.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Phan Quân

 

Những năm đói ăn

(1958-1962)

 

  • Phan Quân trích dịch từ "Les Cygnes Sauvages" của Jung Chang
    CHƯƠNG 12

"Người phụ nữ đảm đang
có thể dọn bữa mà chẳng cần thức ăn."

 

Đôi lời vào chuyện.- Đây là chương thứ 12 trong số 28 chương của tác phẩm "Les Cygnes Sauvages" (Những con thiên nga phóng đãng), một quyển tự truyện về ba người phụ nữ thuộc ba thế hệ trong gia đình.

Đem tâm tình ghép vào lịch sử,  (JC) đã thuật lại một phần bối cảnh của Trung Quốc ở thế kỷ XX, từ thuở Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đến thời kỳ cộng sản của Mao Trạch Đông. Tự truyện của JC thực sự bắt đầu với chương thứ 10, nói lên những chuyện tày trời dưới chế độ chuyên chính của Mao Trạch Đông.

"Les Cygnes Sauvages" là một trong những tác phẩm bán chạy nhất trên thế giới, đã được dịch ra 30 thứ tiếng và đã bán ra 10 triệu quyển, nhưng lại bị cấm bán ở Trung Quốc.

JC xuất thân từ một gia đình mà ba mẹ đều là cán bộ khá cao cấp của Trung Cộng. Khi JC chào đời (1952), đảng cộng sản Tàu đã chiếm được lục địa ba năm. Như vậy, JC sinh ra và lớn lên cùng với bước trưởng thành của Trung Hoa đỏ, xuyên qua những biến cố trọng đại của nước này, như Bước Đại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa,... Dù là thuộc gia đình cách mạng, ba mẹ, anh chị em và bản thân JC cũng phải thăng trầm cùng với thời cuộc của đất nước, chịu nhiều điều cay đắng và bi thương.

Hết cơn bĩ cực đến hồi thới lai, sau khi Mao chết đi, ba mẹ JC được phục hồi, JC được tuyển chọn đi du học bên Anh (1978). Năm 1982, JC đậu bằng Ph.D. ngữ học. JC lập gia đình với một người Anh. JC nổi tiếng với hai tác phẩm bán ra rất nhiều: "Les Cygnes Sauvages", viết một mình, và "Mao: The Unknown Story" viết chung với chồng là nhà sử học Jon Halliday, chuyên ngành lịch sử Liên Xô.

Phù Sa xin lần hồi trích dịch một số chương chứa đựng những tình hình "độc đáo" trong một chế độ tiêu biểu của chủ nghĩa cộng sản, với những tình cảnh thảm thương, bi đát bám chặt vào những con người bất hạnh, chẳng may bị lôi cuốn vào trong guồng máy khắc nghiệt của thời đại.

 

 

N

ăm lên sáu, vào mùa thu năm 1958, tôi bắt đầu vào bậc tiểu học. Tôi phải mất ít lắm hai mươi phút để đi đến trường, qua những con đường hẻm lót đá và lầy lội. Mỗi ngày, đi cũng như về, tôi đều nhìn chăm chú dưới đất để tìm đinh gảy, chốt sắt sét hay bất cứ vật gì bằng kim loại bị chôn vùi dưới lớp đất nằm giữa những viên đá lót đường. Những thứ sắt vụn này để cung cấp cho lò nung của một xưởng đúc thép, được coi như là sinh hoạt chính của trường  tôi.

Mới lên sáu mà tôi đã góp phần vào việc sản xuất thép của Trung Quốc và tôi cố gắng, thi đua với các bạn cùng trường để nộp thật nhiều sắt vụn. Trên đường đi học, quanh tôi đâu đâu cũng có những chiếc loa phóng thanh gào thét to tướng một điệu nhạc kích động, cả một rừng cờ, vô số bích chương và những khẩu hiệu chữ to viết lên tường hô hào:"Bước đại nhảy vọt muôn năm!" và "Nhà nhà luyện thép, người người luyện thép!"

Dẫu cho không hiểu tí gì hết, tôi cũng biết rằng chủ tịch Mao đã ra lịnh cho cả nước làm ra thật nhiều sắt thép. Nhà bếp của trường học đã thay thế một số chảo bằng những nồi luyện kim đặt lên mấy cái bếp to tướng. Người ta đem tất cả sắt vụn của bọn tôi thu nhặt được cho vào lò luyện kim, kể cả những mảnh vụn của mấy cái chảo. Bếp lúc nào cũng được đun nóng, cho đến khi sắt vụn bắt đầu biến thành chất lỏng. Thầy cô chúng tôi thay phiên nhau cho củi vào suốt ngày đêm và quậy nồi luyện kim bằng một cái cây to tướng. Chúng tôi chẳng học hành gì bao nhiêu, vì lò luyện kim tí hon của chúng tôi làm cho mọi người đều bận rộn. Những người học trò lớn tuổi hơn cũng liên tục góp phần lao động trong chuyện luyện kim. Còn những người khác thì được phân công quét dọn căn hộ của mấy nhà giáo hoặc giữ con cho họ.

Tôi nhớ có một hôm, cùng với mấy người bạn đến bịnh xá để thăm một cô giáo bị sắt lỏng đang sôi làm phỏng tay. Bác sĩ, y tá mặc áo choàng trắng đang chạy lung tung. Thì ra, dưới từng hầm của bịnh xá có một lò luyện kim, cần được đun củi liên tục, kể cả ban đêm, dù có phải bỏ dở một ca mổ khó khăn.

Một thời gian ngắn, trước khi tôi nhập học, gia đình rời xóm nhà bình dân để dọn đến khu cư xá đặc biệt, gần trụ sở của tỉnh. Khu này gồm có nhiều con đường, hai bên là những tòa nhà được làm văn phòng và nhà ở, ngoài ra còn có một số cư xá riêng biệt, tất cả nằm sau một bức tường cao, ngăn chia với thế giới bên ngoài. Gần cổng chính ra vào, là câu lạc bộ cũ của quân lính Mỹ, trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Năm 1941, Ernest Hemingway đã có ở nơi đây. Đó là một căn nhà cất theo kiểu truyền thống của Trung Hoa, nóc lợp ngói màu vàng, mái cong lên, với những cây cột nặng nề, màu đỏ sậm. Ngày nay, người ta dùng làm trụ sở của Ủy Ban Hành Chánh tỉnh Tứ Xuyên.

Một cái lò luyện kim lớn được đặt tại bãi đậu xe của cư xá, nơi mà các bác tài tập hợp lại để chờ lịnh. Về đêm, không gian rực sáng một cách kỳ lạ và từ phòng tôi, cách đó khoảng 300 thước, cũng còn nghe thấy tiếng người xôn xao tụ họp quanh lò. Chảo, cũng như tất cả những dụng cụ làm bếp bằng gan của nhà tôi đều được đưa vào lò hết. Cũng chẳng thiệt hại gì lắm, vì chúng tôi không cần dùng đến những thứ đó nữa. Không còn một ai có quyền làm bếp ở nhà, ai cũng phải dùng bữa ở nhà ăn tập thể. Không làm sao thỏa mãn nổi mấy cái lò luyện kim. Chiếc giường sắt có lò xo của ba mẹ tôi, tuy vẫn còn tốt, cũng bị đưa vào lò, cũng như những rào cảng bằng sắt dọc theo lề đường và tất cả những gì có chất sắt của thành phố cũng vậy. Hàng mấy tháng qua, có thể nói là tôi không thấy mặt ba mẹ tôi. Thường thì hai người không có về nhà ban đêm, vì ba mẹ tôi phải canh chừng cho lò luyện kim của trụ sở phải cháy nóng luôn.

Chính vào thời kỳ đó, chủ tịch Mao nâng lên cao độ giấc mơ hão huyền của ông là làm sao cho đất nước Trung Quốc trở thành cường quốc tiên tiến hàng đầu. Ông gọi thép là "nguyên soái" của ngành công nghiệp và ra lịnh phải tăng lượng sản xuất lên gấp đôi trong vòng một năm - từ 5,35 triệu tấn hồi 1957 lên 10,7 triệu tấn trong năm 1958. Thế nhưng, thay vì tìm cách triển khai công nghiệp gang thép, bằng cách tăng lên số thợ chuyên nghiệp, Mao lại quyết định đưa toàn bộ nhân dân vào công trình đó. Mỗi đơn vị phải đạt được chỉ tiêu sắt thép của mình, và tháng này sang tháng nọ, người ta ngưng tất cả các hoạt động khác, chỉ làm sao để đạt được kết quả mong muốn.

Mức phát triển kinh tế của đất nước chỉ quy tụ vào một vấn đề đơn giản là đã sản xuất ra được bao nhiêu tấn thép, và cả nước tận tâm tận lực lo cho mỗi một lãnh vực duy nhứt đó. Những con số chính thức cho thấy rằng gần một trăm triệu nông dân phải bỏ bê công việc đồng áng để lao mình vào việc sản xuất gang thép. Từ trước tới nay, nông dân là những nhà cung cấp thực phẩm chính cho cả nước. Ngoài ra, người ta còn đốn sạch cây rừng trên khắp đồi núi để lấy chất đốt. Vậy mà năng suất của công cuộc sản xuất đại thể đó, rốt cuộc lại chỉ còn được điều mà dân chúng Tàu cho là một thứ "phân bò", nghĩa là những cặn bã vô ích.

Tình trạng phi lý đó, không những phản ảnh sự ngu dốt của Mao về kinh tế mà còn nói lên thái độ dững dưng, gần như quái gở, trước một thực tế. Một thái độ như vậy có thể là hay ho đối với một nhà thơ nhưng đối với một nhà lãnh đạo, có quyền lực tuyệt đối, thì coi không được. Vì lẽ thái độ đó cho thấy ông ta coi rẻ sinh mạng con người một cách quá quắt. Trước đó chẳng bao lâu, Mao có tuyên bố với ông đại sứ Phần Lan:"Nếu Hoa Kỳ có bom nguyên tử mạnh hơn và đem sử dụng chống Trung Quốc, thì sẽ đào một lỗ trên hành tinh này hoặc làm cho Trung Quốc tan thành mảnh vụn. Hẳn nhiên đó sẽ là một tai họa cho thái dương hệ của chúng ta, nhưng điều đó chỉ tác động đến toàn thể vũ trụ một cách không đáng kể."

Đã quyết tâm tuyệt đối rồi, Mao lại càng nhứt quyết hơn nữa sau chuyến đi thăm Liên Xô hồi gần đó. Sau khi Khrouchtchev lên tiếng tố cáo Staline hồi năm 1956, đến cuối năm 1957, nhà lãnh tụ Trung Quốc sang Mạc Tư Khoa dự hội nghị cấp cao của cộng sản quốc tế. Khi trở về, Mao dứt khoát cho là Nga Sô và các đồng minh của họ đang từ bỏ xã hội chủ nghĩa để "xét lại", và từ đó Mao cho rằng chỉ có Trung Quốc mới là thành viên đích thực của chủ nghĩa cộng sản. Cho nên, Trung Quốc phải đứng ra vạch một hướng đi mới. Vì vậy mà trong đầu óc của Mao bắt đầu nảy sinh ra một ý nghĩ, bắt nguồn từ kết quả của hoang tưởng tự đại cộng với một quyết tâm cao.

Không một ai dám đá động gì đến "định kiến" của Mao về chuyện làm ra sắt thép, cũng như về bất cứ một ý định nào khác của ông ta. Thí dụ như có một lần, ông ấy thù ghét chim sẻ một cách dễ sợ vì chúng đã ăn hết những hột giống được gieo rắc ngoài đồng ruộng. Thế là nhà nhà trên toàn đất nước Trung Quốc bị huy động để chống lại lũ chim. Thiên hạ phải ra ngoài đồng mấy tiếng đồng hồ liền, lấy cây đập vào những vật dụng bằng kim loại như chũm chọe hoặc nồi xoon để đuổi chim bay khỏi các cành cây, hy vọng rằng chúng sẽ chết cứng vì mỏi mệt! Bây giờ, tôi như còn nghe thấy những tiếng ồn do anh, chị, em chúng tôi, cũng như những viên chức nhà nước, tụ tập dưới gốc cây khổng lồ trong sân nhà, tạo ra.

Mao đề ra những mục tiêu vĩ đại cho nền kinh tế Trung Quốc. Ông ta tin rằng mức sản xuất công nghiệp của Trung Quốc có thể qua mặt Hoa Kỳ và Anh quốc trong vòng mười lăm năm. Dưới cái nhìn của người Hoa, Mỹ và Anh tượng trưng cho thế giới tư bản một cách tiêu biểu nhứt. Vượt thắng được hai nước đó về mặt kinh tế thì coi như là một cách thắng được kẻ thù. Viễn ảnh đó nâng cao lòng tự hào của nhân dân và làm cho họ càng thêm phấn khởi vô cùng. Vì Mỹ và đa số các quốc gia phương Tây không chịu công nhận Trung Quốc về mặt ngoại giao nên đã làm bỉ mặt nhân dân Trung Quốc một cách trầm trọng, khi mà họ rất thiết tha muốn cho thế giới thấy rằng họ có thể tự lực cánh sinh và sẵn sàng tin tưởng là đất nước sẽ có những bước tiến thần kỳ. Hơn nữa, Mao chủ tịch đã sẵn sàng làm cho nhân dân Trung Quốc có một ảo ảnh như thế. Nhân dân muốn có cơ hội để vận dụng năng lực thì nay đã sẵn sàng rồi đó. Vì quá phấn khởi nên chẳng còn biết thận trọng là gì nữa và vì ngu dốt nên con người đâu còn có lý trí.

Đầu năm 1958, sau khi đi Mạc Tư Khoa về, Mao lưu lại Thành Đô khoảng một tháng. Ông hăng say nghĩ rằng Trung Quốc có thể làm được mọi việc, kể cả chuyện chiếm quyền lãnh đạo xã hội chủ nghĩa. Chính tại thành phố của chúng tôi, Mao đã minh định những đường hướng chính cho chương trình nổi tiếng, "Bước Đại Nhảy Vọt" của ông. Thành phố tổ chức một cuộc diễn hành trọng thể đón tiếp ông, nhưng những người tham dự không biết là ông có mặt ở đó. Ông lánh mặt, không muốn cho người ta trông thấy. Nhân cuộc duyệt binh đó, một khẩu hiệu mới xuất hiện:"Một người phụ nữ đảm đang có thể dọn bữa mà chẳng cần thức ăn", đảo ngược lại một câu châm ngôn khá thực tiễn của Tàu là:"Dẫu đảm đang mấy đi nữa, một người phụ nữ không làm sao dọn bữa mà chẳng có thức ăn." Những bài diễn từ khoa trương đã biến thành những yêu sách thực tiễn. Những ước mơ không tưởng được coi như trở thành hiện thực.

Năm đó, chúng tôi hưởng được một mùa xuân tuyệt vời. Một hôm, Mao đi dạo trong công viên mang tên Thảo Đường của Đỗ Phủ, thi sĩ đời Đường hồi thế kỷ 18. Chịu trách nhiệm khu phía Đông, ban ngành của mẹ tôi đảm trách an ninh một phần của công viên. Thế nên, những nhân viên của mẹ tôi đi tuần tra trên khu vực, giả dạng như những du khách. Thường thường, Mao chẳng có giờ giấc gì hết và rất ít khi ông thông báo cho những người thân cận biết ông đi lại như thế nào. Thế nên, mẹ tôi phải ngồi trong quán nước, uống tách này qua tách khác để tỉnh táo mà canh phòng. Cuối cùng, mẹ tôi buồn chán và cho những nhân viên biết là bà sẽ đi dạo một chút. Không để ý, mẹ tôi lang thang qua vùng an ninh của khu phía Tây. Vì không biết bà nên toán canh phòng bèn theo dõi mẹ tôi ngay. Hay tin có một người đàn bà "khả nghi", người bí thư chi bộ chịu trách nhiệm khu phía Tây quyết định đích thân đến xem coi sự thể ra làm sao. Thấy mẹ tôi, ông phá lên cười rồi nói rằng:"Tưởng ai chớ, nữ đồng chí Xia của khu phía Đông mà". Sau đó, mẹ tôi bị bà Guo, thủ trưởng của bà khiển trách vì "không tôn trọng kỷ luật".

Mao cũng đi thăm nhiều nông trại trong miền Thành Đô. Lúc bấy giờ, những hợp tác xã nông nghiệp tương đối còn bé nhỏ. Chính tại nơi đây, nhà lãnh tụ của chúng tôi ra lịnh tập trung các hợp tác xã lại thành những tổ chức rộng lớn, sau này được gọi là "hợp tác xã nhân dân".

Mùa hè năm đó, toàn thể Trung Quốc được tổ chức thành những đơn vị mới, mỗi đơn vị tập hợp lại từ hai ngàn đến hai mươi ngàn gia đình. Vùng Xushui, ở tỉnh Hà Bắc, thuộc Hoa Bắc, được chọn làm khu kiểu mẫu cho công cuộc cải tổ này, được Mao đặc biệt cho là hợp với ý thích của mình. Vì nóng vội muốn cho dân chúng tỉnh nhà được người lãnh tụ tối cao chú ý, người trách nhiệm đảng bộ địa phương quyết định sẽ tăng mức sản xuất ngũ cốc lên gấp mười. Nghe nói vậy, Mao chỉ cười và đáp:"Thực phẩm đó, đồng chí sẽ làm gì? Nghĩ cho cùng thì có thực phẩm dư thừa cũng tốt! Nhà nước không cần thực phẩm đó. Đất nước đâu đâu cũng có đủ ăn. Nông dân của đồng chí cứ ăn thỏa thích. Các đồng chí có thể ăn một ngày năm bữa!" Hứng chí, Mao cũng thả hồn mình vào giấc mơ muôn thuở của mọi nông dân Tàu là có thực phẩm dư thừa. Sau khi được Mao phê phán như thế, dân làng tiếp tục làm cho người lãnh tụ vĩ đại của họ hài lòng bằng cách xác nhận rằng một mẫu đất sẽ sản xuất ra 450 tấn khoai tây (một mẫu bằng 0,065 ha), nghĩa là một mẫu sản xuất ra 59 tấn lúa mì, và những bắp cải cân nặng 225 kí lô!

Thật là một thời kỳ không tưởng tượng nổi, trong đó tất cả mọi người đều bịa ra những câu chuyện cho chính mình cũng như cho mọi người, với một lòng tin tưởng sắt đá. Nông dân chở số lượng thu hoạch được trên nhiều cánh đồng, tập trung lại một thửa đất để làm cho giới hữu trách của đảng tin rằng họ gặt hái được một kết quả thần kỳ. Người ta trưng ra để giới thiệu những sản phẩm hào nhoáng, theo kiểu "Potemkine", cho khách tham quan, như vậy cho những chuyên viên nông nghiệp, nhà báo, những khách nước ngoài hay khách từ những tỉnh khác, người nào cũng cả tin, hoặc giả cố tình không chịu thấy. Những sản phẩm đó thường hư thối trong vòng năm ba ngày vì không nên chuyên chở và chất đống nhiều như vậy, nhưng người ta cứ lờ đi, không cần biết. Rất đông đảo quần chúng nhân dân bị lôi cuốn vào cái thế giới điên loạn đó, một vương quốc đầy dẫy xáo trộn. Một cung cách "dối mình, lừa thiên hạ". Cả nước lâm vào tình cảnh đó. Rất nhiều người, kể cả những chuyên viên nông nghiệp và những nhà lãnh đạo đảng, đều xác nhận là đã chứng kiến những chuyện thần kỳ. Những ai không đạt được những thành tựu ly kỳ, giống như những người lân cận, đâm ra hoài nghi chính mình rồi tự trách mình. Dưới một chính thể độc tài kiểu Mao, trong đó thông tin được cung cấp nhỏ giọt hoặc được dựng đứng, con người tầm thường không còn tin tưởng ở kinh nghiệm bản thân hay ở sự hiểu biết của chính mình nữa. Vả lại, họ phải đối đầu với quá nhiều nhiệt tình dân tộc làm cho cá nhân không còn bình tỉnh được. Tốt hơn hết là chẳng cần biết sự thực làm gì và hoàn toàn tin tưởng ở chủ tịch Mao. Muốn chống trả lại sự cuồng nhiệt của tập thể đâu phải dễ. Đắn đo, nghĩ ngợi và tỏ vẻ thận trọng sẽ gặp phải điều phiền toái.

Lúc bấy giờ, có một biếm họa trên báo chí quốc doanh, vẽ một nhà khoa học mang dáng vóc một con chuột đang than vãn:"Một cái lò như của chúng ta chỉ để dành nấu nước pha trà thôi." Bên cạnh nhà khoa học là một công nhân vạm vỡ, vừa mở nắp nồi ra đổ một dòng thép lõng nóng bỏng vừa đáp lại:"Sẽ có một lúc nào đó ông chẳng còn uống trà được." Thông thường, những ai nhận ra chỗ phi lý đều rất sợ, không dám phát biểu ý kiến của mình, nhứt là sau chiến dịch chống hữu khuynh hồi năm 1957. Một số ít người bạo gan, liều mình tỏ ý hoài nghi thì bị bịt miệng hoặc bị mất việc ngay. Gia đình đương sự phải gánh chịu hậu quả và tương lai con cái vì đó phải chịu liên lụy mãi mãi.

Có nhiều nơi, người ta đánh đập những kẻ ngoan cố không chịu ca ngợi mức sản xuất tăng lên ồ ạt, cho đến khi nào họ chịu chấp nhận mới thôi. Vì vậy cho nên ở Yibin, một vài người phụ trách các đơn vị nông nghiệp bị trói hai tay ra sau lưng, bỏ nằm giữa quảng trường trong làng, thiên hạ đua nhau hạch hỏi:

- Một mẫu mày gặt được bao nhiêu?

- Bốn trăm giạ (phỏng chừng 200 kg).

Thế là vừa đánh, thiên hạ vừa hỏi:

- Vậy chớ một mẫu mày "có khả năng" gặt được bao nhiêu?

- Tám trăm giạ.

Một con số đúng ra là không thể đạt được, nhưng cũng không làm cho thiên hạ hài lòng. Người nông dân đáng thương kia lại lãnh một trận đòn nữa, hoặc giả thiên hạ cứ để mặc cho ông ta nằm đó cho đến khi nào chịu nói "mười ngàn giạ". Đôi khi ông ta nằm chết tại chỗ vì không chịu đưa ra một con số cao hơn, hay chỉ vì ông ta không còn đủ thời gian để nói con số mà thiên hạ muốn nghe.

Một số đông đảo nông dân và đảng viên cơ sở chứng kiến những cảnh tượng như thế chẳng có chút gì tin tưởng vào những lời khoác lác khôi hài đó, nhưng vì sợ chính mình cũng bị vạ lây nên phải ngoan ngoãn làm theo thôi. Họ cứ làm theo chỉ thị của đảng và chừng nào họ còn tuân hành Mao thì chẳng gì mà phải sợ. Dưới uy quyền của chế độ chuyên chính, họ đã hoàn toàn bị lệch lạc và tinh thần trách nhiệm của họ cũng tiêu tan luôn. Thậm chí có những người thày thuốc còn dám khoe khoang là đã chửa được những bịnh nan y một cách kỳ diệu.

Những chiếc xe tải đều đặn đổ xuống cư xá của chúng tôi những đoàn nông dân, vui cười hớn hở báo cho chúng tôi một vài thành công tuyệt vời, phá hết mọi kỷ lục. Hôm thì một trái dưa leo khổng lồ, dài bằng nửa chiếc xe tải, hôm khác thì một trái cà chua, hai đứa nhỏ khiêng không nổi. Một lần khác, họ kéo tới với một con heo to tướng, kẹt cứng trên thùng xe tải. Mấy người nông dân khẳng định là họ đã nuôi được một con thú to cỡ đó. Thật ra, chỉ là một con vật bằng giấy bồi, thế nhưng, trong trí tưởng tượng của trẻ con, tôi cứ tưởng là thật. Phải chăng vì tôi bị ảnh hưởng của những người lớn tuổi quanh tôi, những người chẳng bao giờ tỏ vẻ hoài nghi những điều thần kỳ như thế. Thiên hạ đã quen thói xem thường lẽ phải, để sống với những điều hữu danh vô thực.

Cả nước sống trong cảnh nhập nhằng như vậy. Ngôn ngữ chẳng còn đi đôi với thực tế, với trách nhiệm mà cũng không phù hợp với ý nghĩ đích thực của thiên hạ nữa. Người ta nói dối dễ dàng vì lời nói chẳng có ý nghĩa gì nữa và vì không còn ai cho những gì họ nói ra là nghiêm chỉnh.

Hiện tượng này có ảnh hưởng đến những quy định xã hội do chính phủ đặt ra. Khi ban hành chế độ "công xã nhân dân", Mao nêu rõ một trong những lợi ích chính của nó là "dễ kiểm soát", nông dân không còn bị bỏ quên nữa mà sẽ được đưa vào một bộ phận có tổ chức hẳn hoi. Chẳng hạn như người ta sẽ ra lịnh một cách chính xác, lịnh từ cấp cao đưa xuống, chỉ dẫn cung cách cày ruộng ra làm sao. Mao tóm lược toàn bộ nông nghiệp ra làm tám thành phần:"đất, phân, nước, giống, thâm canh, bảo vệ, chăm sóc, kỷ thuật". Trung ương đảng ở Bắc Kinh phân phát những tài liệu chừng hai trang giấy, chỉ cho nông dân toàn quốc phương thức để cải tiến đồng ruộng, tài liệu khác về cách sử dụng phân bón, một tài liệu khác nữa về cách thâm canh. Những chỉ dẫn vô cùng giản lược này phải được tuân hành triệt để.

Lúc bấy giờ, Mao chăm chú theo đuổi một dạng quy chế khác là hình thành những nhà ăn tập thể trong các công xã nhân dân. Với thói quen chẳng cần lo nghĩ gì hết, lúc đó Mao tóm gọn chủ nghĩa cộng sản dưới công thức "những nhà ăn tập thể công cộng miễn phí". Ông không cần biết là những nhà ăn như thế làm gì sản xuất ra thức ăn. Năm 1958, chế độ thực sự cấm người ta ăn cơm ở nhà. Tất cả các nông dân nhứt thiết phải ăn ở một nhà ăn tập thể của cộng đồng. Dụng cụ nhà bếp, như chảo, đều bị cấm dùng và, ở một vài nơi, cả tiền bạc cũng không được xài. Tất cả mọi người đều được công xã và nhà nước lo liệu. Hàng ngày, sau khi lao động xong, nông dân xếp hàng nối đuôi ở nhà ăn. Họ ăn uống thỏa thích, trước kia đâu được như vậy, dẫu cho gặp những năm trúng mùa nhứt và ở những vùng màu mỡ hơn hết. Nông dân tiêu thụ và phung phí hết những dự trữ thực phẩm của nông thôn. Họ rất đông đúc ở đồng ruộng. Thật ra, không còn có chuyện lao động cật lực nữa vì từ nay sản phẩm làm ra là thuộc nhà nước, chẳng ăn nhằm gì với đời sống của họ cả. Bấy giờ, Mao tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ trở thành một xã hội cộng sản, hiểu đúng như tiếng Hoa là "phân chia của cải vật chất". Nông dân kết luận rằng dẫu thế nào đi nữa họ cũng có phần, dù cho họ có lao động hay không. Chẳng còn hứng thú gì nữa, từ nay họ chỉ cần ra đồng để ngủ nghê mà thôi.

Nông nghiệp cũng bị coi thường vì ưu tiên được dành cho sắt thép. Phần đông nông dân cảm thấy mỏi mệt sau khi phải mất hàng giờ để tìm chất đốt, sắt vụn hay quặn sắt để cung cấp cho các lò luyện kim. Chuyện canh tác thường được giao phó cho phụ nữ và trẻ con trông nom, qua cung cách làm lụng độc nhứt bằng tay, vì thú vật kéo xe cũng dành để đóng góp vào việc sản xuất gang thép. Vào đợt gặt mùa thu năm 1958, hầu như chẳng còn ai ngoài đồng ruộng.

Mùa màng thất bát báo động là sẽ bị đói ăn, dẫu các con số thống kê chính thức cho thấy sản xuất nông nghiệp gia tăng đáng kể. Y như rằng, người ta loan báo là năm 1958, Trung Quốc đã sản xuất lúa mì nhiều hơn Hoa Kỳ. Tờ "Nhân Dân Nhật Báo", cơ quan của đảng, phát động một cuộc tranh luận kỳ lạ:"Làm thế nào để đương đầu vấn đề sản xuất thực phẩm dư thừa?"

Cơ quan của ba tôi chịu trách nhiệm về báo chí của địa phương Tứ Xuyên, hay đăng những tin tức kỳ quặc khó tin, cũng giống như mọi ấn phẩm Trung Quốc thời bấy giờ. Báo chí là tiếng nói của đảng và, về mặt chính trị, ba tôi không nói năng gì được. Vả lại, những người khác cũng vậy. Phương tiện thông tin đại chúng chuyển tiếp những chỉ thị từ trên đưa xuống một cách trung thực. Ba tôi nhìn thấy diễn biến của tình hình với nhiều lo lắng. Ông chẳng còn biết làm gì khác hơn là lưu ý những cấp trên cao.

Thế nên, cuối năm 1958, ba tôi viết thơ cho ủy ban trung ương ở Bắc Kinh tường trình rằng, theo ý ông thì việc sản xuất sắt thép một cách điên cuồng chỉ là một sự phí phạm vô ích. Nông dân không còn chịu được nữa, việc làm của họ chẳng đem lại lợi ích gì. Nhứt định sẽ bị nạn đói ăn, cần phải phản ứng gấp rút. Ba tôi trao thơ cho đồng chí trợ lý, nhờ đồng chí chuyển lên ủy ban. Ông trợ lý Lee Da-zhang là nhân vật số hai của tỉnh. Chức vụ đầu tiên của ba tôi ở Thành Đô là nhờ sự giúp đỡ của ông Lee, khi ông hối hả rời khỏi Yibin, và ông vẫn xem ba tôi là bạn chí thân.

Lee Da-zhang cho ba tôi biết là ông không chuyển bức thơ đi, vì thơ không đem đến một điều gì cho bất cứ ai hết. Theo ông Lee thì đảng nắm được tình hình và nên tin tưởng ở đảng. Mao đã nói là dù sao đi nữa cũng không nên làm suy suyển tinh thần của nhân dân. Bước Đại Nhảy Vọt đã làm thay đổi tâm lý người Trung Quốc. Quên đi tính thụ động của mình, người nông dân đã trở nên lạc quan, dám nghỉ dám làm. Nên chi, đừng làm cho sự thay đổi hữu ích đó phải bị lâm nguy.

Quan đầu tỉnh cũng cho ba tôi biết rằng những người có trách nhiệm trong tỉnh, đã từng nghe ba tôi thố lộ tâm tình, liệt ba tôi vào thành phần "chống đối". Chỉ nhờ các phẩm chất nghề nghiệp, lòng trung thành bất biến với đảng và tinh thần kỷ luật triệt để mà ba tôi đã thoát được những chuyện tồi tệ nhứt. Ông Lee Da-zhang nói thêm:

- May cho đồng chí là đồng chí chỉ tỏ vẻ hoài nghi với những người trong đảng chớ không phải một cách công khai trước quần chúng.

Ông Lee cảnh giác ba tôi là nếu cứ tiếp tục nêu lên những vấn đề tế nhị đó thì sẽ có nguy cơ gặp nhiều điều phiền toái. Rồi gia đình sẽ gánh chịu ảnh hưởng tai hại và những thứ khác nữa. Vì chỗ thân thiết, ông Lee ngầm cho ba tôi hiểu rằng chắc chắn là cá nhân ba tôi cũng bị vạ lây. Ba tôi không khẩn khoản nữa, nhưng ông chưa hoàn toàn tin tưởng những lý lẽ mà người ta mới vừa đưa ra, vì vấn đề quá trầm trọng. Đã đến lúc, ba tôi không còn biết phải hiểu như thế nào đây.

Trong khi chờ đợi, suốt ngày những người có trách nhiệm của các cơ quan thuộc bộ Tuyên Truyền thu thập tất cả mọi khiếu nại để chuyển về Bắc Kinh. Đó là nhiệm vụ của họ. Càng ngày càng có nhiều điều bất bình trong dân chúng. Thực ra, Bước Đại Nhảy Vọt đã gây chia rẻ trầm trọng ở cấp cao của đảng, từ khi cộng sản nắm quyền cách nay mười năm. Trong hai chức vụ chính đã đảm trách, Mao phải từ bỏ chức chủ tịch nước, một chức vụ kém quan trọng, nhường lại cho Lưu Thiếu Kỳ. Như vậy, họ Lưu trở thành nhân vật số hai của Trung Quốc, nhưng uy tín của ông không mấy quan trọng, so với Mao, người còn giữ chức vụ then chốt là chủ tịch đảng.

Mối bất hòa ở cấp cao trở nên khá trầm trọng nên đảng bị bắt buộc phải mở một hội nghị đặc biệt. Hội nghị khai diễn vào cuối tháng Sáu năm 1959, tại trạm trượt tuyết Lư Sơn, thuộc Hoa Trung. Ở hội nghị này, thống chế Bành Đức Hoài, bộ trưởng Quốc Phòng, gởi cho Mao một bức thơ, chỉ trích những tai hại của Bước Đại Nhảy Vọt và đề nghị một giải pháp thực tế cho nền kinh tế. Bức thơ này tương đối ôn hòa và kết thúc bằng một luận điểm nhất định là phải lạc quan, chẳng hạn như ý kiến sẽ bắt kịp Anh quốc trong vòng bốn năm sắp tới. Thế nhưng, dẫu cho họ Bành là một trong những đồng chí xưa cũ, cùng chiến đấu với Mao, và đồng thời là một trong những nhân vật thân cận với Mao, những lời trách cứ nhẹ nhàng và rụt rè như vậy cũng làm cho Mao khó chịu. Hơn nữa, Mao đang trong thế tự vệ vì ông hẳn biết là mình đã sai quấy. Vận dụng loại ngôn ngữ quá khích sở hữu của mình, Mao cho bức thơ của Bành là một "quả bom định san bằng Lư Sơn". Cố chịu đựng, Mao tìm cách vừa kéo dài hội nghị hơn một tháng vừa đổ tội cho họ Bành. Bành và nhóm người ủng hộ ông bị kết tội là những người "cơ hội chủ nghĩa hữu khuynh". Cuối cùng, Bành Đức Hoài bị cách chức và bị quản thúc tại gia. Sau đó, người ta cho Bành về Tứ Xuyên, hưởng hưu trí non và được bổ nhiệm vào những chức vụ thứ yếu.

Mao phải áp dụng nhiều thủ đoạn để bảo vệ quyền bính của mình và ông rất điêu luyện trong lãnh vực này. Sách ưa thích nhứt của ông, và cũng được ông khuyên những người lãnh đạo khác trong đảng đọc, là một tuyển tập cổ điển, gồm có nhiều quyển mô tả lại những mánh khóe và cấu trúc của quyền lực trong các triều đại Trung Quốc xa xưa. Thật ra, phương thức tốt nhứt để hiểu được chế độ của Mao là đem so sánh với một triều đình thời trung đại, trong đó nhà vua có một quyền hành gần như mê hoặc được quần thần. Vả lại, ông rất khôn khéo trong kỷ thuật "chia để trị" và có biệt tài khai thác tính độc ác của con người. Chung cuộc lại, mặc dù có những người chán chường với đường lối của chính phủ nhưng hiếm thấy cán bộ cao cấp nào của đảng đứng ra binh vực cho thống chế Bành. Có mỗi mình ông tổng bí thư đảng, Đặng Tiểu Bình, là người đứng ngoài vòng cương toả vì ngày lấy quyết nghị ông ta vắng mặt với một lý do tuyệt vời là bị gảy chân. Ở nhà, bà nhạc mẫu của ông cứ cằn nhằn:"Suốt cuộc đời nông dân, tao chưa bao giờ nghe nói đến những cung cách ở đời phi lý đến như vậy!" Khi được biết họ Đặng bị gảy chân - trong lúc đánh bi da - Mao thốt lên:"Cũng tốt thôi!"

Sau khi hội nghị bế mạc, ủy viên Li, bí thư thứ nhất tỉnh Tứ Xuyên, mang về Thành Đô một hồ sơ, trong đó có những lời nhận xét của Bành Đức Hoài gởi cho hội nghị Lư Sơn. Những bản sao của tài liệu này được phân phát cho cán bộ từ cấp 17 trở lên, với lời yêu cầu cho biết một cách chính thức, họ có đồng quan điểm hay không. Thời đó, mọi người đều có thói quen cái gì cũng tán thành hết. Thế nhưng kỳ này, phần đông đều cảm thấy có một cái bẫy. Thông thường, mỗi tài liệu quan trọng được phổ biến đều có mang dấu ấn của Mao, đính kèm một lời phê theo kiểu "Đã đọc và chấp thuận".

Ba tôi có biết được chuyện lủng củng ở Lư Sơn, qua lời thuật lại của tỉnh trưởng Tứ Xuyên. Qua một cuộc đàm đạo, có tính cách kiểm điểm, ba tôi có nói bóng nói gió về những luận điệu trong bức thơ của họ Bành. Sau đó, ba tôi có một hành động chưa từng thấy bao giờ là ông cho mẹ tôi biết đó là một cái bẫy. Mẹ tôi rất ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên ba tôi coi trọng quyền lợi bản thân hơn điều lệ của đảng.

Mẹ tôi ngạc nhiên khi thấy rằng dường như nhiều người khác cũng biết chuyện đó. Qua một cuộc kiểm điểm tập thể, một nửa số đồng chí của bà biểu lộ sự bất bình về bức thơ của Bành Đức Hoài, cho rằng những lời chỉ trích trong thơ đó "không có một cơ sở nào hết". Những người khác dường như chẳng còn nói năng gì được nữa và chỉ lẩm bẩm những câu nói mơ hồ. Có một người ăn nói loanh quanh để tránh né:"Tôi không thể nói là tôi đồng ý hay không vì tôi không biết những gì thống chế Bành đưa ra có đúng sự thật hay không. Nếu đúng vậy thì đương nhiên là tôi ủng hộ ông ấy. Bằng không thì rõ ràng là tôi không tán thành."

Trưởng phòng Ngũ Cốc của Thành Đô và trưởng ngành Bưu Điện là những cựu binh Hồng Quân đã từng chiến đấu dưới quyền thống chế Bành. Cả hai người đều cho biết là họ tán đồng ý kiến của vị cựu chỉ huy khả kính, và nói thêm là những kinh nghiệm bản thân của họ trên chiến trường xác nhận những nhận xét của Bành Đức Hoài là đúng. Mẹ tôi tự hỏi không biết những người chiến sĩ già nua kia có ý thức được đây là một cái bẫy hay không. Nếu quả thật là họ biết thì sự ngay tình của họ đúng là một sự dũng cảm. Mẹ tôi muốn có được lòng dũng cảm của họ. Nhưng, bà nghĩ đến các con của bà. Rồi ra các con của bà sẽ như thế nào đây? Bà không còn được tự do như thời còn đi học. Khi đến phiên bà phải phát biểu, bà đành phải nói:"Những ý kiến phát biểu trong bức thơ đó không phù hợp với đường lối của đảng trong những năm sau này."

Ông Guo, thủ trưởng của mẹ tôi, cho bà biết rằng phát biểu như vậy là chưa đạt vì chưa trình bày rõ ràng quan điểm của mình. Mấy ngày sau, mẹ tôi cứ dằn vặt lo âu. Hai người cựu binh Hồng Quân đã binh vực thống chế Bành bị liệt vào diện "cơ hội hữu khuynh". Bị cất chức, họ trở thành những người lao động tay chân. Mẹ tôi bị đưa ra trước một phiên họp và bị chỉ trích nặng nề về những "khuynh hướng hữu khuynh" của bà. Nhân dịp này, ông Guo nhắc lại một cái lỗi trầm trọng mà mẹ tôi đã mắc phải trước đây. Năm 1959, ở Thành Đô một loại chợ đen gia cầm và trứng nổi lên. Công xã nhân dân tịch thu gà của nhân dân, trong khi đó công xã không có khả năng chăn nuôi, nên mặt hàng này biến mất ở cửa hàng nhà nước. Một số nông dân giữ được một vài con ở nhà bằng cách giấu dưới gầm giường, rồi đem bán ra một cách lén lút tại các hẻm nhỏ âm u với giá cao gấp hai mươi lần. Hàng ngày, người ta cho đi tuần tra để bắt những người buôn bán lậu. Một hôm, ông Guo yêu cầu mẹ tôi tham dự những cuộc bố ráp đó, mẹ tôi hỏi lại:"Thỏa mãn những gì người ta cần thì có gì quấy đâu? Có cầu thì phải có cung chớ." Ý kiến này của mẹ tôi khiến cho bà phải bị khiển trách về "khuynh hướng hữu khuynh".

Đợt thanh trừng bọn "cơ hội hữu khuynh" làm xáo trộn đảng một lần nữa, vì một số lớn cán bộ tán thành ý kiến của Bành Đức Hoài. Như vậy phải nói rằng người ta không dám đả động gì đến uy thế của Mao, dẫu cho ông ta sai quấy một cách rõ ràng. Viên chức nhà nước thấy rõ rằng càng cao cấp trong đảng - họ Bành cũng là bộ trưởng Quốc Phòng - và càng có thế có thần - ai cũng biết thống chế Bành là người thân thích của Mao - mà xúc phạm đến Người Cầm Lái Vĩ Đại thì nhứt định phải bị thất sủng. Ai cũng biết rằng không có vấn đề bày tỏ ý kiến của mình rồi từ chức, mà cũng chẳng có chuyện từ chức mà không phải là chống đối vì bất cứ việc từ chức nào cũng bị coi như là một dạng chống đối không thể chấp nhận được. Chẳng làm sao thoát khỏi được hết. Chỉ còn biết yên lặng và câm mồm, đó là phương châm hành động của đảng viên và của nhân dân. Sau vụ này, Bước Đại Nhảy Vọt còn là đầu mối của nhiều chuyện quá lố khác càng phi lý hơn. Những nhà lãnh đạo cấp cao áp đặt những mục tiêu kinh tế càng viễn vong hơn nữa. Người ta động viên một khối nông dân khác để sản xuất ra sắt thép. Rồi một lô lịnh lạc độc đoán khác lại gieo mối bất hòa ở nông thôn.

Cuối năm 1958, khi Bước Đại Nhảy Vọt đang ở cao điểm, người ta đưa ra một dự án xây cất khổng lồ dành cho Bắc Kinh. Mười công trình xây dụng to lớn phải được hoàn tất trong vòng mười tháng để, vào ngày 1 tháng 10 năm 1959, sẽ làm lễ chào mừng kỷ niệm mười năm ngày Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc chào đời.

Trong số những tòa nhà này có Đại Sảnh Nhân Dân, một công trình xây dựng có nhiều cột theo kiểu Liên Xô, nằm phía Tây quảng trường Thiên An Môn. Mặt tiền của đại sảnh bằng cẩm thạch, chiều dài bốn trăm thước, với một phòng đại yến, có vô số đèn chùm, có thể chứa hàng mấy ngàn thực khách. Những phòng khách, cái nào cũng rộng thênh thang, mang tên của các tỉnh Trung Quốc. Ba tôi có trách nhiệm trang trí phòng khách mang tên tỉnh Tứ Xuyên. Khi đã hoàn thành công tác, ba tôi mời những người lãnh đạo đảng, có liên hệ đến tỉnh này, đến kiểm tra. Đặng Tiểu Bình, người quê quán Tứ Xuyên, đáp ứng lời mời của ba tôi, cũng như thống chế Ho Lung, một nhân vật nổi tiếng anh hùng nghĩa hiệp, trước kia là một trong những người sáng lập Hồng Quân và người bạn thân thích của Đặng. 

Có lúc, ba tôi vì bận công chuyện phải đi nơi khác, để cho hai người ngồi với nhau, cùng với một người đồng sự cũ, thực ra cũng là người em của họ Đặng. Khi ba tôi trở vào thì ông nghe thống chế Ho vừa nói với người em của Đặng vừa chỉ Đặng:"Lẽ ra giờ phút này, ông ấy đã lên ngôi rồi." Thấy ba tôi vào, họ ngưng nói ngay. 

Sau đó, ba tôi thấy băn khoăn vô cùng khi cảm thấy rằng vì vô tình mà ông biết được một mối bất đồng ở cấp cao. Từ nay, có làm gì hay chẳng làm gì hết, đàng nào ba tôi cũng có thể gặp điều chẳng may. Chung cuộc lại thì ba tôi chẳng hề hấn gì hết, nhưng mười năm sau, khi kể lại cho tôi nghe chuyện đó, ba tôi thú thật là từ ngày đó trở về sau, ba tôi sống trong phập phòng lo sợ. Theo ba tôi thì "chỉ cần nghe câu nói đó không thôi cũng đủ bị cho là phản bội, một tội ác đáng bị chặt đầu".

Điều mà ba tôi đã nghe thấy chỉ phản ảnh nỗi tuyệt vọng ghê gớm mà Mao đã gây nên. Tâm trạng đó là của nhiều nhà lãnh đạo cấp cao, bắt đầu từ ông Lưu Thiếu Kỳ, vị chủ tịch mới lên cầm quyền.

Mùa thu năm 1959, họ Lưu đến Thành Đô để thanh tra một cái làng với biệt danh là "Ánh Sáng Đỏ Hồng". Năm trước đó, Mao đã vô cùng phấn khởi với mức sản xuất lúa gạo tuyệt vời của làng này. Trước ngày Lưu đến thăm, cán bộ địa phương bắt tất cả những ai bị coi như là có thể tố cáo họ và đem nhốt vào một cái đền. Thế nhưng, nhờ có tay trong mật báo nên khi đi ngang qua đền, họ Lưu dừng lại và yêu cầu cho nhìn qua bên trong. Những người tháp tùng viện ra đủ mọi lý lẽ, thậm chí còn cho rằng tòa nhà có nguy cơ sập đổ, nhưng họ Lưu đâu chịu nghe những lời dối trá. Cuối cùng, người ta đành phải mở cái khóa to tướng và han gỉ, thế là một toán nông dân, quần áo rách bươm tràn ra ánh sáng, cặp mắt nhăn nheo vì bị chói. Ngượng đến chín người, giới hữu trách địa phương tìm cách giải thích cho họ Lưu biết rằng đó là "những tên gây rối" cần phải nhốt lại vì sợ họ quấy rầy người khách khả kính. Biết rõ phận mình, những người nông dân kia im phăng phắc. Dẫu cho hoàn toàn bất lực về mặt chính trị, những ông chủ tịch xã cũng nắm quyền sinh sát dân làng. Muốn trừng phạt ai, các quan chỉ cần bắt họ chịu những cực hình, cắt xén khẩu phần của họ hoặc bịa đặt ra những cớ này, cớ nọ để gây phiền hà, để tố cáo, thậm chí để cho đương sự ngồi tù như chơi.

Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ săn sóc hỏi han, nhưng nông dân chỉ biết mĩm cười, lầm bầm trong miệng những lời lẽ khó hiểu. Theo họ thì thà làm mích lòng người khách đến thăm hơn là làm cho cấp trên cận kề phải khó xử. Người khách kia sẽ trở về Bắc Kinh trong giây lát nữa đây, trong khi những quan địa phương sẽ còn ở bên cạnh họ suốt đời!

Một thời gian sau, một nhân vật khác đến thăm Thành Đô. Đó là thống chế Chu Đức, có một bí thư của Mao tháp tùng. Chu Đức quê quán ở Thành Đô. Là người đứng đầu Hồng Vệ Quân, Chu Đức là nhân vật quân sự đã làm nên chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản. Từ năm 1949, không thấy ai nhắc nhở đến ông. Trong chuyến đi này, ông thăm qua nhiều xã gần Thành Đô, sau đó ông đi dạo dọc theo con Sông Lụa, ngắm xem những ngôi nhà, những bụi tre và những quán trà bên trên có những vòm liễu rũ dài theo bờ sông. Ông tấm tắc khen bằng một giọng nói đầy xúc động, như chừng ông ngâm thơ:"Thành Đô quả thực là một nơi tuyệt trần". Như để đối đáp, người bí thư tiếp lời Chu Đức:"Nhưng tiếc thay, Thành Đô đã bị những báo cáo láo và những luận điệu cộng sản giả dối làm hư hỏng hết". Cùng đi trong đoàn, mẹ tôi cảm thấy rằng họ hoàn toàn có lý.

Nghi ngờ những người đồng sự và lúc nào cũng điên tiết vì những lời chỉ trích, như ở Lư Sơn, Mao ngoan cố bám lấy những đường hướng kinh tế ngông cuồng, không cần biết đến những hậu quả. Dẫu cho phải chấp nhận duyệt xét lại một cách miễn cưỡng, nhưng vì quá kiêu căng nên Mao không chịu loại bỏ hoàn toàn. Thế nên, bước qua những năm sáu mươi, toàn bộ Trung Quốc phải rơi vào một nạn đói ăn khủng khiếp.

Ở Thành Đô, khẩu phần hàng tháng dành cho người trưởng thành bị giảm xuống còn 8,6 kí gạo, 100g dầu ăn và 100g thịt, nếu tìm ra được. Như vậy có nghĩa là chẳng có gì để ăn, thậm chí đến rau cải cũng không. Đông đảo người bị phù thũng vì thiếu dinh dưỡng, da trỗ màu vàng và mình mẩy sưng vù. Phương thức chữa trị thông dụng nhứt là ăn một thứ tảo nước ngọt, được cho là có nhiều chất dinh dưỡng, sinh sôi nẩy nở trong nước tiểu con người. Thế là người ta không đi tiểu ngoài thiên nhiên nữa mà chứa sản phẩm bài tiết của mình trong những cái bô, rồi gieo hột tảo vào đó. Vài ngày sau, hột tảo nẩy mầm, trông giống như những trứng cá màu xanh lá cây. Người ta vớt những hột tảo đó ra, rửa sạch xong nấu chung với gạo. Thật là dễ sợ, nhưng cũng chữa được bịnh phù thũng.

Như mọi người, ba tôi được hưởng một khẩu phần hạn chế. Thế nhưng, vì là cán bộ cao cấp của đảng, ba tôi được hưởng một vài đặc quyền đặc lợi. Khu cư xá của chúng tôi có hai nhà ăn tập thể, một cái nhỏ để cho viên chức cấp cao và gia đình, cái kia lớn hơn, dành cho những người khác. Chẳng hạn như bà ngoại tôi, dì tôi và người giúp việc nhà tôi đều ăn ở đó. Phần lớn, chúng tôi đến nhận khẩu phần ở nhà ăn tập thể rồi mang về nhà. Dễ tìm được thức ăn ở nhà ăn tập thể hơn ở ngoài đường. Chính quyền tỉnh có một nông trại riêng và viên chức các quận tặng cho nhiều quà. Những quà thượng thặng này được phân phối cho hai nhà ăn tập thể, nhưng nhà ăn dành cho cấp cao thường được biệt đãi hơn.

Ở địa vị cán bộ đảng, ba mẹ tôi cũng được hưởng tem phiếu thực phẩm đặc biệt. Tôi thường đi theo bà tôi đến cửa hàng bên ngoài khu cư xá, đem tem phiếu đổi lấy đồ dùng. Tem phiếu của mẹ tôi màu xanh, mỗi tháng đổi được năm cái trứng, gần ba mươi gờ ram đậu nành và ngần ấy đường. Với tem phiếu màu vàng, ba tôi nhận được khẩu phần gấp đôi. Chúng tôi tập trung lại những thức ăn của hai nhà ăn tập thể cùng với những gì xuất phát từ những nguồn khác để cùng ăn với nhau. Người lớn lúc nào cũng dành một phần của suất ăn cho trẻ con. Tôi chẳng khi nào thấy đói khi rời bàn ăn. Trái lại, những người lớn đều bị thiếu ăn và bà ngoại tôi mắc bịnh thũng nhẹ. Bà cấy thứ tảo nói trên và tôi trông thấy mọi người trong nhà đều ăn dù cho họ không muốn cho tôi biết để làm gì. Một hôm tôi thử ăn một miếng, tôi phải khạc nhổ ra tức khắc. Thật là đáng tởm! Tôi chỉ thử có mỗi một lần duy nhứt.

Tôi chẳng hay biết gì nạn đói ăn đã lan tràn quanh tôi. Một hôm, trên đường đến trường, tôi đang ăn cái bánh bằng bột hấp thì bỗng dưng có một người nhảy bổ vào tôi và cướp lấy thức ăn của tôi. Hoàn hồn lại, tôi nhìn thấy kẻ cướp món ăn của tôi là một người ốm tong teo, đi chân đất, mặc chiếc quần đùi, vừa đi vừa ngốn ngấu cục bột hấp của tôi. Khi thuật câu chuyện lại cho ba mẹ tôi, thì trong cái nhìn của ba tôi hiện ra một nỗi buồn cùng cực. Vuốt tóc tôi, ba thỏ thẻ:"Như vậy là con còn may mắn, có những đứa trẻ như con phải chết vì đói."

Lúc bấy giờ, những vấn đề răng cỏ bắt tôi phải thường xuyên đi khám ở bệnh xá. Mỗi lần đến đó, tôi thấy buồn nôn trước cảnh tượng hãi hùng của hàng chục người tay chân xưng vù, bóng lưỡng, gần như trong suốt, thân hình to tướng gần bằng những cái thùng cây đựng rượu. Người ta đưa họ đến bệnh xá bằng những chiếc xe kéo tay vì quá đông. Hỏi bà nha sĩ những người đó bệnh gì thì bà thở dài và cho biết là "bệnh thũng". Khẩn khoản mãi, vì muốn biết rõ hơn, thì bà lí nhí trong miệng những điều gì đó, để cho tôi thoáng biết một cách mơ hồ là chuyện liên quan đến thức ăn.

Phần đông những bệnh nhân này thuộc giới nông dân. Nạn đói lan tràn ở nông thôn vì chế độ khẩu phần không được áp dụng ở đó. Chính sách nhà nước chủ yếu là ưu tiên tiếp tế cho thành phố, những chủ tịch hợp tác xã nhân dân phải tranh giành thóc lúa cho xã viên. Ở nhiều nơi, những nông dân tìm cách cất giấu một phần lương thực dự trữ đều bị bắt giữ, đánh đập và tra tấn. Những người có trách nhiệm ở hợp tác xã mà đắn đo không chịu tước lấy lương thực của nông dân bị đói ăn sẽ bị mất chức, một số khác bị hành hung, đánh đập. Cho nên, chính những người làm ra thức ăn lại bị chết hàng triệu trên toàn đất nước Trung Quốc vì đói!

Sau đó, tôi được biết nhiều thân nhân trong gia đình từ Tứ Xuyên đến Mãn Châu đều bị chết đói, nhất là người em của ba tôi, mắc chứng chậm phát triển. Bà nội tôi mất năm 1958 và khi nạn đói xảy ra, chú không biết phải làm sao vì chú không chịu nghe bất cứ ai. Khẩu phần lương thực được phát hàng tháng, chú ăn hết trong mấy ngày, không biết giữ để ăn trong những ngày còn lại. Thế là chẳng bao lâu mà chú tôi phải chết vì đói. Dì và dượng của tôi, bị chỉ định cư trú ở một vùng khỉ ho cò gáy, miệt cực Bắc Mãn Châu vì trong quá khứ có liên hệ với mật vụ Quốc Dân Đảng, cũng lần hồi chết vì đói. Khi dự trữ bắt đầu cạn, những viên chức trong làng phân chia lương thực dựa theo những tiêu chuẩn hoàn toàn độc đoán. Vì trước kia, dượng tôi thuộc phe Quốc Dân Đảng nên dĩ nhiên hai vợ chồng là diện bị cắt tiếp tế trước tiên. Con cái của họ còn sống vì hai ông bà đương nhiên nhường phần ăn lại cho con. Cha chồng của dì tôi cũng qua đời vì cuối cùng ông ăn cả gòn độn gối và lá tỏi khô.

Một đêm nọ, năm tôi lên tám, có một bà thật già, nhỏ người, mặt mày nhăn nheo, xuất hiện trước nhà. Người bà ốm tong ốm teo và yếu đuối, chỉ một cơn gió nhẹ cũng làm bà té nhào. Bà quỳ mọp dưới chân mẹ tôi, cúi lạy và gọi mẹ tôi là "ân nhân của con gái bà". À thì ra đó là mẹ của người giúp việc nhà tôi. Bà nói thêm:"Không nhờ bà thì con gái tôi chẳng còn sống..." Thật sự tôi không hiểu bà ấy muốn nói gì, mãi đến một tháng sau, khi chị giúp việc chúng tôi nhận được thư nhà, báo tin bà lão đã qua đời, chẳng bao lâu sau khi bà đến nhà chúng tôi để cho chị ấy biết rằng chồng và con của chị đã chết vì đói ăn. Tôi chẳng khi nào quên được những tiếng khóc nức nở đau lòng của chị người làm, đứng trên sân thượng nhà tôi, tựa người vào cây cột, cố gắng nén những tiếng rên rỉ tức tưởi bằng chiếc khăn tay. Ngồi trên giường, bà tôi cũng khóc. Chạy trốn vào một góc, gần chiếc mùng của bà, tôi nghe được bà lẩm bẩm:"Cộng sản là những người tốt, nhưng tất cả những con người khốn khổ kia đều chết hết..." Mấy năm sau, tôi được biết là người anh khác của chị giúp việc và bà vợ của ông ta cũng qua đời không bao lâu sau đó. Trong số những người đói ăn, các gia đình địa chủ đứng sau cùng trên danh sách những người cần được tiếp tế.

Năm 1989, một cán bộ đảng, trước kia làm việc trong chiến dịch trợ giúp chống đói, xác nhận với tôi rằng, theo ông ước lượng thì tổng số nạn nhân của riêng tỉnh Tứ Xuyên cũng phải lên đến bảy triệu, nghĩa là khoảng 10% tổng số dân chúng trong một vùng nổi tiếng là sung túc. Trên toàn quốc, con số nạn nhân phải lên đến khoảng ba mươi triệu!

Một ngày của năm 1960, đứa con gái 3 tuổi của bà láng giềng của dì Jun-Ying tôi ở Yibin, bỗng dưng biến mất. Vài tuần lễ sau, mẹ cháu gái đó trông thấy một đứa bé đang chơi ngoài đường, mặc chiếc áo giống áo con bà. Bà đến gần, xem xét cẩn thận và bắt gặp một dấu vết không phai nên bà quả quyết là áo của con bà. Đi báo công an và cuộc điều tra cho thấy là cha mẹ đứa bé chuyên bán thịt phơi khô. Họ đã bắt và giết chết, rồi phân da xẻ thịt nhiều trẻ em để bán ra với giá cắt cổ, dưới danh nghĩa là thịt thỏ. Cặp vợ chồng khủng khiếp kia bị xử tử và vấn đề bị ém nhẹm, nhưng rồi mọi người đều biết rằng lúc bấy giờ chuyện trẻ em bị giết hại là tương đối phổ biến.

Mấy năm sau, tôi có gặp một cộng sự viên cũ của ba tôi, một con người hiền lành và giỏi giang, không phải thuộc hạng người thích phóng đại. Ông ấy kể lại cho tôi với nhiều xúc động những gì ông đã tận mắt trông thấy tại một công xã nhân dân trong đợt đói ăn.  Tại một vùng thường được mùa lúa, dù cho người ta chẳng cần đi thu nhặt thóc rơi vãi, khoảng 35% nông dân bị chết đói vì nhân công bị trưng dụng để sản xuất thép. Vả lại, nhà ăn tập thể của công xã đã phung phí một lượng khá lớn những gì họ có trong tay. Có một hôm, một gã nông dân thình lình đến gặp ông ta trong văn phòng và quỳ xuống kêu than là mình đã phạm phải một tội tày đình và xin được ân xá. Thì ra, đương sự đã giết chết đứa con mình để ăn thịt. Cơn đói là một thôi thúc không kềm hãm được đã xui ông cầm lấy con dao để giết chính con mình. Nước mắt giàn giụa, viên chức công xã đành ra lệnh bắt giữ kẻ có tội. Sau đó, người nông dân kia bị xử bắn để làm gương và để ngăn chận những hành động giết con.

Nhà cầm quyền giải thích một cách chính thức, cho biết sở dĩ có nạn đói là do Khrouchtchev đã đột ngột bắt Trung Quốc phải bồi hoàn món nợ khổng lồ vay mượn trong thời chiến tranh Triều Tiên để chi viện cho Bắc Triều Tiên. Như thế chế độ muốn cho thấy nhà nước cũng như đại đa số quần chúng nhân dân, là những người đã bị mất trắng còn bị chủ nợ nhẫn tâm đòi địa tô hay bắt hoàn trả những khoản tiền vay mượn. Bằng cách nêu danh Liên Xô, Mao Trạch Đông cũng chỉ đích danh một kẻ ngoại thù, coi đó như là nguồn gốc của mọi tội lỗi và nhân dân Trung Quốc phải đồng lòng đánh trả.

Tập đoàn lãnh đạo còn viện ra một nguyên nhân khác, coi như là do một "thiên tai vô tiền khoáng hậu". Trung Quốc là một nước rộng thênh thang và hàng năm thời tiết xấu làm cho nơi này, nơi khác phải thiếu thốn trầm trọng. Ngoài giới chức cao cấp ra, không một ai biết được những thông tin về thời tiết liên hệ đến toàn quốc. Thực ra vì dân chúng không di chuyển nhiều nên ít ai biết được chuyện gì xảy ra bên tỉnh láng giềng, thậm chí những chuyện ở bên kia núi gần nhất cũng không biết nữa là. Lúc bấy giờ, nhiều người Hoa nghĩ rằng đói ăn là do hậu quả của thời tiết, thậm chí hiện nay cũng vậy. Tôi không nắm được những dữ kiện toàn bộ có tính thuyết phục, nhưng đối với những người thường mà tôi đã tiếp xúc được ở mọi nơi trên đất nước Trung Quốc thì ít có ai cho rằng đói ăn là do thảm họa thiên nhiên. Trái lại, họ còn kể hàng tá chuyện về những con người đáng thương hại bị chết vì đói.

Đầu năm 1962, nhân một hội nghị quy tụ 7.000 giới chức cao cấp trong đảng, Mao Trạch Đông tuyên bố rằng nạn đói ăn vừa qua có 70% do thiên tai và 30% do sai lầm của con người. Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, dường như chẳng suy nghĩ gì hết, nói rằng theo ông thì những số liệu đó nên đảo ngược lại. Ba tôi có dư hội nghị đó, và khi trở về nhà ba nói với mẹ:"Anh nghĩ rằng đồng chí Lưu Thiếu Kỳ sẽ gặp khó khăn."

Khi biên bản phiên họp được phổ biến đến những cán bộ cấp nhỏ hơn, như mẹ tôi, thì những lời phát biểu của chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đã bị cắt đi. Thậm chí những phát biểu của Mao Trạch Đông cũng không được phổ biến cho quần chúng. Giấu giếm thông tin như thế hiển nhiên sẽ ru ngủ dân chúng, và chẳng bao giờ ai nghe thấy có một điều than phiền nào đối với đảng cộng sản Trung Quốc. Phần đông những người bất đồng chính kiến đã bị loại trừ hoặc bị bịt miệng, bằng cách này hay cách khác, trong những năm tháng trước đó. Thế nhưng, những người Hoa trung bình chẳng thấy rõ là phải chê trách chính phủ. Chẳng hạn như không ai có thể nói là có tham nhũng trắng trợn hay viên chức chính phủ cướp đoạt lương thực thực phẩm. Vì thân phận của đảng viên cũng chỉ hơn nhân dân một tí thôi. Vả lại, ở vài thôn ấp cán bộ là những người chết đói trước hơn ai hết. Dưới trào Quốc Dân Đảng chưa từng gặp một trận đói như thế bao giờ. Thế nhưng, tình hình dường như khác hơn bây giờ. Trước kia đói kém là hậu quả của những trường hợp tham ô nhũng lạm trắng trợn.

Trước trận đói ăn, một số lớn những giới chức cộng sản, xuất thân từ những gia đình địa chủ, đã đưa thân nhân từ nông thôn về sinh sống gần họ ở thành phố. Khi nạn đói bắt đầu hoành hành, đảng ra lệnh đưa những người có tuổi trở về làng mạc để cùng với các đồng chí nông dân chia xẻ cuộc sống khó khăn, nói một cách khác là về cùng chết đói ở đó. Đúng ra là đừng để cho thiên hạ có cảm tưởng rằng cán bộ đảng đã lợi dụng đặc quyền đặc lợi để đối xử ưu đãi thân quyến thuộc "giai cấp thù địch". Ông bà của nhiều người bạn thân với tôi phải rời Thành Đô như thế để rồi phải chết vì đói.

Phần đông những người nông dân sinh sống trong một môi trường khép kín, thực ra họ chẳng cần bận tâm đến những gì xảy ra bên ngoài phạm vi của thôn xóm. Họ đổ lỗi cho những người chỉ huy họ về nạn đói kém vì đã ban ra những lệnh lạc tai hại.

Bước Đại Nhảy Vọt và cơn đói khủng khiếp này đã làm cho ba mẹ tôi phải xao xuyến trầm trọng. Dù cho hai ông bà khó hiểu được toàn bộ tình hình, ba mẹ tôi cũng biết rằng đâu có thể hoàn toàn đổ lỗi cho "thảm họa thiên nhiên". Ba mẹ tôi đặc biệt cảm thấy có lỗi vô cùng. Cả hai đều xung phong vào chiến dịch tuyên truyền nên ba mẹ tôi đều hoạt động ngay bên trong bộ máy ăn gian nói dối, lừa bịp dân chúng. Để cho lương tâm khỏi bị dày vò và để thoát khỏi cái dễ dãi của nếp sống thường ngày, ba tôi tình nguyện xung vào chương trình chống đói ở những công xã nhân dân. Làm thế, ba tôi "đồng cam cộng khổ với quần chúng nhân dân", đúng theo lời dạy của chủ tịch Mao. Tập thể của ba tôi không tán thành quyết định đó của ông. Thành ra, các người phụ tá của ba tôi phải luân phiên nhau tháp tùng ông, một việc làm mà họ không thích vì như thế họ luôn luôn bị đói.

Từ cuối năm 1959 cho đến 1961, nghĩa là trong giai đoạn tồi tệ nhất của thời kỳ đói kém, tôi gần như chẳng bao giờ thấy mặt ba tôi. Những khi ở nông thôn ba tôi ăn rau lang, ăn cỏ và ăn vỏ cây, như nông dân. Một hôm, đang đi dọc theo một bờ mẫu giữa hai thửa ruộng, ba tôi trông thấy một người ốm tong teo, còn xương với da, đang từ xa tới, bước đi thật chậm, rõ ràng là đuối sức. Bỗng dưng bóng người đó biến mất. Ba tôi chạy vội đến nơi, thì thấy ông ta nằm xoài ra trên ruộng lúa, chết đi vì đói.

Không có ngày nào mà ba tôi không bị nản lòng vì những cảnh tượng đã trông thấy, dù cho ông không nhìn thấy những trường hợp bi đát hơn vì, theo thói quen, các giới chức địa phương lúc nào cũng  bao vây ông ở những nơi mà ba tôi đi đến. Ba tôi mắc bệnh to gan và bị phù thũng trầm trọng, đó là chưa nói đến trường hợp nản chí khá nặng nề. Đã nhiều lần, sau những chuyến đi dã ngoại trở về, ba tôi phải nằm nhà thương ngay. Trong mùa hè năm 1961, ba tôi phải mất ba tháng nằm bệnh viện. Ông đã thay đổi nhiều. Ông không còn là một con người nghiêm ngặt khắt khe nữa. Đảng không hài lòng về ba tôi, người ta kết tội là "để cho khí thế cách mạng bị giảm đi" và cuối cùng đuổi ba tôi ra khỏi bệnh viện.

Ba tôi dành nhiều thì giờ để đi câu. Trước bệnh viện có một con sông xinh đẹp tên là Sông Ngọc. Hàng liễu nghiêng mình xuống dòng sông, cành lá mơn man mặt nước, in hình những cụm mây luân phiên nhau tan hợp thành muôn nghìn hình ảnh phản chiếu lung linh. Giờ này sang giờ nọ, ngồi trên bờ dốc đứng, tôi vừa ngắm nhìn những hình dáng đổi thay đó vừa nhìn ba tôi ngồi câu. Một mùi phân người phảng phất đâu đây trong không gian. Trên đầu dốc là những mảnh vườn của bệnh viện, xưa kia đầy những hoa là hoa nay người ta đã biến thành những vườn rau xanh để tăng thêm chất rau tươi cho bệnh nhân cũng như cho nhân viên bệnh viện. Nhắm mắt lại, tôi còn thấy những con nhộng bướm ăn lá cải. Mấy người anh của tôi săn bắt nhộng để ba tôi làm mồi câu. Mấy vườn rau tạm bợ này trông thật thê thảm. Hiển nhiên là mấy ông bác sĩ và mấy cô y tá không phải là những người chuyên môn trồng trọt.

Xuyên suốt qua lịch sử Trung Quốc, những nhà uyên bác và những quan lại thường say mê câu cá khi họ nản lòng vì thái độ của nhà vua. Một cung cách ẩn mình trong thiên nhiên, lánh xa chính trị, một thái độ tiêu biểu cho nỗi chán chường và cho tinh thần bất hợp tác.

Ba tôi ít khi câu được cá. Một hôm ông sáng tác một bài thơ bắt đầu bằng câu:"Ta đi câu đâu cần được cá." Người bạn cùng câu với ba tôi, một người phụ tá trong ban ngành của ba tôi, lúc nào cũng tặng cho ba tôi một phần của số cá câu được. Như để giúp đỡ gia đình tôi, vì năm 1961 giữa cơn đói kém, mẹ tôi lại mang thai lần nữa. Người Hoa họ cho rằng cá là thành phần thiết yếu để phát triển tóc của trẻ sơ sinh. Mẹ tôi không muốn có con nữa. Ba mẹ tôi nay hưởng một bậc lương, theo đó nhà nước không cung cấp chị vú mà cũng chẳng có người giúp việc. Phải nuôi bốn đứa con, bà ngoại tôi và một phần của gia đình bên ba tôi, hai ông bà phải chật vật với số lương hàng tháng. Thu nhập của ba tôi thì một phần lớn dùng để mua sách, nhất là những tuyển tập tác phẩm cổ điển, đôi khi phải mất hai tháng lương. Đôi khi mẹ tôi hơi càu nhàu về vấn đề này. Một vài bạn đồng sự của ba tôi viện cớ này nọ với nhà xuất bản để được sách miễn phí, gọi là "để làm tài liệu", nhưng ba tôi thì nhất quyết trả tiền sòng phẳng.

Chuyện tuyệt sinh sản, chuyện phá thai, chuyện ngừa thai chẳng phải dễ dàng gì. Năm 1954, cộng sản đã bắt đầu áp dụng chương trình kế hoạch hóa gia đình và chính mẹ tôi là người chịu trách nhiệm vấn đề đó trong vùng của bà. Lúc bấy giờ mẹ tôi, đang có thai em Xiao-hei sắp tới ngày sinh, thường khai mạc những phiên họp thông tin bằng một cuộc tự phê đầy tính hài hước. Nhưng, Mao Trạch Đông thay đổi ý kiến, bỗng dưng tuyên bố quyết liệt phản đối lại chuyện kiểm soát sinh sản. Ông ta muốn có một nước Trung Quốc lớn mạnh, dựa trên một dân số đông đảo. Ông ta hống hách tuyên bố rằng nếu Mỹ ném bom nguyên tử xuống Trung Quốc thì người Trung Quốc cứ "tiếp tục sinh sôi nẩy nở" và như thế sẽ lần hồi tái lập lại di sản nhân loại. Ngoài ra, ông còn tán thành thái độ truyền thống của nông dân Trung Quốc liên quan đến chuyện con cái, là càng có nhiều tay để lao động càng tốt. Năm 1957, Mao Trạch Đông đích thân gán cho một giáo sư nổi tiếng của đại học Bắc Kinh là thành phần hữu khuynh vì ông này chủ trương việc kiểm soát sinh đẻ. Sau đó, hầu như chẳng ai nói đến chuyện kế hoạch hóa gia đình nữa.

Năm 1959, khi phát hiện ra là đã có bầu, mẹ tôi viết thơ cho giới thẩm quyền ở Bắc Kinh để xin phép phá thai, theo thủ tục hiện hành lúc bấy giờ. Thời đó, phá thai là một chuyện làm nguy hiểm nên cần phải có sự thỏa thuận của đảng. Mẹ tôi có nói rõ rằng vì muốn tận tụy với sự nghiệp cách mạng nên mẹ tôi nghĩ rằng sẽ phục vụ nhân dân tốt hơn nếu không có thêm đứa con nữa. Được phép rồi, mẹ tôi trải qua một cuộc giải phẫu vô cùng đau đớn vì phương pháp được áp dụng đã quá lỗi thời. Năm 1961, khi mẹ tôi lại có thai nữa, các thày thuốc cho rằng không có vấn đề giải phẫu lần thứ nhì. Vả lại, mẹ tôi cũng cùng quan điểm và đảng cũng quy định hai cuộc phá thai phải cách nhau ít lắm là ba năm.

Chị giúp việc nhà cho chúng tôi cũng mang bầu. Chị ấy kết hôn với anh bảo vệ cũ của ba tôi, hiện làm việc tại một cơ xưởng. Bà tôi pha chế cho hai người một thức uống gồm có trứng và đậu nành, mà chúng tôi mua được nhờ tem phiếu của ba mẹ tôi và sau đó là món cá do người đồng sự của ba tôi câu được.

Cuối năm 1961, chị giúp việc gia đình tôi sinh ra một đứa con trai và lập tức rời khỏi nhà chúng tôi để về sinh sống với ông chồng. Lúc còn làm cho gia đình tôi, chính chị đả đi đến nhà ăn tập thể để lãnh phần ăn cho gia đình. Một hôm, ba tôi bắt gặp chị đứng trong vườn đang ăn ngốn ngấu một chút ít thịt và nhai một cách ngon lành. Ba tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác và vội vã bước đi để cho chị khỏi ngượng. Nhiều năm qua, ba tôi không thố lộ với ai nỗi âu lo trong lòng ông về sự chênh lệch giữa thực tế và những lý tưởng của ông thời niên thiếu.

Sau khi chị người làm đi rồi, chúng tôi không thể nào tìm được người thay thế vì nạn đói kém. Những người phụ nữ muốn làm cho chúng tôi, phần đông từ miền quê lên, không được phép có khẩu phần. Nên chi, bà và dì tôi bị bắt buộc phải trông coi chúng tôi.

Người em nhỏ nhất của tôi, tên Xiao-fang, sinh ngày 17 tháng Giêng năm 1962. Trong bọn chúng tôi chỉ có một mình Xiao-fang được mẹ tôi cho bú. Lúc mang thai nó, mẹ tôi đã muốn phá đi, nhưng khi sinh ra, mẹ tôi lại thấy thương nó nhiều hơn nên nó đã trở thành đứa con cưng của bà. Tất cả bọn tôi chơi đùa với nó coi như một món đồ chơi. Em tôi lớn lên trong tình thương yêu, do đó mẹ tôi cho rằng Xiao-fang cảm thấy thoải mái và tự tin. Ba tôi dành cho nó nhiều thời gian hơn, điều mà ba tôi không có dành cho những đứa lớn. Khi Xiao-fang khá lớn để có thể chơi đùa với đồ chơi thì cứ mỗi thứ bảy ba tôi đưa nó đến gian hàng đồ chơi ở đầu phố để mua cho nó một món mới. Khi em tôi khóc vì một lý do nào đó không cần biết, ba tôi bỏ dở công việc đang làm và hối hả đến dỗ dành nó.

*  *  *

Cuối năm 1961, chung cuộc lại con số mấy chục triệu người chết cũng bắt buộc Mao Trạch Đông từ bỏ chính sách kinh tế đó. Dù không ưng ý nhưng Mao cũng phải nhường quyền cai trị đất nước nhiều hơn cho những con người thực tiễn là chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, tổng bí thư đảng. Hơn nữa, Mao còn bị bắt buộc phải trải qua những phiên tự kiểm, rồi ra cũng đầy dẫy những trường hợp đáng thương cho thân phận của chính ông ta và được bóp méo để cho thiên hạ có cảm tưởng là Mao phải gánh chịu lỗi lầm của những viên chức thiếu khả năng trên toàn đất nước Trung Quốc. Thậm chí ông ta còn hào hiệp ra lệnh cho đảng viên "rút tỉa bài học" từ kinh nghiệm quái ác đó, không để cho họ có quyền phê phán nội dung của các bài học. Ông ta còn phán rằng đảng viên đã xa rời quần chúng nhân dân và đã có những quyết định không phản ảnh được tâm tư tình cảm của người dân trung bình. Đối với Mao cũng như đối với những người khác, những cuộc tự phê liên miên đó thật ra là để che đậy những trách nhiệm đích thực mà không một ai thừa nhận.

Dù thế nào đi nữa thì lần hồi mọi chuyện cũng ổn định trở lại. Những nhà lãnh đạo thực tiễn áp đặt một lô những cải cách quan trọng. Chính trong bối cảnh như thế, Đặng Tiểu Bình đưa ra một nhận xét để đời:"Mèo trắng, mèo đen, can hệ gì, miễn là nó bắt chuột." Không còn có vấn đề sản xuất sắt thép một cách điên cuồng nữa. Người ta loại bỏ những mục tiêu kinh tế phi lý để chọn lấy những mục tiêu thực tế hơn. Những nhà ăn tập thể bị dẹp bỏ và người ta công nhận trở lại một tương quan hài hòa giữa thu nhập và lao động của nông dân. Nhà nông thu hồi lại những tài sản bị công xã nhân dân trưng thu trước kia, kể cả những dụng cụ nông nghiệp và những gia súc của họ. Ngoài ra, nhà nước còn cấp cho họ những mảnh đất nhỏ, từ nay do cá nhân họ khai thác lấy. Ở một vài nơi, thậm chí đất đai còn được cho những gia đình lĩnh canh thuê mướn. Trên lãnh vực công nghiệp và thương mại, một vài dạng kinh tế thị trường được chính thức áp dụng, và trong vòng vài ba năm đất nước thịnh vượng trở lại.

Song song với việc mở cửa kinh tế này, người ta cũng nhận thấy cởi mở về mặt chính trị. Một số lớn địa chủ rồi cũng thoát khỏi nhãn hiệu "kẻ thù giai cấp". Ngoài ra, hàng loạt người bị loại trừ qua nhiều chiến dịch "thanh lọc" chính trị cũng được phục hồi. Nhất là những người bị coi là "phản cách mạng" hồi năm 1955, những diện "hữu khuynh" hồi 1957 và những thành phần "cơ hội chủ nghĩa hữu khuynh" hồi năm 1959. Mẹ tôi đã nhận được giấy cảnh cáo hồi năm 1959 vì có "xu thế hữu khuynh", thì ba năm sau, để bù trừ lại, được thăng một cấp, lên hạng 16. Ngoài ra, văn học nghệ thuật cũng được cởi trói. Bầu không khí chung được cởi mở hơn. Theo ba mẹ tôi, cũng như theo nhiều người khác, chế độ cho thấy dường như có khả năng cải thiện và biết rút ra bài học từ những sai lầm. Cho nên, hai ông bà lại tin tưởng ở chính phủ hơn.

Xuyên suốt qua thời kỳ lâu dài đăng đẳng đó, tôi sống trong một cái kén, được bốn bức tường của cư xá che chở. Tôi chẳng có chút liên hệ trực tiếp nào với những biến cố bi thảm đó. Và trong môi trường yên tĩnh giả tạo như thế, từng bước một, tôi thoát khỏi thời thơ ấu.

 

Xem kỳ tới: C15: Cách mạng Văn hóa mở màn

---------------------------------------

(Trích dịch theo "Les Cygnes Sauvages", Jung Chang, nxb France Loisirs, Plon 1992.)

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.