.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Phong Thu

Sài Gòn nỗi nhớ không tên

  • PSN - 26.08.2007

Tôi xách chiếc giỏ đầy quà đi lên cầu thang. Cầu thang khu chung cư đã xuống cấp thảm hại. Hai bên sơn đã tróc, rỉ sét. Vách tường cáu bẩn, lem nhem như một tờ giấy ướt bị trẻ con vẽ ngoằn nghèo những hình ảnh quái dị. Tôi lần theo từng bậc tam cấp và cố nhớ lại những người hàng xóm sống trong chung cư. Những hàng cây kiểng, chậu hoa bên lan can nhà của nhà văn Lưu Linh không còn trổ bông. Nhà của nhà thơ Trang Ngọc cửa đóng kín. Tôi hỏi thăm người quen mới biết cả hai vợ chồng đã chết cách đây ba năm vì bệnh ung thư phổi. Nhà của nhạc sĩ Trường Giang thì các cánh cửa tối om không có ánh đèn. Ông không vợ con chỉ sống đơn độc một mình. Ông đã dọn đi đâu hay cũng đã đi vào cõi âm? Ở tuổi trên 60 tại Việt Nam, còn sống sót là may mắn. Rượu, thuốc lá, lo âu, sầu thảm, bất đắc chí, cô đơn, vô vọng, đói khát, nghèo nàn, bon chen, giành giựt, đối phó, giẫm đạp lên nhau...là những căn bệnh thế kỷ của Việt Nam.

Tôi lọc cọc bò lên cầu thang như một con rùa lật ngược. Nhà má Hai ở tầng lầu thứ 8 không có thang máy. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao hai ông bà già đến bây giờ vẫn còn sống cheo leo trên chót vót tám từng mây. Có thể họ còn yêu mến sự yên tỉnh, hay họ còn nhớ những kỷ niệm đã trôi qua trong suốt cuộc đời cầm bút. Tôi không còn nhớ tôi quen họ lúc nào, ở đâu? Nhưng theo thời gian, tôi trở thành người quen thuộc trong gia đình. Có thể vì tôi là dân Nam Bộ, quen ăn ngay nói thẳng, không úp mở, cong queo, màu mè hoa lá. Con người tôi bộc trực, trơn tuột như cánh hoa giấy, hoa mười giờ mọc um tùm dưới tia nắng ban mai. Tôi cũng chẳng biết trang điểm sự lừa dối trên khuôn mặt mình để che giấu cảm xúc. Tôi là vậy, muôn thuở, muôn đời làm cho kẻ yêu, người ghét.

Tôi đứng trước cánh cổng khoá kín. Nhìn quanh, trời mây bao la. Nắng xuân hây hây lay động những hàng cây trước mặt. Thành phố Sài gòn dưới chân tôi thu nhỏ lại như một tấm bản đồ chi chít những dòng chữ, những chiếc ô vuông, hình chữ nhật dài ngắn, thấp cao. Giàn hoa giấy cạnh nhà má Hai đã biến mất, những hàng dây trầu bà có lá xoè to như hai bàn tay đan lại đã không còn rung rinh trong gió. Những giò lan rừng đã khô héo, quắc queo. Tôi không còn tìm thấy sinh khí, sự sung mãn và sự sống cây cỏ nơi căn nhà tôi đã từng đến viếng thăm, cư ngụ mỗi khi về thăm vợ chồng má Hai. Một người đàn ông dẫn theo một đứa bé gái độ năm tuổi, bước đến gần bên tôi, và nói vọng xuống cầu thang:

- Hằng à! Ông bà Hai chưa về đâu em.

Giọng người phụ nữ gay gắt vang lên:

- Tôi đã nói với anh là họ chưa về, bửa khác tới thăm anh không chịu nghe.

Đứa bé nhảy choi choi vòng quanh chân người đàn ông. Nó có vẻ thích thú khi thấy chiếc giỏ của tôi chất đầy quà có một con búp bê màu hồng nhồi bông, rất xinh xắn. Bàn tay nhỏ của nó khiều nhẹ vào giỏ, và quay sang người đàn ông nói:

- Ba, con thích con búp bê.

Người đàn ông nắm tay nó, giọng âu yếm:

- Ba sẽ mua cho con.

Cái môi đỏ chót của nó trề ra, đôi mắt chớp chớp như nũng nịu:

- Con muốn bây giờ.

- Bây giờ làm sao mà có.

Cô bé khóc ào lên, đôi mắt nó không rời khỏi con búp bê trong giỏ đồ chơi của tôi. Giọng nói của người mẹ nghiêm khắc vang lên khiến cô bé im lặng không dám khóc:

- Không được nhõng nhẽo. Không phải thấy cái gì cũng đòi cho được. Hư lắm nhé Trâm.

Tôi ngước nhìn người đàn bà có thân hình nặng nề nên chiều cao đã biến mất. Mái tóc lưa thưa, rẽ đường ngôi ở giữa đã bạc màu muối tiêu. Khuôn mặt tròn với chiếc mũi xẹp, và đôi mắt nhỏ. Tôi chợt giật mình nhìn kỹ người đàn ông trước mặt. Có thể nào là Trí. Tôi định thần nhìn lại và bất giác kêu lên:

- Xin lỗi, ông cũng đến tìm ông bà Hai sao? Có phải ông là...là...à...

- Tôi là Trí. Còn bà?

Tôi vui mừng:

- Thương đây. Chắc ông còn nhớ tôi.

Trí ngạc nhiên nhìn tôi một lúc và kêu lên:

- Trời không ngờ gặp Thương ở đây.

Hằng hết nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi nhìn Trí và nói:

- Tôi nhớ chị rồi. Tôi thấy hình của chị, và đã gặp chị một lần.

Tôi gật đầu:

- Tôi đi công tác chung với anh Trí. Tôi có nghe nói về chị nhưng tiếc là chưa được làm quen.

- Anh Trí vẫn còn giữ rất nhiều hình của chị.

- Vậy sao? Tôi không hề biết.

Hằng nhìn chồng một lúc rồi đột ngột nắm tay bé Trâm dẫn xuống cầu thang. Bà ta không quên quay sang tôi từ giả:

- Chào chị. Có dịp sẽ nói chuyện nhiều hơn.

Tiếng con bé khóc hét lên:

- Ba, ba...con không muốn về đâu.

Tôi ngại ngùng trao cho Trí con búp bê:

- Tôi tặng cho cháu làm quà. Anh về đi để chị chờ.

Trí tần ngần nhìn tôi không chớp mắt và nói nhỏ:

- Thương về bao giờ?

- Một tuần rồi?

- Thương sống ra sao?

- Mọi chuyện tốt đẹp. Cảm ơn anh đã quan tâm.

- Gặp lại Thương, tôi mừng quá! Tưởng Thương sẽ không bao giờ còn trở lại.

- Không ai quên được quê hương đâu anh.

- Chiều mai, Trí muốn gặp Thương.

- Để làm gì. Gặp hôm nay đã đủ rồi. Tôi không dám làm phiền đâu.

Tiếng Hằng gọi giật ngược:

- Đi về. Làm gì mà lâu quá vậy?

Trí ngập ngừng từ giả:

- Tôi về. Hẹn gặp lại.

Anh lật đật bước nhanh xuống cầu thang. Tôi đứng sát lan can nhìn xuống đất. Trí đang ngồi trên chiếc hon-da đời mới, bóng bé Trâm ôm con búp bê vào lòng, và Hằng đang ngồi ôm ngang lưng anh. Mắt Hằng còn nhìn lên cao nơi tôi đang đứng.

 

******

 

Bửa cơm đạm bạc được dọn ra. Trên chiếc bàn gỗ tròn chỉ có một dĩa rau má, một nồi cơm vừa nấu chín. Những hạt cơm trắng nàng hương thơm lừng bay lên khắp phòng khiến tôi đói cồn cào. Má Hai bưng lên bàn một cái nồi đất màu gạch nung đã ngã màu đen. Bà mở nắp nồi đất ra, mùi cá bóng trứng kho tiêu bay theo làn khói, bốc lên thơm phức làm tôi phát thèm:

- Thơm quá! Lâu lắm rồi con chưa được thưởng thức món cá bóng trứng kho tiêu ăn với rau má.

Bới cho tôi một chén cơm đầy, má Hai hỏi:

- Con sống ở bển chắc lạnh lắm! Có nhớ quê không?

Tôi bỏ cá bóng kho vào chén, gấp thêm vài cọng rau má bỏ vào miệng nhai rao ráo. Nuốt xong miếng cơm, tôi nói:

- Ở bên Mỹ lạnh, nhưng bình yên lắm! Đời sống xứ người văn minh, phồn thịnh nên không có ai sợ chết đói.

Ba Hai ngồi cạnh, thỉnh thoảng ông gắp thức ăn cho tôi. Tôi nhìn mái tóc bạc trắng, dáng người ốm tong teo của ông mà thương. Ông hiền lành, ít nói và thương tôi như con gái. Ông hỏi:

- Ở bển có cá trê, cá lóc không Thương?

- Cái gì ở Việt Nam có là ở Mỹ có. Người Việt qua Mỹ lâu đời mua thực phẩm bên Thái Lan bán cho các chợ Việt Nam. Nhưng cá không thơm và ngon như ở Việt Nam, mùi tanh tanh khó ăn lắm!

- Có bán bún riêu, bún ốc như chợ Tân Định không?

 - Ba làm con phát thèm. Có bán đủ thứ nhưng cách nấu khác với chợ Tân Định. Bún riêu chợ Tân Định ngon nhất.

Má Hai cười lớn:

- Ừ! Ngon nhất vì có thằng Trí đi bên cạnh.

Tôi phì cười chống chế:

- Con đâu có đi ăn bún riêu với Trí bao giờ - Tôi chợt nhớ ra chuyện hôm qua - Hôm qua, vợ chồng Trí có đến đây tìm ba má.

- Sao con biết nó đến?

- Gặp trước cổng. Không ngờ Trí có con còn nhỏ quá!

Ba Hai vọt miệng chen vô:

- Nó có hai đứa con. Đó là nhỏ Út- rồi ông chặt lưỡi, lắc đầu nói tiếp - Cái con vợ nó vừa xấu, vừa dữ hết biết luôn.

Má Hai nói:

- Hồi đó, tao muốn gài nó cho mầy. Mà coi bộ tướng mày kén chồng quá nên con Chung Vô Diệm đó vớt- Má Hai thở dài- Ứ hự! Cái thằng mặt mày đẹp trai, tướng tá ngon lành mà lấy cái con thấy phát rầu.

- Duyên nợ của người ta mà má. Tại cô đó yêu anh Trí.

Má Hai khoát tay:

- Trời ơi! Đàn bà con gái thời nay thấy đàn ông là tươm tướp, như ăn cướp. Nó đeo thằng nầy như đĩa, ai dám nhào vô.

Tôi cười hì hì:

- Nhờ vậy mới câu được cá chớ má. Câu cá thì phải nhử mồi. Nếu không biết ngồi chờ thời thì cá đâu có chịu cắn câu. Con trai Việt Nam có giá lắm. Nhất là con của các ông cán bộ gộc. Cô nào chịu đeo thì lấy được chồng.

- Ừ! Ai như mầy, thấy gì cũng lấy mắt ngó. Bởi vậy, cuối cùng bỏ nước ra đi biệt xứ. Phải chi mầy ưng nó, bây giờ ở lại cũng sướng. Nó đi du học bên Úc sáu năm. Bây giờ chức vụ lớn lắm! Con vợ nó y hệt sư tử Hà Đông.

- Vậy sao? Chức vụ lớn bất quá như ba của Trí thôi. Nếu biết ăn cắp thì may ra giàu.Trí hiền và vui tính lắm!

- Nó chửi thằng Trí như con.

Tôi không nói gì thêm, có cái gì đó mặn chát trên đầu lưỡi khi nghe câu chuyện không hay về Trí. Khi đã chọn bạn trăm năm, có ai ngờ người ngày xưa đeo mình như đỉa, để rồi sau nầy theo mình hành hạ cho bỏ ghét để trả thù. Ăn hết chén cơm cuối cùng tôi nói:

- Không có ai kho cá ngon như má. Đi đâu cũng nhớ cá bóng trứng kho ăn với rau má sống.

- Vậy về Việt Nam ở luôn đi con.

- Sống ở Việt Nam đủ ngán rồi má ơi! Đất nước nầy có điều gì đó bất an và không bình thường.

Tôi nghe tiếng hai vợ chồng thở dài. Má Hai hiểu vì sao tôi đã rời bỏ quê hương. Hai ông bà không nói gì thêm. Tôi dọn chén bát đi rửa và nhìn đồng hồ đeo tay, đã hơn năm giờ chiều. Tôi tắm nhanh và rối rít chào hai ông bà:

- Con đi chùa hái lộc rồi sẽ về sớm.

- Ừ! Đừng có đi tối quá! Nó biết mầy Việt Kiều là mệt đó!

Tôi ầm ừ cho ông bà yên lòng. Xuống cầu thang, tôi gọi tắc-xi rồi đi thẳng đến chùa Vĩnh Nghiêm.

 

*******

 

Ngôi chùa đã được sơn phết rất lộng lẫy để thu hút khách thập phương. Hai cánh cổng sắt mở rộng. Những ngày giáp Tết, người qua kẻ lại rất nhộn nhịp. Ngay bên lề đường, những người bán nhang đèn, vàng bạc kê những chiếc bàn nhỏ, những cái thùng đựng nhang, trái cây, hoa, bánh, pháo...bày bán la liệt. Tôi vừa bước xuống tắc-xi đã có hơn chục đứa trẻ rách rưới chạy bu lại chìa vé số, báo, nhang, đèn cầy, trái cây, pháo chuột ra mời:

- Mua giùm cháu đi bà.

- Mua báo Tết, vé số...

- Mua nhang cúng Phật. Phật phù hộ cho bà.

Tôi đã thủ sẳn một nắm tiền Việt Nam mà tôi hay gọi đùa là tiền "lá mít", tặng cho mỗi đứa mười ngàn đồng. Đứa nào mặt mày cũng hớn hở, chúng cười toe toét và biến mất trong dòng xe cộ hổn độn đang lao nhanh như những dòng thác. Trong sân chùa, người che rạp, kẻ che dù, có nhiều người trãi những tấm ni-lon ngồi bệt trên sân chùa bán nhang, đèn đủ màu. Họ nhìn tôi bằng đôi mắt lạ lẫm. Tôi chọn mua một bó nhanh thơm, một cây nhang to bằng cổ tay có viền hoa vân một con rồng uốn khúc màu đỏ nổi bật. Tôi trả tiền cho người bán và hỏi:

- Thưa bà, thầy Thích Không Tự còn ở đây không bà?

Người đàn bà già nua đưa đôi mắt lèm nhèm ngước nhìn tôi. Bà đưa tay vịn cái nón lá đã lũng một lỗ phía sau và nói nhỏ:

- Ông ấy đã bị đổi đi rồi. Ai cũng biết hết trơn. Bộ cô từ nước ngoài về hay sao mà không biết? - Bà nhổ một bãi nước bọt xuống đất, giọng không vui bà tiếp - cộng sản Bắc Việt tràn vô Nam đầy nghẹt, nơi nào có ăn là chúng chiếm giữ, không kể gì đến chùa chiền, thánh thất, nhà thờ...Cô vô đó xem, ông thầy tụ trì ngôi chùa nầy là một người từ ngoài Bắc vô, còn trẻ măng. Có người nói với tôi, ông ấy xuất thân từ công an, mật vụ...còn đám chú tiểu, các sư cụ, sư bà cũng vậy luôn. Chùa chiền, cơ quan, sân bay, bến cảng, truyền thanh, truyền hình...nhà cửa, ruộng vườn đều là của họ hết trơn. Thôi cô đi đi, tôi càng nói càng tức. Có ngày họ bắt tôi nhốt vô tù chết rục xương. Miền Nam mạt kiếp, sạch bóng rồi cô hai ơi!

Tôi ái ngại nhìn đôi mắt hum húp, mờ mịt của bà. Từ khoé mắt lấm tấm những giọt nước. Hình như bà khóc. Nước mắt của những bà mẹ miền Nam cứ âm thầm rơi lẫn lộn với gió bụi cuộc đời đầy lầm than, khốn khổ. Tôi nắm tay bà vuốt nhẹ như an ủi:

- Cám ơn bà cho tôi biết nhiều điều đã xảy ra. Chúc bà một năm mới bình an, may mắn.

Bà cúi đầu nhìn xuống, chiếc nón lá quay đi che những giọt nước mắt đang rơi lã chã. Tôi đi ngang qua phòng tiếp khách, ba chú tiểu mặc áo nâu sòng, mặt còn non choẹt nhìn tôi xoi mói. Anh mắt họ không thân thiện, hiền dịu như đôi mắt sư cô Thanh Đàn, Như Nguyện, Tĩnh Tâm...Tôi vái chào và hỏi:

- Xin các vị cho tôi gặp Thượng Toạ Thích Không Tự.

Một chú tiểu trả lời, giọng Bắc đặc sệt:

- Ông ấy không còn ở đây ạ!

- Vậy các vị có biết thầy được chuyển đi đâu không?

- Không. Chúng tôi không rõ.

- Còn các sư cô?

- Đã đổi đi nơi khác.

Tôi đặt lên bàn 50 chục ngàn đồng rồi lui ra:

- Xin cảm ơn.

Tôi đi chầm chậm về phía chánh điện. Cánh cửa chánh điện mở rộng. Dòng người viếng thăm cúng bái đông nghẹt. Các lư hương đặt quanh chánh điện toả lên những làn khói trắng mờ đục. Anh sáng từ những bóng điện trên trần nhà trở nên huyền hoặc. Tôi đốt một nắm nhang, đứng dưới bức tượng Phật bằng vàng. Khuôn mặt Ngài uy nghi, hiền từ, nhân ái như toả xuống muôn người lòng bao dung và sự tha thứ. Tôi chấp tay cầu nguyện cho thầy và các sư cô được an bình một nơi nào đó. Tôi cầu nguyện cho những người thân yêu được may mắn và hạnh phúc. Tôi quỳ xuống cúi lạy và đứng lên cắm nhang vào lư hương. Một bàn tay ai đó nắm tay tôi và ấn mạnh nắm nhang xuống. Tôi thản thốt quay lại. Trong làn khói mờ mịt, mắt tôi chạm vào khuôn mặt của Trí, mờ ảo, mong lung...Có phải Trí đó không? Anh đến đây từ bao giờ hay anh đang từ trong giấc mơ nào đó hiện về trong những năm tháng xa xưa?...

 

....- Thương về Sài Gòn thăm tôi hả?

- Còn khuya? Người ta đi thăm ba má Hai.

- Thiệt vậy sao?

- Ừ!

- Sao hỏng đi thăm người ta?

- Người ta nào vậy hả?

Trí đưa ngón tay trỏ chỉ vào ngực mình:

 - Người nầy nè.

Tôi chống nạnh lên và đỏng đảnh trả lời:

- Hứ! Làm như mình quan trọng lắm vậy đó. Mỗi lần về Sài Gòn là phải đi thăm sao. Người ta còn có công chuyện của người ta nửa chứ.

- Thương à! Bộ Thương không thích gặp tôi thiệt sao?

Tôi đưa cái mặt lên trời trả lời:

- Ai dám gặp chớ. Lúc nào cũng có cái đuôi đi sau lưng.

Trí đỏ mặt đáp:

- Tại người ta thích mình thôi Thương ơi!

- Anh không thích người ta sao cứ để người ta đeo theo như đĩa vậy. Nếu không yêu thì cứ từ chối đừng có gặp mặt.

- Cô ấy là bạn của mình lâu lắm rồi. Tôi không nở...

- Không nở từ chối đi chơi chung. Không nở làm cho cô ấy giận. Trí à! Anh thích nhiều người quá! Vậy, bửa nay đừng có đi theo tôi có được không?

Mặt Trí buồn thiu. Con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa rất dài, tôi cứ đi bộ thong thả vào những ngày rảnh rỗi. Tôi muốn đến chùa Vĩnh Nghiêm để cầu nguyện cho tôi, cho gia đình, bạn bè và cho cả Trí. Không hiểu sao, vào những ngày tháng nầy tôi lại hay đi chùa. Tâm tư tôi bất an, xao động và buồn. Tôi không còn muốn tiếp xúc với nhiều người, không muốn gặp Trí hay bất cứ ai. Đối với Trí, tôi chỉ là người bạn văn nghệ. Chúng tôi quen nhau trong những ngày đi công tác chung ở Tân Uyên, Đồng Nai. Trí thường đi theo tôi trêu chọc, hỏi han tôi đủ thứ chuyện gia đình, chuyện học hành, chuyện công việc ở trường. Tôi không bao giờ nói cho Trí biết gia đình tôi thuộc chế độ cũ. Ba tôi là một người không cùng chiến tuyến với ba Trí. Bản thân tôi không thích chế độ cộng sản. Tôi sống nửa giả, nửa thật, giả ngu, giả điếc như bao nhiêu người đang sống quanh tôi. Tôi phải học thuộc lòng rằng cái gì đúng tôi phải nói sai, và ngược lại. Tôi không muốn mình nói láo, dối gạt Trí. Anh giản dị, dễ mến không phách lối, kiêu ngạo như những người tôi từng gặp. Ba anh là một nhạc sĩ có uy tín và tiếng tăm, nhưng khi tôi nói về ba Trí thì anh nói rằng "đó là của ba anh chứ không phải của anh". Mỗi lần anh cười, tiếng cười dòn tan và thoải mái. Đôi mắt anh to, vô tư, bẽn lẽn mỗi khi tôi nhìn anh. Tình cảm của tôi dành cho Trí chỉ đến đó. Tôi không muốn đi xa hơn tình bạn. Thấy tôi im lặng không nói gì thêm, Trí hỏi:

- Dạo nầy, Trí thấy Thương hay đi chùa hơn mọi lần.

- Sao anh biết?

- Má Hai nói cho tôi biết mọi chuyện.

Tôi chậm rãi đáp:

- Chỉ còn có chùa là nơi tôi còn tin tưởng thôi Trí ơi!

- Tại sao? Thương không còn tin vào cuộc sống nửa sao?

Tôi nhìn vào mắt Trí:

- Anh có tin không? Tôi thấy anh yêu mến cuộc sống nầy. Có thể vì anh sinh ra ở miền Bắc. Khi vào Nam, anh thấy cái gì cũng mới và hấp dẫn. Thôi! Đến chùa rồi, Thương vào trong đó thăm các Thầy. Anh có muốn vào trong không?

Trí gật đầu. Tôi dẫn Trí đến chánh điện và lấy ra sáu cây nhang. Tôi thắp nhang và lâm râm cầu nguyện. Tôi nghe Trí lầm bầm nho nhỏ:

- Cầu Phật -Trời phù hộ sao cho Thương đừng có giận con hoài. Sao cô ấy khó tính và khó hiểu quá!

Tôi thở ra và thúc vào hông Trí. Nhưng anh vẫn cứ lầm bầm:

- Phật ơi! Cô ấy thúc vào hông con biểu con đừng có nói. Nhưng con vốn thật thà, ăn ngay, nói thẳng. Bởi vậy, con cứ cầu trời cho Thương đừng có hiểu lầm con. A Di Đà Phật...

Tôi cắm nhang xong là lật đật chạy ra. Trí cũng chạy theo hỏi:

- Cầu nguyện như vậy có được không?

- Anh toàn nói chuyện tầm phào không. Nếu không có anh đi theo thì tôi đã đi thăm các thầy rồi.

Mặt Trí tối sầm lại:

- Vậy tôi là người phá đám sao? Các Thầy quan trọng hơn thằng Trí, bạn của Thương à?

Tôi nhớ lại cảnh cô bạn gái đưa Trí ra xe vào chủ nhật tuần rồi. Lúc đó, Trí đâu có quan tâm gì đến ai. Tôi trả lời:

- Vậy tôi có quan trọng hơn cô bạn gái của anh không?

Trí không trả lời. Tôi quay lưng bỏ đi. Trí không muốn đi theo tôi nữa. Anh đứng lại một mình bên ngoài ngôi chùa Vĩnh Nghiêm. Anh nhìn theo bóng tôi. Tôi không nhìn lại. Tôi cao ngạo, đỏng đảnh đến phát ghét...

....- Thương ngạc nhiên lắm sao?

Giọng nói của Trí làm tôi tỉnh hẳn. Tôi lúng túng rút tay về:

- Sao anh biết tôi ở đây?

- Má Hai nói Thương đi chùa và tôi biết Thương sẽ đến đây.

- Lần nầy anh có cầu nguyện gì không?

 Có chứ. Tôi đứng sau lưng Thương đã lâu. Tôi cầu nguyện cho Thương đừng quên Sài Gòn, quên quê hương, bạn bè...

- Cảm ơn anh. Thương còn một cây nhang may mắn. Thương sẽ tặng anh để mang lộc đầu năm về nhà.

Tôi mở giỏ xách ra lấy cây nhang lớn có in hình con rồng ra đốt. Mùi trầm hương ngào ngạt toả quanh những làn khói trắng. Tôi đi vòng vòng chấp tay van vái lầm bầm. Trí cũng bắt chước theo. Tôi tặng cho anh cây nhang và nói rằng cây nhang nầy sẽ phù hộ cho Trí may mắn, hạnh phúc. Trí cầm cây nhang ngắm nghía, và nhìn tôi cười không nói gì. Đi hết một vòng chùa, tôi và Trí ra về. Chúng tôi không đón xe tắc-xi mà đi bộ bên nhau. Chúng tôi đi dưới những hành cây, những chiếc lá úa vàng bay là đà và cuối cùng rơi xuống mặt đường. Nắng Sài Gòn đong đầy trong mắt tôi, trong mắt Trí. Và bụi, khói từ các loại xe cuốn lên mù mịt. Trí trao cho tôi một chiếc khăn tay:

- Thương phải bịt mũi lại. Sài Gòn bây giờ khói và bụi mù trời. Thương có thể sẽ bị bịnh viêm họng.

Tôi đón lấy chiếc khăn nhưng lại nhét vào xách tay. Tôi nói:

- Xe nhiều quá! Nhất là xe gắn máy chạy hổn loạn. Mấy chục năm rồi, người dân Việt Nam sống giữa thành phố Sài Gòn không học được một luật giao thông nào sao?

- Cứ vậy mà tiến lên thôi Thương. Đời sống khá hơn hồi xưa. Ai cũng có xe gắn máy mà không phải đi xe đạp.

- Thà đi xe đạp mà không khí không ô nhiễm nặng nề như bây giờ. Chắc mọi người đã quen sống như vậy nên không nhận ra được điều gì đang xảy ra phải không?

- Mọi người đang bắt đầu tích luỹ tư bản đó Thương.

- Đất nước đi thụt lùi lại phía sau. Đạp đổ tất cả, rồi sau đó bắt đầu lại những gì cách đây đã hơn nữa thế kỷ.

- Tôi cũng thấy vậy.

- Nhưng anh có nghe mấy ông chóp bu nói đến những sai lầm khủng khiếp đó  không? Chắc chắn là không rồi.

- Mấy cái bộ óc đó hủ lậu lắm Thương ơi! Thôi đừng nói thêm buồn. Thương đi uống cà phê với tôi nhé!

- Không dám đâu anh Trí. Đi chung như vậy cũng ngại rồi. Dù sao anh cũng đã có gia đình.

 - Nhưng Thương cũng là bạn cũ của tôi. Đi uống một ly cà phê đâu có gì quá đáng.

- Anh không sợ, nhưng tôi sợ. Vợ anh ghen lắm! Tôi biết.

- Thương vẫn chưa lập gia đình sao?

Tôi dừng lại nhìn anh. Lòng tôi bâng khuâng, xao động khi nghe anh hỏi. Vâng, tôi vẫn chưa lập gia đình. Thời thanh xuân chôn vùi tại Việt Nam. Những ngày xa quê hương vật lộn với cuộc sống xứ người. Tôi bắt đầu cuộc sống mới bằng hai bàn tay trắng. Tôi phải cật lực làm việc để gởi tiền về nuôi dưỡng anh chị em còn kẹt lại Việt Nam. Mười mấy năm qua, tôi đã mang hết gia đình sang Mỹ, nhiệm vụ lo cho gia đình của tôi chấm dứt, nhưng tuổi đời không còn chờ đợi. Tôi khô cằn, héo quắc queo như cánh hoa mười giờ sau cơn mưa lớn. Còn ai dám yêu một người đàn bà đã quá bốn mươi? Tôi lại một lần nữa tự hỏi mình "lấy ai bây giờ? Một ông Tây đã luống tuổi? Một người đàn ông lở dỡ tình duyên, li dị và có một bầy con riêng? Một ông già lụm khụm tuổi đáng cha mình?..." Thôi thì sống một mình cũng có niềm vui thì cần chi thứ hạnh phúc hờ hững, với sự ràng buộc trách nhiệm mà tình yêu đã chết tự bao giờ. Tôi nói:

- Anh nhìn xem, tôi có thể lấy ai?

- Thương không bao giờ biết yêu? Thương chỉ thích đùa.

- Tôi có dám đùa với ai bao giờ.

- Thương đùa với tôi.

- Bao giờ. Bộ tôi có hẹn hò với anh sao?

- Không? Nhưng Thương làm cho tôi...suy nghĩ. Chắc Thương quên, còn tôi thì nhớ những ngày cuối cùng tại Cù Lao Rùa.

Làm sao quên ngày đó. Nó có xa lắm đâu mà đã vội quên. Nó chỉ còn là kỷ niệm nằm sâu trong tim tôi. Tôi muốn quên, tôi muốn chôn nó đi như bao nhiêu chuyện khác. Nhưng đôi lúc nó lại hiện về trong tâm thức tôi...

 

...Ngày đi công tác đã gần kề, tôi cố gắng chấm thi, lên điểm và trao hồ sơ cho phòng giáo vụ. Tôi chuẩn bị nghĩ hè và dự định đi công tác xa thị xã. Tôi xếp lại sách vở bỏ vào tủ khoá lại, và soạn mấy bộ quần áo nhét vào va-li. Có tiếng gõ cửa. Tôi nhìn lên đã thấy Trí đứng trước cửa phòng. Căn nhà tập thể của giáo viên nhỏ nhắn, bề bộn. Tôi thấy việc Trí đến tìm tôi thật bất tiện và đột ngột. Tôi ngập ngừng mời anh vào phòng:

- Sao anh biết tôi ở đây?

- Hỏi thăm người ta. Đoàn xe đang chờ Thương bên ngoài.

- Mọi người đến sớm vậy sao? Anh chờ chút nhé! Tôi phải đi tắm cái đã.

Trí ngồi nhìn căn phòng tập thể của giáo viên trống trãi, nghèo nàn. Ngoài vài chiếc giường cá nhân, cái bàn nhỏ, sách vở, không có một món đồ gì trang trí cho phụ nữ. Anh tự hỏi vì sao Thương không về nhà mà sống ở đây một mình. Má Hai nói với anh Thương không có bạn trai. Ngoài những giờ đi dạy học, Thương còn phải viết tin tức cho các tờ báo địa phương để có thêm tiền nhuận bút. Cô vui đó rồi chợt trầm tư như một bà cụ. Những ngày đi công tác chung, Trí đâm ra mến tình tình thật thà, vui tươi và hồn nhiên của cô. Trí nhìn tấm hình bán thân Thương treo nơi đầu giường. Khuôn mặt cô rạng rỡ nụ cười, nhưng đôi mắt đen láy với hàng lông mi dầy và rậm chứa đựng điều gì u ẩn.

Tôi bước ra khỏi nhà tắm, quần áo tôi đã chỉnh tề. Trí chìa cho tôi tấm hình mà Trí chụp cả đoàn công tác đi băng ngang ruộng lúa. Phía sau tấm hình là một bài thơ Trí viết tay bằng mực xanh của bút nguyên tử:

 

Vô đề

 

Bông lúa vừa được gặt

Bông cau sắp trổ ra

Bông ổi thì bé quá

Bông mía giống bông lau

Chắc bông cỏ cũng có

Nhưng chẳng tìm thấy đâu

Chắc bông chuối cũng có

Nhưng chưa kịp nhú đầu

Trong đoàn người thấy có

Rõ ràng một nhỏ bông!

Không một Bình Bông đấy!

                                 Tặng Thương

                                 Bình Dương 01/ 88

 

Tôi bật cười hỏi Trí:

- Anh định chọc tôi với ông Bình đó à?

- Ông ấy cứ đi theo Thương hoài. Bộ Thương không thấy sao? Bí Thư Thị Xã chớ đâu phải đồ bỏ.

- Tôi không ham mấy ông bí thư, trung ương, giám đốc gì hết trơn. Anh biết tính tôi mà phải không? Không có cái gì làm cho tôi ham mê hết. Tôi cảm ơn bài thơ dễ thương của anh. Nhưng nhớ đừng nhắc ông Bình ở đây.

- Mấy ngày đi công tác chung với Thương, ông Bình cứ quanh quẩn theo Thương. Ai cũng thấy hết trơn.

Tôi lườm Trí:

- Cũng như anh vậy thôi. Tối ngày đi theo tôi chọc ghẹo. Đọc mấy bài thơ con cóc...

Tôi thấy mặt anh đỏ như trái gấc nên ngừng lại không nói tiếp. Trí không giận mà cái miệng rộng lại nở một nụ cười vui thích. Sao tôi cứ nghĩ Trí là anh chàng ngớ ngẩn? Có thể tại anh quá hiền, cù lần lửa và còn có cái tật đi theo tôi lẽo đẽo.

Khi chúng tôi ra xe, mọi người đang đợi. Má Hai hỏi:

- Sao vô trỏng lâu vậy Trí?

Tôi trả lời thay cho anh:

- Dạ, tại con đang tắm nên Trí phải chờ.

Tiếng một người trong đoàn trêu:

- Thằng Trí mà đi kiếm Thương thì thích ở lâu hơn là ra đây.

Trí tiếp lời:

- Nếu không đi công tác thì ở trong đó một mình với Thương thích hơn.

Cả đoàn cười ầm lên. Tôi đỏ mặt nguýt Trí và đưa một quả đấm về phía anh. Trí cứ tỉnh bơ như không có gì.

Chiều Tân Uyên buồn heo hút. Những cơn gió mùa hè thổi ngang bầu trời mang theo hơi nóng hầm hập. Cù Lao Rùa bát ngát một màu xanh thăm thẳm của ruộng lúa, vườn cây ăn trái. Những rặng tre dừa, cau lã ngọn, đong đưa trong ánh hoàng hôn. Cù lao như một hòn đảo nhỏ, xinh xắn, chênh vênh nằm phơi mình giữa một vùng nước xanh lơ. Con sông chảy quanh cù lao nước mờ đục phù sa. Những đám lục bình trôi bơ vơ, bồng bềnh, nhấp nhô trên sóng nước. Vài con thuyền độc mộc xuôi dòng, người lái đò già nua, đầu đội nón lá, thân hình ông in đậm trong ráng chiều vàng vọt. Ông đứng một mình, chơ vơ trên bến vắng, chờ khách sang sông. Tôi mang quần áo ra sông giặt. Tôi đang ngồi múc nước đổ vào chậu thì Trí từ xa đi lại. Anh ngồi xuống bên tôi nói:

- Để Trí giặt phụ cho.

- Thôi. Có mấy cái mà. Để tôi giặt được rồi. Trí ngồi ôm quần áo cho tôi là tốt rồi.

Tôi lặng lẽ giặt đồ, vắt ráo nước rồi đưa cho anh. Anh ôm quần áo trên hai cánh tay, và ngồi im lặng như vậy hàng giờ mà không nói câu nào. Đàn ông con trai gì mà ngớ ngẩn đến mức không biết mở đầu câu gì, và kết thúc câu gì.

Một tuần ở Tân Uyên cũng đã trôi qua nhanh chóng, đoàn nghiên cứu văn học của chúng tôi đã làm xong báo cáo. Chúng tôi chuẩn bị để trở về tỉnh. Ông chủ tịch huyện Tân Uyên đã mời cán bộ các cấp đến tham dự buổi chiêu đãi chúng tôi trước khi chia tay. Thế là một bửa tiệc linh đình được dọn ra. Các ông cứ tha hồ uống rượu. Ai cũng bị ép uống. Tôi không biết uống rượu, sợ rượu nên ăn qua loa một chén cơm, và bỏ trốn ra ngoài. Tôi đi lang thang nhìn xóm làng trong buổi hoàng hôn. Anh nắng chiều chênh chếch trên những cánh rừng trùng điệp bên kia bờ. Những đàn dơi giăng ngang bầu trời như những đàn quạ đen. Chúng kêu lên những tiếng kêu chí chát chói tai. Gió lướt trên mặt sông nhè nhẹ làm mặt nước lăn tăn gợn sóng. Ai có về Tân Uyên, ghé vào Cù Lao Rùa để lắng nghe âm thanh trầm lắng, hiền hoà và hơi thở của cây cỏ, đất trời. Tôi yêu cái vắng vẻ thanh tịnh một vùng quê và yêu những người dân cần cù, hiền hoà mà hiếu khách.

Đi một mình đã khá xa, tôi quay trở lại con đường cũ để đến chiếc xe van của đoàn. Trong xe, tiếng thở nặng nhọc của ai đó cứ vang lên. Tôi bước vào phía sau. Trí nằm dài trên băng ghế sau. Mặt đỏ bừng, mùi rượu bay lên nồng nặc. Anh muốn nôn mửa và hơi thở phì phò. Tôi biết anh không biết uống rượu nhưng bị ép, uống vài ly đã ngã chỏng cẳng. Tôi đến bên anh, đặt bàn tay lên trán và hỏi:

- Trí có sao không. Hỏng biết uống, ai biểu uống chi cho nhiều.

Trí nổi quạu lầm bầm:

- Kệ tui. Mấy người đừng có làm phiền tui được không?

- Say như chết mà còn làm tàng. Để tôi đi kiếm cái gì cho uống vã rượu.

Tôi nầng đầu Trí lên, và lấy khăn ướt đắp lên mặt anh cho tỉnh. Anh nằm yên không nói gì. Thỉnh thoảng, anh mở đôi mắt đỏ lừ nhìn tôi một giây rồi nhắm lại như giả vờ ngủ. Thực ra, tôi chẳng biết người say mình phải làm gì cho họ tỉnh. Tôi có bao giờ chăm sóc cho ai đâu mà biết. Tôi chỉ nghe bạn bè nói là giả đậu xanh thật nhỏ, pha với nước cho họ uống là họ sẽ tỉnh ngay. Nhưng trong lúc nầy làm gì có đậu xanh. Đi đâu xin bây giờ? Tôi đành chịu. Tôi ngồi chờ một lát và cúi xuống vuốt trán Trí. Anh chợt mở mắt ra nói:

- Tôi còn tỉnh lắm nghen.

- Tỉnh thì tôi đi. Nằm đó một mình nha?

- Không thích chăm sóc cho tôi nữa sao?

- Tại nói với tôi là tỉnh rồi. Cần chi chăm sóc nữa. Thôi tôi đi.

Tôi để Trí nằm một mình và bỏ vào trong phòng họp. Tôi bực mình vì tự nhiên phải lo cho một người say rượu, mà người đó cũng chẳng phải là gì...gì của mình. Đêm đó, sau khi tan tiệc tôi về phòng ngủ. Trí đi ngang phòng tôi, nhìn tôi một lúc rồi hỏi:

- Xin lỗi chuyện hồi chiều nghen. Tại say quá nên nói năng không lịch sự.

- Anh thấy đở chưa hay còn nhức đầu?

- Thương à! Mỗi lần tôi uống rượu là tôi bịnh. Bởi vậy tôi sợ lắm! Nhất là tôi sợ Thương cười tôi.

- Anh không biết uống rượu là tốt đó. Mấy ông cán bộ bây giờ nhậu nhẹt trông phát khiếp. Họ uống cho đến chết mà không cần biết ngày mai ra sao.

- Thương không thích phải không?

- Mấy ông cán bộ chỉ thích nhậu nhẹt, vui chơi hơn là suy nghĩ đến những điều trọng đại. Anh nghĩ xem, dân mình nghèo đến đứt ruột mà mình cứ thích ăn, thích nhậu thì còn vui nỗi gì.

- Ai cũng sống như vậy hết trơn. Hơi đâu mà Thương lo.

- Anh Trí à! Tại tôi hay lo chuyện bao đồng đó mà. Thôi anh về ngủ đi. Ngày mai mình đã trở về rồi. Tôi sẽ về Thị Xã, còn anh và đoàn trở về Sài Gòn.

Trí chưa kịp nói gì thì tôi đã chào anh và bỏ vào trong.

Chiếc xe van đưa tôi trở về Thị xã. Trí không muốn ngồi phía trước. Anh đến ngồi băng sau với tôi. Anh vẫn còn say hay anh tỉnh tôi cũng không biết được. Chỉ thấy giữa trán, hai bên thái dương và cổ bắt gió đỏ chét. Mùi dầu cù là bay lên nồng nặc. Tôi nhìn mặt anh muốn chọc quê nhưng thấy mọi người bụm miệng cười, tôi đành im lặng. Anh dựa đầu vào vai tôi ngủ ngon lành. Tôi không dám đánh thức anh dậy, cũng không dám làm cho anh phật ý. Có thể, Trí muốn tìm một chút hơi ấm từ cơ thể tôi chăng. Tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng mỗi lần anh tỉnh lại, anh nhìn tôi như thôi miên và không hé môi nói một lời nào.

 

******

 

Ngày tổng kết đợt nghiên cứu văn học đã qua. Tôi đến tham dự để nghe báo cáo kết quả. Trí ngồi bên tôi im lặng. Anh chuyển cho tôi một bài thơ viết bằng mực tím. Nét chữ nắn nót rất đẹp. Đây là một bài thơ tỏ tình kín đáo:

 

Trời mưa,

Anh căng ô che đầu

Hết mưa,

Ô lặng lẽ xếp vào nhăn nhó

Bị anh vứt lên bàn hay quăng đâu đó

Tình yêu cũng như chiếc ô

Che cho người khác khô

Riêng mình bị ướt

                    (Ấn độ- Vô danh)*

 

Tôi đọc xong cười thầm "bày đặt mượn thơ người để tặng. Muốn gì nói cho rồi. Thật là ngớ ngẩn". Tôi xếp bài thơ vào cuốn sổ tay, tỉnh bơ như không có gì. Trên sân khấu, má Hai đang nói về thành quả tốt đẹp của công trình nghiên cứu vừa qua. Sau đó, mấy cô gái của đoàn dân ca Miền Nam cứ hát, đánh đàn, thổi sáo những bài dân ca trữ tình, lãng mạn và dí dỏm. Trí thì thầm hỏi tôi:

- Chia tay rồi buồn không?

- Buồn chớ. Sẽ gặp lại mà. Đâu có phải là chấm hết đâu.

- Biết làm sao gặp lại?

- Cứ lên thăm.

Trí lại im lặng. Anh giả vờ như lắng nghe các ca sĩ hát. Thực lòng anh đang suy nghĩ mênh mang làm sao có thể gặp lại Thương. Anh lấy ra thêm một mảnh giấy và viết thật nhanh. Anh đẩy sang cho tôi. Lại một bài thơ tình không có tựa đề:

 

Một lần tôi dạo chơi trên bờ xa biển bạc

Vô tình tôi để mất tim mình trong cát sâu

Gặp ai dù ở đâu tôi cũng đều ghé hỏi

Và ai ai cũng nói em đã giấu tim tôi

Với tình yêu lứa đôi và tấm lòng chung thuỷ

Thì ngực tôi không thể thiếu một trái tim

Xin trao em trái tim tôi đó

Còn tim em thắm đỏ thì trao tôi

Trao tôi làm của riêng

                                    (Karmark-Đức)* *

 

Tôi đọc xong và quay lại nhìn Trí. Anh nhìn tôi bằng đôi mắt lạ lùng khó hiểu. Làm sao anh thấu hiểu lòng tôi. Làm sao anh biết tôi đang nuôi dưỡng một chuyến đi xa. Tôi muốn rời khỏi đất nước nầy thì những bài thơ tỏ tình kia còn có nghĩa gì? Suốt ngày hôm đó, tôi không nói với anh một lời nào và chúng tôi chia tay nhau.

Những tháng tiếp theo,Trí có đến thăm tôi một vài lần tại trụ sở mới. Nhưng tôi cũng làm lơ và không quan tâm lắm! Tôi không muốn giữ lại gì trong tầm tay mình hay gợi cho anh niềm hy vọng. Lần cuối cùng trước khi tôi rời khỏi Việt Nam, tôi có gặp lại Trí tại nhà má Hai ở Sài Gòn. Anh trách tôi:

- Sao về Sài gòn mà không đến thăm tôi?

- Sợ làm phiền anh.

- Thương đến thăm tôi, tôi mừng lắm!

- Để làm gì mới được?

- Để nhìn Thương một chút thôi.

Tôi phì cười đáp:

- Đúng là ngớ ngẩn.

- Tôi cứ ngớ ngẩn hoài mỗi khi gặp Thương. Có thể tôi không biết phải nói gì cho Thương vui.

Ừ! Anh biết gì về tôi đâu mà biết tôi vui hay buồn. Tôi mang nỗi buồn từ lâu lắm! Nỗi buồn của một người không biết cuộc sống ngày mai của mình sẽ đi về đâu? Với đồng lương chết đói, với một xã hội đầy tranh chấp, dối trá làm sao tôi có thể nghĩ đến tình yêu và tương lai. Trong trái tim sôi nổi của tuổi đôi mươi, tôi cũng muốn tìm cho mình một tình yêu. Nhưng ai dám yêu tôi và tôi còn dám yêu ai bây giờ? Tôi có một hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt mà tôi không dám thố lộ cùng ai. Trên vai tôi không chỉ có cuộc đời tôi. Tôi còn phải cứu vãn gia đình thoát khỏi cuộc sống khốn khổ hiện tại. Anh nên quên tôi đi. Dù sao, tôi cũng chỉ là một người bạn. Thời gian qua, tôi và anh cũng chẳng hiểu nhau nhiều. Nó ngắn ngủi và không có kỷ niệm gì sâu sắc đáng nhớ.

- Tôi sẽ đi xa lắm Trí à! Đừng buồn khi hay tin tôi rời khỏi Việt Nam.

- Thật sao? - Trí ngỡ ngàng hỏi.

Tôi gật đầu nhè nhẹ. Trí quay mặt đi. Anh nhìn xuống lầu, nơi dòng xe cộ chạy náo động cả thành phố. Sài Gòn đẹp lắm sao Thương lại bỏ đi? Thương không còn gì lưu luyến, mong đợi, nhớ thương thành phố nầy sao? Thương không còn gì để gởi lại mảnh đất quê hương Việt Nam sao? Tôi thấy Thương hay buồn và trầm tư một mình, nhưng tôi không nghĩ rằng Thương sẽ bỏ mọi người để ra đi. Tôi không là gì trong tâm tư của Thương sao? Tôi chẳng thể làm rung động trái tim Thương hay có thể giữ Thương ở lại Sài Gòn sao? Trí suy nghĩ bâng quơ một mình và cuối cùng hỏi:

- Tại sao Thương lại ra đi? Không có gì giữ chân Thương ở lại sao?

Tôi ngập ngừng:

- Tôi không tìm được sự bình yên và hạnh phúc trên đất nước nầy Trí ơi! Làm sao Trí hiểu được tôi đang nghĩ gì về những điều đang xảy ra cho mọi người và cho quê hương Việt Nam. Nếu có nhiều người vui sướng, hạnh phúc, được thừa hưởng bao ân huệ mà xã hội ưu đãi, thì cũng có hàng triệu triệu người nghèo khổ, bất hạnh và tuyệt vọng. Số người nầy lại rất lớn. Hầu như toàn cõi Việt Nam. Anh không thấy sao? Anh có cảm nhận không? Hay anh biết mà không dám nói.

Trí ngạc nhiên kêu lên:

- Thương suy nghĩ nhiều quá! Mình làm được gì bây giờ. Phải chịu thôi Thương ơi! Thương đi nhớ cho tôi biết để tôi tiển Thương ra sân bay.

- Chắc không cần đâu Trí. Anh còn nhiều việc để làm. Nhất là nên chăm sóc cho người bạn gái lúc nào cũng ở cạnh anh. Đừng bận tâm chuyện tôi đi hay ở.

Tôi đã rời bỏ Sài Gòn, rời bỏ thành phố nhỏ quê tôi để tung cánh đi về một phương trời xa lạ. Tôi đã vĩnh viễn xa mọi người tôi thương mến, và tôi đã thực sự xa Trí...

 

....Trí cắt đứt dòng suy tư của tôi:

- Sao tự nhiên Thương im lặng không nói gì hết vậy.

- Tôi phải về để ba má Hai rầy. Tôi không được đi đến tối. Sài Gòn bây giờ không an toàn đâu.

Trí đưa tôi đến cổng chung cư và ra về. Bỗng tôi thấy bóng Hằng từ đâu hiện ra. Khuôn mặt bà ta hầm hầm. Bà ta sấn tới trước mặt Trí, giọng giận dữ:

- Anh đi đâu suốt ngày làm tôi phải chờ. Chắc hẹn hò với bà nầy.

Tôi im lặng không trả lời. Trí tái mặt, anh lôi Hằng ra đường:

- Em đừng có nói bậy. Anh gặp Thương trong chùa. Rồi đi bộ về đây chung. Có hẹn hò gì đâu.

Hằng giằng mạnh cây nhanh đang cháy trong tay Trí và ném xuống đường:

- Đừng đem ba cái thứ nầy về. Sao anh không chịu về nhà? Mấy đứa con đang chờ anh về. Anh cứ lang thang ngoài đường như người không có trách nhiệm.

- Anh về nhà đâu có vui. Mặt em lúc nào cũng hầm hầm. Em la lối, bắt bẻ anh đủ điều. Anh chỉ muốn đầu óc thanh thản mà em đâu có muốn.

Tôi nghe tiếng Hằng khóc bù lu bù loa và tiếng Trí phân trần. Tôi thấy tội nghiệp cho anh. Thì ra, tình yêu cũng có sự tính toán, cân đong, đo đếm. Người con gái đeo anh như sam, giờ trở thành một mụ đàn bà đanh đá, bất lịch sự và ghen tuông vô lối. Tôi cứ tưởng anh lấy được người yêu anh là hạnh phúc, may mắn. Ai ngờ, lấy nhau xong mới biết được tình yêu đó tồn tại trong bao lâu, và lòng hy sinh cho nhau trong cuộc sống gia đình kéo dài được bao lâu. Ai cũng tưởng mình tìm được mình hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ở đâu sao cứ mãi đi tìm?

Ba má Hai đang đứng ở lan can hứng gió, thấy tôi bước vào nhà, má Hai hỏi:

- Con có gặp vợ thằng Trí không?

- Có. Bà ta thật quá quắc! Chưa chi đã mắng chồng như tát nước vào mặt.

- Nó ghen dữ lắm! Thằng Trí đi đâu một chút là nó chửi. Nó chăn chồng như chăn con.

- Tại bà ta yêu chồng nên sợ mất chồng.

- Khi quen nó, thằng Trí đâu có ngờ. Bây giờ hối hận thì đã muộn. Phần nó cũng có đạo đức. Nếu không người ta đã bỏ rồi.

- Nếu Trí có hỏi thăm về con, ba má đừng cho anh ấy biết. Con không muốn gặp chuyện lôi thôi.

Hai ông bà không nói gì thêm. Suốt buổi chiều và nhiều đêm tôi không còn ngủ được. Tâm tư tôi bất an khi nghĩ về Trí.

 

******

 

Những ngày Tết đã trôi qua từ lâu, nhưng âm thanh vui tươi, ồn ào của Sài Gòn vẫn còn đọng lại trong tôi bao luyến tiếc, thương nhớ. Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người, tôi đứng sắp hàng cân hành lý. Chợt tôi nghe tiếng gọi của má Hai:

- Thương, Trí muốn gặp con.

Tôi lách mình ra khỏi đám đông:

- Con tưởng ba má về rồi.

Như sợ tôi hiểu lầm, má Hai phân trần:

- Trí gọi điện thoại di động cho ổng. Nó đòi gặp con lần sau cùng. Hình như nó muốn đưa cho con cái gì đó.

Từ xa, tôi thấy Trí đang đi về phía tôi. Khuôn mặt anh lấm tấm những giọt mồ hôi. Má Hai ôm tôi lần sau cùng và nói nhỏ:

- Con đi bình an. Ba má luôn nhớ đến con.

Tôi gật đầu cảm động. Tôi có linh cảm ngày trở về sẽ xa vời vợi, và vợ chồng má Hai không biết còn sống hay không. Trí đến gần tôi, đôi mắt anh đỏ hoe. Giọng anh run run, xúc động:

- Tôi xin lỗi Thương về chuyện vừa qua. Chắc Thương giận tôi.

Tôi lắc đầu cười:

- Tôi sợ làm phiền lòng vợ anh. Tôi với anh chỉ là bạn, nhưng không có người đàn bà nào thích chồng làm bạn với người đàn bà khác. Tôi thông cảm anh hơn là giận.

Anh nở một nụ cười hiền hậu và nhét vào tay tôi một phong thư dầy cộm:

- Tôi muốn trao lại cho Thương những tấm hình chụp cách đây gần 20 năm. Hy vọng Thương sẽ vui. Tôi sẽ thường xuyên đến chùa cầu nguyện cho Thương được bình yên và tìm được hạnh phúc.

Tôi lại mỉm cười:

- Anh bắt đầu đến chùa cầu nguyện từ bao giờ?

- Kể từ ngày Thương rời khỏi Việt Nam cho đến nay - Giọng nói của Trí ngập ngừng - Trong cuộc đời, Thương không biết yêu ai hết sao?

- Có chớ, nhưng lỡ làng, muộn màng. Do đó, tôi mất hết. Không còn ai bên cạnh tôi cả.

Tôi nhìn sâu vào đôi mắt anh lần sau cùng. Đôi mắt to, vui vẻ hồn nhiên của ngày xưa bây giờ mệt mỏi, đầy những vết nhăn ngang dọc bao quanh:

- Anh mãi mãi là người bạn đáng nhớ, đáng yêu của tôi. Xin bảo trọng.

Tôi bước vào phòng cách ly, tôi vẫn còn thấy anh đứng nhìn theo. Bóng anh cao lớn in đậm giữa bầu trời đầy nắng chan hoà.

Chiếc boeing cất cánh khỏi phi đạo. Nắng Sài Gòn chói chang, sáng rực bao phủ những đám mây to lớn. Thành phố như thu nhỏ lại, hun hút dưới khoảng trời bao la, rộng lớn đang mở ra trước mắt tôi. Tôi mở phong thư của Trí ra xem. Những dòng chữ quen thuộc, hơi mờ hiện ra sau từng bức ảnh "Thương cô đơn bên dòng sông Bạch Đằng", "Thương đang làm thơ bên Cù Lao Rùa". Một tấm khác tôi đang ngồi trên bãi cỏ, tôi đang cười một mình, tôi và Trí đang nói chuyện với những người nông dân trồng lúa...nước mắt tôi bất giác chảy dài trên má. Tôi biết mình không còn gì ngoài những ký ức xa mờ. Tôi không dễ dàng trở lại Việt Nam như bao nhiêu người trông đợi. Cuộc đời tôi đã sang một trang mới. Những kỷ niệm về quê hương giống như những kỷ vật quý giá nằm sâu trong trái tim tôi. Tôi thì thầm "Xin gởi lại Sài Gòn một nụ hôn thương nhớ. Tạm biệt Sài Gòn và quê hương yêu dấu. Xin đừng trách tôi người ơi!"

 

Phong Thu

 

1/20/2006

Viết để nhớ đến ngày tháng rong ruổi

trên khắp nẻo đường quê hương

 

Chú thích: Hai bài thơ trên tôi không còn nhớ rõ tác giả. Nếu quý vị nào biết, xin cho biết xuất xứ, nguồn gốc và tựa đề bài thơ.

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

- Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

- Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA - DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.