.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà

Tình người viễn xứ
Kỷ niệm Thuyền Nhân và tàu Cap Anamur.

  •  PSN 7.03.2008

Quê hương tôi Việt Nam, quê tôi đẹp lắm! Nơi có dãy trường sơn hùng vĩ như bức thành trì bao che cơn phong ba bão táp; còn những dòng sông chuyên chở phù sa bồi đắp cho cánh đồng phì nhiêu ruộng lúa; có biển cả mênh mông bao bọc, cung cấp cá tôm quanh năm bốn mùa. Nơi đã cho tôi tiếng hát mẹ ru muôn đời mật ngọt, lời ca dao thắm đậm tình người. Những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, tuổi chưa biết buồn biết nhớ, một cuộc sống nồng nàn ấm áp của tình cha nghĩa mẹ; tình yêu thương anh chị em, quây quần trong gia đình đầm ấm. Có làng quê ấm áp tình xóm giềng thân yêu muôn đời; có tiếng hát trẻ thơ với chân sáo tung tăng trong những lần đến trường hai buổi. Nơi có mái đình ôm ấp hồn thiêng của Tổ tiên ông bà, đã gầy dựng nên những gia đình, một xã hội; có hội hè đình đám quanh năm, nơi trao nhau những tình tự dân tộc; dẫn dắt nền văn hóa ấy tiến dần theo văn minh của nhân loại.

Nhưng không hưởng được cảnh hạnh phúc thanh bình ấy được lâu dài, vì chiến tranh lan tràn! Chiến tranh đã đem đến cho quê hương tôi nhiều tang tóc, rách nát không còn một mảnh vụn; tiếp theo là sự phân hóa triền miên! Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1954, đất nước tôi bị chia đôi bởi hiệp định Genève! Rồi chiến tranh hai miền Nam - Bắc; cảnh cốt nhục tương tàn, đã làm cho quê mẹ vốn đã tan nát lại thêm khốn khổ trăm bề! Người dân không nơi nương tựa, nhà cửa ruộng vườn bị chiến tranh, bom đạn tàn phá. Thương cho quê mẹ Việt Nam biết chừng nào với thân phận đau buồn nhược tiểu!

Nhất là ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày tang thương chung cho đất nước! Không chỉ riêng miền Nam mà kể cả người dân miền Bắc cũng phải bỏ nước ra đi; một cuộc di cư vĩ đại và bi thảm nhất trong lịch sử nhân loại. Sự liều chết ra đi của người dân Việt sau tháng 4-75, là một biến cố mà hiện giờ thế giới vẫn còn lưu tâm; nhiều người vẫn còn rùng mình mỗi khi nhắc đến. Biến cố ấy là một chứng minh lịch sử về việc cai trị của bạo quyền Cộng sản; đã dẫn đưa dân tộc Việt Nam đến cảnh khốn cùng và bi thảm như ngày hôm nay.

Từ những năm đầu thập niên 60, chính quyền Hà Nội đã xua quân vào đánh chiếm miền Nam! Và cuộc chiến kéo dài cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, thì Cộng sản đã chiếm trọn miền Nam. Tất cả những Quân nhân, Công chức thuộc chế độ miền Nam đều phải đi tù. Lúc ấy đơn vị tôi đang ở Huế, sáng ngày 24 tháng 3, được lệnh cấp trên cho chở tất cả quân dụng và hồ sơ tài liệu xuống Thuận An để đợi tàu vào Đà nẵng. Nhưng khi đến Thuận An thì phía ngoài cửa bị pháo liên tục, tàu không cập bến được. Đến chiều ngày 25.3 quân miền Bắc tràn vào và các đơn vị hậu cứ của các ngành đều bị bắt làm tù binh. 

Những tưởng sau khi đất nước đã thống nhất, thì người dân sẽ được tự do làm ăn; những người lính và công viên chức của miền Nam sẽ được trở về đoàn tụ gia đình; để cùng góp công sức xây dựng lại quê hương sau ngày tàn chinh chiến. Nhưng chính quyền Cộng sản vẫn không buông tha cho những người đã bại trận! Kể cả mấy chục triệu dân chúng miền Nam cũng đều sống trong cảnh phập phòng lo sợ. Những chiến dịch đánh tư sản miền Nam, như đổi tiền (chỉ cho mỗi đầu người với một số tiền đã ấn định!), tịch thu tất cả những ai có tài sản, chương trình đưa dân cư đi vùng kinh tế mới, quản thúc những người nghi ngờ... Với đời sống bất an như vậy, mới có một cuộc di cư vĩ đại sau ngày cuối tháng tư năm bảy lăm. Gần hai triệu người đã đành đoạn bỏ lại quê hương xứ sở để ra đi! Dù đường đi có chông gai nguy hiểm đến mấy, và rồi người nối người vẫn bỏ nước ra đi tìm tự do!

Sau khi mãn tù, tôi không còn có chỗ để trở về (vì quê tôi bị cộng sản đánh chiếm vào hồi năm 1972; nhà cửa bị cháy, người dân được di tản vào các tỉnh Long khánh, Bà rịa...) Thất lạc gia đình, nên khi về tôi sống nhờ với người bạn cùng đơn vị. May mắn được gia đình người bạn nầy giới thiệu vào làm chân thư ký cho Đoàn Kỹ thuật Xây dựng Sài gòn. Đoàn  quy tụ một số K sư và Kiến trúc sư từ Sài gòn ra Huế; xây dựng công trình kiến thiết các nhà máy vôi, xi măng, gạch ngói tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Nhưng làm việc ở đây cũng chỉ được hơn 3 năm, đến cuối năm 1979 thì công việc gặp khó khăn. Một phần vì hai tỉnh ngoài ấy đã xúc tiến xây dựng Hợp tác xã, tất cả đất đai, vật dụng cũng như nhân công đều sung vào Hợp tác; các hảng xưởng thì sung vào Công ty Hợp doanh. Nên Đoàn Xây dựng nầy phải dời về Sài gòn; ông Trưởng đoàn đã vào Sài gòn đóng tàu vượt biên. Năm sau khoảng tháng 2 năm 80 tôi có thư nhắn vào Sài gòn để làm việc trong ấy. Khi vào Sài gòn thì được người nhà ông Trưởng đoàn cho xuống giữ ghe; một chiếc ghe chưa ráp máy, chỉ mới cái vỏ không. Ban đầu ghe đậu tại bến Rạch Ông, đến tháng 6-80 thì ghe được ráp máy, và người chủ ghe xin giấy tờ sát nhập vào tổ hợp chuyên chở đường sông. Nhưng tháng sau nhân viên thành phố khám ghe và đưa ghe đi cải tạo (vì ghe không đúng tiêu chuẩn chuyên chở đường sông!), sau đó ghe được đưa lên ụ Ba Xanh để sửa chữa khoảng 3 tháng. Xong xuôi được đưa về bến Tân Thuận để đợi xin giấy tờ vào tổ hợp. Khi ghe chuyển về tổ hợp vận chuyển đường sông Thị Nghè, thì được ký hợp đồng chuyên chở gạch ngói về vùng Cần Giờ, mục đích là để cho tài công và thủy thủ quen biết lộ trình; làm quen với các trạm gác, xem sự kiểm soát như thế nào, để chuẩn bị cho chuyến vượt biên trong nay mai.     

Trước ngày khởi hành, ghe chúng tôi chạy ra hướng sông Sài gòn, tìm một bãi vắng đậu lại để bàn thảo chương trình cho ngày mai: Như hướng lộ trình, địa điểm đợi taxi đón người, nhận thực phẩm và nhiên liệu, mật hiệu đón taxi và nhận người... Đến ngày 5/2/1982 thì bắt đầu khởi hành chuyến vượt biên. Lúc đi trên ghe chúng tôi chỉ có 7 thủy thủ, gồm hai tài công, 2 thợ máy và 3 người phụ việc. Lần nầy thì ghe có giấy tờ hợp đồng về vùng Cần Giờ chuyên chở hàng hóa lên Sài gòn; nên chỉ chạy ghe không, tất cả thực phẩm, nhiên liệu và hành khách đều do taxi chở đến điểm hẹn.

Vào khoảng 14 giờ chiều ngày 5/2/82 ghe khởi hành về hướng Gò Công và chạy đến điểm hẹn đợi Taxi. Trên đường đến điểm hẹn, chúng tôi phải dừng lại dọc đường hai lần, tấp vào những khúc sông vắng chờ đợi. Nếu thấy hai đầu sông có ghe kiểm soát chạy lại, thì ghe mình cũng từ từ chạy đi, vì tính giờ đến điểm hẹn còn quá sớm, sợ bị bại lộ khi các ghe đi kiểm soát bắt gặp (ghe vận tải trên tuyến đường mà đậu lại thì không hợp lý).  Trời gần tối, ghe mới tấp vào điểm hẹn. Chúng tôi ngồi trên ghe với nỗi băn khoăn sợ hải và lo âu; cứ sợ nếu nhỡ có xảy ra chuyện gì bất trắc, thì khó lòng mà trốn thoát; vì đây là nơi chốn xa lạ không có ai để hướng dẫn. Chúng tôi chỉ biết cầu Trời Phật cho mọi việc được bình an mà thôi! Nên chỉ mấy tiếng đồng hồ ngồi đợi trên ghe nơi điểm hẹn, mà thấy thời gian như ngưng đọng lại, làm cho mọi người cảm thấy hồi hộp lo âu!

Trong giây phút nầy cảm thấy cuộc đời như lơ lửng, tâm hồn như vẫn vơ, không có một nguồn cảm dấu yêu nào để vỗ về yêu mến, cho lòng vơi bớt lo âu.

Tại điểm hẹn, ghe lửng lơ dọc theo bờ sông có cây cối rậm rạp bao che; thỉnh thoảng có vài chiếc ghe chạy qua, nhưng may thay các ghe ấy chỉ chạy lướt qua nên thấy cũng an tâm. Gần 10 giờ, thấy xa xa có những ánh chớp của đèn, báo hiệu ghe taxi đã đến. Chúng tôi chuẩn bị đón khách và chuyển lương thực, nhiên liệu lên ghe. Ban đầu thì kiểm soát những người có giấy ghi mã số mới cho lên ghe; nhưng dần dà rồi taxi đến đông, chiếc đậu trước, chiếc giữa, chiếc sau nên không thể kiểm soát nổi. Cuối cùng hành khách đã lên ghe quá số lượng đã dự trù! Khi kiểm điểm lại thì không có chiếc taxi chở người nhà của chủ ghe; đợi khoảng một tiếng đồng hồ vẫn không thấy, nên tất cả thủy thủ trên ghe quyết định phải khởi hành, không thể đợi lâu hơn được nữa, nhỡ ghe tuần tra đến thì chết cả trăm người.

Chiếc Tắc xi của bộ phận bến bãi dẫn đầu, ghe chạy ra hướng Gò Công. Nhìn hai bên bờ sông, những làng mạc xa xa đang le lói ánh đèn; gió phập phòng hai bên mạn thuyền  khỏa sống lướt đi trong màn đêm, chở hơn trăm người theo hướng ra biển cả. Ngồi trên ghe trong một trạng thái buồn vui lẫn lộn, đang thu mình vào lòng ghe chật chội, rồi thiếp đi trong một giấc ngủ mỏi mệt và lo âu. Sợ vì còn các trạm kiểm soát gần cửa biển, sợ các ghe tuần tra đuổi theo! Nhưng may mắn thay khi thấy chiếc ghe hướng đạo làm dấu hiệu vẫy chào để họ trở về, và chúng tôi đã thấy trước mặt một vùng trời nước mênh mông…

Biển, biển... ghe chúng tôi tiếp tục chạy theo lộ trình đã định, lấy hướng Mã Lai. Lúc ra khỏi cửa sông thì trời vẫn còn tối; chỉ lấp lánh những vì sao lưa thưa không soi đủ cả một vùng trời đại dương. Sống biển chập chờn làm suýt nữa đâm đầu vào đáy giăng ngang trước cửa biển, ghe hãm lại được và tìm khoảng trống để chui ra. Vừa thoát khỏi màn lưới thứ nhất, thì màn lưới thứ hai đang chờ sẵn; lần nầy thì đã có kinh nghiệm nên cho chạy chậm lại để tìm lối thoát. Đêm đầu tiên lênh đênh trên biển, cảm giác chúng tôi rất bâng khuâng và lo lắng! Không biết sẽ đi về đâu khi đã chấp nhận một cuc phiêu lưu như thế nầy, cứ chập chờn trong một tinh thần không định hướng...

Mặt trời đã lên cao, biển thanh lặng và đẹp vô cùng; nhìn từ những gợn sống lăn tăn hai bên mạn thuyền, lan rộng ra trên mặt biển mênh mông với màu xanh trải dài bất tận. Thỉnh thoảng có vài con chim biển bay lượn trên không, sà xuống gần ghe như đang tiễn đưa chúng tôi; vẫy tay chào những người khốn cùng đang tìm đến một chân trời vô định! Với ước mong của mọi người là sẽ tìm được một cuộc sống tự do; đến được một nơi chốn bình yên, không còn sợ sệt lo âu. Không như khi chúng tôi được trở lại quê hương sau ngày tàn binh lửa, nhưng chẳng gặp được niềm vui đoàn tụ gia đình; mà chỉ thấy bơ vơ cùng với nỗi niềm bất hạnh.

Với ngày thứ nhất trên biển, ghe vẫn lướt đi thong dong; nhưng đến chiều khoảng 16 giờ, thì thấy hai chiếc ghe lạ đuổi theo, đang chạy từ hướng đông bắc; thấy tín hiệu khả nghi, thủy thủ đã bàn nhau nên chuyển hướng để tránh hai chiếc tàu lạ. Chạy gần đến tối thì thấy mất dấu hai chiếc ghe đuổi theo. Tài công vội chuyển lại để lấy hướng đi Mã Lai; nhưng vì gió đông bắc thổi mạnh, nên sau khi chạy một đêm mà thấy sự chuyển về hướng cũ không được như mong muốn.

Sáng ngày thứ 2 tài công đã chấm hải đồ để trở lại đường cũ hướng Mã Lai, nhưng vì sống gió đã ảnh hưởng rất nhiều, tốc độ ghe chỉ chạy khoảng mười đến mười hai hải lý/giờ; trong khi đó gió Đông-Bắc càng lúc càng thổi mạnh, nên ghe cứ trôi theo chiều gió. Đã hai ngày đêm kể từ khi ghe ra khỏi cửa biển, nhưng không đi được bao nhiêu theo lộ trình đã ấn định. Một phần bị sống gió đẩy đưa, phần chuyển hướng theo hình chữ Z nên cuối cùng đã chạy lạc vào gần vùng vịnh Thái lan!

Qua ngày thứ ba thì gặp hải tặc! Ghe chúng nó rất lớn và mạnh, chạy vòng quanh ghe chúng tôi mấy vòng rồi dừng lại, và đôi giây qua gọi tấp vào. Chiếc ghe của chúng đậu ngang, bị sống đẩy mủi ghe đâm vào ghe chúng thủng một lổ; nên khi hai ghe kéo sát lại, đã thấy chúng đứng bên ghe kia mấy người tay cầm súng, và cho ba người bước sang ghe chúng tôi, trong cử chỉ rất hung hăng và giận dữ. Chúng đóng kín nắp hầm ghe lại, một tên thì chạy ra Cabin phá máy, còn hai tên thì mở nắp hầm kéo từng người thanh niên lên và xô xuống biển. Tên phá máy xong trở lại hai bên lườn ghe, chờ người nào ngoi đầu lên chúng dùng búa đánh trên đầu! Thấy máu loang ra rồi từ từ chìm xuống biển! Thanh toán xong lớp thanh niên trên ghe; chúng cho người xuống dưới hầm ghe bắt phụ nữ đưa qua ghe chúng nó. Trong số 13 cô gái bị bắt đưa qua ghe chúng, phần nhiều là gái vị thành niên tuổi từ 13 đến 18; các bà mẹ còn lại trên ghe khóc than thảm thiết! Nhưng đối với hải tặc là những kẻ không có tim óc, nên cứ thản nhiên hành động như người máy mà thôi. Tôi cũng bị đẩy xuống biển, nhưng may mắn tôi luồn ra được sau ghe, nơi có sợi giây xích giữ bánh lái; tôi liền leo lên ôm giây xích ấy từ chiều cho đến tối. Sau khi nghe trên ghe yên lặng và có tiếng người nói xem quanh ghe có ai thì cứu lên; tôi lên tiếng và được kéo lên. Khi tôi được lên nằm trên ghe thì không biết ai đã mặc áo quần cho tôi và đặt nằm một góc sau Cabin của ghe. Tôi nằm mê man cho đến ngày hôm sau vẫn chưa tỉnh dậy (vì sóng đánh làm đuối cả người, đồng thời uống nước biển nhiều làm thần kinh mê man). 

Sáng hôm sau, chúng nó qua lại ghe chúng tôi để cướp bóc và hành hạ những người trên ghe lần nữa! Cũng đẩy những thanh niên còn lại xuống biển, và chúng giết một ông già bằng súng! Còn hai người tài công thì bị bắt sang ghe chúng và đã giết chiều hôm trước. Trước cảnh tượng đau lòng vì bị dồn vào sự khốn cùng, có mấy người thanh niên rủ nhau chống lại; nhưng vì đều là những người chưa quen đi biển, say sống một phần, phần thì mấy ngày đói khát nên ai nấy cũng yếu đuối lạ thường; trong khi bọn hải tặc là những người khỏe mạnh và đi biển rành nghề, nên chúng đã đánh gục mấy người thanh niên nầy rồi thẩy xuống biển. Phẩn uất vô cùng, nhưng không sao chống cự nổi! Còn lại dưới lòng ghe thì nhốt tất cả đàn bà con nít, các nắp hầm ghe đều bị đóng kín và có người canh giữ.

Chợt nghe tiếng chân người chạy thình thịch trên ghe, với bước chân dồn dập và khẩn cấp. Nhìn lên thấy mấy tên hải tặc đang vội vã chạy về ghe chúng nó; đồng thời mấy người mở nắp hầm leo lên, thấy xa xa có một chiếc tàu rất lớn đang tiến dần về hướng ghe chúng tôi...

Chiếc tàu to lớn đang tiến đến mỗi lúc một gần. Nỗi lo sợ và mừng vui như sóng biển tràn ngập vào cõi lòng, hòa lẫn với sự hồi hộp và mong chờ. Chúng tôi như người sắp chết đuối chợt thấy được bè gỗ đang trôi chập chờn trước mặt. Phản ứng của con người tuyệt vọng là kêu cứu! Mấy người trên ghe đã cởi áo trắng cầm tay vẫy gọi. Và thật sung sướng khi nghe tiếng nói Việt Nam trên loa phóng thanh: "Xin đồng bào bình tỉnh, đừng sợ! Chúng tôi là tàu cứu người vượt biển. Xin đồng bào hảy bình tỉnh...", đến lúc ấy chúng tôi mới an tâm và chờ đợi…    

Trong khi thấy tàu Cap Anamur chạy gần đến. Ghe cướp Thái lan đã cắt giây và bỏ chạy. Khoảng năm ba phút thì thả xuống một cô gái bị bắt đưa sang ghe chúng ngày hôm trước; được đeo cho một chiếc phao bằng trái banh. Thấy vậy Tàu Cap Anamur thả xuống hai chiếc Cano và nhân viên để đuổi theo cứu vớt người. Sau một tiếng đồng hồ tìm kiếm thì hai chiếc Cano chỉ cứu được 8 người (trong số được cứu vớt nầy, có một cô được sống sót rất hy hữu! Khi ghe Hải tặc đã đi xa, thẩy cô ta xuống gặp một ghe đánh cá khác cứu lên, nhưng ghe nầy thấy tàu lớn nên thẩy cô ta xuống biển rồi bỏ chạy. Tàu lớn thấy vậy vớt cô ta lên và sau đó đưa về đảo Songkla.) Còn những người thả sau vì chạy quá xa, hơn nữa sống lớn nên đã cuốn trôi 5 cô mất tích.

Phía tàu Cap Anamur thì thả cầu thang xuống ghe chúng tôi; cho nhân viên xuống hướng dẫn những người trong ghe lên tàu; xong xuôi họ cho nhân viên đưa Cano xuống đục thủng ghe cho chìm. Đứng trên tàu Cap Anamur nhìn xuống chiếc ghe đang từ từ chìm vào lòng biển sâu, mà tôi cảm thấy rưng rưng, thương tiếc cho chiếc ghe đã là một phương tiện để chở chúng tôi đến bến bờ bình yên! Vẫn biết rằng chiếc ghe chỉ là những mảnh gỗ vô tri vô giác được ghép lại; nhưng tôi hình dung như một đấng cứu tinh, đã cứu vớt cả trăm mạng người qua cơn hoạn nạn. Nhớ lại thật ngậm ngùi! Khi kiểm điểm lại, thì ghe chúng tôi còn sống sót được 99 người; những người mất tích và bị hải tặc giết 25 người (số người nầy được những người trên ghe biết đến vì cùng đi với họ). Khi tất cả những thuyền nhân đã được lên tàu Cap Anamur, có một thanh niên bị vết chém ở vai và ngực, được các nhân viên y tế trên tàu săn sóc, băng bó vết thương.

Chúng tôi được nhân viên trên tàu Cap Anamur đón tiếp rất nồng hậu; phát cho mỗi người mỗi chiếc khăn tắm để quấn quanh người (vì dưới ghe bọn Hải tặc đã lột hết quần áo chúng tôi để lục soát vàng bạc). Đây là món quà mà chúng tôi đón nhận đầu tiên từ những vị ân nhân! Tiếp theo là được đón nhận mỗi người một ly trà đường; cũng là lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy ly trà ngon đến độ không diễn tả được! Cảm tưởng lúc đó, như chưa bao giờ được uống thứ nước nầy. Lên được trên tàu, thật an toàn và bình yên, nhưng vẫn cảm thấy như đang đứng giữa một cơn lốc xoáy. Nhìn những người hiện hữu trên tàu đang chào hỏi, chúc mừng mà tưởng như còn nằm trong một giấc mơ hải hùng, không xác định được tâm trạng của mình lúc đó như thế nào nữa. Buổi chiều gió biển mát dịu, trước mặt thì mênh mông một màu xanh biển trời bao la; giữa một thế giới lạ xa với lòng ngổn ngang trăm mối, chỉ thấy một cảm giác bơ vơ và lạc lõng khôn cùng; với nỗi buồn tủi khi nhớ lại những gì đã qua như cơn ác mộng.

Đêm văn nghệ của ghe chúng tôi trên tàu Cap Anamur I cùng với nữ Y tá Marlies

Đêm văn nghệ chào mừng ! Sau khi cơm nước xong xuôi, ông Thuyền trưởng và hai vị Bác sĩ  trên tàu Cap Anamur (một người Đức một người Việt), có nhã ý tổ chức một buổi văn nghệ để chào mừng vừa cứu vớt được ghe chúng tôi. Chiếc ghe đã trải qua một sự hãi hùng, mà theo nhận xét của những người làm thiện nguyện trên tàu Cap Anamur, thì chưa thấy một chiếc ghe nào gặp cảnh cướp bốc khủng khiếp đến như thế! Buổi tối tất cả thuyền nhân tụ tập trên boong tàu, sau lời chào mừng và chúc may mắn của ông Thuyền trưởng; tất cả đều vỗ tay và hát bài Việt Nam Việt Nam. Đồng thời những thuyền nhân đi trước tiếp theo với những tình ca quê hương; ca ngợi những nơi chốn đã cho họ nhiều kỷ niệm và hạnh phúc, lẫn thương đau. Nhiều tình nghĩa thân thiết nhất, bây giờ phải đành đoạn bỏ lại sau lưng tất cả! Một gia tài tâm linh quý báu nhất, có thể không bao giờ tìm lại được. Nỗi đau buồn như cứ gậm nhấm từng giây phút chia xa; với bao xót thương đang tràn ngập trong lòng. Lòng hoài niệm chưa khô ráo của ký ức, cứ bắt buộc tâm tư phải ngậm ngùi thổn thức. Đến lượt những người thuộc ghe chúng tôi đáp lễ, Ca sĩ Giao Linh đã cất lên tiếng hát nghẹn ngào và  nức nỡ qua nhạc phẩm Quê Mẹ :

„Đêm khuya trăng mơ, mắt trông về trong cõi xa mờ, nơi xa xăm kia, tôi say nhìn quê cũ dấu yêu, ôi tình quê hương, nơi chốn xưa có bà mẹ hiền, tóc màu hoa bạc, chiều chiều mắt đẫm lệ vì con...“

Thì bổng dưng cảm xúc tôi đã tràn ngập như thác lũ, không thể dồn nén lại được, hai hàng nước mắt cứ trào ra và lăn dài xuống má. Tôi cố nhìn ra phía ngoài biển trời, để cho vơi đi dòng cảm xúc trong cùng một lúc mà cảm nhận như nỗi niềm hạnh phúc pha lẫn với khổ đau, đang vò xé tâm tư tôi nát tan từng mảnh vụn. Tiếng hát nầy tôi đã nghe, lời nhạc nầy tôi đã từng hát, trong những lúc đi xa; nhưng những lần ấy tôi chưa bao giờ thấy lòng mình quặn thắt bởi nhớ thương, đến nỗi làm tôi phải khóc. Nhưng hôm nay, thật sự tôi đã chìm ngập trong nỗi bàng hoàng lẫn mừng vui, khiến lòng phải thổn thức! Có lẽ tâm cảnh lúc ấy gợi lên nhiều hình ảnh; nhất là sự hiện diện nơi đây bất ngờ và xa lạ quá, như cuộc đời đã cuốn hút vào một cuộc viễn du không dự ước, chính lúc ấy là lúc làm tủi thân cho kiếp lưu đày. Và hình như còn nhiều cảm giác không tên trộn lẫn, đang làm cho nỗi xót thương dâng lên và ngập tràn như sống biển.

Bác Sĩ Martin, chị Thúy An (vợ ca sĩ Joe Marcel), ca sĩ Giao Linh, Lâm Hy và Lê Hương 

Ngày hôm sau, có phái đoàn cứu vớt thuyền nhân trên biển đáp máy bay trực thăng trên tàu Cap Anamur; thăm hỏi, an ủi và chúc mừng chuyến ghe chúng tôi còn lại 99 người sống sót. Những hình ảnh khi tàu Cap cứu vớt ghe chúng tôi, đã được đang trên tờ báo Stern của Đức tháng 3 năm 1982 (khi đến Đức chúng tôi được xem tờ báo ấy). Hơn hai tuần lễ trên tàu Cap Anamur, phần thì đói khát mấy ngày, không quen với sống gió; vừa trải qua một tai nạn thật hải hùng, khiến cho cơ thể của mọi người đều bơ phờ và yếu hẳn đi; không còn sự thăng bằng về tinh thần để cảm nhận những giây phút, mà sau nầy nhớ lại cảm thấy một nguồn sống được tái sinh nhờ những ân nhân đã cứu vớt, và chỉ có lúc ấy mới thấy tình người thật cao quý vô cùng. Đây là một nguồn an ủi vô biên, đối với những người tưởng chừng như chết đi sống lại!

Sau mười tám ngày, tàu Cap Anamur chạy ngược chạy xuôi mấy vòng; nhưng không gặp một chiếc ghe nào vượt biển, nên có lệnh thuyền trưởng chở chúng tôi cập bến Palawan. Nơi đây có một trại tỵ nạn dành cho người Việt tạm cư; đợi ngày đi định cư tại quốc gia thứ 3. Ở đây tôi phải đợi gần một năm mới có hồ sơ đi định cư; vì trước đó tàu Cap Anamur đã vớt lên mấy chuyến hơn mấy ngàn người, mà chưa giải quyết đi định cư hết, nên lớp chúng tôi phải chờ hồ sơ. Và sau đó được chuyển lên đảo Bataan để đợi ngày đi định cư tại Tây Đức.

Những ngày tạm dung tại trại tỵ nạn Palawan, cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn đáng nhớ! Nhớ những buổi sáng thứ hai, tập họp trước sân trại làm lễ chào Quốc kỳ, hát Quốc ca mà nghe lòng tràn dâng niềm vui khôn tả. Niềm cảm xúc như đã tìm lại quê hương trong thanh bình và tự do. Mọi người rạng rỡ hân hoan, cảm thấy như đây không phải là nơi tỵ nạn, chốn lưu đày! Nghe tin tức liên quan đến đời sống trong trại; liên quan đến việc lập hồ sơ đi định cư. Nhất là những giờ ngồi nghe đọc danh sách thư tín; văng vẳng lời ca đang lan man chung quanh một câu hỏi, nhưng chưa tìm được câu trả lời: "Ai Trở Về Xứ Việt? (nhắn dùm ta, người ấy ở trong tù... nghe đâu đây vang vọng lời rên xiết..."). Lời vang vọng như níu kéo hiện tại trở lại với quá khứ rất gần, một quá khứ đầy thương đau và kinh hoàng; của những người cùng chung một dân tộc, mà lại đi tàn sát và xua đuổi tình người bằng chiêu bài giải phóng!

Những kẻ sống sót trong ghe chúng tôi nơi trại tỵ nạn Palawan

Những lần đi lãnh thực phẩm; sắp hàng lấy nước để nấu cơm; buổi tối cũng có các lớp học sinh ngữ. Chúng tôi được học các lớp tiếng Đức để chuẩn bị cho việc hội nhập vào một xã hội mới; được xem những cuốn phim về sinh hoạt ở Đức; được nghe quý Thầy Cô nói về phong tục tập quán của địa phương, nơi mà ngày mai đây chúng tôi sẽ đến, và sẽ nhận nơi đây làm quê hương thứ hai của mình.

 Khi lên máy bay để đi định cư, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng! Vì đã thoát được những tháng ngày chờ đợi tại đảo. Những tháng ngày tuy không lo lắng hay bận rộn việc gì, nhưng trong lòng cứ mong đến ngày đi định cư, vì cuộc hành trình đang còn nửa đoạn. Đến phi trường Frankfurt vào một buổi chiều trời mưa, khí hậu ngoài trời khoảng 18 độ C, nhưng bước ra khỏi máy bay chúng tôi thấy chân tay lạnh cóng. May thay phía dưới đã có những người "Xã hội" đến đón tiếp đã choàng cho mỗi người chúng tôi một cái mền. Chúng tôi đi đến xe Bus như một đoàn người từ hành tinh lạ đến đây. Sau đó được chở về tỉnh Tübingen, nơi có trại chuyển tiếp đón người tỵ nạn. Sau một tháng khám bệnh, làm thủ tục giấy tờ, chúng tôi được chuyển về trại Reutlingen. Nơi đây chúng tôi được nhận lãnh Unterhaltgeld (tiền trợ cấp ăn học) và 8 tháng học tiếng Đức; được một gia đình người Đức bảo trợ giúp đỡ xin việc làm và nhà ở. Đấy là những món quà tặng quý báu nhất đối với tôi, trong những ngày đầu cho một cuộc sống mới. Những ân nghĩa nầy cũng đã an ủi cho tôi rất nhiều, có lẽ nhờ vậy mà tôi vơi bớt những ưu tư; giảm bớt mặc cảm bất hạnh, đang đi xin từng chút tình người…

Thật tình thì không mấy ai muốn nhắc lại một câu chuyện đầy đau thương; đầy kinh hoàng mà sự sống chết trong đường tơ kẻ tóc! Một sự không may mắn cho mình và cho những người đồng hành. Vì dù sao đi nữa thì chuyện cũng đã đi vào dĩ vãng; một quá khứ đầy bất hạnh cho dân tộc Việt Nam. Một dân tộc đã chịu nhiều cảnh tang thương vì chiến tranh, vì hận thù và vì thiên tai đã trải dài trong bất tận. Một dĩ vãng mà mỗi khi nhớ lại ai cũng phải rùng mình, như cơn ác mộng đang lởn vởn đâu đây trong tâm trí của mình.

Nhưng với tôi việc gợi lại chuyện xưa nầy, cũng là một cơ hội để được nói lên lời cảm tạ của mình, đối với chính phủ Cộng Hòa Liên Bang và toàn thể nhân dân Đức đã cứu vớt. (Tàu Cap Anamur cũng do nhân dân Đức điều hành và đóng góp). Không những cá nhân tôi, mà còn 99 người đồng hành trên chuyến ghe đau thương nầy; như đã được cải tử hoàn sanh sau một chuyến đi kinh hoàng, mà sự sống chết rất mỏng manh.

Và bây giờ lại giúp đỡ cho chúng tôi có một cuộc sống hạnh phúc; có một mái gia đình đầm ấm và nhất là chính quyền đã cho phép bình đẳng, được hưởng mọi quyền lợi như một người dân Đức. Đây là một quà tặng quý báu nhất về tinh thần lẫn vật chất, mà nhân dân Đức đã dành cho chúng tôi. Đã ban tặng cho những người cùng khổ nhất trên thế giới nầy, một mảnh đời còn lại vẫn thấy được ánh bình minh, vẫn còn được niềm an ủi của những nỗi lòng ngỡ tưởng sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc và yên vui trong cuộc đời!

 

Trần Đan Hà 
Reutlingen, Đức Quốc

TRẦN ĐAN HÀ

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.