.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Võ Thị Trúc Giang - Lúa 9

Chờ đêm tối về...

  • 08.02.2008

Hình chụp vào tháng 5 năm 1968 trong cuộc tổng công-kích Tết Mậu Thân tại Quận 8 ở Saigon. Một người lính VNCH quỳ bên cạnh xác chết của một thường dân xấu số.
(HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm)

Người Việt mình hay nhạy cảm với cụm từ „làm chính trị„ tôi chợt nhớ tới ba tôi khi xưa khi người còn sống, cũng có hành vi gọi nôm na là chính trị tâm lý chiến ... 

Năm đó hình như là trước Tết Mậu Thân. Tôi nhớ  rất rõ vì cái nhà trong Thất Cao Đài của tôi còn nguyên chưa bị bỏ bom đìa, tất cả như mới ngày hôm qua trong trí nhớ mình. Năm đó loạn lạc, có nguyên một sư đoàn 7 đóng  sau nhà tôi mé vườn ráp ranh với cô hàng xóm tên gì tôi quên tên rồi, đại khái là hai vườn nằm sát ranh nhau. Đêm đó từ bên kia vườn hàng xóm có tên VC cảm tử cầm quả lựu đạn dự định ném làm nổ tung ổ súng đại liên của sư đoàn 7 đang đóng. Hai bên „xáp lá cà „ súng tỉa lên đạn bay véo véo sau vườn, xuyên qua cửa sổ thấy đạn tóe lửa bay trên trời. Ba mẹ tôi bắt mấy đứa con nít chúng tôi chui hết xuống  hầm trú thân. Cái hầm thời đó ba cho xây kiên cố lắm, dày độ chừng nửa mét, giữa hai bức tường ba cho người đổ cát đầy ấp, bên trên mặt hầm là 4 miếng nệm mút chất cao chồng lên nhau. Nghĩa là trốn dưới hầm sâu dưới lòng đất ấy bảo đảm súng hay nổ plastic đạn sẽ né chúng tôi. Lúc đó tôi nghĩ thế.

Trong khi chúng tôi chui rút xuống hầm, chị tôi, con gái mới lớn đang biết yêu, lo cho người yêu mình ngoài sau vườn, chị mới len lén kéo cái chốt  cửa sổ hé hé dòm ra ngoài hè, xem động tĩnh ra sao, bỗng có tiếng anh lính nào đó quát to:

- Để yên ! Mở cửa là ta bắn liền !

Một trong các anh ấy là người yêu của chị tôi. Họ mới quen trong thời gian sư đoàn 7 đóng tại khu vườn này. Cũng khá lâu để tình quân dân nẫy nở. Ban ngày thì những anh lính ấy là  bạn của gia đình tôi, sau khi các anh đi hành quân về hay nấu nướng, nghỉ chân sau mé vườn, tâm sự thân tình là bạn dân, trông các anh lính mặt trẻ măng non chẹt ấy, nhưng ban đêm khi hai bên đụng trận tự dưng một tiếng động khẽ cũng làm các anh cảnh tĩnh và ngờ vực. Mẹ tôi sợ hãi lồm cồm bò ra khỏi hầm kéo chị tôi xuống trở lại, chị khi ấy mới có 17 tuổi, xuống hầm mẹ còn ký vào đầu cho mấy cái bảo:

- Đồ ngu nè, may là chưa ăn đạn nghe con!!  

Kết quả là sáng sớm ngày hôm sau quang cảnh điêu tàn, mấy cây dừa dây chuối đổ ngả nghiêng, nhưng mấy đứa trẻ thơ mừng rỡ chạy giỡn nô đùa với nhau ngoài sân, chúng quên nhanh lắm, miễn sao đừng ép chúng trốn hoài trong hầm ngộp thở là chúng khoái rồi. Tôi chạy tung tăng theo tụi con nít hàng xóm, chợt thấy bên lề đường bà con nhốn nháo, bu đông đen nghẹt…Tò mò tụi con nít xúm lại coi, bỗng một thằng hét to:

- Ui cha mẹ uiii, rồi nó co rúm vai lại, ôm lấy miệng, mặt tái mét chạy đi chỗ khác ói … " Đó là một cái xác chết tụi bây ơiii, chạy lẹ hổng thui ổng đứng dậy  đuổi theo mình bi giờ á !"  

Đám con nít tụi tôi mặt mày xanh lét chạy đi không dám dòm coi Việt cộng nhìn ra làm sao. Người ta chỉ nghe chứ chưa biết Việt cộng là ai ra sao mà ghê quá vậy! Đám đông người lớn ấy, bất kể lính tráng hay thường dân người  gánh hàng rong, phu quét chợ, dần dần giải tán. Đó là xác anh Việt cộng nằm vùng đêm qua dám to gan bò vào định phá ổ đại liên của sư đoàn đang đóng mé vườn sát con kinh. Một viên đạn xuyên ngang tim hay sao đó nên anh ta mất máu và chết mặt mày xanh lè. Người ốm nhom. Quân đội an ninh chưa cho di tản xác anh ta vội, họ còn để đấy nhữ xem thân nhân trong vùng ai ra nhận xác. Nhưng chờ mãi không thấy thân nhân nào ra nhận xác, buổi trưa nắng xế, ba tôi với tư cách chủ đất, con của ông cũng là sĩ quan trong quân đội, ba tôi nói:

- Thôi các anh cho "ba"  xin, đem cái xác đi chôn, để xác nằm lây lất ruồi bu không tốt cho quân mình, cho phép ba đem chôn trên đất nhà nhá …mọi sự rồi hậu tính.  

Mấy anh sĩ quan quốc gia ưng thuận. Tôi thấy ba gọi ông hai Lũy, làm vườn tin cậy lâu năm của gia đình, lấy chiếu cuốn xác anh ta lại, bỏ vô hòm, lấy xe đẩy kéo về trên Bình Nguyên, chôn cất đơn giản trong đất nhà mình. Trong trí nhớ tôi chỉ còn nhớ có thế. Và hình như về sau này, nghe kể lại là cái mộ phần ấy có người len lén vào đào lỗ ăn cắp xác con mình đem đi mất.  

Với trí óc non nớt trẻ thơ của tôi chỉ còn mài mại, cũng đủ làm tôi nổi da gà khi nghĩ tới: Một người mẹ đau khổ nào đó chờ đêm tối âm thầm vào nghĩa địa cướp xác con mình về. Ngẫm thật là buồn ! Ôi chiến tranh ơi thân phận nước tôi!

Dân mình dưới quê nghèo quá lại ít học có ai ham làm chi chính trị nhỉ. Họ có hiểu gì là chính trị đâu! Ai là người âm mưu xúi bảo họ lâm vào con đường hy sinh quên luôn thân mình như thế ấy nhỉ?

Các anh trai tôi cũng như đông đảo con trai miền Nam trước biến cố 75 đều bỏ áo thư sinh đi lính quốc gia cầm súng gìn giữ quê hương. Sau 75 bị cầm tù, người thì thoát thác xuống biển, họ có làm chính trị không nhỉ?

Hiện nay xa quê hương nhớ nhà họ tập họp gây cứu trợ giúp người trong nước, họ đi biểu tình đòi thả tự do và các nhà lãnh đạo tinh thần, những người dân yêu chuộng tự do dân chủ đang bị bắt bớ trong nước. Hành động đó có phải là hành động chính trị  không ta? Cho ai nhỉ?

Hay là ngồi gõ ghi lại kỷ niệm thời ấu thơ như tôi đang làm cũng là hành vi chính trị đáng bị cấm đoán à? Chính trị là gì mà ghê thế nhỉ ???

 

Võ thị Trúc Giang Lúa 9

26.10.07

 

VÕ THỊ TRÚC GIANG - LÚA 9

 

Tên thật : Võ thị Tường Vy


Sinh Trưởng tại Bến Tre, tốt nghiệp trường trung học Nguyễn Đình Chiểu - Kiến Hoà. Hai năm Cao Đẳng Sư Phạm Mỹ Tho.

 

Vượt biên sang Mã Lai 1978, định cư tại Đan Mạch.

 

Tốt Nghiệp trường Laborant tại Copenhagen, sinh viên Nha Khoa tại Copenhagen.

 

1981 theo chồng sang định cư tại Tây Đức, làm kinh doanh.

 

Tham gia vào ban văn nghệ địa phương ngay từ bước đầu cho đến nay, đã từng tổ chức gây quỹ giúp cho con tàu Cap Anamur cứu vớt thuyền nhân, nay là Hội Mũ Xanh,

 

Cộng tác với các tờ báo Viên Giác Đức Quốc, báo Nhịp Cầu Strasbourg, nhiều báo khác nhau tại Hoa Kỳ.

 

Là Thành viên BCH của Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Saarbruencken.

 

Thành viên BCH của Trung Tâm Văn Bút Âu Châu.

 

Sáng lập viên trường Việt ngữ tại Saarbruecken (Đức Quốc).

 

Đã xuất bản :
- Tình yêu Nuôi Tôi Lớn (Truyện và thơ) - 1999.
- Đây Mưa Kia Nắng (Truyện và thơ) - 2005

 

Sắp Xuất bản :
- Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn (Đức Ngữ).

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.