I. TRÍCH MỘT BÀI VIẾT CŨ
Cho đến bây giờ vẫn chưa ai biết được hai chữ Long Điền xuất
xứ từ đâu. Kể cả những cụ già cao tuổi nhất trong làng cũng
bảo rằng khi các cụ lớn lên thì đã nghe mảnh đất này mang tên
ấy. Nhiều người hiểu về Long Điền bằng một khái niệm giản đơn
theo từ Hán, tức là mảnh “đất rồng “.
Người ta kể rằng hồi đó Long Điền chiếm toàn bộ phần đất phía
Đông huyện Giá Rai có bờ biển chạy dài từ cửa sông Gành Hào
lên Vĩnh Mỹ. Dân cư thưa thớt bởi hơn hai phần ba đất đai
thuộc rừng rậm, nhiều thú dữ. Vùng đồng bằng tuy nhỏ nhưng rất
phì nhiêu do hai tên Huyện Kệ và Phủ Mầu làm chủ. Khoảng đầu
thế kỷ XX, có một người Hoa tên Sổn chuyên làm nghề lái đường
từ Gia Định về Bạc Liêu, không hiểu duyên cớ vì sao, có lẽ
vì tên chủ hãng đường ở Gia Định sơ ý để lộn hũ bạc xuống ghe
đường của tên Sổn mà sau chuyến đi ấy, tên Sổn từ giã nghề
lái đường. Hắn mua được chức quan huyện và phần đất của Phủ
Mầu. Từ đó, những người nông dân thuộc tá điền của Phủ Mầu
bỗng dưng “ đổi chủ “, trở thành tá điền của huyện Sổn. Mấy
năm sau, huyện Sổn qua đời, con rể của hắn là tú tài Cộc lên
thừa kế cơ ngơi. Tên chúa đất trẻ tuổi này lại càng ra sức bóc
lột nặng nề hơn cả cha vợ.
Dưói hai tầng áp bức của chế độ thực dân, phong kiến, thật khó
mà nói hết cái cảnh cơ bần đói khổ của kiếp sống tá điền :
“Bát cơm chan đầy nước mắt
Bây còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây- thằng chúa đất
Đứa đè cổ – đứa lột da“
Thế nhưng:
“Xiềng xích chúng bây không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bây không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà“
Tôi có cảm tưởng như những lời thơ ấy của Nguyễn Đình Thi viết
dành riêng cho cái làng ven biển nhỏ nhoi này. Là bởi trong ký
ức của mỗi người dân Long Điền vẫn còn đọng lại cái khí thế
sôi sục của những ngày dùng giáo, dùng gươm, dùng tầm vông vạt
nhọn đi đòi lại quyền làm người. Từ mùa thu năm ấy, mảnh đất
đã gắn bó với cuộc đời người nông dân bằng tình yêu, có cả
nước mắt, mồ hôi và xương máu.
… Anh Năm Phú dẫn tôi băng qua cánh đồng sang nhà bác Sáu
Long. Dù mùa gặt đã xong hơn bốn tháng nay nhưng cả một đống
rạ khô vẫn còn đủ sức chứng minh cho một năm trúng mùa cao
sản. Năm Phú say sưa giới thiệu với tôi từng mảnh đất
cấy giống lúa gì, mật độ gieo cấy bao nhiêu, năng suất mấy tấn
một héc ta, của hộ nào nhận khoán và vượt khoán bao nhiêu… Tôi
không ngạc nhiên vì sao đồng chí phó bí thư huyện ủy lại rành
rẻ về mảnh đất này như thế. Bởi một lẽ giản đơn anh là
bí thư xã Long Điền Đông A trước khi về làm phó bí thư huyện
ủy. Nhưng đằng sau cái lẽ giản đơn ấy là cả một bước ngoặt
lịch sử của một vùng đất, cũng chính là bước ngoặt của
cuộc đời anh.
Tôi nhớ rất rõ vào tháng 3 năm 1982 có một bài báo viết về
công tác xây dựng Đảng ở Long Điền Đông A đăng trên báo Minh
Hải. Qua bài báo ấy, trường chính trị Châu Văn Đặng lập tức
gởi công văn mời đồng chí bí thư xã Long Điền Đông A – tức Năm
Phú- lên báo cáo kinh nghiệm về công tác xây dựng đảng bộ cơ
sở vững mạnh cho các lớp chính trị của trường.
Người ta nói Năm Phú có công xây dựng Long Điền Đông A
thành một tiền đồn kinh tế vững chắc của huyện trọng điểm Giá
Rai. Mà điều chính yếu để dư luận quan tâm là Long Điền Đông A
đi lên từ một chi bộ bị xếp vào loại yếu.
Đó là năm 1978, Long Điền Đông A tiến quân rầm rộ vào cuộc
cách mạng quan hệ sản xuất. Tưởng sẽ nắm phần thắng trong tay.
Ai ngờ đâu, đưa toàn bộ lao động vào hợp tác hóa nhưng không
nắm vững cung cách làm ăn, cuối cùng tan rã. Đưa toàn bộ diện
tích đất nông nghiệp vào sản xuất hè thu nhưng biện pháp kỹ
thuật thì quá kém cỏi. Hai yếu tố ấy cộng lại thành sự đổ vỡ.
Đỗ vỡ của mùa màng, đời sống, đổ vỡ lòng tin và ý chí từ trong
chi bộ đến quần chúng nhân dân. Sau đó người ta thấy những
mảnh ruộng bỏ hoang vì một số nông dân bỏ đi làm ăn nơi khác.
Năm Phú sau khi tốt nghiệp trường Nguyễn Ái Quốc trở về thì
huyện ủy Giá Rai lại giao cho anh “ thực hành “ những bài học
được bằng hiện trạng Long Điền Đông A. Về mặt tình cảm mà nói.
Năm Phú gắn bó với cái làng ven biển này bằng tiếng khóc
chào đời của anh, bằng cả máu của người cha và một người anh
đã hy sinh. Rồi đến lượt anh, bốn vết thương trên người cũng
mang từ mảnh đất này trong những năm đánh Mỹ. Anh hiểu bà con,
bạn bè, đồng chí đã từng che chở, sống chết cho nhau để cùng
giữ đất. Nhưng bây giờ vì sao họ bỏ đất ra đi ? Năm Phú lần dò
tìm ra đầu dây của một chùm tơ rối. Cái mảnh đất có lúa, có
muối, có biển, có rừng, có hoa màu, cây trái thật trù phú làm
sao. Thế mà cái đói cái nghèo quanh năm còn đeo đẳng.
Phải chăng vì bao thế hệ đi qua, không ai nghĩ đến chuyện làm
giàu mà chỉ làm cho có ăn để lo đánh giặc ? Anh nhìn qua mưòi
bảy đảng viên trong chi bộ, hầu hết họ đều bở ngỡ vì bao năm
quen với chiến trường vừa bước sang làm kinh tế. Năm Phú nói
với các đồng chí của anh bằng những lời tâm huyết: “ Thưa các
đồng chí, bằng mọi giá, chúng ta phải xóa sạch nghèo nàn và
lạc hậu! Nhưng xóa bằng cách nào đây ? Chúng ta có ruộng lúa,
phải biết làm ra lúa, có ruộng muối phải biết làm ra muối; có
bờ biển, phải khai thác cá tôm; có vườn, phải biết trồng hoa
màu cây trái, phải biết nuôi cá, nuôi tôm, nuôi gia súc, gia
cầm. Nhiệm vụ của mỗi đảng viên chúng ta bây giờ là phải tổ
chức cho bà con làm những công việc đó. Tôi đề nghị mỗi đảng
viên chúng ta phải là một điển hình cho quần chúng noi theo.
Xem đây là một phương châm hành động. Điển hình ở đây là
gì? Nghĩa là phải gương mẫu, từ tư cách đạo đức, tác phong
sinh hoạt đến cung cách làm ăn, nhất là phải điển hình trên
mặt trận lao động sản xuất. Chi ủy quyết định sẽ lấy hiệu quả
lao động làm thước đo phẩm chất của mỗi đảng viên …
Khí thế sản xuất của làng ven biển được bật lên từ đó. Năm Phú
đích thân đến Viện nghiên cứu cây lúa trường Đại học Cần Thơ,
gặp giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân để tìm giống mới và học hỏi
các biện pháp thâm canh. Năm ấy cũng là thời điểm phát thẻ
đảng viên đợt đầu tiên. Năm Phú đổi giống mới và phát động cho
mỗi đảng viên phải đi đầu phong trào thâm canh cây lúa. Anh
lấy năng suất lúa làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất
lượng đảng viên để phát thẻ đảng. Kết quả của vụ mùa ấy, 16
đảng viên trong 18 đảng viên của chi bộ đã đạt năng suất từ 5
đến 7 tấn một héc ta. Sự kiện ấy đã diễn ra ngoài sức tưởng
tượng của
mọi người, vì bao đời qua năng suất lúa ở đây chưa bao giờ mỗi
héc ta đạt trên 3 tấn. Sự kiện ấy cũng chính là sức
thuyết phục mảnh liệt nhất để bà con Long Điền Đông A bước vào
con đường hợp tác hóa bằng tất cả lòng tin và đưa toàn bộ diện
tích đất canh tác thành cánh đồng cao sản.
Tháng mười năm 1982, tức là hơn nữa năm sau khi Năm Phú được
trường Đảng mời lên báo cáo kinh nghiệm xây dựng Đảng bộ trong
sạch vững mạnh toàn diện qua một bài báo,, giáo sự tiến sĩ Võ
Tòng Xuân dẫn đoàn phóng viên của Đài truyền hình Cần Thơ
xuống phỏng vấn cung cách làm ăn của Năm Phú. Lúc chuẩn bị ra
đồng, thấy đoàn khách bỏ dép. Năm Phú liền xua tay nói : “
Các đồng chí cứ mang dép tự nhiên. Chúng tôi còn chạy xe đạp
đi thăm lúa kia mà !
Tưởng anh nói đùa, nhưng đến lúc ra đồng, chúng tôi mới
hiểu đó là điều có thật.Đi qua hàng trăm héc ta, đều có những
bờ mẫu bằng phẳng, sạch khô, có thể đi bằng xe đạp.Và với hàng
trăm héc ta ấy, Năm Phú vẫn thuộc lòng khi nói đến giống lúa,
mật độ gieo cấy, lượng bón phân,thậm chí đến tính nết của
người nhận khoán …
Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân vừa cười tươi, rỉ tai anh kỹ sư
đang khoan đất.
-
Khác với những lần chúng ta đi lấy mẫu đất, hôm nay chúng ta
lấy được một mẫu người.
Cánh đồng chìm trong ánh nắng chiều rực lên một màu vàng của
lúa. Nhìn bốn phía, vườn cây xây thành một màu xanh bao quanh
vựa lúa mênh mông.
Chúng tôi trở ra con đường làng từ ấp Bửu Điền II đi ngược lên
Bửu
Điền
I. Hai ấp nằm dọc theo bờ kinh
thẳng tắp chạy dài. Một bên là vườn dừa chắn ngang cánh đồng
cao sản. Bên kia là ruộng muối
nhưng vào mùa mưa thì đồng muối thuộc về thời vụ của cá tôm.
Rải rác chỉ còn những tu muối trên bờ đê còn sót lại.
Đồng chí Châu Đông Á, chủ tịch ủy ban xã bây giờ như làm công
việc thuyết trình thay cho Năm Phú.
- Nếu các anh đến đây vào những ngày sau tết sẽ thấy vui hơn
bởi khí thế làm muối của các tập đoàn. Mấy năm gần đây, năm
nào sản lượng muối của xã này cũng chiếm gần năm mươi phần
trăm tổng sản lượng muối toàn tỉnh. Cũng bao nhiêu diện tích
ấy thôi, nhưng các anh biết không, hồi trước mỗi héc ta chỉ có
5 tấn. Nhưng sau này chúng tôi
chỉ đạo cho các tập đoàn đào thêm kinh dẫn nước, mở thêm sân
và tăng cường các biện pháp kỹ thuật, bây giờ năng suất lên
đến 25 tấn một héc ta. Và cũng chính vì đào thêm kinh dẫn
nước mà đồng muối đã thêm một vụ tôm. Bình quân mỗi héc ta thu
hoạch gần 500 kg tôm nguyên liệu cộng với 25 tấn muối. Các
anh thử tính xem có phải tấc đất tấc vàng không ?
(Trích bút ký “Chuyện kể ở một làng ven biển”,
Tạp chí Văn nghệ Minh Hải, số đặc biệt 30-4-1985).
II. NƠI ẤY BÂY GIỜ
Chúng tôi trở lại Long Điền Đông A sau gần ba năm
đăng bài viết này. Bây giờ tất cả đã khác đi, tất cả đã đắm
chìm trong một bầu không khí căng thẳng, nặng nề trùm lên làng
xóm và xóa sạch dấu vết của ba năm về trước. Một cuộc
biểu tình rầm rộ hồi cuối năm 1986 đã xảy ra và tới giờ vẫn
còn âm ỷ làm đau đầu các nhà lãnh đạo đang thay nhau xuống
giải quyết nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tốt lành.
Rồi nạn đói tràn xuống trong năm nay, Long Điền
Đông A như rơi vào vực thẳm. Mới qua Tết mà gần một ngàn gia
đình không còn hạt lúa, nhiều hộ đã bán đất, bán trâu, đợ con
hoặc bỏ xứ đi làm thuê ở mướn.
Muối Long Điền một thời nổi tiếng năm nay cũng
đành chịu chết.Hàng chục ngàn tấn muối phơi trắng đồng nhưng
những người làm muối đành ôm bụng đói vì giá cả rẻ mạt, bán
một trăm ký muối chỉ mua được một ký gạo, mà có bán cũng chẳng
ai mua. Trong khi đó, cách vài chục cây số ra chợ, muối bán
lẻ tám mươi đồng một ký! Cuộc đời của dân làm muối là như vậy.
Dường như trời đã dành cho họ một số phận hẩm hiu, qua cái
thời bị Nhà nước ép giá, giờ đến lượt bọn tư thương !
Anh Phó chủ tịch xã lật quyển sổ tay, giọng ngập
ngừng khi báo cho chúng tôi biết rằng Long Điền Đông A năm nay
xuất hiện gần ba trăm hộ thuộc tầng lớp phú nông, họ cho vay
rất nặng lãi, một trăm giạ lúa thì đến mùa phải trả một trăm
tám mươi giạ. Ngoài việc cho vay, họ ứng trước lúa, gạo và
tiền công lao động làm mùa rẻ mạt cho những người nghèo. Việc
ứng trước tiền công cho người lao động không loại trừ một số
cán bộ có chức, có quyền và có tiền ở xã. Đó mới là chuyện
đáng xấu hổ.Dường như họ chẳng còn nhớ và chẳng cần nhớ hồi
chống Mỹ ai đã nuôi nấng đùm bọc họ ?
Cùng xuất hiện với phú nông là những tên cường hào
mới mang thẻ đảng, chuyện bắt bớ đánh đập và ức hiếp quần
chúng.
Dẫu tôi không cố tình so sánh, nhưng Long Điền
Đông A như cố ý gợi nhớ trong tôi cái thời còn ngồi ở ghế nhà
trường với một đề bài thi phân tích những dòng thơ Tố Hữu :
Ôi nhớ những năm nào thuở trước
Xóm làng ta xơ xác héo hon
Nửa đêm thuế thúc trống dồn
Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy.
Ở đây không có tiếng “ trồng dồn” nhưng có cảnh
đêm đêm loa phóng thanh lảnh lót trong xóm để kêu gọi, bêu
xấu, hăm dọa và truy tố những người nông dân thiếu thuế và
thiếu nợ vật tư nông nghiệp của Nhà nước.
Lần theo tiếng loa thông báo khai trừ ông Bảy Thân
ra khỏi Đảng với những tội danh: ông đã đồng tình với cuộc
biểu tình, cho rằng biểu tình là đúng, quan hệ với một số phần
tử xấu chống lại chủ trương Nhà nước, và những tội khác như :
thuốc chết hai con heo của công an,không đóng thuế công thương
nghiệp,bỏ họp Đảng ủy để đi đánh bài… Chúng tôi tìm đến nhà
ông Bảy Thân vào một buổi tối, bà Bảy đang đau nặng nằm rên rỉ
trên giường, Còn ông Bảy Thân thì ngồi thở hổn hển, có lẽ vì
đang bực tức chiếc loa trên đầu xóm cứ dội vào tai ông.
- Cho tụi bây cứ phát thanh đi- ông nói, miệng
chửi thề lập bập- Nhưng đố cha thằng nào dám vào đây thu hồi
thẻ đảng của tao, tao chém lã đầu !
Bà bảy vừa ôm bụng rên, vừa năn nỉ :
- Thôi đi ông ! Nóng nảy làm gì.
- Không nóng sau được, bảy mươi tuổi đầu rồi, hồi
tôi đi làm cách mạng tụi nó chưa đẻ, giờ nó muốn làm ông làm
cha.
Nói đoạn, ông Bảy quay sang rót nước mời chúng
tôi, giọng có phần dịu hơn : “ sống ở cái đảng bộ này, a dua
theo tụi nó thì không được, còn đấu tranh cũng không được,riết mình mang bịnh tức cũng chết! Mấy chú thử nghĩ, có cái
nguyên tắc nào mà khai trừ một đảng viên ra khỏi đảng lại đem
phát loa thông báo trong toàn xã như vậy không ? Tôi biết, tụi
nó làm vậy là để gây hoang mang cho quần chúng, để họ thấy
rằng tôi ủng hộ cuộc biểu tình của họ thì số phận tôi ra thế
đó ! Thật là mỉa mai, thật là đầy mâu thuẫn! Nếu biểu tình là
sai thì tại sao họ cách chức Chủ tịch huyện, chủ tịch xã và tổ
chức mít tinh nhận lỗi với dân” ?
Ông Bảy dừng một lúc rồi tiếp:
- Tôi khẳng định cuộc biểu tình ấy đúng. Đúng là vì
cuộc biểu tình ấy xảy ra không phải chỉ vì chuyện bắt bớ vợ
chồng Bảy Liên Xô mà là chuyện tức nước vỡ bờ của bao nhiêu vụ
việc. Một sự bùng nổ của bao nhiêu nỗi uất ức bị dồn nén, hơn
nữa, dân ở đây có truyền thống biểu tình từ thời kỳ đấu tranh
trực diện chống Mỹ Ngụy. Ai dạy họ biểu tình ? Vậy thì bây giờ
họ biểu tình để chống đàn áp bất công thì tại sao cho họ tầm
bậy? Tôi về hưu, sống ngay trước cái ủy ban xã này, làm nhân
chứng cho bao nhiêu chuyện gai mắt chướng tai. Mấy chú thử
nghĩ xem, bà Tám Ngân mẹ của hai liệt sĩ, nhà nghèo như ổ
chuột, ông chồng đi làm mướn quanh năm, vậy mà chính quyền có
lo được gì cho bả. Ngược lại, năm nào bả cũng làm tròn nghĩa
vụ với Nhà nước. Năm kia bả bị thất mùa, làm mười sáu công
ruộng chỉ được một trăm ba mươi giạ lúa.Thu hoạch xong có vô
bồ được hột nào đâu, vì đóng thuế và trả nợ phân cho Nhà nước
hết một trăm mười giạ, còn hai mươi giạ để giống, coi như
trắng tay, lỗ công cày, công cấy, công gặt, công làm ra lúa
hột, công phơi nắng dầm mưa …Bả chở một trăm mười giạ ra nhập
kho, thằng thủ kho chê lúa chưa khô, không chịu nhập. Bả năn
nỉ: “Chú thông cảm cho nhập đi rồi tôi biếu chú chút đỉnh tiền
cà phê “.Nó đồng ý cho nhập, nhưng với điều kiện mỗi một
trăm ký phải trừ hai ký. Trừ qua cấn lại cuối cùng mất của bà
chín giạ. Vậy mà có yên đâu, bả về ngày trước thì chiều ngày
sau xã ký giấy cho công an qua mời bả. Bả năn nỉ :“ Mấy chú về
đi, tối nay tôi đi vay tiền, tám giờ sáng mai tôi lên trả đủ
cho chớ gì. Một trăm giạ tôi còn trả được, có chín giạ không
lẽ tôi giựt của Nhà nước sao? Một hai nó bảo bà phải đi, bả
không đi, nó bắn ba phát súng báo động, lập tức hai thằng khác
nhào vô xốc nách bả lôi đi, rách nát hai tay áo và chảy máu
hai đầu gối. Đến lúc làng xóm kéo đến phản đối, can ra, chúng
mới chịu thôi.sáng hôm sau bả mang hai tấm bằng Tổ quốc ghi
công lên trả cho ủy ban xã, bả khóc ròng nói : “ các ông đã
đối xử với tôi như vậy, thì từ đây về sau đừng kể tôi là mẹ
liệt sĩ nữa, tôi tủi thân lắm !”.
Hớp một miếng nước, ông Bảy kể lại :
- Còn ông Ba Xén, cũng trạc tuổi với tôi, cũng gia
đình liệt sĩ, là xã viên hợp tác xã Quyết Thắng. Ông mang vô
hợp tác xã nông nghiệp mười tám công ruộng, làm ba năm không
khá nổi, phần bất bình vì những kiểu làm ăn bất chính, ông xin
ra, Ban chủ nhiệm đồng ý cho ông ra nhưng chỉ cho ông mang ra
nửa số đất. Ông không chịu, làm đơn đi kiện lên cấp trên. Một
hôm, ủy ban xã mời ông lên giải quyết, họ lập biên bản buộc
ông ký bàn giao cho hợp tác xã phân nửa số đất. Ông không ký
và bỏ ra về, lập tức trưởng công an xã ra lệnh “ Lực lượng
đâu, trói lại !”. Chúng nhào vô trói thúc ké ông lại và lôi
ngược qua cầu khỉ, giam mấy ngày.
Khi thấy chúng lôi ngược ông Ba Xén qua cầu khỉ,
tôi la : “ Tụi bây là chính quyền cách mạng hay đế quốc ? Cái
cầu khỉ như vậy tao bắt tụi bây đi ngược thử coi tụi bây có đi
được không “? Sáu Thành, chủ tịch xã quát vào mặt tôi : “ Ông
câm đi, ông biết gì mà chen vào ?”
Lại mấy ngày sau một sự việc diễn ra ngay trước
cửa nhà tôi. Thằng Sáu Thành, chủ tịch xã nhậu say, gặp con
Xuân con gái ông Chín Tỵ đi qua đường, hắn nhào đến ôm người
ta, con nhỏ hốt hoảng bỏ chạy. Hắn ra lệnh cho du kích : “
Tụi bây rượt bằt con nhỏ tình báo ấy nhốt lại!”! Mấy thằng du
kích không dám cãi lệnh, mà bắt cũng không dám bắt, nên giả vờ
rượt. Con nhỏ chạy mất. Hắn nổi khùng nhào vô xã đội đánh bà
già đang bị giam vì có con trốn nghĩa vụ. Hắn đánh mấy bạt
tai, cũng may là có người can kịp …
Câu chuyện của ông Bảy Thân vẫn chưa kết thúc
nhưng giọng ông bị lấn chìm trong tiếng loa phóng thanh thông
báo khai trừ ông ra khỏi Đảng mỗi lúc một gần. Chúng tôi rời
khỏi nhà ông, men theo con đường ra đê biển. Đêm xuống, làng
xóm vắng tanh, chỉ có tiếng loa phóng thanh kêu gọi,bêu xấu và
hăm dọa những người thiếu thuế.
III. TIN CỦA MỘT ĐÀI NƯỚC NGOÀI
Cuối năm 1986, một đài phát thanh nước ngoài đưa
tin: ngày 21 tháng 12 năm 1986, tại xã Long Điền Đông A, tỉnh
Minh Hải, hàng trăm nông dân đã kéo biểu tình đến tỉnh lỵ để
phản đối sự đối xử bất công của chính quyền địa phương.
Bản tin của đài phát thanh nước ngoài này làm cho
các nhà lãnh đạo ở đây nhận định rằng cuộc biểu tình ở Long
Điền Đông A là do bàn tay kẻ địch, vì chỉ có kẻ địch nhúng tay
vào nên tin tức mới đi quá nhanh như vậy. Và cũng chính vì
nhận định ấy mà kẻ địch nào đó bị đỗ lỗi thay cho những người
trực tiếp gây ra.
Từ ấy đến nay, Long Điền Đông A trở thành đối
tượng nghiên cứu của an ninh chính trị, và dần dần nó trở
thành một cái tên gọi khá hấp dẫn ; “ Sự kiện Bảy Liên Xô “.
IV. SỰ KIỆN BẢY LIÊN XÔ LÀ GÌ ?
Người ta kể về ông Bảy Liên Xô như một tên phiến
loạn đang cầm đầu nhóm nông dân chống lại chủ trương Nhà nước
và có âm mưu lật đổ chính quuyền, rằng ở Long Điền Đông A hiện
nay ai muốn trả nợ cho Nhà nước đều phải hỏi ý kiến ông Bảy
Liên Xô, rằng tổ chức của Bảy Liên Xô hiện nay đang ráo riết
trang bị vũ khí và quyên tiền để lập quỹ.
Đồng chí Tư Chuẩn, phó bí thư huyện ủy Giá Rai
cũng kể với chúng tôi như vậy. Và anh nhận định thêm:
-Sau lưng Bảy Liên Xô là bàn tay kẻ địch, bên cạnh
hắn là một số tên lưu manh và tề ngụy cũ, trong đó có tên Sũn
là tình báo. Nhưng cái nguy hiểm nhất của tên Bảy Liên Xô là
hắn tập hợp rất đông đảo gia đình liệt sĩ và nông dân nghèo để
chống lại ta.
Anh Sáu Hải, trưởng công an huyện thì tỏ ra thận
trọng hơn :
- Đây là một dạng hoạt động rất kỳ lạ. Chúng tôi
nghiên cứu mãi mà chưa tìm ra cái tên của tổ chức này là gì !
Nghe qua,chúng tôi vừa thấy hấp dẫn, vừa thấy kỳ
cục, muốn bay nhanh đến cái “ căn cứ “ ấy để xem vị thủ lĩnh
của những người nông dân này ra sao.
Khi chúng tôi chuẩn bị lên đường, anh Châu Đông Á, nguyên là chủ tịch xã Long Điền Đông A, hiện là phó phòng
nông nghiệp huyện có vẻ dò xét hỏi :
- Mày định vô xã làm gì ?
Tôi thành thật trả lời :
- Tôi muốn gặp ông Bảy Liên Xô 1
- Mày gặp ông làm gì? Anh có vẻ hơi sửng sốt.
- Thì cũng cần phải gặp chứ anh, nghề nghiệp mà !
Xe của huyện ủy đưa chúng tôi lên xóm Lung, từ đó
chúng tôi quá giang xuồng máy vào xã chừng hơn mười cây số.
Lúc ấy, trời đã tối. Chúng tôi phải lần mò từ đầu kinh qua mấy
chiếc cầu khỉ mới đến nhà ông Bảy Liên Xô.
Những ấn tượng ban đầu qua báo cáo của anh
Tư Chuẩn và Sáu Hải làm cho chúng tôi dè dặt và tự nhiên có
một linh cảm không lành trước đêm đen đang bủa vây trên xóm
nhà thưa thớt, leo lét những ngọn đèn dầu và tất cả chìm trong
im lặng. Tôi bắt đầu nghe sợ, cái sợ hãi khác thường không
giống bất kỳ sự sợ hãi nào mà tôi đã trải qua.
Đứng trước cửa nhà ông Bảy Liên Xô, tôi hồi hộp gõ
nhẹ cánh cửa:
- Chú Bảy ơi ! Chú Bảy !
Bỗng dưng trong nhà vụt tắt đèn và im lặng. Mặc
cho tôi gọi rất lâu, cũng chẳng ai lên tiếng.
Tôi bỗng nghe xương sống mình ớn lạnh và cặp giò
hơi run,Tôi chợt nhớ cái vẻ sửng sốt của anh Đông Á hồi chiều.
Hay là anh ta sợ mình đi vào vùng nguy hiểm chăng ?
Tôi khều nhẹ ba người bạn đồng nghiệp, đi vòng lại
nhà bên cách đó chừng ba trăm mét, gặp chị chủ nhà ngồi trước
cửa. Tôi tự giới thiệu :
- Chúng tôi là phóng viên báo chí, muốn gặp chú
Bảy Liên Xô, nhưng gọi cửa hoài không ai lên tiếng. Nhờ chị
giúp chúng tôi …
Chị chủ nhà nhìn tôi dò xét và ngập ngừng :
- Tôi … không biết, các anh chờ chồng tôi về. Rồi chị quay
sang bảo con. -Con chạy ra quán gọi ba về có khách !
Thật là kỳ lạ. Tôi có cảm giác như hồi chiến
tranh, hễ giặc đi càn vào vùng giải phóng, khi chúng tôi hỏi
bất cứ điều gì quan trọng thì đàn bà và trẻ con đều trả lời
rằng : “ Tôi không biết !”.
Chúng tôi xin miếng nước uống và ngồi đợi. Khoảng
mười phút sau, anh chủ nhà về đến, nét mặt có vẻ bực bội và
cau có :
- Các anh tìm dượng năm tôi có chuyện gì ? Ổng
không có nhà.
Trước thái độ của anh chủ nhà, tôi bị hẩng hụt nên
đâm ra ấp úng :
- Dạ, chúng tôi là phóng viên báo chí, muốn gặp chú
Bảy Liên Xô để hỏi thăm chuyện lúa, phân và chuyện biểu tình
năm ngoái.
- Các anh có tìm hiểu cũng không giải quyết được gì
đâu, mất công lắm. Hết đoàn này tới đoàn khác, cứ tìm hiểu,
tìm hiểu mà không giải quyết được cái con khỉ gì hết. Ông Sáu
Kiên vô đây tìm hiểu mấy tháng rồi có giải quyết được gì đâu,
giờ các anh tìm hiểu làm gì ?
Và anh bắt đầu chửi bới, lôi ra bao nhiêu chuyện
phiền toái, bất công đã trút xuống làng xóm, gia đình, họ hàng
thân tộc anh hơn một năm qua.
Chúng tôi chỉ ngồi im lặng, và sự im lặng ấy dường
như làm anh chủ nhà ân hận về thái độ của mình.Anh bắt đầu dịu
giọng :
- Các anh là nhà báo. Tức là chung cánh với ông Sáu
Kiên chớ gì ?
- Không-người bạn tôi trả lời- Sáu Kiên là giám đốc
Sở văn hóa, khác với chúng tôi!
- Vậy mà tôi tưởng… xin lỗi, nãy giờ tôi hơi hằn
học không đúng chỗ.
- Nhưng nếu chúng tôi là cánh Sáu Kiên thì có gì
làm anh hằn học dữ vậy?
- Có chứ, Sáu Kiên vô đây chỉ đạo phát loa nói xấu
gia đình thân tộc tôi, xúc phạm đến ông nội tôi, làm chia rẻ
bà con họ hàng tôi.
-Xin lỗi, chúng tôi chưa được biết tên anh ?
- Tôi thứ hai, tên Hiệp. Tôi kêu vợ ông Bảy Liên Xô
bằng cô, kêu Năm Phú bằng cậu. Nói thật các anh thương, trong
vụ tranh chấp lúa phân này, tôi khổ lắm.Bên nào cũng ruột thịt
cả.Thân tộc tôi, bên nội bên ngoại, tất cả có 48 liệt sĩ, giờ
chia rẻ thù ghét nhau, cũng vì chuyện phân,lúa.
Hai Hiệp kể:
Hồi cuối năm 1985, cậu Năm Phú,cậu ruột của
tôi,thường trực huyện ủy Giá rai về thăm nhà, đã phổ biến với
gia đình và một số bà con trong xóm rằng năm nay huện giải
quyết số phân tồn kho, bán bằng tiền cho vài xã có thành tích
huy động lương thực, giá mỗi ký năm đồng.
Cậu động viên bà con nên đi mua sớm,để qua tết hết
số phân tồn kho,phân mới nhập về sẽ bán bằng lúa.Năm Phú còn
bày thêm rằng: bà con chuẩn bị mỗi nhà nuôi một con heo, đến
cuối mùa bán heo trả tiền cho Nhà nước, còn lúa để lại ăn …
Mặc dù lúc bấy giờ giá năm đồng một ký phân, tính
ra cao hơn ba ký lúa, và nhận phân trước Tết, để tới mùa sẽ
bị hao hụt, song người nông dân sau khi tính lời tính lỗ họ
nghĩ rằng trả bằng tiền thì có nhiều cách để trả, hoặc lúc ấy
lúa trên thị trường lên giá, họ bán lúa trả vẫn lời hơn. Đối
với họ, một ký phân đổi ba ký lúa, một cái giá cắt cổ mà họ đã
cam chịu gần chục năm qua. Những năm thất mùa họ đã phủi tay
sau khi trả nợ phân và đóng thuế cho Nhà nước. Nhiều người
không đủ lúa trả phải đi vay.
Thế là các tập đoàn trưởng ùn ùn đi làm thủ tục ra
huyện nhận phân.Đến huyện, họ gặp ông Sáu Danh, phó phòng
nông nghiệp và ông Chín Việt, phó Giám đốc Cty vật tư nông
nghiệp cũng động viên và giải thích: Phân bán bằng tiền sao
các anh không mua về rải cho đã tay một năm. Cứ nhận đi, khi
nào được thông báo thì các anh làm thủ tục ra ngân hàng vay
tiền trả cho công ty. Một ký năm đồng, lãi hai lai, tức năm
đồng hai.”
Trong bảng hợp đồng ứng trước vật tư năm ấy cũng
chỉ ghi rõ lượng phân còn cột “số lúa phải trả “ thì bỏ trống,
kèm theo bảng hợp đồng là hóa đơn kiêm phiếu xuất kho ghi giá
mỗi ký năm đồng và tổng số tiền phải trả.
Thế là họ yên chí, các tập đoàn trưởng khi chia
phân cho từng hộ tập đoàn viên cũng chỉ phổ biến một câu ngắn
gọn: giá mỗi ký năm đồng, tới mùa lãi hai lai, tức năm đồng
hai. Có thể nói, bao nhiêu năm qua, với giá một ký phân đổi ba
ký lúa, người nông dân chưa bao giờ dám bón cho một công ruộng
quá hai mươi ký phân. Vậy mà năm ấy, có người bón một công từ
ba mươi đến năm mươi ký. Được Nhà nước “ chơi đẹp” một năm,
dại gì không bón cho đã tay !
Nhưng rồi cuối năm 1986, khi vụ mùa thu
hoạch xong, lúa vô bồ, bà con thở phào nhẹ nhõm nghĩ mình sẽ
ăn gọn được một vụ mùa và họ rủ nhau đi bán heo để trả nợ phân
thì đùng một cái, họ nhận được giấy báo nợ đòi một ký phân
bằng ba ký lúa.
- Thế này là thế nào ? mấy ông thấy lúa lên giá rồi
bẻ chĩa phải không?
Người ta la ầm lên như vậy. Cuộc huy động lương
thực diễn ra gặp phải sự phản ứng quyết liệt. Xã báo cáo về
huyện, huyện phân công đồng chí Nguyễn Tấn Lực, chủ tịch ủy
ban huyện dẫn theo một lực lượng công an hùng hậu xuống Long
Điền Đông A. Họ đi đến đâu, còng số 8 treo trên đầu súng AK
khua lắc cắc. Hễ ai chống đối, đòi trả một ký phân năm đồng sẽ
bị còng ngay lập tức.
Chủ tịch huyện họp dân và tuyên bố:
Trong 23 xã và 3 thị trấn của huyện này, chưa ai
ăn ngược nói ngạo bằng dân Long Điền Đông A. Ai bán cho các
anh một ký phân năm đồng ? Tại sao Đảng nói các anh không nghe
mà các anh lại nghe tin xuồng ghe ?
Một số tập đoàn trưởng cãi lại :
- Chính Năm Phú, Sáu Danh, Sáu Việt và Đông Á nói
như vậy !
- Văn bản đâu? Chủ tịch huyện hỏi.
Các tập đoàn trưởng mang hợp đồng kinh tế ra :
- Đây, chứng từ ghi rõ một ký năm đồng !
Cuộc cãi vã cứ diễn ra. Chủ tịch xã Châu Đông Á
thảo một công văn gởi xuống các tập đoàn sản xuất để đính
chính lại rằng: Đầu năm 1986 huyện ủy và ủy ban nhân dân huyện
có bàn bạc chuyện bán phân bằng tiền nhưng chưa nhất trí.
Khuyết điểm này là do Công Ty vật tư nông nghiệp huyện không
thông báo kịp thời từ đầu vụ để các tập đoàn đi làm lại hợp
đồng. Công ty vật tư nông nghiệp đã nhận thiếu sót với ủy ban
xã. Nay thông báo chính thức, yêu cầu bà con chấp hành chủ
trương chung, trả một ký phân bằng ba ký lúa “ …
Sau công văn ấy, ủy ban huyện rút Châu Đông Á về
huyện làm phó phòng nông nghiệp. Sáu Danh và Chín Việt lần
lượt cũng được chuyển đi khỏi phòng nông nghiệp và Công
Ty vật tư.
Những ngày trung tuần tháng 12-1986, chiến dịch
huy động lương thực ở Long Điền Đông A diễn ra như một trận
càn phối hợp giữa ba lực lượng công an huyện, công an xã và du
kích xã dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch huyện Nguyễn
Tấn Lực. Họ đi đến đâu thì cảnh bắt bớ diễn ra đến đó. Trong
vòng sáu ngày đã có tám người bị bắt giam trên xã. Mỗi cuộc
bắt bớ đều có xô xát xảy ra. Có chị mới sanh chưa đầy tháng
cũng bị lôi kéo rách quần rách áo. Người ta để nguyên hình hài
rách rưới như vậy kéo lên xã. Từ các ấp Vĩnh Điền, Bửu Đông,
những đoàn người rầm rập kéo lên. Từ xã, lực lượng công an
chạy xuống. Họ căng hàng ngang chĩa súng vào đoàn người. Họ
cắt sẵn những bó dây chuối để thành đống dưới chân. Nhưng có
lẽ họ cảm thấy không thể trói cùng một lúc bảy tám chục người
nên bèn thương lượng và trả tự do cho những người bị bắt.
Trước sự xung đột càng gay gắt diễn ra, ngày 18
tháng 12 ông Bảy Liên Xô cùng vài người trong xóm rủ nhau lên
ủy ban nhân dân tỉnh để phản ánh và khiếu nại vì sao huyện bán
phân cho họ bằng tiền, nhưng cuối mùa lại đói lúa. Đến ủy
ban tỉnh không được ai tiếp, họ kéo sang Hội đồng trọng tài
kinh tế. Sau khi xem xong các văn bản hợp đồng mua bán vật tư, ông trọng tài kinh tế trả lời :
- Chuyện này có lẽ do lúa bị trượt giá nên mấy ông huyện
tính lại cho hợp lý. Các anh về đi, ngày 23 tới, tôi sẽ cho
người xuống xác minh rồi giải quyết sau!
Ngày 19 họ trở về và thông báo với bà con rằng
ngày 23 trọng tài kinh tế xuống giải quyết.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 21, bất ngờ ông Bảy Liên Xô
thấy một lực lượng công an và bộ đội từ ba bên bốn phía kéo
đến bao vây nhà ông. Họ đọc lệnh bắt ông về tội vận động quần
chúng chống lại chủ trưong Nhà nước. Bà Bảy Liên Xô bước ra
ngăn cản. Cuộc bắt bớ trở thành xô xát, ẩu đã lẫn nhau. Súng
nổ. Hàng trăm đồng bào kéo đến giành giựt với công an. Bên này
lôi đi, bên kia kéo lại. Bà Hai Giáp, chị vợ ông Bảy Liên Xô
bị đánh, bị xô chết giấc. Bà Bảy Vịnh, mẹ vợ ông Bảy Liên Xô
gần tám mưoi tuổi bị công an ném lên bụi bông giấy, rách áo,
xước da, chảy máu. Bà Bảy Liên Xô bị lôi tuột hết quần áo và
bị trói bứt một vòng da trên hai cánh tay.
Cuối cùng, công an cũng bắt được ông Bảy Liên Xô
về huyện, bà con tổ chức ngay cuộc biểu tình trên tám mươi
người.Họ dùng ghe chở bà Hai Giáp và bà Bảy Liên Xô lên Bạc
Liêu. Đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, họ vừa đi vừa hô khẩu
hiệu : “ Đả đảo chính quyền áp bức bất công! Ủng hộ Đảng cộng
sản Việt
Nam! Chủ tịch Hồ
Chí Minh muôn năm !”
Cũng lúc ấy ở Long Điền Đông A,trạm truyền thanh
thông báo rằng :” Vợ chồng tên Bảy Liên Xô can tội phản quốc,
cấu kết với tình báo CIA chống lại chính quyền cách mạng”. Họ
đến trường phổ thông cơ sở thông báo với học sinh và đề nghị
các em phải về thông báo lại cho gia đình, vận động gia đình
phải trả lại nợ phân cho nhà nước theo chủ trương chung một ký
phân bằng ba ký lúa, đừng có nghe theo yêu sách của Bảy Liên
Xô.
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, bảy ngày sau ông Bảy
Liên Xô được trả tự do với lệnh tha của công an huyện ghi tội
danh: “ Tàng trữ vũ khí trái phép”. Đồng chí Nguyễn Văn Để,
Trưởng ban dân vận mặt trận của Tỉnh ủy cùng với Ban thường vụ
huyện ủy Giá Rai xuống Long Điền Đông A tổ chức mít tinh cho
cán bộ tự phê trước dân. Cách chức sáu Thành chủ tịch xã,
Nguyễn Tấn Lực chủ tịch huyện và bồi thường hai mươi ngàn đồng
tiền chữa bệnh cho bà Hai giáp và bà Bảy Liên Xô, còn việc trả
nợ phân bằng lúa hay bằng tiền, tạm thời gác lại chờ chủ
trương của Tỉnh ủy.
Sau sự kiện ấy, chính quyền địa phương cho rằng họ
bị xử ép. Đành rằng họ bắt ông Bảy Liên Xô như vậy là hơi vội
vàng, bắt chưa đúng lúc. Nhưng đồng chí Trưởng ban dân vận mặt
trận tỉnh bắt họ phải tự phê và kiểm thảo họ trước dân là điều
sỉ nhục đối với chính quyền. Từ đó, họ mang trong thâm tâm một
niềm cay cú và ngấm ngầm chờ cơ hội để trả đủa cho thỏa lòng
tự ái.
Người dân, suốt cuộc đời theo đảng, trung thành
sống chết với Đảng, nay quá đau xót vì thấy rằng tình cảm
thiêng liêng ấy dầu gì cũng bị tổn thương. Họ bàn bạc nhau:
Cái Tết năm ấy sẽ mang rượu thịt, bánh mứt lên xã cùng với cán
bộ tổ chức vui Xuân để xóa đi chuyện cũ, cho nghĩa đảng tình
dân được khắng khít, cùng nhau xây dựng xóm làng. Họ
giao công việc ấy cho anh Hồ Duyên Hải, thương binh tập đoàn
trưỏng tập đoàn tám đi quan hệ. Anh Hải nhờ anh Bí thư chi bộ
ấp mang ý kiến lên bàn bạc với ủy ban xã, ủy ban xã nhất trí.
Nhưng đến ngày mồng tám tết, khi bà con kéo lên
thì xã ủy không tiếp. Bà con vừa ngượng, vừa lỡ bộ
vì đã gom góp tiền bạc mua rượu thịt bánh mứt, giờ biết mang
đi đâu. Bàn đi tính lại, họ kéo qua nhà ông Bảy Thân. Ông Bảy
Thân cũng không còn cách nào từ chối, đành phải tiếp. Họ uống
hết bốn mươi lít rượu, rồi say sưa, lời qua tiếng lại, múa ca
nhảy nhót, náo loạn một khúc xóm. Một bà mẹ liệt sĩ quá say,
vừa leo qua cầu khỉ, vừa hát: “ ta thắng như chẻ tre, ta tiến
như nước tràn, cùng múa như lời ca”.
Sự việc ấy được xã báo cáo lên huyện rằng cánh ông
Bảy Liên Xô có ý đồ chiếm ủy ban xã để ăn mừng chiến thắng, họ
khiêu khích chính quyền nên mới hát bài: “ Ta thắng như chẻ
tre”. Ông Bảy Thân bị quy kết là mất quan điểm lập trường,
chứa chấp những phần tử xấu. Đó là một trong những lý do để
khai trừ ông ra khỏi Đảng.
Ông Bảy liên Xô từ đó trở thành cái gai nhọn của
chính quyền, và tất cả những người không chịu trả nợ phân bằng
lúa, có thái độ kháng cự đều được xem là “ nhóm của Bảy liên
Xô”.Họ bị loại ra khỏi vị trí bình thường, trở thành đối
tượng nghiên cứu của các nhà an ninh chính trị và trinh sát kỹ
thuật..
Bước sang vụ mùa 87, huyện chủ trương không bán
vật tư nông nghiệp cho họ.Nhiều tập đoàn nhận phân về phân
phối xong, ủy ban xã ra lệnh cho tập đoàn trưởng đi thu hồi
lại. Nhưng cuộc biểu tình nhỏ lại diễn ra. Từng đoàn người kéo
nhau đi khiếu nại. Bí thư xã tuyên bố:
- Các bà cứ đi thử xem, nếu năm nay Nhà nước bán
phân cho các bà thì tôi xin từ chức.
Họ kéo nhau ra huyện nằm vạ, huyện không giải
quyết. Họ lại kéo lên tỉnh. Tỉnh điện về cho huyện. Huyện hứa,
họ về huyện, huyện lại nói khi nào họ chịu trả nợ phân 86 theo
giá một phân ba lúa thì huyện mới bán phân cho vụ mùa 87. Họ
lại kéo nhau lên tỉnh, tỉnh điện về bảo huyện giải quyết. Họ
lại về huyện. Lần này huyện giải quyết bán nhưng lại ghi kèm
số nợ cũ vào bảng hợp đồng.Họ lại kéo nhau lên tỉnh lần nữa.
Cuối cùng khi nhận được phân về đến nhà thì lúa
trổ, không còn bón kịp.Đành chịu thất mùa, có người thất
trắng, lúa thuế còn không có để đóng, lúa đâu để trả nợ phân?
Mà phân còn để nguyên trong bao đó, Nhà nước có đòi phân thì
họ trả lại, chớ có bón xuống ruộng đâu mà trả lúa. Rốt cuộc,
Long Điền Đông A, một xã dẫn đầu ở Minh Hải về năng suất lúa,
mỗi năm gần mười ngàn tấn. Nhà nước huy động hai,ba ngàn tấn,
năm 1987, sản lượng còn lại chỉ trên năm ngàn tấn, Nhà nước
huy động trầy da tróc vẩy, dùng cả biện pháp hành chánh mà chỉ
được hai trăm tấn.
Tất cả những hậu quả đó, người ta lại đổ lỗi cho
ông Bảy Liên Xô !
Đêm ấy, trước khi chia tay, trong bầu không khí
thân mật, anh Hai Hiệp nói:
Các anh muốn gặp ông Bảy Liên Xô thì chiều mai đến
đây, tụi mình lai rai chơi !
Chiều hôm sau, chúng tôi trở lại nhà Hai Hiệp. Nhưng
nhà đóng cửa. Chúng tôi, nằm dài ngoài đống rơm đợi anh hơn
một tiếng đồng hồ. Lúc ấy, mặt trời sắp lặn. Hai Hiệp trở về
với nét mặt lạnh lùng, dè dặt làm chúng tôi thất vọng. Anh
Hỏi :
- Các anh có giấy tờ gì để chứng minh các anh là
nhà báo không ?
Tôi giật mình hỏi lại :
- Chi vậy anh ?
Hai Hiệp nói nghiêm chỉnh :
- Các anh cảm phiền đưa giấy cho tôi và lập danh
sách đoàn các anh gồm có mấy người, ở cơ quan nào và cần gặp
ổng với nội dung gì.Tôi mang lên trình với ổng, nếu ổng
đồng ý thì các anh mới gặp được.
Tôi hơi choáng người trước cách đặt vấn đề của Hai
Hiệp. Có lẽ không còn nghi ngờ gì nữa, ông Bảy Liên Xô là một
thủ lĩnh, có liên lạc và có tổng hành dinh. Thú thật, một nhà
báo địa phương loại vô danh tiểu tốt như tôi, cũng chưa bao
giờ gặp ai với những thủ tục rắc rối thế này.
Ngẫm nghĩ một lát, tôi đành lấy thẻ nhà báo trao
cho Hai Hiệp và ghi mảnh giấy nhỏ kèm theo :
Kính gửi Chú Bảy.
Tụi cháu là phóng viên báo chí và Đài tiếng nói nhân dân Minh
Hải, gồm có bốn người, cần gặp chú để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh
của chú và những thắc mắc của bà con nông dân.
Rất mong được gặp chú.
Người đại diện
ĐẮC DANH
|