.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà


Như cánh hoa rừng

Tưởng niệm 40 năm 1968-2008 ngày tang của Tết Mậu Thân Huế.

 

  •  PSN 24.02.2008

Hoàng không bao giờ có thể nghĩ rằng, ngày nào đó mình sẽ đến một nơi chốn mà chưa hề biết; nơi mà lâu nay chỉ nghe tên những địa danh qua tin tức chiến sự, qua tiếng nhạc của giờ phát thanh dành riêng cho đơn vị nằm ở vùng địa đầu giới tuyến:

- Đây Sư đoàn I đây Sư đoàn giới tuyến, chiến sĩ tiền phong nơi tuyến đầu Việt Nam… (Sư đoàn I Hành khúc).

Mỗi lần nghe chương trình phát thanh của Sư đoàn I Bộ binh, qua  tiếng nhạc dồn dập theo nhịp điệu của bước quân hành, Hoàng cảm thấy cõi lòng mình như rạo rực một cách lãng mạn. Ước mơ có dịp nào đến đó để nhìn xem tận mắt những chiến tích lẫy lừng qua các chiến dịch Phượng Hoàng và Lam Sơn. Vùng giới tuyến như một địa danh quyến rũ nhất đối với những thanh niên tuổi mới lớn như Hoàng. Những chàng trai vừa lớn lên ở thị thành, chưa có một khái niệm về chiến tranh, chưa đối diện với quân thù và bom đạn, chưa biết đến hiểm nguy và gian khổ là gì, nên luôn luôn ước mơ đến nơi chốn ấy để chia sẻ gian nguy với những người chiến sĩ can trường, đang ngày đêm hy sinh để gìn giữ thanh bình cho quê mẹ. Tinh thần hy sinh của những người lính chiến ấy, Hoàng chỉ đọc qua báo chí và nghe người ta kể lại chứ chưa bao giờ có thể hình dung được. Vì thế mà mỗi lần nghe ai nhắc đến, thì chợt thấy cõi lòng những người trai trẻ cứ nao nao…

Và hôm nay thì đúng với mong ước của Hoàng, được đến một thành phố mà cũng từ lâu chỉ nghe ca tụng là thành phố thơ mộng nhất; thành phố có phía tả và hữu ngạn sông Hương được nối liền nhau bằng một chiếc cầu Trường tiền xinh xắn, có chợ Đông ba tấp nập kẻ bán người mua, có trong nội ngoài thành, có những hàng phượng vỹ với tàn rộng, cánh dài như dang rộng vòng tay che mát cho đường lên Kim long Văn thánh; có bến đò Thừa phủ qua về hai buổi, có những con đường duyên dáng như những buổi chiều khoe tà áo trắng và mái tóc thề tung bay lồng soi bóng nước trong mỗi buổi tan trường; có đường Duy Tân rợp bóng mát của những hàng cây long nảo dưới buổi trưa hè che chung áo lụa, những bước chân dập dìu, với cõi lòng thanh tân nhưng rộn ràng và chứa đầy mộng mơ của tuổi học trò… Tất cả như hân hoan chào đón ngày Hoàng đến, rất duyên dáng và nên thơ tràn đầy yêu mến. Biết bao nhiêu cảm xúc đối với Hoàng khi lần đầu tiên mới đến Huế. Thấy cảnh trí rất thơ mộng của một thành phố vừa cổ kính vừa nên thơ, đang e ấp như nụ cười của các nàng Tôn nữ nơi mái trường xưa, nấp sau bóng phượng, đang trải tuổi xuân thì dưới những hàng cây phủ đầy bóng nắng. Hoàng có cảm tưởng như đây là một chuyến du lịch, chứ không phải là hình ảnh của một người lính đến nhận đơn vị mới, một đơn vị nằm  vùng địa đầu giới tuyến.

Được nghỉ ngơi mấy tuần,  Hoàng liền rủ đám bạn lính mới đi dạo phố cho biết cảnh biết người. Cùng nhau đi lòng vòng những con đường thơ mộng của Huế, hay tạt vào các quán Cà phê ngồi nghe nhạc và nhìn những giọt cà phê đen nhánh đang nhỏ xuống rưng rưng. Chợt cảm nhận giây phút hiện tại thật tuyệt vời, bắt gặp những nét rất thân quen giữa chốn xa lạ, mà lòng cảm thấy dâng lên nỗi vui, buồn không tên. Mùa thu ở Huế thời tiết đã dịu lại cùng được ngồi bên cạnh dòng Hương giang, gió đưa hơi nước dưới sông lên tạo nên cảm giác mát lạnh, dễ chịu. Nhất là mỗi lần chiều xuống, nhìn lên phía thượng nguồn bàng bạc những áng mây và sương mù lơ lửng, như đang dần phủ trùm thành phố vào cõi huyển hoặc lạ lùng. Đẹp lãng đảng như thực như mơ mà lần đầu tiên Hoàng được chiêm ngưỡng thành phố thơ mộng nầy.

Qua những ngày nghỉ ngơi, bây giờ Hoàng lại phải theo đơn vị chuẩn bị hành quân hướng Bạch Mã để thay thế cho một đơn vị bạn về hậu cứ để dưỡng quân. Lúc ấy là vào những tháng gần cuối năm 1967, tình hình chiến sự có vẻ lắng dịu rất nhiều, so với những  tháng mùa hè và vào thu vừa qua. Có lẽ hai bên đang chuẩn bị để đón tết… tết Mậu Thân! Hoàng cũng chỉ suy nghĩ một cách đơn giản như vậy, bởi vì chân ướt chân ráo mới đến đây, chưa biết địa dư, chưa quen phong thổ nghĩa là tất cả đều xa lạ. Hoàng có nghe những người đi trước kể lại, trong những năm qua các đơn vị nơi đây cũng đã mở các chiến dịch Phượng Hoàng để tảo thanh vùng địa đầu giới tuyến. Để bảo vệ an ninh cho đồng bào miền Trung cũng như đồng bào ở Huế nói riêng, được hưởng một cái tết thanh bình. Có các tổ chức hậu phương hổ trợ cho tiền tuyến, một chương trình mà các trường học cũng như các công sở tổ chức lạc quyên làm thành nhiều gói quà để tặng các anh chiến sĩ; cùng những bức thư của các em học sinh hậu phương, với lòng biết ơn các anh đang ngày đêm hy sinh ngoài tiền tuyến để bảo vệ quê hương. Nhờ vậy mà các em mới có cơ hội để cắp sách đến trường, được sống những ngày tháng yên vui dưới mái ấm gia đình, cùng bạn bè. Những bức thư gói ghém tâm tình đôn hậu nhưng cũng không kém lãng mạn và thiết tha vô vàn! Với tâm tình của các em học sinh dễ thương như chim non, trong trắng như hoa chanh hoa bưởi, nhiều lời nhiều đoạn thư đọc lên thấy cảm kích vô cùng. Có thể chỉ những người đang nằm trong trường hợp ấy, mới thấy tình cảm của các em học sinh chân thành với tấm lòng yêu thương rộng mở vô bờ bến.

Hoàng là người tương đối có chút học thức và hoạt bát, nên đơn vị trưởng chọn anh làm “cán bộ tâm lý chiến” của đơn vị. Hoàng có mặt trong các dịp đón tiếp phái đoàn đến thăm viếng, cũng như nhận sách báo và quà tặng để phổ biến lại cho đơn vị, trong những giờ nghỉ quân tại một địa điểm thuận tiện. Tất cả những sách báo và thư từ của các tổ chức ở hậu phương gởi ra. mỗi lần máy bay tiếp tế, Hoàng đều phải có nhiệm vụ nhận lãnh, chọn lựa và phân phối lại cho anh em binh sĩ trong đơn vị. Những bức thư riêng tư thì dĩ nhiên giao lại cho người nhận; những cánh thư gởi chung cho đơn vị thì phân phối cho từng đồng đội; còn sách báo thì phổ biến chung cho tất cả cùng nghe, hay chuyền tay nhau để đọc. Báo thì luôn có các tờ báo của quân đội như: báo Tiền tuyến, Hỏa tuyến, Giang tuyến… Thư của các tổ chức yểm trợ tiền tuyến như các trường Trung và Đại học, các đoàn thể Thanh niên và Hướng đạo, các công sở, các tổ chức Hội đoàn và Tôn giáo… Qua những món quà được nhận lãnh và những bức thư của các em học sinh còn thơm mùi giấy học trò, còn chứa chan những tình cảm trong sáng và hồn nhiên, với lời lẽ rất ngây thơ và chân tình. Các em đã gởi đến cho các anh chiến sĩ với tất cả bằng một tấm lòng, để an ủi thăm viếng và nói lên lời biết ơn các anh đang ngày đêm xông pha ngoài sương gió, nên các em mới có những tháng ngày yên ổn để cắp sách đến trường.

Sau khi phân phối đống quà và thư hổn độn ấy, chợt Hoàng bắt gặp mấy bức thư còn lại, bốc một cái ra xem thấy ngoài bì thư cũng đề gởi đến các anh chiến sĩ, và bức thư cũng hỏi thăm chung chung kèm theo một bài thơ ngắn như sau:

Thư gởi các anh chiến sĩ

Nơi xứ Huế đêm nay trời đổi gió
Báo hiệu rằng thu mãn sắp sang đông
Nhìn mây bay u tịch khói bềnh bồng
Lòng thương nhớ anh em buồn da diết
Nầy anh hởi hồi âm cho em biết
Chốn sa trường anh ngang dọc nơi nao?
Vùng A Sau hay biên giới Hạ Lào
Anh hảy nhớ L. Trang đang mong đợi! 

(Dưới bài thơ ký tên là L.Trang nữ sinh trường Đồng Khánh Huế. Các địa danh nầy nằm về hướng Tây Nam Huế, một thung lũng rộng lớn chạy dài từ vùng Bạch Mã lên tận giáp giới Hạ Lào. Một vùng đất đai trù phú, khí hậu mát mẻ quanh năm, như vùng cao nguyên sương mù Đà Lạt, nơi trước đây dự định xây dựng thành phố mới).

Bài thơ chỉ vỏn vẹn có hai khổ, mỗi khổ bốn câu, đối tượng đưọc gọi bằng anh, cũng chỉ là danh từ chung để gọi các anh chiến sĩ. Song ý tình thì thiết tha, chứa chan tâm sự như đang nói với người tình xa cách! Câu cuối như chứa đựng một sự mong chờ, như nhắc nhủ, như thúc dục, như trao gởi tâm tình thiết tha, gói ghém tâm sự của một người em gái hậu phương gởi ra cho các anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Tình ý thì cũng chung chung vậy thôi, thế mà ai đã bắt gặp và đọc lên như đây là những lời gởi gắm của người tình dành riêng cho ai đó. Nhưng cho dù nếu nghĩ đây là tâm sự chung của các cô nữ sinh đã có lòng thương nghĩ đến những người lính, cũng là một điều an ủi đấy có phải không các bạn?

Chính bài thơ nầy, với lời lẽ chân thành, với tình ý lãng mạn, và với một tấm lòng vợi vợi yêu thương đã khiến cho Hoàng có cảm tưởng như đây là đối tượng tình yêu của mình, đang nuôi dưỡng nguồn sống cho đời trong những ngày tháng gian nguy với bước quân hành. Khiến cho Hoàng cảm thấy một chân trời hy vọng đang chờ đón và cũng đã giúp cho tinh thần quên đi những gian khổ hiểm nguy. Trai thời loạn đã đành phải chấp nhận, nhưng nếu không có những niềm an ủi ấy, thì có lẽ Hoàng cũng khó khăn lắm trong sự chịu đựng và vượt qua. Nên anh cũng luôn ước mơ ngày về sẽ đến trường Đồng Khánh để tìm gặp và thăm hỏi một người con gái đã có một tấm tình chân thành và lãng mạn đến tuyệt vời. Chỉ với ước mơ thôi, cũng đã làm tăng thêm sức sống, làm vơi bớt nỗi buồn đối với những người lính xa nhà và cô đơn.

Nhưng càng đến gần ngầy Tết, thì tình hình lại có nhiều nguồn tin không mấy thuận lợi cho Huế. Đơn vị của Hoàng phải ở lại vùng hoạt động đợi khi có lệnh mới, trong lúc mặt trận tại vùng Tây Nam Huế vẫn kéo dài sự yên tĩnh. Một sự yên tĩnh đến nghi ngờ với những lo lắng và thầm hỏi không biết sẽ có những biến chuyển gì đây, không ai biết được những gì sẽ đến. Nhưng bổn phận làm lính thì phải theo bước quân hành, chung sức với đồng đội để chia sẻ những buồn vui, gian khổ.

Vùng núi rừng Bạch Mã chạy dài đến A Sau, A Lưới là vùng xâm nhập của địch quân vào thành phố Huế, cho nên hai phần ba các đơn vị Bộ binh tại vùng Hỏa tuyến đều phải túc trực hoạt động liên tục, ngõ hầu giữ vững an ninh cho vùng trách nhiệm, cho đồng bào Cố đô và miền Trung an vui đón Tết. Cũng gần đến tết rồi còn gì, tết nầy chắc chắn là cái tết xa nhà, những người bạn của Hoàng đã nói như thế. Nhưng nếu yên ổn thì có thể thay nhau về Huế ăn tết cũng đỡ buồn. Đấy là những niềm ao ước chung của những người lính, hiện tại đang phải vẫn miệt mài theo các cuộc hành quân ngăn địch.

Với Hoàng thì lại là một sự mong ước đặc biệt hơn, sau khi với sự tình cờ nhận được bức thư của người em gái hậu phương. Tuy không mảy may quen biết và nội dung bức thư cũng chỉ gọi chung chung, gởi tâm tình đến cho các anh chiến sĩ, nhưng sao Hoàng cảm thấy như một mối duyên và niềm an ủi dành riêng cho chính mình. Đôi lúc anh cứ nghĩ có lẽ hình như đây là do một bàn tay vô hình nào đã dun rủi gởi đến cho mình, như một định mệnh an bài mà mình không thể thấu hiểu. Thật thế, cho nên niềm ao ước của Hoàng là nếu có dịp về Huế thì thế nào cũng đi tìm người nữ sinh của ngôi trường danh tiếng ấy. Người con gái có tâm hồn lãng mạn và tha thiết, một tấm lòng rộng mở đã trao hết tất cả tình ý đến cho các anh chiến sĩ đang ngày đêm không quản gian nguy, lặn lội ngoài sương gió. Chống đỡ phong ba bão táp để đem lại an bình cho người dân hậu phương, nhất là Huế trong hiện tại. Nơi có bóng dáng của một người con gái chung tình đang sống một cuộc đời vô tư với bạn bè, với sách vở thầy cô và trường lớp. Những người đang nghĩ đến tình cảnh hiện tại, hay sự hy sinh của những người chiến sĩ biết có mấy ai? Có chăng chỉ đối với những người thân của mình đang tham dự cuộc hành quân trong địa phương mà thôi. Thế nhưng lại có một người mà Hoàng cho rằng, người ấy phải có một con tim rộng mở, một tình cảm bao dung đối với tha nhận, nhất là đối với quê hương đang ngày đêm ì ầm lửa đạn, sùng sục hận thù với thảm cảnh chiến tranh trùm phủ.

Đôi khi Hoàng thầm nghĩ, Quê hương Việt Nam chúng ta sao gặp phải nhiều buồn đau đến thế? Biết đến bao giờ, bao giờ cho mẹ khỏi xa con, cho gia đình đoàn tụ để tìm lại hơi ấm của tình người, cho con được tìm về bên bếp hồng lửa mẹ? Vì nơi đây lạnh lắm cao nguyên, vì nơi đây buồn lắm hoang vu rừng thẳm, vì nơi đây đang toát ra một bầu không khí tang tóc, vì nơi đây đang chực chờ từng phút từng giây để những người cùng đồng bào máu mủ, những người ruột thịt anh em mà lại đi tự xưng chủ nghĩa nầy, lý tưởng nọ để bôi mặt chém giết lẫn nhau, vì nơi đây đang chìm đắm trong biển hận thù…!

Chừng ấy cũng đủ cho Hoàng suy tư đêm ngày về một nơi chốn mà mình đang hiện diện, hình dung như có bóng tử thần đang chầu chực đâu đây. Nhưng bên cạnh những âu lo, Hoàng cũng còn một niềm an ủi tuy mỏng manh như sương khói, tuy hư thực như ảo như mơ, nhưng cũng đã hiện diện như một thực tế, đó là một hình bóng thân yêu nhất đã ghi lại trong lòng Hoàng một chút nhớ chút thương. Nỗi hoài vọng ấy cũng đủ giúp cho Hoàng có thêm sức mạnh, qua cảm giác nhớ nhung và mơ ước như ngày đêm vẫn bám sát theo bước chân của mình .

Một lần lúc dừng quân bên cánh rừng chiều, khi ánh mặt trời đã ngã xuyên qua bóng cây từng vệt nắng vàng vọt, đan chen giữa màu xanh thẳm của cây. Trên cao lao xao tiếng gió đuổi nhau từng đợt, nghe cơ hồ như tiếng thì thầm những lời tình tự của rừng đang ru mãi một điệu ru buồn. Mùi lá khô và đất đai lãng đảng hanh hao đang quyện vào khứu giác, như làm tăng thêm bầu không khí của cảnh giới xa lạ và thâm nghiêm. Rừng núi hoang vu nhưng mầu nhiệm biết bao, như hồn thiêng đang che chở cho những tấm thân nhỏ nhoi. Mỗi khi dừng lại với những giờ phút nghỉ chân, khi đối diện với bóng cây rừng thâm u thanh vắng, Hoàng cảm thấy như hồn mình đang phiêu phiêu tan loãng tận cõi nào.

Hoàng căng võng nằm dưới hai góc cây phủ đầy những lá, tiếng lá lao xao như đang ru đưa theo chiếc võng, khiến lòng dạt dào những khúc hát thần tiên đang ru chiều chìm sâu vào yên ắng. Hoàng châm điếu thuốc và nằm ngả người nhã khói, từng vệt khói uốn mình luồn lách vào từng nhánh cây rồi tan loãng. Hoàng cũng thả hồn bay theo mộng mị, như bước mộng du đang dẫn dắt vào một thế giới tuyệt vời. Hoàng chợt nhớ đến cánh thư từ hậu phương gởi ra mấy ngày hôm trước, nó như một ám ảnh không rời. Hoàng nhẩm đọc đến thuộc lòng, nhất là bài thơ từng nét từng chữ như đang tiếp nối nhau nhảy múa trong tâm tưởng chàng không thôi. Nghe như thầm vọng những lời nhắc nhỡ, thúc dục cho đối tượng phải lưu tâm, phải hồi âm đừng để cho ai phải ngày đêm trông ngóng, mỏi mòn. Và chợt cảm hứng như ùa về đọng lại nơi chiếc võng đong đưa, Hoàng với tay vào ba lô lấy xấp giấy và cây viết ngồi dậy ghi lại những tình tự đang đua nhau rộn nở trong lòng, như gói trọn nỗi nhớ nhung gởi về cho người yêu dấu…

Hoàng bắt đầu viết:  

Thư về em gái hậu phương

Vùng Tây Nam (Huế) anh mơ về phố thị
Khi đọc thơ của em gái L. Trang
Phút nhớ thương anh chợt thấy bàng hoàng
Nhưng tay súng anh còn đâu mộng mị
Thân trai anh chừ dặm ngàn thiên lý
Nhớ thương thì xin hẹn lại ngày nào
Đất nước mình qua khỏi cảnh binh đao
Anh trở lại với tình em chung thủy
Chừ nơi đây anh vẫn thương nhưng chỉ
Giữ trong tim với ý nghĩ miên man
Và hồi âm cho em gái L. Trang
Vài dòng vội khi đoàn quân dừng nghỉ
Kẻo em trách chí tang bồng hồ thỉ  
Đâu nghĩ gì đến em nhỏ ngây thơ
Vì chiến chinh nên đành chịu hững hờ
Chứ đâu phẩi tình thơ anh phung phí
Mãi vẫn vơ mà anh quên một tí
Lời hỏi thăm em sức khỏe thế nào
Còn phần anh với ngày tháng tiêu hao
Anh vẫn thấy ngọt ngào trong ý nghĩ
Hảnh diện làm trai tang bồng hồ thỉ
Và có người em gái nghĩ đến anh
Cũng đủ sưởi lòng trong bước quân hành
Thầm cảm kích tấm chân tình ủy mị
Anh vẫn mơ ngày trở về phố thị
Sẽ tìm thăm và cảm tạ tình em
Nhưng ngày đêm tiếng súng vẫn vang rền
M
ng xâm lược của tập đoàn cộng phỉ
Nên anh bước quân hành chưa dừng nghỉ
Đồng đội của anh vẫn phải miệt mài
Trách nhiệm người trai đang gánh trên vai
Anh không thể một mình rời đơn vị
Thông cảm cho anh người em yêu qúi
Đường còn dài nhớ hảy đợi nghe cưng
Ngày mai đây anh hái cánh hoa rừng   
Làm quà cưới bằng lòng không em nhỉ?
Và tặng em bằng một tuần phép nghỉ
Đưa em đi cùng khắp những địa danh
Nơi các anh từng lưu bước quân hành
Để em sẽ thương thêm người chiến sĩ!  

Đọc đi đọc lại, Hoàng thấy cũng tàm tạm nghe được, có thể gói trọn đầy đủ tấm chân tình của một người lính trận miền xa, gởi về cho người em gái hậu phương. Người em gái mà thật tình cũng chỉ mến mộ qua một bản tình thư, hay nói đúng hơn là với một bài thơ ngắn ngủi, nhưng đã trang trải thật rộng thật bao la một tấm chân tình. Hoàng cảm thấy lòng mình như đang rộn lên một niềm vui, khi đọc đi đọc lại bài thơ mà lần đầu tiên trong đời mình sáng tác. Đây là những cảm xúc đến thật tình cờ, nhưng có thể dẫn dắt Hoàng đi xa hơn với văn chương chữ nghĩa sau nầy. Thật thế, trong những ngày làm quen với cuộc đời binh nghiệp, cảnh lạ miền xa đôi khi chợt đến một nỗi nhớ nhung không tên, đã tạo cho Hoàng nhiều cảm hứng, đã làm nên những ý thơ lãng mạn và thiết tha, nhất là những giây phút tình cờ. Giây phút ấy đã xây dựng nên duyên thơ, đã cho Hoàng những cảm xúc rất mới mẻ thật tuyệt vời. Đôi khi chỉ một chuyện cỏn con không đâu cả, mà có thể tạo thành một nguồn thơ phong phú đến không ngờ.

Nên hôm nay Hoàng tập tểnh làm thơ, không phải để thi thố tài năng với đời, cũng không phải cố xây dựng một sự nghiệp văn chương như những người đã từng theo đuổi. Vì Hoàng chưa có ý nghĩ sẽ làm thơ bao giờ, trong khi thấy cuộc sống chưa bắt gặp một chút gì thú vị. Chưa trải qua tình tự của yêu đương, khi tuổi mới lớn đã phải làm thân chinh khách. Thân phận làm trai trong thời loạn, vừa mới đến tuổi trưởng thành, phải xếp lại tất cả để lên đường theo tiếng gọi non sông. Chưa có một giây phút đón hưởng niềm vui, hay hạnh phúc tuy có ngắn ngủi. Nhưng giây phút chia xa thì luôn đang chực chờ, nên mọi cảm mến của cuộc đời gần như úa héo, như xếp lại chuổi thơ mộng vừa mới chớm. Sao hôm nay, thật tình cờ những nguồn cảm đến với dồn dập như một cơ duyên giúp cho Hoàng thực hiện những mơ ước của lòng đang ôm ấp. Nên với hy vọng sẽ đáp lại tấm lòng thành của một người đã gởi gắm cho tha nhân trọn niềm yêu mến, chân thành. Nghĩ vậy, nên Hoàng chép bài thơ mới sáng tác cho rõ ràng, ngay thẳng để đợi cuối tuần có máy bay tiếp tế sẽ gởi về cho người con gái tên Trang, địa chỉ là ngôi trường danh tiếng tại cố đô Huế.

Thư đi đã mấy tuần, trong lòng Hoàng cũng trông ngóng thư hồi âm, nhưng lại nghĩ có thể thư trả lời đã đến nơi hậu cứ, mà một ngày gần đây Hoàng sẽ về, không những chỉ nhận những cánh thư hồi báo, mà còn được nghỉ ngơi vài tuần lễ để tha hồ đi dạo phố, ngắm thiên hạ và nhất là đến thăm người trong mộng.

Nhưng gần đến ngày Tết, đơn vị Hoàng lại nhận lệnh đi hoạt động vùng trách nhiệm càng nhiều, và thời gian thì chưa biết đến khi nào mới có lệnh mới. Và cùng thời điểm nầy, Hoàng lại nhận không biết bao nhiêu lá thư từ hậu phương gởi ra tiền tuyến thăm hỏi các anh chiến sĩ. Những buổi tập họp đơn vị, Hoàng lại phải phân phối số thư đến, cũng như phổ biến những tin tức mới. Tuy hầu hết những bức thư chỉ gói ghém lời thăm hỏi chung, nhưng thỉnh thoảng cũng bắt gặp một tấm lòng, như một lần nào đó khiến cho lòng người phải chùng xuống bởi suy tư về thân phận của Việt Nam hôm nay. Trước tình cảnh ấy, đôi khi Hoàng cũng có một vài suy nghĩ cho bản thân mình và cho bạn bè đồng đội. Thấy thương vô cùng cho thân trai trong thời loạn! Biết đến bao giờ mới xa rời cuộc sống mà ngày đêm bị rừng núi phủ vây, hoang vu trùm lấp. Đêm đêm lại nghe tiếng súng vọng đâu xa hòa tiếng gió hú giữa rừng đêm buồn rười rượi.

Vùng Tây Nam Huế nơi đơn vị Hoàng đang hành quân vẫn yên tĩnh, tình hình nơi đây không có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ xẩy ra một bất ổn nào. Hoàng hy vọng trong dịp tết nầy, đồng bào miền Trung, nhất là Cố đô Huế sẽ vui mừng đón xuân trong an vui và hạnh phúc. Hoàng cứ tưởng tượng là mấy ngày hôm nay, người dân Huế chuẩn bị sắm sửa, các chợ hoa đã đông nghẹt người đi mua sắm, chợ Đông ba tấp nập hơn mọi ngày, đường phố rất đông vui, học sinh đã nghỉ học. Không hình dung được trọn vẹn nhưng trong đó chắc chắn có một người, đang hồn nhiên theo nếp sống của mọi người. Người con gái ấy đã một lần khiến cho Hoàng phải tương tư, qua một bài thơ ngắn ngủi và chỉ gởi chung cho các anh chiến sĩ, nhưng Hoàng may mắn nhận được nên cảm thấy như là gởi riêng cho mình. Một sự cảm nhận thật lãng mạn và hơi vu vơ nhưng lại đẹp biết bao, như đang ngày đêm dẫn dắt Hoàng đi từ ước mơ nầy, đến những thao thức khác không thôi.

Trời vào xuân, rừng núi như đang hân hoan trong niềm xao xuyến của đất trời, và lòng người cũng như đang dung thông với thiên nhiên hòa nhịp. Như đang tấu lên một khúc nhạc yêu đời, với cảm giác bâng khuâng không thể tả. Nhất là đối với những người lính xa nhà, những nỗi nhớ nhung làm cho lòng mình đôi khi có cảm giác lạ, ngất ngây.

Hoàng có nhiều cơ hội gần gủi với đơn vị trưởng, nên Hoàng cũng biết được nhiều tin tức mới mẻ có liên quan đến cuộc chiến, nơi mà đơn vị của mình đang hoạt động, nên cũng lấy làm yên tâm. Nếu tình hình không có gì thay đổi, thì có thể vài tuần lễ nữa đơn vị Hoàng sẽ được một đơn vị khác đến thay thế vùng trách nhiệm, và đơn vị mình sẽ về hậu cứ để dưỡng quân một thời gian, rồi tiếp tục theo luân phiên.

Nhưng chỉ vài ba ngày nữa là đến tết, mà chưa thấy có lệnh mới. Vùng hoạt động của đơn vị Hoàng trách nhiệm, vẫn yên tĩnh như những ngày qua, không một dấu hiệu nào cả. Nỗi chờ đợi nhiều khi khiến cho mọi người mệt mỏi và chán chường. Rừng núi vẫn hoang vu, gió vẫn lướt trên ngọn cây nghe xào xạc như một điệu nhạc buồn, thỉnh thoảng có tiếng chim hót líu lo, như đang tấu lên một bản nhạc muôn đời của rừng. Hoàng ngồi suy tư về những ngày đầu đời làm lính, tuy chưa gặp hiểm ngay, nhưng gian khổ thì đã thấy với những ngày leo đồi vượt suối, với chiếc ba lô nặng trĩu trên vai, đêm nghỉ ngày đi như đang đi vào con đường vô tận, không lối thoát. Trước mắt chưa thấy được màu nắng ấm của tương lai, mà ước mơ của những người trai trẻ thì vẫn cao vời vợi! Ước mơ ngày quê hương khi tàn cuộc chiến, trả lại súng đạn và hiểm nguy cho chiến trường, trả lại nhọc nhằn cho rừng núi, để trở về…, và hình dung đến ngày ấy thật là một nguồn an ủi vỗ về cho thân phận hiện tại, song ngày về thì vẫn còn xa diệu vợi!

***

Chợt bàng hoàng khi nghe tin cộng quân chiếm thành phố Huế với quân số cấp Sư đoàn! Ban đầu nghe tiếng súng, nhưng cứ ngỡ tiếng pháo giao thừa! Bộ tư lệnh của Sư đoàn I Bộ binh chỉ còn lại Đại đội Hắc báo và các đơn vị chuyên môn bảo vệ. Còn các Trung đoàn thì phải nằm rải rác các vùng trách nhiệm, cách xa thành phố trên vài ba chục cây số, nên cộng quân lợi dụng giờ giao thừa chiếm thành phố!

Hai mươi lăm ngày chiếm cứ, chúng lùng bắt công chức, cán bộ và quân nhân về nhà ăn tết kể cả sinh viên và học sinh dẫn đi về hướng Bãi dâu, Phú bài, Phú thứ, khe Đá mài… đào hầm chôn sống, vì lý do là dân chúng Thừa thiên-Huế không theo Cộng sản!

Tình hình Huế rất trầm trọng, cộng quân tràn ngập khắp thành phố, công khai lập tòa án để kết tội dân chúng! Ngoại trừ Bộ tư lệnh Sư đoàn I và Quân y viện Nguyễn Tri Phương đóng ở Mang cá lớn được an toàn mà thôi! Các Trung đoàn cơ hữu của Sư đoàn I thì phải giữ vùng trách nhiệm, không thể tiếp ứng được. Nên chính quyền miền Nam phải đưa hai binh chủng thiện chiến là Nhảy dù và Thủy quân Lục chiến ra chiếm lại thành phố Huế. Nhưng cũng phải mất hai mươi lăm ngày mới đẩy lui được đối phương. Vì trong thành phố dân cư đông đúc cần phải bảo vệ dân chúng, là điều rất khó khăn khi tác chiến trong thành phố!

Trong thời gian gần một tháng ấy, không biết bao nhiêu chuyện tang tóc đã xẩy ra cho người dân Thừa thiên-Huế! Các đơn vị nằm ở phạm vi hoạt động, tuy phần nhiều ít đụng trận hay chỉ lẻ tẻ, nhưng những nỗi lo lắng của các binh sĩ có gia đình và thân nhân ở Huế, cũng đã làm cho đồng đội của mình bất an! Với Hoàng thì lại có một nỗi lo riêng, đối với chuyện tình với một người chưa quen biết, nhưng đã có duyên lành đón nhận một tình cảm thiết tha. Nỗi lo lắng ấy không phải là vô cớ, nên Hoàng vẫn luôn theo dõi tin tức có liên quan đến tình hình chiến sự tại Huế. Từng giờ phút trôi qua như đang làm cho mọi người nghẹt thở, với nỗi lo lắng, đợi chờ…

Đến cuối tháng Ba năm 1968, sau khi Huế được trở lại ổn định, đơn vị của Hoàng mới được lệnh trở về hậu cứ để dưỡng quân. Nhân dịp nầy Hoàng xin nghỉ mấy ngày phép để đi dạo phố, và mong tìm gặp người con gái đã một lần làm xao xuyến lòng mình, với bao nỗi nhớ nhung như một người tình đã thề non hẹn biển.

Nhưng khi đến phố, Hoàng thấy thất vọng với một phố Huế đổ nát hoang tàn. Những người còn lại hớt hải đi tìm xác chồng xác con trong những hố hầm mới được khai quật! Hoàng xúc động đến choáng váng trước cảnh tượng đang nhìn thấy, như vừa trải qua một giấc mộng hải hùng! Hoàng có cảm giác như hụt hẩng, chơi vơi! Tâm sự của Hoàng lúc đó, chẳng khác chi tâm sự của chàng Kim sau khi trở lại vườn Thúy:

- “Hỏi ông, ông mắc tụng đình.
Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha!” (Kiều).

Băng qua đường Duy Tân để đến ngôi trường Đồng Khánh, với hy vọng tìm gặp và thăm hỏi một người, nhưng ngôi trường đã đổ nát, vắng vẻ quạnh hiu, không một bóng người lai vãng. Con đường thơ mộng nhất của xứ Huế bây giờ đã đến nỗi nầy, nhà cửa hai bên đường còn loang lổ vết đạn, hàng cây cũng ủ rũ như chia nỗi buồn. Khung cảnh ấy như làm tăng thêm nỗi tan nát trong lòng. Hoàng bước đi như có cảm tưởng mình đang đi trong lòng địa chấn. Những thương hận buồn đau như đang chất chứa và dâng lên ngút đỉnh mây trời. Chợt Hoàng nghe từ quán Cà phê nơi góc đường vẳng ra một điệu nhạc thật buồn…  

- Chiều đi lên Bãi dâu, hát trên những xác người, tôi đã thấy, tôi đã thấy những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em…! (nhạc TCS).

 

Trần Đan Hà 
Reutlingen

TRẦN ĐAN HÀ

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.