Sức mạnh của lòng từ bi

Đại-đế Nã-Phá-Luân của nước Pháp, người từng làm rung chuyển đất
trời, sụp đổ lâu đài, thành quách mỗi khi đoàn chiến mã của ông băng
qua, nhưng ở lúc cuối đời, đã để lại câu nói:
“Có hai sức mạnh trên thế giới.
Đó là sức mạnh của thanh gươm và sức mạnh của tấm lòng. Nhưng chung
cuộc, bao giờ tấm lòng cũng đánh bại thanh gươm.”
Hai hình ảnh tương phản đó, là sự hủy diệt và hàn gắn, sự tàn ác và
lòng từ-bi. Sức mạnh của tấm lòng chính là lòng từ-bi. Với sức mạnh
này, thanh gươm sẽ bị tấm lòng bẻ gẫy!
Nhân gian đời-thường, sau bao kinh nghiệm chìm nổi, thịnh suy, cuối
cùng cũng phải nhận rằng, những gì tưởng là tột đỉnh của lẽ sống,
thực ra chỉ là vô thường mà những vết thương trầm thống đó, chỉ có
lòng từ bi mới chuyển hóa và trị liệu được.
Lòng từ bi theo lời Phật dạy, chẳng phải chỉ đối với người sống mà
còn với kẻ chết. Những oan hồn uổng tử vất vưởng ba nẻo sáu đường
biết trông cậy vào đâu để mong giải thoát và tìm đường tái sinh kiếp
khác! Nhờ lòng hiếu thảo của Đại hiếu Mục Kiền Liên muốn báo hiếu
cứu mẹ thoát khỏi địa ngục mà Đức Phật đã dạy Kinh Vu Lan bồn, cách
tứ sự cúng dường cùng việc thí thực cô hồn trong rằm tháng bẩy. Bao
hồn oan lang thang đói khát đã nương sức từ bi, trông chờ ngày tháng
đó mà có bát cháo no lòng; và quan trọng hơn cả là nhờ công đức hồi
hướng chí thành của người cúng thí mà có cơ may gặp duyên lành được
giải thoát.
Đây là hình thức chung cho đại chúng, mỗi năm mới cúng một lần.
Nhưng vì biết được sự khát khao trông đợi của biết bao oan hồn uổng
tử, tuy khuất mày khuất mặt nhưng đau đớn luôn phảng phất, mênh mang
trời đất nên có nhiều tự viện vẫn thành tâm thí thực mỗi ngày, hoặc
mỗi tuần.
Tôi thấy được điều này ở chùa Phật Tổ. Hàng tuần, chúng tôi có hai
ngày tu niệm Phật thường xuyên là thứ bẩy và chủ nhật. Những Phật tử
ở xa, đến từ chiều thứ sáu, nghỉ đêm tại chùa cho đến hoàn mãn lúc 5
giờ chiều chủ nhật. Sau khi hoàn mãn, quý thầy cô trong chùa thường
sắp một bàn dài, trước cửa chánh điện, bầy trái cây, bánh kẹo, chè,
cháo, để cúng cô hồn. Những Phật tử dự khóa tu đều hoan hỷ ở lại góp
lời trì tụng. Mỗi chiều chủ nhật, cư dân địa phương quanh chùa lại
nghe tiếng trống của thầy Thường Giới, quyện cùng tiếng khánh, tiếng
mõ của các sư-cô, thiết tha mời gọi bao oan hồn gần xa hãy mau về
thọ tài hưởng thực, thính pháp văn kinh:
“Thần chú gia trì cam lồ
thủy
Phổ thí hà sa chúng cô hồn
Nguyện giai bảo mãn xả xan tham
Tốc thoát U Minh sanh Tịnh Độ
Quy y Tam Bảo phát Bồ Đề
Cứu cánh đắc thành Vô Thượng Đạo
Công đức vô biên tận vị lai
Nhứt thiết cô hồn đồng pháp thực”
Mỗi lần tới đoạn này, chúng tôi đều vừa cất tiếng tụng, vừa nhìn
nhau vì cùng nhận được như có sự giao cảm nhiệm mầu:
«Oai linh thần chú phi thường, nước mát biến thành nước cam lộ, cúng
thí vô số chúng cô hồn, cầu cho no ấm hết xan tham, thoát khỏi U
minh về Cõi Tịnh, quy y Tam Bảo rõ Đạo Mầu, rốt ráo trọn nên bậc Vô
Thượng, công đức không lường ở vị lai, tất cả cô hồn đồng Pháp-thực”
Những ai từng dự lễ cúng cô hồn, dù phẩm vật dâng cúng đơn sơ tới
đâu nhưng với lời trì tụng chí thành giữa làn khói hương nghi ngút
đều cảm thấy ít nhiều bâng khuâng của sự giao cảm âm dương cách
biệt.
Tình cờ, tôi vừa đọc được một bài viết rõ nét về sự chiêu cảm nhiệm
mầu này, cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ hơn về một thế giới vô hình,
tuy khoa học không chứng minh được nhưng cũng không thể phủ nhận
được.
Bài viết về dịp mới đây, tăng thân Làng Mai sang thăm viếng Viện
Phật Học Ứng Dụng Âu Châu (VPHUDAU), danh xưng tiếng Anh là European
Institude of Applied Buddism (EIAB), tại thành phố Waldbroel, Đức
Quốc.
Tòa nhà này đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thịnh suy của nước
Đức. Theo bài viết, năm 1895, tòa nhà hoành tráng, mênh mông này
từng là bệnh viện chính của thành phố, với nhiều phân khoa, trong đó
có sản khoa mà nhiều nhân vật tiếng tăm đã từng chào đời tại đây.
Nhưng sau đó, bệnh viện này lại trở thành bệnh viện tâm thần và
trung tâm nuôi giữ trẻ khuyết tật. Đến năm 1938, chính phủ Đức đương
thời muốn trưng dụng làm Hàn Lâm Viện Quân Sự cho quân đội Đức nên
đã ra lệnh di chuyển toàn bộ hơn 700 trẻ khuyết tật và những người
tâm thần đi đâu, biệt tích!
Sau đó, tòa nhà được sửa sang nguy nga tráng lệ cho một Hàn Lâm Viện
bề thế, nhưng quân đội chưa được xử dụng ngày nào thì Hitler thua
trận! Ngôi nhà đương nhiên thuộc về Bộ Quốc Phòng, nhưng chỉ thỉnh
thoảng dùng làm nơi tổ chức những khóa huấn luyện ngắn hạn cho các
sỹ quan. Khi bức tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh sụp đổ thì một
lần nữa, số mệnh tòa nhà nổi trôi theo lịch sử, bị bỏ trống lâu năm,
rồi cuối cùng, được giao cho Phòng Bất Động Sản của quân đội để bán
cho tư nhân.
Với sự nhiệm mầu gần như KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN, ngôi nhà đã được gợi ý
thành Viện Phật Học Âu Châu dưới sự lãnh đạo tinh thần của Sư Ông
Làng Mai, tức Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh, thuộc thế hệ thứ 42
của Tông Lâm Tế và thế hệ thứ 8 của phái Liễu Quán.
Những tiến trình sau sự gợi ý này đã tiến nhanh ngoài dự tưởng của
những người trong cuộc trên cả hai phương diện, tinh thần và vật
chất. Những thương lượng khởi đầu: “Thôi, chúng tôi làm gì có
tiền như thế mà mua nổi!”, tòa nhà đã GẦN NHƯ TẶNG KHÔNG, để với
thời gian kỷ lục, nay đã thoát xác, thành Viện Phật Học Ứng Dụng Âu
Châu.
Mới đây, sáng ngày 14 tháng 11 năm 2008, khi thiền hành trong công
viên, Sư Ông chợt thấy trên vườn hoa dẫn vào cổng trước, một phiến
đá rất đẹp, trên đó có gắn một miếng đá nhỏ hơn, hình chữ nhật, ghi
chi chít tiếng Đức. Sư Ông đã bảo sư-chú Pháp Chu người Đức, dịch
cho Sư Ông nghe. Phiến đá ghi:
“Để tưởng niệm những người trong
bệnh viện cũ này tại Waldbroel, mà trong thời gian (Đức) Quốc Xã, bị
xem như là không đáng sống và bị lấy mất nhân cách và mạng sống của
họ qua cách ép buộc kết liễu đời mình và bị ép lấy mất khả năng sinh
con.”
Bên dưới có một tấm bia khác, ghi thêm chi tiết về con số 700 bệnh
nhân tâm thần và khuyết tật đã bị chở đi biệt tích, ngày 14 tháng 11
năm 1938.

Với hai tấm bia ghi lại thảm kịch này, người sau hiểu rằng hơn 700
nạn nhân thời đó đã bị bức tử!
Sư Ông Làng Mai và tăng đoàn đều giật mình sửng sốt vì từ khi tiến
hành thủ tục nhận tòa nhà này, dù đã đến đây mấy lần nhưng chưa hề
nhìn thấy phiến đá, cũng chưa nghe ai nói về sự kiện này. Vậy mà,
điều gì đã chờ đợi đến đúng ngày 14 tháng 11 năm 2008, để bước chân
thiền hành của vị thiền-sư dừng lại trước phiến đá, ghi nhận được
dấu mốc đúng 70 năm sau thảm kịch!
Nhận ra sự trùng hợp kỳ diệu này, chính vị thiền-sư từng thản nhiên
trước mọi sự, cũng phải rùng mình!
Thầy Pháp Ấn, vị đệ tử lớn của Sư Ông và cũng là người sẽ chịu trách
nhiệm điều hành Phật Học Viện Âu Châu trong giai đoạn đầu đã từng kể
rằng, tuần lễ mới về, thầy thường nằm mộng thấy nhiều trẻ em khuyết
tật khóc than, cầu cứu. Sáng ra, thầy có kể cho mọi người nghe thì
các sư cô đã lập đàn, cúng cháo, bánh kẹo; thì một vài đêm sau đó,
có sư cô đã nằm mộng thấy nhiều em bé chạy nhảy, vui đùa, cùng nhau
ăn bánh kẹo thỏa thích. Các Thầy Cô nghĩ rằng, có lẽ chỉ vì thành
tâm mà có biểu hiện trong những giấc mơ thế thôi.
Nhưng, sau sự khám phá bất ngờ về tấm bia đá ghi chứng tích thảm
kịch này thì những dữ kiện đã kết hợp lại với nhau, không gì là tình
cờ nữa! Những oan hồn từ thế giới vô hình đang cố gắng truyền đạt
nỗi thống khổ của họ tới những ai mà họ tin là có thể bám víu, có
thể tin tưởng sẽ cứu vớt họ được.
Thảm kịch xảy ra đã bẩy mươi năm. Suốt thời gian đằng đẵng đó, nỗi
oan khổ của hơn bẩy trăm oan hồn, hẳn vẫn kêu khóc tức tưởi ngày
đêm, nhưng vô vàn bi phẫn đó vẫn còn nguyên vẹn! Bẩy mươi năm, bao
nhiêu ngàn vạn bước chân đã đi ngang, nhưng có lẽ không một tấm lòng
nào đủ từ bi khiến bước chân dừng lại! Hoặc có dừng lại, nhưng không
đủ năng lượng mẫn ái để cứu giúp!
Vậy thì, đây hẳn là thông điệp kỳ diệu của Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư
Thiên, Chư Tiên đã sắp đặt để tòa nhà giam hãm bao oan khiên thống
khổ này, nay được trở thành Linh Địa, nơi sẽ hướng dẫn và dìu dắt
chúng sanh chuyển hóa và trị liệu thương tích cho nhau, để cùng lên
đường giải thoát, giác ngộ.
Sự khám phá trùng hợp, bất ngờ này không những làm sững sờ dân chúng
nước Đức mà còn khiến nhiều kẻ vô thần phải hoảng sợ, nghĩ lại về
nghiệp báo oan gia, khi vay trả chưa xong thì nợ nần vẫn còn đó.
Lời khấn nguyện với các hương linh tại Waldbroel mà Sư Ông Làng Mai
đã soạn để các sư cô cúng tụng mỗi chiều, thể hiện lòng Đại Từ Đại
Bi mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy ngài Mục Kiền Liên khi xưa:
“Xin hương linh quý vị và các
cháu lắng nghe và chứng giám,
Bẩy mươi năm về trước, người ta
đã đối xử rất tệ hại với liệt vị. Nỗi khổ niềm đau rất lớn ấy, ít ai
thấy được.
Ngày nay, Tăng thân đã tới, đã
nghe và đã hiểu tất cả những khổ đau, tủi nhục và uất ức ấy. Tăng
thân đã đi thiền hành, đã ngồi thiền, đã thở trong chánh niệm, đã
trì chú, tụng kinh, thí thực, để cầu, trên Chư Bụt, chư vị Bồ Tát,
chư vị Tổ Sư, xin quý Ngài hồi hướng công đức vĩ đại của quý Ngài
cho liệt vị và các cháu, để quí vị và các cháu có cơ hội chuyển hóa,
tái sanh ra dưới hính thức mới. Những người đã làm khổ quí vị, họ
cũng đã gánh chịu nhiều hậu quả khổ đau. Xin quí vị mở lòng từ bi,
tha thứ cho họ, để họ cũng có cơ hội giải thoát và chuyển hóa.
Xin quí vị hộ trì cho Tăng thân
và cho các thế hệ hành giả kế tiếp để họ có thể biến nơi này thành
một cơ sở thực tập chuyển hóa và trị liệu, không những cho thành phố
Waldbroel mà cho cả nước Đức và cả toàn thế giới.”
Lương tâm nhân loại ơi!
Với những huyền bí và mầu nhiệm của sự việc vừa bất ngờ chứng nghiệm
và giao cảm, trước sự chứng kiến khách quan và đông đảo của mọi
thành phần, chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu tòa nhà này, qua sự
mua bán bình thường, lại trở thành những địa điểm cung ứng thú vui
dục lạc đời-thường, thì bao oan hồn uổng tử kia biết bám víu vào đâu
mà mong ngày giải thoát!
ÁN TAM ĐÀ RA DÀ ĐÀ TA BÀ HA
Hạnh Chi
(Độc-Cư-Am, chớm đông 2008)
|