.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà


Mưa xuân về muộn

  •  PSN 19.04.2008

Lâm trở về quê sau một biến động của đất nước, một khúc quanh lịch sử đã trôi qua, nhưng thảm cảnh chiến tranh vẫn còn ám ảnh. Từ những ngày triệt thoái cao nguyên, với hàng  hàng lớp lớp chui ra từ lửa đạn; đến những ngày Sài gòn tan tác, cảnh hổn loạn khiến cho bao người hớt hải, kinh hoàng. Mọi chọn lựa đều không mang tính trọn vẹn để đáp ứng nhu cầu cho những người đã một lần đánh mất quê hương. Ngày đi, anh chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ trở lại nơi chốn thân yêu, sau một lần phải ngậm ngùi bỏ lại tất cả với bao nuối tiếc. Vì nơi ấy, chiến tranh đang lan tràn, khiến cho hoài vọng trở về vẫn còn mịt mù khuất vắng. Ngỡ như cuộc chia xa sẽ dài mãi chưa biết đến bao giờ. 

Nhưng hôm nay, anh đang đi trên con đường mà ngày xưa anh đã từng đi nhiều lần. Nét quen thuộc của phong cảnh hai bên đường khiến cho anh cảm thấy bớt lẻ loi. Hình như có một cái gì mà Lâm không thể hình dung ra được, nhưng nó đã tạo nên một cảm giác ấm áp, bâng khuâng. Niềm vui chợt đến với chàng có lẽ đang ôm ấp lâu nay với một ước mong tìm lại những kỷ niệm tuổi thơ của mình. Chàng thấy hân hoan với những cảm nhận vừa đến, trìu mến như khúc phim quay lại khung trời tuổi nhỏ với biết bao mến yêu, mà Lâm đã sống với từng ấy kỷ niệm êm đềm. Để hôm nay chàng trở về với những gì mà trong lòng đang ôm ấp một nguồn hy vọng đẹp đẽ, tươi sáng cho tương lai. Tuy không gian xa cách chẳng giúp gì cho chàng nối lại những dở dang, vì chuổi ngày thơ mộng ấy chưa có cơ hội để ghi lại trọn vẹn vào ký ức, nên bây giờ hình như đã tàn phai theo thời gian vô tình.

Chàng chợt nhớ đến chuổi ngày chung bước với cô bạn gái cùng làng lên học trường Quận. Người con gái tên Lan ấy ở cách nhà Lâm non nửa cây số, muốn đến trường thì phải đi theo hướng đến nhà Lâm. Thành ra không hẹn mà cứ mỗi buổi sáng, Lâm đều chờ đợi bóng dáng của Lan đến ngay đầu ngõ, Lâm mới bước ra để đi chung. Ngày ấy, tình bạn giữa hai người rất đơn sơ trong trắng, tự nhiên như đôi chim chuyền cành, chạy nhảy tung tăng, hót ca líu lo giữa đất trời cao rộng.

Lâm chưa có một cảm giác gì khác thường khi đi chung với một người con gái. Nhưng hình ảnh ấy, bóng dáng của Lan đã in sâu trong Lâm lúc nào không hay. Tình tự mến yêu đã nuôi dưỡng đôi tâm hồn son trẻ sống trong một nguồn suối mát bất tận tuôn chảy vào cuộc đời, như thiên nhiên mưa nắng.

Từ nhà đến trường phải đi bộ mất nửa tiếng đồng hồ. Nhưng dần rồi cũng quen, vì ở thôn quê trường gần chỉ có bậc Tiểu học; trường Quận mới có các lớp Trung học lên đến lớp 9 (đệ tứ) và ai có khả năng học tiếp thì phải lên trường Tỉnh. Vì thế mà hầu hết những người sinh sống nơi những làng quê như Lâm, không mấy ai học lên cao. May mắn lắm là học hết lớp cuối của trường Quận, rồi trở về theo nghề cha truyền con nối trong gia đình.

Tiện đường đi học, nên thỉnh thoảng Lan ghé nhà Lâm chơi. Mẹ Lâm xem Lan như con cháu trong nhà. Vì bà đối với mẹ Lan là đồng song, cùng bạn học một thời, và cùng sống với nhau nơi một làng quê nên rất thân thiện. Lan đối với gia đình Lâm cũng tự nhiên, thường gọi mẹ Lâm bằng dì. Còn Lâm thì vẫn xem Lan chỉ là người bạn học như người bạn khác mà thôi, chứ chưa có tình ý gì cả.

Mẹ Lâm đã dành cho Lan với tất cả cảm tình và bà luôn hy vọng sau nầy, nàng sẽ trở thành cô dâu trong gia đình bà ta. Có lần bà nói với Lâm: “Mi coi giữ gìn con Lan cho kỷ, đừng để mất nó thì uổng lắm đó nghe không con!”.

Lâm chưa hiểu ý mẹ, nên thành thật trả lời: “Thì Lan vẫn đi học với con hằng ngày đó chớ, mần răng mà mất đi cho được?” 

Mẹ nhìn Lâm với lòng thương hại và nói với Lâm: “Nầy thằng ngốc của mẹ, sao con bằng tuổi nớ rồi mà còn ngu ngơ như rứa?”.

Lâm cũng chống chế: “Con đi học đến trường đều thuộc bài, về nhà cũng làm bài tập được, răng mạ nói con ngốc?”…

Đến đây thì bà lắc đầu và phì cười, nói thêm: “Thôi được con hãy cố gắng lên, chứ đừng để cho mạ thất vọng đó nghe”.

Tuy nói vậy, nhưng trong lòng bà luôn lo lắng, không biết sao thấy Lâm lớn nhanh và khoẻ mạnh, mà vẫn còn ngu ngơ như đứa con nít mới lên ba. Không lẽ nó “không có nam tính?”, trông bên ngoài thì tất cả đều tốt, không có triệu chứng gì khả nghi cả!

Rồi bà lại có một suy nghĩ với hy vọng là Lâm vẫn bình thường, có lẽ sự phát triển của những đứa con trai ở thôn quê đều giống nhau, đối với tình cảm lứa đôi thì hơi chậm, đến tuổi mười lăm mười sáu, nhưng đứng trước người bạn gái “vẫn thấy như không…!” chứ không đến nỗi khù khờ, chậm lụt như thế đâu….

Còn Lan thì hoạt bát, tự nhiên hơn nên thỉnh thoảng đến nhà Lâm chơi đã khiến cho mẹ Lâm đặt rất nhiều kỳ vọng nơi nàng. Hai gia đình rất thân thiết với nhau, tuy ba của Lan mất sớm, nhưng mẹ đã dành cho Lan với tất cả tình thương.

Có lần mẹ Lâm nói với chàng: “Tau chộ con Lan càng ngày nó càng chảu lảy, hiền thục dễ thương lắm chớ. Hèn chi người ta thường nói: “Lâu ngày trổ sắc thêm duyên”. Những đứa con gái mà có cái duyên thầm, với khuôn mặt bánh đúc, nước da bánh mật, thì tha hồ mai mốt mà nựng“. Rồi bà nhìn Lâm mĩm cười, nụ cười của bà như thầm nhủ: “Mẹ đã chọn cho nhà mình một nàng dâu rồi đó”.

Nhưng Lâm thì chỉ hiểu lơ mơ hình như chỉ được mấy mươi phần trăm là cùng. Lâm chỉ hiểu “nựng” là như những bà mẹ đang bồng trên tay một đứa bé rất bụ bẩm, nâng lên đưa xuống rồi nói với nó: “u… ầu con ai mà dễ ghét quá chưa nè, cho bà cắn một miếng nghe, bà cắn nè, rồi rúc mặt vào bụng đứa bé, thì nó sẽ cười như đười ươi, nắc nẻ…”. Lại nhắc đến chuyện hai con vật gần như huyền thoại nầy nữa. Con đười ươi thì Lâm có thấy hình, nhưng con nắc nẻ thì chưa bao giờ thấy, mặc dầu ngày xưa mẹ có kể cho Lâm nghe rằng: hai con ấy mỗi lần gặp nhau thì ôm nhau cười đến ngất ngư, rồi lăn ra chết giấc. Chuyện kể đã lâu, lúc ấy Lâm còn nhỏ nên không biết, nhưng bây giờ nhắc lại mà Lâm cũng dửng dưng, không muốn truy tìm nguồn tích làm gì.

Lâm chỉ biết đại khái vậy thôi, nên nhiều khi tự hỏi: “đối với Lan thì bây giờ nàng đã là một thiếu nữ, mai mốt sẽ lớn lên nữa thì làm sao mà nựng?”

Một lần khác, Lan thêu một tấm khăn tay để tặng cho Lâm, với hình một cánh lan rừng, phía trên có hai chữ L viết hoa, tạo thành hình cánh bướm.

Lâm đem hỏi mẹ ý nghĩa của cành hoa thêu trên khăn có cánh bướm. Mẹ nheo nheo mắt tủm tỉm cười, như thầm nhủ đến bây chừ mà còn như “con nai vàng ngơ ngác!”

Nhưng mẹ cũng đem chuyện tích ngày xưa để ngầm giải thích cho Lâm hiểu ý nghĩa bức thêu với cành hoa lan rừng và cánh bướm:

 - “Có lẽ ngụ ý chuyện ngày xưa Trang Sinh nằm mơ thấy mình hóa bướm, đến khi thức giấc thì không biết mình là bướm hay người. Bức tranh thêu nầy có hình bướm đậu trên cánh lan rừng, ngụ ý gì thì con cứ tìm hiểu tiếp đi”.

Lâm thấy câu chuyện nầy khó quá, nên lãng sang chuyện khác cho khỏe. Vì mẹ chỉ giải thích nửa chừng chứ không bao giờ nói rõ ràng chi cả. Hình như tính tình của Lâm rất đơn giản, không muốn suy tư những chuyện nhức đầu, chưa cần biết đến những việc còn trong ý niệm về tương lai. Hiện tại thì Lâm chỉ nghĩ đến lời khuyên của mẹ: “Con gắng học ba chữ, để sau nầy khỏi thua sút bạn bè, khỏi hối hận với những điều chưa biết, mà đáng lý ra con có thể học để biết”.

***

Cuộc sống đầm ấm của gia đình Lâm thật hồn nhiên như cây cỏ, gần như không vướng bận những nét sầu. Cứ thản nhiên trôi đi như những áng mây trắng bay thong dong trên bầu trời xanh.

Cha Lâm thì ít nói, chỉ biết ngày ngày ra đồng cày cấy, mong sao cho mùa gặt hái mau về, để cho gia đình khỏi thiếu thốn. Khi nào mưa thuận gió hòa, được mùa lúa gạo đầy sân, sắn khoai cao đống thì thể hiện trên khuôn mặt ông niềm vui rất lớn. Ông chỉ có niềm vui sướng khi thấy những thành quả ấy mà thôi. Ngoài ra không có ước mơ gì cao vời, nên đời sống của ông rất giản dị và bao dung.

Còn mẹ Lâm thì vời vợi yêu thương, đã dành cho chồng con một nguồn hạnh phúc chan chứa, một tình mẹ nồng nàn đã nhiều lần bà dìu bước con trẻ từ mới chập chửng vào đời; đến những bước vững chải, nên lòng luôn dõi theo dò đường cho con khỏi vấp ngã.

Chợt một hôm chiến tranh lan tràn và tàn phá một vùng quê nơi Lâm đã sinh ra và lớn lên trong cuộc sống tuy không mấy sung túc, nhưng đã cho gia đình Lâm những tháng ngày bình yên và sau nầy đã trở thành những kỷ niệm đáng nhớ. Tuy thời ấy chưa đến tuổi trưởng thành, nên những cảm giác về nơi chốn thân yêu ấy, cũng chỉ mơ hồ, lãng đãng ẩn hiện trong tâm hồn ngây thơ và hồn nhiên của Lâm. Cho đến một đêm định mạng đã cướp đi tất cả những gì mến yêu nhất của đời chàng với nỗi niềm tiếc nuối khôn khuây.

Lâm chỉ nhớ mang máng là một đêm, dân làng đang sống trong yên vui hạnh phúc, chợt đâu xuất hiện rất nhiều người xa lạ, người nào cũng có súng ống trên tay, ăn mặc lạ lùng đi vào làng với mấy người hướng dẫn. Họ chia nhau vào từng nhà, rồi sau đó đào hầm trú ẩn. Họ liên lạc với nhau bằng ám hiệu, như những người bí mật. Họ giữ dân làng lại nhà nào ở nhà đó, không được đi đâu và canh phòng cẩn mật. Lâm thấy cha mẹ mình lo lắng gần như nỗi sợ hải đã hiện lên khuôn mặt. Lâm chưa hiểu chuyện gì đang và sắp xẩy ra, nhưng thấy tâm trạng bất an của cha mẹ khiến Lâm cũng lo lắng.

Đêm vẫn âm thầm buông xuống một màu đen tối, phủ trùm lên cảnh vật và thân phận của bao người đang băn khoăn, sợ sệt. Chưa ai đoán biết việc gì sẽ xẩy ra, nhìn ra ngoài vườn thấy những bóng người đang âm thầm di chuyển, lúc ẩn lúc hiện như những bóng ma. Dân làng sống trong nỗi lo âu đến cùng cực, họ cũng tìm những chổ thuận tiện để khi hữu sự có thể ẩn núp. Chỉ mới một đêm thôi mà ai nấy cũng đều phờ phạc không phải vì thức đêm, mà vì sống trong một nỗi chờ đợi không lối thoát. Cứ chập chờn ẩn hiện sự di động của những người xa lạ kia, càng lúc càng thấy nỗi âu lo đậm nét.

Trời vừa hừng sáng, thì Lâm đã nghe tiếng súng từ nhiều phía. Mới đầu còn lẻ tẻ, càng sáng thì càng liên tục vang rền. Tiếp theo là ngoài cánh đồng đã thấy xe thiết giáp chạy dần đến làng, rồi máy bay yểm trợ dội bom. Với một ngày quần thảo giữa đôi bên, vẫn không phân thắng bại. Vì những người lạ mặt ở trong làng họ đã đào nhiều hầm trú ẩn dọc theo bờ đê có rặng tre bao bọc quanh làng, họ có súng chống xe thiết giáp, nên đã cản bước tiến của bên ngoài rất hữu hiệu.

Máy bay dội bom, thêm những trọng pháo bắn vào hàng tre bao bọc xung quanh làng đều bị gảy ngang và oằn xuống. Phía trong làng thì nhiều đám cháy đang còn âm ỷ bốc khói, cây cối xiêu vẹo, xơ xác gần như tan nát, tiêu điều.

Nhưng những đợt tiến công từ ngoài vào đều bị dừng lại, vì sau khi dứt sự yểm trợ của máy bay và hỏa pháo, thì những người nấp dưới rặng tre trồi lên chống trả. Họ cầm cự suốt một ngày hôm ấy, đến tối mới mở đường di chuyển để trốn thoát. Những người còn sống sót, lúc nửa đêm họ tập trung lại và di chuyển theo hướng lên rừng. Trước khi trốn thoát, họ cũng đã đào hố để chôn cất vội vã những người chết, súng ống mà họ không thể mang theo hết được.

Sau nầy Lâm nghe những người lớn kể lại đó là bộ đội Việt cộng từ ngoài miền Bắc xâm nhập vào, rồi bị quân đội miền Nam bao vây nơi làng nầy. Và cũng từ đêm kinh hoàng ấy, gia đình Lâm không còn lại gì nữa ngoài một bộ áo quần mặc trên người. Nhà cửa cháy thành tro, làng xóm không còn an ninh để tiếp tục sinh sống. Nên gia đình Lâm phải theo dòng sóng của người đi lánh nạn. Bước đầu đến nơi chốn tập trung, sống tạm dưới những tấm lều vải. Sau một thời gian ngắn, thì chính quyền miền Nam thông qua Quốc Vụ Khanh đặc trách di dân, trưng dụng những chuyến máy bay quân sự, chuyên chở đồng bào chạy loạn vào miền Nam.

Bấy giờ các tỉnh Long Khánh, Bà Rịa Vũng Tàu đang nhộn nhịp tiếp đón dòng người tỵ nạn ấy vào nhập cư. Tuy đến đây là nơi an toàn có thể bảo vệ cho làn sống di cư nầy, nhưng những ngày đầu họ cũng vẫn có cảm giác bất an, cảnh kinh hoàng mà ai nấy đều trải qua.

Cũng như mọi người gia đình Lâm được trợ cấp một số thực phẩm và vật liệu để dựng lên một mái nhà. Lâm phụ giúp cha mẹ dựng lên một mái nhà che mưa đỡ nắng, và canh tác khu đất xung quanh nhà để trồng trọt. Vài năm sau cuộc sống gia đình đã có nơi ăn chốn ở, có một mái nhà để dung thân. Tuy còn phải vất vã nhiều lắm để có một cuộc sống thăng bằng lại từ vật chất đến tinh thần. Tuy vậy, nhưng cha mẹ của Lâm cũng cảm thấy bây giờ đã đem đến cho gia đình một nguồn sống an vui. Vì vùng đất nầy rất yên ổn, tuy đã xa bà con láng giếng, nhưng bù lại không còn lo lắng đến những cảnh chiến tranh như lúc còn ở ngoài quê, đêm đêm bị pháo kích phải xuống hầm trú ẩn để nấp không biết đến bao giờ mới ngưng, và cứ thế tạo nên một cảnh bất an triền miên.

Bây giờ, cuộc sống cũng tạm ổn định, nhưng thấy cha mẹ không vui, vì chưa hợp với phong thổ, không quen biết ai để thỉnh thoảng tâm sự với nhau. Lâm cũng cảm thấy bùi ngùi nhưng không biết lấy gì để an ủi mẹ cha. 

Và rồi vài năm sau nữa, thì Lâm lại đến tuổi nghĩa vụ quân sự. Vào trung tâm nhập ngủ, qua mấy tháng quân trường, Lâm được thuyên chuyển về phục vụ một đơn vị gần nhà và địa phương nơi đây khá yên ổn, nên Lâm về thăm nhà luôn, hầu như hàng tháng. Tiền lương của lính tuy không bao nhiêu, nhưng Lâm tiết kiện dành dụm mang về cho mẹ để phụ giúp thêm kinh tế gia đình, cuộc sống bây giờ xem như đã ổn định. Không còn thấy nét lo âu trên khuôn mặt cha mẹ nữa, nên Lâm cũng cảm thấy yên tâm.

Gặp vận may mà gia đình Lâm thoát khỏi vùng chiến tranh tàn khốc, để bây giờ được an cư và Lâm có thêm một niềm tự hào là mình cũng đã có cơ hội đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tình đồng đội dần quen đã đem đến cho Lâm nguồn an ủi lúc xa nhà. Lâm tự nhủ biết đâu trong hoàn cảnh lưu lạc nầy, đã cho mình một cuộc sống đầy ý nghĩa hơn. Biết đâu bây giờ còn sống ở ngoài quê, rồi đến tuổi nghĩa vụ quân sự thì cũng phải đi xa, nhưng có thể đi xa hơn bây giờ nữa là khác. Lâm cảm thấy thỏa mãn với những gì đang có, và thầm cảm tạ ơn trên đã ban cho gia đình Lâm một cuộc sống tốt đẹp như hiện tại.

Lúc nầy thì Lâm đã thực sự vững chải rồi, đời lính cũng đã dạy cho Lâm thêm những kinh nghiệm sống, cùng với những cảm xúc về đời sống tình cảm. Sự trưởng thành nầy là hoài vọng mà cha mẹ chàng luôn luôn ôm ấp, nhất là mẹ chàng đang dấu kín niềm vui, sau khi thấy sự báo hiệu hiện tượng tớt đẹp đang đến với Lâm. Nhưng vào nơi đây, hoàn cảnh xa lạ cũng như chưa có cơ hội để tìm kiếm ý trung nhân, mặc dù Lâm cũng đã gần đến tuổi “chi lập” rồi mà vẫn còn long bong.

Những lúc Lâm về nhà, mẹ thường chuyện trò với anh ta để đo lường sự trưởng thành của con. Có lần chợt dưng mẹ hỏi Lâm: Con còn nhớ con Lan không? Câu hỏi bất chợt khiến Lâm không che dấu được tâm sự của mình, nên trở thành vụng về và ngớ ngẫn. Mẹ đã thấy trọn vẹn cử chỉ đáng yêu của Lâm khi vô tình thú thực với mẹ tất cả những gì đã dấu kín trong lòng, khiến mẹ mỉm cười và cảm thấy lòng rộn lên một niềm vui. Như trước đây, thỉnh thoảng mẹ cũng đã trắc nghiệm tình cảm của Lâm có ghi lại một chút kỷ niệm tuổi thơ nào không, nhưng lần nào thì bà cũng thấy thất vọng!

Bây giờ thì Lâm đã thú thật với những cảm giác xao xuyến mỗi lần nhắc lại kỷ niệm tuổi thơ của mình. Và tình cảm đối với Lan cũng đã bắt nguồn trong xa vắng, niềm nhớ nhung về một người bạn học ngày xưa, tuy chưa có một dấu ấn nào rõ rệt, để xác định đó là tình yêu đôi lứa.

Nên đã mấy lần Lâm đánh bạo viết thư về thăm Lan, nhưng không biết phải viết gì. Cũng như thời điểm nầy đường về miền Trung hay bị đặt mìn, khủng bố những đoạn đường mất an ninh, nên thư từ không thể gởi về được. Thế rồi tin tức mỗi xa dần và đi vào quên lãng.

***

Thế rồi cuộc sống đầm ấm hạnh phúc, tuy như tạm thời ấy cũng không còn dừng lại với gia đình Lâm, với tất cả mọi người ở miền Nam. Mà giao động trở lại khốc liệt hơn, một cuộc chiến kết thúc vào ngày 30.4.75. Người người chạy đi tìm đường sống, lính tráng thì rã ngủ tan hàng. Cảnh hổn loạn kéo dài mấy tuần lễ, khiến cho nỗi lo âu của mọi người dần dần trở nên nghẻn lối. Không biết chọn lựa gì đây, đành để cho cuộc đời chảy trôi theo dòng định mệnh. Gia đình Lâm ở cách thủ đô Sài gòn non trăm cây số, thế mà cảnh khủng hoảng còn lan đến. Mấy tuần trước thì dòng người từ cao nguyên đổ xuống, bây giờ đến thành phố tan tác chạy về.

Tình trạng gia đình Lâm cũng không thoát khỏi định luật ấy, ba mẹ của Lâm thì rút vào trong nhà, chờ đợi con trở về. Và mấy ngày hôm sau thì Lâm đã trở về thật, mẹ con ôm nhau mà nước mắt dàn dụa…

Tiếp theo mấy tuần sau nữa tình hình ổn định trở lại, thì người ta lại đua nhau chạy trốn ngã khác. Người có tiền của thì tồ chức các cuộc vượt biên, người nghèo khó thì lại trở về quê quán để sinh sống.

Mấy tỉnh nơi đây phần lớn là người di cư từ miền Bắc vào năm 1954, nên họ đã có nhiều kinh nghiệm với cộng sản, họ đã tìm đủ mọi cách để xa lánh với chế độ đang đến, mà họ biết chắc chắn là không bao giờ có tương lai khi ở lại.

Trong cảnh chạy loạn ấy, lại một lần nữa khiến cho ba mẹ của Lâm vô cùng lo âu. Mặc dù đã trải qua bao cảnh hải hùng như vậy, nhưng lần nầy ai nấy cũng đều tuyệt vọng.

Trước tình thế như vậy, gia đình Lâm bàn luận với nhau những điểm lợi hại, hơn kém của việc ở lại hay trở về. Mẹ của Lâm thì cho rằng tuy nơi đây cũng dễ sinh sống, nhưng suy lại cho cùng thì không nơi nào bằng quê hương chúng ta hết cả. Ở đây cũng cày cuốc, sản xuất ra của cải để tiêu dùng; về ngoài quê cũng phải làm lụng để kiếm cái ăn cái mặc. Nhưng về ngoài mình thì còn có bà con làng xóm, để hôm sớm có nhau. Còn nơi đây thì tứ cố vô thân biết ly ai nương tựa.

Lâm đồng ý với mẹ và cũng còn thêm niềm hoài vọng bấy lâu nay ôm ấp trong lòng, tuy Lâm không bao giờ thố lộ cho ai biết cả, nhưng hy vọng thì vẫn luôn dấu kín trong nỗi chờ.

Còn ba thì khi nghe mẹ Lâm giải thích hợp lý như vậy, ông không thêm ý kiến gì nữa. Nhưng ông cũng yêu cầu là nên ở lại một thời gian ít nhất là một năm, để giải quyết tất cả những hoa màu đã trồng trọt. Bán hết tất cả những gì đã tạo dựng mấy năm nay, để khi về chỉ mỗi người xách một xách tay quần áo mà thôi.

Trước khi trở về, Lâm không quên viết thư báo tin cho Lan biết và hứa hẹn sẽ dành nhiều sự ngạc nhiên, cũng như ngầm bảo người đầu tiên sẽ đến thăm chính là nàng. Lâm cũng chỉ viết vỏn vẹn vài hàng vậy thôi, chứ chưa biết tình trạng như thế nào vã lại giữa hai người chưa có điều gì hẹn ước.

***

Lan nhìn ra đầu ngõ, thấy bóng dáng Lâm đang đi đến mà nghe lòng xao xuyến lạ. Cái cảm giác mà Lan không biết nên vui hay buồn, nên đón chờ hay chạy trốn? Vì biết rằng hiện tại nàng đã lỡ làng, không còn gì nữa để đợi chờ! Bao nhiêu nỗi niềm chợt đến khiến cho Lan có cảm tưởng như đây là một tai nạn sắp sửa giáng xuống cho đời nàng, cho cuộc đời hẩm hiu mà nàng đã trải qua và gánh chịu.

Như không bao giờ nghĩ đến ngày còn có thể gặp lại người bạn xưa, tuy chưa có lời ước hẹn nhưng hình như trong lòng của hai người đã ngầm trao nhau những lời hẹn biển thề non. Vì hoàn cảnh trớ trêu phải đôi ngã phân ly, cho nên chưa bao giờ có thể nghĩ đến sẽ có một cuộc trùng phùng như thế nầy.

Tháng trước, Lan nhận được thư của Lâm cho biết ngày nầy sẽ về thăm. Vỏn vẹn mấy lời ngắn ngủi nhưng cũng đã khiến cho Lan thêm dài chờ mong hình bóng của một người bạn mà gần như đã mất hút trong tâm mình sau những tháng ngày chia xa. Tuy chưa có một chút gì để ràng buộc, để đợi chờ…, chưa có một lời giao ước, nên cũng không có trách nhiệm tinh thần, cần phải đáp ứng cho phải đạo. Suy nghĩ của Lan không phải là không có lý, vì khi chia tay Lâm không để lại lời hứa hẹn nào, ngoài lời từ giả thường tình.

Nhưng dù sao thì Lan vẫn cố gắng tạo ra vẻ thản nhiên đón Lâm như một sự bình thường, sau khi đã dấu kín tất cả những nỗi niềm vào trong ngăn kéo ký ức, để cho ngày về của Lâm không đến nỗi quá bẽ bàng. Lan cố gắng trang điểm cho ngày trở về của Lâm còn mang một ý nghĩa hồi sinh. Để cho Lâm được tìm lại một quảng đời dĩ vãng, dù chỉ những mảnh vụn còn sót lại trong ký ức nhạt mờ.

Lan đã mường tượng được những hoài vọng của Lâm khi nàng nhận được thư Lâm cho biết chàng sẽ trở về. Lan đã hết sức cố gắng để cất lên tiếng chào.

- Anh Lâm mới về? Sao dì và ba của anh có khỏe không? Đi đường có mệt lắng không?

- Ừ, thì từ từ từng câu hỏi, chứ dồn dập như rứa thì mần răng trả lời cho kịp?

- Tại mần răng bây chừ gia đình anh mới về?

- Vì gia đình anh phải thanh toán hết tất cả những gì đã tạo dựng nên, đem đi bán hết mới trở về được.

- Vào trong ấy anh Lâm có được những gì mới mẻ không?

-  Chẳng được gì hết, vì vào đó nơi chốn đất lạ quê người…

- Và bây giờ anh lại trở về với làng quê nầy với hai bàn tay trắng?

- Đúng thế, vì anh nghĩ không nơi nào có thể cho mình nguồn mến yêu, như nơi vùng quê mà mình đã lớn lên với biết bao nhiêu điều…

- Vậy mà em cứ tưởng anh đã quên đi tất cả! Vì vào trong ấy gặp nhiều điều mới lạ, và cũng đã gặp…

- Chuyện đời thường là vậy, sao với anh thì lại cứ long đong.

- Nhưng tại sao em là người đầu tiên được anh đến thăm?

 - Vì em đã nói câu chờ…

 - Răng chừ rứa?

 - Từ ngày anh bước chân đi… đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi. Em nói rằng em sẽ đợi tôi…

 - Ơ… nói hay chưa! Đó chỉ là câu hát.

 - Nhưng sao có câu hát trùng hợp vi tình cảm của chúng ta như vậy, không lẽ em đã chưa bao giờ nghĩ đến nội dung của câu hát chăng? Em biết không câu hát ấy đã một lần thoát đi từ một người, và đã đậu lại trong lòng anh lâu. Đến nổi anh cứ tưởng như đây là một lời thề nguyền, như một bằng chứng hy vọng, để ưc mơ, đ đợi chờ …

Nghe Lâm nói một thôi, như một chuổi trách móc vu vơ. Như muốn níu kéo những lý do để biện minh cho thời gian chia xa. Vì ngày xưa, Lan cũng đã chờ đợi câu nói ấy, nhưng chưa bao giơ được nghe Lâm nói đến.

- Xin lỗi anh, hồi ấy em không định hát câu ca mong chờ, vì anh đã không ngỏ ý… À mà răng bửa ni nghe anh ăn nói lưu loát như rứa, mà ngày xưa thì luôn câm cái miệng hến lại, như không muốn chia xẻ với ai một điều chi cả.

- Lâm nghe Lan nhận xét cái “anh chàng Lâm” của ngày xưa, thì đâm ra thẹn thùng và nghĩ rằng câu hỏi ấy như ngầm trách móc những ngày rất xa, đến bây giờ mới hiểu ra, đến bây giờ mới nghe đến. Khi Lâm biết tình cảm mà Lan đã dành cho Lâm chỉ đơn sơ nhưng là một trời thăm thẳm dấu kín trong lòng, nên Lâm phân trần:

- Thì ngày xưa anh đâu có ngờ rằng, sẽ có ngày chúng ta phải đổi ngã, nên khi nghe em đã nói thì anh không còn thắc mắc gì nữa, chỉ biết ghi lòng…

- Xin lổi anh, vì lúc đó em không biết nói gì, đành phải nhâm nhi câu hát, mà lòng em không dám ước hẹn. Vì hình như anh không một mảy may muốn chạm đến cỏi lòng em đang chơi vơi, đang chờ đợi một người mà em hằng ôm ấp trong lòng. Để em được bám víu, được che chở và hy vọng được sống trong khung cảnh yêu thương.

- Anh cũng xin lỗi em vì thuở ấy thấy cuộc đời đang còn đong đưa như giọt nắng, chưa biết tương lai sẽ như thế nào. Vã lại chuyện đời anh cũng chưa biết gì nhiều, nên đâu dám đón ngõ đưa đường, hay buông lời hẹn ước…

- Lan cúi xuống như dấu một nỗi niềm. Ngày ấy tuy đã xa rồi, nhưng trong lòng vẫn còn ghi nh nhng điu… 

***

Câu chuyện giữa hai người chợt dừng lại khi thấy đứa bé gái từ ngoài ngõ chạy vào gọi mẹ. Lâm hết đổi ngạc nhiên, như tất cả những ý tưởng đang khựng lại, những nỗi ước mơ thầm kín bấy lâu nay đang tan vỡ thành từng mảnh vụn. Như áng mây mù đang phủ xuống giăng kín niềm hy vọng mà Lâm đã ôm ấp, đang nâng niu, trong khi Lan vẫn điềm nhiên nói với con bé rằng: Con hảy đến chào cậu Lâm đi con, và nàng giới thiệu đây là con của em, rồi bắt đầu tiếp tục kể chuyện:

- Ngày anh đi rồi, thì non tháng sau mẹ em ngả bệnh, trong nhà chỉ một mình em đơn chiếc, thật bối rối không biết phải tính sao, thì anh Hậu xuất hiện. Chắc anh còn nhớ anh Hậu? Anh ấy ở làng trên, cùng học chung với chúng ta một thời. Anh ấy đến thăm và có ý muốn giúp đỡ đưa mẹ em đi bệnh viện. Trong tình cảnh như vậy nên em đành phải nhờ vã anh ấy, cầu mong mẹ qua cơn nguy biến. May nhờ anh Hậu mà mẹ em được bình phục sau một thời gian ngắn.

Đâu ngờ mấy tháng sau, anh ấy đưa mẹ đến thăm gia đình em với ý định cầu hôn (“có lẽ anh ta đã âm mưu từ lâu rồi mà em không biết đến”). Em chưa chuẩn bị tinh thần và không biết phải quyết định như thế nào, vì em nghĩ tình cảm không bao giờ lẫn lộn với những chuyện ân nghĩa mà người đời giăng ra như một thứ cạm bẩy.

Nhưng nhìn đôi mắt cầu khẩn của mẹ, nhớ lại sự nhiệt tình của anh Hậu đã giúp mẹ qua khỏi cơn trọng bệnh, mà em thấy nao lòng… Cuối cùng đành chấp nhận một cuộc tình mà em chưa có cơ hội để dọn đường cho lòng mình gặp gỡ. Em vẫn chưa cảm thấy một chút xao xuyến nào, mỗi lần anh ấy đến nhà thăm em. Hình như em chưa có dịp để ghi dấu hình bóng và tình cảm của anh Hậu vào trong tìm mình, nên em chưa có một cảm nhận thương yêu, của một người con gái trước ngưỡng cửa hôn nhân. Không biết Hậu có cảm thấy không, nhưng thâm tâm em vẫn cứ mãi cắn rứt một điều là cho đến ngày bước chân về nhà chồng rồi mà lòng em vẫn dửng dưng. Không có một cảm giác trao truyền, chia sẻ niềm hạnh phúc đến với anh ấy. Hay nói một cách khác là em chấp nhận cuộc hôn nhân nầy là để đền đáp công ơn của anh Hậu đã giúp đỡ gia đình em bước qua cơn hoạn nạn. Chứ em chưa chuẩn bị một tình cảm, một chút gì có thể khả dĩ làm hành trang cho người con gái trước khi về nhà chồng.

Chúng em làm đám cưới đơn sơ vì thời buổi chiến tranh, người người ly tán, gia đình khốn khó. Nhưng cũng chỉ được một năm, thì anh Hậu phải lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Và cũng không may cho chồng em vắn số. Không đầy một năm sau nữa thì được tin anh ấy hy sinh trên chiến địa Hạ Lào. Hoàn cảnh gia đình em thì mẹ em trở bệnh, đau rề rề hoài và năm sau bà cũng qua đời. Và từ đó em sống với con bé như nguồn an ủi duy nhất của em.

Bây giờ em mới cảm thấy ân hận, là sao em không giao trọn vẹn trái tim của em cho anh Hậu cất giữ, để bây giờ anh ấy ra đi còn có hành trang để đắp ấm, còn có kỷ niệm để nâng niu. Nghĩ lại thật tội nghiệp cho chồng em, một người con trai chân thành, nhiệt tình, và đã dành cho em trọn vẹn với tất cả tình yêu thương mà anh ấy có. 

Lâm ngồi nghe Lan kể lại chuổi đời của mình mà ngỡ tưởng như đang sống trong cõi mộng nào. Nghe lòng đang nhói lên một nỗi niềm đắng cay như không còn hoàn cảnh nào có thể hơn thế nữa. Lâm cảm thấy tội nghiệp cho Lan vô cùng, nỗi cùng khổ mà Lan đã chịu đựng gần mười năm nay, không có ai san sẻ, không có ai ủi an, không có ai đền bù chỉ một mình thu vào ngõ hẹp, nuốt trọn vào lòng những đắng cay cùng cực, những tiếc thương mất mát, một nỗi đời tàn phai khiến cho tâm hồn nàng trở thành chai đá.

Trong phút giây như thấp thoáng hư thực lẫn lộn, buồn tủi dâng cao lên tột đỉnh mây trời. Lâm cảm thấy thương Lan vô cùng, thứ tình yêu như gừng cay, muối mặn đã chín chắn, đã sàng lọc ra ngoài những bóng dáng của thị phi, những so đo hơn thiệt. Tình cảm mà Lâm dành cho Lan đã vượt lên trên tất cả những tính toán của đời thường, được gom lại từ những kỷ niệm ngày xưa, nó vọng lại những lời thầm chưa nói, nó chất chứa những nỗi nhớ chia xa, nó hân hoan với phút giây đoàn tụ…, những thứ ấy hợp lại đã ươm mầm cho cành hoa yêu thương chớm nở.

Lâm muốn nói với Lan lời an ủi, mong san sẻ bớt những buồn đau mà nàng đã gánh chịu. Nhưng không biết mở lời như thế nào. Nên lặng lẽ để cho thời khắc dâng lên một nguồn thương cảm ngập lòng. Nghe đòi đoạn cho tình đời mà thầm trách con tạo khéo đa đoan. Và tôn trọng giây phút đang trộn lẫn giữa thương đau và hạnh phúc đang hiện diện cùng một lúc với hai tâm hồn đã từng chung nhau khốn khó, đang hồi sinh trở lại trên mảnh đất quê hương của một thời chứa chan kỷ niệm.

Chợt Lâm cầm tay Lan như mong muốn truyền qua một cảm giác chia xẻ, san sớt những nỗi buồn của phận người, những hệ lụy đa mang, những khổ đau chồng chất lên đến ngợp người mà một mình Lan gánh chịu.

Lan để yên bàn tay trong tay Lâm như thầm cám ơn và cúi xuống để cho hai dòng lệ tự do tuôn trào. Lan nghe lòng mình như ấm lại, tươi mát như cây cỏ sau cơn mưa đã gội sạch.

Nàng chợt nhớ đến một cuốn sách mà mình đã đọc lúc trước, một nhà văn nào đó đã viết: “Những lúc nào mà bạn cảm thấy như đang rơi vào tình trạng khốn khổ nhất, đau thương nhất thì bạn hảy khóc lên, vì khi khóc nước mắt sẽ rửa sạch hết tất cả những bụi bặm đang bám trong hồn bạn, khiến cho bạn dịu bớt cơn đau”.

Lan được an ủi bởi những giọt nước nhiệm mầu kia đang rơi xuống, đang xoa dịu dần những vết thương đau, những nỗi buồn thân phận hẩm hiu của đời nàng. Khiến cho cõi lòng dâng lên một nguồn cảm vui sướng, tưởng như đang chìm đắm trong biển hạnh phúc vô biên.

Ngoài kia cánh đồng trải dài, gió xuân đang nhẹ lướt trên tóc lúa xanh non, dưới làn mưa xuân phơi phới mà tưởng chừng như mái tóc con gái đang trải xuống nguồn mến yêu khiến cho mối cảm hoài cũng lắng xuống, nhẹ nhàng như được trút hết bao phiền muộn, vơi đi những lo lắng của tháng ngày chia xa.

Chàng nhủ thm với mình là nên cám ơn đời, dù sao thì hình như tất cả vẫn còn. Lan vẫn còn mặn mà duyên dáng, đằm thắm dịu dàng như ngày nào.

Lâm mơ hồ như đang hình dung lại những ngày nào, thấy bóng dáng của Lan từ rất xa đang hiện đến, với đầy đủ nét duyên dáng mà ngày xưa mẹ mình đã nhận xét: … “khuôn mặt bánh đúc, nước da bánh mật…” người con gái có cái duyên thầm ấy, đã một thời chiếm trọn cảm tình của mẹ, và bây giờ đã giúp cho chàng tìm lại nguồn cảm yêu thương, nên thấy đời không còn cô độc như tháng năm mong chờ…

 

Trần Đan Hà
Reutlingen

 

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.