.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Phan Quân

 

Cách mạng Văn hóa mở màn

(1965-1966)

 

  • Phan Quân trích dịch từ "Les Cygnes Sauvages" của Jung Chang
    CHƯƠNG 15

"Hủy diệt cái đã, rồi tự nó sẽ tái thiết"

(Mao Trạch Đông)

Đầu thập niên 1960, dẫu cho đã gây ra nhiều thảm họa, nhưng nhờ được quần chúng tôn sùng, Mao vẫn còn là lãnh tụ của Trung Quốc, một chức vụ không ai tranh giành được. Khi những con người có đầu óc thực tiễn đã cụ thể quản lý đất nước thì thế nào dân chúng cũng tương đối được tự do trên lãnh vực văn chương và nghệ thuật. Khá nhiều vở diễn, nhạc kịch, phim và tiểu thuyết xuất hiện sau một thời gian dài ngưng đọng. Không một tác phẩm nào trực tiếp đả kích đảng vì các tác giả ít khi đề cập đến những đề tài đương thời. Thế nhưng, lúc bấy giờ Mao đang phải lo tự vệ, vả lại ông ta đang càng ngày càng bận tâm với bà vợ là Giang Thanh, kịch sĩ trong những năm 1930. Những người làm văn nghệ đồng lòng thỏa thuận khai thác đề tài lịch sử, thực ra là để mượn chuyện xưa mà ám chỉ hiện tại, tìm cách ngầm chống lại chế độ và chống cả Mao.

Những nhà trí thức Tàu lúc nào cũng sính mượn lịch sử để chống đối về chính trị. Còn ngày nay thì người ta ám chỉ một cách có vẻ như vô cùng bí hiểm nhưng đôi khi lại là những chuyện mật kín vậy mà nhiều người vẫn biết được. Tháng 4 năm 1963, Mao ra lịnh cấm những "kịch ma", một thể loại văn chương trong đó có nhiều chuyện linh hồn người chết báo thù. Theo ông thì quả thật những hồn ma rất giống với kẻ thù giai cấp bị chết dưới triều đại của ông.

Hai vợ chồng Mao ưa thích một thể loại sáng tạo văn chương khác, như những "thảm kịch của triều thần nhà Minh", mà nhân vật chánh là Hải Thụy, một ông quan đời nhà Minh (1368-1644). Là hiện thân của công lý và quả cảm, triều thần nhà Minh đó đã binh vực những hạng thứ dân khốn khổ, bất chấp những nguy cơ cho đời mình. Ông bị cách chức và lưu đày. Vợ chồng Mao ngỡ là người ta lợi dụng nỗi gian truân của quan triều thần kia để nói đến nguyên soái Bành Đức Hoài, cựu bộ trưởng Quốc Phòng, hồi 1959 đã công khai phản đối chính sách thảm hại của Mao, gây ra nạn đói ăn. Hầu như ngay sau khi họ Bành bị cho về vườn, người ta đã ngạc nhiên thấy hiện tượng triều thần nhà Minh sống dậy. Vợ Mao thử ra lịnh cấm những vở diễn đó, nhưng các tác giả và những bộ trưởng phụ trách văn nghệ, được bà liên lạc để bàn bạc, đều làm ngơ.

Năm 1964, Mao đưa ra một danh sách ba mươi chín nghệ sĩ, văn gia và trí thức bị lên án. Ông ta cho họ là những "giới chức tư sản phản động", một dạng mới của kẻ thù giai cấp. Trong số những nhân vật lỗi lạc trên danh sách đen đó, có Ngô Hàm, kịch tác gia nổi tiếng chuyên viết những kịch loại "triều thần nhà Minh", cũng như giáo sư Mã Dần Sơ, trước kia là đại kinh tế gia đã khuyến cáo trước tiên việc kiểm soát sinh sản. Vì chuyện đó mà ông đã bị liệt vào thành phần hữu khuynh hồi năm 1957. Về sau, Mao mới thấy ra rằng kiểm soát sinh sản là cần thiết, nhưng Mao vẫn oán giận vì Mã Dần Sơ đã có lý hơn ông ta.

Danh sách này không đưc ph biến công khai nên ba mươi chín người liên hệ không bị thanh trừng. Tuy nhiên, Mao cho phổ biến trong nội bộ chính quyền, kèm theo những chỉ thị khuyến khích cấp lãnh đạo cơ quan trừng trị những "giới chức tư sản phản động" khác. Trong mùa đông 1964-1965, mẹ tôi chịu trách nhiệm một tổ công tác, được phái đến một trường học được gọi là "Chợ trâu bò". Bà có nhiệm vụ vạch mặt chỉ tên những người khả nghi, trong số những giáo viên tài giỏi nhất, và những tác giả sách và bài viết cần phải canh chừng.

Mẹ tôi thấy nản lòng với công tác đó, hơn nữa, đợt thanh trừng này lại nhằm vào chính những người mà mẹ tôi ngưỡng mộ hơn hết. Vả lại, bà thấy rõ rằng, dù cho có tìm kiếm thật kỷ cũng không ra một "kẻ thù" nào. Trước tiên, nhìn qua tất cả các cuộc trừng phạt mới đây, ít thấy có ai còn dám mở miệng. Mẹ tôi tâm sự với ông Bào, cấp chỉ huy trực tiếp của bà, là người chịu trách nhiệm chiến dịch ở Thành Đô.

Cả năm 1965, mẹ tôi chẳng động đậy gì. Ông Bào không làm áp lực gì mẹ tôi. Tình trạng bất động của họ phản ảnh tình hình chung của cán bộ đảng. Phần đông họ chán ngấy những vụ trừng phạt. Họ quan tâm đến việc cải thiện đời sống quần chúng nhân dân nhiều hơn và tạo lấy cho mình một cuộc sống bình thường. Dĩ nhiên là họ không cưỡng lại những quyết định chính trị của Mao và, trái lại, còn duy trì thái độ tôn sùng cá nhân ông ta, điều mà ông ta rất mong muốn. Một nhúm người, thường lo ngại về việc thần thánh hóa Mao, biết rằng chẳng có cách nào ngăn cản được, vì ông nắm quyền hành và còn uy tín. Tốt hơn hết là họ chỉ còn có cách đối kháng một cách thụ động.

Mao thấy có bằng chứng là cán bộ đảng đã giảm bớt lòng trung thành đối với ông, qua việc họ phản ứng lại lời ông kêu gọi thanh trừng mới đây. Ông xác quyết là từ nay họ ngã theo đường lối của chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và tổng bí thư Đặng Tiểu Bình nhiều hơn. Những điều Mao nghi ngờ được xác nhận là đúng, khi các bộ phận báo chí của Đảng không chịu đăng một bài viết, tố cáo nhà soạn kịch Ngô Hàm và vở diễn của đương sự nói về triều thần nhà Minh. Cho đăng bài báo đó thực ra Mao muốn cho quần chúng tham gia vào công cuộc thanh trừng. Lúc bấy giờ Mao thấy ra rằng bộ máy của Đảng - trong thời gian qua lúc nào cũng là gạch nối giữa nhân dân và bản thân ông - đã cô lập ông với những người xung quanh. Mao không còn nắm được tình hình một cách hữu hiệu nữa. Thành ủy Bắc Kinh, nơi mà Ngô Hàm làm phó bí thư, và cục Tuyên Truyền trung ương, đặc trách báo chí và nghệ thuật, chống lại Mao, nhất quyết không chịu cáo giác Ngô Hàm hay hạ bệ đương sự.

Mao cảm thấy lâm nguy. Ông tự đặt mình vào địa vị của một Staline sắp bị một Khrouchtchev tố khổ, và tệ hơn Staline là trong khi ông còn tại thế. Cho nên, ông quyết định đánh đòn phủ đầu, nhằm hủy diệt Lưu Thiếu Kỳ, người mà ông cho là một "Khrouchtchev Tàu" cùng với người đồng sự với Lưu là Đặng Tiểu Bình, cũng như những người cùng phe phái với họ trong Đảng. Một sáng kiến mà Mao mập mờ đánh lận con đen gọi là "Cách Mạng Văn Hóa". Mao thấy rằng ông phải đơn thân độc mã, nhưng như thế ông thấy thỏa thích vô cùng là thách thức được cả mọi người và điều động trên một quy mô rộng lớn. Qua cung cách như thế, người ta cũng có chút thương hại cho ông, cũng như cho một người hùng đáng thương, một mình phải đương đầu với một kẻ thù hùng mạnh, đáng gờm, khổng lồ, là bộ máy của Đảng.

Sau nhiều lần tìm cách phổ biến ở Bắc Kinh tài liệu đả kích vở hát của Ngô Hàm mà không được, ngày 10 tháng 11 năm 1965, Mao đưa được bài viết lên báo ở Thượng Hải là nơi mà đàn em của Mao nắm vững tình hình. Chính trong bài viết đó mà thành ngữ "Cách Mạng Văn Hóa" xuất hiện lần đầu tiên. Tờ "Nhân Dân Nhựt Báo" từ chối không chịu đăng, cũng như tờ "Bắc Kinh Nhật Báo", tiếng nói của Đảng ở thủ đô. Lúc bấy giờ, ba tôi coi tờ "Tứ Xuyên Nhật Báo". Ông cũng không chịu đăng bài viết đó, cho rằng bài viết là để đả kích nguyên soái Bành Đức Hoài và để hô hào một đợt thanh trừng mới. Ba tôi quyết định đi tham khảo người trách nhiệm những vấn đề văn hóa của tỉnh. Ông này đề nghị nên điện thoại lấy ý kiến của Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng không có mặt tại văn phòng, nhưng nguyên soái Hà Long, một trong những người thân tín của ông Đặng, ủy viên Bộ Chính Trị, trả lời thay. Đó chính là người, mà ba tôi đã nghe thì thầm hồi 1959 câu nói "Đáng lẽ ông ta (Đặng Tiểu Bình) phải lên ngôi rồi", khuyên ba tôi chớ nên đăng bài viết đó.

Rốt cuộc lại, Tứ Xuyên là một trong những tỉnh đã đăng bài viết có vấn đề đó, vào ngày 18 tháng 12. Ban biên tập "Nhân Dân Nhựt Báo", cuối cùng cũng quyết định làm theo, vào ngày 30 tháng 11, có kèm theo một ghi chú do Chu Ân Lai thảo ra. Ông Thủ tướng đóng một vai trò hòa giải trong cuộc tranh giành quyền bính đó. Trong đoạn tái bút, dưới danh nghĩa một "tổng biên tập", ông viết rằng Cách mạng văn hóa phải là một cuộc tranh cải có tính lý luận, nói cách khác là phi chính trị, thế nên không thể tạo điều kiện để lên án về chính trị.

Trong vòng ba tháng sau đó, đã xảy ra đủ thứ thủ đoạn do những người chống đối Mao và Chu Ân Lai chủ xướng, nhằm chận đứng đợt thanh trừng này. Tháng Hai năm 1966, trong khi Mao đi vắng, Bộ Chính Trị cho thông qua một nghị quyết, quy định rằng các cuộc "tranh cải qua lý luận" không thể đưa tới việc thanh trừng. Mao phản đối nghị quyết này, nhưng người ta không mấy quan tâm đến phản ứng của ông ta.

Tháng Tư, người ta yêu cầu ba tôi soạn thảo một tài liệu trong tinh thần của nghị quyết để làm kim chỉ nam cho Cách Mạng Văn Hóa của tỉnh. Hồ sơ mang tên "Tài liệu tháng Tư" quy định đại để là các cuộc tranh cải phải tuyệt đối mang tính cách lý luận, những lời buộc tội vô căn cứ tuyệt đối bị cấm chỉ, mỗi người đều bình đẳng trước chân lý, đảng không nên lấy vũ lực để loại trừ trí thức.

Hồi tháng Năm, khi tài liệu sắp được phổ biến thì đột nhiên lại có lệnh hủy bỏ. Bộ Chính Trị lại có một quyết định mới. Lần này thì có mặt Mao và ý kiến của ông ta thắng thế, với sự tiếp tay của Chu Ân Lai. Mao xé toạc nghị quyết tháng hai và tuyên bố rằng tất cả những tên trí thức ly khai, cùng với những tư tưởng của bọn nó nhất định phải bị loại bỏ. Mao khẳng định là cán bộ đảng viên, mà ông coi như là những "chúa tể tôn thờ đường hướng tư bản", bao che những tên phản động đó, cũng như những "kẻ thù khác của giai cấp", nên cần phải bị diệt trừ. Thế là người ta nhanh chóng gọi họ là những người "chạy theo con đường tư bản". Như thế, cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã chính thức được phát động.

Thế thì "ai là người chạy theo con đường tư bản"? Chính Mao cũng không biết chắc. Trái lại, ông ta biết mình muốn thay thế toàn bộ ủy ban của Đảng ở Bắc Kinh, và phải làm gấp. Ông ta cũng muốn loại bỏ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, và những "thành phần tư sản nòng cốt trong Đảng". Có điều là ông ta chẳng có một chút ý kiến gì về con số những người ủng hộ ông trong bộ máy to lớn của Đảng, mà cũng không biết tầm quan trọng của số lượng những người tận tâm với Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và với "con đường tư bản". Ông ta ước tính là chỉ nắm được chừng một phần ba. Muốn cầm chắc là không một kẻ thù nào thoát khỏi tay ông ta, Mao quyết định loại bỏ toàn bộ Đảng cộng sản một cách triệt để. Những người ủng hộ ông ta đương nhiên sẽ tồn tại qua sự xáo trộn này. Theo như cách nói của Mao thì:"Hủy diệt cái đã, rồi tự nó sẽ tái thiết". Nếu như đảng có bị tiêu tan cũng không có chút gì làm cho ông ta phải lo âu. Ông Mao hoàng đế lúc nào cũng thắng thế hơn ông Mao cộng sản. Ông ta chẳng chút gì bận tâm nếu như phải làm thit hại một cách bất công những người trung thành ủng hộ ông. Hồi thế kỷ thứ I của thời đại chúng ta, một trong những vĩ nhân, quyền thần Tào Tháo, có đưa ra một câu nói bất hủ mà Mao mưn lấy làm của mình:"Ta thích làm hại mọi người trên trái đất này, còn hơn để cho một người trong bọn họ làm hại ta." Câu ngạn ngữ đáng ghi nhớ này, Tào Tháo nói lên trong trường hợp ông ra lệnh giết lầm một cặp vợ chồng lớn tuổi vì bị nghi phản bội ông trong khi thực ra là họ cứu mạng sống cho Tào.

Những mệnh lệnh hiếu chiến của Mao làm cho dân chúng và phần đông cán bộ đảng hoàn toàn bấn loạn, hơn nữa những lệnh đó khá mơ hồ. Phần đông họ không biết Mao muốn gì và rất khó mà xác định kẻ thù. Noi gương toàn bộ những viên chức cao cấp, ba mẹ tôi hiểu rằng Mao quyết định trừng phạt một số cán bộ nào đó trong đảng, nhưng hai ông bà chẳng thấy Mao muốn nhắm vào người nào. Rất có thể ba mẹ tôi cũng nằm trong số những người đó. Hai người lo sợ và rầu rĩ vô cùng.

Dù sao, Mao vừa phát động một phong trào quan trọng nhất ở chức vụ chủ tịch của mình qua việc thành lập một hệ thống kiểm soát đặc biệt, lại còn hoạt động bên ngoài guồng máy đảng. Tuy nhiên, Mao có thể cho rằng hệ thống đó thi hành theo lệnh đảng vì ông chính thức đặt nó dưới trướng của Bộ Chính Trị và Ủy Ban Trung Ương.

Mao bắt đầu chọn nguyên soái Lâm Bưu làm phụ tá. Họ Lâm đã kế tục Bành Đức Hoài ở chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng năm 1959, và ông đã có công trong việc nâng cao uy tín cá nhân của Mao trong quân đội. Ngoài ra, Mao còn thiết lập một bộ phận mới trong chính phủ, mang danh hiệu "Ban Lãnh Đạo Cách Mạng Văn Hóa", do Trần Bá Đạt, bí thư của Mao, điều khiển và Khang Sinh, trùm mật vụ, cùng Giang Thanh, vợ của Mao, chỉ huy trên thực tế. Bộ phận này là công cụ hữu hiệu nhất của Cách Mạng Văn Hóa.

Sau đó, Mao bắt đầu tấn công đến các cơ quan truyền thông, đặc biệt là tờ "Nhân Dân Nhựt Báo", mà ai cũng biết là cơ quan chính thức của đảng. Quần chúng đã quá quen thuộc với chuyện tờ báo này là tiếng nói của chế độ. Ngày 31 tháng 5, Mao bổ nhiệm Trần Bá Đạt làm Chủ nhiệm tờ báo này, như thế ông bảo đảm có được tuyến thông tin trực tiếp dành cho hàng trăm triệu người Hoa.

Kể từ tháng 6 năm 1966, tờ "Nhân Dân Nhựt Báo" loan đi trên khắp nước hàng loạt những bài xã luận vang dội, ca tụng "uy quyền tối thượng của chủ tịch Mao", cổ vũ nhân dân đứng lên "đập nát bọn đầu bò quỷ sứ và bè lũ rắn rết ma vương" - kẻ thù của giai cấp - để cùng với Mao lao vào cuộc Cách Mạng Văn Hóa, một sự nghiệp vĩ đại, vô tiền khoáng hậu.

Trường học của tôi bắt đầu nghỉ hè từ đầu tháng sáu, nhưng người ta bắt chúng tôi tiếp tục đến trường mỗi ngày. Các loa phóng thanh cứ ra rả rống lên để phát đi những bài xã luận của tờ "Nhân Dân Nhựt Báo" cùng với những bài trang nhứt mà chúng tôi phải học tập mỗi sáng, một trang báo thường bị ảnh chân dung của người "lãnh tụ vĩ đại" chiếm gần hết. Mỗi ngày, những khẩu hiệu của Mao trám đầy một cột báo. Nay tôi còn nhớ những khẩu hiệu đó, vì cứ lập đi lập lại mãi nên đã in sâu trong những góc thầm kín của bộ não tôi.

Như những câu: "Chủ Tịch Mao là vầng thái dương hồng soi sáng trong lòng chúng ta!" "Tư tưởng Mao Trạch Đông chỉ đạo cung cách xử thế của chúng ta!" "Chúng ta sẽ tiêu diệt không thương xót bất cứ ai chống đối lại Chủ tịch Mao!" "Cả thế giới tôn thờ Chủ tịch Mao, lãnh tụ vĩ đại của chúng ta!" Có những trang báo đầy ấp những lời bình phẩm tán tụng của những nhân vật nước ngoài và những hình ảnh cho thấy quần chúng người Tây phương tranh giành những tác phẩm của Mao. Qua cung cách đề cao tình cảm yêu nước cũa chúng tôi như vậy, thiên hạ càng nâng cao thái độ tôn thờ Mao.

Chẳng bao lâu sau đó, chuyện đọc báo hàng ngày được thay thế bằng việc đọc lại những lời trích dẫn của Chủ tịch Mao mà chúng tôi phải học thuộc lòng, được tập hợp lại thành một quyển sách bỏ túi, bìa nhựa đỏ, nổi tiếng là "Mao Tuyển". Mỗi người được một quyển, phải được gìn giữ cẩn thận như "con ngươi của mắt mình". Hằng ngày, chúng tôi phải đồng loạt hát lên nhiều đoạn một cách liên tục, không mệt mỏi. Giờ đây, tôi cũng còn bập bõm được khá nhiều lời trích dẫn đó.

Có một hôm, chúng tôi đọc được trên "Nhân Dân Nhựt Báo" có một người nông dân già treo ba mươi hai bức chân dung của Mao trên vách của phòng ông, "để mỗi khi mở mắt ra là nhìn thấy được dung nhan của Chủ tịch Mao, dẫu cho ông quay mặt về hướng nào". Đến phiên chúng tôi cũng treo đầy trên tường lớp học những hình ảnh của một Chủ tịch Mao hớn hở và miệng cười một cách ngây ngô. Thế nhưng, chúng tôi phải vội vàng gỡ ngay vì có tin đồn rằng người nông dân kia thực ra dùng những hình ảnh của Mao như là giấy dán vách, bởi lẽ những chân dung của Lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi đều được in trên giấy tốt lại được phát không. Thiên hạ còn loan truyền rằng ông nhà báo, tác giả bản tin kia, là kẻ thù giai cấp, muốn mượn bài viết để "bêu xấu Chủ tịch Mao". Đây là lần đầu tiên nỗi khiếp sợ người lãnh tụ đã len lỏi vào tiềm thức tôi.

Cũng như nhng phiên t kh khác, trường tôi có một toán làm việc cố định. Làm cho có, toán này đã tố cáo nhiều giáo viên, trong số những thầy cô giỏi nhứt, là "phần tử tư sản phản động", mà chẳng báo cho học trò hay biết gì hết. Tháng Sáu năm 1966, cuống cuồng vì làn sóng Cách Mạng Văn Hóa ập tới và thấy cần phải đào cho ra nạn nhân, toán này bất thình lình đưa tên những bị cáo trình cho cả trường.

Họ cũng thuyết phục học sinh và giáo viên, trước nay được miễn viết biểu ngữ và bích chương tố cáo, bắt đầu làm chuyện đó, và không mấy chốc mà bích chương và biểu ngữ đã đầy khắp sân trường. Những giáo viên cũng phải lăn xả vào làm, vì nhiều lý do khác nhau, như làm cho phải lẽ, làm vì trung thành với đảng, vì ganh tị với uy tín và đặc quyền đặc lợi của những giáo viên khác và nhứt là vì sợ sệt.

Trong số những nạn nhân bị tố, có thầy Trì, giáo sư Hoa ngữ và văn chương Trung Quốc mà tôi rất kính mến. Cứ theo một trong những bích chương dán trên tường thì đầu thập niên 60, thầy có nói:"Hô hào 'Bước Đại Nhảy Vọt muôn năm' cũng không trám đầy được bao tử!" Vì lúc bấy giờ tôi đâu có biết là Bước Đại Nhảy Vọt đã tạo ra cảnh đói ăn nên tôi không hiểu được câu nói đó ám chỉ điều gì, dẫu cho tôi cũng thấy ngay rằng làm như vậy là vô lễ.

Ở thầy Trì, có một cái gì làm cho tôi thấy thầy không phải như những người khác. Lúc bấy giờ, tôi không xác định được đó là điều gì, nhưng bây giờ thì tôi nghĩ là chính vì thái độ mỉa mai kia mà thầy chẳng bao giờ chịu từ bỏ. Thầy thường có những cái cười ngắn gọn, hơi khô khan, gần giống như tiếng ho, cho thấy rằng thầy không nói hết những gì muốn thố lộ. Có một ngày kia, thầy có một phản ứng giống như thế, khi tôi đưa ra một thắc mắc.

Một trong những bài học trong sách Hoa ngữ của chúng tôi có một trích đoạn hồi ký của Lục Định Nhất, lúc đó là bộ trưởng Tuyên Truyền, thuật lại kinh nghiệm của ông trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Thầy Trì lưu ý chúng tôi đoạn miêu tả sống động, tường thuật cảnh binh lính leo một con đường mòn hình chữ chi để lên núi, dưới ánh lửa bập bùng của các ngọn đuốc bằng cây thông, trong một đêm đen không trăng. Cuối cùng, khi họ đến được doanh trại, "cả bọn nhảy vào tô đựng thức ăn, nuốt ngốn ngấu trong chớp nhoáng". Chi tiết này làm tôi ngạc nhiên, vì người ta thường bảo rằng các chiến sĩ Hồng Quân lúc nào cũng nhường miếng ăn cuối cùng cho bạn bè, dù cho chính họ phải chết đói. Không thể nào tưởng tượng được cảnh họ đang "bổ nhào chớp lấy miếng ăn". Thầy húng hắn ho, giải thích rằng tôi không biết được chết đói là thế nào, rồi nhanh chóng chuyển sang đề tài khác. Tôi chưa tin hẳn là như vậy.

Dù sao đi nữa, tôi cũng rất kính trọng thầy Trì. Tôi thấy nản lòng là tại sao người ta lại có thể lên án ông một cách vô căn cứ như vậy, cũng như những giáo viên khác mà tôi ngưỡng mộ, hơn nữa lại còn chưởi rủa một cách nhục nhã. Tôi thật sự cảm thấy kinh hoàng khi toán công tác đó biểu chúng tôi thảo ra những bích chương nhằm "bức hại và tố cáo họ".

Lúc bấy giờ tôi mới có mười bốn tuổi đầu và đương nhiên chán ghét mọi hoạt động đấu tranh. Tôi chẳng biết viết gì trên bích chương của tôi. Những nét chữ đen ngòm dễ sợ, che kín những tờ giấy trắng to tướng làm cho tôi khiếp đảm, cũng như sự hung bạo và loại ngôn ngữ quái đản được sử dụng. Chẳng hạn như "Hãy đập đầu thằng chó X...", hay "Nếu nó không chịu thua thì ta sẽ thủ tiêu tên Y..." Tôi đành đi đến chỗ quyết định trốn học, ở nhà là hơn. Thái độ đó làm cho tôi bị chỉ trích không thôi qua những cuộc họp liên miên, từ nay đã trở thành sinh hoạt chủ yếu của đời sống học sinh chúng tôi. Người ta lên án tôi là cứ "lo cho gia đình". Tôi sợ những cuộc họp như thế. Tôi có cảm tưởng là một nguy cơ sắp xảy đến cho tôi.

Một hôm, thầy Cam, hiệu phó của trường, một con người vui tính và cương quyết, cũng bị cáo buộc ca ngợi chủ nghĩa tư bản và bao che những giáo viên bị lên án. Tất cả những gì thầy đã dạy ở lớp học trong bao năm qua đều bị cho là có tính "tư bản", kể cả việc nghiên cứu các công trình của Mao, viện lẽ rằng thầy không dành đầy đủ thời gian như những môn khác.

Tôi cũng thấy chán hết sức khi người ta buộc tội thầy Sơn, người bí thơ chi bộ thanh niên cộng sản của trường tôi, với lý do là ông "chống lại chủ tịch Mao". Ông là một người khá đẹp trai mà tôi muốn làm cho ông để ý, vì biết rằng ông có thể giúp tôi gia nhập chi bộ khi tôi đã đến tuổi tối thiểu là mười lăm.

Thầy Sơn dạy triết lý mác-xít cho học sinh từ mười sáu tới mười tám tuổi và có yêu cầu họ viết nhiều luận văn. Khi sửa bài, thầy có lọc ra một số đoạn mà thầy cho là diễn đạt rất khéo. Những trích đoạn đó, mà nội dung chẳng ăn nhập gì với nhau cả, được học trò của thầy ráp nối lại thành một bản văn, dĩ nhiên là không đầu không đuôi, lại được các bích chương dán trên tường cho là có tính chống Mao. Mấy năm sau, tôi được biết là phương pháp phi lý đó, nhằm lấy râu ông này cắm càm bà nọ, đã được sử dụng từ năm 1955, năm mà mẹ tôi bị cộng sản tống giam lần đầu tiên và khi những nhà văn lúc bấy giờ đã áp dụng để lăng nhục một vài đồng nghiệp.

Mãi lâu về sau, thầy Sơn kể cho tôi biết là ông hiệu phó và thầy đã bị chọn làm nạn nhơn chỉ vì, trong giai đoạn thiết yếu, hai người không có mặt ở đó. Vì là thành viên của một tổ công tác khác nên hai người không thể dự phiên họp quyết định, thế là hai người đành phải gánh chịu hết. Hơn na, vì hai người bất đồng ý kiến với ông hiệu trưởng, người đã có mặt trong phiên họp, nên tình trạng của họ càng thêm phần trầm trọng. Thầy Sơn giải thích cho tôi một cách sống sượng:"Nếu mà chúng tôi có mặt hôm đó, đứng vào vị trí của ông ta, thì đừng hòng gì thằng trời đánh đó làm gì được."

Thầy Cam, hiệu phó, lúc nào cũng trung thành với đảng cho nên tự coi như bị nhục mạ một cách khủng khiếp. Một thời gian sau, có một đêm thầy lấy dao cạo cắt cổ, để lại mấy lời trăn trối. Vợ thầy, bất chợt về nhà sớm hơn mọi khi, nên kịp đưa thầy vào nhà thương. Tổ công tác trực phiên ém nhẹm vấn đề. Đối với một đảng viên như thầy Cam, mưu toan tự vận thì cũng chẳng khác nào một sự phản bội, một cung cách hờn dỗi muốn cho thiên hạ hiểu rằng đương sự chẳng còn tin tưởng gì ở đảng. Thế nên, con người đau khổ đó chẳng được chút xót thương. Thế nhưng, những người tố giác ông cũng cảm thấy khó chịu. Họ biết rõ là họ đã tạo dựng ra những nạn nhơn, chẳng cần chút bằng chứng nào hết.

Khi biết được tai nạn của thầy Cam, mẹ tôi òa lên khóc nức nở. Mẹ tôi rất có cảm tình với thầy. Thừa biết bản chất lạc quan của thầy, mẹ tôi đoan chắc là thầy phải gặp những áp lực rất tàn nhẫn vô nhân đạo nên mới đi đến chỗ tuyệt cùng như vậy.

Tại trường học của bà, mẹ tôi không chịu chạy theo đà hốt hoảng và truy hại đó. Thế nhưng, vì bị bài viết trên tờ "Nhân Dân Nhựt Báo" kích thích, học trò của trường cũng bắt đầu đứng lên chống lại các giáo viên. Cơ quan báo chí của đảng chủ trương "loại bỏ" chế độ thi cử, một sinh hoạt được kể như "coi học sinh là kẻ thù" (như lời nói của Mao) và nằm trong những mưu mẹo lừa dối do bọn "trí thức tư sản", nghĩa là đa số các giáo viên, hình thành (cũng theo lời Mao). Tờ báo cũng tố giác những tên "trí thức tư sản" tìm cách đầu độc tinh thần giới trẻ bằng những trò ngớ ngẩn, mang tính tư bản, để chuẩn bị cho Quốc Dân Đảng trở lại. Chủ tịch Mao có quyết định là:"Chúng ta không thể chấp nhận để cho bọn trí thức tư sản thống trị trường học của chúng ta nữa!"

Một hôm đến trường bằng xe đạp, mẹ tôi phát hiện ra rằng học trò đã tập họp ông hiệu trưởng, thầy giám học và những giáo viên cao cấp nhứt mà họ cho là "tư sản và phản động", dựa theo luận điệu của báo chí quốc doanh, cùng với những nhà giáo khác mà họ không ưa thích. Sau đó, họ đưa tất cả vào nhốt trong một phòng học, ngoài cửa dán một tấm bảng đề:"lớp học quỷ sứ". Những nạn nhân để cho họ mặc tình muốn làm gì thì làm, vì Cách Mạng Văn Hóa đã làm cho đầu óc họ hoàn toàn bị xáo trộn. Dường như kể từ nay, bọn học trò có được một thứ uy quyền, dẫu rằng không được minh định rõ rệt, nhưng cũng là điều thực tế. Sân trường tràn ngập những bích chương khổng lồ, thường chứa đầy những tựa của tờ "Nhân Dân Nhựt Báo".

Trên đường đi tới lớp học, biến thành phòng giam, mẹ tôi phải qua ngang nhiều tốp học trò. Một số người nhìn mẹ tôi một cách dữ tợn, vài người khác có vẻ hỗ thẹn hoặc lưỡng lự và một số khác thì đăm đắm nhìn mẹ tôi với vẻ lo âu. Nhiều thiếu niên đi theo mẹ tôi từ lúc bà mới đến. Với tư cách là trưởng tổ công tác, mẹ tôi có được quyền hành tối thượng và được coi như hiện thân của đảng. Bọn học trò chờ lịnh, vì sau khi nhốt giáo viên rồi họ không biết phải làm gì.

Mẹ tôi ra lịnh cho họ là phải thả "lớp học quỷ sứ" ra. Đám đông có vẻ xôn xao nhưng không một ai nghi ngờ gì mệnh lệnh đó. Một đám con trai càu nhàu điều gì đó, nhưng họ lại im lặng khi mẹ tôi yêu cầu họ nói rõ ra. Mẹ tôi giải thích rằng họ không có quyền giam giữ người mà không có lịnh và họ không được bạc đãi giáo viên của họ là những người, trái lại, đáng được mang ơn và kính trọng. Người ta mở cửa lớp học, thế là những "người tù" đã được phóng thích.

Như vậy, mẹ tôi tỏ ra vô cùng can đảm khi bà có hành động thách thức trào lưu của thời thế như vậy. Nhiều tổ công tác khác nhằm vào những người hoàn toàn vô tội cốt để tự cứu lấy mình. Thực ra, mẹ tôi có những lý do hết sức đặc biệt để lo nghĩ. Những nhà cầm quyền cấp tỉnh đã bắt được những kẻ bung xung và linh tính cho ba tôi biết rằng ông sẽ là nạn nhân kế tiếp của họ. Nhiều người đồng sự của ba tôi đã kín đáo cho ba tôi biết rằng trong những tổ chức trực thuộc ba tôi, người ta đã rỉ tai nhau là cần phải xét lại trường hợp của ba tôi.

Ba mẹ tôi không khi nào cho tôi hoặc anh chị em tôi biết những chuyện đó. Những nỗi sợ hãi đã từng xui khiến ba mẹ tôi im hơi lặng tiếng về những đề tài chính trị và do đó cũng làm cho ba mẹ tôi không cởi mở tâm tình với chúng tôi. Bây giờ thì lại càng khó cho ba mẹ tôi nói ra hơn nữa. Tình hình đã trở nên quá phức tạp và hỗn độn đến đổi ba mẹ tôi cũng chưa hiểu được nữa. Phải ăn nói làm sao cho chúng tôi hiểu được đây? Vả lại, nói để làm gì? Không có ai thay đổi được gì hết. Hơn nữa, biết quá nhiều thì lại nguy hiểm to. Như vậy là anh chị em chúng tôi, và cả tôi nữa, hoàn toàn không được chuẩn bị cho cuộc Cách Mạng Văn Hóa, dẫu rằng chúng tôi cũng mơ hồ có cảm tưởng về một tai biến đang ngấm ngầm hình thành.

Trong bầu không khí căng thẳng đó, tháng tám lù lù tới. Bỗng nhiên, như một trận cuồng phong thổi qua nước Tàu, hàng triệu hồng vệ binh ồ ạt xuất đầu lộ diện.

 

Kỳ trước : C12: Những năm đói ăn
(Kỳ tới: Hồng Vệ Binh của Mao)

 ---------------------------------------

(Trích dịch theo "Les Cygnes Sauvages", Jung Chang, nxb France Loisirs, Plon 1992.)

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.