.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà


Trái dâu tiên

  •  PSN 10.03.2009

Trong làng tôi, chị Dậu là một thôn nữ hiền thục và giỏi dang, nhưng lại kém may mắn. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ lại mất sớm. May nhờ ông bà Hương Lãm mang về nuôi dưỡng, nên chị cũng còn có một mái ấm gia đình. Chị đón nhận việc chăm sóc của ông bà Hương Lãm như công ơn mẹ cha đã sinh thành dưỡng dục. Chị cảm thấy đây là bóng mát của một cây cổ thụ, che nắng che mưa cho cuộc đời của chị. Chị thường nghĩ, ở hiền thì gặp lành, như người xưa đã nói, để an ủi! Ngược lại, ông bà Hương lãm là một gia đình khá giả, có ruộng vườn hương hỏa của ông cha để lại, nhưng không có con cái để thừa hưởng, nên ông bà xem chị Dậu như con ruột, như một vật quý báu mà Trời đã ban cho. Ngày trước, dưới thời Pháp thuộc, ông Hương Lãm có giúp việc trong làng xã, nên dân làng gọi ông là ông Hương. Mặc dầu ông là người có chức sắc, nhưng vốn xuất thân trong hàng dân dã, lại có chút ít kiến thức về đạo làm người quân tử. Chút vốn liếng ấy do ông bà truyền lại, nên ông đối xử với dân làng rất bình đẳng, xem mọi người như anh em trong một gia đinh. Vì thế mà không ai ngạc nhiên khi thấy ông bà Hương Lãm đối đãi với chị Dậu tốt như vậy. Vã lại, thấy chị Dậu là một thiếu nữ đảm đang, lại là người biết đến ân nghĩa, nên ông bà cảm thấy sự hiện diện của chị Dậu trong gia đình mình như một niềm vui, một nguồn an ủi cho ông bà, khi tuổi về già đỡ bớt quạnh hiu !

Vào đầu thập niên năm mươi, quê tôi đang nằm trong giai đoạn chiến tranh giữa Pháp-Việt chưa kết thúc. Mọi trai tráng trong làng xã phải đi bộ đội Việt minh. Nếu không đi thì sẽ mang tội phản quốc, không biết trốn tránh vào đâu, cha mẹ họ hàng cũng chịu vạ lây. Như gạo trên sàng, chỉ có tấm cám nhỏ nhoi mới may lọt xuống dưới. Vì thế mà tất cả thanh niên trong làng khi đến tuổi trưởng thành, đều phải đi theo tiếng gọi non sông! Mặc dầu tiếng gọi ấy không biết có tạo thành một lý tưởng nào hay không? Cho dù có nghe theo lời tuyên truyền của cán bộ Việt minh, nào là giặc Tây chúng nó ác lắm, chúng nó bắt dân ta phải chịu sưu cao thuế nặng, nào là chúng nó hãm hiếp đàn bà, giết hại con nít. Như một bài hát được phổ biến đến hang cùng ngõ hẻm: Nhớ những ngày giặc lên Tây Bắc. Nó bòn từng dần khoai mớ thóc. Nó bắt vợ chặt tay con. Anh căm hờn bền gan du kích ... Nghe thì vậy, như một mối thù làm sùng sục tim gan. Thế nhưng thực tế lại khác, vì trai tráng trong làng họ như kiến trong miệng chén, nghĩa là họ cũng không biết có giặc Tây hay không, và giặc Tây như thế nào? Mặt thằng Tây đen hay đỏ ra sao, họ cũng chưa từng trông thấy! Nhưng rồi họ cũng phải lên đường, để lại sau lưng những mộng ước chưa thành, những tình duyên dang dở và một tương lai của mơ ước muôn đời!

Ra đi là biền biệt, nhưng trong tình cảnh ấy thì biết làm sao hơn? Làm trai trong thời ly loạn, phải chấp nhận đã đành, nhưng phận gái thuyền quyên cũng phải chịu cảnh bẽ bàng vì thế cuộc, nghĩ cũng xót thương! Chị Dậu là một trong những thôn nữ hẩm hiu ấy. Năm nay chị đã hai mươi lăm tuổi rồi mà vẫn phòng không gối chiếc, đi về một thân!

Rồi một biến chuyển rất quan trọng đã đến, khoảng đầu năm 54 mọi người hay tin đã ký kết hiệp định Rơ-neo-vơ, đến ngày 20 tháng 7 năm nầy, nước Việt Nam phải chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 là con sông Bến Hải làm giới tuyến. Sau hai năm sẽ đi đến tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Nam, Bắc. Tất cả những cán bộ và bộ đội của Việt minh chuẩn bị để tập kết ra Bắc. Trước đó khoảng nửa năm, họ đưa cán bộ và bộ đội người địa phương trở về làng xã, rồi kêu gọi dân chúng đón nhận họ như những con em chiến sĩ. Mỗi gia đình nuôi hai người bộ đội và có nhiệm vụ giới thiệu hôn nhân để lập gia đình cho họ.

Gia đình ông Hương Lãm cũng nhận hai người con chiến sĩ, đó là anh Dậu và anh Thìn. Hai anh cũng là người trong xã, đi bộ đội hơn vài năm, nay trở về được người trong xã nhà chiếu cố, thương yêu giúp đỡ như thế nầy thì còn gì vinh hạnh cho bằng. Dù chỉ đợi chờ một thời gian rồi phải tập kết ra Bắc. Nhưng họ vẫn tin tưởng vào những lời tuyên truyền của cán bộ, sau hai năm, thì nước nhà sẽ thống nhất và có tổng tuyển cử. Lúc đó  chúng ta sẽ được trở về làng xã để làm ăn sinh sống. Quan niệm của họ cũng chỉ đơn thuần như vậy, cho nên họ thấy rất an tâm trong thời gian chờ đợi để đi tập kết. Quảng thời gian tuy biết là ngắn ngủi, nhưng đã đem lại cho họ nhiều tin yêu và hy vọng. Hy vọng sau hai năm, khi trở về thì đời sống của họ sẽ có nhiều thay đổi và khả quan hơn. Ít nhất là không còn thấy cảnh bom đạn tàn phá quê hương như trước, không thấy cảnh chết chốc, cha xa con mẹ mất chồng. Rồi đây, xóm làng sẽ là nơi đùm bộc cho đời sống của họ, gia đình sẽ đầm ấm có con có cháu đầy đàn, ruộng vườn hoang vu sẽ mọc lên từng nhánh lúa để dưỡng nuôi sức sống. Để cùng dìu nhau đi về tương lai bằng những mơ ước.

Những tháng ngày sống dưới mái ấm của gia đình ông Hương Lãm, là chuỗi ngày thần tiên nhất của anh Dậu và anh Thìn. Ban ngày hai anh đi làm giúp việc đồng áng cho gia đình ông Hương Lãm. Ban đêm họ đến sinh hoạt với đơn vị dưới hình thức lửa trại, nghe những chỉ thị của cấp trên, hay ca hát để giúp vui cho dân chúng tại địa phương. Vì mỗi lần sinh hoạt của họ đều được mời gia đình mẹ chiến sĩ đến tham dự. Không bao lâu thì cô con gái của ông bà Hương Lãm phải lòng anh Dậu. Gia đình cũng có ý thuận theo, vì thấy anh Dậu là một chàng trai hiền lành chất phác, cũng là người cùng một xã với nhau. Hai gia đình đã biết nhau từ lâu, thêm nữa ông bà Hương Lãm đã làm tròn bổn phận của một gia đình “Bà Mẹ Chiến sĩ” đối với đất nước.

Tháng sau là đến ngày tổ chức đám cưới tập thể cho những “đứa con chiến sĩ”, mà gia đình đỡ đầu cho họ có bổn phận phải lo liệu. Ngày đám cưới cũng chỉ đơn giản, được tổ chức trong khuôn viên sân trước của Uỷ ban Nhân dân xã. Có sự hiện diện của toàn đơn vị bộ đội cùng gia đình những bà mẹ chiến sĩ. Dưới sự chủ trì của ông chủ tịch xã cùng toàn thể nhân viên hành chánh. Mở đầu là tất cả các cô dâu chú rễ tiến vào sân, trên tay các cô dâu đều cầm một bó hoa như nhau. Tiếp đến là gia đình các bà mẹ chiến sĩ, đơn vị bộ đội sắp hai hàng hai bên. Sau khi ông chủ tịch xã đọc diễn văn chào mừng, và nói ý nghĩa của buổi lễ đám cưới tập thể ngày hôm nay. Tiếp đến lời phát biểu cảm tưởng của các vị đại diện phụ huynh, sau cùng là lời cảm ơn của đơn vị trưởng bộ đội.

Tổ chức đám cưới xong, ông bà Hương Lãm lại phải chuẩn bị cất cho vợ chồng anh chị Dậu một túp lều tranh nho nhỏ. Căn nhà được dựng lên trên vườn nhà cũ của cha mẹ chị Dậu để lại. Với sự giúp sức của anh em bộ đội trong đơn vị anh Dậu. Mảnh đất ấy, nơi ngày xưa chị Dậu được sinh ra, cũng dưới túp lều tranh nho nhỏ nhưng đã bị bom đạn của giặc thiêu rụi. Vườn tược bỏ hoang từ khi chị về chung sống với ông bà Hương Lãm. Hôm nay đứng trước cảnh cũ, lòng chị không sao tránh khỏi những bùi ngùi thương cảm. Thương cho cha mẹ chị vì chiến tranh mà phải lìa đời; thương cho thân phận chị với một ngày vui đầu đời, mà không có sự hiện diện của người thân! Chạnh nghĩ đến một ngày gần đây, chồng chị sẽ lên đường tập kết ra Bắc, chị lại phải cô đơn vò võ! Nghĩ đến hiện tại như một tâm cảnh vừa hạnh phúc, vừa khổ đau đang trộn lẫn, đang dằng xé khiến cho lòng chị quặn thắt, muốn ứa nước mắt !

Sống chung với nhau chưa đầy ba tháng, mảnh vườn hoang phế ngày xưa do bàn tay chị Dậu cùng với sự giúp sức của chồng mình, đã vươn lên những bông cải, nụ cà, trên giàn đã leo những giây bầu giây bí mơn mỡn. Nhưng chuyện phải đến đã đến, anh Dậu vừa nhận được lệnh ngày mai sẽ lên đường tập kết ra Bắc! Đêm nay, hai vợ chồng tâm sự đến khuya, anh Dậu cứ luôn mồm với một câu nói đã củ: Anh đi, hai năm anh sẽ trở về, em ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe. Chị cũng không quên làm cơm bới cơm đùm cho chồng. Ngày chị đưa tiễn chồng đến nơi tập trung của đơn vị, để cùng lên đường đi tập kết, lòng chị không buồn cũng không vui, vì đã biết trước sau gì cũng phải đến. Nhưng đứng trước cảnh chia ly, mà đang lúc tình chưa nồng, nghĩa chưa mặn thì làm sao lòng chị vui cho được?

Nơi mảnh vườn đã cho những hoa trái, túp lều tranh đã ngã màu mưa nắng, và không biết thời gian đang trôi nhanh hay dừng lại, đến hôm nay chị Dậu cũng đã quen với nỗi cô đơn, như chị đang quen với ruộng vườn nương rẫy! Những buổi chiều rảnh rỗi, chị thường lên cồn Kè thọ để coi tụi thằng Mẹo chơi đồng roi; nghe trâu bò vừa ăn cỏ, vừa khua mỏ lắc cắc cũng vui tai. Nhất là những lúc thấy mấy đứa nhỏ, chụm đầu lại để khấn đồng, một đứa ngồi xếp bàng tay cầm cây roi, một đứa khác thắp cây hương và khấn: Đồng roi ơi hỡi đồng roi. Nghe tiếng thầy đòi phải chạy cho mau... Khi đồng roi đã lên, cây roi múa may quay cuồng, ai chạy không kịp thì bị quất vào mông đít. Chị Dậu rất thương hai anh em thằng Mẹo, vì thấy chúng nó nhà nghèo, mà lại hiền lành tử tế.

Một hôm, chị dẫn hai anh em thằng Mẹo lên xã trên để xem mấy ông thầy cúng, đang dựng đàn tràng để chiêu hồn nhập mộ cho con trai ông Cả Hớn. Nguyên trước đây, ông có một đứa con trai, đến tuổi phải đi bộ đội không may chết trận, hai ông bà ăn không ngon, ngủ không yên, đêm đêm cứ thấy con mình về kêu than đói khát. Vã lại gia đình ông cũng còn có cái ăn cái để, sau khi nghe thầy coi bói nói trúng những điều ông nằm mộng, nên ông quyết định mời cho được mấy ông thầy cúng danh tiếng ở trên huyện về chiêu hồn cho con. Hai anh em thằng Mẹo rất say mê theo dõi, lời xướng khi trầm khi bổng của mấy ông thầy cúng, chốc chốc lại hoa chân hoa tay, hoà lẫn tiếng kèn tọ tè ti toé nghe thật bi ai não nùng.

Khi về nhà, thằng Mẹo sai em của nó hái lá chuối quấn lại làm kèn để thổi. Còn nó thì học mấy ông thầy cúng trên huyện, tập lên giọng, xuống giọng xướng cho chị Dậu nghe. Thấy thằng Mẹo mới xem có một lần, mà nó có cái giọng cúng tế y như thiệt, chị Dậu cũng cảm thấy vui lây với chúng nó.

Thấm thoát thế mà đã hơn một năm, từ khi anh Dậu từ giả vợ để đi tập kết. Chị ở nhà không nghe tin tức gì của chồng cả, thỉnh thoảng chị nằm mơ thấy anh Dậu về thăm, tay cầm một chùm dâu tiên trao cho chị và nói: Em ăn đi, anh cũng nhờ dâu nầy để sống! Khi tỉnh dậy, chị cho đó là chiêm bao mộng mị mà thôi, nên chị cũng chẳng quan tâm mấy. Thêm vào đó chị cũng biết là vùng rừng núi Tân Lâm cách Cam Lộ khoảng mươi cây số, có rất nhiều loại dâu nầy, loại dâu mà trái nhỏ, đeo từng chùm đưa ngón tay búng một cái thì vỏ văng ra, chỉ còn lại tựa ăn rất ngọt. Ngoài ra vùng nầy cũng có nhiều cây ăn trái khác, như bưởi bồng, cam khế, mít chuối. Nghe đâu ngày xưa có dân chúng sinh sống ở vùng nầy, nhưng vì chiến tranh loạn lạc thất tán tứ phương, nên để lại vườn tược với những cây ăn trái. Vùng nầy đi ra hướng Bắc là đầu nguồn của con sông Bến Hải, đầu sông chỉ là một con suối cạn, nên qua lại rất dễ dàng, cũng là con đường chính cho bộ đội Việt minh tập kết ra Bắc.  

Rồi một hôm, đêm thật tối và yên ắng, vừa chập chờn giấc ngủ, chị Dậu chợt nghe tiếng ai gọi đến tên mình. Tiếng gọi nhỏ như sợ ai nghe đến. Chị ngồi dậy và hỏi lại một lần nữa. Chợt nghe tiếng trả lời yếu ớt: Tôi là Thìn đây, chị mở cửa cho tôi vào. Chị hết đổi mừng rỡ khi biết Thìn là bạn cùng chung sống với chồng mình, nên chị vội vàng ra mở cửa. Cánh cửa vừa mở ra, chị Dậu thấy anh Thìn đang ngã quỵ trước thềm nhà, chị vội vàng dìu anh dậy. Khi chạm tay vào người đàn bà, anh Thin cảm thấy như có một năng lực chuyền qua thân thể mình, cảm giác rất êm đềm làm tăng thêm sức lực sau những cố gắng. Trong túp lều tranh ấm cúng, dưới ngọn đèn dầu phụng lung linh qua hình ảnh của chị Dậu, bất chợt anh Thìn như ngây người trước khung cảnh đang cám dỗ thú tính bị đè nén lâu ngày. Bây giờ đang trổi dậy như một trận cuồng phong, cuốn trôi tất cả màn sương mù thâm u đã nhốt kín nỗi khao khát của con người. Muốn đốt cháy tất cả để được cảm nhận những gì đã tạo nên sự thèm muốn của giống hữu tình. Thìn đang lạc vào một thực tại như một giấc mơ hoang đường, mà trong suốt cuộc đời của chàng chưa bao giờ gặp có thể tưởng tượng đến.

Thoáng chốc, Thìn có ý nghĩ muốn thoát ly khỏi sự ràng buộc của tổ chức cộng sản đưa người vào Nam để hoạt động. Vì từ ngày tập kết đến nay, Thìn đã chịu nhiều gian khổ, đêm ngày chui rúc trong rừng thiêng nước độc, nhưng vẫn chưa thấy có một chút gì an ủi cho cuộc đời. Nên hôm nay đây, Thìn được sống trong khung cảnh ấm cúng nầy, làm sao không có những ước mơ thầm kín. Nhưng bằng cách nào để thực hiện niềm ước mơ ấy? Vì mặc dù đang làm một cán bộ, nhưng Thìn vẫn phải chịu sự kiểm soát của các đồng chí của mình trong đơn vị. Thìn nhớ lại trước đây, những đồng chí của Thìn chỉ vô ý nói những câu không đúng lập trường, hay lơ là công tác đã bị thi hành kỷ luật một cách rất nghiêm khắc. Có người phải làm bản tự kiểm, có người bị tra tấn đến phát điên. Chưa kể đến những người trầm trọng bị thủ tiêu, hay đày ải. Nghĩ lại Thìn cảm thấy rùng mình với những cảnh đã trông thấy, mà không dám nghĩ đến việc thoát ly! Đang lúc nguồn suy tư tuôn trào như không muốn dứt, bất giác cơn đói trở nên cồn cào làm Thìn như choáng váng. Hơn một tuần nay, anh chỉ ăn lá cây và uống nước suối trên đường len lỏi trở lại để làm một cán bộ nằm vùng. Công việc của Thìn là tìm đến những gia đình địa phương, móc nối với họ vận động sự ủng hộ lương thực cung cấp cho đồng đội, như chỉ thị của cấp trên đã giao phó.

Vừa ngồi xuống thì anh Thìn chợt hỏi: Chị có gì ăn không, tôi đói quá! Chị trả lời chỉ còn mấy củ khoai luộc, rồi chị bưng rá khoai xuống trao cho Thìn. Chị ngồi nhìn Thìn ăn rất ngon lành. Ăn xong Thìn ngồi im lặng, nhìn chị Dậu như muốn biết đến những câu hỏi nào để anh tìm cách trả lời. Vì trả lời những câu hỏi của chị Dậu bây giờ là một sứ mạng mà bắt buộc Thìn phải... Dưới ánh sáng chập chờn của cây đèn dầu phụng, ảnh hiện lung linh như thực như mộng, chị Dậu cũng ngồi im lặng, chờ đợi ...

Đêm đã khuya, những làn gió nhẹ thổi qua khua động cành lá khô xào xạc, hoà lẫn với tiếng côn trùng rả rít. Hơi nóng hanh hao của buổi đêm hè như đang đốt cháy sự rạo rực của da thịt, trên trán lấm tấm mồ hôi. Nhìn anh Thìn như còn bối rối một điều gì, nên chưa dám tâm sự cùng chị! Chị Dậu đành phải lên tiếng hỏi: Anh Thìn trở về làng từ bao giờ? Sao anh Dậu không về theo? Anh ấy có khoẻ không? Thìn vẫn biết trước sau gì rồi cũng phải trình bày cho chị Dậu rõ, nhưng hiện tại thì phải dấu kín một điều, vì sứ mạng của anh cần phải hoàn tất. Thìn lựa lời và nhỏ nhẹ: Tôi được tổ chức điều về công tác tại xã nhà, còn anh Dậu lại phải đi công tác một tỉnh khác. Thời gian ba tháng sẽ hoán đổi, hy vọng mai đây anh Dậu sẽ được về lại quê ta, anh ấy vẫn khoẻ! Công tác của chúng tôi là vận động quần chúng giữ vững lập trường, hưởng ứng phong trào chờ ngày tổng tuyển cử, để đất nước chúng ta được sớm đến ngày thống nhất! Tôi mới chân ướt chân ráo về đây công tác, nên chưa có cơ sở. Vậy xin nhờ chị giúp cho, sau nầy cách mạng sẽ ghi nhớ đến công của chị.

Vừa nghe anh Thìn trình bày xong, chị Dậu mới cảm thấy yên lòng! Chị cũng nghĩ vài tháng nữa anh Dậu sẽ trở về công tác tại xã mình. Lúc ấy chính tay của chị sẽ săn sóc cho chồng mình, để bù lại những ngày anh Dậu vất vã, thiếu thốn và bỏ những ngày thương nhớ, chờ mong ...

Thời gian thấm thoát trôi qua, thế mà đã hơn ba tháng, chị Dậu vẫn tiếp tế cho Thìn đều đặn, khi thì năm ba lon gạo, khi thì năm bảy củ khoai. Và rồi cũng lại một đêm tối trời, anh Thìn đến tìm chị Dậu để từ giả. Anh nói sẽ chuyển đến công tác tại một địa phương khác. Anh cũng không quên cám ơn chị đã giúp đỡ cho anh trong thời gian công tác tại đây. Việc nầy anh sẽ trình lên cấp trên để ghi công chị.

Thìn muốn dấu chị Dậu một chuyện, mà đáng lẽ anh phải nói với chị từ lúc anh mới về. Vì anh ta có hậu ý sau nầy nếu có dịp trở về đây công tác, anh sẽ còn cơ hội để nhờ vã đến chị. Nhưng anh thấy chị Dậu là người có tình nghĩa, lại là người thật thà chất phác nên anh không nở! Vã lại trước sau gì rồi chị Dậu cũng biết, nên anh ôn tồn nói: Chị Dậu à, tôi muốn nói với chị một chuyện, mà đáng lẽ đã nói từ lâu, nhưng tôi ngại chị sẽ buồn nên tôi lại dấu đi. Bây giờ tôi sắp từ giã chị, nên cũng cho chị biết luôn thể. Việc là, kể từ khi anh em chúng tôi lên đường đi tập kết, khi đến vùng rừng núi Khe Sanh, thì anh Dậu bị bệnh sốt rét ngã nước. Anh em chúng tôi đã tận lực săn sóc, nhưng thuốc men thiếu thốn, ăn uống không đầy đủ nên anh Dậu đã qua đời sau đó! Thi thể của anh chúng tôi đã chôn cất dưới gốc một cây dâu tiên, hy vọng sau nầy nếu có cơ hội chúng tôi sẽ bốc mộ của anh ấy về an táng tại quê. Chị Dậu chết điếng cả người, hai tay chị bủn rủn, miệng há hốc, bất giác chị than lên một tiếng Trời! Rồi chị ngất xỉu, anh Thìn vội vã dìu chị nằm lên chiếc chõng tre cạnh đó…

***

Mấy ngày sau, chị cho hai anh em thằng Mẹo biết và ngõ ý muốn nhờ chúng nó làm lễ chiêu hồn cho anh Dậu. Chị mua sắm các phẩm vật như hương đèn, vàng bạc giã, gạo cốm, nếp đậu ... Chị cũng không quên may cho thằng Mẹo một chiếc áo thầy cúng. Chị nhờ thầy coi ngày tốt để tổ chức. Công việc xong xuôi, chị cho mời ông bà Hương Lãm cùng với một vài người quen thân trong làng đến chứng kiến. Bà con xóm giềng rất đổi ngạc nhiên, khi trông thấy thằng Mẹo mặc áo thầy cúng, quỳ trước bàn thờ rất thành khẩn. Nó không phải là thầy cúng chính hiệu, nên biết lấy gì làm bài bản cho việc cúng kiến đây? Suy đi nghĩ lại nó mới nẩy ra một sáng kiến mới, là lấy lời của mấy bài đồng dao mà nó thường hát, để khấn nguyện!

Nó thắp hương và cung kính quỳ trước bàn thờ anh Dậu và đọc xướng: Hê ha hê hưởng. Cà cưỡng bay cao. Chốc mào bay thấp. Con cu đang ấp. Trở mỏ về trời. Nghe tiếng thầy mời. Về ăn xôi nếp... Giọng xướng của thằng Mẹo hoà theo tiếng kèn o, oe quấn bằng lá chuối của em nó, nghe ra cũng ai oán làm sao! Mọi người nghe ai cũng bùi ngùi, rơm rớm nước mắt. Chị Dậu thì mặc áo tang quỳ phía sau, khuôn mặt ủ rủ, sụt sùi trông cũng rất thương cảm!      

Nghỉ một lát, thằng Mẹo lại xướng tiếp: Chắp bẽo làm quan. Chàng làng làm xạ. Cu chim làm lính. Qụa qụa làm xâu. Tất cả về chầu. Vong hồn dượng Dậu...

Mọi người đứng phía sau trầm trồ khen ngợi thằng Mẹo không tiếc lời! Một người trong đám đông nói lớn: Thiệt có ai ngờ thằng Mẹo làng mình nó trở thành thầy cúng khi mô không hay, không biết nó học ai mà cúng kiến nghe ra cũng bài bản lắm chớ! Thiệt là phước đức ba đời, may nhờ có nó mà vong hồn trượng Dậu mới được siêu thoát ...   

 Trần Đan Hà 

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.