.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Huệ Trân

Are you sure?

Kính tặng các sư cô Xóm Mới.

  • PSN - 31.10.2008 | Hạnh Chi

Tựa bài ngắn ngủi bằng Anh-ngữ này, có thể ai cũng đã từng nói qua vì nó thông dụng quá! Anh có chắc không? Chị có chắc không? Con có chắc không? Ông bà cô bác có chắc không? v.v… nhưng tôi muốn dùng Anh-ngữ vì chữ “You” có thể thay thế cho mọi chủ từ.

- Con có hiểu rõ không?

Sau khi thuyết giảng một bài pháp, Đức Thế Tôn từng hỏi ngài Anan như thế. Và ngài Anan tự tin thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu.

Chính từ câu trả lời này mà Đức Thế Tôn đã thuyết một bài pháp khác, nhắc nhở các vị tỳ kheo là phải cẩn thận khi nói “Đã hiểu. Đã rõ”. Nhiều khi, đó chỉ do ta TƯỞNG đã hiểu, đã rõ, chứ thật ra thì CHƯA hiểu, CHƯA rõ gì cả!

Một lần, ở thiền đường Hội Ngàn Sao, Xóm Hạ, Thầy nhắc về giai thoại này rồi bất chợt hỏi đại chúng:

- Are you sure?

Tất nhiên không có một tiếng trả lời nào! Và sư cô thỉnh chuông đã khéo léo, thỉnh một tiếng chuông rất đúng lúc. Âm thanh ngân dài của tiếng chuông tỉnh thức len vào tâm thức từng người để nhận diện sự bén nhậy cực kỳ nguy hiểm và tinh quái của tâm. Ta muốn gì, tâm cung cấp ngay. Nếu ta không thực tập tư duy với tâm Bồ Đề để có năng lượng đưa ta về chánh niệm thì ta dễ dàng bị tâm-vọng đánh lừa, chấp nhận ngay những gì ta tưởng là đúng, do tâm ta đang muốn như thế!

“Are you sure?” Thỉnh thoảng cẩn thận tự hỏi như thế mà tôi vẫn bị tâm đánh lừa, vì tư duy còn bị tập khí xỏ giây dẫn đi. Tôi muốn chia xẻ chút chuyện vui về việc “tôi tưởng” mà cứ nghĩ “tôi biết” này, trong thời gian tôi dự An Cư Kiết Đông ở Làng Mai. 

Ngay buổi tối đầu tiên lớ ngớ, được đạo hữu Guy Pasteur tốt bụng đưa tới Xóm Mới, là xóm ni-chúng, tôi đã biết ngay là mình phải để ý, cẩn thận quan sát lắm, chứ không thì tha hồ vất vả!Vừa từ xe, đẩy hành lý vào một phòng, anh Guy Pasteur bảo:

- Sư cô chờ đây, con đi tìm người hỏi thăm.

Một lát, anh trở ra cùng với một sư cô. Chúng tôi được dẫn vào phòng ăn, được đãi bún riêu nóng hổi và trấn an:

- Sư cô cứ dùng bữa ngon lành nhé, lát sẽ có sư cô tri-khách tới dẫn sư cô về phòng.

Quả là sau đó, một sư cô còn rất trẻ tới hỏi:

- Sư cô từ Mỹ tới phải không? Xin theo con về nhận phòng. Mà hành lý của sư cô đâu?

Hành lý? Ơ … hành lý để ở đâu? Lúc vừa tới, đi ngoằn ngoèo qua mấy hành lang tối om mới vào phòng ăn, làm sao biết cái phòng để tạm hành lý là phòng nào??? Nhìn bộ mặt ngớ ngẩn của tôi, sư cô tri-khách bật cười, nói:

- Con biết rồi, thôi, để con đi lấy, sư cô cứ chờ ở đây.

Đúng là sư cô tri-khách có khác. Khách để hành lý của khách ở đâu, khách không biết mà sư cô lại biết! Tôi vừa phục lăn, vừa cười thầm khi theo sư cô tri khách, đi nhận phòng.

Đó là bài học đầu tiên, đi có một đoạn ngắn, tưởng biết, hóa ra chưa biết!

Những ngày kế tiếp đó thì tha hồ mà “tưởng” với “chưa”.

Những hành lang dẫn tới các phòng đều nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, lại có thể tới bằng nhiều lối khác nhau, cứ như xóm Bàn Cờ ở đường Phan đình Phùng hồi xưa! Tôi cố nhớ, chỉ đi bằng một đường để tránh cái cảnh phải chặn một sư cô mà hỏi: “Sư cô ơi, về phòng con, đi lối nào?” Nghe hỏi thế, chắc tức cười lắm! Nhưng may thay, việc này giải quyết hai ngày là xong. Việc nhận diện, nhớ tên các sư cô và biết nội dung công việc của đội mình cùng giờ giấc, địa điểm các buổi học ở đâu, thế nào? mới là việc “trần ai”!

Mỗi đội chỉ có sáu người nên nếu tôi dốc toàn lực vào việc nhớ mặt, nhớ tên đồng đội thì cũng có thể nhớ được. Nhưng khốn nỗi, có phải sinh hoạt chỉ co cụm trong đội đâu! có việc phải hỏi sư cô này, có việc lại phải tìm sư cô kia. Chẳng hạn, được phái đi vào kho dự trữ thực phẩm lấy cái gì mà thứ đó hết, hoặc tìm không ra thì “Hỏi cô Tư”. Trời ơi, biết cô Ba, cô Tư là ai mà hỏi! Nhưng nghe tên “Cô Tư” thì tôi tin chắc cô này là cư sỹ, chứ không phải giới xuất gia, bèn cứ tìm nhóm cư sỹ mà hỏi. Chẳng ai biết cô Tư là ai! May quá, có một sư cô đi ngang, nghe tôi hỏi, bèn chỉ:

- Kia, cô đang đứng trong bếp gọt khoai là cô Tư đó!

Tôi nhìn vào bếp thì thấy người đang gọt khoai là một sư cô gương mặt tròn trịa phúc hậu, nhưng sao lại gọi tên ngoài đời là cô Tư?

Sau này tôi mới biết đó là sư cô Chân Tư Nghiêm. Các sư cô thường chỉ gọi nhau bằng chữ giữa của pháp danh, chẳng hạn, sư cô Chân Cát Nghiêm là cô Cát, Chân Sùng Nghiêm là cô Sùng, Chân Nhẫn Nghiêm là cô Nhẫn ….. À, ra thế. Nếu chỉ thế này thì tôi có thể tự tin trả lời câu hỏi “Are you sure?”“Yes, I do”. Nhưng mà đâu có giản dị vậy, vì có những sư cô, có lẽ không ở trong cùng một gia đình nên không đi theo mẫu tự đó. Như sư cô Thanh Ý, Thanh Vân, Hiền Hòa, Hiền Hạnh …. Mà lạ thay, các sư cô có tên đệm giống nhau thì dáng dấp lại từa tựa nhau mới chết chứ! Như sư cô Hiền Hạnh ở đội tôi, sao lại giống sư cô Hiền Hòa ở đội khác quá! Hai tuần lễ đầu tôi cứ nhầm hai sư cô với nhau nên trước khi có việc phải hỏi một, trong hai cô thì tôi lại đến gần một cô thứ ba, thì thầm:

- Có phải sư cô Hiền Hạnh kia không?

- Ừ, đúng đó.

Thế là chắc ăn, tôi đến trước, nói một cách hùng dũng:

- Thưa sư cô Hiền Hạnh, mấy giờ thì đội mình tập trung để nấu cơm tối ạ?

Nhưng tôi đâu có ỷ lại mãi được, cũng phải để cái “bộ nhớ” đã cùn trong đầu làm việc chút chứ. Vì thế, có lần tôi quan sát, chắc chắn sư sô kia là Hiền Hòa, bèn kiểm chứng, đến thưa:

- Thưa sư cô Hiền Hòa, ngày quán niệm thứ năm này, mình lên Xóm Thượng, phải không ạ?

Sư cô mỉm cười, dịu dàng:

- Dạ phải, nhưng con không phải Hiền Hòa, con là Hiền Hạnh!

Lại tưởng mình “sure” mà “wrong again”!

Sư cô Hiền Hòa là người phụ trách việc phân công chấp tác, thường ghi lên bảng, rõ ràng ai sẽ nhận việc gì? làm ở đâu? làm với những ai? Cứ đọc trên bảng mà tuần tự chấp tác. Một lần, cái thân tứ đại của tôi nó than phiền chi đó, tôi chưa kịp trấn an nó mà sư cô Nhẫn Nghiêm đã nhận ra. Sư cô lẳng lặng pha một ly trà nóng với chanh, mật và thật nhiều gừng mang đến cho tôi và “ra lệnh”:

- Uống đi!

- Gì đây ạ?

- Thần dược đó, uống giải cảm. Mắt đỏ, mặt lờ đờ rồi kìa!

Thì ra cái thân tứ đại này khôn thật, nó tìm đủ mọi cách để biểu hiện sự bất an. Tôi cảm động nhận sự chăm sóc của cô Nhẫn Nghiêm bằng cách nâng ly thần dược, uống một mạch cạn ly trước mặt cô rồi nói một cách chắc nịch:

- Khỏe ru rồi ạ.

Sau đó, tôi ra trai đường, đọc bảng chấp tác xem công việc của mình hôm nay. Tìm mãi, không thấy tên đâu! Chẳng lẽ sư cô Hiền Hòa bỏ sót? Điều này chưa xẩy ra đâu, sư cô luôn làm việc rất cẩn thận. Tôi bèn tìm sư cô mà hỏi thì được nghe:

- Sư cô khỏi chấp tác hôm nay, về phòng nằm nghỉ đi nhé!

Ngoài người vừa pha cho mình ly thần dược, ai nói với sư cô Hiền Hòa là tứ đại mình hơi bất an, được miễn chấp tác?

Sư cô Chân Nhẫn Nghiêm ơi, trong thầm lặng mà biết bao từ ái.   

Mỗi ngày trôi qua, tôi học dần kinh nghiệm. Không nhớ nổi hết tên các sư cô mà nhớ một vài đặc điểm thì tôi đặt biệt hiệu cho các sư cô rồi từ biệt hiệu đó chuyển qua tên, có lẽ dễ hơn. Chẳng hạn, sư cô Thông Minh (nghe một lần Thầy khen sư cô nên đặt luôn tên đó) là sư cô Khiết Nghiêm rất nhỏ nhắn, xinh sắn. Mới đầu, tôi hay nhầm hai cô Khiết Nghiêm và Khuê Nghiêm với nhau vì hai cô cùng vần KH mà dáng dấp lại tương tự nhau, nhưng sư cô Khuê Nghiêm hay bị ho nên tôi đặt biệt hiệu là sư cô Húng Hắng. Hễ nghe ho thì không phải Khiết Nghiêm (may chưa có lần nào cần tìm cô Khuê Nghiêm, lại gặp đúng lúc cô Khiết Nghiêm đang ho, chứ không thì tôi lại lầm nữa).

Còn một sư cô khác, khá giống hai sư cô này mà tôi đặt biệt hiệu là sư cô Không Cười. Rất ít khi tôi thấy sư cô cười (hoặc là những lúc sư cô cười thì tôi không có đó!) Lúc nào cũng thấy sư cô làm việc, không dọn cái này thì cũng dẹp cái kia. Tôi định tâm phải tìm cách “chinh phục” được sư cô này, xem nụ cười ra sao. Một lần, sư cô đang bưng một khay tách từ nhà bếp ra bàn trà, còn tôi, vừa rửa xong rổ rau mới hái ngoài vườn, định mang vào nhà bếp. Gặp nhau giữa cửa bếp và phòng ăn, tôi cứ làm như không biết. Sư cô bước sang phải, tôi bước sang trái, đứng trước mặt sư cô; rồi sư cô bước sang trái, tôi bước sang phải. Cứ thế, người khay tách, người rổ rau, chẳng ai tiến được bước nào! Mới đầu sư cô nghĩ là cùng nhường nhau nên tình trạng cứ dùng dằng như thế, nhưng tới lần thứ ba thì sư cô nhận ra là tôi cố tình trêu ghẹo, bèn nghiêm mặt nói:

- Không rỡn à nghe!

Tôi cũng nghiêm mặt, đổi giọng Huế:

- Rỡn mô? Rỡn phải như rứa, như rứa nì!

Vừa nói, tôi vừa ôm rổ rau lấn tới, lấn tới. Và tôi thấy được nụ cười, tuy nhẹ thôi, nhưng rất đẹp. Đó là sư cô Chân Tú Nghiêm.

Lại có những sư cô, tôi không bị nhầm về dáng dấp thì lại trùng tên mới khổ chứ! Thật ra, không phải trùng chữ, mà trùng âm. Đó là hai cô Trí Nghiêm và Chí Nghiêm. Những ngày đầu, mới đến Làng, tôi rất cần mua vài thứ lặt vặt như cuốn tập, đèn pin, cục xà bông …v…v… mà các quán sách trong mỗi xóm đều có bán. Tôi hỏi thăm thì biết tên sư cô phụ trách quán sách ở Xóm Mới là sư cô Trí Nghiêm. Đã cẩn thận hỏi ai là Trí Nghiêm, tôi mới đến trước một sư cô nhỏ nhắn, thân mật thưa:

- Con cần mua vài món đồ, mấy giờ thì sư cô mở cửa shop ạ?

Sư cô đó mỉm cười:

- Cần mua đồ trong shop hả? Tìm sư cô Trí Nghiêm mà hỏi nhé!

Tôi ngẩn ra:

- Sư cô không phải là Trí Nghiêm ư?

- Con là Chí Nghiêm. Chí “Ch” chứ không phải “Tr”. Ý chí chứ không phải Trí tuệ!

Rắc rối thế này thì không dám “Sure” gì hết!

May mà trường hợp này tôi chỉ lầm một lần thôi, vì nhân dáng hai cô khác nhau, và đặc biệt, cô Chí Nghiêm có giọng hô canh rất hay, hát rất truyền cảm, theo danh từ “nhà nghề” là giọng rất “mạnh và dầy”. Tôi cứ đi theo, xin sư cô dạy hô canh mà chưa có dịp.

Suốt tuần lễ đầu, bận rộn nhớ tên, nhớ mặt các sư cô xung quanh, tôi đã quên bẵng việc định tâm thăm hỏi một sư cô mà tôi đã được người quen nói tới, trước khi tôi đến đây. Đó là sư cô Định Nghiêm. “Sư cô dễ thương và giỏi lắm, phụ trách làm trụ trì Xóm Mới mấy năm mà xin mãi mới vừa được chấp thuận cho tạm về hưu để làm điều sư cô rất thích là phiên dịch những bài pháp thoại Sư Ông thuyết bằng ngoại ngữ ra Việt văn, để có dịp sẽ in thành sách”.

Chưa gặp được sư cô Định Nghiêm nhưng ngay khi mới nhập Xóm, tôi thường được một sư cô nhân dáng dịu dàng khoan thai, nụ cười nhẹ, bao dung từ ái, mỗi lần thấy tôi lui cui làm gì đều hỏi “sư cô có mệt không?” hoặc “Tội nghiệp sư cô từ Cali qua, có chịu lạnh được không?” v…v… Những câu hỏi ân cần này chắc chắn phát xuất từ trái tim bi mẫn vì tôi cảm nhận được ngay. Có lần, cảm động quá, tôi không trả lời nổi, chỉ rưng rưng nước mắt. Thấy thế, sư cô xoa nhẹ tay trên bờ vai tôi. Chỉ thế thôi. Cả hai cùng bắt được đầy đủ tín hiệu của nhau. Không biết sư cô này ở đội nào mà tôi không thường gặp như các sư cô khác. Sư cô chỉ thấp thoáng qua lại rồi biến mất, như áng mây chợt tụ, chợt tan trên bầu trời bao la. Tôi đặt tên sư cô là Bạch Vân vì cô tinh khiết nhẹ nhàng như mây trắng. Tôi định bụng tới ngày-làm-biếng phải lò dò tìm xem sư cô Bạch Vân ở đội nào. Bây giờ hãy kiếm cô Định Nghiêm đã. A`, mà kiếm được cô Định Nghiêm thì sẽ hỏi ra cô Bạch Vân thôi, vì cô Định Nghiêm làm trụ trì Xóm Mới tới mấy năm, chỉ cần tả sơ sơ là cô sẽ biết ngay đó là ai.

Nhưng tìm cô Định Nghiêm không dễ như tôi tưởng (lại tưởng!!!). Đôi lần, tôi đã hỏi vài sư cô “Thưa, sư cô có biết sư cô Định Nghiêm đâu không ạ?” thì đều được các sư cô nhìn quanh và trả lời “Ồ, không thấy sư cô ở đây!” Tôi đành tự đi tìm bằng sự suy đoán. Với hai dữ kiện được cho biết là sư cô rất giỏi và đã làm trụ trì mấy năm thì chắc chắn (sure) sư cô phải lớn tuổi rồi. Thế là tôi cứ nhắm các sư cô lớn tuổi mà lễ phép hỏi “Thưa, sư cô có thấy sư cô Định Nghiêm đâu không ạ?” (làm như tôi đã biết cô Định Nghiêm, chỉ đi tìm vì có việc gì vậy.) Nếu câu trả lời là “Không thấy” thì sư cô đó không phải cô Định Nghiêm, mà nếu đúng là cô Định Nghiêm thì sẽ phải trả lời “Tôi đây”.

Tưởng sự suy đoán này khá “thông minh” nhưng nó vẫn chưa giúp tôi tìm ra người muốn tìm.

Đối với tôi, các sư cô ở Làng đều giỏi quá, mỗi cô mỗi lãnh vực, đều mười phân vẹn … mười một, chứ chẳng phải chỉ có mười thôi đâu. Sư Ông giảng pháp khi thì tiếng Việt, khi lại tiếng Anh, tiếng Pháp. Các vị giáo thọ cũng thế. Bất cứ giảng sư dùng ngôn ngữ nào thì hai ngôn ngữ kia sẽ được trực tiếp thông dịch ngay trên hệ thống micro-phone để toàn đại chúng đều cùng dự thính. Một lần, Sư Ông giảng tiếng Việt, tôi tình cờ ngồi ngay kế sư cô Bạch Vân. Khi sư ông bắt đầu giảng thì sư cô cũng bắt đầu nối giây, gắn máy; và tiếng Sư Ông vừa cất lên cũng là tiếp ngay tiếng sư cô thông dịch sang tiếng Pháp. Gương mặt sư cô rất thanh thản, tự tại, Sư Ông nói tới đâu sư cô dịch tới đó, nhẹ nhàng, trôi chảy như nói tiếng Việt! Tôi sửng sốt, bàng hoàng, không ngờ sau nhân dáng điềm đạm, từ bi, cô Bạch Vân còn giỏi thế!

Chưa hết, sau khi buổi pháp thoại chấm dứt, tôi loay hoay định bầy tỏ lòng ngưỡng mộ với cô Bạch Vân, nhân thể hỏi cô ở đội nào, pháp danh gì, để tôi khỏi gọi cô bằng biệt hiệu do tôi đặt, thì một sư cô đến trước cô, chắp tay búp sen:              

- Thưa sư-chị Định Nghiêm, có khách ở Bordeaux tới, xin gặp sư-chị lúc 5 giờ ở văn phòng ạ.

Trời ơi! Tôi tưởng như đôi mắt mình chưa bao giờ có thể mở lớn hơn! Đây chính là cô Định Nghiêm, cũng là cô Bạch Vân, là người tôi âm thầm đi tìm từ hai tuần lễ nay. Cô trẻ đẹp, nhu hòa, vui vẻ mà tôi lại cứ nhắm vị lớn tuổi, nghiêm nghị, lạnh lùng (theo sự suy đoán sai bét của mình) thì làm sao gặp được!

Mọi người lục tục đứng lên mà tôi vẫn quỳ trên bồ đoàn, trân trối nhìn sư cô Định Nghiêm, không thể tìm nổi lời nào để thưa với cô về hạnh phúc tràn bờ đang tuôn chảy rạt rào trong trái tim tôi …  

Tôi biết, có viết bao nhiêu cũng không thể cạn vì hạnh phúc này đã là giòng sông trôi ra biển lớn, hòa vào vị mặn của đại dương thành đạo vị của Giải Thoát, Giác Ngộ.

           

Hạnh Chi  
(Độc-Cư-Am, cuối thu 2008, nhớ về mùa An Cư Kiết Đông năm trước)           

 


 

DIỆU TRÂN

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
BỞI NHÀ XUẤT BẢN GIÓ ĐÔNG


Vô Tự Thị Chân Kinh


Đường thiên lý
A thousand-mile road
Une route interminable
 


Tâm Hương Tải Đạo

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.