Nghỉ chân giữa cuộc
“…Một
ngày đầu Thu nghe chân Ngựa về chốn xa…” Giọng hát khàn khàn, lê
lết ma quái của Khánh Ly bị át bởi tiếng chuông điện thoại. Và, một
ngày giữa Xuân tôi nghe tin không vui đến chốn
Edensor
Park
nầy: “Chị có hay tin chưa, anh Hồ Ông bị stroke trưa hôm qua”.
Anh Nguyễn Toàn báo cho tôi biết như vậy vào ngày 19 tháng 1, 2008.
Ý nghĩ trước tiên lóe lên trong đầu tôi: Tội nghiệp Tâm Minh! Ai
sẽ lái xe chở nàng tới lui đây? Chưa nghĩ đến người bịnh, mà lại
lo lắng trước về những khó khăn của thân nhân người bịnh? Có thể, vì
tôi đã quá quen thuộc với bịnh hoạn của các thân chủ trong mấy chục
năm phục vụ ngành Y, hoặc vì cùng phận đàn bà, tôi dễ cảm thông
người đồng phái hơn, nhất là một người như Tâm Minh. Tôi thường ví
nàng như một dây leo tròn trĩnh quấn chặt thân Tùng tong teo. Ai
biết Hồ Ông và Tâm Minh thì sẽ đồng ý với tôi về thí dụ điển hình
nầy.
- Bây giờ ảnh ở đâu?
- Bịnh viện
Liverpool.
Tôi thẩn thờ buông điện thoại với bao nỗi thương cảm. Giọng Khánh Ly
vẫn miệt mài: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, Đi đâu lanh quanh
cho đời mỏi mệt…”. Nghĩ về Hồ Ông, người bạn văn nghệ nầy đã bao
năm mệt bở hơi với đời, với nghiệp dĩ thơ văn, báo chí. Và, bây giờ
, đến lúc anh nghỉ chân giữa cuộc, dù muốn dù không. Tôi chợt nghĩ
đến lẽ Vô Thường. Nhân chuyện người mà gẫm về ta. Nhân chuyện riêng
mà suy ra cái chung.
Trên đường lái xe và dọc theo hành lang quen thuộc của bịnh viện
Liverpool,
tôi miên man nghĩ về đôi bằng hữu nầy. Đầu năm 1994, tờ báo
Dân Việt, lúc đó do anh Gia Du làm chủ nhiệm và chủ bút, xuất hiện
những bài thơ lục bát ký tên Hồ Ông. Năm 1995, trong một tiệc
đầu năm, mời bạn bè đến vui Tết tha hương cho đỡ nhớ nhà nhớ nước.
Lần đầu tiên tôi biết được dung mạo của nhà thơ nầy. Anh chìa ra một
cuộn tròn: “Anh không có gì nhiều, nên chỉ có thể tặng cô Loan
chút nầy”. Tôi nghĩ, không nhiều tức là quà ít tiền, có thể đã
được mua từ một cửa hàng bình dân nào đó. Tôi trọng người qua tấm
lòng, và nhân cách của người tặng, không phải qua giá trị vật chất.
Tôi vui vẻ mở món quà sơ ngộ của anh. Một tấm giấy trắng khổ A2 bọc
nhựa với hai câu thơ lục bát viết nghiêng nghiêng:
Mẹ ru mình với ca dao,
Cho nên hồn nước thấm vào trái tim.
Thân tặng bác sĩ Lâm Kim Loan
Tác giả Hồ Ông
20 tháng Hai 1995
Đầu năm, Tết xứ người buồn hiu, nhớ nhà đứt ruột. Tôi đã rươm rướm
nước mắt với món quà “ không có gì nhiều” của anh. Hai câu
lục bát đơn giản đưa tôi về Việt Nam yêu dấu, đem tôi đến gần người
mẹ lúc đó đang xa lắc bên kia bờ đại dương, cho tôi được lặn ngụp
trong tình tự quê hương qua lục bát ca dao. Lẽ ra tôi phải bá cổ anh
để cám ơn món quà tinh thần quá lớn nầy, nhưng trong buổi sơ giao
tôi chỉ nói lời cám ơn. Tôi đem món quà cất vào phòng như được ôm cả
hồn dân tộc, ôm cả tình tự quê hương. Tôi hôn cuộn giấy tròn đó
trước khi đặt xuống, như được hôn lại mẹ mình sau mười mấy năm xa
cách. Món quà đặc biệt đó, đến bây giờ vẫn được treo lủng lẳng ở
phòng ngủ tôi. Có lần tôi đã dùng hai câu lục bát nầy cho các con
tôi đánh vần và viết xuống khi tôi dạy chúng tiếng Việt.
Nhớ về Tâm Minh, một khuôn mặt bầu bỉnh nhân ái. Tâm Minh cùng tuổi
với tôi nhưng có rất nhiều điểm khác nhau giữa hai người. Nàng dịu
dàng bao nhiêu thì tôi bộp chạt bấy nhiêu. Nàng là thứ dây leo luôn
cần được nâng đỡ, tôi giữa bão táp đời tự liệu mọi điều. Tôi hành xữ
như nam nhi chi chí thì nàng lại rất thục nữ quần thoa. Nàng tỉ mỉ
từ tốn bao nhiêu thì tôi rèn rẹt nhanh nhẫu chừng ấy.
Dưới tấm khăn giường trắng, Hồ Ông được đặt nằm nghiêng phiá trái.
Thế nằm của anh làm tôi nhớ lại mấy câu thơ anh làm đã lâu rồi mà
tôi rất thích:
“Nằm nghiêng đè phải trái tim,
Trách chi mộng mị chẳng tìm đến anh!
Đạp chân vào cõi mong manh,
Bao nhiêu mộng mị tan tành giấc khuya!”
Nằm nghiêng đè phải trái tim,
Trách chi mộng mị chẳng tìm đến anh
Thấy ngàn hoa thoát lìa cành,
Tỉnh ra buồn vẫn bay quanh đầu giường!”
Cõi mong manh nầy có gì vui! Sanh Lão Bệnh Tử xoay vòng luân hồi.
Cõi mộng mị nầy có gì để người người tất bật lao vào, chụp bắt không
ngưng nghỉ những bóng ma Vô Thường, những lộng giả phù du? Mới qua
một đêm mà Tâm Minh trông đã hốc hác! Qua một đêm đủ để bạc đầu! Tôi
ôm choàng Tâm Minh. Trong hoạn nạn, vòng tay mở lớn hơn và ghì chặt
hơn.
“ Buồn vẫn bay quanh đầu giường” trên mặt những người thân.
Riêng Hồ Ông lại nhoẽn miệng cười, nụ cười méo lệch tội nghiệp,
giống nụ cười của một tên hề đóng không trọn vai!
Có lần, trong khoá học nhiếp ảnh năm 2005, tôi đã chọn anh làm
“người mẫu”. Tôi thích nét nghệ sĩ phong
trần với đôi má hóp, những vết thời gian hằn nếp bên khoé mắt, trên
vầng trán rộng. Thêm khói thuốc bay bay mông lung như cõi huyễn
mộng, hình thành một chân dung rất Hồ Ông. Tôi tặng anh bức hình đó
với hai câu thơ, và anh đã treo trong phòng làm việc của anh, tại
toà soạn Tuần Báo Văn Nghệ, Sydney Úc châu.
- “ Vẫn cười, vẫn lãng đãng muôn thuở!” Một câu trách yêu
vừa vui vui, vừa có pha thêm vị đăng đắng thân phận, phát ra từ Tâm
Minh. Nàng tiếp: “Đến đọc giả cũng rành bản tính ảnh nên tặng cho
anh ấy câu “Chân đi dưới đất, chiêm bao trên trời”.
Trong vài lần tâm sự giữa bạn gái với nhau, tôi đã nghe Tâm Minh
than thở về cái bản tính lãng đãng của ông chồng nhẹ ký và xem nhẹ
mọi sự trên đời nầy, ngoại trừ một việc: nghiệp-làm-báo. “Yêu
nghiệp báo hơn yêu vợ con”. “Đem báo vào cả giấc ngủ, mớ
những câu không ăn nhập gì với mình”. Cô nàng ghen hờn vu vơ với
tình cảm lai láng của đức lang quân dành cho văn thơ, tha nhân và
đọc giả. Có lần Tâm Minh đã tâm sự: “Dần dà, Tâm Minh hiểu ra
rằng, đã trót làm vợ của một nghệ sĩ; để bớt khổ tâm, tốt nhất là
không nên nghĩ nhiều về mình. Hãy cũng lãng đãng giống như chồng để
cùng “bay bổng trên mây”, phải theo nghiệp báo của chồng để “ thuận
vợ thuận chồng tát …bills hoài không cạn”. Và, nghe thương cảm
không: “ Tâm Minh không còn đòi hỏi Hồ Ông. phải làm một điều gì
cho mình, mà chỉ nghĩ: Tốt quá, ông ấy chưa từng làm tổn thương mình
trong tình vợ chồng từ đó đến giờ”. Nàng khôn hồn thật, khôn
tợn! Phải biết thưởng thức những tánh tốt của chàng để còn yêu đời
và yêu người chứ! Chẳng hạn như tính dễ dãi trong mọi hoàn cảnh, ăn
gì cũng xong mặc gì cũng cam của chàng thì sao? Nghĩ đến nhưng điểm
tốt của chàng để bớt bù lu bù loa nước mắt.
Sau đó tôi đi xa
Sydney
hơn tháng. Trở lại thăm Hồ Ông và Tâm Minh hôm qua, lần nầy ở
bịnhviện Braside. Anh đã tỉnh táo hơn trước nhiều. Còn Tâm Minh sáng
chiều chăm sóc chồng mà lại đẩy đà ra. Đây là khoảng thời gian nàng
được kề cận bên chồng nhiều nhất, có thể nhờ tâm đã an, tình được
đầy mà lên ký chăng?
- Chào bạn hiền, anh thấy khỏe không?
- Còn tếu được, còn làm thơ được là khoẻ phải không cô bác sĩ?
- Làm thơ? Nằm đây làm thơ?
- Cô nghe nầy:
Tưởng như mình đã xa rồi
Trong ta nổi dậy một trời nhớ thương
Hiểu ra được lẽ Vô Thường…
- Còn nữa:
Nửa người bỗng bị chao nghiêng,
Hồn bay vất vưởng về miền rất xa
. . .
Tái sinh giờ lại một lần
Nghe trong nhịp thở nặng ân đất trời.
Bị stroke mà còn thơ với thẩn được thì rõ là một điều đáng mừng cho
một nghệ sĩ. Nếu phải buông bút, bỏ bàn chữ computer một cách bất
đắc dĩ, thì đó là một nỗi đớn đau của người trót nợ văn chương báo
chí. Như như vũ công bị cụt chân tay hoặc nhạc sĩ bị mất đi thính
lực là đời sẽ buồn tênh cỡ nào! Để xét trí nhớ của anh có bị ảnh
hưởng vì lần tai biến mạch máu não nầy không, tôi cười hỏi :
- Vậy thơ « cua » đào ngày xưa anh còn nhớ không?
Hồ Ông ngập ngừng một chút :
« Tôi trắng tay từ thuở sơ sinh
Mẹ cha chỉ cho trái tim làm vốn
Vì suốt đời chi tiêu bề bộn
Nên lúc nầy lồng ngực trống không
Được em tặng một nụ Hồng
Trong tôi lại thấy ngàn sông đổ về. »
« Qua chùa lòng những muốn tu
Phật tâm sao vẫn mịt mù cõi xa ?
Vướng chân giữa cõi ta bà
Dây oan anh buộc cởi ra không đành
Lẽ nào đắc Đạo mình anh
Thôi thì cõi phúc để dành kiếp sau
Kiếp nầy mình trót thương nhau
Cùng chia mỗi đứa một đầu dây oan ».
Tôi nheo mắt với Tâm Minh :
- Tình vậy bồ còn muốn gì nữa ?
Tâm Minh nhìn chồng, hờn mát:
- Vậy chứ Loan biết không, trong đời làm vợ của mình, anh ấy chưa
bao giờ nhớ ngày sinh nhật vợ, chưa biết mua cho vợ một món quà.
Hồ Ông nhanh nhẫu hơn cả lúc anh chưa bịnh :
- Anh cho em cả cuộc đời. Mỗi ngày bên em đều là Valentine Day
đối với anh.
Tôi yên lặng thưởng thức những mè nheo tình tứ rất dễ thương của đôi
bạn đời tuổi xế, ngay trong khung cảnh bịnh viện. Tôi muốn nói với
Tâm Minh rằng trong suốt khoảng đời làm phụ nữ của tôi, tôi đã bao
lần nhận hoa Hồng, những bức thư tình nóng bỏng, những lời hứa hẹn
ngọt ngào... Có khi, đó là những mối tình một chiều, vì tôi không
yêu hoặc không thể nhận. Cũng có lần, tưởng như mình có thể vứt bỏ
tất cả để chỉ sống cho tình, vì tình... Nhưng thôi, tôi tự dặn dò
mình: Hạnh phúc luôn có bóng ma khổ đau ẩn hiện cận kề! Tôi sẽ đủ
nghị lực để đứng dậy thêm một lần nữa không nếu lại ngã quỵ trong
tình trường? Tôi đã quen với sự tự do tuyệt đối, giờ giấc bất
thường, buồn vui thất thường. Bếp núc cũng bửa lạnh bửa nóng... Tốt
hơn là nên tránh xa, thật xa một đời sống lứa đôi ràng buộc. Tốt hơn
đừng tạo nhân để khỏi gặt quả. Hoa thì đã tàn, dòng thư tình cũng
nhạt theo thời gian, dù tôi vẫn còn cất làm kỷ niệm. Tôi ca ngợi Hồ
Ông về mối tình trước sau như nhất anh đã dành cho vợ, thứ tình cảm
chân chất, không sáo ngữ hoa hòe mà bền chặt keo sơn.
Giờ ăn chiều đến. Thức ăn bịnh viện với chút rau cải và thịt nhạt
phết. Tôi đã từng ăn dùm má tôi trong những ngày bà nằm bịnh viện
nên biết rõ điều nầy. Vậy mà anh ăn ngon lành dù hơi chậm vì bịnh.
Tâm Minh tâm sự: « Tính anh Hồ hay xem nhẹ bản thân và dễ dải
trong mọi hoàn cảnh. Anh không thích làm phiền hà vợ con. Khi thấy
vài bịnh nhân cùng phòng cáu kỉnh với thân nhân, mình càng cảm nhận
được hạnh phúc khi có một ông chồng rất hiền hoà vị tha ».
Vẫn óc khôi hài, anh nói: Bây giờ ăn đồ « Tây bịnh », khi khoẻ
xuất viện sẽ biết ăn món « Tây ăn chơi »...
Tâm Minh đở « người bịnh » ra khỏi giường và đặt trên xe lăn, rất
thiện nghệ sau hơn hai tháng tập sự. Chiều nào mình cũng « lăn »
ảnh đi vòng vòng bịnh viện, nằm trên giường hoài buồn lắm.
Qua đàm đạo, chị bày tỏ: Được săn sóc chồng là một niềm hạnh
phúc. Anh Hồ Ông, qua tai biến nầy, cũng cảm nhận và trân quý
tình nghĩa vợ chồng hơn. Anh chị rất lạc quan và chấp nhận bịnh tật
như một chuyện tự nhiên của kiếp người. Ảnh hưởng triết lý của Phật
Pháp về nghiệp, nhân quả, anh Hồ Ông nói: « Chắc kiếp trước anh
đã làm ai đó bị gãy tay nên bây giờ phải ôm cánh tay liệt ». Tôi
cười:
- Không phải, anh trả cho tội hút thuốc như ống khói tàu mấy chục
năm nay. Còn đầu óc anh vẫn minh mẩn, tim anh vẫn còn tốt, vì anh đã
sống bằng yêu thương và bao dung với đồng loại.
Bịnh anh thuyên giảm rất nhiều so với lần đầu tôi gặp. Anh đã có thể
nhấc chân trái lên được, chỉ có cánh tay trái vẫn một mực cứng đầu
trơ trơ. Hy vọng anh không nghỉ cuộc mà chỉ tạm dừng « cuộc chơi »
trong làng báo chí. Cái nghề mà từ hơn bốn mươi năm, lắm lần anh
phải than vãn qua thơ :
Từ quen với rượu ta luôn say
Vui sướng gì đâu nước non nầy?!
Công danh đã mỏi hơi lặn ngụp
Tỉnh giấc kê vàng tay trắng tay!
Ta ôm sự thật
Như món hàng quốc cấm
Luồn qua những trạm đời
Đến quên ăn quên thở.
Sự thật ơi
Em như con chim nhỏ đậu trên vai
Đám đông thi nhau nhắm bắn
Ôi những giọt máu lăn dài
Anh không có trái tim để thấm.
Anh khôi hài : Anh giàu lắm đấy, có đến ba cái nhà: Nhà báo để
lãnh lương thực, nhà tôi để trú ẩn khi bị roi đời, nhà thơ khi thèm
rong chơi trong ảo mộng.
Khi nghe tôi định viết một bài về hai người. Anh chị Hồ Ông và Tâm
Minh nhờ tôi gởi lời cám ơn đến bạn đọc, thân hữu gần xa trong và
ngoài nước đã thăm hỏi, thăm viếng anh bằng nhiều phương tiện khác
nhau trong thời gian anh nằm bịnh viện.
Tôi đi bên cạnh Tâm Minh cùng Hồ Ông trên xe lăn, cả ba thả bộ chầm
chậm ra ngoài cổng bịnh viện. Tôi lại nhớ má tôi. Bịnh viện
Fairfield, cách bịnh viện Braside một bãi cỏ và một sân đậu xe. Cửa
sổ phòng má tôi kia kìa. Nơi đó má tôi đã nằm liệt giường hơn tháng
với đôi mắt buồn hiu. Đôi mắt tuyệt vọng đã vĩnh viển khép lại vì
tuổi già với căn bịnh trầm kha. Mới đây mà đã hơn năm rồi sao? Chào
bạn xong, tôi định đi vòng qua phòng cũ cuả má tôi. Mà thôi! Khơi
lại một vết thương đã sắp lành có ích gì! Hãy như nước chảy qua cầu,
gió thoảng qua cây. Tôi quay hướng về nơi đậu xe, tự nhắc nhở mình
hãy sống và thưởng thức từng giây phút của hiện tại. Quá khứ đã qua
và tương lai thì chưa tới. Tương lai chưa tới thì có gì để phải lo
toang? Quá khứ qua rồi, không nên lật tới lui một trang giấy cũ để
ngắm nghía xuýt xoa đau đớn. Hãy xem quá khứ như một lớp da tay đã
lột. Ừ, lớp da lột bay vèo theo gió, hoặc đã rơi xuống đất, lẫn vào
cát bụi không còn dấu tích.
Lâm Kim Loan
Tháng Giêng, 2009 |