói có, một số khác lại cho rằng không.

 

Do truyền thống và phong tục, nhân dân Mỹ thường có tinh thần đạo đức cao và ý thức dân tộc mạnh mẽ về lòng yêu nước. Mỗi khi quân lính Mỹ được gửi ra ngoài nước để chiến đấu thì lúc nào cũng miễn cưỡng và dứt khoát là không vui rồi, nhưng được coi là cần thiết để giúp đỡ người khác mà cũng vì quyền lợi của Hoa Kỳ, vì lý do an ninh và để bảo vệ lối sống tốt đẹp của Mỹ ở quê nhà và để làm cho người khác trên thế giới cùng chia sẻ được lý tưởng của Mỹ về tự do và dân chủ.

 

Mỹ quốc, đất nước của giàu sang và của tự do, một đất nước đã từng tiến hành một cách vẻ vang cuộc chiến tranh giải phóng và giành độc lập đầu tiên để tạo dựng một quốc gia hiếm có, phong phú nhứt và hùng cường hơn hết trên địa cầu, là Lãnh Tụ của Thế Giới Tự Do - một sứ mệnh cao quý - nhưng than ôi, cũng phải nhận lãnh một thái độ vong ân bội nghĩa, vì Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ càng tìm cách giúp đỡ thì lại càng phải ôm về những nỗi niềm cay đắng, qua những trách móc, chửi rủa không ngưng ...

 

Với những ý định tốt đẹp nhất và đáng tôn kính nhất, cuộc can thiệp kéo dài, mất nhiều công sức và tốn kém của Mỹ ở Việt Nam rõ ràng là một kinh nghiệm đáng tiếc và phiền muộn, nhưng cũng là một điều nhắc nhở rất tốt về vai trò và sứ mệnh của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ trên thế giới lúc đó và ngày nay.

 

Người ta sống và chiến đấu vì lý tưởng của mình, một nỗ lực vô cùng chính đáng. Theo đuổi hạnh phúc và mưu tìm một mục đích có ý nghĩa cho quãng đời ngắn ngủi của mình trên trái đất là quyền bất khả phân của mọi người... dĩ nhiên, với điều kiện là một quyền bất khả phân như thế của người khác cũng phải được tôn trọng trở lại.

 

Nói thì dễ nhưng làm thì khó và thách thức to lớn của thân phận con người bắt đầu từ đó, mà không có một văn bản rõ rệt nào cho tất cả mọi người hết. Ðã đến lúc những thành viên của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là các cường quốc, phải ngồi lại, nghiêm chỉnh nghiên cứu và thành thật tìm cách làm tròn nhiệm vụ bảo đảm và duy trì hòa bình trên thế giới chưa? Bao giờ Liên Hiệp Quốc hoặc cái gọi là "cộng đồng quốc tế" còn tiếp tục cho thấy mình bất lực thì các "diễn viên" tha hồ mà "ứng tác" để chạy theo diễn biến của thời cuộc.

 

Muốn hay không muốn thì quy luật sinh tồn vẫn là "mạnh được yếu thua", và cho đến bây giờ, phương thức hay nhất có lẽ là nên sinh sống theo kiểu Mỹ - thà có còn hơn không - dưới hình thức hòa đồng dân tộc trong tinh thần hội nhập, một công thức có thể không được mọi người ưa thích và chưa được hoàn hảo, nhưng có vẻ như khả dụng và thuận lợi nhất cho phúc lợi của dân chúng so với những chế độ khác.

 

Không một ai phủ nhận được rằng Hoa Kỳ là một trường hợp độc nhất và một bài học độc đáo trong lịch sử văn minh nhân loại, là nơi mà hàng trăm triệu người với sắc tộc và văn hóa khác nhau đã có khả năng kết hợp với nhau, cùng thực thi một lối sống chung và hòa bình, và từ đó có khả năng sản sinh ra sự lớn mạnh và phát triển chưa từng có, với tiến bộ về khoa học và kỷ thuật kỳ lạ, với những thành tựu vượt trội về mỹ thuật, văn học và những lãnh vực khác của nỗ lực nhân loại, xuyên suốt trên hai thế kỷ qua.

 

Thế nhưng, Hoa Kỳ bắt buộc phải trả một cái giá cho tính rất đỗi hào phóng và sức phát triển nhanh chóng của xã hội mình. Hoa Kỳ cũng phải chấp nhận đôi ba khía cạnh khó chịu do lối xử sự và hành động của mình ở trong nước và ở ngoại quốc, vì đã là siêu cường số một và duy nhất trên địa cầu thì cũng phải trả cái giá cho tính ngạo mạn. Một số người có thể gào thét toàn những khẩu hiệu phản chiến và đòi hòa bình cho hả cơn giận và như vậy cũng không thay đổi được chiều hướng diễn tiến đã phát triển của lịch sử Hoa Kỳ trong hai trăm năm qua.

 

Còn có một cách đơn giản, nhanh chóng và chắc ăn để "Chú Sam" khỏi bị nhiều người cho là kẻ cậy thế cậy quyền, ỷ mình giàu mạnh lấy thịt đè người, là Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ chịu trở thành một thứ quốc gia thứ yếu, rồi kinh doanh tầm thường, đại loại như Thụy Sĩ hay Tân Gia Ba. Chuyện đó cũng dễ thôi.

 

Đã thế thì đừng tự dối mình nữa, vì được cái nọ thì mất cái kia. Hãy chọn lựa và quyết định rồi cứ thế mà tiến tới, như đã làm suốt hai trăm năm qua. Nhưng vẫn còn quá nhiều công trình dở dang phải hoàn tất nhanh chóng để tìm cách giúp bọn trẻ và tương lai của chúng, và cuộc chiến tranh ở Việt Nam khoảng nửa thế kỷ trước đây cho ta nhiều bài học hữu ích trong việc giải quyết những vấn đề hôm nay.

 

 Phan Quân

(Phỏng dịch)

 


[1] Trong chiều hướng giải quyết chiến cuộc ở Việt Nam, có lúc Nixon cho Kissinger biết rằng ông sẵn sàng đi đến chiến tranh hạt nhân với Liên Xô. Lúc đó, ở Bạch Cung các phụ tá của Nixon gọi thái độ này của Nixon là "Madman Act".

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.