Về Làng
Kỷ niệm những năm tháng về làng Mai.

Tháp chuông chùa Từ Nghiêm
(xóm hạ - Làng Mai) |
Từ dạo bỏ quê ra đi tìm lẽ sống, người Việt chúng ta ở hải
ngoại, ít khi nghe ai nhắc đến hai tiếng "về làng". Vì hiện tại
đến nơi nào cũng chỉ gặp người lưu lạc, chốn tha hương thì đâu
còn làng nước nữa mà về? Nên bây giờ nhắc đến hai chữ về làng,
lòng tôi chợt nhớ đến một thời tuổi thơ, tuy không mấy vui nhưng
cũng đã có rất nhiều kỷ niệm. Thời ấy, quê hương loạn lạc, phải
theo cha mẹ chạy giặc, tản cư đến nơi tạm yên ổn hơn, nơi ấy
không bị giặc đi lùng bắt. Nhà cửa bị đốt cháy, ruộng vườn đều
bỏ hoang. Đến khi yên ổn, thì mẹ dắt con, vợ theo chồng lủ lượt
kéo nhau từng đoàn trở về lại làng xưa. Dựng lại mái tranh để
che mưa đỡ nắng, phát cỏ vườn trước để trồng rau, cuốc đất vườn
sau để trồng khoai trồng sắn, hầu tìm lại cái ăn cái mặc cho gia
đình. Tuy vất vã trăm bề, nhưng thấy cha mẹ tôi vẫn tươi cười
khi được về lại mái nhà xưa, khu vườn cũ. Cảnh về làng của những
ngày ấy chỉ để nhìn lại kỷ niệm, thở lại không khí quen thuộc
của những ngày xưa, hay sống lại với chuổi ngày, mà cứ cho rằng
tràn đầy yêu mến. Chừng ấy cũng giúp cho họ có một sự thanh thản
trong tâm, những giây phút tràn đầy nước mắt tủi tủi mừng mừng.
Tuy quê nghèo với cảnh sống đạm bạc nhưng đầy ắp tình bà con
làng xóm, còn tình nghĩa của ông bà tổ tiên. Nơi ấy như có một
hồn thiêng che chở, như có một chất keo gắn bó. Chất keo ấy vô
ảnh vô hình, nhưng lại khiến cho lòng người mãi lưu luyến, không
mấy ai nỡ bỏ chốn quê, mặc dầu chốn ấy không tìm thấy một tương
lai sáng lạn. Vì Quảng trị quê hương tôi đất cày lên sỏi đá, khí
hậu nghiệt ngã, với hai mùa mưa nắng, nắng cháy da và mưa dầm
thối đất. Suốt đời lam lũ, khoai sắn cũng không đủ để no lòng.
Nhưng bù lại, còn có hương vị quê hương, cái hương vị ấy là:
Cơm dưa muối khó khăn mới có.
Của không ngon nhà khéo cũng ngon.
Khi vui câu chuyện thêm dòn.
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà...
(ca dao)
Ở thôn quê còn có cảnh nào hạnh phúc và đầm ấm hơn thế nữa, với
đêm trăng ra ngồi trước sân, nghe ông bà kể chuyện đời xưa; mùa
đông lạnh giá thì lại quây quần bên bếp hồng lửa mẹ. Cảnh sống
đạm bạc ấy còn giúp cho con người giảm đi rất nhiều những ham
muốn thường tình, giảm đi sự tranh chấp hay hơn thế nữa là giảm
bớt chiến tranh. Vì cảnh nghèo thì lấy gì mà tranh chấp, con
người đều sống an phận với nương vườn rẫy ruộng thì lấy gì mà
hận thù. Cuộc sống của dân quê dần dà rồi trở thành một cái Đạo,
cái đạo ăn hiền ở lành, sống bình thường như thiên nhiên, như cỏ
cây hoa lá, nhưng nhờ bàn tay cần mẫn chăm sóc, sẽ tự sinh cho
nhân tốt quả lành.
Hay như ông bà chúng ta thường khuyên:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
(ca dao)
Việc nhân cách hóa giây bầu giây bí, để trao lại cho con cháu
một thông điệp tình thương, thấy cũng thâm thúy biết bao. Vì
rằng tuy khác dòng họ, nhưng cùng chung sống trong một làng, thì
chúng ta đang có tình giềng mối, nghĩa xóm làng chung đụng với
nhau hàng ngày; như giây bí giây bầu kia cùng leo chung một giàn
vậy. Cỏ cây sống được là nhờ trợ duyên của thiên nhiên, như nắng
sớm sương chiều tưới tẩm và sương nắng thì đều được tắm chung
cho tất cả các loại cỏ cây, không phân biệt. Con người cũng vậy
đều được thừa hưởng những tặng phẩm của đất trời: không khí để
thở, thực phẩm để dinh dưỡng. Quà tặng ấy là của chung cho cả
nhân loại, cho mọi loài chúng sinh, chứ không phải của riêng ai,
nên theo Phật giáo tinh thần "Lợi hòa đồng phân" trong Lục Hòa
là tôn trọng sự công bằng của Tạo hóa, thể hiện lòng Từ bi của
Đức Phật, duy trì tinh thần tương thân tương trợ, cũng như tạo
nên cảnh sống hòa bình an lạc.
Những năm ấy tôi còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ rõ cái cảnh đi hái rau
mưng rau má, đi đào củ mài củ éo để ăn qua ngày. Cũng may trong
vườn còn sót lại năm ba cây mít, ít bụi chuối, vài gốc chè vẫn
cho trái ra hoa dùng để đỡ đần hôm sớm. Vẫn vui với cái vui an
phận thủ thường, không còn ước mơ gì cao xa hơn nữa, dần dà rồi
cuộc sống được trở lại yên ổn để làm ăn. Làng xóm cũng được dựng
lên những ngôi nhà mới, tuy nhà tranh vách đất nhưng hình ảnh ấy
đã làm tăng thêm sức sống cho mọi người. Vườn hoang giờ đây đã
mọc lên hoa màu, cảnh vắng vẻ bây giờ đã nhộn nhịp như xưa, vườn
cũ bây giờ chim đã về hót đậu, với người dân quê như thế là hạnh
phúc lắm rồi!
Nhưng thế sự vẫn không dung tha cho người cùng khổ, những người
an nhẫn với thân phận hẩm hiu để được sống với quê hương làng
mạc, để được gần với mồ mã tổ tiên, để được đền đáp ơn sông
nghĩa núi, cho trọn thủy trọn chung với bà con xóm làng, chỉ
chừng đó cũng đã được nguồn an ủi!
Nỗi buồn ấy chưa vơi thì rồi một lần nữa phải gạt lệ ra đi, vì
quê nhà không còn chỗ dung thân. Cho dù vẫn chấp nhận một cuộc
sống với tay làm hàm nhai, không biết đến tương lai như thế nào.
Vì đã quen cảnh đời lam lũ, lòng đã gắn bó với tình cảm xóm
giềng, nên bây giờ sống cuộc đời lưu lạc thấy cũng buồn thêm.
Nỗi buồn như những lúc đối diện với cảnh lạ xa, với người không
quen, với lòng hoài niệm dầu chỉ một dĩ vảng tối tăm, một quá
khứ đầy xót thương nhưng vứt bỏ không đành, nên lòng vẫn cảm
thấy bất an vì tiếc nuối.
Qua đến xứ người sống cảnh bơ vơ, đôi khi thấy như người vô cảm,
không biết lấy ai tâm sự mỗi khi cõi lòng quạnh vắng. Nhưng tôi
may mắn được gặp gỡ gia đình bác Nhiêm, thường lui tới thăm nhau
để chia sẻ nỗi buồn vui nơi cõi tạm bợ nầy. Một hôm vào dịp mùa
hè bác Nhiêm rũ gia đình chúng tôi qua Pháp chơi, nhân tiện ghé
thăm đứa con của bác du học tại đây, và hiện giờ đang sinh sống
nơi thành phố Louders miền nam nước Pháp. Thế là chúng tôi lần
đầu tiên đi xa. Hai gia đình chất lên một xe, vì lúc ấy con tôi
con nhỏ nên ngồi cũng thong thả. Lần đầu tiên tôi được chiêm
ngưỡng cảnh trí thơ mộng của miền nam nước Pháp, có nhiều nơi
khung cảnh miền quê hơi giống quê hương Việt Nam chúng ta. Có
nhiều cánh đồng trồng lúa, trồng cải, trồng bắp và nhất là những
cánh đồng trồng nho và hoa hướng dương thì thật tuyệt đẹp từng
hàng thẳng tắp, chạy dài đến mút mắt.
Đến nhà anh Liêm chúng tôi ở lại ba ngày, anh Liêm đưa đi chơi
nhiều chỗ và nhất là đến tham quan “Thánh Địa Lourdes” nơi có
rất nhiều người đến đây quanh năm. Những người bệnh nan y họ đã
đến để cầu nguyện, và sau khi khỏi bệnh họ để lại những vật dụng
họ mang theo như gậy, nạng gổ… là những dấu tích đã chứng minh
cho lòng tin của họ. Thấy những điều mầu nhiệm rất lạ chưa hề
nghe đến, nhưng hôm nay đã thấy tận mắt.
Đến chiều ngày thứ ba sau khi ăn cơm xong, bác Nhiêm gọi anh
Liêm và nói rằng: “Ngày mai mi đưa tau lên Làng Hồng để tau thăm
Sư Ông” (những năm ấy còn gọi làng Hồng, sau khi thực hiện trồng
1.250 cây Mai, để hái trái làm mứt cho chương trình giúp những
trẻ em mồ côi ở quê nhà, lúc ấy mới đổi tên thành Làng Mai). Tôi
chưa biết làng ở đâu, cũng chẳng biết Sư Ông là ai, và sinh hoạt
nơi ấy như thế nào nhưng không tiện hỏi. Nên cứ chạy theo xe anh
Liêm băng qua mấy con đường làng, có nương bắp có ruộng lúa mà
thấy nhớ quê hương vô vàn. (Sau nầy mới biết gia đình bác Nhiêm
trước đây ở Nha Trang, một gia đình khá giả nên có mấy đứa con
đều đi du học cả. Hai Bác cũng đã biết đến những sinh hoat của
Sư Ông trước năm bảy lăm, và hai bác cũng đã có tham gia.)

Yên tĩnh giữa rừng sồi
(Sườn núi chùa Pháp Vân - xóm thượng LM) |
Đến làng, chúng tôi cũng ở lại ba ngày đi xem cảnh của các xóm:
xóm Thượng, Xóm Trung, xóm Hạ, xóm Mới… Thấy phong cảnh thôn quê
ở đây rất lý tưởng cho việc nghỉ hè, cũng như thấy nếp sinh hoạt
của Làng rất đầm ấm đầy đạo vị và mang màu sắc quê hương. Buổi
sáng, thấy người người lũ lượt lên xóm Thượng để tham dự buổi
Pháp Thoại của Sư Ông. Các thiếu nữ mặc đồ bà ba, đội nón lá và
đi chân đất chẳng khác chi cảnh thôn quê của mình. Cộng thêm
trong các xóm có những khóm trúc, vườn rau, và nhất là có hồ
sen, đã khiến cho những người xa quê như chúng tôi gợi nhiều
điều nhung nhớ…
Lúc ấy chúng tôi cũng chưa biết gì nhiều về việc tu tập của
làng, chi mến cảnh mến người và nhất là nếp sống nơi đây thật an
nhàn, khiến cho những ai khi đến cũng cảm thấy mến yêu. Nên sau
đó bác Nhiêm rũ chúng tôi về làng là đồng ý ngay. Vì thiết nghĩ
đi nghỉ hè đâu rồi cũng thấy cảnh lạ miền xa, không có cảm giác
thân thương như về làng. Và cứ đến mùa hè là rủ nhau đi, ban đầu
chúng tôi chỉ đi chung với gia đình bác Nhiêm, sau đó có thêm
nhiều người cùng về làng, và thỉnh thoảng đông quá lại thuê xe
Bus để đi chung. Những tháng năm ấy đã để lại trong tôi nhiều kỷ
niệm, làm tươi mát thêm cho cuộc đời. Với một cuộc sống thong
dong tự tại, ăn mặc giản dị, người người đều trao nhau những
tình cảm rất thân thiện. Và từ từ chúng tôi hòa vào trong nếp
sống ấy bao giờ mà không hay, đến nỗi đôi khi không thiết tha gì
đến việc bon chen ngoài đời, vì chỉ cần sống trong hiện tại với
đầy ắp tình người bao dung, đang đến với nhau thắm tình anh em
một nhà, không có lo lắng việc gì chỉ việc sống với những giây
phút an nhàn thảnh thơi như vậy cũng đã cảm thấy thích thú.
Vì thế hôm nay gặp duyên lành, lại được về làng là một sự may
mắn, hơn nữa về Làng Mai là một nguồn an ủi, được học những
phương pháp chuyển hóa khổ đau, để có một cuộc sống an vui hạnh
phúc, cho nên hai chữ về làng bây giờ còn mang một ý nghĩa cao
đẹp, một cơ hội được học làm người và sống lại với dư vị đã thân
quen. Trước hết là bắt gặp một khung cảnh làng mạc, có bụi chuối
vườn rau, có khóm hành bụi ớt, có giây bí giàn bầu...
Nên khi thấy cảnh:
Sau chùa có một vườn rau.
Trồng bao lâu đã xanh màu quê hương?
Ngò gai, rau húng, quế hương
Giàn leo đậu ván dễ thương vô cùng
Sao mới thấy vườn rau đã biết đó là màu quê hương, vì vườn rau
nầy đang trồng nơi đất lạ quê người mà? Và bất chợt tôi mới hiểu
ra cái màu quê hương ấy, tôi cũng đã mang theo trong huyết quản,
trong tâm thức nhưng chưa có duyên hạnh ngộ, nên màu quê chưa
tỏa rạng, bóng quê bị che lấp bởi cánh cửa vô tình khép lại. Giờ
đây cánh cửa được rộng mở, duyên may được bắt gặp đã làm cho
lòng tôi vơi đi nỗi nhớ, cũng như không còn ngại ngùng trước
cảnh tha hương, mà lâu nay một mực trăn trở như cảm thấy có một
sự mất mát lớn lao. Ở đây lại còn có thêm ao sen xanh tốt, có
bụi trúc xinh xinh sớm chiều đong đưa trước gió.
Chiều ra ngồi ngắm sen xanh
Lá khum lòng chảo lã cành dọng sương
Cạnh bên búp nở trắng hồng
Lung lay cánh gió long bong cánh thuyền
Tâm
cảnh hiện bày nên cảm tưởng như mình đang đón nhận một cuộc sống
thảnh thơi, bắt đầu từ khi mới đặt chân đến làng. Sự cảm nhận
của giây phút ban đầu ấy, như thực tại đã gắn bó với chốn cũ quê
xưa. Nhưng chưa dừng lại đó mà phải đi tìm những gì khác biệt
hơn thế nữa kia, sự khác biệt đó là khi nhìn thấy những người
bản xứ (nói chung là những người Âu, Mỹ), họ đang có tất cả từ
tinh thần lẫn vật chất, có nhà cao cửa rộng, nghĩa là họ đã đạt
được tất cả những gì cao quý nhất mà người đời mong muốn, thế
nhưng họ cũng về Làng Mai một nơi chốn nghèo khó quê mùa để tìm
cái gì ? Đó là câu hỏi tôi tự đặt ra, để tiếp tục đi tìm câu trả
lời...
Làng Mai có xóm Thượng, xóm Trung và xóm Hạ, mỗi xóm chỉ cách
nhau vài cây số, con đường băng qua các xóm cũng nằm giữa cánh
đồng, có con đường đất dẫn từ xóm dưới lên xóm trên, hai bên
đường nối nhau thẳng tắp những hàng nho, những hoa hướng dương,
hay nương bắp phất phơ theo chiếc áo màu lam của các cô thôn nữ,
lủ lượt theo nhau lên chùa lễ Phật.
(Hiện giờ, vì nhu cầu tu học càng ngày càng đông, nên làng đã
lập thêm các xóm: Xóm Mới. Xóm Thượng trở thành Chùa Pháp Vân,
Xóm Hạ trở thành Chùa Cam Lộ và xóm Mới có Chùa Từ Nghiêm) (xin
xem vài nét về Làng Mai tại Pháp).
Đó chỉ là những hình ảnh của phút đầu tiên nhìn thấy, nhưng ở
lại vài ngày mới bắt gặp nhiều điều mà từ lâu nay mình cứ ngỡ
không bao giờ thoát ly ra khỏi, như lòng hoài niệm của kẻ tha
hương, như cảm giác xa lạ với xứ người, lòng ngổn ngang trước
hai nền văn hóa khác biệt. Nếu không biết dung hòa thì suốt đời
sẽ bị bơ vơ trước ngã ba đường, không biết đi về đâu cho cuộc
đời được hoà đồng, kiếp sống không còn buồn tẻ, vì cứ thấy mình
vẫn còn lạc lõng, cô đơn.
Cho nên khi về Làng Mai tu học một thời gian, tôi mới nhận thấy
đời sống của quý Thầy quý Sư cô rất an vui và hạnh phúc, có lẽ
nếp sống thanh đạm đã giúp cho họ giảm bớt lòng tham sân, thực
tập sống chánh niệm để phát huy trí tuệ, tăng trưởng lòng từ bi
như trong phần đầu của Bát Nhã Tâm Kinh: Bồ Tát Quán Tự Tại.
Khi quán chiếu thâm sâu. Bát Nhã Ba La Mật (Tức diệu Pháp Trí
Độ). Bỗng soi thấy năm uẩn. Đều không có tự tánh. Thực chứng
điều ấy xong. Ngài vượt thoát tất cả. Mọi khổ đau ách nạn.
(Trích Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa trong Nghi Thức Tụng
Niệm, Lá Bối 1994). Khi thực tập quán chiếu để thấy tất cả đều
giả hợp, năm uẩn đều không có tự tánh, nên chúng ta không lo sợ
trước cảnh sanh, lão, bệnh, tử. Hay không sợ hải trước cái hữu
hạn của kiếp nhân sinh, đang đứng trong không gian và thời gian
vô tận. Nỗi lo sợ ấy như những khổ ách đã theo đuổi từ nhiều
kiếp, vì chúng ta vẫn còn sống trong mê mù, tăm tối.
Về Làng Mai cùng nhau tu học, như để giải tỏa tất cả những gì mà
từ lâu đã chất đầy thêm gánh nặng. Thực tập sống thế nào cho
cuộc đời có ý nghĩa, có hạnh phúc rồi chia xẻ cho thân hữu, bạn
đồng hành, ngõ hầu dìu dắt nhau cùng đi những bước chân vững
chải trên đường đời, dẫy đầy chông gai và sống gió nầy.
Ngoài việc được sống cái không khí làng mạc của Việt Nam, tôi
còn được học lại rất nhiều những bài học vỡ lòng. Vì theo tình
tự dân gian, con người sinh ra đầu tiên phải : học ăn, học nói,
học gói, học mở..., mà những bài học vỡ lòng nầy tôi đã bị thất
lạc trên đường chạy loạn, cha mẹ tôi cũng không có cơ hội để dạy
dỗ cho tôi, vì cuộc sống tất bật trong một giai đoạn mà đất nước
còn chìm đắm trong cảnh loạn ly tang tóc, vì thế bài học vỡ lòng
của tôi vẫn chưa được học chín chắn, nên bây giờ cứ lơ mơ.
Vì sinh ra được làm người là một điều cao quý, là một vinh hạnh
cho chúng ta, nên cần phải học những điều căn bản, để gìn giữ
cái giống người trước đã, rồi sau đó mới học lên cao. Vì nếu ai
chưa học thuộc bài học vở lòng, thì bây giờ chắc chắn cũng cứ lơ
mơ vậy thôi. Sẽ không bao giờ tìm được hướng đi tốt đẹp cho cuộc
đời, khi hai bên đường dẫy đầy ma chướng.
Nhưng đạo tràng Mai Thôn cũng không chỉ để giáo dục cho những
người mới chập chững vào đời, hay những người chưa có cơ hội học
cái căn bản của bài học vở lòng, bài học làm người. Vì tại đây
còn có nhiều người, mà ở ngoài đời đã đổ đạt, đã thành danh đã
có một cuộc sống cao sang quyền quý, thế nhưng họ vẫn về Làng
Mai để thực tập những bài học như: ăn uống, đi đứng, nằm ngồi...
Nhất là những người Tây phương, họ thực tập rất chăm chỉ và cẩn
trọng, tinh thần tương kính đối với Tăng thân, với người bạn
đồng hành luôn tinh tấn và hài hòa. Như những phương tiện đang
giúp cho họ để chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc và hạnh phúc.
Thấy sự thích thú trong việc tu học của họ, như một năng lực
quyến rủ tôi tìm hiểu những điều họ đã tiếp nhận, những điều
đang khám phá...
Ông bà chúng ta thường nói: Gần mực thì đen, gần đèn thì
sáng. Là một xác định về những kinh nghiệm của người xưa, là
một ẩn dụ rất quý báu và thiết thực nhất cho chúng ta đi tìm một
hướng đi tốt đẹp, một chọn lựa đúng đắn như phương tiện trau dồi
thân tâm, để trở thành một con người toàn thiện.
Nên hôm nay về làng Mai, bắt gặp hình ảnh của một Tăng đoàn rất
uy nghi và thanh thoát, vì họ đã trải qua một quá trình xây dựng
và tu hành. Thực tập những việc làm công ích, lợi lạc như đang
gạn đục khơi trong, chọn lựa những hạt giống tốt lành để trồng
vào vườn tương lai, dựng xây cho thế hệ con cháu.
Tôi còn thấy trong lớp Tăng sinh đang đào tạo các vị Giáo thọ,
có nhiều vị rất uyên thâm, đã đến phẩm vị Thượng tọa rồi, nhưng
khi nhập vào lớp Tăng sinh thì rất bình dị và hài hòa, khi học
thì chăm chỉ vào việc học, khi làm việc cũng chia ra từng toán,
vị thì xăn tay áo vào bếp nấu nướng, vị thì rửa rau cải..., có
vị thì buổi sáng giảng giáo lý cho lớp học chúng tôi nghe, buổi
chiều lại đeo găng tay vào nhặt rác, thấy vậy tôi vội vàng thưa,
xin Thầy để con làm, thì vị nầy ôn tồn bảo: đạo hữu cứ để Thầy
làm để Thầy thực tập luôn thể! Tôi hơi ái ngại trước nghĩa cử
cao đẹp, lòng nhân ái của vị tân Giáo thọ nầy, vì xưa nay là
hàng Phật tử chưa bao giờ thấy quý vị tài cao đức trọng làm công
việc ấy. Nên bây giờ thấy vậy lòng sao không khỏi ngẩn ngơ?
Nhờ vậy mà tôi học được những đức khiêm cung, tính giản dị và
lòng an nhẫn nơi các vị nầy, còn học thêm cách đi đứng trang
nghiêm trong những bước thiền hành, học ăn uống nghiêm túc trong
yên lặng, học nghe tiếng chuông để cho lòng được thanh tịnh, học
lễ lạy và tụng kinh để biết đến công ơn Tam Bảo đã dẫn dắt chúng
sinh đi đến con đường hiểu biết và thương yêu rộng lớn, cùng
khắp.
Vẫn nhịp nhàng theo chương trình tu học hàng ngày, buổi sáng
thức dậy ngồi thiền, tụng kinh. Dùng điểm tâm rồi chuẩn bị lên
Chùa nghe Thầy giảng Pháp. Ngày thì tại chùa Pháp Vân, ngày thì
chùa Cam Lộ, ngày thì chùa Từ Nghiêm. Thực tập thiền hành, rồi
ăn cơm chung với đại chúng, thường thì ăn cơm tự do như picnic,
nhưng thỉnh thoảng cũng có tổ chức "ngọ trai" theo nghi thức quá
đường của lễ Thọ Bát Quan Trai. Buổi chiều trở về lại Xóm mình
ở, được làm sáng tỏ bài Pháp Thoại buổi sáng, bằng một buổi Pháp
Đàm, nghĩa là luận bàn lại nội dung của bài Pháp, nếu có chỗ nào
chưa hiểu thì nhờ quý Thầy quý Sư cô giảng lại, để hiểu thấu đáo
rồi đem ra thực tập. Với phương pháp giáo dục phổ thông và giản
dị, nên giới nào cũng có thể tiếp thu được. Chương trình Làm Mới
cũng là một cách khác, nhằm mục đích học ôn lại những gì mình đã
học, nghĩa là đã học được những gì, mình có thể trình bày ra để
những người bạn mình bổ túc thêm, cho sự hiểu biết được tròn
đầy. Những buổi thực tập Thiền trà cũng giúp cho chúng ta những
giây phút an lạc, tạo sự cảm thông và chia xẻ lẫn nhau kinh
nghiệm về tu học, về đời sống hàng ngày của chúng ta.
Sự hòa hợp không phải dễ dàng có được trong một cộng đồng đông
đúc, gồm nhiều người tứ xứ, khác biệt về ngôn ngữ, về phong tục
tập quán, về văn hóa... Thế mà họ đã dung hòa được tất cả, để
trở thành một đại chúng trang nghiêm, thanh tịnh, với tấm lòng
yêu thương rộng lớn. Việc cảm thông đôi khi cũng không cần dùng
đến ngôn ngữ để mời gọi, không quyến rũ bằng lời đường mật,
không có tâm phân biệt phải trái, mà có thể cảm nhận bằng vô
ngôn, nói như ngài Nhật Liên là "Vô tình thuyết Pháp", nghĩa là
thấy cảnh thanh tịnh thì lòng mình tự dưng được an lạc. Thật
vậy, khi gặp gỡ thì chấp tay xá chào nhau rất cung kính, miệng
mĩm cười như trao tặng cho nhau những đóa hoa rất đẹp. Hay lúc
thực tập đi đứng, các hành giả bước đi rất thảnh thơi trong
chánh niệm. Sự kiện có được như vậy chắc chắn họ đã vun trồng và
chăm bón cho hạt giống tốt từ nhiều đời nhiều kiếp, nên bây giờ
mới có kết quả, mới hái được trái lành.
Từ đó tôi mới biết thực tập sống Chánh niệm là phương pháp rất
hay, để hướng dẫn chúng ta trở về và tìm lại "Bản lai diện mục"
mà từ lâu bị thất lạc. Vì con người thế tục thì phải bận rộn với
nhiều việc ngoài đời, không có cơ hội để tìm lại những gì đã
mất. Sống trong Chánh niệm còn giúp cho chúng ta thấy được nhiều
điều mới mẽ, nhiều khám phá tân kỳ mà nếu cứ chạy đuổi theo
những nhịp điệu của xã hội hôm nay, thì cũng chẳng khác gì người
cưỡi ngựa xem hoa, không bao giờ có thể tìm thấy được hồn cỏ
cây, thưởng thức được hương hoa quý.
Ngoài việc học đạo mong tìm nguồn an lạc và hạnh phúc cho bản
thân để xây dựng gia đình và xã hội, trong khóa tu mùa hè chúng
ta còn được tham dự các buổi lễ rất ý nghĩa như lễ Tạ Ơn và Giỗ
Tổ, lễ Vu Lan để tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ (lễ Bông Hồng Cài
Áo) lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân và Anh Hùng Liệt Sĩ chết vì lý
tưởng tự do; lễ Tết Trung Thu dành cho các em thiếu nhi. Đối với
những người đã đến tuổi trưởng thành, cũng có tổ chức Đám Cưới
theo cổ truyền Việt Nam, có cảnh đón rễ rước dâu, từ xóm dưới
lên xóm trên, làm lễ Gia tiên, rồi lên Chùa lễ Phật. Chú rễ và
cô dâu với áo dài khăn đống, bà con hai họ và xóm giềng cũng
thướt tha trong những chiếc áo dài, hay chiếc áo bà ba mặn mà
tình sông nước quê hương. Đại Giới Đàn cũng được tổ chức tại
Làng Mai, đặc biệt là Đại Giới Đàn Hương Tích được tổ chức vào
mùa hè năm 1994, để truyền giới luật cho 32 vị xuất gia (nam
khất sĩ và nữ khất sĩ). Quy tụ rất đông Chư tôn đức các quốc gia
hải ngoại vân tập về Làng Mai và tham dự vào Hội Đồng Truyền
Giới, giới đàn kéo dài trong 9 ngày, rất trang trọng theo nghi
thức của Phật giáo. Các buổi lễ đón Giao thừa, cũng được tổ chức
rất đầm ấm và đầy đạo vị, có lễ chùa, có hái lọc đầu xuân, có
mừng tuổi Thầy và các vị lớn tuổi, có ngâm thơ, bói Kiều và có
trao cho nhau những lời chúc phúc trong năm mới.
Buổi lễ nào cũng được diễn ra trong không khí trang nghiêm, ẩn
chứa những nét đặc thù dân tộc rất độc đáo, tạo được niềm tin
yêu và an ủi cho người Việt tha hương của chúng ta. Vì quê hương
bây giờ đã ngút ngàn xa ngái, không còn những ngày rằm mồng một
theo mẹ đi lễ Chùa; không còn những đêm trăng thu cùng bạn bè
rước đèn đi chơi; không còn những ngày nguyên đán để đốt hương
tưởng niệm ông bà tổ tiên, và cũng không còn cái không khí bà
con làng xóm để thăm nhau. Nên về Làng Mai cũng là một nơi để
sống lại cảnh đầm ấm của gia đình, cái không khí quê hương mà
bây giờ đã ngàn trùng xa cách.
Nhiều điều nho nhỏ nhưng cũng vô cùng cảm động, như khi mới đến
Làng gặp đồng hương là đã thấy thân thiện rồi, không cần phải
biết anh ở quê đâu, chị qua đây lâu mau rồi. Sống chung một thời
gian thì lại càng đậm đà hơn, nên khi về thường hay nhắc nhau,
nhớ sang năm về làng nghe, hay lời dặn dò của quý Thầy quý Sư
cô: nhớ về nhà cố gắng tu tập nghe, là những gởi gắm đầy tình
nghĩa thiết thân, đầy tình lưu luyến và sự chăm sóc cho nhau,
như cha mẹ dặn dò con cái, như người thân trong một nhà lo lắng
cho nhau.
Về Làng mai còn được trao truyền lại một nền Văn hóa Việt, nhất
là đối với giới trẻ tiếp nhận rất nhanh chóng, để hội nhập một
cách tự nhiên. Ví dụ như các em khoảng mươi mười hai tuổi, các
em ở Mỹ, ở Úc ở Canada, hay bên nầy thì ở Pháp ở Đức…, các em
mới đến với nhau thì không thể chơi chung được, vì em thì nói
tiếng Mỹ, em thì nói tiếng Đức. Nên sau đó các Sư cô nghĩ ra một
phương pháp là chọn một ngôn ngữ nào cho các em có thể nói
chuyện với nhau được. Và cuối cùng thì các cô đã chọn tiếng
Việt, vì nghĩ rằng trong gia đình chắc chắn ba mẹ đã có nói với
các em dăm ba câu tiếng Việt. Thế là dùng tiếng Việt để làm
tiếng phổ thông cho một nhóm dân “hợp chủng” ấy. Không ngờ là
các em đã có cơ hội để khoe “trình đô” tiếng Việt của nhau, và
cứ thế thêm, thêm và chỉ trong vòng vài ba ngày là các em đã
“thành thạo” và chơi với nhau một cách rất thân mật và tự nhiên.
Tôi còn nhớ có một cậu thanh niên lúc còn nhỏ cha mẹ bận đi làm
nên gởi cho một bà người Đức đưa đi học, nên cậu ta không biết
nói tiếng Việt. Buổi tối về nhà mẹ chỉ dạy cho dăm ba câu bập bẹ
mà thôi. Hiện giờ thì anh ta đang học năm thứ hai Y khoa, được
bạn bè cho biết về làng Mai vui lắm, được học thêm nhiều điều bổ
ích, và nhất là học về văn hóa Việt Nam. Là một thanh niên trẻ
đầy nhiệt tình và thích khám phá những điều mới lạ. Vì nghĩ mình
là người Việt mà không biết gì về Văn hóa của dân tộc mình, thì
mỗi khi gặp người đồng hương cứ lúng túng, gặp người ngoại quốc
thì mình cũng chưa hoàn toàn để hòa nhập vào một cách trọn vẹn.
Nghĩ thế nên anh ta theo bạn cùng về làng. Với một con người ham
học và yêu mến cội nguồn, nên anh ta cố gắng để học, may nhờ quý
thầy cô ở làng dẫn dắt, cộng thêm gặp một người nguyên là nhà
giáo, nên anh ta nhờ hướng dẫn về văn phạm cũng như cách phát âm
cho chính xác. Chỉ trong vòng một tháng mà anh ta học rất nhanh.
Đến kỳ mãn khóa học, anh ta viết một bài cảm tưởng bằng tiếng
Việt đọc lên ai cũng cảm động. Dễ thương nhất là anh ta vào
phòng khách, điện thoại về cho mẹ để khoe trình độ tiếng việt
của mình, vừa nói mấy câu thì nghe bên kia đầu giây mẹ anh đã
khóc sướt mướt vì vui mừng. (Viết đến đây tôi nghĩ đến một
chuyện vui: Có một cậu bé khoảng mươi tuổi, được mẹ gởi đi vượt
biên cùng với gia đình bà bạn. Sang đến xứ người còn điều kiện
để tiếp tục duy trì văn hóa Việt, cũng như học hành để có một
nghề nghiệp để làm ăn sinh sống. Bây giờ thì cậu ta đã khôn lớn,
thỉnh thoảng nhớ mẹ cũng có thể viết một bức thư bằng tiếng Việt
gởi về thăm mẹ, và hỏi mẹ có số phôn để thỉnh thoảng gọi về thăm
mẹ. Được mẹ cho biết mẹ thì không có, nhưng nhà bà bạn bên cạnh
có điện thoại, có thể gọi nhờ. Một hôm anh ta điện thoại về thăm
mẹ, vừa nghe được tiếng con thì bà mẹ mừng quá và khóc oà, và bà
tiếp tục khóc một hồi khiến cho anh ta nóng lòng quá và hét vào
trong điện thoại: Mẹ hảy nói chuyện gì với con đi chứ? Sao mẹ
khóc hoài vậy? “Mẹ không nghe tiền nó rơi lộp độp đây sao!”).
Được biết, mỗi năm tại Làng Mai có tổ chức nhiều khóa học, khóa
học mùa hè, khóa học mùa thu, khóa học mùa đông..., nhưng chỉ có
khóa học mùa hè là quy tụ đông đảo học viên về tu học nhất, vì
thuận thời tiết và thời gian nghỉ hè của nhiều người. Còn khóa
tu mùa đông thì hầu như chỉ dành riêng cho giới xuất gia, các
lớp đào tạo những vị tân Giáo thọ, nên chương trình tu học ngoài
phần chuyên môn về Tôn giáo, còn có thêm phần Văn hóa và Lịch
sử, để giúp cho Tăng sinh có một trình độ tổng quát.
Song song với việc tu học, Làng Mai cũng đã tổ chức công tác từ
thiện để giúp đỡ cho đồng bào từ Nam ra Bắc, nhất là miền Trung
vì nơi đây dân tình nghèo khổ hơn hết. Ở thôn quê phần đông trẻ
em thiếu dinh dưỡng, do đó dễ nhiễm bệnh vì không đủ kháng thể,
nên Làng Mai đã bảo trợ cho nhiều nhóm bác sĩ và y tá về tận các
thôn quê hẻo lánh để khám bệnh cho đồng bào, cũng như bảo trợ
hàng trăm cô giáo dạy các lớp vở lòng. Hay tổ chức nhiều toán
cứu trợ thiên tai bão lụt, đặc biệt là trận bão lụt lớn nhất từ
xưa đến nay xẩy ra vào năm 1999 tại bảy tỉnh miền Trung, cũng
như trận bão lụt vào năm 2000 tại sáu tỉnh miền đồng bằng sông
Cửu Long. Với hình ảnh những người trong các toán thiện chí đi
đến tận nơi, giao tận tay cho những người đang ngụp lặn dưới
biển nước cả nửa thân mình từng mẫu bánh mì, lon nước suối. Hay
đọc những bức thư của quý Thầy và quý Sư Cô ở Việt Nam gởi qua,
kể lại tình cảnh của đồng bào đã trải qua thiên tai, đã chịu
đựng cảnh khốn cùng nhất, nhưng họ vẫn can đảm sống với nguồn hy
vọng và dưỡng nuôi tinh thần ấy như một ý chí để vươn lên. Qua
lòng biết ơn sự cứu giúp của đồng hương, từ trong nước ra đến
hải ngoại, mà nghe cảm động đến tràn nước mắt!
Chúng tôi chỉ về Làng tu học vào các dịp mùa hè mà thôi, nhưng
sống trong bầu không khí an lành và thân thương, luôn thực tập
và chia xẻ cùng nhau những kinh nghiệm và sự hiểu biết, với tinh
thần tương thân đã giúp cho tôi nhiều điều lợi lạc, để hôm nay
tôi mới tìm được một cuộc sống an nhàn tự tại, giảm bớt sự bực
bội trong những lúc không vừa ý. Nhờ sống trong khung cảnh thanh
tịnh nên thấy lòng mình cũng vơi bớt những lo âu, khắc khoải ở
ngoài đời trong một xã hội bon chen, như vẫn tranh nhau trong
một cuộc chạy đua bất tận, không bao giờ ngưng nghỉ, không biết
mình sẽ đi về đâu và được những gì?!
Nên khi về, tôi đang có rất nhiều hành trang mang theo, một thứ
phương tiện rất mầu nhiệm đã giúp cho tôi cảm nhận được cuộc
sống mới, lột bỏ tất cả mặc cảm thấp kém, để biết sống với những
gì mình có, nên không bị cuốn theo trào lưu tân tiến, không
chạy theo những cám dổ xa hoa, nhờ vậy nên thấy cuộc sống an
nhàn và thoải mái. Tôi nguyện sẽ gìn giữ những bài học quý báu,
để làm phương tiện trau dồi thân tâm, san sẻ cho những người bạn
đồng hành, ngỏ hầu dìu dắt lẫn nhau trên con đường hướng về Chân
Thiện Mỹ.
Mấy năm gần đây chúng tôi ít về làng, một phần vì sức khỏe không
cho phép lái xe đường xa, mặt nữa lại eo hẹp về tài chánh. Nhưng
mỗi lần nghe ai nhắc đến chuyện về làng thì nghe lòng bồi hồi
thương nhớ…
Nhớ những mùa hè tại Làng Mai cũng hanh hao nóng bức, nhưng qua
khung cảnh của đồng quê, có bóng cây che mát, có mái chùa thân
thương, được nghe lời kinh sớm, tiếng chuông chiều, còn có tình
đồng hương, có tình đồng đạo mà cảm thấy tâm hồn mát dịu như
thời tiết của một ngày chớm xuân, một trời xuân thường hằng, một
mùa xuân miên viễn, như mùa xuân của Thiền sư Mãn Giác:
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
Trần Đan Hà
Reutlingen,
Đức Quốc |