.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Phong Thu

Cành hoa trước gió

Lời người viết: Anh Thạnh đã đi thật rồi sao? Lệ Châu ơi! Chị đừng khóc nữa. Tôi viết cho chị những lời thương mến, để an ủi,chia sẻ nỗi mất mát quá lớn trong cuộc đời của chị, mà sao nước mắt tôi cứ chảy quanh. Xin gởi lại đây những dòng tưởng niệm để nhớ đến anh, một người anh hùng vô danh đã vì nước quên mình. Tôi cũng trân trọng gởi đến chị lòng ngưỡng mộ của tôi về nghị lực, lòng can đảm, thủy chung của chị đối với người chồng bạc mệnh. Nơi chân trời mênh mông huyền diệu, anh sẽ không còn đau khổ, vương vấn cõi trần đầy đau thương và nhiều bất trắc. Tôi cầu nguyện cho linh hồn anh được bình yên trong cõi thiên th. Anh là một người tù bị lãng quên cũng như hàng ngàn những người anh hùng khác chết thầm lặng không ai biết và nhớ đến....

 

Ngày rằm, chùa đông nghẹt không còn có chỗ chen chân. Lệ Châu nắm tay tôi len lỏi từng bước. Hơn nửa tiếng đồng hồ chúng tôi mới vào được chánh điện. Lệ Châu lôi trong giỏ ra một bó hoa, một thẻ nhang thơm, hai cây đèn cầy đỏ, một dĩa trái cây và đặt tất cả dưới chân bức tượng Phật lớn sơn màu thếp vàng. Khói nhang từ chiếc lư hương đồng màu đen bay lên mù mịt làm mờ đi ánh sáng của ngọn đèn điện trên trần. Hàng mấy trăm người đứng, quỳ khắp nơi trong chánh điện. Tiếng kinh cầu vang vọng, tiếng gỏ mỏ từng hồi hoà lẫn tiếng nói lao xao làm tôi nghẹt thở. Lệ Châu đốt nhang và lâm râm cầu nguyện. Chị dẫn tôi đi khắp nơi để cắm nhang xuống từng pho tượng đặt xung quanh. Cuối chánh điện, chúng tôi rẽ vào một căn phòng rộng lớn trong đó có rất nhiều bình đựng hài cốt người quá cố. Những chiếc bình bằng sành với nhiều hình dáng khác nhau đặt trên những chiếc kệ bằng gỗ. Tôi quan sát một vòng thấy người chết ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Họ được thân nhân đưa vào đây để linh hồn được thanh thản, bình yên ngày đêm nghe tiếng kinh cầu. Tôi thì thầm vào tai chị:

- Khi em còn ở Việt Nam, chùa không được mở cửa. Nhiều ngôi chùa bị bỏ hoang hoặc bị đập phá. Không ngờ bây giờ chùa xây nhiều và rất khang trang. Người ta đi chùa đông nghẹt, mọi người yêu Phật quá há chị.

Lệ Châu cười:

- Không phải chỉ có dân mà mấy ông cán bộ bây giờ mê tín dị đoan hơn cả dân

Sài Gòn ngày xưa. Họ xem bói toán, xin sâm và cầu nguyện nhiều hơn dân.

Tôi đùa một câu:

- Họ đã quá giàu thì vào chùa để xin cái gì thêm? Hay là chùa cho bớt tội với đất trời?

- Chùa xây nhiều, to, lộng lẫy cũng là một dịch vụ kiếm ăn đó em. Em có nghe ngôi chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng đang gặp nạn không? Chùa càng to nạn càng lớn. Chẳng biết các quan lớn đi chùa nhiều để tịnh tâm, tu đạo, kiềm hãm dục vọng hay họ muốn gì. Có thể muốn cho giàu hơn, ngồi cái ghế đó lâu hơn. Và cũng có thể cầu nguyện cho kẻ thù của họ mau chết.

Tôi hơi tức cười về câu nói đầy ngụ ý của chị. Nhìn quanh căn phòng chứa đầy hài cốt người chết, tôi hơi sợ nên hỏi:

- Chùa thờ nhiều hài cốt như vậy mai mốt đâu còn chỗ để thờ.

Lệ Châu buồn bả thở dài:

- Người ta bây giờ chết lãng xẹt lắm em. Phần lớn là bị xe đụng chết hay bị bịnh kỳ quặc rồi chết non. Em biết chị dẫn em vào đây để thăm ai không?

- Em nghĩ chị thăm các Sư Cô, Sư Bà trong chùa.

- Các Sư cô, Sư Bà bây giờ già yếu và không còn có quyền hành gì trong chùa nầy đâu em. Ngày xưa, thùng tiền cúng hỉ chỉ có một bây giờ mấy chục cái, ở khắp nơi. Thế nhưng các Sư Cô, Sư Bà không có quyền đụng đến. Đã có người của nhà nước lo rồi em.

Lệ Châu nói xong và nhìn tôi một lúc thật lâu. Đôi mắt sáng, to, hơi xếch của chị bây giờ vẫn đẹp và quyến rũ người đối diện. Chị không nói gì thêm nên nắm tay tôi đi sâu vào một góc phòng. Chị dừng lại bên một chiếc bình màu lam có khắc những hoa vân màu ngọc thạch làm nổi bật một cánh hoa cúc màu vàng sậm. Chị sờ tay lên chiếc bình và thì thầm “Hôm nay là ngày giỗ đầu tiên của anh. Em đến để đưa anh đến nơi anh mong ước. Anh thân yêu! Anh ngủ yên và không còn vương vấn gì. Còn em sao cứ mãi ray rức nhớ anh”. Lệ Châu áp chiếc bình lạnh giá vào má và nước mắt chị chảy quanh. Tôi sửng sờ đến lặng người khi biết anh Thạnh chồng chị đã qua đời. Lệ Châu không cho tôi biết hôm nay là ngày giỗ đầu của anh Thạnh. Chị mời tôi đến chơi vì tôi từ Hoa Kỳ về thăm gia đình và hình như chị muốn tôi biết thêm câu chuyện bí ẩn mà đã hơn một phần tư thế kỷ chị chưa hề tiết lộ cùng ai. Tôi và Lệ Châu dạy học chung một trường. Lệ Châu lớn tuổi hơn tôi. Chị dạy ban Sử Địa, còn tôi dạy Văn. Do bản tính vui vẻ và dễ thân thiện, Lệ Châu đã gây cho tôi mối thiện cảm ngay hôm gặp chị lần đầu. Khi tôi về dạy tại trường Hoà Bình, tôi vẫn còn rất trẻ và đơn độc, Lệ Châu đã có gia đình và có một cháu trai. Anh Thạnh làm ở Sài Gòn lâu lâu mới về thăm vợ con. Tôi nhiều lần đến chơi nhưng không bao giờ gặp anh. Một ngày cuối năm, tôi đi chợ gặp chị đi chung với một người đàn ông nhỏ nhắn, khuôn mặt xương xương với làn môi mím chặt. Anh đứng hơi thấp hơn chị. Chị dẫn anh Thạnh đến giới thiệu với tôi. Đó là lần đầu tiên và lần sau cùng tôi gặp anh. Vài tháng sau, cả trường xôn xao báo tin chồng chị bị bắt vì anh tham gia chống chế độ. Chị vào trường mặt ngợt nhạt, tái xanh, đôi mắt buồn rầu sưng húp. Tôi thương chị quá nhưng không biết nói lời gì để an ủi bạn. Những người trong trường ái ngại nhìn chị xầm xì. Riêng tôi vẫn thân thiện và quý mến chị như xưa. Tôi càng gắn bó với chị, cái nhìn của những người xung quanh về tôi không mấy thiện cảm nhất là đối với Ban Giám Hiệu và những người Đảng Viên cầm đầu các ban trong trường. Tôi cóc cần họ. Nhiều lần tôi muốn hỏi thăm về anh Thạnh và những vấn đề xung quanh vụ án của anh. Nhưng Lệ Châu chỉ biết khóc và nói rằng vô vọng, anh có thể bị tử hình, không còn hy vọng anh trở về với vợ con. Người thiếu phụ xinh đẹp, thông minh, hai mươi năm sống cô đơn phòng không chiếc bóng. Tuổi xuân thì của chị héo tàn như một cành hoa trước cơn bão dữ, và nước mắt người thiếu phụ chờ chồng rơi từng đêm như những cơn mưa lũ.

Ngày tôi rời Việt Nam, chị không dám đưa tôi ra sân bay vì sợ liên luỵ. Hai mươi năm tôi trở về nhìn đất nước mà nhiều người cho rằng đã thay đổi. Sự đổi thay tốt hay xấu tuỳ theo góc độ nhìn của mỗi người nông hay cạn. Còn tôi, nhìn những mảnh vườn, ruộng lúa êm ả, tỉnh lặng, thơ mộng đã biến mất khiến lòng tôi bồi hồi luyến tiếc. Nhiều nhà cao tầng mọc lên, đường sá khang trang, đời sống người dân có vẻ sung túc hơn xưa. Nhưng đất nước phát triển trong tình trạng hổn loạn, cảnh giàu nghèo chênh lệch đến nghiệt ngã, lối sống ăn chơi, nhậu nhẹt, và cách làm tiền cũng lắm mưu ma chước quỷ làm tôi ngao ngán. Bàn tay chị lần tìm tay tôi và nắm chặt:

- Đi em. Chị có việc quan trọng phải làm.

Tôi lặng lẽ theo chân chị. Tôi trách:

- Sao chị không báo tin cho em biết là anh Thạnh đã chết?

Lệ Châu nhìn tôi, nước mắt ràn rụa:

- Làm sao chị có thể báo tin cho Trinh được. Em ở xa quá! Nếu em còn ở Việt

Nam thì chị đâu đến nỗi buồn và cô đơn như bây giờ.

- Tại sao anh chết? Chị nói với em rằng anh được ra tù mà.

Chị lau nước mắt bằng một chiếc khăn vuông nhỏ và nói:

- Chị sẽ kể cho em nghe. Bây giờ em ra trước cổng chùa đứng chờ chị. Chị làm vài thủ tục với nhà chùa để đem hài cốt anh đi. Chị sẽ ra gặp em.

Tôi nhìn nét tiều tuỵ, buồn phiền hiện lên trên mặt Lệ Châu và cảm thấy ái ngại. Lệ Châu quay lưng đi. Tôi quan sát mái tóc Lệ Châu ngày xưa dài ngang vai bây giờ ngắn củn cởn và đã bạc quá nữa. Vóc dáng cao lớn, nụ cười duyên dáng của chị đã héo tàn theo thời gian và bao đau khổ. Chồng ở tù hai mươi năm, Lệ Châu vẫn sống một mình nuôi con, thăm nuôi chồng và chờ ngày anh Thạnh trở về. Hai mươi năm xưa khi tôi còn ở Việt Nam, anh Thạnh bị bắt ở tù vị tội chống lại chính sách cải tạo tư sản mại bản, cách ruộng đất và ngăn sông cấm chợ của chính quyền cộng sản. Anh bị kết án hai mươi năm tù giam cùng với một số đồng đội của anh. Người cầm đầu bị án tử hình. Cứ mỗi một nghị quyết, một chính sách sai lầm của nhà nước đưa ra là có một số người chết và tù tội mà không bao giờ có toà án nào minh oan cho họ. Mới đây nhất, hàng loạt luật sư và những trí thức ưu tú bất đồng chính kiến bị bắt bỏ tù vì lên tiếng đòi tự do, dân chủ. Và mấy tháng nay tin tức về một luật sư trẻ, tài năng, linh hoạt có tấm lòng yêu tổ quốc cũng đã bị bắt khẩn cấp và bị đẩy ra khỏi hoạt động của xã hội. Một luật sư khác vì bênh vực cho nhà thờ Thái Bình ở ngoài Bắc cũng đã bị sách nhiễu và gán cho tội ngoại tình. Tôi đọc báo Việt Nam trên liên mạng, tôi thấy chính quyền Việt Nam mở cửa he hé, rồi đóng cửa bất tử làm nhiều người kẹt tay kẹt chân trong tù. Cai trị một quốc gia mà làm việc tùy hứng, tùy thời và tùy theo tình hình thế giới y hệt thời kỳ chiến tranh. Nhưng tệ nhất là những ai sống trong xã hội Việt Nam đều bọc mình trong một lớp vỏ dầy cộm của loài ốc mượn hồn. Tôi đọc hàng trăm tờ báo Việt Nam, và thấy họ lên án những trí thức nghiên cứu, đọc và tham khảo tài liệu nước ngoài. Nổi bật nhất là vụ án luật sư Lê Đình. Ông là một luật sư du học tại Hoa Kỳ và Pháp. Ông mang những kiến thức Tây Âu vào để khai sáng nền luật pháp tối tăm của Việt Nam. Tại sao tham khảo những tư tưởng tiến bộ lại là phản động? Tại sao nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội mở cửa cho sinh viên đi du học lại ngồi xổm trên óc họ để điều khiển. Sự đầu tư tiền của, tim óc của gia đình và bản  thân họ có giúp ích được gì cho đất nước Việt Nam tăm tối, u mê? Đây là sự phá sản lớn nhất, tiêu hao nhiều nhất. Nó là sự hoang phí lớn gấp ngàn lần những vụ tham nhũng của chính quyền Việt Nam từ trước đến nay. Bởi sản phẩm trí tuệ vô giá, nó sẽ là cứu cánh cho cả dân tộc Việt Nam được nhìn thấy ánh sáng văn minh nhân loại, giúp cho đất nước giàu mạnh, thịnh vượng mà không cần phải bò bằng hai tay và hai chân đi ăn mày Tàu hay bất cứ nước Tây Âu nào. Tôi có cảm giác, nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội quen thói ăn mày nên không biết xấu hổ và biết nhục. Nhìn khuôn mặt trẻ trung của vợ luật sư Lê Đình, tôi cảm thấy đau xót. Vì cô là hình ảnh của Lệ Châu bạn tôi hơn hai mươi bốn năm về trước. Số phận người miền Nam được lập lại nguyên bản làm tim tôi bồi hồi rỉ máu, thương xót, đau khổ, căm phẩn và tức giận. Bao nhiêu trạng thái đó bỗng phủ chụp trong tim, óc tôi lúc nầy ngay trong ngôi chùa linh thiêng cổ kính mà tôi thường viếng thăm, thắp hương cầu nguyện. Tôi cầu nguyện đã hơn triệu lần để mong ước đất nước tôi, bạn bè tôi, dân tộc tôi thoát khỏi khổ nạn. Nhưng Phật ở đâu mà dân tộc tôi cứ mãi chìm đắm trong đau khổ, bất hạnh. Tôi nắm chặt hai bàn tay lại. Những cây nhanh đang cháy bỗng gãy ngang rơi xuống đất. Lệ Châu vỗ nhẹ vào vai tôi:

- Em đang nghĩ gì mà bẻ nhang gẫy vụn hết vậy? Sao mặt em xanh lè như đang giận ai.

Tôi nhìn thẳng vào mắt chị:

- Em đang liên tưởng đến những ngày sắp tới của luật sư Lê Đình và vợ anh ấy. Số phận của họ sẽ là bản sao của chị và anh Thạnh. Em đau xót quá!

- Đất nước nầy như vậy đó em. Người ta lập lại tất cả những gì cổ xưa nhất để trị dân. Có vậy mới gọi là cộng sản chớ. Thôi mình đi ra sông nhé!

Chiếc xe gắn máy tróc sơn, củ kỷ, già nua của chị gầm lên, phóng lướt trên con đường Thị Xã dầy đặc xe cộ và bụi mù.

*  *  *  *

Dòng sông Sài Gòn nước đang lên đục ngầu màu phù sa. Những đám lục bình to lớn trôi bềnh bồng xuôi dòng. Những chuyến đò chở khách sang sông vẫn lừ đừ rời bến. Hai bên bờ người dân buôn bán tấp nập, ghe thuyền đậu dọc theo bờ sông. Chị không dừng lại ở bến Bạch Đằng mà chở tôi xuôi về miệt vườn, nơi có một khoảng sông vắng lặng và yên tỉnh. Chị dựng xe dưới một tàng cây hoa bằng lăng đang nở hoa tím nhạt và đem cái bình hài cốt của anh Thạnh đặt trên chiếc khăn vuông màu hoa cà. Chị lấy nhang ra thắp khấn vái. Tôi biết chị đang làm gì nên cũng lặng lẽ thắp nhang van vái anh tha thứ vì sự vô tình của tôi. Người chèo đò đưa chúng tôi ra giữa dòng sông. Dòng sông rộng và nước đang lớn. Mặt trời hắt những cơn nóng gắt, chói chang trên mặt nước lấp lánh ánh bạc. Tôi giúp chị mở một giỏ đầy hoa cúc đủ màu. Chị ngồi trước đầu con thuyền nhỏ, bàn tay chị rãi từng đoá hoa xuống lòng sông. Chị mở nắp bình hài cốt và nói thầm qua tiếng nức nở nghẹn ngào “Em đã thực hiện lời nguyện ước cuối cùng của anh. Bây giờ anh sẽ nằm lại đây dưới dòng sông tuổi thơ. Anh sẽ hoà vào dòng nước, hoà vào phù sa để nuôi dưỡng những mơ ước mà anh ấp ủ trong lòng người dân Việt Nam. Rồi mai đây, em cũng sẽ về với anh. Chúng mình sẽ bơi lội trong dòng nước yêu thương đong đầy những kỷ niệm ngày xưa”.

Bờ vai chị rung lên. Gió sông lao xao, lao xao và nước mắt tôi đã rơi xuống dòng

sông lúc nào không hay.

Người chèo đò nhận tiền tôi tặng rồi lặng lẽ bỏ đi. Lệ Châu vẫn còn ngồi dưới gốc cây dừa lửa. Mắt chị đỏ hoe. Tôi im lặng không muốn khuấy động niềm đau người goá phụ nên kiên nhẫn đứng chờ. Chị nhìn ra dòng sông một lúc thật lâu, đôi mắt xa vắng và câu chuyện hơn một phần tư thế kỷ đã hiện về....

... - Mẹ ơi! Ba về, ba về.

Tiếng reo của bé Tài làm Lệ Châu giật mình. Nàng lau nhanh hai bàn tay vào chiếc khăn treo ở gần bếp và đi nhanh lên nhà. Thạnh đang nhấc bỗng bé Tài lên khỏi đâu và dụi mặt vào bụng thằng bé. Nó cười hăng hắc khoái chí nhưng cũng phụng phịu:

- Ba làm con nhột quá.

Thạnh ôm bé Tài vào lòng và hôn bé liên tục vào má và trán nó. Lệ Châu đứng nhìn hai cha con đùa nghịch, lòng hạnh phúc, sung sướng. Nàng hỏi chồng:

- Hôm nay thứ ba sao anh về sớm vậy. Bộ công ty cho nghĩ phép hả?

- Nhớ em và con nên về thăm.

Thạnh một tay ẳm bé Tài một tay ôm siết vợ vào lòng và hôn nàng. Giọng Thạnh nồng nàn:

- Em hơi gầy và mắt em quầng thâm. Em không ngủ phải không?

Lệ Châu nhìn chồng âu yếm:

- Nhớ anh nên không ngủ ngon. Anh à! Anh xin đổi về đây sống gần em nhé! Em và con nhớ anh quá! Một tuần về thăm em có hai ngày rồi đi. Em buồn quá!

Thạnh dí ngón tay vào mũi vợ:

- Cái tật nhõng nhẽo không bỏ. Anh mà về đây là vợ chồng con cái đói rã ruột. Lương hàng tháng không đủ anh ăn một tuần, lấy đâu nuôi vợ, nuôi con.

- Em cũng đi làm mà.

Thạnh gật đầu và cười lớn:

- Làm giáo viên bây giờ chỉ có ăn phấn thôi cô nương.

- Em có thể đi buôn bán lặt vặt để có thêm thu nhập.

- Anh không muốn em vất vả. Anh làm ở Sài Gòn thu nhập khá hơn. Khi nào dành dụm được một ít tiền, anh sẽ mua nhà và đưa hai mẹ con em về Sài Gòn sống. Dù sao sống gần mặt trời mà đở nóng hơn.

Bửa cơm chiều rộn ràng và vui mỗi khi Thạnh về thăm nhà. Lệ Châu đi chợ mua thêm một ít cá lòng tong kho tiêu và mua thêm ít rau thơm, hai cái trứng chiên. Bửa cơm đạm bạc, nghèo nàn nhưng đầy tiếng cười. Những ngày không có Thạnh ở nhà, Lệ Châu chỉ nấu bo-bo ăn với muối xã ớt, còn cơm và cá để dành cho con. Nàng sợ những ngày không tiền mua bột ngọt, tiêu, đường, dầu để giúp cho bửa cơm thêm ngon miệng. Cái gì cũng thiếu thốn nhưng hầu như không ai dám kêu ca. Đêm đó, bé Tài không chịu ngủ sớm. Nó xí chỗ nằm và chen vào nằm giữa ba mẹ. Một chân nó gát ba, một chân gát mẹ. Nó hết xoay bên nầy rồi đổi bên kia để hôn cho được ba mẹ trước khi nó ngủ thiếp đi, đầu gối trên cánh tay của Thạnh. Đẩy bé Tài sang một bên, Thạnh bắt đầu hôn Lệ Châu. Chàng ghì chặt nàng vào lòng thì thầm:

- Bé Tài lớn nhanh như thổi. Anh mong rằng khi nó lớn lên có thể thay anh chăm sóc cho em.

Lệ Châu ôm ngang lưng Thạnh hỏi nhỏ:

- Tối nay anh nói năng thật lạ. Khi yêu em, anh luôn nói rằng anh sẽ đi theo em suốt cả cuộc đời, phải không?

- Anh vẫn mong ước sẽ lo lắng chăm sóc em suốt đời. Nhưng nếu lở mai sau anh có bề gì thì ai sẽ lo cho con và em?

Lệ Châu nũng nịu dụi đầu vào ngực chồng:

- Sao hôm nay anh nói gì kỳ vậy.

- Nhiều lúc chúng mình mong ước hạnh phúc bên nhau suốt đời nhưng hoàn cảnh nào đó phải xa nhau thì sao?

Lệ chậu ngạc nhiên hỏi:

- Sao lại xa nhau. Không ai có thể làm cho vợ chồng mình chia cắt.

Thạnh chợt nhổm dậy. Cả hai nghe tiếng xe hơi đỗ trước sân và nhiều tiếng chân lao xao. Con chó Ky-Ky sủa vang, tiếp theo là tiếng gỏ cửa khẩn cấp:

- Mở cửa! Mở cửa mau lên.

Bé Tài thức giấc mếu máo khóc. Lệ Châu hốt hoảng khoát vội chiếc áo choàng và bước ra mở cửa. Năm người đàn ông mặc sắc phụ công an, mặt mày đằng đằng sát khí xuất hiện. Một người thấp lùn, mắt nhỏ hất tay ra lịnh:

- Lục soát trong nhà.

Lệ Châu thất kinh hỏi:

- Các ông làm gì mà đêm tối vô nhà tôi lục xét lung tung vậy. Tôi đâu có làm gì sai trái.

Giọng ông ta đanh lại:

- Chồng bà đang trốn ở đây phải không?

Thạnh bước ra và thản nhiên nói:

- Các ông muốn tìm tôi phải không? Tôi đây, các ông muốn bắn muốn giết gì cũng được. Vợ con tôi vô tội.

Lệ Châu chết điếng trong lòng. Công an nửa đêm đến đây tìm Thạnh. Anh ơi! Anh đã làm gì nên tội mà người ta đi lùng sục bắt anh. Nếu anh có mệnh hệ nào làm sao em sống nỗi. Lệ Châu muốn gào lên nhưng tiếng kêu của nàng tắt trong cổ họng. Nàng run rẩy khóc vì sợ hải, lo lắng bàng hoàng. Thạnh ôm vợ vào lòng và hôn lên má. Anh nói như xin lỗi:

- Em tha lỗi cho anh. Anh đã làm cho mẹ con em đau khổ.

Hai công an đến còng tay anh và dẫn ra xe. Bé Tài hốt hoảng chạy theo gào lên:

- Ba ơi! Ba ơi! Sao người ta bắt ba rồi. Ba về với con đi...

Tiếng gào của nó thảm thiết và vang vọng trong đêm. Từ đó, Lệ Châu không bao giờ còn gặp lại chồng. Nàng nhiều lần làm giấy tờ đi thăm nuôi nhưng không được chấp thuận. Công an đã mời nàng lên làm việc và nói cho nàng biết Thạnh đang hoạt động cho một tổ chức phản động ở nước ngoài chống lại chính quyền. Họ dò la xem nàng có biết gì về tổ chức của Thạnh không. Nhưng Lệ Châu nói nàng không hay biết gì về chuyện Thạnh làm nên họ chỉ cảnh cáo và khuyên nàng nên làm ăn nuôi con. Một năm sau, Thạnh và bạn bè chàng bị nhà nước đem ra xét xử. Tất cả những người tù còn rất trẻ. Họ chỉ khoảng từ hai mươi lăm đến ba mươi lăm tuổi. Người cầm đầu nhóm dáng cao lớn, trán cao, mắt sáng, anh bị kêu án tử hình. Nhưng anh vẫn bình thản, lạnh lùng nhận tất cả tội về mình và không xin giảm án. Thạnh thoát khỏi án tử hình nhưng chẳng những không cho rằng mình có tội mà còn lên tiếng tố cáo chính sách hợp tác xã nông nghiệp, chính sách ngăn sông cấm chợ của Lê Duẩn đã đẩy người dân vào cảnh đói rách không có gạo để ăn. Thạnh lãnh nguyên bản án hai mươi năm tù giam. Nhiều người dân hiếu kỳ đến xem xử án đã rơi lệ và thương xót. Lệ Châu đau buồn khóc nức nở than rằng Thạnh không hề nghĩ đến vợ con mà chỉ nghĩ đến lý tưởng mà chàng và bạn bè chàng đeo đuổi. Vài năm sau, chính sách thăm nuôi tù tương đối dễ dàng. Lệ Châu dành dụm tiền lương tháng, tiền chơi hụi gom lại lặn lội đi thăm chồng đang nhốt ở trại tù ngoài Bắc. Mỗi lần gặp nhau chỉ được một tiếng đồng hồ. Trông chàng đen đủi, ốm yếu, tiều tụy, vỏ vàng. Hai con mắt sâu hóm, má hóp như một ông già nhưng tinh thần chàng vẫn vững vàng, tỉnh táo. Thạnh luôn khẳng định với Lệ Châu rằng chàng vô tội, chàng có tội chăng là tội thương dân, thương đất nước, và xin nàng hãy tha thứ vì chàng đã không làm đủ trách nhiệm một người chồng, một người cha. Quà của nàng đem thăm nuôi, chàng đem chia hết cho bạn bè trong tù với tinh thần lá lành đùm lá rách. Mỗi lần đi thăm nuôi trở về, Lệ Châu lại khóc vì thương chồng và thương cho con....

... Lệ Châu ngừng lại. Chị ngước mắt nhìn những tàng lá dừa đong đưa trong gió rồi chậm rãi tiếp:

- Chị cũng không biết rõ anh hoạt động cho tổ chức nào và vì sao anh lại tin tưởng và tôn thờ tổ chức của anh đến như vậy. Anh luôn khẳng định với chị rằng chế độ cộng sản đã làm những điều xấu xa, tồi tệ nên anh phải chống lại. Đôi lúc chị giận anh và không còn muốn đi thăm nuôi. Với đồng tiền lương chết đói nhưng chị không dám ăn, không dám mặc và ngay cả nuôi bé Tài chị cũng dè xẻn để nuôi anh trong tù, sợ anh chết vì đói, vì lạnh vì thiếu ăn, bệnh tật. Chị mong ước ngày anh trở về. Nhưng tất cả những món quà thăm nuôi chỉ qua ba ngày là hết sạch. Anh đem phân phát cho bạn bè như nhiệm vụ của một người cầm đầu có trách nhiệm. Chị chỉ còn biết khóc.

Tôi ngắt lời chị:

- Anh sống có lý tưởng và có trách nhiệm. Chị đau khổ vì quá yêu anh. Nhưng cuộc đấu tranh nào mà không có hy sinh hở chị.

Chị nấc lên:

- Nhưng biết bao người sống thờ ơ, biết bao người hưởng thụ, sung sướng hạnh phúc. Họ đâu cần biết ai khổ đau, bất hạnh. Họ sống cho bản thân họ cho vợ con, gia đình của họ. Sao anh phải hy sinh mạng sống, hạnh phúc gia đình của anh? Anh có biết là anh chỉ là một viên sỏi nhỏ nằm dưới dòng sông nước chảy siết không? Anh ngu ngơ tưởng rằng lý tưởng của anh sẽ có hàng triệu người theo. Anh mơ mộng ảo huyền và anh đã hiến dâng đời mình trong nhà tù... Em nhìn xem xã hội nầy có bao nhiêu người nghĩ như anh. Nếu có nghĩ cũng sống giả dối, sống trơ tráo, lếu láo, để yên thân. Tại sao anh không chịu tập sống như vậy? Em có biết ngày anh trở về như thế nào không? Như một xác chết.

Lệ Châu lau mắt bằng chiếc khăn tay màu tím và giọng chị lại xa vắng mơ màng...

... Mưa tháng sáu ào vỡ, lá xào xạc trong vườn hoà lẫn tiếng ếch nhái, ễng ương vang lên như một bản hoà tấu về đêm. Lệ Châu không thể nào ngủ được, nàng ngồi bó gối trên bộ ván gổ màu gụ nhìn ra bầu trời đen kịt. Những giọt mưa giá lạnh rơi lộp độp trên mái tôn như gào thét cùng tiếng gió rít. Ngọn đèn dầu hột vịt vàng vọt, leo lét, chao đảo. Nàng đang nghĩ đến Thạnh. Gần hai mươi năm rồi, nhiều người tù đã được phóng thích. Một số người trong nhóm anh đã ra tù nhưng họ không dám ghé thăm Lệ Châu hay báo tin cho nàng biết. Thạnh vẫn không được khoan hồng. Công an nói chàng là một người bướng bỉnh, ngang ngược nhất trong nhóm. Lệ Châu cứ nghĩ chàng không còn màng đến vợ con mà chỉ nghĩ đến đồng đội của mình. Một năm nay, Lệ Châu không còn muốn đi thăm nuôi chàng. Nàng còn phải lo cho bé Tài ăn học. Đời nàng đã hết chỉ còn lại một đứa con trai duy nhất, giọt máu cuối cùng của chàng. Nàng muốn dành hết tình thương cho con. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, sau đó tiếng kêu nho nhỏ:

- Lệ Châu em ngủ chưa. Ra mở cửa cho anh.

Lệ Châu ngở mình nằm mơ khi nghe tiếng Thạnh. Nàng lật bật đứng dậy tiến ra cửa và trước mắt nàng là một bộ xương khô di động ướt sủng nước mưa. Mái tóc bẹp sát da đầu. Má hóp, xương sườn lòi ra dưới làn áo tù rách nát dính chặt vào cơ thể. Trên vai chàng là một cái bao vải đen dơ bẩn. Nàng muốn nhào đến ôm chàng nhưng mùi hôi từ người chàng xông lên nồng nặc khiến nàng lùi lại. Chàng run rẩy nói:

- Anh lạnh và đói lắm.

Lệ Châu nắm tay chàng kéo vào trong. Những giọt nước mắt vui mừng tuông trào:

- Người ta thả anh về phải không. Anh vào trong thay quần áo nhanh lên. Sao anh phong phanh tiều tụy như một xác chết?

Thạnh gật đầu, chàng để cái bao đen xuống cái bàn tròn đặt trong góc nhà, và lôi ra một bọc vải màu xám loang lỗ được vá lại bằng những miếng vải dơ bẩn, cũ kỷ. Chàng mân mê một lúc rồi thở dài:

- Em à! Cái gói vải nầy là kỷ vật của một người bạn tù. Em đừng bao giờ mở ra nghen em. Khi nào anh qua đời hãy mang nó trao cho người thân của người quá cố - Nói đến đây, Thạnh chùi nước mắt - Anh đã mắc nợ em và mắc nợ một người mà không biết đến bao giờ mới trả. Anh chỉ cầu xin linh hồn nàng được yên ổn và nàng tha thứ cho anh. Giờ anh chỉ còn lại em và con. Anh muốn sống để trở về chăm sóc cho em và con lần sau cùng.

Lệ Châu vừa khóc vừa nói:

- Em sẽ làm theo lời anh. Anh à! Nhà không còn gì để ăn. Em nấu mì cho anh ăn tạm nghen.

Bửa ăn đầu tiên của Thạnh là ba gói mì. Chàng ăn nhanh và ngon lành như chưa bao giờ được ăn. Lệ Châu sợ chồng bị bội thực nên thỉnh thoảng nhắc nhở. Nàng nấu một nồi nước nóng và pha nước cho Thạnh tắm. Nàng đem hết sà bông trong nhà ra để cố gắng tẩy tất cả mùi ao tù và ô uế của nhà tù đang bám chặt vào da thịt Thạnh. Người chàng đầy ghẻ lở, mụn nhọt và những vết bầm tím thâm đen. Tóc chàng đã bạc trắng và chỉ còn lưa thưa vài sợi. Nàng vừa cọ lưng, xức thuốc cho chồng mà nước mắt cứ rơi lã chã:

- Anh có đau lắm không. Em không nghĩ rằng anh sẽ trở về với em. Anh đừng giận em vì một năm nay em không thăm nuôi anh, nhà không còn tiền. Em còn phải lo cho thằng Tài ăn học.

Thạnh nói như tạ lỗi:

- Em tha lỗi cho anh. Anh đã làm khổ em.

Từ khi ra tù, Thạnh trở nên tự lự ít nói. Chàng vẫn còn chế độ quản thúc ba năm nên không được đi đâu xa. Mỗi lần về Sài Gòn hay đi xa phải xin giấy phép. Chàng không còn linh hoạt vui nhộn như xưa. Thạnh chỉ quanh quẩn trong nhà, giúp Lệ Châu làm vườn và trồng thêm khoai sắn. Những năm trong tù, Thạnh đã quen đói lạnh nên chàng không dám kêu ca về cuộc sống quá thanh đạm của gia đình. Lệ Châu nhiều đêm thức giấc thấy chàng ngồi một mình bên thềm nhìn trăng. Đôi mắt chàng gởi vào cõi mênh mông nào đó của đất trời. Chàng không còn là Thạnh của ngày xưa. Tâm tư chàng chất chứa bao suy tư về số phận con người. Một đêm khuya, ánh trăng sáng vằng vặc trong vườn. Thạnh trở dậy bước chầm chậm ra vườn. Tàng lá dừa, cau lao xao đong đưa trong gió. Chàng đã trở về từ cõi chết. Chàng muốn đền bù cho vợ con những ngày thiếu vắng chàng. Nhưng sức lực của chàng đã không còn. Những năm tháng tù đày đã vắt kiệt tuổi xuân của chàng. Chàng trở về thân tàn, ma dại và xác xơ như một xác chết. Không tiền bạc không công ăn việc làm mà sống bám vào áo vợ. Chàng cảm thấy chua xót và tự hỏi những gì chàng làm có đúng không? Hình như những gì chàng làm không gây được một tác động nào đối với guồng máy khổng lồ của chính quyền Hà Nội. Họ sẳn sàng nghiền nát tất cả những ai nhìn thấy những sai lầm và tội ác của họ. Nghe tiếng chân, Thạnh biết Lệ Châu đang đến gần, chàng dừng lại hỏi:

- Em vẫn chưa ngủ sao? Anh không ngủ được nên ra đây nhìn trăng. Trăng không bao giờ thay đổi, trăng vẫn sáng, đẹp và thơ mộng như ngày hai chúng mình bắt đầu yêu nhau. Em và anh mơ ước nhiều về hạnh phúc. Nhưng thực tế không như vậy. Chúng mình không tìm được chốn bình yên.

Lệ Châu xót xa nhìn chàng và an ủi:

- Anh à! Anh đừng có buồn và suy nghĩ nữa có được không? Anh không còn biết vui khi sống cạnh em và con. Anh không thương mẹ con em nữa phải không?

- Sao em nói vậy. Những ngày trong tù, anh luôn mơ ước được sống bên em và con. Nhưng anh cảm thấy mình thật vô dụng. Anh không giúp được gì và lại trở thành gánh nặng cho em.

- Có anh bên cạnh là em vui rồi. Anh đừng lo lắng rồi tự làm khổ mình. Vợ chồng mình hẩm hút có nhau. Một đời người rồi cũng đi qua.

- Anh không biết rồi đây con trai mình có tìm được tương lai, hạnh phúc không hay nó cũng quanh quẩn với đời sống chật hẹp như cuộc đời em và anh.

Lệ Châu không thể trả lời được những câu hỏi của chồng. Nàng đã nếm trãi nhiều đau thương khi chồng bị ở tù. Con nàng lớn lên cũng không hiểu vì sao cha nó bị nhà nước bắt ở tù gần cả một đời son trẻ. Tuổi thơ của con nàng là những ngày buồn bả, thiếu cơm ăn áo mặc, thiếu sự chăm sóc của cha. Khi Thạnh trở về, Tài đã trở thành một thanh niên. Nó chịu nhiều thua thiệt khi lý lịch không được trong sạch như con của những người dân bình thường khác....

... Lệ Châu chợt đứng lên. Chị nhìn đồng hồ đeo tay và hấp tấp nói:

- Chết rồi, chút nửa chị quên. Chị còn phải đi gặp một người. Mình đi thôi kẻo trễ.

Tôi gật đầu:

- Trời nóng quá, em cũng khát nước lắm rồi.

*  *  *  *

Lệ Châu nổ máy. Chiếc xe cà tàng của chị lăn bánh và chạy trên con đường nhỏ dọc theo bờ sông. Chị hỏi thăm dân làng và tìm đến một căn nhà ngói cổ kính có hàng rào hoa dâm bụt, chị chạy thẳng vô và dựng xe trước cửa. Chị vào trong, còn tôi thơ thẩn đi vòng vòng trong vườn. Những hàng cây chôm chôm, măng cục đã khô quắc queo và trụi lá. Một số đang từ từ vàng lá và không còn trổ hoa. Khu vườn nầy ngày xưa nổi tiếng xanh mát đầy quả ngọt trĩu cành nay trông xơ xác tiêu điều. Lệ Châu bước lên thềm. Con chó nhỏ màu vàng sậm chạy theo vẫy đuôi mừng rỡ. Một người đàn bà trạc bảy mươi, lưng còng, búi tóc củ tỏi, miệng móm mém nhai trầu từ trong nhà chậm rãi bước ra hỏi:

- Hai cô tìm ai?

Lệ Châu run run trả lời:

- Thưa bà, có phải bà là bà Bảy Sầu Riêng không?

- Tôi đây. Cô tìm tôi có chuyện gì không? Thôi vào nhà chơi đi.

Bà Bảy mời chúng tôi ngồi trên phản gỗ. Lệ Châu bắt đầu kể lể:

- Chồng cháu tên là Tư Thạnh, con bà Giáo ở làng nầy. Chồng cháu đã qua đời cách đây một năm. Anh muốn cháu đến thăm bà.

Bà Bảy chưng hửng đập tay lên đùi cái đét và la lên:

- Trời đất, thằng Tư Thạnh chết rồi sao?  Sao cháu không cho bà biết sớm. Nó bệnh gì?

- Chuyện dài lắm. Cháu sẽ kể cho bà nghe. Anh chết cho nhẹ tấm thân. Sống mà đau khổ, bệnh tật triền miên có ích gì.

Những giọt lệ ứa ra từ hốc mắt sâu hoắm cà chảy dài trên đôi má nhăn nheo của bà. Bà Bảy lấy vạt áo lau mắt, giọng bà rầu rầu:

- Nó là một đứa trẻ ngoan hiền và tốt bụng. Khi ba má nó đi vùng kinh tế mới và bị mìn nổ chết. Nó bỏ làng ra đi không bao giờ trở lại. Nhà cửa, tài sản cũng không còn. Sau đó, nghe nói nó dạy học, có vợ con. Bà vẫn cầu nguyện cho nó hạnh phúc. Có ngờ đâu nó chết sớm như vậy.

Lệ Châu nắm bàn tay bà Bảy và ân cần nói:

- Tại phần số của ảnh đến đó là hết rồi.

Bà Bảy hậm hực:

- Phần số gì con. Bọn lưu manh, côn đồ, răng đen mã tấu nó tràn vô Nam vơ vét, cướp bóc, gây biết bao tội ác. Bọn nó đâu có tha cho ai, đâu chừa một thứ gì. Cháu nhìn xem. Hàng trăm mẫu đất, ruộng của bà đã vô hợp tác xã. Rồi bây giờ mảnh đất trồng rau cải phía sau cũng bị quy hoạch. Còn vườn cây ăn trái thì tàn lụi hết. Bà già rồi chết nay sống mai. Bà đâu có cần cái gì nữa. Bà thí cô hồn... trời tru đất diệt chúng nó cho xem...

Tôi chỉ mấy hàng cây trong vườn hỏi:

- Khu nầy ngày xưa nổi tiếng cây trái quanh năm, bây giờ sao xơ xác vậy bà?

Bà Bảy thở ra:

- Nhà nước đô thị hóa nông thôn. Vườn cây thu hẹp, nhà máy mở rộng nhưng không chú ý đến sông rạch, ao hồ. Ứ hự! Dòng sông nầy ô nhiễm nặng, nước thấm vào đất và cây cối không thể đâm chồi nẩy lộc nên chết hết. Hai mảnh vườn của bà hàng loạt cây sầu riêng khô héo, rồi măng cụt không còn ra hoa. Chôm chôm có hoa nhưng không kết quả. Bây giờ không còn giống như xưa đâu con. Ờ, hai đứa ngồi đây bà đi hái dừa vô uống.

Bà ra sau nhà gọi bầy trẻ hàng xóm leo dừa và chặt ra lấy nước đãi khách. Ly nước dừa ngọt lịm, mát rượi làm cho cả hai cảm thấy dễ chịu. Bà Bảy cầm cây quạt giấy, quạt phành phạch và hỏi:

- Thằng Thạnh có kể chuyện về bác cho cháu nghe hả?

Lệ Châu gật đầu đáp:

- Có thưa bà. Anh có để lại cho con một lá thư nhờ chuyển cho bà. Những ngày anh sắp ra đi, anh mới kể chuyện cho con nghe về cô Út Trang...

Bà Bảy sững sờ hỏi:

- Con Út Trang có liên quan gì đến thằng Thạnh. Nó đã vượt biên sang Hoa Kỳ lâu lắm rồi nhưng không biết sao bà không nhận được tin gì của nó. Bà khóc cạn hết nước mắt vì thương nhớ nó. Cháu kể cho bà nghe đi.

Lệ Châu ứa nước mắt và bắt đầu kể lễ...

... Những ngày bị bệnh nặng, tóc Thạnh rụng gần hết như lúc chàng từ trong tù trở về. Thạnh muốn Lệ Châu cạo đầu cho chàng và đọc kinh Phật cho chàng nghe. Thạnh không ngủ được ban đêm. Chàng rên rỉ và mong cho cái chết đến sớm hơn. Sự đau đớn về thể xác đã làm cho chàng rã rời. Đêm ba mươi, nửa đêm nghe ba phát súng giao thừa nổ, Thạnh đang nằm thiêm thiếp bỗng chàng mở mắt nhìn quanh. Lệ Châu đến bên dịu dàng hỏi:

- Mình à! Anh có thấy khoẻ được chút nào không?

Thạnh nắm tay nàng:

- Con mình đâu em? thằng Tài đâu rồi?

Tài về nhà đã hơn một tuần. Tài làm thợ xây nhà cho một nhà thầu tư nhân. Tài di chuyển hết nơi nầy đến nơi khác và lương chỉ đủ ngày hai bửa không giúp được gì cho mẹ. Lệ Châu mong con về nhà gần gia đình. Nhưng thời buổi khó khăn tìm việc làm không dễ dàng. Biết ba bệnh chỉ còn biết khóc thầm và nguyện cầu cho ba mau khỏe mạnh. Lệ Châu luôn động viên và nói rằng ba bệnh vài hôm sẽ khỏi, ngờ đâu ba sẽ vĩnh viễn ra đi. Tài đến bên giường khóc ròng:

- Ba ơi! Tài đây ba, con đâu ngờ ba bịnh nặng đến như vậy. Ba đi khi con còn nhỏ. Ba về con đã lớn khôn. Con không biết tại sao ba má lại khổ và con cũng khổ lây. Rồi ba trở về. Con tưởng ba sẽ hạnh phúc với má và con. Ai ngờ ba bệnh tật và bây giờ ba lại bỏ con mà đi.

Thạnh chớp chớp đôi mắt, những dòng lệ khô héo chảy xuống gối. Chàng nói với con như lời xin lỗi:

- Những gì ba làm ba không ân hận. Con à! Phải có người hy sinh để bao người được sống. Ba chọn sự hy sinh. Ba chỉ ân hận là mình không tạo được hạnh phúc cho mẹ và con. Con trai của ba, con đã khôn lớn nên người. Ba mãn nguyện lắm rồi. Ba chỉ mong con trở thành một người có ích cho xã hội, cho con người. Hãy chăm sóc cho mẹ.

Bàn tay Thạnh lõng dần, hơi thở chàng đứt quảng. Mặt chàng cau lại lộ vẻ đau đớn.  Chàng cố gắng gọi Lệ Châu đến gần và chỉ cái bọc vải trên bàn thờ:

- Lệ Châu à! Anh chưa bao giờ nói cho em biết về một người phụ nữ anh gặp trong suốt thời gian anh ở tù. Anh cũng không tiết lộ cho ai biết về thân thế của nàng. Giờ anh sắp ra đi. Anh muốn kể cho em nghe một câu chuyện buồn. Trước khi anh cưới em, có một người con gái cùng xóm yêu anh. Gia đình anh và gia đình nàng rất thân nhau. Anh xem nàng như một đứa em gái. Nhưng nàng lại yêu anh. Khi hay tin anh cưới em, nàng khóc âm thầm và chuẩn bị một chuyến vượt biên. Nàng ra đi và đã định cư tại Hoa Kỳ. Khi hay tin anh bị bắt nàng đã tìm cách trở về, tìm cách liên lạc và cung cấp tiền bạc nuôi sống các anh. Nàng đã bị bắt. Mãi sau nầy, anh mới biết người mang bí danh “Hoa Mười Giờ” chính là cô ấy. Trại giam cô ấy và anh gần nhau nhưng chưa bao giờ trao đổi với nhau. Một ngày nọ, do dầm mưa nhiều ngày lao động, cô ấy bịnh và gục chết trên một gò đất khô cằn. Người bạn tù cùng phòng đã trao cho anh gói vải nầy và nhờ anh trao lại cho mẹ cô ấy - Ngừng lại một chút để thở, Thạnh tiếp tục nói - Em có biết cô gái đó là ai không? Cô ấy là Út Trang, con gái út của bà Bảy Sầu Riêng. Người mà thỉnh thoảng anh hay kể cho em nghe. Cô ấy chết vì anh. Làm sao anh dám gặp bà Bảy hở em. Bà luôn hy vọng cô Út sống hạnh phúc, giàu sang nơi phương trời xa lạ. Nào ngờ... Anh không đủ can đảm làm theo những gì cô ấy nhắn gởi. Hãy thay anh thăm nom chăm sóc cho bà.

Gần sáng Thạnh tắt thở...

...Bà Bảy gục xuống đất khóc không thành tiếng. Tôi và Lệ Châu nâng bà dậy đặt bà nằm trên phản gỗ.

Lệ Châu vừa khóc vừa xin lỗi:

- Con và anh Thạnh xin lỗi bà.

Lệ Châu lấy trong xách tay ra một gói vải cũ rích cột bốn góc vuông có nhiều miếng vá. Bà Bảy tháo miếng vải ra và tay bà run lên khi thấy một cái áo ngắn tay bà tự tay may cho Út Trang, một cái quần lãnh đen ngày Trang mặc khi đi vượt biên, và mười lá thư viết bằng bút chì trên những tờ giấy nhầu nát. Hàng chữ của Trang nghiêng nghiêng. Hai mươi sáu năm ngồi chờ con trở về và giờ đây bà chỉ nhận được những vật kỷ niệm nầy và những lá thư tuyệt mệnh. Bà Bảy khóc lóc như muốn ngất xĩu:

- Con gái cưng của mẹ đã chết trong tù rồi sao? Mẹ nghĩ con đang sống đâu đó đầy hạnh phúc rồi quên mẹ. Ai ngờ con đã bỏ mẹ ra đi. Sao bao nhiêu năm con không báo tin cho mẹ biết. Con ơi!

Tôi ngồi chứng kiến hai người đàn bà ôm nhau khóc. Một mái đầu tóc hãy còn xanh và một mái tóc đã bạc phơ. Họ ở hai thế hệ khác nhau, nhưng niềm đau khổ giống nhau. Họ kể nhau nghe chuyện chiến tranh, chuyện đời xưa, chuyện xóm làng tan nát. Tôi tự hỏi đến bao giờ đất nước tôi mới thật sự hoà bình? Hoà bình nhưng sao nước mắt vẫn rơi, máu vẫn tiếp tục chảy, hận thù vẫn chưa chấm dứt. Hoà Bình ơi! Hòa bình làm gì để bao người vỡ mộng, để tôi, bạn và hàng triệu người phải lưu lạc khắp địa cầu tìm con đường sinh lộ.

Trời đã về chiều. Gió làm xao động ngàn lá. Nắng thoi thóp bên kia sông. Mặt nước lăn tăn gợn sóng. Những con thuyền chao nghiêng trên dòng sông. Hai mái đầu già trẻ vẫn kề cận bên nhau. Họ chia sẻ với nhau những nỗi sầu nhân thế.

Còn tôi, ngày mai tôi sẽ lên đường trở lại Hoa Kỳ, tôi vẫn lang thang trên xứ lạ quê người. Tôi tự hỏi quê hương tôi là Việt Nam hay quê hương tôi là đất nước tạm dung? Sao đã bao năm trôi qua rồi tôi vẫn không mơ ước trở về sống trên đất mẹ? Tôi vẫn là đứa con ghẻ bị bỏ quên bên lề xã hội Việt Nam. Còn quê hương nữa đâu để mà về, để yêu thương, để tìm lại một chút bình yên, để được sống, được thở như một con chim lạc đàn đang mơ ước tìm lại cội nguồn và tổ ấm.

Nhiều lần tôi an ủi và nhủ thầm “hãy quên đi...” nhưng lòng tôi làm sao có thể quên... Quê hương tôi vẫn mờ mịt trong những dòng nước mắt.

 

Phong Thu
Những ngày cuối tháng 8 năm 2009

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

- Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

- Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA - DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.