.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Không Quán


Thương tiếc anh Lê Nguyên Thiều

  • 20.04.2008

Lời tác giả: Chúng tôi vừa mới chịu một đại tang. Ngày 8 tháng 4, 2008, cháu Lê Hải Triều Âm gửi lá điện thư cấp báo là cha của cháu, anh Lê Nguyên Thiều đã ra đi, an nhiên tịch diệt.

Nếu ai có nghe nói, hoặc đã từng tu học tại Làng Hồng ở Bordeaux (ngày nay gọi là Làng Mai), Pháp quốc, thường biết đến anh Cả Lê Nguyên Thiều. Anh đã từng là Tổng Thư Ký của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một tổ chức bất vụ lợi rất lớn tại Việt Nam trước ngày 30 tháng 4, 1975, do thày Thích Nhất Hạnh sáng lập.

Lẽ ra tôi không viết bài này, vì tôi nghĩ là có lẽ nhiều vị biết rõ về cuộc đời của anh Thiều hơn,  nhưng vì sau khi trao đổi ý kiến với nhiều người bạn đạo, tôi thấy họ đề nghị hữu lý: dù sao thì tôi cũng đã từng có một khoảnh đời đi sát cánh bên anh Thiều. Một khoảnh đời khó khăn trong quãng đời vĩ đại của anh, nguyện dùng thân giáo[1] để giáo hóa những người thân cận. (Khi viết đến đây, tôi bị xúc cảm nặng và buông hai giòng lệ tưởng nhớ đến công ơn của anh). Trong khoảnh đời khó khăn đó, anh Thiều đã đi một mình, hiên ngang dũng cảm trong đạo lộ, nâng cao hai đại nguyện từ bi-hỷ xả bằng thân giáo để cúng hiến cho tất cả mọi chúng sinh hữu tình…

Tôi không biết nhiều về cuộc đời của anh khi anh còn ở Việt nam ngoài những điều anh kể lại cho tôi nghe, bởi vì tôi đi du học Canada từ nhỏ. Nhưng nhân duyên đã an bày cho tôi đi theo anh Thiều từ năm 1985, năm mà những khó khăn của cuộc sống đã bắt đầu và sau này đưa lại cho anh quyết định mua một nông trại làm nơi hành trì đạo và sinh sống.

Bài viết này xin phép được đứng ra ngoài mọi vấn đề thị phi của cuộc sống. Những chuyện mà chúng tôi nghĩ là nên noi theo điển tích Hứa Do-Sào Phủ[2] làm gương báu cho chúng ta, nếu có bị nghe thì cũng xin nhắm mắt cầu nguyện Sarva Mangalam[3]!

Bài viết chỉ xin gửi đến lời thương yêu tạm biệt anh Thiều! Cầu nguyện hồi hướng  cho anh mau được hóa sinh lên cõi Tịnh độ, và nhất là riêng chúng tôi, xin nguyện cầu anh Thiều kính mến hóa sinh lên cõi trời Đâu Suất Thiên Nội Viện.

Trân trọng,
Không Quán.

Hình 1: Bài vị của anh Thiều trong ngày lễ cầu siêu
tại Trung Tâm Văn Thù Sư Lợi (
Montreal, Canada).

Hình 2: Chư tăng Tây tạng làm lễ cầu siêu cho anh Thiều.

1. Anh Thiều ơi, em nhớ đến anh rất nhiều và hằng ngày cầu nguyện hồi hướng đến cho anh. Ngày em nhận được tin anh ra đi, em cảm thấy bàng hoàng. Bàng hoàng vi nhiều chuyện, nhưng bàng hoàng nhất vì lòng em trân quý anh, mà nay anh đã tạm biệt, dĩ nhiên em tin rằng nhân duyên sẽ mang chúng ta lại gần trong tương lai, khi mà anh em mình sẽ cùng chung nhau đi trên con đường đạo. Rồi bàng hoàng vì tin đến nhanh quá, dù chúng ta cũng đã từng bàn luận và biết rằng anh sẽ ra đi trong khoảng thời gian này hay sớm hơn. Bàng hoàng khi nhớ lại, dường như chưa xa lắm, năm 2003, khi anh ghé qua Montreal thăm các anh chị em đạo hữu, anh ghé nhà em ở hơn một tuần và anh đã dặn dò em về chuyện hậu sự của anh, cũng như nhờ em hoàn thành những tâm nguyện cuối cùng. Nhưng mà em đã không làm tròn các tâm nguyện đó của anh, lực bất tòng tâm, em cũng chỉ là một người đang đi hành trì về mật tông. Nhưng những tâm nguyện của anh đó, em xin ghi tâm khắc cốt, chúng ta sẽ còn có nhân duyên trong tương lai.

 

2. Em nhớ là trong dịp 2003 đó, anh đã đi theo em lên chùa Văn Thù Sư Lợi  (mật tông), và cùng đại chúng hành lễ Cúng dường đức Bổn Sư. Tối hôm đó, về nhà, em cũng đã tâm sự với anh rất khuya, dù em hành trì bất kỳ pháp môn nào, thì em vẫn hành trì trong Thiền tông. Bởi vì các điều dạy trong Thiền tông đã ngấm vào tận lục phủ ngũ tạng của em, với chánh niệm và cảnh giác. Cho nên nói ra tâm sự này với anh, em chỉ nhấn mạnh lại là anh em mình vẫn cùng chung đi trên con đường thiền định, cho dù em có mang hình thái sắc thái đặc thù riêng biệt nào khác, trong tâm em vẫn chỉ là đi chung đường cùng anh mà thôi.

Vậy xin anh Thiều cứ an vui, tâm nguyện của anh, em ghi nhớ và kiên cố chờ đợi.

Dĩ nhiên là tâm nguyện của anh em chưa làm được, thì chuyện hậu sự của anh, em cố gắng hoàn tất. Sư trưởng Khen Rinpoche và chư tăng ở Văn Thù Sư Lợi đã làm lễ cầu nguyện cho anh. Trong suốt thời gian “thất thất lai tuần” này, chúng em cũng sẽ cầu nguyện và hồi hướng cho anh.

 

3. Nhân đây, em xin gửi đến anh lời tâm sự. Ngày hôm đó, khi gia đình em lên chùa cầu siêu cho anh, và trên đường về nhà, em nghĩ đến hoàn cảnh của anh, đang đi một mình trên con đường thân trung ấm (bardo). Em thầm nghĩ: anh Thiều ơi, anh có cảm thấy xa lạ trên những cảnh đường của trung ấm ấy không ? Chúng em cầu nguyện cho anh mong anh vẫn nhận được sự hiện diện của chúng em bên anh.

 

4. Nhưng riêng phần em, thì những suy tư quán tưởng không ngừng tại đó, ngay trên đường về nhà, em cảm thấy một cảm giác thật kỳ dị: đó là cảm giác con đường em đang lái xe về này, nó quen thuộc đấy, nhưng mà lại rất xa lạ. Cảm giác đó như thế này: con đường này quen thuộc ngay bây giờ và tại đây, nhưng khi vào thân trung ấm và đi tái sinh thì con đường này sẽ không còn nhớ nổi nó. Rồi giả dụ như, nếu em tái sinh lại ở nơi đây, từ một thân bào thai cho đến khi ra đời, em sẽ không còn nhớ được con đường này, và sẽ phải làm quen lại nó, dù ngày hôm nay em thuộc lòng con đường này, đến độ lái xe là một phản xạ. Ngay cả lái xe, em cũng sẽ không còn nhớ, và phải đi học lại cách lái xe này. Xe, đường, quen thuộc này mà sẽ chẳng còn quen thuộc nữa. Và em sẽ phải học lại đời sống từ đầu với thân đứa bé sơ sinh, lớn lên và thành người.

Phi lý quá anh ơi, đời đời kiếp kiếp cứ phải sinh ra để học cho quen thuộc rồi lại chết đi, tái sinh, quên hết, và phải học lại từ đầu …cứ như thế, mà rồi cũng chẳng được gì. Vậy, mình học chuyện thế gian này có ích gì anh nhỉ? Thà là ngồi tụng một bài kinh đưa về cõi thường hằng còn hơn là chạy theo những chuyện thế gian chẳng thể mang theo mình … Để rồi tất cả cũng phải bỏ lại, quên đi và lại học lại từ đầu khi đi vào trung ấm …

Ngay tại đó em trực ngộ những phi lý của các cảnh đời luân hồi và mấy ngày sau em cứ lãng đãng trong tâm thức nhìn mọi sự vật, tuy quen thuộc đó mà thành ra rất xa lạ. Em có cảm giác thực sự là tất cả mọi sự vật, chẳng cái nào thuộc về mình. Đi đứng đều thấy mọi sự vật chẳng phải của mình. Đến độ, nhìn thân thể tay chân cũng thấy xa lạ, nó là của mình sao anh ? Đâu có lý đó được. Cái cảm giác từ sự quán tưởng đến anh, đang đi trong cõi trung ấm, làm cho em mất hết những khái niệm cái của ta. Chẳng có cái gì là của ta cả anh Thiều ơi.

Đến độ, đôi lúc em đang sống, mà cảm thấy như là xuất thần thức ra ngoài thân.  Như lần em nằm trên giuờng, mà như thể thần thức của mình lại đang đứng ngoài thân thể này và nhìn nó một cách dửng dưng. Thân ngũ uẩn đó, nó nằm đó đó, có giữ được chăng ?  Em thấy dật dờ xa lạ trong mấy ngày, có đó mà chẳng có đó. Như khi bị vào phòng mổ một bên chân, bác sĩ chích thuốc tê trên chân em để mổ. Chân tê rồi, em nhìn nó, chân này không còn cảm giác, nó chẳng phải của mình, ai mổ xẻ gì nữa thì cũng thế thôi. Chân mình mà chẳng phải là chân mình …

 

5. Anh Thiều kính mến, em muốn nói với anh điều này. Điều mà em không dám nói với anh khi anh còn tại thế, vì em biết là anh không thích nghe ai khen tặng anh. Nhưng mà, em thấy là bây giờ thì em phải nói, và xin phép anh cho em nói. Đó là, suốt quãng thời gian khi em mới bước chân vào trong cửa đạo, anh đã dùng thân giáo dạy dỗ em vô lượng vô biên. Nhìn anh hành xử trong tâm xả vô lượng, em học được những bài học quý giá trong đời. Anh xả cả trên những hình hài thân xác, anh chẳng màng đến bề ngoài của anh. Mà trong tâm anh thì là một kho tàng quý giá về hạnh từ và xả. Em nhớ lại những chuyện nực cười khi em vế làng Hồng năm 1986. Khi đó, thày Nhất Hạnh chỉ định em xuống xóm Hạ ở, trong khi một số các anh chị em trong Làng Cây Phong được ở trên xóm Thượng, và dĩ nhiên là có cơ hội gần thày hơn. Nhưng không ngờ, chính vì thế mà em khám phá ra được kho tàng tu đạo nơi anh. Và anh cũng khám phá ra được người em út trong đạo. Anh em mình đã làm việc với nhau trong thương yêu và kính mến. Khi nào mệt, anh đã dẫn em vào trong một chuồng bò bỏ hoang, và hai anh em ngồi trên một cái đà gỗ to lớn, anh châm điếu thuốc lá để nghỉ mệt và hai anh em tâm sự thật là thắm thiết. Trong lần đầu gặp anh tại làng Hồng đó, anh em mình đã thương nhau như là từ những đời kiếp nào rồi. Đến độ, chị Mùi, (là chị Thiều), khi gặp em trong bữa ăn trưa đã hỏi em: anh L. làm gì mà anh Thiều mê anh như là hai người yêu, đêm qua nằm ngủ, chiêm bao, anh Thiều mơ ngủ gọi tên anh um sùm trong giấc mơ, anh L, anh L …

 

6. Hạnh xả vô lượng nơi anh, chính mắt em đã được mục kích khi có một bà dẫn con về làng tu học. Khi được chỉ định xuống xóm Hạ ở, bà dẫn con vào xóm, lúc ấy anh đang làm công việc dọn dẹp cùng em lam lũ. Bà nhìn anh và nghĩ là bác làm công cho Làng, gọi anh hỏi: này bác kia, bác làm ơn chỉ cho văn phòng ghi danh vào khóa tu học mùa hè này. Anh ngẩng lên, không một chút bối rối, điềm đạm chỉ hướng cho bà ta dẫn con đến văn phòng ghi danh. Khi hai mẹ con bà ấy đến nghe khóa hướng dẫn thiền tập mới hay là bác người làm ấy chính là anh cả chịu trách nhiệm toàn xóm Hạ. Hai anh em sau đó ngồi tâm sự với nhau trong chuồng bò về thế sự nhân tình…

Anh hồi đó rất nghèo, nhưng anh lại đối xử với bạn bè cực kỳ tốt và cung kính, dĩ nhiên bạn bè của anh cũng cực kỳ tốt với anh và kính mến anh vô cùng. Em không thể quên được những người đã xả thân vì anh, mà trong đó, phải kể đến là anh Dũng.

Em chẳng thể nào quên được công ơn của anh, khi năm 1986, em và các bạn đạo sáng lập nên Làng Cây Phong, và anh đã lấy máy bay qua Montreal (cùng thày Nhất Hạnh), tổ chức cho chúng em trại thiền của năm đó. Anh đã thân chinh đi đốn một cây thông rất lớn, trang hoàng tượng trưng cho tượng Phật, để sửa soạn ban cho sáu anh chị em thọ lễ gia nhập giòng tu Tiếp Hiện. Anh có một con mắt nhìn thật là thiền sư và nghệ sĩ, đã làm cho cây thông trở thành sáng chói nhiệm mầu, “đứng giữa trời mà reo”, reo là “trúc biếc hoa vàng thảy thảy đều là pháp thân”.

Thuý trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.[4]

Sau đó, các phái quy y và thọ giới cũng do chính tự tay anh nắn nót viết từng chữ, như rồng bay phượng múa, ghi tên của từng anh chị em (có tất cả sáu người năm đó), lần đầu tiên được ban thọ vào giòng tu Tiếp Hiện tại Canada. Và chúng em đã mãi mãi trầm trồ, trân quý những giòng chữ anh viết trên các phái quy y thọ giới đó….

 

7. Năm 1987, em phải đi qua Thụy Sĩ làm việc ba tháng. Ngay trong thời gian này là anh bị tai nạn xe hơi rất nặng. Em tức tốc lấy xe lửa tốc hành về Làng Hồng, sau đó đi theo chị Mùi đến nhà thương Marmande thăm anh.  Nhìn anh tả tơi trong giường bệnh, em thấy xót xa và ngủ ở lại nhà thương săn sóc anh gần một tuần. Trong thời gian đó, bé Tâm, con trai áp út của anh, quấn lấy theo em, và em thường hay dẫn cháu đi chơi chung quanh nhà thương mua bánh kẹo cho bé.

Sau kỳ giải phẫu lớn vì tai nạn xe hơi đó, anh qua khỏi và bị một biến chứng rối đường ruột.

Năm 2003, anh em mình tâm sự với nhau và khi dặn dò em lo chuyện hậu sự, anh có nói, anh biết là sẽ chết vì biến chứng đường ruột này. Năm ấy trước khi trở về Paris, anh đã tâm sự với em là anh muốn về Canada thường trú. Sau đó viết lá thư góp ý với anh, trong đó, em còn nhớ đã đưa ra 7 điều bất lợi. Bây giờ, đôi khi em cũng cảm thấy buồn khi không giúp được anh về Canada thường trú. Điều anh mong ước, nhưng hoàn cảnh nhân duyên cản trở …

Hôm nay, em cũng xin gửi đến anh lời tâm sự 7 điểm này, như một bài điếu văn tiễn đưa tạm biệt người anh lớn. Chỉ tạm bệt thôi, anh nhé. Mình sẽ còn nắm tay nhau để cùng đi trên con đường “đáo bỉ ngạn”, về nơi bờ giác.

 

8. Xin nguyện cầu đến anh, người anh trong đạo kính mến đã dẫn đường cho chúng em, và xin anh mãi mãi dẫn đường cho chúng em như thế, dù trong nhân duyên còn giữ chúng ta trong luân hồi, hay là trong nhân duyên của thân Bồ tát mà anh chứng ngộ.

Không Quán
18 tháng 4, 2008.


 

[1] Thân giáo:  dùng những gương từ chính bản thân mình để giáo hóa những người thân cận, trong khi dưỡng dục là công nuôi ăn học.

[2] Theo truyền thuyết, hai nhân vật này sống đời vua Nghiêu. Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi. Hứa Do nghe xong bèn bỏ đi ra suối rửa tai. Khi đó, Sào Phủ mới dắt trâu tới suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao. Hứa Do trả lời: "Ông Nghiêu đòi nhường ngôi vua cho tôi." Sào Phủ, lúc đó đang cho trâu uống nước phía dưới giòng nuớc, nghe vậy bèn dắt trâu bỏ lên trên giòng nước cho uống. Hứa Do lấy làm lạ bèn hỏi lại tại sao, Sào Phủ đáp: "Tôi không muốn trâu tôi uống nước ông rửa tai xuống đó."

[3] Xin nguyện cho mọi chúng sinh an lành.

[4] Trúc biếc, hoa vàng đâu cảnh khác,
Trăng trong, mây trắng hiện toàn chân
.

 

KHÔNG QUÁN

 

Tên thật là Bùi Xuân Lý.

Cư ngụ tại Montreal, Canada. Du học khỏi Việt nam từ năm 1970.

Đã từng cộng tác trong các tờ báo ở Canada như Làng Văn, Tự Do qua bút hiệu Trương Chi và đôi lần bút hiệu Thu Vũ.

Năm 1995 xuất bản thi phẩm đầu tay Phong Trần.

Pháp danh : Sonam Nyima Chân Giác.
 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.