.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Phong Thu

Trần Mạnh Hảo
và bài thơ Đêm viết Kiều

  • PSN - 26.08.2007 | Nhận định văn học

Đêm đặc thành thỏi mực
Tiếng vạc mài nghiên
Từng giọt, từng giọt máu đêm
Nhỏ xuống Thuý Kiều...

(Đêm Viết Kiều - Trần Mạnh Hảo)

 

Phía sau cuộc đổi mới "Cởi trói văn nghệ sĩ"?

Nhiều người biết Trần Mạnh Hảo qua quyển tiểu thuyết "Ly Thân" ra đời năm 1989. Quyển sách nầy đã bị tịch thu và bị báo chí trong nước lên án nội dung quyển sách rất phản động, chống Đảng và nhà nước.

Đối với tôi, ông là một nhà thơ. Mỗi lần đọc thơ ông trên các báo, tôi thường suy tư và cảm xúc. Thơ Trần Mạnh Hảo có một phong cách rất riêng biệt, mạnh mẽ, sâu lắng và đi vào cuộc sống hiện thực. Thơ ông đi vào tâm tư người đọc.

Tôi còn nhớ rõ một buổi trưa tháng 10 năm 1989, tôi ghé vào toà soạn của bạn tôi nằm ở đường số 1 Cao Thắng, tôi gặp nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng đến thăm bạn bè ở toà soạn (có thể là Lê Bình). Bạn tôi nói nhỏ vào tai tôi: "Ông Trần Mạnh Hảo to con mà nhát như thỏ đế". Tôi hỏi: "Sao vậy?". Bạn tôi nhìn ông và cười: "Ông Nguyễn Văn Linh gọi ông Trần Mạnh Hảo lên văn phòng uống trà. Sau đó thì ông không dám lên tiếng mạnh mẽ như trước.". Tôi nhìn ông mĩm cười và chào ông rồi biến đi. Chúng tôi không thể ở lại nói chuyện với ông vì có cuộc hẹn với một nhóm bạn văn nghệ sĩ trẻ tại Sài Gòn. Mười 15 năm rời khỏi Việt Nam, năm nay tôi mới đọc được nhiều bài viết của Trần Mạnh Hảo trên các diễn đàn của các báo điện tử hải ngoại.

Nói đến các nhà văn trong nước, tôi không thể tách họ ra khỏi bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Thời gian gần đây, từ tháng 4 cho đến tháng 8 vừa qua, báo điện tử trong nước, Vietnamnet, liên tục đăng nhiều bài phỏng vấn và ý kiến của ông Lê Đức Anh, Lê Kiến Thành (con trai của Lê Duẩn) và ông Võ Văn Kiệt ca ngợi tài đức của cựu TBT Lê Duẩn nhân kỷ niệm 20 năm ngày Lê Duẩn qua đời. Ông Lê Đức Anh đã ca ngợi Lê Duẩn là một vị lãnh tụ"...lỗi lạc, một tư duy sáng tạo không ngừng...một người anh đôn hậu, đáng kính trọng...". Ông Võ Văn Kiệt và con trai ông Lê Duẩn- ông Lê Kiến Thành cũng ca ngợi Lê Duẩn có "sức toả sáng của ngọn đèn "hai trăm nến". Tôi tự hỏi không biết nhân dân miền Nam học hỏi được gì từ "ngọn đèn hai trăm nến"? Ngọn đèn đó có đủ soi sáng cả một chặng đường lịch sử của dân tộc? Ngọn đèn hai trăm nến có mở rộng được trí tuệ dân tộc tôi, và xoa dịu bớt đau khổ đoạ đầy, đói khát, triền miền trong cuộc chiến Nam- Bắc tương tàn? Và hơn 32 năm qua, sự sáng tạo của nhà lãnh đạo có tư duy "ngọn đèn hai trăm nến" và Bộ Chính Trị đã làm được những gì ngoài việc để lại một di sản tồi tệ: Dân chúng nghèo đói, dốt nát, xã hội phá sản về đạo đức, luân thường đạo lý, chính quyền là kẻ cướp và cũng là bọn ăn mày quốc tế, nợ nần như chúa chổm, tham ô trở thành quốc nạn đã làm toàn dân trong và ngoài nước khinh bỉ.". Ai đã khập khểnh so sánh bộ óc "đầy sáng tạo” của Lê Duẩn như ngọn đèn hai trăm nến? Vâng, ngọn đèn đó chỉ soi đủ bóng đêm cho một nhóm người ham mê quyền lực, tự cao, tự đại, đòi làm đỉnh cao trí tuệ loài người. Ngọn đèn đó đã đẩy cả miền Nam Việt Nam trù phú kiệt quệ, nghèo đói, đau khổ chết chóc triền miên. Xin Lê Đức Anh, Lê Kiến Thành, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đừng nên đưa ngọn đèn đó lên soi cho dân tộc noi theo. Nhất là đừng để cho các thế hệ trẻ bị ru ngủ trong cuộc chiến thắng đầy ô nhục và bẩn thỉu như hiện nay.

Năm 1986 lê Duẩn qua đời, mùa xuân năm đó Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định "Đảng sẽ cởi trói cho văn nghệ sĩ". Câu nói của một vị Tổng Bí Thư đã khẳng định sự kiềm hảm tư tưởng và trí tuệ toàn dân của một Đảng tự nhân danh "giải phóng dân tộc, mang lại tự do, dân chủ cho toàn dân." Nhà văn Dương Thu Hương đã viết một bài tham luận nẩy lửa trong Đại Hội Nhà Văn Việt Nam toàn quốc. Bài tham luận được liệt vào loại hồ sơ mật "cấm phổ biến". Ai đọc lén sẽ bị công an bắt giam. Vụ điển hình nhất là ông Phạm Thông, một cán bộ về hưu ở tỉnh Đồng Nai đã bị công an Đồng Nai bắt tống vào ngục vì đọc bài tham luận nầy. Nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ thì hăng hái viết nhiều kịch bản lên án cuộc chiến tranh vô nghĩa do Bắc Bộ Phủ lãnh đạo, đồng thời tố cáo chế độ CS đầy áp bức bất công, đầy nước mắt và đau khổ. Kịch bản của ông được lưu diễn nhiều nơi trong nước. Sau đó, kịch tác gia Lưu Quang Vũ và vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh cùng đứa con trai đã chết thê thảm trên đường về Hà Nội họp vào ngày 29 tháng 8 năm 1988. Lưu Quang Vũ là văn nghệ sĩ duy nhất chống lệnh vượt Trường Sơn (cho đến nay, mỗi lần nhìn hình anh tôi còn thoáng ngậm ngùi, thương anh bạc mệnh). Cái chết của hai người tài hoa còn là một bí mật, một ẩn khúc, một vết thương đau đớn nhức nhói trong tim của nhiều văn nghệ sĩ. Đồng thời đã tạo ra một nguồn dư luận bùng nổ dữ dội trên toàn quốc. Họ bị ám sát?!?... Cái chết có gì trùng hợp với lá thư Trung Ương mời về Hà Nội họp? Câu hỏi nầy chưa có ai trả lời. Nó như một bóng ma ám ảnh những ai đòi hỏi quyền chính đáng là được nói lên tiếng nói của lương tâm con người. Nhất là người cầm bút.

Nhìn xem, trong tất cả các chế độ qua nhiều thời đại, có bao nhiêu người đang quyền cao chức trọng, đang được trọng vọng lại dám từ bỏ tất cả vì dân tộc và tổ quốc? Con số đó rất khiêm tốn. Bà Dương Thu Hương sau đó bị bắt. Ông Trần Mạnh Hảo đơn độc. Ông làm được gì vào thời điểm chẳng còn ai là đồng chí. Do đó, ông buồn mà sáng tác bài thơ "Được Chơi Với Kiến" (11/1997).

Hiện nay, nhà thơ Trần Mạnh Hảo xuất hiện trên hầu hết các báo điện tử ở hải ngoại bởi ông đã bức phá bức tường ngục tù của cộng sản. Ông đã tự cởi trói cho ông ra khỏi cuộc sống nô lệ. Ông đã thoát ra khỏi nỗi sợ hãi về một quyền lực hắc ám đang ngự trị trên quê hương Việt Nam hơn nửa thế kỷ. Tôi bắt đầu khâm phục ông, khâm phục kỹ sư Đỗ Nam Hải, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Hoàng Tiến, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Dương Thị Xuân, Bạch Ngọc Dương... Bởi ít ai đang hưởng quyền cao chức trọng, lại chối bỏ để dấn thân tranh đấu cho sự thật và lẽ phải. Ít, hiếm và quý.

Ngoài tài làm thơ, viết tiểu luận, tiểu thuyết, phê bình văn học,Trần Mạnh Hảo còn là một nhà hùng biện. Ông đã dấn thân vào tổ chức đấu tranh dân chủ tại quê nhà- "KHỐI 8406". Ông đã thực sự chuyển hướng.

 

Trần Mạnh Hảo nhà thơ của Sông Hồng

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo sinh ngày 21 tháng 7 năm 1949 tại xã Phú Nghĩa, Nghĩa Hưng, Nam Định. Ông sinh trưởng trong một gia đình theo đạo công giáo nên từ nhỏ đã theo cha mẹ vào nhà thờ đọc kinh thánh. Có thể đây là một yếu tố quan trọng khiến thơ ông chan chứa tình người, tình yêu quê hương và nỗi khắc khoải, trăn trở bàng bạc niềm đau khổ, mất mát trong nhiều tác phẩm của ông. Ông là một con chiên ngoan đạo nên khi mới 12 tuổi, ông đã hát lễ trong Ban Ca Vịnh xứ Bình Hải, và ông cũng thường xuyên theo cha xứ đi giúp lễ nhiều nhà thờ ven biển quê hương ông. Học hết trung học, ông đi bộ đội như bao nhiêu thanh niên miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam. Ông vào miền Đông Nam Bộ làm lính chiến đấu, làm giao liên. Ông có năng khiếu đặc biệt và yêu văn thơ từ nhỏ nên đã đi vào sáng tác và làm báo. Tính đến nay, cuộc đời sáng tác của ông đã hơn 40 năm. Sau 1975, ông từ rừng núi trở về Sài Gòn sinh sống, và hiện nay, ông đang cư ngụ tại 19/19 Đoàn Thị Điểm, F1 Quận Phú Nhuận Sài Gòn.

Ông viết rất nhiều thể loại khác nhau và rất đa dạng.

- Các tập trường ca và thơ: Trường Sơn của bé (1974), Tiếng chim gõ cửa (1976), Hoa vừa đi vừa nở (1981, 1996), Mặt trời trong lòng đất (1981), Ba cặp núi và một hòn núi lẻ (1986), Đất nước hình tia chớp (1994), Từ chiếc ô trời của mẹ (1989), Mình anh trong một thế giới (1991), Chuồn chuồn cắn rốn (1995), Cuộc chiến tranh khôn nguôi (1998).

- Các tiểu thuyết: Chìa khoá của mỗi người (1998), Sinh ra để yêu nhau (1988), Trăng mật (1989), Ly thân (1989).

Các tập tiểu luận và phê bình văn học: Thơ phản thơ (1995), Phê bình phản phê bình (1996).

Ông được trao tặng rất nhiều giải thưởng văn học về thơ của Hội Liên Hiệp văn học nghệ thuật thành phố Hồ chí Minh. Giải thưởng thơ hay của báo Văn Nghệ và báo Nhân Dân, và bốn giải thưởng khác của Hội Nhà Văn Việt Nam cho ba tập thơ và một tập tiểu luận phê bình văn học.

 

Thơ Trần Mạnh Hảo chất chứa dư âm đau thương của cuộc chiến tranh khôn nguôi, và nỗi buồn hậu chiến

Từ rừng núi trở về thành phố, Trần Mạnh Hảo không trở về Hà Nội mà chọn Sài Gòn làm nơi định cư. Sài Gòn có gì níu bước chân ông? Sài Gòn có gì quyến rũ để những người miền Bắc thích ở lại sinh sống? Đa số họ không muốn trở về miền Bắc. Có phải miền Nam nghèo mạt, bị Mỹ-nguỵ kiềm kẹp, mất tự do như lời Hồ Chí Minh và Bắc Bộ Phủ tuyên truyền không? Có phải con gái miền Nam toàn đĩ điếm và vô đạo đức không? Hay chính mảnh đất màu mở, hiền hoà, lòng người miền Nam chân chất, thật thà đã giữ chân họ lại. Sau hơn 30 năm xâm chiếm miền Nam, ảnh hưởng văn hoá lâu đời, và cuộc sống tự do của người miền Nam đã thấm sâu vào máu của người miền Bắc XHCN. Nền văn hoá đa dạng, phong phú và giàu tính nhân bản của miền Nam đã gội rửa tâm hồn của nhiều người miền Bắc. Cộng sản chiếm được miền Nam, nhưng không chiếm được trọn vẹn trái tim và khối óc của người dân miền Nam.

Trần Mạnh Hảo khi đã sống ở Sài Gòn nhiều năm, lòng thương nhớ quê nhà vẫn nung đốt lòng nhà thơ. Ông còn nghe âm vang đâu đó tiếng súng, lửa cháy mịt mùng, cái chết đau thương của đồng đội, lòng ông da diết thương nhớ quê nghèo, có dòng sông Hồng của tuổi thơ yêu dấu:

Những năm chiến tranh
Mỗi lần máu đồng đội tôi rơi ướt đất
Thắt ruột gan tôi lại nhớ sông Hồng
Đêm rừng phương Nam chợt quay về phía Bắc
Thấy bên trời vệt lửa cháy thành sông.
                 
(Nói Nhỏ Với Sông Hồng)

Ông yêu sông Hồng và hạt phù sa là máu thịt đã hun đúc hình hài tác giả. Từ dòng sông Hồng, ông tìm lại được cội nguồn của dân tộc, lịch sử, về huyền thoại Lạc Long Quân chọn sông Hồng làm ánh đuốc khai mang bờ cõi, dựng nước Văn Lang. Nhà thơ hiểu được sự liên hệ, tuần hoàn của thiên nhiên trời đất, của sự sống và các vì sao, của hạt thóc "mang hình con mắt mõi mòn trông".

Bài thơ giàu hình tượng, gây cảm xúc đối với người đọc. Bằng phương pháp ẩn dụ và nhân cách hoá, tác giả đã ví von dòng sông như người mẹ hiền đã "ru hạt phù sa khó nhọc", để con "... Ngủ đi mà hoá cánh đồng. Mẹ đi mót lúa, lúa không hạt nào":

Sông Hồng

Khi vừa rời lòng mẹ
Con đỏ hoe như một cục bùn non
Có phải mẹ vừa nhặt con lên từ đáy sông Hồng.
Mà hạt phù sa bật khóc?
Con mới hiểu biển vì sao khát nước
Triệu năm còn ừng ực uống dòng sông
Vì sao Lạc Long Quân lấy sông Hồng làm đuốc
Soi nước Văn Lang từng bước Tiên Rồng
Con mới hiểu vì sao hạt thóc
Lại mang hình con mắt mỏi mòn trông.
Mẹ ru hạt phù sa khó nhọc
Ngủ đi mà hoá cánh đồng
Mẹ đi mót lúa, lúa không hạt nào
Sông Hồng lụt cả ca dao
Con cò bị bão giạt vào lời ru
Tuổi thơ nằm cạnh sông Hồng tôi ngủ
Cỏ chân đê làm gió cứ ong ong
Trong mơ tôi thành Chử Đồng Tử
Thức dậy ra bờ sông vùi người trong cát
Không thấy nàng Tiên Dung
Nhưng tôi đã lấy được sông Hồng
Lấy lại tình yêu chàng Trương Chi đánh mất
Lấy được tiếng đàn có nước mắt cha ông.

Đêm tôi đọc sử trong nhà
Nghe sóng sông Hồng nhẹ tay lật sách
Như thể Hai Bà Trưng
Nhảy từ đê tuẩn tiết
Đến nay còn chưa rơi xuống dòng sông...
                      
(Tuổi Trẻ, số Chủ Nhật 25-11-1984)

Miền Bắc nghèo đói triền miên và chiến tranh đã cướp đi tất cả sự sống và chén cơm manh áo. Người mẹ Việt Nam còm cõi, nghèo nàn, gò lưng trên những cánh đồng khô mót lúa nuôi con. Ôi! Cái đói của dân tộc Việt. Cái đói trầm tích cái đói thiên thu mà người dân phải chịu. Cái đói đi vào giấc ngủ của bao đứa trẻ từ thế hệ nầy sang thế hệ khác và đến nay vẫn chưa chấm dứt. Đến nỗi "..củ khoai không vùi trong bếp. Củ khoai vùi trong giấc ta mơ...". Củ khoai, một món ăn bình thường, rẻ tiền, không cao sang cũng chỉ có trong những giấc mơ. Những đứa trẻ sinh ra lớn lên còi cọc, bửa đói bửa no. Chúng suy dinh dưỡng từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Hãy nghe tác giả tâm sự với con:

Những Đồ Chơi Của Con

Suy dinh dưỡng từ trong thai
Con lớn từng ngày èo uột
Cha đi làm nhà nước
May mà mua được búp bê

Ơi con bế con chơi
Búp bê đầy đặn còn người còi xương
Này chú gấu phốp pháp
Con bồng toát mồ hôi
Cô bé ni lông mập mạp
Nằm bên con trông cọc cạch buồn cười

Chiếc xe tăng khẩu súng cũng tròn đầy
Vũ khí còn có da có thịt
Chú ngựa gỗ có ăn gì đâu mà chắc nịch
Sao con chẳng giống búp bê?

Ngày mai
Ngày mai
Ngày mai
Có thể cha sẽ kiếm cho con mọi thứ
Nhưng tuổi thơ không đến lần thứ hai.

Hãy đi qua tháng năm này con ơi
Hỡi những con búp bê béo tốt
Sao để con người còi cọc trước đồ chơi
               
(Thành phố Hồ Chí Minh 1981)

Trần Mạnh Hảo đã dựng lên hình ảnh đói rách, khốn khổ của người dân VN dưới chế độ CS. Bài thơ ra đời trong giai đoạn Lê Duẩn còn nắm quyền Tổng Bí Thư cả nước. Đây là giai đoạn ngăn sông, cấm chợ, hợp tác hoá nông nghiệp đã đẩy cả vùng đồng bằng Sông Cửu Long vào con đường kiệt quệ về nông nghiệp. Cả nước ăn khoai mì lát khô độn với bo bo trừ cơm và phải luôn miệng nói láo là yêu Đảng, Bác và CNXH.

Sau bao nhiêu năm hoà bình, tác giả nhìn thấy những gì? Lý tưởng hư vô không bao giờ trở thành hiện thực. Chủ nghĩa xã hội mà gần một thế kỷ Đảng cộng sản dẫn dắt nhân dân đi tìm giờ ở đâu? Những người đưa cả dân tộc vào cuộc chiến tương tàn giờ đã hiện nguyên hình là những tên bịp bợm. Trái tim nhà thơ nhức nhói, đau khổ. Khi chiến tranh sống chết bên nhau, gọi nhau là đồng chí. Nay hoà bình, đồng chí không bằng đồng TIỀN: "tiền là quý, quỳ là tiến". Hoà bình rồi đồng chí hỡi ở đâu? Đồng chí đang chạy mánh, đang ham nhà lầu, mơ những chiếc xe hơi lộng lẫy, những buổi tiệc rượu thừa mứa trong những nhà hàng sang trọng. Đồng chí đang mê đôla, vàng ngọc hơn cả lời thề với tổ quốc, nhân dân. Đồng chí đang bán rẻ đất nước, nhân dân để đem lại hạnh phúc cho riêng mình. Những người con anh hùng, giải phóng quân một lòng ra đi vì Bác và Đảng, nay tuổi đã xế chiều đành mang tấm huy chương treo trên vách để làm kỷ niệm. Có người quá thật thà, có lương tâm nên suốt đời nghèo khổ. Thói đời, không tiền, không quyền làm sao có bạn? Thôi thì đành cô đơn ngồi chơi với kiến. Bởi những con vật nhỏ bé vô tri kia còn có giá trị hơn loài người: Chúng biết sống quần tụ, đoàn kết. Chúng đi đứng có tôn tri trật tự và biết trách nhiệm của mình đối với bầy đàn. Trần Mạnh Hảo đã viết:

Được Chơi Với Kiến

Bạn ta bảy chục tuổi xuân
Giờ ngồi xem kiến hành quân thay người
May còn con kiến mà chơi
Có khi vạn sự ở đời con con 
Dễ từng lấp biển dời non
Lưng còng mới được lon ton tuổi già
Góc vườn đàn kiến bò ra
Kéo đi hàng dọc như là Trường Sơn.

Nhớ ơi đồng đội chập chờn
Chiến tranh bỏ lại cô đơn hoà bình
Ngồi chơi với kiến giật mình
Một ta mà cả đội hình ngày xa.

Tiếng rừng gọi bạn không tha
Hoá thân thành kiến như vừa đâu đâu
Tuổi già thơ thẩn lâu lâu
Ngồi chơi với kiến bạc đầu không hay...
             
(Thành phố Hồ Chí Minh 11/1997)
              Trích trong tập thơ Cuộc chiến tranh khôn nguôi.

Tác giả đã thức tỉnh sau bao nhiêu bể dâu, thay đổi của đất nước. Có thể khi con người trãi nghiệm bao đau khổ mất mát, bao khát vọng tuổi trẻ và bao mơ ước sụp đỗ, người ta rất đau đớn khi nhận ra một sự thật tàn nhẫn của sự lừa dối. Trần Mạnh Hảo là người nghệ sĩ có trái tim nghệ sĩ. Ông rung cảm trước nỗi khổ của dân tộc, của nhân dân. Giấc mơ vượt Trường Sơn cứu nước của người tráng sĩ năm xưa đã vở tan tành. Sự thật phơi bày ra ánh sáng tất cả sự xấu xa bỉ ổi. Trái tim ông đau nhức, rĩ máu. Kiều ơi! Nàng xuất hiện mấy trăm năm về trước. Sao ngày nay, hình ảnh của nàng vẫn nhan nhãn khắp nơi trên toàn cõi Việt Nam. Nàng là hiện thân của dân tộc Việt Nam bị đoạ đầy, thống khổ điêu linh, để những đêm dài ta không sao ngủ được, ta như con vạc kêu sương, thao thức canh thâu để vắt máu trong tim mài mực viết thành thơ. Tiếng thơ buồn thổn thức:

Đêm Viết  Kiều

Bất tri tam bách du niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
                Nguyễn Du

Đêm đặc thành thỏi mực
Tiếng vạc mài nghiên
Từng giọt, từng giọt máu đêm
Nhỏ xuống Thuý Kiều

Bút nào phải mũi giáo
Cớ sao từng chữ bị thương
Ta đâu nở làm đau tờ giấy bản
Huống hồ chi em tài sắc
Thương em mà bút đoạ đày em

Phải ta đã cùng em mười lăm năm đất Bắc?
Gió Bấc ăn dần từng mái tranh
Đêm mọt kêu rụng tóc
Sợi rau muống buộc đôi ta bền chặt

Pho sách thánh hiền không đổi được miếng ăn
Trang giấy lặng như đồng chiêm trắng
Câu thơ ta bắt ốc mò cua
Củ khoai không vùi trong bếp
Củ khoai vùi trong giấc ta mơ.

Phải ta từng dắt tay em đi hành khuất?
Xoè tay ăn mày núi vòm trời
Ăn mày phù sa hạt gạo
Ăn mày dòng sông biển khơi
Ăn mày con người lòng nhân ái.

Đêm nay em theo ta về Phú Xuân
Lưu lạc trên trang sách
Em đừng chết đuối trên dòng sông xoáy nước
Như thuở Tiên Đường
Ta nhờ vãi Giác Duyên ngồi gác
Đón em về từ cuối màn sương.

Ta ngồi viết
Trời đêm Phú Xuân như ao nước đục
Phải em là hồn con cò không siêu thoát được
Đòi thơ ngời trong
Những câu hát tha phương cầu thực
Cùng em đòi một tấm lòng.

Ta ném mọi giáo điều lên mặt thần mày trắng
Để lấy tình yêu Thúc Sinh
Ta trả mũ cánh chuồn chuồn cho Hồ Tôn Hiến
Để làm Từ Hải
Ta là anh chài lưới lặn xuống lòng đêm
Tìm lại cho em chàng Kim thuở ấy.

Ta ngồi viết
Sông Hồng bay thành nét thảo câu thơ
Núi Ngự Bình như anh sẩm ngồi hát
Biển ngoài kia lục bát tràn bờ.

Kiều ơi! Thôi em đừng khóc
Tiếng vạc đã mài hết một thỏi đêm
Cuộc đời dồn chúng ta vào trang giấy
Như dồn tới chân tường định mệnh
Từng đêm ta đập bức tường
Vầng trăng vỡ lúc ta căm giận
Lại nguyên lành khi cất tiếng kêu thương...
                      
(Báo Thanh Niên 22-12-1987)

Tiếng thơ kêu than chính là tiếng lòng của tác giả. Hoà bình sao cứ phải đi "ăn mày vòm trời, ăn mày phù sa hạt gạo, dòng sông, biển khơi...". Có phải cuộc sống tù túng cơm không đủ no, áo không đủ mặc, tự do của con người bị bóp nghẹt, khiến tác giả mơ ước thèm khát van xin thiên nhiên, đất trời ban cho con người một bầu trời cao rộng, tự do, phóng khoáng? Một xã hội đầy tranh chấp, dối trá, lừa lọc, tàn nhẩn nên lòng nhân con người từ từ cạn kiệt, đến nỗi tác giả phải kêu lên rằng con người phải "ăn mày lòng nhân ái.". Đoạn thơ cuối cùng, tác giả an ủi Kiều hay chính an ủi mình, an ủi vợ, an ủi nhân dân Việt Nam "..thôi đừng khóc..." bởi cuộc sống, chế độ nầy đã dồn mọi người vào ngỏ cụt không có lối ra, không có con đường nào khác để thay đổi cuộc sống tốt hơn. Chúng ta không còn ai để tâm sự, để chia sẻ nỗi lòng. Thôi thì đành phải gởi tâm tư  vào trang giấy.

Bằng phương pháp ẩn dụ, nhân cách hoá, so sánh, phối hợp với những từ ngữ giàu hình tượng có chọn lọc, thơ Trần Mạnh Hảo đã dựng lại bức tranh lịch sử, đất nước, con người với niềm đau khổ, trăn trở của một người bị vỡ mộng. Thơ ông giàu cảm xúc và gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Cuốn tiểu thuyết "Ly Thân"  của ông đã gây xôn xao dư luận. Đó cũng chính là sự bức phá mọi xiềng xích, giáo điều, mọi ràng buộc đối với Đảng CS Việt Nam. Ông muốn trở về với con người thực của mình để viết, để nói lên sự thật về một đất nước vẫn còn đau khổ và chìm đắm trong bóng đêm tăm tối. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương, Lưu Quang Vũ là những nhân vật điển hình cho tầng lớp văn nghệ sĩ Việt Nam trong kịch bản "Xây Dựng Thành Công Chủ Nghĩa Xã Hội Không Tưởng" trên sân khấu chính trị Việt Nam trong giai đoạn lịch sử cận đại.

Trần Mạnh Hảo không còn làm thơ như xưa. Ông đã chuyển hướng viết văn xuôi và bình luận.

Còn làm thơ nữa không nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Tôi vẫn còn chờ những bài thơ mới của ông.

 

Phong Thu
Ngày 2/9/2006


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

- Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

- Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA - DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.