.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Phong Thu

Sài gòn, một thuở hẹn hò

  • 27.01.2008

Thuý Vi ngồi trong quán Trùng Dương chờ Trường. Chiếc quán nhỏ nấp dưới hàng trúc xinh xinh reo vui trong gió. Những chậu hoa cúc vàng có những đoá hoa to bằng bàn tay nở rộ và thoang thoảng mùi hương. Đất trời vào xuân, ánh nắng vàng hanh chói chang, rực rỡ phủ trên thành phố. Sài Gòn vẫn sôi động, hối hả, vang dội những âm thanh quen thuộc.

Khách bắt đầu vào quán mỗi lúc một đông. Cô chủ quán phải kê thêm những chiếc bàn ngoài hiên. Không khí trong quán nhộn nhịp và đông hơn ngày xưa. Những khuôn mặt quen thuộc đã biến mất. Trong góc quán, hai người con gái tuổi độ mười tám, tóc cắt ngắn, mặc áo thung có in những hàng chữ U.S.A và lá cờ Mỹ quốc. Bên cạnh Thuý Vi là một người đàn ông trung niên đeo kính trắng, mập phệ đang ngồi với một phụ nữ son phấn loè loẹt, áo mặc hở cả rốn. Sau lưng nàng, một cặp tình nhân trẻ đang thì thầm trò chuyện. Quán Trùng Dương giờ đây những khuôn mặt trẻ chiếm đa số. Họ hồn nhiên, vui tươi, cười nói và không quan tâm gì đến thế giới bên ngoài. Nhưng bên chiếc bàn đối diện, một nhóm trẻ mặc những chiếc áo đen có khắc hình ngôi sao vàng, một nhóm khác mặc áo thung đỏ có in cờ đỏ sao vàng và những hàng chữ nổi bật trước ngực áo hoặc sau lưng hai chữ Hoàng Sa, Trường Sa. Tinh ý hơn một chút, nàng có thể nhận dạng một nhóm văn nghệ sĩ đủ mọi lứa tuổi đang chụm đầu to nhỏ quanh một chiếc bàn lớn kê sát góc quán và xa cách mọi sự dòm ngó của người khác. Trong tháng 12, cuộc tranh chấp chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành đề tài bàn cãi sôi nổi nhất ở trong nước và hải ngoại. Báo chí, thơ ca, tuỳ bút, bình luận, nghị quyết... ào ạt tung lên trên các báo và liên mạng toàn cầu. Nhất là cuộc biểu tình ngoạn mục của các sinh viên, học sinh tại Hà Nội và Sài Gòn chống bọn bành trướng Phương Bắc đã làm cho Thuý Vi nao nức muốn trở lại Việt Nam. Sau hơn 32 năm không tiếng súng, người dân sống im lặng, thờ ơ, bình thản trước mọi việc xảy ra trong nước. Ai làm Tổng Bí Thư, ai làm Chủ Tịch nước, ai làm Thủ tướng đối với họ đều vô nghĩa. Các ông lớn, ông nào cũng như ông nấy. Người dân thấy những những cán bộ đầy tớ của dân trở nên đáng ghét, đáng khinh đến độ họ không thèm quan tâm. Ông nào cũng lo vơ vét, tham nhũng, mị dân, áp phe, làm giàu, cướp đất đai, tài sản của dân. Có ông nào biết thương dân đâu mà để ý. Người dân chỉ biết lo làm ăn và tránh xa chuyện chính trị, chính em. Dính vô là tù mọt gông không có ngày ra. Vậy mà trước cơn nguy khốn của đất nước, các bạn trẻ đã dám dẹp bỏ sự sợ hải, sự kiềm toả của chính quyền và đứng lên đòi hỏi kẻ thù Phương Bắc phải dừng tay giết hại và xâm chiếm bờ cõi Việt Nam. Ai cũng hiểu, Cộng Sản Trung Quốc chuyên môn đi lấn chiếm các nước nhỏ xung quanh để mở rộng biên cương, và Hoàng Sa, Trường Sa đang lần lượt rơi vào tay chúng. Những người trẻ tuổi hôm nay đã thức tỉnh cơn mơ huyền thoại về cuộc chiến thần thánh của chính quyền cộng sản. Họ không còn thụ động, hèn yếu chờ đợi chính quyền cho phép được bày tỏ lòng yêu nước. Họ tự nguyện làm một việc cao cả là thét lên tiếng nói phẩn uất để bảo vệ đất nước khỏi bàn tay của kẻ thù phương Bắc. Thật lạ lùng là những người đeo huân chương, huy chương trong cuộc trường chinh đánh chiếm Miền Nam ruột thịt lại im hơi, lặng tiếng, sợ hải trước ngoại bang.

Thuý Vi chuẩn bị chuyến trở về Việt Nam hơn nửa năm qua. Nàng cũng không màng gì đến những sự kiện nổi bật ở Việt Nam. Nàng cũng muốn thờ ơ, bàng quan, ngu ngơ như hàng triệu người khác đang sống. Nhưng có gì trăn trở, buồn đau khi đất nước đang bước vào những ngỏ cụt không lối thoát về tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, môi sinh ô nhiễm nghiêm trọng. Chuyện Sài Gòn ngập lún trong nước và nếu không có phương pháp hữu hiệu thì trong năm năm nửa Sài Gòn - trái tim của Miền Nam sẽ chìm trong biển nước. Và một động cơ mãnh liệt đã thôi thúc nàng trở về khi nàng đã nhận ra bài viết và hình của Trường cùng bạn bè anh xuất hiện trên các website lớn ở hải ngoại. Trời! Trường ơi! Anh lại xuống đường ư? Anh sẽ nhận được gì ngoài những quả đấm thoi sơn vào mặt. Hơn hai mươi năm về trước, cũng vào những ngày nầy, khi người ta nô nức đón chào năm mới, khi hoa đào, hoa mai trổ nụ, nàng và Trường cùng bạn bè văn nghệ sĩ đến đây ngồi uống cà phê. Họ tụ họp lại nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện cơm áo, chuyện cuộc đổi đời tang thương, chuyện Sài Gòn đổi tên, đường phố đổi tên. Họ suy tư, buồn, và có những nỗi lo chôn kín trong tim. Nhiều anh em văn nghệ sĩ của Trường bị chết trong lao tù, một số bỏ thây trên đường vượt thoát. Bạn bè chàng tan tác mỗi đứa một nơi. Chàng tập tểnh làm thơ, viết văn như một đứa học trò mới  bắt đầu bài học vở lòng. Trường  cũng như bao nhiêu người khác tại miền Nam chỉ muốn sống yên thân để kiếm cơm ngày hai bửa. Thơ chàng chỉ loanh quanh những mối tình đẹp nhất của tuổi học trò, những bài thơ đầy lạc quan theo quan điểm của đảng và nhà nước cho phép. Văn nghệ sĩ như chàng vì ăn cơm chúa phải múa tối ngày. Một tầng lớp quan lại mới đã xuất hiện tại Việt Nam. Những ông quan nầy quan liêu, hách dịch, lộng quyền, ác ôn hơn những vị quan triều đình cách đây mấy trăm năm. Sài Gòn còn đâu những ngày rong chơi, tự do sống, thở, đi lại mà không bị kiểm soát như những kẻ tù tội. Trường phải làm quen, chịu đựng với cuộc sống mới. Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán hỏi tương lai mình đang về đâu? Phải chuẩn bị những gì để tiếp tục hoà nhập vào cuộc sống mới ít may, nhiều rủi. Theo tháng năm, chàng đã có một vị trí đứng trong lòng bạn đọc Sài Gòn. Độc giả yêu mến chàng và tên tuổi chàng đã ngang hàng với văn nghệ sĩ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trường nhận ra rằng, kẻ chiến thắng đang áp đặt mọi tư tưởng, mọi quyền hạn trên đầu người miền Nam. Các cơ sở văn hoá, giáo dục, nhất là ngành truyền thông đa số người miền Bắc nắm giữ. Họ quyết định tư tưởng con người y hệt công thức toán học. Họ được xã hội ưu đãi như những đứa con cưng đã làm nên lịch sử cho đất nước.

Từ lúc Thuý Vi quen Trường, nàng cũng nhận ra những nỗi buồn và những điều bất an trong cuộc sống của chàng. Đôi lúc, Trường cười buồn và nói với nàng rằng nếu xung quanh em có nhiều ruồi, muỗi. Em không có thuốc để diệt trừ thì em phải sống chung với chúng, cố gắng tránh để không bị ruồi muỗi đốt rồi bị bịnh dịch tả, dịch hạch và trí nảo sẽ tối tăm, ngu muội. Trường có nỗi đau đời của riêng chàng, và nàng cũng có những nỗi buồn riêng.

Rồi Thuý Vi cũng ra đi, nàng đã bỏ lại Sài Gòn bao tuổi thơ yêu dấu, nhung nhớ của thời con gái. Nàng đem theo giấc mơ viễn xứ để làm lại cuộc đời trên đất nước xa lạ. Ngày đi nước mắt phân ly. Ngày trở về, nàng nhìn Sài Gòn mà rưng rưng nước mắt. Nhớ Trường quay quắc và thương chàng sống một mình, cô đơn, mong đợi mỏi mòn ngày nàng trở về. Bao năm xa quê hương, ngày trở về mọi vật đều xa lạ. Nhiều nhà cao tầng, dinh thự mọc lên bên cạnh những căn nhà ổ chuột. Từng dòng người sang trọng, ăn mặc đúng thời trang, vung tiền như nước, bên cạnh những người ăn mày nghèo khổ, những người dân lao động lam lũ, vất vả lặn lội trong nắng mưa để tìm một bửa ăn. Nhiều người nghèo đến độ không có một cơ hội nào để vươn lên. Những thành phần nghèo khổ đa số là người miền Nam chiếm một tỉ lệ rất lớn. Khoảng cách giàu nghèo thật nghiệt ngã hiện ra trước mắt nàng. Thành phố Sài Gòn và cả nước, xe gắn máy chiếm 90 phần trăm, xe taxi, xe đò, xe du lịch... đua nhau rú ga, chạy hổn loạn náo động trên các nẻo đường. Những ngày giáp Tết, kẻ mua người bán tấp nập. Các con đường chính thường xuyên bị kẹt xe. Khói xe, bụi từ các con đường bay lên mù mịt. Trời vào xuân nắng chan hoà, nhưng bầu trời xám đục, lãng đãng những vùng khói đen bao phủ ánh mặt trời.

Nàng đang suy nghĩ mênh mang và chợt giật mình khi thấy mọi người trong quán nhốn nháo, lao xao... Một toán công an với dùi cui trên tay đã xông vào quán. Nhóm người trong góc quán toả ra hai bên. Một công an dáng phốp pháp, mặt to, miệng rộng, mắt ốc nhồi, tóc cắt ngắn lởm chởm như trái chôm chôm đã lớn tiếng quát tháo: “Mọi người im lặng, ai ngồi yên chỗ đó.” Hắn chỉ tay vào nhóm trẻ mặc áo thung đỏ la lớn:

- Mấy người muốn nổi loạn hả. Tính theo chân bọn phản động nước ngoài phá rối nhà nước.

Một thanh niên cao lớn có lẻ là trưởng nhóm lên tiếng cải lại:

- Chúng tôi chẳng có theo ai cả. Các ông là công an phải có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc chớ không phải đi đàn áp dân, phải biết nhục khi tổ quốc bị bọn bành trướng Bắc Kinh xâm lấn. Các ông không thấy đất đai, biển cả đã bị bọn Tàu xâm chiếm hay sao mà còn đòi bắt chúng tôi.

Một tên công an thấp bé, mặt rổ chằng chịt quát lớn:

- Tất cả các người về đồn công an nói chuyện. Không được cải lại lệnh của nhà nước.

- Yêu nước và bảo vệ tổ quốc là quyền tự do của người dân. Chúng tôi đâu có làm sai luật pháp nhà nước đâu mà đòi bắt.

Một người trẻ tuổi khác mặt tái đi vì giận, anh dõng dạc nói to cho tất cả mọi người trong quán cùng nghe:

- Tại sao các ông có thể chịu đựng nỗi sự sĩ nhục của thằng Tần Cương chớ. Nếu tôi bắn nó được là tôi bắn vào đầu nó một viên đạn rồi tới đâu thì tới. Chúng tôi thấy nhục lắm các ông biết hôn. Bây giờ các ông nghe lệnh của quan thầy các ông để đàn áp những người yêu nước sao. Tại sao các ông không chết hết đi. Khốn nạn cho dân tôi.

Người thanh niên chưa nói hết câu đã lãnh một quả đấm vào mặt xịt máu mũi. Anh bị bốn công an xông vào bẻ ngoặc hai tay anh ra phía sau và đẩy ra khỏi quán. Những người khác cũng bị công an bao vây và lùa ra xe. Quán Trùng Dương trở lại bầu không khí im lặng. Thuý Vi chứng kiến tận mắt sự việc. Nàng nhận thức ra rằng ngay cả khi bày tỏ lòng yêu nước, người dân trên đất nước nầy cũng bị chính quyền ngăn cấm. Nàng xót xa đến lặng người.

Thuý Vi nhìn đồng hồ, lòng nàng lo lắng không yên. Trường trễ hẹn hay chàng không muốn đến? Hay chàng đã bị bắt giữ cùng với những người xuống đường biểu tình? Thời gian xa nhau quá lâu, Trường vẫn còn sống đơn độc trong căn nhà cũ hay bên cạnh chàng đã có ai khác? Chắc tóc chàng giờ đã bạc, má chàng đầy vết nhăn, và trái tim chàng đã nguội lạnh yêu đương. Một chú bé bán báo từ ngoài chạy vào quán. Nó dừng lại bên nàng và hỏi:

- Cô ơi! Có phải cô tên là Thuý Vi không?

Nàng tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên đáp:

- Sao con biết cô?

Nó trao cho Thuý Vi một phong thư:

- Việt kiều nhìn là đoán ra ngay. Con có kinh nghiệm mà cô – Nó ngừng lại mỉm cười thân thiện và móc túi lấy ra một mảnh giấy trao cho nàng – Chú Trường nói với cháu đưa lá thư nầy cho cô.

- Cám ơn con.

Thuý Vi nhét vào túi nó mấy đô la. Nó lí nhí cảm ơn rồi biến đi. Nàng vội vã mở ra xem: “Thuý Vi yêu thương, hay tin em về anh mừng lắm! Anh rất mong gặp lại em, Nhưng vừa qua, anh đã bị bắt giữ trên đường đến tham dự cuộc biểu tình với nhóm văn nghệ sĩ và các em sinh viên, học sinh tại sứ quán Trung Cộng. Công an đấm vào ngực anh và hỏi cung anh khoảng 5 tiếng đống hồ. Họ ra lệnh cấm không cho anh liên lạc với những người trong nhóm anh và không được ra khỏi nhà trong vòng một tháng. Khi anh trở về nhà thì được tin Lục Vi bị bịnh nặng. Anh phải giúp đưa cô ấy vào bệnh viện. Tối nay, anh sẽ gặp em tại nhà cũ của anh. Em đến nhé! Anh sẽ chờ. Đừng giận anh. Yêu em.

Trường.

Cơn giận bùng lên trong lòng nàng. Nàng không giận anh vì sự tham dự của chàng trong đoàn biểu tình. Nàng giận vì chàng nói yêu mình, nhưng luôn lo lắng cho người đàn bà đó. Hai mươi năm không gặp, chuyện chàng và Lục Vi đi đến đâu nào ai biết? Chàng đã lừa dối nàng chăng khi nói rằng vẫn chờ đợi nàng trở về nối lại tình xưa. Tình yêu của nàng và Trường luôn có bóng dáng của Lục Vi che phủ. Nàng luôn nghi ngờ và ghen hờn với Lục Vi. Cũng vì người đàn bà nầy mà Thuý Vi đã dứt khoát ra đi. Ngỡ rằng tình yêu như áng mây bay. Nàng ra đi để quên chàng, nhưng càng xa càng mơ ước, nhung nhớ. Trái tim nàng thổn thức từng đêm với bao hối hận, vày vò  tâm hồn cô đơn của nàng. Cả một trời yêu thương cũ quay về trong tâm trí nàng cuộn xoáy, ray rức...

 

*****

... Căn nhà của Trường nằm trên đường Phan thanh Giản, nấp sau những hàng cây dầu, cây sao cao lớn phủ đầy lá. Trước nhà, có một giàn hoa ti-gon màu trắng. Mùa hè, hoa ti-gon nở rộ, những chùm hoa trắng muốt đã leo lên bức tường quét vôi xanh nhạt,  tô điểm căn nhà chàng thêm kín đáo, thơ mộng. Căn nhà bày trí đơn giản không có gì ngoài bốn chiếc ghế mây đặt giữa phòng khách, một chiếc bàn thấp hình chữ nhật phía trên làm bằng kính năm ly. Chàng đặt bàn thờ cha mẹ và gia tộc trong góc phòng. Một phòng ngủ và phòng làm việc của chàng. Thuý Vi và Trường quen nhau trong một đêm nàng đến câu lạc bộ văn học. Đêm đó, người ta giới thiệu về thơ của chàng. Tập thơ “Trăng Và Em” đã khiến tên tuổi chàng nổi bật và gây chú ý của rất nhiều văn nghệ sĩ và những người yêu thơ. Thuý Vi không biết làm thơ, nhưng khi đọc thơ chàng đăng trên các báo lòng nàng rung động, cảm xúc. Nàng cũng như bao nhiêu người khác ngưỡng mộ chàng và mong được làm quen với một nhà thơ có tài. Chàng đọc thơ bằng giọng trầm buồn, dáng dấp nghệ sĩ và đôi mắt hơi sâu, đa tình làm Thuý Vi cảm mến. Nhiều người vây quanh chàng, và nhất là các cô gái muốn mua sách có chữ ký của chàng. Gần nửa đêm, khi mọi người ra về, Thuý Vi đang đứng đón xích lô, thì gặp chàng đang đẩy chiếc xe honda ra về. Chàng quay lại nhìn nàng mỉm cười. Nàng cười đáp lại và nói:

- Tôi đã đọc thơ anh trên các báo. Tôi thích nhất bài thơ “Yêu Em”.

- Cô đến đây xem tôi giới thiệu thơ?

- Tôi đến đây mỗi khi có những buổi hoà nhạc, hay giới thiệu văn thơ, nhạc mới.

- Cô yêu văn học, nghệ thuật?

- Không có nó thì cuộc đời nầy mất hết ý nghĩa. Không có thơ, văn và nhạc thì tư tưởng tình cảm con người sẽ xơ cứng, tẻ nhạt.

- Nhiều người không nghĩ như cô. Họ nghĩ văn chương thi phú chỉ dành cho những người nhàn rỗi.

- Nếu không có ai viết văn, làm thơ thì nền văn hoá của xứ xở đó sẽ suy tàn. Bởi họ là những người nhạy cảm nhất. Họ ghi lại hình ảnh xã hội, lịch sử qua cảm xúc và lăng kính đặc biệt của họ.

- Nhưng những nhà sử học và khoa học xã hội đã nói thay cả rồi thì sao?

- Theo tôi, văn học có chức năng riêng của nó mà không có một bộ môn nào có thể thay thế. Bởi văn học tạo được cảm xúc, gởi lại cho người đời sau những tư tưởng dự báo tương lai, hay một biến cố lịch sử và số phận con người. Đọc một tác phẩm có giá trị, chúng ta có thể tìm thấy được nền văn hoá của cả một thế hệ.

Trường ngạc nhiên khi nghe một cô gái lạ, trẻ tuổi, bình phẩm về văn học. Chàng nói với vẻ thán phục:

- Cô khá đặc biệt. Thật hân hạnh quen với cô. Nếu có dịp tôi sẽ mời cô đi nghe những buổi hoà nhạc, ra mắt sách tại các câu lạc bộ.

- Cảm ơn anh. Đi với một người con gái bình thường như tôi anh sẽ chán lắm!

- Cô không đến nỗi làm cho tôi chán đâu. Cô về đâu, tôi cho cô quá giang một đoạn đường.

- Cảm ơn anh. Tôi có thể đón xích lô về được mà.

- Cô đừng ngại, đi với tôi an toàn hơn. Nhớ đừng đi đâu một mình vào ban đêm. Không tốt đâu.

Đêm đó, Trường đưa nàng về nhà. Từ đó, chàng đã trở thành người bạn thân thiết của nàng. Rồi thời gian cứ trôi đi, tình yêu cứ lớn dần lên. Gia đình nàng không muốn nàng ở lại Việt Nam nên luôn khuyên nàng đừng quá thân mật với Trường. Chàng cảm nhận điều ấy, và đau khổ một mình...

 

*****

Thuý Vi thay nhiều bộ quần áo khác nhau, nàng nhìn mình trong gương. Nàng không biết mình xuất hiện trước mặt chàng trong bộ quần áo màu gì đêm nay. Cuối cùng, nàng chọn bộ quần áo màu lam. Nàng trang điểm nhẹ một lớp phấn và tô lại đôi môi đã bắt đầu khô héo. Mi đã già rồi Thuý Vi ơi! Tuổi xuân đã đi qua và không bao giờ còn trở lại. Khi hoa đã tàn, nhuỵ đã rửa mi trở về tìm lại mảnh tình đã mất để làm chi. Tự mi đã đánh mất nó, mi từ chối tình chàng. Mi đi tìm niềm vui, hạnh phúc khác. Giờ mi trở về cô đơn, bẻ bàng như một con chim bị trúng thương. Cho dù chàng có lấy ai, yêu ai, mi cũng đâu có quyền đòi hỏi. Mi cũng không còn được phép lựa chọn chàng như ngày xưa. Đừng kiêu ngạo, và cho rằng bất cứ người đàn ông nào mi muốn, là mi phải được. Suy nghĩ bâng quơ một mình, và cuối cùng, nàng rời khách sạn, đón taxi đến nhà Trường. Người lái xe taxi trẻ tuổi, vui tính, kể cho nàng nghe chuyện Sài Gòn có những cô gái dưới tuổi vị thành niên bán trinh cho ngoại quốc. Anh ta chỉ cho nàng thấy những khu phố dài của người Đại Hàn đóng đô, làm chủ cả đất lẫn người. Các cô gái Việt Nam bây giờ sẵn sàng cởi truồng cho bọn Đại Hàn, Đài Loan... ngắm, sờ, bóp để được chọn làm người tình trăm năm. Nhiều ông già Việt Kiều răng không còn một chiếc, thở không ra hơi, nhưng có tiền cũng muốn thi đua thời vận với bọn Đại Hàn. Nhiều ông là quan chức của chế độ cũ, giờ trở lại Sài Gòn thấy cái gì cũng mới, cũng rẻ nên thèm và bỏ một chút tiền ra mua của trời cho. Họ mua đủ thứ thượng vàng hạ cám mà không sợ bị dính sida. Có thể, các ông nghĩ rằng về chơi một lần rồi ra nghĩa địa nằm cho sướng. Anh tài xế cứ nói, cứ cười. Giọng cười người Sài Gòn thoải mái mà sao Thuý Vi có cảm giác chua chát, mỉa mai, khinh mạt đến xót xa cả lòng. Sài Gòn có những hộp đêm, quán bia ôm, cà phê ôm, trà đá ôm... cái gì cũng ôm. Chỉ cần có trong túi một ít tiền là có tất cả. Anh ta hỏi nàng có đi nhảy đầm không, ở đây nhiều trung tâm ca nhạc có sàn nhảy rất rộng lớn. Nàng cười cảm ơn. Anh ta cười dòn tan nói rằng nàng chết nhát. Nếu không biết nhảy đầm thì vũ trường có bán thuốc “lắc”. Cứ làm một viên là “lắc” tới sáng, “lắc” mệt xỉu cho đáng mặt là kẻ biết ăn chơi và có tiền. Mọi người cứ ăn chơi và ngủ yên. Đừng quan tâm gì đến các ông nhà nước, đã có Đảng chăm sóc cho mọi người... Anh ta lại cười sặc sụa như một kẻ thất chí. Chiếc xe chạy loanh quanh trong thành phố, và cuối cùng dừng lại trước cổng nhà của Trường. Nàng trả tiền xe và không quên tặng cho anh tài xế một chút tiền lì xì Tết. Nụ cười anh rạng rỡ. Anh đưa đồng tiền đô-la xanh xanh lên môi hôn chùn chụt và hét to: “Đô-la muôn năm. Đâu có ai chê tiền đô phải không cô? Cán bộ ghét Mỹ nhưng mê tiền đô hơn cả yêu tổ quốc”. Người tài xế đóng mạnh cửa xe và khật khưởng hát một bản tình ca của người Mỹ ca ngợi đồng tiền. Thuý Vi nghe anh lẩm bẩm “If you don’t have money, nobody loves you...y...o..u..uu”. Nàng bật cười một mình và thầm nghĩ “anh ta đúng là một gã điên khùng thời cuộc”.

Nàng mở cổng bước vào, trước sân nhà Trường cây mai chớm nụ, dáng mai gầy, thanh mảnh, từng chùm hoa vàng tươi đan kết nhau tạo thành nét đài các, tao nhả và duyên dáng. Căn nhà cửa đóng kín. Thuý Vi bước lên thềm nhà, một thỏi son của ai đó nằm trên cửa ra vào. Nàng cúi xuống nhặt lên. Có ai trong nhà Trường hay có một người đàn bà nào vừa mới đi ra. Họ đã ở đây với chàng bao lâu? Chàng không mong chờ nàng trở về ư? Ngoài Lục Vi, chàng còn ai thân thiết hơn? Chàng luôn quan tâm đến người đàn bà nầy. Một nữ sĩ lỗi lạc, một con thiêu thân. Một người khá quyến rũ và gợi cảm. Thuý Vi luôn ghen tức với Lục Vi khi cô ta xuất hiện bên cạnh Trường. Cô ta cao ngạo, tự tin, yêu đời và bất cần dư luận. Hình ảnh Lục Vi của hai mươi mấy năm xưa như còn quanh quẩn trong ký ức nàng. Nhiều lần, Thuý Vi thấy Lục Vi cặp tay nhà phê bình già đáng tuổi cha mình; ngày mai, thấy cô ta cười cợt với một nhà văn khác, một thi sĩ, một nhà báo, một tổng biên tập, nhạc sĩ nỗi tiếng... Những lời đồn đãi về cô ta thật tồi tệ “cô ta có thể ăn ngủ với bất cứ ai để được lăng-xê. Làm thơ thì dỡ làm tình thì hay”. Có người còn nói rằng trong làng văn thơ cũng mua thần, bán thánh. Nếu không có thế lực, có ô dù thì phải chịu chơi. Ai chịu chơi thì tiếng tăm sẽ lừng lẫy... tốt có, xấu có... nhưng được công chúng biết đến. Thuý Vi cũng cảm nhận tình yêu Lục Vi dành cho Trường. Cô ta bám theo Trường đến mức Thuý Vi thấy ngượng và không muốn gặp chàng. Nàng còn nhớ đêm chia tay với Trường, cũng vào một đêm xuân như hôm nay, trong căn nhà ấm cúng của chàng....

...Trường ngồi một mình trong căn nhà lạnh vắng. Quyển sách viết dở dang nằm trên bàn. Ngọn gió xuân của những ngày giáp Tết lùa qua song cửa sổ mang theo một mùi hương cây cỏ. Chàng không thể viết tiếp. Cây bút trên tay rơi xuống đất nằm lăn lóc trên sàn nhà. Lòng chàng ngổn ngang bao nỗi buồn khi hay tin Thuý Vi sẽ rời khỏi Việt Nam. Điện thoại vang lên từng hồi, Trường nhấc máy, giọng chàng nửa mừng nửa lo:

- Helo! Em đó hả? Muốn đến thăm anh sao?

- Anh còn thức phải không? Anh đang làm gì?

- Không làm gì cả. Đang nghĩ về em.

- Em muốn đến thăm anh đêm nay.

Giọng Trường run run, chàng không tin vào tai mình:

- Anh sẽ chờ em.

Thuý Vi xuất hiện trong chiếc áo màu tím nhạt. Tóc nàng cắt thật ngắn, gợn sóng, ôm gọn khuôn mặt đầy đặn. Nàng ngồi trên chiếc ghế quen thuộc, mắt nhìn xa xăm vào bầu trời đêm:

- Em đến đây lần sau cùng để từ giả anh. Gia đình em sẽ rời Việt Nam trong tuần sau.

- Em không buồn khi xa anh?

- Buồn. Nhưng ở đây buồn hơn. Em sẽ chết dần mòn trong sự mong đợi. Chết dần mòn trong cuộc sống không có tương lai, mơ ước gì cả – Thuý Vi dừng lại một lát rồi thở dài – Anh không thấy sao. Chữ nghĩa không hái ra tiền. Tim óc bán đi không mua nỗi một chén cơm.

- Ừ! Thì em đi đi. Anh không thể giữ em ở lại. Anh biết em mệt mỏi, chán nản với cuộc sống tù túng ở đây. Em muốn đi tìm tương lai, hạnh phúc cho em. Anh mừng.

Trường nói mà tim chàng như muốn tan ra thành ngàn mảnh vụn. Nàng đi rồi những ngày trời Sài Gòn mưa bay, còn ai bên chàng để tâm sự. Nàng đi rồi những ngày Noel còn ai bên chàng đến nhà thờ nghe hồi chuông giáo đường nhà thờ Đức Bà lảnh lót, ngân nga lúc nửa đêm. Nàng đi, những ngày Tết ai sẽ cùng chàng đi chợ Tết mua hoa cúc, hoa thọ, hoa mai... Ai sẽ cùng chàng ngồi bên hiên nhà để nghe tiếng pháo giao thừa nửa đêm rộn rã. Trường muốn van xin nàng đừng đi, ít nhất trong lúc nầy khi cuộc sống chàng quá nhiều xáo trộn, nhiều nỗi buồn và suy tư. Chàng sẽ nhớ nàng đến khô héo như chiếc lá cuối đông. Nhưng nàng ở lại, chàng sẽ làm gì để tạo cho nàng có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc. Đồng lương phóng viên, những bài thơ vơ vẩn, những bài văn không mang lại chén cơm manh áo của đời thường. Thuý Vi ơi! Em đâu có biết những đêm không ngủ anh vẫn nghĩ về em. Sao em cứ nghĩ chuyện ra đi. Bên anh, em không thấy vui và hạnh phúc sao? Em có yêu anh không? Bao nhiêu năm bên nhau như hình với bóng, sao em vẫn lặng yên không nói gì? Em thật thánh thiện, tốt bụng như một thiên thần. Nhưng em lạnh lùng, thờ ơ như một tảng đá trước mọi sự săn đón của chàng trai si tình như anh. Mình quen nhau bao lâu rồi hở em? Năm năm rồi Thuý Vi. Năm năm bên nhau trên khắp nẻo đường Sài Gòn, tuổi đời càng chồng chất, anh càng yêu em như một gã dại khờ, ngu muội và ngốc nhếch.  Chàng chợt thở dài:

- Anh sẽ buồn và sẽ chết khô.

- Rồi anh cũng sẽ quên em. Bên anh luôn có những người đàn bà vây quanh.

- Sao em hay nói với anh những lời vô tình - Chàng trách.

Chàng luôn nghĩ Thuý Vi lạnh lùng, vô tình. Nhưng nhiều lúc bên nàng mà hồn chàng ở phương trời nào đó. Chàng đắm chìm trong suy tưởng, đam mê và thả hồn vào một cõi mơ hồ, xa xăm không có hình bóng nàng bên cạnh. Chàng sống cho những quyển tiểu thuyết, những bài thơ tình cháy bỏng, những  cuộc hẹn hò với những người con gái mới quen, và những người chưa quen. Chàng luôn bận rộn với cuộc sống của một nghệ sĩ. Chàng đâu hiểu rằng nàng cần có chàng bên cạnh. Thuý Vi nhìn vào mắt Trường và hỏi:

- Anh có một thế giới riêng với nhiều người phụ nữ. Hơn nữa, bên anh còn một người yêu anh nhiều hơn em.

- Em muốn nói đến Lục Vi?

- Cô ta yêu anh say đắm.

- Sao em biết?

- Em không phải là người ngốc nghếch. Em cảm nhận điều đó từ khi gặp Lục Vi lần đầu trong nhà anh. 

- Cô ấy vừa đến đây?

Lời chàng như một gáo nước lạnh tạt vào mặt nàng. Thuý Vi bực tức hỏi:

- Lại nhờ anh sửa thơ giùm phải không? Anh có điền vào chổ trống... cho cô ta không?

- Anh chỉ là người bạn của Lục Vi. Em cũng biết, anh không hề yêu cô ấy.

- Chỉ cần anh đưa tay ra, cô ta có thể ngã ngay vào lòng anh.

Đàn bà thật nhạy cảm. Thuý Vi biết Lục Vi yêu chàng cuồng nhiệt. Chàng nhớ lại cách đây vài phút, trong căn phòng nầy, Lục Vi đang ngồi trên chiếc ghế mây đối diện với chàng. Chiếc áo màu cam cổ lật để lộ phần trên đôi ngực trần tròn đầy, gợi cảm. Khuôn mặt trang điểm khéo léo và khoé môi đa tình của nàng luôn mời mọc, gợi tình đối với đàn ông. Lục Vi thường đến đây thăm chàng hơn Thuý Vi. Thuý Vi có vẻ e dè, kín đáo và ít khi đến thăm chàng vào ban đêm. Nàng nói rằng nàng sợ... Lục Vi lại khác, Lục Vi đến bất cứ lúc nào nàng muốn. Đêm nay, Lục Vi đến gõ cửa nhà chàng thật sớm. Trường hơi bất ngờ nhưng vốn hiền hoà, dễ tính nên chàng đón Lục Vi rất ân cần. Lục Vi lớn hơn Trường mười tuổi. Nàng có một đời chồng, không con cái, và đã li dị. Cuộc sống của nàng như dề lục bình trôi theo dòng nước. Trường hỏi:

- Lục Vi đến thăm tôi có chuyện gì phải không?

- Biết anh buồn nên đến đây chia sẻ. Lục Vi biết Thuý Vi sẽ rời Việt Nam trong nay mai.

- Chuyện đó có liên quan gì đến Lục Vi không?

Lục Vi mỉm cười. Nét mặt nàng trở nên đăm chiêu:

- Dĩ nhiên. Lục Vi biết anh yêu cô ấy. Nhưng cô gái con nhà giàu không bao giờ muốn lấy chồng văn thi sĩ.

Thấy Trường im lặng, Lục Vi tiếp:

- Lục Vi hiểu anh rất đau khổ. Nhưng cuộc tình nào rồi cũng có đoạn kết của nó. Sao anh còn hy vọng với một người đã muốn rời xa anh vĩnh viễn.

- Lục Vi à! Trái tim có lý lẽ riêng của nó. Yêu là không tính toán, không cân đong, đo đếm. Tôi muốn Thuý Vi ra đi để tìm hạnh phúc mà nàng mơ ước.

- Anh bi quan quá! Nhưng thôi, Lục Vi không có quyền gợi lại vết thương lòng của anh – Im lặng một lát như muốn dò xét thái độ của Trường, Lục Vi bắt đầu tấn công – Anh Trường, em muốn ở lại đây đêm nay với anh.

Trường nhíu mày và ngạc nhiên:

- Thật vậy sao?

Ánh mắt nồng nàn của Lục Vi chiếu thẳng vào mặt anh:

- Sao anh vô tình quá vậy anh Trường. Biết bao người đàn ông vây quanh em. Còn anh thì lạnh như một tảng băng. Em không xứng đáng cho anh một lần sao.

Trường chưa kịp phản ứng thì Lục Vi đã tiến sát bên chàng. Trường cảm nhận được mùi thơm từ mái tóc và da thịt nàng phả vào mặt. Nàng đặt hai bàn tay mềm mại trên vai chàng và từ từ vuốt lên mái tóc dày, đen của chàng. Giọng nàng quyến rũ và gợi tình:

- Em muốn yêu anh đêm nay. Đừng từ chối nha Trường.

Lục Vi khoé léo ngồi trên hai đùi của chàng. Trường chết cứng trên ghế, chàng muốn đẩy nàng ra, nhưng tay chân chàng cứng đờ. Chàng có cảm giác một ma lực, quyến rũ, khiêu gợi do bản năng trời sinh của người đàn ông thức dậy. Chàng không còn điều khiển được bản thân. Chàng im lặng đón nhận những nụ hôn nồng say của Lục Vi. Lục Vi áp má vào tóc, trán chàng, và môi nàng hé mở dừng lại trên môi chàng. Nàng hôn chàng say đắm, cuồng nhiệt, thèm khát và dữ dội. Trường mê đi, chàng cố sức đẩy nàng ra, nhưng cảm giác ngây ngất, khoái cảm lâng lâng đã đưa chàng vào trạng thái lạ lùng và bất lực. Chiếc áo chàng đã bị cởi tung ra. Lục Vi cứ lần lượt trút bỏ hết quần áo và nàng vùi đầu chàng vào ngực mình. Trường bỗng tỉnh giấc cơn mê. Chàng biết giông bão sẽ nổi lên nếu chàng có quan hệ sâu đậm với nàng. Chàng đẩy nàng ra, ú ớ:

- Đừng Lục Vi. Bao nhiêu đó đủ rồi. Tôi... tôi... – Giọng Trường đứt quảng.

Lục Vi bất ngờ bị đẩy ra. Nàng vụt đứng lên nhìn Trường trân trối. Nàng ngỡ ngàng, mặt đỏ bừng. Nàng vội vàng cúi xuống nhặt áo quần lên mặc vào, và bực tức nói:

- Anh đạo đức giả. Tôi biết anh cũng rung cảm nhưng sao anh từ chối.

- Tôi muốn giữ khoảng cách của chúng ta như bao nhiêu năm qua. Tôi quý trọng Lục Vi. Tôi không muốn làm tổn thương đến tình bạn mà tôi đã dành cho Lục Vi.

Mắt nàng vẫn cháy bỏng ngọn lửa tình. Người đàn bà cần tình yêu như một con thiêu thân. Khi muốn thoả mãn lòng tự ái và muốn chinh phục người đàn ông, họ sẽ tìm đủ mọi lý lẽ, mọi cách để săn đón, đưa đẩy, quyến rũ. Họ có thể dâng hiến tất cả để đạt được mục đính, chiếm đoạt và sở hữu cho riêng mình. Lục Vi yêu Trường tha thiết và vô vọng. Nàng biết chàng trẻ, đẹp, có tài, và là đối tượng của nhiều cô gái Sài Gòn. Nàng là người đàn bà đã có quá khứ, bướm ong qua lại nhiều cũng đã tả tơi. Bây giờ, có còn ai thực sự yêu nàng? Có còn ai thương tưởng đến một đoá hoa đã dập nát, rơi rụng tơi bời trước gió? Bên cạnh Trường còn có Thuý Vi, một cô gái học thức, con của một thương gia giàu có. Trường luôn dành cho Thuý Vi một tình cảm đặc biệt. Trường khác với những người đàn ông Lục Vi đã từng gặp. Chàng đứng đắn và cư xử với nàng có chừng mực, không cợt nhả, không khinh rẻ, không tỏ thái độ ham muốn như những người tự cho mình là ngọn hải đăng mà tư cách thì rất tầm thường. Chàng đơn giản là vậy, cao thượng là vậy. Dù biết tình yêu vô vọng, Lục Vi vẫn yêu chàng, cuồng say, mê muội, hy vọng và luôn chờ đợi. Và đêm nay, nàng đã thất bại chua cay. Chàng đã từ chối những gì nàng muốn hiến dâng. Lục Vi thở dài:

- Anh có biết là Lục Vi yêu anh đến điên cuồng không? Chỉ cần một lời nói của anh cũng làm cho Lục Vi vui sướng, hạnh phúc. Chưa bao giờ có một người đàn ông nào từ chối... trừ anh ra – Giọng nàng trở nên cay đắng và hờn dỗi – Em chỉ là một đoá hoa tàn. Có đáng gì đâu phải không?

Người đàn bà bị từ chối tình yêu đã gục xuống bàn khóc nức nở.

- Lục Vi đừng giận tôi. Tôi rất thương mến Lục Vi nên tôi không thể lợi dụng thân xác của Lục Vi. Đừng buồn và trách tôi.

Lục Vi lau vội nước mắt, nàng đứng lên và từ giả:

- Em về. Cảm ơn những lời vàng ngọc của anh.

Tiển nàng ra cửa, Trường an ủi:

- Mình vẫn là bạn của nhau phải không?

Nàng gượng cười. Nụ cười khổ đau, héo hắc như con thú bị thương. Nàng chạy ra sân, chiếc bóng thường ngày kiêu hãnh, tự tin, bất cần đời đêm nay nghiêng ngã, chao đảo như một chiếc lá rơi...

... Tiếng nói Thuý Vi vang lên làm dòng suy tư của anh đứt đoạn:

- Sao anh không trả lời em. Bà ta đến đây như cơm bửa.

Trường nói như thanh minh:

- Anh là văn nghệ sĩ mà em. Anh quan hệ rộng và nhiều bạn bè. Nhưng không phải ai yêu mình là mình yêu lại.

- Ha! Nói nghe hay quá ha!.. –Thuý Vi nhạo báng chàng.

Cặp chân mày nàng nhíu lại, cơn giận chợt bùng lên khi nàng thấy trên má phải của Trường một vết son môi màu hồng còn in rõ. Nàng gặn hỏi:

- Bà ta và anh đã làm gì?

Trường đỏ mặt, lúng túng chưa nói thành lời thì Thuý Vi tiếp:

- Âu yếm nhau, làm tình... đúng không? Đó là sở trường của nữ sĩ Lục Vi. Ai cũng biết. Anh đã để cho bà ta mượn hồn, mượn xác để đánh bóng tên tuổi. Em không ngờ anh cũng giống cái đám văn nghệ sĩ tồi bại kia.

Trường cố phân trần:

- Em đừng có mắng anh. Oan cho anh. Anh đâu có làm gì...

- Vậy vết son trên má anh. Bà ta đã hôn anh có đúng không?

Thấy Trường im lặng xác nhận. Mắt Thuý Vi tối sầm lại. Nàng muốn gục xuống che giấu đi sự ghen hờn và tức giận. Trường không bao giờ là của mình. Chàng là ai nàng cũng không hiểu nỗi. Những ngày bên nhau chia sẻ vui buồn. Ánh mắt nụ cười, giọng nói, vóc dáng chàng đã in vào tim nàng mất rồi. Nhưng bên ngoài nàng luôn tỏ ra xa lạ, thờ ơ và giữ một khoảng cách nhất định. Cũng tại mình thôi, trách ai, yêu mà không nói, và chàng cũng lặng thầm để con tim ướt lệ. Có thể vì gia đình nàng quá cao sang mà chàng sợ với tay không tới. Cuối cùng thì nàng cũng phải ra đi vì gia đình muốn nàng có tương lai. Nàng có quyền gì trách mắng chàng. Nàng có ở lại đây để cùng chàng đi cho hết đoạn đường tình? Sao lại ích kỷ bắt chàng phải tôn thờ một hình bóng đang vuột khỏi tầm tay chàng. Ai đau hơn ai? Kẻ ở lại hay người ra đi? Thuý Vi chợt hối hận. Nàng bình tâm lại, và cúi đầu nói nhỏ:

- Em đâu có mang lại cho anh niềm vui. Em không có quyền bắt anh phải sống vì em. Đêm nay, em đến để chia tay anh lần sau cùng. Rồi chúng mình không còn gặp lại nhau nữa. Xin anh đừng buồn và đừng nuối tiếc.

Như sợ mình không còn tự chủ, Thuý Vi đã đứng lên:

- Em phải về ngay bây giờ vì còn lo nhiều việc. Chúc anh ở lại hạnh phúc.

- Thuý Vi! Anh yêu em! Anh không muốn mất em. Đừng đi bỏ anh.

Tiếng kêu thương đã khiến nàng mềm lòng. Trường tiến về phía nàng, hai cánh tay chàng ôm gọn bờ vai nàng. Đôi mắt chàng mơ màng, đắm đuối. Chàng ghì nàng vào lòng, đôi môi nóng bỏng của chàng ngọt ngào, rạo rực trao nàng những nụ hôn. Lần đầu tiên và cũng là lần sau cùng, cả hai đã trao nhau những nụ hôn chia tay đầy mật ngọt, pha lẫn nỗi đau khổ và cay đắng...

 

*****

... Thuý Vi định quay lưng bước ra đường thì cánh cửa bật mở. Nàng bỗng lặng người, bâng khuâng khi nghe bản tình ca văng vẳng vang lên tha thiết: “Mười năm ta xa em. Tóc xanh buồn chớm bạc. Nhớ thương em từng ngày. Biển tình như ghềnh thác. Rồi một sớm mùa xuân. Em như cơn gió lộng. Thổi tình yêu mênh mông. Cho thuyền ra biển rộng. Hết một đời long đong. Ta yêu người trăm năm...” Bóng Trường sừng sửng bên thềm. Vóc dáng cao, gầy của chàng hiện rõ dưới ánh đèn. Giọng chàng run run xúc động:

- Sao em không muốn vào nhà? Anh chờ em đã lâu lắm rồi... hơn hai mươi năm rồi còn gì.

Thuý Vi đứng lặng người trước những lời trách móc thân thuộc của chàng. Bao nghi ngờ ghen hờn tan biến, chỉ còn lại trong tim nàng một nỗi thương nhớ ngút ngàn. Nàng thản thốt hỏi:

- Bản tình ca vừa rồi là bài thơ anh đã tặng cho em. Có thật anh đang chờ đợi em không?

- Không chờ em thì chờ ai?

Thuý Vi lặng lẽ tiến về phía chàng, nàng đưa cây son môi lên cao và hỏi:

- Cây son nầy của ai? Của Lục Vi hay của người con gái nào khác?

Trường bước xuống thềm, đôi mắt chàng đắm đuối nhìn nàng. Giọng chàng tha thiết, ngọt ngào rót vào tai nàng những lời êm đềm:

- Lạ thật, em bỏ anh đi thật xa đến nửa vòng trái đất. Em làm gì bên kia trời Âu anh không thắc mắc, hỏi han. Chỉ một thỏi son rơi trên thềm nhà anh, em cũng ghen, ghen và ghen... em vẫn còn trẻ con như xưa.

Thuý Vi đỏ mặt, nàng chợt bật cười trước câu nói của Trường. Không chờ nàng trả lời, chàng ôm nàng vào lòng, hôn lên mắt, lên tóc, lên môi nàng. Nàng chơi vơi trong nụ hôn cháy bỏng của chàng. Mùi đàn ông quyện chặt vào da thịt nàng đến ngây ngất. Chàng thì thầm bên tai nàng:

- Dù em làm gì, đi đâu? Hay cuộc đời em là những mảnh vụn, tan vỡ. Em vẫn mãi mãi là Thuý Vi của anh muôn thuở... Em về đúng vào dịp Tết. Anh vui quá! Vậy là mình sẽ cùng nhau đón giao thừa. Em còn nhớ những đêm giao thừa ngày xưa không?

Thuý Vi vui sướng, cảm động đến rơi nước mắt:

- Nhớ. Em nhớ hình như mới hôm qua thôi. Ở Hoa Kỳ, những ngày xuân trôi đi lặng lẽ. Em luôn nghĩ đến anh và tự hỏi “không biết Tết anh đang làm gì?”

Chàng nâng khuôn mặt nàng lên thật gần và trách khẻ:

- Nhớ nhưng không muốn trở về.

- Tại em nghĩ anh đã có người đàn bà khác.

- Ai dám yêu một nghệ sĩ nghèo như anh?

- Còn Lục Vi thì sao”

Trường lặng yên một lúc rồi khẻ nói:

- Em đừng có ghen với Lục Vi. Cô ấy đáng thương hơn là khinh ghét. Ai cũng có số phận, làm sao mình có thể định đoạt số phận cho mình. Người ta cho rằng cô ấy háo danh. Nhưng có biết bao người bon chen bằng nhiều cách để mua danh? Chiến trường nào cũng có băng đảng, phe nhóm và lòng đố kị. Em nghĩ xem, báo chí, đài truyền thanh, truyền hình là độc quyền của kẻ chiến thắng. Làm gì cũng phải trả giá. Người miền Nam có tài cũng khó thành công, khó len lỏi vào được. Mặc khác, một bài đăng có nhuận bút thì người ta đã tranh nhau kiếm ăn hết rồi. Đất nước nầy biết bao điều cần phải nói. Bởi vậy, anh thông cảm cho Lục Vi hơn khinh ghét. Suốt thời gian em đi xa, Lục Vi là người an ủi anh rất nhiều.

- À! Lại rào đón – Thuý Vi bực mình gắt gỏng.

- Anh không biện minh cho anh hay cho Lục Vi. Anh có thể lăng nhăng với ai cũng được, trừ cô ấy. Anh không muốn xoá đi ấn tượng tốt mà cô ấy dành cho anh. Thế thôi. Và em có biết không?

- Biết cái cóc khô gì? Nói đi...hừ...ừ...

- Lục Vi bị bịnh ung thư ở giai đoạn cuối cùng. Bác sĩ đã lắc đầu rồi em à! Thật là tội nghiệp.

Thuý Vi giật mình. Bao nhiêu sự ghen ghét bỗng chốc tan nhanh trong lòng nàng. Thuý Vi cảm thấy hối hận, và xót thương khi biết người đàn bà làm mưa, làm gió một thời, giờ đây mang bịnh hiểm nghèo không còn cơ hội sống sót. Nàng nói như tạ lỗi:

- Anh à! Em thiệt là bậy bạ. Em ghen điên, ghen khùng nên em đã bỏ anh ra đi. Rồi bây giờ vẫn cứ ghen. Ghen xấu quá hả anh? Tha lỗi cho em nha! Mai anh đưa em đến thăm chị Lục Vi! Em sẽ xin lỗi chị ấy. À! Anh cũng đi biểu tình chống Trung Cộng chiếm đảo Hoàng Sa và Trường Sa nữa sao? Buổi sáng nay có nhiều người bị công an bắt.

Rồi Nàng kể lại vắn tắt mọi việc xảy ra trong quán Trùng Dương. Trường hôn lên mái tóc nàng nói:

- Ừ! Trước cơn biến động của đất nước làm sao mình ngồi yên. Dù có bị tan xương, nát thịt cũng phải bảo vệ bờ cõi Việt Nam. Anh cũng biết vì yêu quê hương mà năm nay em trở về.

- Em trở về vì thấy hình anh và bài của anh đăng trên các báo chí và website hải ngoại. Em tự hào về anh. Anh vẫn như xưa, biết yêu và ghét, biết trân trọng những giá trị căn bản của con người. Nhưng anh ơi! đất nước nầy đâu cần những người như anh, như em, như những ai muốn giang sơn, gấm vóc nầy phồn thịnh, giàu mạnh như các nước khác. Hơn nửa thế kỷ, họ quanh quẩn với ảo tưởng và họ sống trong huyền thoại, huyển hoặc để xây dựng quyền lực. Em chỉ còn muốn có anh thôi. Em không còn muốn nghĩ đến những điều gì đang xảy ra trên quê hương mình. Em muốn ngủ quên trên số phận dân tộc như những người khác – Thuý Vi ngước mắt nhìn Trường và tiếp – Em sẽ không bao giờ rời xa anh nữa. Em đã điên một lần rồi. Em không muốn mất anh lần thứ hai. Em sẽ mang anh theo với em.

Trường bật lên tiếng cười dòn tan:

- Cột anh vào máy bay được sao?

- Em sẽ biến anh thành con diều!

- Anh sẽ bay theo em.

- Xuống âm phủ cũng theo há!

- Được sống bên em là anh hạnh phúc nhất đời rồi.

Cả hai cùng cười. Nàng nép đầu vào đôi vai rộng của chàng. Đêm Sài Gòn mát dịu, âm thanh của những ngày giáp Tết ào vỡ, nhộn nhịp, rộn ràng. Những âm thanh quen thuộc đó bỗng thân thiết, đáng yêu biết bao, thiêng liêng biết bao. Nàng đan những ngón tay trên tóc chàng. Đôi mắt chàng đêm nay long lanh như những vì sao trên trời cao. Nàng đâu hiểu rằng Trường còn đang dấn thân vào một chặng đường mới đầy chông gai, nghiệt ngã. Và số phận của chàng phải gắn liền với số phận bao người trên mảnh đất thân yêu mang tên Sài Gòn yêu dấu.

 

Phong Thu
Maryland, 19/1/2008 

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

- Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

- Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA - DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.