Huế bây giờ
Thân tặng anh chị Lê Mậu Tảo ở Hamburg-Đức Quốc.

Đại Nội - Huế |
Nói đến xứ Huế, cố thi sĩ Bùi Giáng có hai câu thơ mà nhiều
người hay nhắc nhở :
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
Phải chăng núi Ngự là biểu tượng cho đấng trượng phu, đã một
thời dâng hiến tấm lòng trung trinh, ý chí sắt son đáp đền ân
sông nghĩa núi; phò vua giúp nước để đem lại thanh bình thịnh
trị cho dân lành một cuộc sống hạnh phúc an vui. Còn sông Hương
là tượng trưng cho nét dịu dàng và thơ mộng. Dòng sông hiền hòa
chảy xuôi êm đềm, thướt tha như những tà áo trắng của các cô nữ
sinh trường Đồng Khánh đang bay về muôn lối. Dập dìu như từng
cánh hoa xuân đua nở trên thành phố quê hương, của một thời vàng
son.
Thời bình minh của Huế, cũng là lúc khai sinh một nền văn hóa
đặc thù, trong đó ảnh hưởng sâu rộng của nền Văn hóa Phật giáo
Việt nam. Với nét kiến trúc cổ kính Cung đình và những Chùa
chiền, Lăng tẩm là bóng dáng thâm nghiêm muôn đời vẫn còn ẩn
hiện nét nguy nga tráng lệ của đất Thần kinh.
Hồn sông núi có uy linh mới trưởng dưỡng cho người dân xứ Huế
một nguồn sống phong phú, dạt dào với những tâm hồn nhiều thơ
lắm mộng và đầy ắp tình người. Cho nên người dân Huế đã trưởng
thành trong vinh dự với niềm tự hào được tôn vinh Huế là “cái
nôi văn hóa” của Việt nam. Mặc dù Huế chỉ là người em sinh sau
Hà nội đến hằng ngàn niên kỷ! Và Huế cũng là cái “nôi Phật giáo
Việt nam”, vì từ Huế mà thống nhất, từ Huế mà phát triển, từ Huế
mà trưởng thành, từ Huế mà nẩy sinh biết bao bậc trưởng thượng
và thạc đức còn lưu danh đến muôn đời.
Chùa
chiền ở Huế rất nhiều, nổi tiếng nhất là chùa Linh mụ
(hay Thiên mụ), đã có một lịch sử gần như huyền thoại của buổi
ban đầu. Chùa tọa lạc trên đồi Hà Khê, nơi nhân gian đồn rằng có
một bà Tiên xuất hiện tại đây, và chỉ địa điểm xây chùa, nên
ngôi chùa được mang tên bà linh tiên tức “Linh Mụ”. Bây giờ với
vẻ uy nghi và thanh thoát bên cạnh dòng Hương giang lững lờ soi
bóng; và tiếng chuông chùa cũng là huyền thoại của Huế nữa, có
thể gọi là một trong những kỳ quan của đất nước Việt nam, qua
câu ca dao được truyền tụng:
Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.
(Chùa do Chúa Nguyễn Hoàng tái thiết vào năm 1601. Năm 1665,
Chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu. Năm 1710, Chúa Nguyễn Phúc
Chu cho đúc quả chuông hồng chung cao 2.5m, năng 3285 cân; và
vào năm 1715, Chúa lại cho dựng tấm bia cao 2.58m đặt trên lưng
con rùa bằng cẩm thạch. Vào thời nhà Nguyễn, các vua Gia Long,
Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái đều cho trùng tu chùa. Tháp
Phước Duyên được vua Thiệu Trị cho xây vào năm 1844, tháp bát
giác bảy tầng cao 21.24m mỗi tầng thờ mỗi đức Phật. Từ năm 1945,
Hoà Thượng Thích Đôn Hậu đã tổ chức công cuộc trùng tu kéo dài
30 năm…).
(theo Lịch sử những ngôi chùa Việt Nam).
Ngôi chùa thứ hai được mang một “dấu ấn lịch sử” đó là chùa Từ
Đàm. Ngôi chùa đã làm địa điểm cho Hội nghị Thống nhất Phật giáo
vào năm 1951, và cũng là nơi làm trụ sở cho Hội Phật Giáo Miền
Trung và thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ, sau trở thành Gia Đình
Phật Tử Việt Nam.
-
Chùa Từ Đàm tọa lạc tại Phường Trường An, cách trung tâm thành
phố Huế 2km về hướng Nam. Chùa do Hoà Thượng Minh Hoàng Từ Dung
sáng lập vào cuối thế kỷ thứ 17, đời Lê Hy Tông. Năm 1703, Chúa
Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa tấm biển “Sắc Tứ Ấn Tôn Tự”. Đến
năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chùa đổi tên là Từ Đàm. Chùa
đã được trùng tu nhiều lần…
Năm 1936, chùa là trụ sở của Hội An Nam
Phật Học. Năm 1951, chùa là nơi tập họp của 51 Đại biểu
Phật giáo toàn quốc chuẩn bị Thống nhất Phật giáo. Lá cờ Phật
Giáo Thế Giới đầu tiên được treo tại miền Trung làở chùa Từ
Đàm trong Hội Nghị Toàn
Quốc năm 1951.
(trích: Gia Đình Phật Tử Việt Nam 50 Năm
Xây Dựng, trang 85).
Cũng trong thời gian xây dựng và phát triển nầy, Nhạc sĩ Nguyên
Thông (Thông Đạt) đã sáng tác nhạc phẩm: Từ Đàm Quê Hương Tôi.
Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn Tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn Đạo Vàng
Qua bao giông tố Chùa Từ Đàm tôi vẫn còn
…
Ôi thân yêu bóng chùa Từ Đàm
Nơi Bắc-Nam nối liền một nhà…
Và Đặc biệt trong Hội nghị Thống nhất Phật giáo:
“Vào ngày mồng 01 tháng tư năm Tân Mão (6-5-1951) các tập đoàn
Tăng đoàn và Cư sĩ Bắc Trung Nam đã khai mạc Hội nghị Thống nhất
Phật giáo tại ngôi chùa lịch sử Từ Đàm, đánh dấu mọi bước tiến
quan trọng của phong trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam. Dịp nầy
Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử đã đọc Chúc Từ và đồng kính dâng
lên Hội Nghị sáng tác phẩm Phật Giáo Việt Nam của Trưởng Lê Cao
Phan mà sau nầy Giáo Hội đã sử dụng làm Phật Giáo Ca.
(Trích: sách đã dẫn, trang 50).”
Phong cảnh các kỳ quan của Huế rất nhiều, nào đồi Vọng cảnh, nào
chùa Linh mụ, nào dốc Nam giao, nào hồ Tịnh tâm, nào Ngự viên,
bến Văn lâu... Thật thế, Huế có rất nhiều danh lam thắng cảnh,
bởi vì:
Tỉnh Thừa thiên dân hiền cảnh lịch
Non xanh nước bích điện ngọc đền rồng
Tháp bảy tầng thánh miếu chùa Ông...
(ca dao)
Mỗi cảnh đều chan chứa mỗi tình, con người có nguồn sống dạt
dào, có tình cảm yêu đời mới thấy cảnh nên tươi. Như cụ Nguyễn
Du diễn tả tâm lý ấy trong truyện Kiều:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Cảnh lịch vì lòng người an vui, xã hội thái hòa. Trong những đêm
thanh vắng, tiếng chuông chùa ngân nga như ru hồn vào cõi mộng,
xoa dịu những cơn oi bức của thời tiết mùa hè, xóa tan những âu
lo của đời sống hàng ngày. Có thể nhờ vậy mà giúp cho tâm hồn
mọi người được thanh thản, tạo nên nhiều thế hệ dân lành. Hay
những lúc trời thanh gió mát, chèo thuyền ngược lên thượng nguồn
sông Hương để thưởng cảnh mới thấy nhiều nét yêu kiều của xứ
Huế.
Có lẽ, hình ảnh nầy thường gần gủi với những người sinh trưởng
nơi đây, chính là quê hương, nơi họ mở mắt chào đời đã nhìn thấy
trước nhất, đã gắn liền vào một phần đời của họ. Cũng như khi
nói đến Cần thơ thì phải nhắc nhở bến Ninh kiều. Khi lên Đà lạt
thì không mấy ai có thể bỏ quên hồ Than thở, thác Cam ly. Đến Hà
nội thì phải viếng thăm đền Ngọc sơn, hồ Hoàn kiếm. Du khách đến
miền thùy dương cát trắng, chắc chắn phải qua cầu Xóm bóng nên
thơ như bức tranh thủy mạc...
Thiên nhiên là vĩnh cửu, cho nên vẫn tồn tại với thời gian cũng
là chuyện thường tình. Nhưng đối với những người tha hương thì
khi nhắc lại những hình ảnh ấy, chắc chắn không ai lại không cảm
thấy chút bâng khuâng, niềm nhớ nhung diệu vợi. Đối với những
người sinh trưởng nơi đây, thì lại cảm thấy thiết tha biết mấy
với những hình ảnh của quê hương. Tâm cảnh và những sinh hoạt
của xã hội, thấm nhuần vào huyết quản, hiện diện và luân lưu như
một phần của thân thể. Nên tâm thức ghi dấu những gì đã trải qua
và sẽ không bao giờ phai nhòa. Những thứ ấy mãi mãi là gia tài
vô giá, nó sẽ tồn tại muôn đời để khi đi xa mà nhớ, lúc gần thì
thương. Vì đó là xương máu, tình cảm, là tâm hồn của người dân
xứ Huế.
Nhưng gần đây, chúng ta được nghe câu ca dao truyền tụng từ
những người dân Huế. Chính từ miệng của người Huế thốt ra, cho
nên cũng chính những người Huế nghe đến mới xót mới xa, mới đau
điếng cả hồn, mới thổn thức trở trăn qua sự đổi thay của thế
cuộc, qua mất mát chia ly:
Huế bây chừ nỏ còn chi
Còn chăng lăng miếu hiếu kỳ xem chơi
(ca dao tân thời)
Lăng Miếu là di tích lịch sử, được bàn tay và khối óc của con
người tạo dựng lên, để tôn thờ tiên tổ và hồn thiêng sông núi,
nên Lăng Miếu đã mang một hồn dân tộc. Nhưng bây giờ hồn người
xưa đã bị xua đuổi, hồn thiêng sông núi không còn ai tôn thờ,
nền văn hóa không còn được tôn trọng. Rứa nên chi Huế chỉ còn
lại cái vỏ không dùng để xem chơi mà thôi! Nghe sao mà lạnh lẽo
và hoang vu đến thế?
Như ngày xưa Trần Tử Ngang, khi lên Đài U Châu thấy trời đất
quạnh hiu, vì vắng bóng người xưa và người sau chưa đến nên đã
ngậm ngùi thốt lên rằng:-
Tiền bất kiến cổ nhân.
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du.
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.
Như vậy cái "còn" ở đây không phải là thiên nhiên, hay những kỳ
quan mà người xưa đã tạo dựng nên Huế? Vì Huế không những chỉ
riêng có sông Hương núi Ngự và Hoàng thành, mà còn có rất nhiều,
đến những hai mươi thắng cảnh được sử sách ghi chép: Nào là lầu
Minh viên, vườn Thiệu phương, hồ Tịnh tâm, vườn Thư quang, vườn
Ngự viên, gác Hải tịnh Niên phong, cung Trường ninh, vườn Thường
mậu, núi Túy vân, cửa biển Thuận an, sông Hương giang, núi Ngự
bình, quán Linh hựu, chùa Thiên mụ, cảnh Hải nhi, chùa Giác
hoàng, cảnh Huỳnh vũ, rừng Đông lâm, suối Thanh hoằng ... (mặc
dù bị chiến tranh bom đạn tàn phá, hay sau nầy dưới chế độ mới
các đồ cổ qúy giá để chưng bày đã bị tẩu tán, mất mát phần
nhiều, chỉ còn lại Lăng Miếu và Đền Đài mà thôi !)
Và những cái còn lại ấy, không còn giá trị tinh thần đối với
người dân Huế nữa chăng? Cho nên người Huế mới thốt nên một câu,
như ngầm báo động với lịch sử và thế giới rằng Huế đã mất hết
tất cả! (Huế bây chừ nỏ còn chi!). Nỏ còn chi! Đích thị
là giọng Huệ một trăm phần trăm, chứ không sai chạy đi mô được
nữa! Là nhân chứng (vừa là nạn nhân) trong cái cuộc đổi thay
nầy! Nên mới thốt lên lời não nùng như rứa có phải! (Vì đây là
bằng chứng tiếng nói của xứ Huế: “nỏ còn chi” là tiếng Huế, nỏ
còn chi là “không còn gì” ví dụ như người chị hỏi em: mi chộ đôi
guốc của tau chổ mô không? Người em trả lời: em nỏ biết!)
Cho dù, những hình ảnh thuở vàng son của Huế đã bị tàn phai theo
nắng mưa, mất mát hư hao vì chiến tranh, nhưng cũng vẫn còn đó
chứ, răng mà lại nói nỏ còn chi? Cái còn ở đây chắc chắn là cái
khác? Và cái còn đó là “cái còn” của hồn người thiên cổ? Chắc
chắn là vậy, vì Huế đã có một thời huy hoàng nhất mà nhiều người
đã cho rằng, Huế là cái nôi của Văn hóa, Huế là điểm tiếp giáp
của lịch sử cận đại, mở mang bờ cõi đàng trong. Cho nên bây giờ
thời thế đã đổi thay, nên Huế không còn nữa! Cũng có lẽ đối với
người Huế, cái tinh thần “còn” ấy không phải là vật chất, mà là
cái “Văn Hóa Sống” của con người đã từng trao nhau, đã từng yêu
mến đến cuộc đời. Như việc nối liền giữa đôi bờ là chiếc cầu.
Chiếc cầu đã gắn liền tình cảm bên ni với bên tê:
Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp cố đô dân lành an vui ca thành điệu Nam bình
…
Ngày ngày cầu đã đưa em qua nhóm chợ khuya
Cầu đã đưa anh vui với ruộng nâu
Cầu thân ái quen nghe tiếng hò Ngự bình
Nước dưới cầu nước vẫn trong veo
Như cuộc tình duyên nghèo...
(Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gảy. Nhạc Trầm Tử Thiêng)
Cầu đã đưa em qua nhóm chợ, nhưng chợ không còn cho em đến nhóm
(sau năm 1975 tất cả cửa hàng buôn bán đều nhập vào Quốc doanh
do nhà nước quản lý, nên không còn cảnh nhóm chợ nữa.)
Cầu đã đưa anh vui với ruộng nâu, nhưng ruộng nương không còn
cho anh vui với nắng sớm mưa chiều (vì đất đai ruộng vườn đều do
nhà nước quản lý và được sung vào hợp tác xã, nên anh đâu còn
ruộng vườn để vui với...). Và chiếc cầu cũng không còn thân ái
với tiếng hò Ngự bình của những ngày xa xưa nữa. Nên nước dưới
cầu cũng nhỏ lệ khóc thương. Như thương những mối tình nghèo
muôn đời vẫn đẹp, nhưng không đủ tiền cheo tiền cưới nạp lễ rước
dâu để đón em về!
Còn đâu em trong chiếc áo dài của Huế, gánh một gánh chè đi
ngang làm ngọt mát cả trưa hè oi bức; còn đâu nữa những tà áo
trắng thướt tha của buổi tan trường em trôi về như bướm, làm xôn
xao cây lá bên đường, làm nôn nao những nỗi lòng son trẻ đã một
thời đứng đợi bâng khuâng...
Còn đâu những chiều đi dạo bên hồ sen hồng phớt đang xòe ra đôi
cánh nõn. Nghe lá hát thì thầm như bước hoàng hôn về chậm. Hương
bay cho ngát cả không gian trầm lắng. Đọng lại đâu đây giữa
những hẹn hò vụng dại, bên nét ngập ngừng không nói, cho tiếng
lòng vẫn thổn thức như râm ran tiếng ve ngày hạ, cho nắng chiều
vẫn vàng thêm bông cải vườn ai ...
Còn đâu nữa những đêm hoa đăng rạng rỡ tiếng cười. Đêm vẫn trôi
bồng bềnh như giấc mộng đến chốn thiên thai. Thoáng chốc nhưng
đậm nét trong hồn. Đêm như đẫm hương phảng phất vào giấc ngủ
nồng nàn, cho người người được êm ru giấc điệp.
Còn đâu những điệu Nam bình, Nam ai ẻo lã đong đưa như đẩy theo
con thuyền xuôi mái, khi mái chèo chưa đủ uyển chuyển để đưa
thuyền vào bến, sóng nước bồng bềnh chưa đủ dẫn lòng vào cơn
thao thiết nhớ nhung.
Còn đâu tiếng gà trưa não nùng, làm chùng lòng người xa nhớ. Nỗi
nhớ đến hoài với những chi tiết không mấy chi quan trọng, là nỗi
nhớ thầm. Nhớ thầm cho nên cứ vời vợi hắt hiu, cứ đồng vọng tâm
thức đến chung đời. Nỗi niềm khắc khoải ấy mới làm xót xa lòng
vắng.
Còn đâu hàng phượng vẫn xanh với bốn mùa mưa nắng, nhưng ve mãi
cứ sầu. Suốt cả mùa hè vẫn cứ sầu, vì vắng bóng người xưa. Con
người không còn thuần túy một hồn người, để san sẽ với hồn thiên
nhiên, với tình sông núi, nên vẫn cứ sầu. Nỗi buồn cứ lặng lẽ êm
trôi như dòng sông không hình bóng, hồn mãi vẫn vơ như cuộc mộng
du.
Còn đâu tiếng chuông chùa giữa thinh không ngân thoảng. Để chìm
lắng vào hư vô cho cõi lòng diệu vợi. Cho vơi bớt nhọc nhằn của
những tháng mùa hè oi ả, hơi nóng như nung đốt da thịt ướt mềm,
nhể nhại như người đang kéo lê một cuộc đời vô vọng. Cho nên cái
còn ở đây có lẽ là “tấm lòng thiên cổ” mà người đời thường hoài
niệm.
Thật như lời than của kẻ không đủ sức nắm giữ một lời thề, để
bay theo gió mây vạn dặm không cùng. Lòng yêu mến đã nhạt vì
vắng lòng người, vắng lòng trân trọng với quê hương, thì chẳng
khác gì hoang vu sa mạc. Tìm đâu giọt nước mát để tắm gội yêu
thương, nên muôn đời tình vẫn khô như cát bỏng, lòng nguội lạnh
như tro tàn…
Huế bây chừ nỏ còn chi…
Còn hơn nỗi bàng hoàng khi hay tin người thân lâm trận. Còn nỗi
đau nào hơn bằng biệt ly. Con đường tuyệt vọng vẫn còn dài nên
đã làm chai cùn mơ ước. Không còn có thể thiết lập lại một xứ
Huế như xưa: có những ngày hội hè đình đám, có những ngày rằm
mồng một lên chùa lễ Phật dâng hương, có những đêm hoa đăng trôi
về muôn hướng.
Nói đến nỗi đau buồn vì mất mát và chia ly, thì Huế đã trải qua
nhiều thảm cảnh của thiên tai, như mỗi năm bão lụt hoành hành.
(Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm… Tiếng Sông Hương,
nhạc PD). Như thời chiến tranh xẩy ra thảm cảnh Tết Mậu Thân, đã
vùi dập đã chốn sống hàng ngàn người dân vô tội. (…Tôi đã
thấy, tôi đã thấy những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em…
(Chiều đi lên Bãi Dâu, nhạc TCS). Thế nhưng sau một thời gian
không lâu thì Huế lại vươn dậy, với những tấm lòng tràn đầy nhựa
sống và tin yêu, Huế đã xây dựng lại. Huế đã hồi sinh trở lại
trong niềm kiêu hảnh là luôn biết ơn Tổ tiên đã dựng nên Huế, đã
để lại cho các thế hệ con cháu một gia tài, đó là tấm lòng cảm
thông và tình nghĩa yêu thương…
Bây giờ sự cảm thông giữa người và người đã vắng bóng. Nên đêm
vẫn dài thêm bóng tối. Biết về đâu giữa quê nhà? Vì quê nhà
không còn người thân thương. Còn nỗi cô đơn nào hơn bằng đi giữa
rừng người xa lạ, gậm nhấm nỗi sầu lẽ bóng.
Đối với người Huế tha hương, cho dù không chứng kiến cảnh đổi
thay, nhưng lòng thương nhớ Huế càng ngày càng vời vợi. Vì đã xa
tất cả, xa cảnh xa người, xa những chuyện tình học trò đẹp như
hoa bướm, tuyệt vời như thơ. Những mối tình ngây thơ trong trắng
như mây trời. Đã trải dài suốt theo chiều dọc của lịch sử trầm
lặng nhưng dạt dào, hắt hiu như những ngày mưa kéo dài lê thê.
Như lòng mãi thương những mùa mưa xứ Huế:
Những mùa mưa xứ Huế, thường kéo dài lê thê
Như lòng người xa xứ, theo nổi nhớ thương quê
Nhớ những chiều tan trường, em tung tăng như bướm
Áo trắng dài thướt tha, thấy dệ thương chi lạ
Nhưng mưa làm ướt cả, con đường về nhà em
Mưa đan trời trắng xóa, ướt sủng và lấm lem
Mưa từ sáng tới trưa, mưa từ chiều đến tối
Mưa như không biết vừa, làm đường trơn lầy lội
Mưa ướt từ Thành nội, mưa ngược lên Kim long
“Chim quyên về hái vội, ăn hết trái nhãn lồng”
Mưa ướt trên đỉnh Ngự, mưa về tận bến sông
“Ai đưa đò Thừa phủ, cho con sáo xổ lòng”
Mưa rơi trên đỉnh Ngự, mưa xuống tận sông Hương
Chiều mưa nơi Thượng tứ. Nghe nhớ nhớ thương thương
Mưa trên dốc Nam giao, mưa tràn ngập Đập đá
Nên chừ biết mần răng, đưa em về Vỹ dạ
Nhớ lúc anh đưa em, lên chơi trên Bến ngự
Ăn bánh bèo, ngồi xem, mưa rơi trên bông sứ
Mưa trên đồi Vọng cảnh, mưa xuôi xuống Thuận an
Mưa ngược lên Văn thánh, ướt cả mấy dảy bàng
Mưa ướt chợ Đông ba, mưa tràn qua Gia hội
Mưa ra tận An hòa, mưa về trong Thành nội
Mưa làm em bối rối, ướt đẩm mái tóc thề
Khi tan trường bước vội, dưới cơn mưa lê thê
Chừ ngồi đây nhớ mưa, nhớ quê nghèo thương quá
Nhớ tình em mới vừa, chớm hồng lên đôi má
Từ dạo anh xa quê, không còn nhìn mưa Huế
Nên mổi độ mưa về, nhớ thương không xiết kể
Hôm nay ngồi nhìn mưa, mà nghe lòng xao xuyến
Biết nhớ thương sao vừa, ôi quê hương yêu mến
Mưa có về bên quê, nhớ thăm dùm tôi nhé
Từ dạo đi chưa về, nên vẫn thường nhớ Huế !
Có phải đây là tâm sự, là nỗi lòng? Hay tiếng thổn thức khi nhận
thấy lòng người đã xa, tình người đã cạn, nên vẫn mãi chỉ là
chiếc bóng không hồn.
Ngồi lặng nhìn những cuộc đổi thay mà bất chợt thốt lên lời:
“Huế bây chừ nỏ còn chi
Còn chăng lăng miếu hiếu kỳ xem chơi”
Chỉ một câu nói, không biết vô tình hay cố ý, không biết đùa
chơi hay nói thiệt, mà vẽ lại một xứ Huế đẹp và thơ của ngày xưa
đã bị sụp đổ tan tành. Tuy lâu nay vẫn mang một nỗi đau vì mất
mát đã đành là đau, nhưng bây giờ chợt thấy những gì xưa nay vẫn
tưởng là còn mà bị sụp đổ, thì còn đau biết mấy, đối với cảm
nhận của người dân Huế!
Tôi chỉ là “đứa con nuôi” của Huế, mà khi nghe đến lời than thở
ấy cũng đứt ruột đứt gan, huống chi những người đã sinh trưởng
nơi đây, đã sống qua một chặng đời có đục có trong như dòng sông
An cựu; có thăng có trầm như một thời vàng son rồi lại sang
trang cho chạnh lòng non nước; có thủy có chung như nỗi hoài
mong của những người ly hương, nhưng tấm lòng thì luôn hướng về,
cho dù quê hương đã nghìn trùng xa cách.
Tấm lòng hướng về để hòa chung với những tấm lòng mong đợi đã
mỏi mòn, là bản tình ca được dệt bằng âm điệu của tình quê hương
và tình người trộn lẫn, để vuốt ve nhung nhớ, để vổ về thổn
thức, để thăng hoa cuộc sống. Nhưng thời gian vẫn vô tình và
không gian thì vẫn còn hoài thăm thẳm. Khiến cho tình hoài hương
của những người đi, và nỗi mong chờ của cõi lòng mong đợi đã hao
hút theo tháng ngày. Bây giờ thêm nghe một lời than đồng vọng
trong thực tại buồn đau, thì thử hỏi những người đã chịu bao ân
nghĩa của Huế, đã chắt chiu bao kỷ niệm của tuổi thơ, đã yêu
thương một thời hoa mộng, mà khi nghe đến vậy không biết cõi
lòng họ tan nát đến dường nào...?
Trần Đan Hà
Reutlingen, Đức Quốc
|