.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Không Quán


Bọt bèo*

  • 12.01.2008

Không biết có phải tôi thường mang một tâm hồm quá lãng mạn hay không mà mỗi khi nhắc nói đến chữ bọt thì tôi phải nghĩ ngay đến cái danh từ kép bọt bèo. Bọt đi đôi với bèo. Hay là như thế chăng: trên thực tế, khi mình nhìn những bọt trên sông trên biển, thì đâu đó cũng lảng vảng cánh bèo… trôi sông hay là những rong rêu… trôi dạt trên mặt biển… lênh đênh của cuộc đời.

 

Lúc nhỏ tôi cũng thường hay xem cá lội trong hồ. Nhà tôi nghèo nên tôi thường không có gì cho chúng để ăn, vì thế lúc bé, tôi cũng hay dụ khị và trêu ghẹo lũ cá đến gần bằng cách nhổ nuớc bọt xuống, và đàn cá tưởng là thức ăn, nhao nhao ùa đến há miệng đớp bọt.  Không có gì ! Quả là bọt bèo !

 

Cá đớp bọt là chuyện thường tình, hiển nhiên, giống như mưa thì phải rơi, và gió thì phải thổi. Có khi nào mưa…không rơi và gió không…thổi chăng ? Đố ai tìm ra được mưa mà không … mưa và gió mà không …gió.  Lại thêm một chuyện lá diêu bông ? Không đâu, tôi không muốn lập lại sự tích lá diêu bông. Dù là tôi rất thích câu chuyện lá diêu bông. Câu chuyện này đã làm cho không biết bao những con tim nhậy cảm sầu muộn, tôi cũng thế và nhậy cảm với lá diêu bông, một thời.

 

Bọt bèo !

 

Tôi mường tượng lại hình ảnh chú bé đang nhổ nước bọt xuống hồ. Vui thích với đàn cá tung tăng uà lại, bơi lội.

 

Mặt hồ xao động. Không biết từ đâu mà nước đã tuôn thành dòng chảy vào hồ. Giòng tư tưởng cũng tuôn chảy thuần dịu y như vậy. Trên mặt hồ, đâu phải chỉ có nhúm bọt do tôi nhổ xuống mà đàn cá uà đến bao vây. Nhìn lại khắp nơi trên mặt hồ, tôi thấy tràn đầy những nhúm bọt đang trôi lăn tăn, giống hêt nhúm nước bọt của tôi nhổ xuống. Mặt hồ xao động nhẹ nhàng. Các bọt cũng trôi lênh đênh nhẹ nhàng. Nhìn trên toàn diện mặt hồ, tôi bỗng thấy đầy những nhúm bọt nổi trôi. Có lẽ khi tôi chỉ chú tâm trên một thứ, như là đàn cá, tôi đã không thấy trước đó mặt hồ cũng đã đầy nhúm bọt.

 

Rồi nhúm bọt của tôi đã hòa chung vào các nhúm bọt đã có trên hồ. Tôi không còn phân biệt nổi, nhúm nào là của tôi nhổ ra, và nhúm nào là của mặt hồ. Tất cả trôi lung linh nhẹ nhàng trên mặt nước hồ êm ả. Và cái hình ảm toàn diện, toàn bích của mặt hồ, tràn đầy các nhúm bọt, sát cạnh nhau, đối xứng nhau, liên đới liên hệ hỗ tương cùng nhau rung rinh, chợt làm tôi thức tỉnh. Khi một nhúm bọt lung linh, nhóm bên cạnh cũng bị rung rinh nhúc nhích theo nhịp độ truyền cảm của nhúm bọt kia.

Trùng trùng duyên bọt.

Bọt bèo !

Tâm tôi liền khởi sanh vào trong kinh Phật …

Các Pháp Từ Duyên Mà Sinh, Thì Sẽ Từ Duyên Mà Diệt. Trùng trùng duyên khởi Hoa Nghiêm: Vạn pháp duy Tâm. Chân Không Diệu Hữu. Nhân duyên hòa hợp mà thành. Mọi sự vật lớn nhỏ đều nương vào nhau, nhân làm duyên, duyên lại làm nhân, cái này có là nhờ cái kia, cái kia có là nhờ cái này, tương quan, tương duyên, lớp lớp chằng chịt vô cùng. Mọi sự vật đều dính chùm với nhau, nên cái này chuyển động là tất cả đều chuyển động, tất cả đều liên quan mật thiết với nhau, tương tức, tương nhập. Một là tất cả, tất cả là một.

Trùng trùng duyên khởi!

 

Tôi lại nhớ đến lời Thầy tôi, một lần người nghiêm mặt nói với tôi rằng: “ Con hãy quán tưởng đến sự hình thành của cái lông công, muôn mầu muôn sắc. cái lông công cắm trong bình tịnh thủy** kia mà Thầy hay dùng để rảy nước cam lộ trên chúng sinh.”

 

Tôi nhìn lại lại lông công muôn màu sắc rất là đẹp đó. Do đâu mà tạo thành chiếc lông muôn mầu sắc lóng lánh đó. Mà đâu phải con công chỉ có một cái lông rực rỡ đó. Trên đuôi nó, phải nói là có hằng chục cái lông như thế, mỗi lần múa, nó xòe lông ra trong vô cùng xinh đẹp. Và các con công mái đã không thể nào mà không bị thu hút bởi màn múa cự kỳ diễm lệ của chàng công…

 

Tôi lại miên man nghĩ đến hình ảnh của các nguyên tử nằm trong một khối vuông cấu tạo những phân tử. Bên trong đó chia ra vô lương vô số, phân ô, bằng các đường ngang dọc. Ở mỗi giao điểm là một nguyên tử. và khi có một luồng điện giao hòa đến một nguyên tử, làm cho nó rung động, thì tất cả các nguyên tử chung quanh đều nhịp nhàng rung theo.

 

Lại nhớ lời kinh: Vạn pháp duy tâm.

Một niệm ba ngàn. Trong một niệm có đầy đủ ba ngàn thế giới. Một là tất cả, tất cả là một. Khi góc chéo vải nhuộm giọt mực thì toàn mảnh vải nhuộm màu đen theo.

 

…«     Chàng nhớ lại lần đi thăm Tây Lai Tự chung với nhau. Chàng dẫn nàng vào một căn thất, trên khung cửa có ghi hàng chữ Hán mà nàng không hiểu và hỏi nghĩa là gì. Chàng nghiêng đầu đọc xong,  nhẹ nhàng giải thích: là chữ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới em ạ.

 

Hai người bước vào trong thất nhỏ đó. Ôi chao ! nàng giật bắn mình khi nhìn thấy hằng ngàn ngọn đèn phản chiếu qua những tấm gương đã khéo léo xếp đối diện và phản chiếu nhau. Hằng ngàn ngọn đèn lồng vào nhau, lồng vào các hình tượng của đức Phật, cũng phản chiếu nhau thành vô số vô lượng chư Phật. Tam thiên đại thiên thế giới.

 

Đi dạo hết vòng của thất nhỏ, nàng đòi quay lại xem thêm một lần nữa.

 

- Lạ quá anh ạ. Mình vào xem thêm một lần nữa đi anh. Em cảm thấy choáng váng trong hình ảnh trùng trùng như thế này.

- Phải em ! đẹp quá. Chưa bao giờ anh có cảm giác mạnh như vậy !

 

Hai người đi dạo thêm một vòng, từ từ ngắm hình ảnh trùng trùng điệp điệp đó.

Trong thất nhỏ chỉ có hai người, bầu không khí hoàn toàn im lặng…

Ngoại trừ tiếng hơi thở rất nhẹ nhàng của hai người.   

 

Một lúc lâu sau, hai người im lặng bước ra ngoài thất , sau đó  chàng rủ nàng ra ngồi hong nắng trên bậc tam cấp của chánh điện chùa.

 

Vặt nắng ấm áp, lung linh thật là huyền diệu. Chàng thầm nghĩ đến những nhân duyên. Nghĩ đến những lần cả hai đi dự lễ quán đảnh chung. Nghĩ đến những giọt nước mà Thầy đã gieo từ bình tịnh thủy** lên đầu của hai người và của tất cả các phật tử đã cùng đi dự lễ ngày hôm đó.

 

Những giọt nước cam lộ đã vô tình kết chặt duyên của tất cả chung lại với nhau, kết hợp hai người với nhau, những lời kinh mà chàng và nàng đã từng dịch chung… Giọt nước mắt yên lặng chảy từ đôi mắt và rớt trên hai đầu gối chàng... Trong khi nàng ngồi tựa vai chàng và tung tăng hai bàn tay bắt những giọt nắng thật đẹp đang rơi trên chiếc váy đầm xinh xắn mà nàng đã diện để đi chơi xa với chàng ngày hôm đó.    »…

 

Nhân … duyên … nhân.. duyên… nhân… duyên…

Tôi đã chẳng từng viết :

 

Gẫm hoài hai chữ nhân duyên.

Cho nên hụt thở ưu phiền nhớ em.

đó hay sao.

 

Quả là lại thêm bọt bèo một lần nữa !

 

Thôi, từ nãy giờ, tôi cũng đã một niệm ba ngàn rồi đó.

 

 

Không Quán

-----------------------------

* Cảm tác khi đọc bài Dấu Yêu của Chiêu Hoàng.

**Bình Bumpa chứa nước cam lộ đã được chú nguyện trong truyền thống Mật tông của chư tăng Tây tạng.

 

KHÔNG QUÁN

 

Tên thật là Bùi Xuân Lý.

Cư ngụ tại Montreal, Canada. Du học khỏi Việt nam từ năm 1970.

Đã từng cộng tác trong các tờ báo ở Canada như Làng Văn, Tự Do qua bút hiệu Trương Chi và đôi lần bút hiệu Thu Vũ.

Năm 1995 xuất bản thi phẩm đầu tay Phong Trần.

Pháp danh : Sonam Nyima Chân Giác.
 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.