Võ Thị Trúc Giang - Lúa 9 |
Cây cầu
dừa
mang tên Bình An
BìnhAn
đi ngang qua cây cầu bắt ngang sông nhà cậu Ba nó, cây cầu hồi trước
bắt bằng thân dừa nay má nó sau bao nhiêu năm làm cô giáo làng dành
dụm đã xây được cái cầu bằng xi măng, bề ngang khoảng chừng một
thước rưỡi thôi, nhưng con An ngày nào cũng ẵm con ra đấy ngồi đút
cơm cho con, vì ở tít dưới mé sông một mình, nó cảm thấy cô đơn lắm.
Má con An hồi trước có một mối tình khá nóng bỏng như chuyện Vòng
Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng vậy. Bà là người con thứ trong một
gia đình cha đi làm cách mạng, nghĩa là ông để lại trong miền Nam
vợ và 3 đứa con gái, đi biệt tích. Nhưng sau 75, nhờ có cha là liệt
sĩ nên sau cuộc đổi đời tại miền Nam thì cô giáo Điều cũng nhờ vã
vào đôi chút với lý lịch của cha mình, mặc dù ông chả có công nuôi
dưỡng gì cả mấy chị em khi mẹ bà còn sống. Mẹ của bà khi sinh tiền
lại vướng vào ham mê tứ sắc, cờ bạc ngồi sòng bài, cũng may là mấy
chị em gái đứa nào cũng làm nghề cô giáo hết.
Cô giáo Điều thời còn trẻ xem ra cũng không phải thuộc loại xấu gái,
coi cũng được nét, mặc Áo dài đi lễ chùa đầu năm cũng có duyên lắm
chứ, nhưng hình như cô cao số, cho nên tình duyên đến với cô không
thành, cho đến khi cô Điều đã sồn sồn rồi cũng đã qua băm lăm băm
sáu gì đó, thì cô phải lòng một cậu học sinh trong trường mình. Cậu
này hay vào ra nhà thăm cô mình, vì có hiếu với cô, những gì trong
vườn nhà cô mình nặng nhọc anh đều không nề hà, xăn tay áo giúp,
tình thầy trò dưới quê nặng lắm. Cho đến ngày tin cô mang thai tung
ra như trái bom nổ chậm... Người chị lớn của cô giáo Điều và người
em Út ai cũng lấy làm nhục nhã chuyện gối chăn thiếu đạo đức này của
thân nhân mình, cô giáo Điều bị xã hội ruồng bỏ, nhà trường chưa
chính thức đuổi cô, thì cô xấu mặt nên đòi cùng nhân tình trốn đi xứ
khác.
Ngày cô giáo Điều cùng người yêu trốn khỏi nhà định dọn ngầm mang đồ
đạt về Đà lạt để xây dựng tổ uyên ương mới, chờ ngày nở nhụy khai
hoa, xui xẻo ngày đó bà chị lớn biết được âm mưu của cô em, bèn kêu
công an tới niêm phong nhà cửa truy tố là „ cái thằng học trò nhóc
kia dụ dỗ em tôi để ăn cắp gia tài của cha mẹ để lại ! „
Thế là họ ra đi tay không trong khi cô giáo Điều bụng mang dạ chửa
tủi nhục ê chề, hàng xóm láng giềng dị nghị, rẻ rún, tai tiếng khôn
lường. Nhưng con An cũng ra đời Bình An, đó là tên của má nó đặt
cho nó như thế, bà mong cho đời bà và con gái được bình an. Cuộc đời
đã xuôi chảy đâu như người đời mong muốn, cậu học trò xưa kia được
cô nuôi tay áo nuôi ăn học ra trường kỷ sư tại Việt nam TP *** , rồi
chàng đến tuổi đi nghĩa vụ bên Cam Bốt, dĩ nhiên là tuổi giữa cô và
chàng học trò này cách nhau những hai chục tuổi! Chàng ta lấy vợ
đàng hoàng do gia đình đứng ra tổ chức, vợ chàng là do gia đình
chàng ta chọn lựa, đường đường chính chính.
Nghe tin ấy cô giáo Điều muốn tắt thở vì đau khổ, nhưng „ xa ba
con An lâu rồi miết rồi cũng quen!“ Bà thường nói thế. Giờ đây
con An trưởng thành, có chồng, chồng nó nghe nói làm trong văn phòng
bệnh viện tỉnh, con An chỉ ở nhà nuôi con, và hay ra đầu cầu xi
măng đút cơm cho con ăn, ngay cây cầu đó ngày xưa cô giáo Điều cũng
hay từng ngồi đút cơm cho con An ăn chờ chồng về, nhưng chàng đi mãi
đi mãi và nay hạnh phúc bên mái ấm gia đình riêng mình.
Có lần nghe cô giáo Điều tâm sự: „ Tui đâu có trách ổng, cũng cảm
ơn ông đã cho tui đứa con, chứ nếu không có con BìnhAn, về già lủi
thủi một mình tui còn cô đơn hơn nữa, dù gì ba con An cũng cấp dưỡng
tiền bạc cho nó ăn học thời gian nó còn bé, con BìnhAn dù gì cũng
còn có ba, nó còn hạnh phúc hơn tui „.
Võ thị Trúc Giang - lua9
thứ sáu, ngày 1 tháng 12 năm 06 |