.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà


Đọc : Giữa gạo và khoai tây
của Tường Lam*

  •  PSN 8.10.2008

Đây là tác phẩm thứ hai của Tường Lam, được viết bằng tiếng Việt. Theo định nghĩa của các cuốn Tự điển Hán-Việt thì: “Tiểu thuyết là một thể văn xuôi miêu tả nhân vật, sự kiện và mọi hiện tượng trong xã hội, thường là truyện đặt ra.”  Như thế cuốn truyện nầy đều có đầy đủ các yếu tố trên, duy có điều là tác giả muốn trình bày theo một chiều hướng khác. Lấy sự trung thực làm mục tiêu chính để diễn tả, nên tác phẩm không những chỉ để giải trí, mà còn có thể rút tỉa một vài kinh nghiệm cho đời sống hiên tại.

Thường thì các nhà văn viết tiểu thuyết hay theo một thể thức chung với nội dung một nửa sự thật, còn nửa kia là hư cấu, nhờ vậy mà hấp dẫn người đọc. Nhưng đối với tác giả Tường Lam thì lại muốn đi riêng một con đường, trong đó từ đầu truyện đến cuối đều tả chân và hiện thực. Lối viết nầy có thể không đáp ứng thị hiếu của một số người. Bởi vì tâm lý chung ai cũng muốn truyện có những tình tiết hấp dẫn, có một chút phiêu lưu, một chút mâu thuẩn, khó hiểu để đánh lừa những người hay suy tư và tưởng tượng. Vì vậy mà lối tiểu thuyết tả chân, tả thực khi đọc trang đầu, có thể phỏng đoán được trang hai. Nhưng nếu đọc tiếp thì sẽ nhận ra đây là một cuốn sách có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại đây. Có thể rút tỉa được ít nhiều kinh nghiệm cho cuộc sống hàng ngày như vấn đề hôn nhân hay hội nhập vào xã hội mới. Theo chiều hướng hội nhập nhưng vẫn còn gìn giữ những nét văn hóa cội nguồn, điều nầy rất cần thiết đối với kẻ ly hương, nhất là cho các thế hệ trẻ.

Có lẽ vì thế mà tác giả đã mạo hiểm, đi tiên phong làm cuộc thí nghiệm, và cũng là một đóng góp cho những người đang sống giữa hai nền văn hóa và tôn giáo khác biệt. Vẫn có thể điều hòa đời sống lứa đôi, kiến tạo hạnh phúc gia đình để góp phần xây dựng xã hội. Tháo gỡ được những dị biệt, để đi đến sự hài hòa bằng hiểu biết và cảm thông. Khi chúng ta đến sinh sống nơi xứ người, việc quan trọng trước tiên là hội nhập vào xã hội nơi mình định cư. Với cuộc sống mới nầy, rất có thể thế hệ tương lai sẽ gặp những trường hợp hôn nhân dị chủng, dị giáo và tinh thần kỳ thị vẫn luôn ám ảnh các dân tộc vốn đã có một lịch sử khủng hoảng, phong kiến, bị chèn ép. Nếu không hiểu biết để yêu thương, trân trọng lẫn nhau, không chuẩn bị tinh thần trước, thì rất dễ đưa đến tan vỡ.

Trong tinh thần đó tác giả đã khai triển những yếu tố sau đây:

Thứ nhất, với tựa đề sách : “Giữa Gạo và Khoai Tây” có thể khiến cho độc giả nghĩ rằng đây là một cuốn sách phân tích về kinh tế, hay bàn về phương pháp dinh dưỡng. Nhưng nội dung thì hoàn toàn trái ngược. Nghĩa là vẫn giữ tiêu chuẩn tiểu thuyết, miêu tá: “nhân vật, sự kiện và mọi hiện tượng trong xã hội…”. Thế nên tựa đề có thể là một ẩn dụ để so sánh giữa hai nền văn hóa Đông-Tây một cách rốt ráo, hiện thực vấn đề. (người Việt chúng ta thì món ăn chính là gạo, người Đức có món ăn chính là khoai tây).

Thứ hai, có lẽ nhờ vào tấm lòng của tác giả quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm tình của giới trẻ. Lâu nay họ bị lạc lỏng trong không gian gia đình, với những phụ huynh vốn có quan niệm cứng ngắt về phong tục, tập quán mà có thể có nhiều điều không phù hợp với đời sống hiện tại. Nên giới trẻ đã tự nhiên hội nhập vào xã hội nầy bằng cách trực chỉ, nên không thể hiểu và thông cảm lẫn nhau, khiến cho bóng dáng cội nguồn dần dần phai mờ. Do đó mà từ thế hệ phụ huynh đến con em trở thành hai quan niệm, hai thế giới nhân sinh quan khác nhau. Vấn đề nầy đã xẩy ra rất lâu trong nền văn hóa Việt, vì quan niệm cổ hủ của người xưa. Ví dụ như câu tục ngữ: “Thương con thì cho roi cho vọt, ghét con thì cho ngọt cho bùi”. Nhưng họ đâu chịu khó để tìm hiểu tâm trạng, phản ứng của một em bé khi bị đánh đòn? Cho nên giữa cha mẹ và con cái muôn đời vẫn xa cách, thế hệ đi trước muốn dừng lại, còn thế hệ thứ hai thì vẫn tiến bước để theo kịp văn minh của nhân loại. Trong khi trên thực tế đời sống của con người phải cùng nhau khởi hành để đi về phía trước. Mà tương lai thì có nhiều điều khác biệt với quá khứ và hiện tại, không hoàn toàn phù hợp với quy định của một lề thói, với những ai không muốn tham dự vào cuộc hành trình.

Thứ ba, là nhân duyên đưa đến sự hội nhập. Không phải tất cả những người đến tị nạn tại nước Đức, một sớm một chiều gặp được cuộc sống hài hòa đối với người bản xứ, nếu không gặp những điều may mắn nào. Cũng như mấy ai được suông sẻ trong việc xây dựng hôn nhân với người bản xứ mà không cảm thấy một cái gì đó không thể diễn tả được, nhưng nó luôn hiện diện trong tâm thức của hai người, như một bức tường vô hình ngăn cản. Có thể tác giả đã sinh sống tại nước nầy từ rất lâu, đã gặp nhiều chuyện của nhiều người, nên bây giờ tác giả diễn tả lại một cách trung thực, rất sâu sắc.

Như đoạn tiêu biểu của hai người con gái Việt Nam đều cùng một hoàn cảnh, một lứa tuổi và trình độ không khác nhau mấy. Thủy Tiên vốn con nhà vọng tộc, con của một Sĩ quan thuộc chế độ miền Nam, nhưng khi đến xứ người thì phải chịu cảnh cô thân, nên cô đành chấp nhận học một cái nghề bình thường đi làm để trước hết nuôi thân. Còn Thu Mai thì may mắn hơn có mẹ bên cạnh, nên cô đã có nhiều cơ hội học lên Đại học. Cũng như cuộc hôn nhân của Thu Mai may mắn nên đã lập gia đình với một người đổ đạt, có cuộc sống hạnh phúc.

Trong tình tương lân mẹ của cô Thu Mai cũng đã che chở, đùm bọc cho Thủy Tiên như con mình vậy. Thế mới biết tình mẹ là chổ dựa rất bảo đảm cho đời sống của con trẻ. Tuy Thủy Tiên không được may mắn học lên cao, nhưng cô không mặc cảm nên vẫn có một cuộc sống đàng hoàng, một nghề nghiệp vững chắc, nhờ vậy được nhiều người quý trọng.

Chuyện tình của Thủy Tiên cũng ba chìm bảy nổi! Chẳng những không có cơ hội học lên cao, mà còn gặp nhiều điều ngang trái. Nhưng nàng biết an phận thủ thường, thỏa mãn với những gì mình đang có. Nên không cảm thấy thất vọng khi vấp ngã, đau buồn trước chia ly. Thoạt đầu, Thủy Tiên gặp một du sinh người Việt, cô ngỡ tưởng người cùng chủng tộc và ít nhất cũng có một trình độ khả dĩ để xây dựng gia đình. Nên Thủy Tiên chọn Tân để gá nghĩa, không ngờ chàng đã không chịu khó học hành, còn sống cuộc đời bê tha, nên tuy đã có với nhau một đứa con nhưng cuối cùng phải đành chia tay. Từ ấy Thủy Tiên sống với bé An là nguồn an ủi duy nhất của đời nàng. Do đó mà khi quen biết với Andreas, Thủy Tiên rất mặc cảm. Muốn chạy trốn tất cả, vì đã một lần vấp ngã nên luôn có cảm tưởng chuyện đời không bao giờ bằng phẳng như thế. Trong khi đó Andreas học Y khoa tại Hamburg sau khi ra trường được làm việc tại đây và kết hôn với Sophie nhưng sau năm năm chung sống hai người cũng ly dị. Cùng chung một hoàn cảnh, nên Andreas không phân biệt giai cấp; cũng như mặc cảm của Thủy Tiên là chất men quyến rũ, khiến cho Andreas theo đuổi đến tận cùng.

Cơ hội tạo nên sự cảm thông: Thủy Tiên nhận được thư mẹ nhắc nhỡ đến ngày Giổ Ba. Thế là Thủy Tiên chuẩn bị làm mâm cơm để cúng Ba, đồng thời mời những người bạn làm chung sở đến dùng bửa cơm thân mật. Không ngờ đây cũng là cơ hội để giới thiệu nền văn hóa Việt Nam đến với các bạn người Đức. Chẳng những tạo nên sự ngạc nhiên lúc ấy, mà còn khiến cho những người trong “nhóm” lại tiếp tục tìm hiểu thêm văn hóa Việt khi có cơ hội. Và hình như cũng thêm một nhân duyên khác, khi Thủy Tiên nhận thư mẹ cho biết ngày đám cưới của em mình. Thủy Tiên sắp xếp nghỉ một tháng về Việt Nam trước là để dự đám cưới của em, sau để thăm mẹ già và các em. Cùng thời điểm ấy, Andreas cũng có chương trình đi tham dự Đại Hội Y Giới tại Thái Lan, sau khi xong việc chàng lấy máy bay qua Việt Nam, nhận dịp ngoạn cảnh và ghé thăm Thủy Tiên. Dịp nầy Andreas có cơ hội tiếp xúc với “nguồn gốc” của Thủy Tiên, sau khi nhờ nàng làm hướng đạo để tìm hiểu thêm quê hương nếp sống của người Việt. Thủy Tiên muốn chọn một thành phố tiêu biểu, có những nét đặc thù để giới thiệu cho Andreas đó là thành phố Huế. Một địa danh chẳng những phong cảnh đẹp, mà còn mang nét văn hóa cung đình, một kiến trúc cổ kính tạo sức hấp dẫn cho du khách.

Cuối cùng hai vấn đề quan trọng hơn hết là việc đề cập đến hôn nhân dị chủng và dị giáo. Hai vấn đề nầy hết sức tế nhị, nhưng cũng đã tạo nên không biết bao nhiêu điều phiền toái cho cuộc sống lứa đôi!

Quan niệm về hôn nhân dị chủng: Sự kỳ thị chủng tộc, có lẽ dân tộc nào cũng có. Nhưng đối với người Đức chắc chắn mảnh liệt hơn. Tác giả đã tiếp xúc với mọi tầng lớp, nên đã diễn tả tinh thần ấy một cách trung thực của sự việc. Như trường hợp ông Mueller, bố của Andreas bạn của Thủy Tiên (đối với người Đức, bạn gái hay trai tức là người yêu). Khi biết con mình có bạn gái khác chủng tộc, thì ông đã không có cảm tình rồi, còn bày tỏ thái độ một cách lộ liễu nữa:

- Bố có nghe mẹ nói lại bửa cơm con mời bố mẹ sẽ có cô bạn của con. Hôm qua bố không biết cô ấy là bạn, hay vợ sắp cưới của con, nên bố không biết đối xử như thế nào cho đúng lễ chứ không phải bố lạnh nhạt (giọng nói của ông có vẻ mỉa mai và gay gắt).

- Nếu cô bạn con là vợ tương lai của con thì bố đối xử như thế nào với cô ấy?

Ông Mueller nổi trận lôi đình, không còn đè nén được nữa, nhìn thẳng vào mặt Andreas và trả lời:

- “Từ đời cha ông ta cho đến nay chưa có một người ngoại quốc nào lọt vào trong gia đình, bất luận đến từ nước nào, thì làm sao bố vui vẻ chấp nhận một cô dâu ngoại quốc, lại đến từ Á Đông, từ màu da, màu tóc…cho đến tôn giáo, phong tục, tập quán, tiếng nói tất cả đều xa lạ! Tương lai có thể mang lại những đứa cháu có hai giòng máu, không giống ai cả! Bố rất kính trọng sự lựa chọn và quyết định của con, nhưng bố cũng xin con kính trọng sự từ khước của bố.” (trích trang 218-219)

Cuộc hôn nhân giữa Andreas và Thủy Tiên có đem đến hạnh phúc hay không? Nếu có thì bằng cách nào để hóa giải những xung khắc giữa hai thế hệ, mà quan niệm về chủng tộc là một vấn đề vô cùng khó đi đến sự cảm thông để hòa đồng. Muốn biết rõ vấn đề, xin độc giả hảy theo dõi phần cuối truyện mới hiểu ý nghĩa trọn vẹn của “quê hương, cội nguồn và dân tộc”.

Tiếp theo một vấn đề nan giải khác, đó là hôn nhân dị giáo. Như những thao thức của Thủy Tiên:

- Chúng mình lớn lên với hai tôn giáo khác biệt, mang theo nền văn hóa dị biệt. Tiên nghĩ chúng mình không nên tranh chấp và áp đặt con phải theo ý của mình khi chúng còn bé. Nếu cho con chịu phép Thánh Tẩy như truyền thống gia đình Andreas, thì Tiên đâu có biết giáo luật Tin Lành như thế nào để dẫn dắt con. Nếu cho con quy y theo Phật Giáo thì quá xa lạ đối với gia đình Andreas, mà ở đây cũng không có môi trường để con có phương tiện tìm hiểu giáo lý Phật Giáo. (trích trang 331)

- Sao con không tổ chức cho cháu chịu phép Thánh Tẩy cùng một lần, như thế có tiện hơn không?

- Chúng con chờ cháu khôn lớn sẽ tổ chức cho cháu, tuy nhiên tương lai chúng con sẽ cho cháu theo học lớp giáo lý tại trường và tham gia các sinh hoạt của giáo xứ St.Markus cạnh nhà để cháu có thể tìm hiểu thêm giáo lý. Chúng con nghĩ niềm tin không thể áp đặt mà phải tìm hiểu đúng đắn mới xác tín để giúp cháu giữ đúng giáo luật.

Ông bà Mueller im lặng lắng nghe, có vẻ không hào hứng lắm nhưng tôn trọng sự quyết định của Andreas. (trích trang 334).

Quan niệm về tôn giáo được tác giả nhận thức một cách sâu sắc và chính xác. Tuy nhiên chắc chắn sẽ không làm vừa lòng một số người của các tôn giáo. Vì ai cũng cho rằng tôn giáo của mình là nhất, xác tín của mình là đúng, trong khi chưa hiểu gì nhiều về tôn giáo mình cả. Vì thế mà quan niệm của Thủy Tiên rằng: “không nên tranh chấp và áp đặt con phải theo ý của mình khi chúng còn bé.”  Là nhận định sáng suốt, là tư tưởng tiến bộ, là ý kiến tuyệt vời để dẫn dắt con trẻ qua khỏi mê lầm. Là phương tiện để cùng nhau làm cuộc hành trình  tìm đến Chân, Thiện, Mỹ.

Với tư cách là một độc giả, chúng tôi có vài cảm nhận về tác phẩm: “Giữa Gạo và Khoai Tây” như một chia sẻ với độc giả, đồng thời xin hân hạnh giới thiệu một tấm lòng đã và đang ưu tư đến đời sống của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Đã ghi lại những thao thức, những trăn trở cho việc hội nhập cũng như tìm cách tháo gỡ những xung đột giữa hai quan niệm, đối với những người đang sống giữa hai nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Với ước mong tìm kiếm cho cuộc đời có được những tháng ngày an vui hạnh phúc…

 

 Muốn mua tác phẩm:

“Giữa Gạo và Khoai Tây” xin liên lạc với:
Cuvillier Verlag Göttingen
Nonnenstieg 8, 37075 Göttingen
ISBN 978-3-86727-626-9
Hay đặt mua tại các tiệm sách Đức
với tựa sách và ISBN như trên.

   (*) Tường Lam là bút hiệu của Công Tằng Tôn Nữ Tiếu Diện, một hậu duệ của Hoàng Tộc, sinh trưởng tại Huế. Chị là một du học sinh tại Cộng hoà Liên Bang Đức. Học ngành Sư Phạm. Hiện sinh sống với gia đình tại thành phố Offenbach/a.Main. Đức.

 

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.