.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Thư mục Anh Thư

Nỗi buồn ngây ngất

  • 11.02.2008

Buồi sáng ngồi làm việc: một ngày như mọi ngày.  Công việc mới xong một phần, chưa kịp nghỉ ngơi thì lại có người điện thoại vào:

 

“Tôi muốn được nói chuyện với người Việt về vấn đề xin đổi nhà”.

“Vâng, tôi người Việt đây.  Anh có phải người thuê nhà chính phủ vùng Bonnyrigg không?”

 

Đầu giây điện thoại trà lời: “Dạ đúng, em ở số nhà …, đường …, ba em là người đứng tên chủ nhà.  Ông cụ 90 tuổi rồi, không còn trí nhớ nên em là con trai nuôi ba, phải đứng ra lo hồ sơ nhà.  Xin chị cho em cái hẹn”.

 

Tôi hỏi thêm vài câu, làm một ít thủ tục lấy thêm chi tiết để mở hồ sơ cho thân chủ mới và cho biết sẽ đến thăm tại nhà ngay để giúp điền mẫu đơn và trực tiếp gặp chủ nhà.  Ngoài trời tháng chín vào xuân nên khí hậu man mát dễ chịu.  Có hôm trời vẫn còn lạnh nhưng hôm nay, vài tia nắng ấm làm khu Shopping Plaza vui hơn, và xe cộ ra vào cũng tấp nập hơn.  Tôi ôm tập hồ sơ với tất cả đơn từ cần thiết để phóng xe đến nơi hẹn.

 

Đứng tần ngần trước một căn nhà khá cũ kỹ, tôi khoá xe và cẩn thận nhìn xem nhà có treo bảng  “Beware of Dog!” không.  Căn nhà xây tương tự như hầu hết kiểu của những căn nhà của chính phủ.  Trước đây hơn 30 năm, một công ty được thầu xây  850 căn hộ cho những gia đình được Bộ Gia Cư cấp nhà.  Đến nay, hầu như những căn nhà này đã cũ và rách nát, không khác gì những căn nhà chệt ở Việt Nam, xây bằng những vật liệu rẻ tiền.  Vì vấn đề trùng tu và sửa chữa quá cao, chính phủ nay quyết định tái thiết nguyên cả khu Bonnyrigg và công việc mà tôi đang làm là giúp cho những người thuê nhà hiểu biết về quyền lợi pháp định của họ khi phải dọn nhà đi nơi khác, trong khu vực sắp bị giải toả.

 

-  “Nhà không có chó đâu, chị vào đi”, người con trai trạc 40 tên Long mở cổng mời tôi vào.  Gương mặt anh hiền lành và nụ cười đôn hậu làm người khác dễ tin.  Anh nói tiếp:

 

“Ba em sau hè, để em kêu ba lên”.  Tôi ngồi xuống bàn ăn trong căn bếp chật, đặt giấy tờ và lấy bút viết ra làm việc.  Thấy Long đi vào sân sau, tôi lấy máy hình trong túi ra và hỏi: “Ở đây hơn 20 năm rồi, anh có làm thêm nhà kho, nhà xe hay gắn máy lạnh không?... Nếu có, anh cho tôi chụp để làm hồ sơ sau này xin bồi hoàn được không?”.

 

Long cười: “Nhà chỉ gắn một máy lạnh cho bà cụ lâu lắm rồi không dùng vì mẹ em vào viện dưỡng lão cả gần 3 năm nay.  Em cũng có làm nhà kho chứa mấy thứ làm vườn sau nhà, nhưng cũ lắm, gỡ đi cũng không còn gì.  Còn nhà xe thì cũng chỉ làm sơ sơ để che nắng vì làm đàng hoàng thì phải xin phép hội đồng thành phố, giấy tờ phiền phức lắm.  Chị muốn chụp thì cứ chụp nhưng lúc dọn đi, chắc bồi thường chẳng được gì đâu”.

Tôi vẫn làm đúng những gì mình phải làm và đi theo Long vào sân sau.  Long giới thiệu ba Long: “ba em đây, chị có nói, ba điếc không nghe đâu”.  Tôi thấy hình ảnh một ông cụ 90 yếu đuối đang ngồi dưới một mái tôn xiêu vẹo của chiếc nhà kho gần đổ nát.  Tóc ông cụ bạc trắng, chỉ còn lơ thơ ít cọng.  Đôi mắt ông vẩn mờ và nụ cười chào khách không còn chiếc răng. Ông đang bỏ những nhánh cây nhỏ để nhóm thêm một chút lửa, và lại tiếp tục, chăm chú làm như một công việc.  Dưới ánh nắng mùa xuân, những nếp nhăn trên gương mặt ông vẫn còn ghi lại nỗi cô đơn hiu hắt của cuộc đời.  Tôi chưa kịp hỏi tại sao bác lại đốt lửa sau nhà như vậy thì Long đã đoán ý trả lời:

 

-  “Ba em mất trí nhớ nên không làm được chuyện nhà - cả ngày chỉ còn biết quanh quẩn dưới nhà kho đốt lửa chơi một mình… Ba điếc, đâu nghe được gì nên chẳng có bạn”. 

 

Tôi ngạc nhiên: - “Nhưng bác có biết đốt lửa rồi dập tắt không?  Lỡ quên quên nhớ nhớ thì đốt cháy nhà, nguy hiểm chết”…  

 

Long mời tôi lên nhà, vừa châm nước trà vừa nói:

-  “Ba chỉ còn mỗi ngọn lửa làm bạn.  Ba biết châm mồi lửa và cũng biết dập tắt trước khi vào nhà.  Trời lạnh lửa làm ông già ấm, trời nóng, ba đốt vài chiếc lá sau vườn cho sạch sân. Lửa là bạn của ba.  Ngăn ba đốt lửa là ba buồn bỏ ăn.  Ngoài ra, mỗi sáng ba thích đi nhà thờ một mình, không cho ai đưa đi, rồi ba cũng biết về nhà. Chiều nào em cũng đưa ba vào viện dưỡng lão ở Canley Vale thăm mẹ”.

 

Tôi trở về văn phòng sau khi điền xong những đơn cần thiết cho Long ký tên thay ba.  Các giấy uỷ quyền và hồ sơ xem như tạm xong.  Ngày mai sẽ viết thêm một lá thơ yểm trợ cho hồ sơ xin đổi nhà là chuyển đi lên Bộ.  Hình ảnh cô đơn của một cụ già ngồi chơi với đốm lửa sau hè làm lòng tôi buồn tê dại như những nhánh cỏ khô mùa xuân.  Tôi vẫn còn nhớ câu nói của Long, giọng buồn … nhưng đôi môi vẫn còn giữ được một nụ cười :

 

“Chị hỏi em sao gần 50 mà chưa lấy vợ.  Ba mẹ em xin được nhà này theo diện ưu tiên cách đây cả 20 năm.  Mẹ em bắt đầu đau yếu từ lúc đó trong lúc  Ba em bị xốc, tê liệt cả mấy năm không nói được.  Sau đó, ba bị mắt mờ và điếc.  Bây giờ, mẹ thì nằm trong viện dưỡng lão mà không biết mình là ai.  Bà cụ mất trí nhớ gần như 90 phần trăm.  Ba em già quá rồi nên cũng khi nhớ khi quên.  Em có mấy anh em, nhưng đều có gia đình nên không nuôi được ông bà.  Bây giờ, nếu em lấy vợ thì bố mẹ để ai nuôi?”.

 

Tôi nghĩ tới Long… Nếu cuộc sống của anh: cả một thời thanh niên bị đeo vào trách nhiệm nuôi cha, nuôi mẹ thì … đó có phải là một sự hy sinh?.  Long bỏ cả công ăn việc làm trước đây để cả ngày hết vào nhà thương, lại vòng qua những cơ quan xã hội lo giấy tờ xin tiền trợ cấp cho ông bà.  Thủ tục hành chánh để xin cấp dưỡng và nuôi dưỡng cho người bệnh phức tạp, nhiêu khê.  Xin được một căn nhà chính phủ theo diện ưu tiên phải làm hồ sơ đính kèm và thơ từ viết lách nộp vào hồ sơ dầy như quyển sách.  Đúng như Long nói: “Nếu em có vợ, lấy ai săn sóc cho ba mẹ em.  Mà thấy hoàn cảnh em thế này, đâu có cô nào muốn lấy em để làm dâu cho cực”.

 

Tôi có lúc nói đùa: “Bên xứ này, không có con thì đã có chính phủ nuôi hai bác, Long phải lo cho thân mình chứ.  Mai mốt về già Long còn phải cần có người để săn sóc cho mình”… Long cúi mặt buồn so.  Tôi cảm thấy câu nói đùa vô tình của mình bỗng biến thành một lưỡi dao bén, cắt sâu vào tâm hồn hiếu thảo của một người con, hay đúng hơn, một người đàn ông, đã bỏ mất một thời thanh niên vì phải phụng dưỡng song thân trong tuổi xế chiều.  Hai đấng sinh thành ra anh đã có công tạo ra hình hài của anh thành một con người… nhưng, vì chữ hiếu, hay vì hoàn cảnh khắc nghiệt… ông trời xanh cay nghiệt đã cột anh vào một trách nhiệm, hay đúng hơn một gánh nặng đèo đẽo, bắt anh phải đeo trên vai suốt gần 20 mùa xuân của một thời trai trẻ.

 

Ngày hôm sau viết xong lá thơ “support” để Long gời hồ sơ đi lên Bộ, tôi xếp hồ sơ vào tủ và gắn một nhãn nhỏ “Hồ sơ cần theo dõi trong hai tháng tới”.  Tôi chạnh buồn với ý nghĩ hơi khôi hài là đặt tên ông thân chủ 90 tuồi của mình là  “Cụ già bên ánh lửa”… để phân biệt với cả trăm hồ sơ khác.

 

Thế mà mãi ba tháng sau tôi mới có chút thời gian để nhìn lại hồ sơ này, trong lúc dồn dập công việc vì phải giải quyết những ca cần thiết hơn cho những người phải dọn nhà đi trong những vùng sắp giải tỏa.  Long ở khu nhà còn chờ cả mươi năm nên vấn đề xin đổi nhà theo yêu cầu vẫn chưa cần thiết được xét đến.  Tự nhủ: “Thôi thì dù sao mình vẫn có đôi lời hỏi thăm ông cụ và cậu con trai hiếu thảo của ông…”.

 

Long nhận ngay ra giọng nói của tôi qua điện thoại.  Hôm nay trời mưa, và mưa kéo dài suốt mấy hôm.  Tôi phài tạm gác hồ sơ của một thân chủ đang bị cảnh nhà dột cột xiêu, chờ cơ quan Gia cư Cộng Đồng cho người đến xem để sửa.  Hồ sơ của một thân chủ khác - bị chủ nhà đưa ra toà vì dọn nhà đi mà không chịu lau chùi sạch sẽ, cỏ mọc cao cả thước - vẫn nằm ỳ ở đó cả tuần chưa dám động đến.

 

Nghe giọng nói của Long, tôi có cảm giác như đang nói chuyện với một người bạn, hay một người em trong gia đình.  Khi hỏi về tình trạng gia đình và sức khoẻ của ba anh, Long trả lời:

 

“Chị biết không, ông cụ ngày càng yếu đi.  Sáng sớm thứ bảy vừa qua ba em đi nhà thờ, trời mưa lớn.  Khoảng 8-9 gìờ, cảnh sát gõ cửa khi em còn đang ngủ.  Nghe nói ông cụ bị xỉu vì trời mưa lạnh.  Cảnh sát nghe có người cho biết nhà em nên đưa về dùm.  Vậy mà ngày nào ba vẫn phải đi.  Đi để nhìn nóc nhà thờ, em đoán chắc là để cầu nguyện cho mẹ em.  Bà cụ bây giờ nằm đó, không còn biết ai ra ai.  Mỗi lần ba vào thăm, bà chỉ nhếch miệng ú ớ - hay nhe răng - như cười – mà không biết có phải là cười hay không”.

 

-  “Thế ông cụ còn đốt lửa sau nhà không?”…Tôi hỏi - Bên đầu giây, thoáng nghe như có tiếng thở dài. Long kể tiếp:

 

- “Lúc này vào hè, em phải ngăn không cho ba đốt lửa vì sợ hàng xóm họ than phiền.  Tội nghiệp ông cụ quá.  Ông buồn bỏ ăn mấy ngày.  Còn việc đi thăm mẹ em mỗi ngày, em mệt quá, có lúc nhất định không chịu đưa ba đi, ông ấy tự trốn đi một mình… mà chị biết đó, từ đây đi Canley Vale cũng cả 10 cây số là ít.  Hôm qua ba mới đi bộ một mình mà em không hay vì phải đi lo giấy tờ xe.  Lúc về nhà không thấy ba đâu.  Chờ đến chiều tính đi báo cảnh sát thì thấy ba bò về.  Hình như ba không đi thăm mẹ thì chịu không được.  Ổng thương bà  lắm.  Mà cũng ngộ lắm, vô đó thăm, mẹ em có biết gì đâu.  Vậy mà chỉ nhìn thấy mẹ em thôi là ba em cũng vui lòng.  Em không biết mai này nếu mẹ em mất đi,  ổng buồn biết chừng nào…”

 

Tôi nghe chuyện mà lòng thấy buồn ngây dại.  Ngưng nói chuyện trên điện thoại, giọt nước mắt đã chảy ướt mi rồi mà không lăn xuống má.  Nước mắt đọng trong hồn tôi như một giọt thuỷ tinh không thể hoà tan, làm cấn đau linh hồn và đọng lại rất lâu.

 

Tôi nghĩ đến thân phận con người.  Trong sự cô đơn như ông: không còn ai tâm sự, không còn cả ngọn lửa vô tri để tỏ bày sự đơn độc.  Nhưng may mắn, ông còn một tình yêu: tình yêu vợ chồng sau mấy chục năm gắn bó, tình yêu giữa con người và con người trong lúc vẫn cần có nhau.   Một ngày kia khi sức khỏe hao mòn… biết đâu cũng có ngày mình bị mất trí, trở thành man man dại dại như hai ông bà thân sinh của Long.

 

Ngày qua như mưa rồi nắng.  Buồn rồi cũng qua.  Tôi hàng ngày lao thân vào công việc. Tâm hồn của một người làm việc xã hội tuy không nhiều lương, nhưng nhiều rung cảm.  Nhất là sự rung cảm trước những lời cám ơn chân thành của những người thân chủ đến nhờ mình giúp đỡ. 

 

Công việc nào cũng có cái dễ và cái khó, nhưng cái khó nhất là phải đối đầu với những hoàn cảnh “trên đe, dưới buá” của những người làm việc quanh mình.  Vấn đề căng thẳng với công việc là sự đương nhiên phài có, nhưng cảm giác yêu nghề mới thực sự khó tìm.  Vậy mà, tôi biết biết mình rất yêu cái nghề bấp bênh, đồng lương lãnh ra chỉ đủ trả hết tiền nhà, tiền bills xong là hết nhẵn. Yêu nghề vì biết có những người yêu mình, có những người cần mình, và có cả những người …lúc nào cũng tỵ hiềm, đố kỵ với những thành công của những người hơn mình. 

 

Sáng nay, tôi lại nhận điện thoại của Long. Long cho biết là bà cụ đã qua đời.  Ba của Long như người mất hồn và ông cụ đã bỏ ăn như những lần ông buồn con trai không cho ông nghịch lửa, nhưng nỗi buồn mới này ắt hẳn sẽ gấp mươi lần.  Long nói :

 

-  “Chắc bây giờ ba chả cần đi nhà thờ mỗi ngày để cầu nguyện cho mẹ em nữa.  Ba lẫn nhiều hơn và có khi buồn bã, chẳng ăn uống gì, nằm liệt giường sau khi biết tin mẹ em qua đời”.

 

Tôi thẫn thờ.  Ông cụ chín mươi, người khách hàng của tôi bây giờ đã mất ánh lửa niềm tin, mất lời nguyện cầu bên nóc giáo đường, và mất cả người vợ thân yêu cuối cùng trong cuộc đời bóng xế.  Tôi ngồi thừ người cà giờ.  Có ai là người nghe tôi kể lại câu chuyện này mà cò thể chia sẻ nỗi buồn cùng tôi?  Nỗi buồn đang đến với tôi trong mùa tình yêu Valentine của năm 2008 … Giọt nước mắt lăn xuống … Ôi! nỗi buồn cao ngất… Nỗi buồn này đâu khác gì nỗi buồn ngây ngất trong trái tim khô của một cụ già tuổi đã quá chín mươi.

 

Anh Thư
Úc Châu
Viết cho mùa Valentine 2008

 

ANH THƯ


AnhThư:  2/01/2007 Colum Beach, Queensland

ANH THƯ hay MÂY HẠ là bút hiệu của một Nữ sĩ hiện cư ngụ tại thành phố Sydney, Úc Đại Lợi. Giới thiệu MÂY HẠ là Nữ sĩ, không phải vì Bà là cựu sinh viên Văn Khoa Sài-gòn và tốt nghiệp MA ở Đại Học Sydney, mà đúng hơn, vì Bà là người tha thiết yêu Văn học Việt nam, nhứt là thơ và văn.

Về thơ, MÂY HẠ có được một tuyển tập hơn mươi bài thơ tình cảm vô cùng đạc sắc. Về truyện, Bà còn giữ được một số ít. Thơ và truyện, MÂY HẠ viết để cho chính mình nên chưa phổ biến. MÂY HẠ viết là để sống với văn thơ mà không nghĩ để trở thành nhà thơ hay nhà văn.

Trong đời sống hằng ngày, MÂY HẠ là một viên chức của Bộ Xã Hội tiểu bang NSWcủa Úc.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.