
Ngày… Tháng…
Tháng tư năm 1975. Thời điểm gắng quên mà vẫn mãi nhớ. Ba mươi
ba năm trôi qua. Bao nhiêu là hồi ức. Không phải với riêng cá
nhân tôi, mà còn với nhiều người và nói rộng ra, cả dân tộc nữa.
Những vết chém tới bây giờ vẫn chưa lành miệng. Những đau xót
đến ngày nay vẫn còn tồn tại trong tâm. Nhiều người kêu gọi xóa
bỏ chiến tuyến gạt bỏ hận thù. Nói thì dễ, nhưng hiện trạng bây
giờ, vẫn còn rất nhiều điều để thấy rằng cái hố sâu ngăn cách
dân tộc của thời nội chiến không dễ gì lấp đầy.
Đọc trong những tác phẩm mới xuất bản gần đây ở trong nước tôi
mới thấy rằng ngay cả những người cầm bút cũng vẫn còn ảnh
hưởng cái tư tưởng “ địch–ta “ khá nặng nề. Mà tư tưởng ấy lại
là sản phẩm còn sót lại của một nền văn học cổ võ hận thù tán
dương chiến tranh, sản phẩm của tuyên truyền. Dù có đổi mới tư
duy, có nhìn ngắm lại, nhưng ảnh hưởng vẫn còn trong văn
chương.
Với những người Cộng sản Việt Nam, tuyên truyền ở một vị trí
xung yếu. Tất cả, trên mọi phương diện đều phục vụ cho một mục
tiêu: tạo một bánh vẽ tốt đẹp để cưỡng bách bắt mọi người phục
vụ theo đường hướng định sẵn. Nhà văn Alekxandr Solzhenitsyn
trong diễn văn đọc khi nhận giải Nobel về văn chương đã viết về
tính chất của các chế độ độc tài toàn trị như sau:
“… Ai là người sẽ đặt câu hỏi với chúng ta: văn học sẽ làm được
gì để chống trả lại sự công hãm khốc liệt của cường quyền công
khai? Là: chúng ta phải nhớ mãi rằng bạo lực không thể đơn độc
một mình và cũng không có khả năng tồn tại duy nhất, nó bắt buộc
phải bắt tay với sự dối trá. Giữa bạo lực và dối trá có mối quan
hệ sâu sắc ruột thịt tự nhiên: bạo lực được che đậy kín đáo bằng
dối trá và dối trá cũng nhờ vào bạo lực để tồn tại. Nếu có một
kẻ nào tự nhận bạo lực là phương pháp áp dụng của mình thì bắt
buộc phải chọn dối trá làm chỉ nam hướng dẫn. Khi khởi đầu quyền
thế, bạo lực nghiễm nhiên công khai và rất là kiêu hãnh. Nhưng
khi đã bành trướng, đủ sức mạnh áp chế với vị trí độc tôn của
mình, nó lại cảm thấy bất an với dông bão chung quanh và chỉ
thấy sẽ tồn tại được nếu cứ tiếp tục dối trá. Và dối trá đã sẵn
được ngụy trang bằng nhũng ngôn từ ngọt ngào hoa mỹ. Bạo lực
không nhất thiết luôn luôn bóp cổ bẻ họng trực tiếp dân chúng mà
phần đông chỉ đòi hỏi từ nhân dân của chúng một lời thề từ dối
trá, để có mặt trong vai trò ấy một cách tự nguyện.
Bước giản dị của một người dũng cảm để chống lại là không tham
dự vào trò dối trá và không đi theo những việc làm dối trá. Nếu
bắt buộc cứ để nó ngự trị và nếu thống trị cả toàn cầu cũng
chẳng sao, ta không đứng về phía nó! nhà văn và nghệ sĩ còn có
thể tích cực hơn nữa: chiến thắng sự dối trá. Trong cuộc chiến
sinh tử này, nghệ thuật bao giờ cũng đã và đang chiến thắng. Sự
ấy hiển nhiên, không một ai có thể chối cãi. Dối trá có thể lừa
được rất nhiều thứ trên thế gian này nhưng chỉ bị một khắc tinh:
nghệ thuật… “
Trở lại với hiện tình Việt nam tình trạng tụt hậu hiển nhiên rõ
ràng. Từ mọi mặt, là sự sa sút tràn đầy. Xã hội tha hóa, giáo
dục xuống cấp, con người chạy theo tiền bạc, luật pháp bất công,
kinh tế trì trệ, thì đôi khi những nhà văn đã nhìn lại quá khứ
chiến tranh và để tự hào vì những kinh nghiệm sống đã có.
Tôi đã đọc bài viết của Phùng Nguyễn ”Khi nhà văn không chỉ là
kẻ đồng lõa” và có phần nào chia sẻ với những điều ông diễn tả.
Phùng Nguyễn đã đọc Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái và quả tình đã
thật xấu hổ khi có những nhà văn được tạm gọi là tiêu biểu cho
văn học trong nước mà lại có giọng văn như thế. Ông đã trích dẫn
một đoạn từ truyện dài: ” Đi Tìm Nhân Vật“ của Tạ Duy Anh:
“…quân ta ào lên, bắt giết, đâm, dẫm đạp. Một mụ ngụy cái, ngực
để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc
lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt
khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa hết hy vọng. Giết người
lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng ngụy bị mình xọc lê vào
bụng, nghe “thụt“ một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng
súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giẫy
chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ..”
và một đoạn khác cũng … kinh dị không kém:
“Hai ngày sau bọn địch phản công. Cả trung đội mình bị băm nát.
Thằng Thiết bị đạn găm đầy mình, vừa đưa tay ấn ruột vào vừa bóp
cò. Bọn ngụy ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống thằng Thiết. Như
sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay
một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội. Nó đã
hy sinh như một người anh hùng trên chiến trận...”
Và trong “Cõi người rung chuông tận thế“ của Hồ Anh Thái (hình
như là chủ tịch hội nhà văn Hà Nội) cũng ghê gớm tàn bạo không
kém:
”Hùng lao người bơi xuôi theo dòng suối tương đối cạn, xa hẳn
chỗ Hoa đang nấp. Lũ thám báo văng tục chạy men bờ đuổi theo. Có
những chỗ suối cạn không bơi được Hùng phải chạy. Bốn tên thám
báo nhảy chồm chồm trên những tảng đá giữa lòng suối rồi quây
được Hùng vào giữa. Anh quật ngã một thằng. Nó cắm đầu xuống
nước không thấy động đậy gì. Nhưng những thằng kia đã xúm lại.
Chỉ một lát sau, chúng đã lôi xềnh xệch Hùng lên bờ. Thân thể
anh bầm dập đẫm máu. Chúng đấm đá anh túi bụi để lấy cung cho
tới khi anh ngất đi. Anh tỉnh lại chúng đánh tiếp. Hoa hiểu vì
sao chúng không dùng đến súng. Chúng cũng không muốn gây ra
tiếng nổ ở vùng rừng này.
Cuối
cùng, điều Hoa không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo
sẽ lôi Hùng đi làm tù binh để tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng
thằng cầm con dao găm của anh đã cúi xuống rạch một đường thành
thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một tiếng rùng rợn. Ở
trên cao Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia đè
chặt chân tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra. Chúng nổi
lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được
phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn...”
Tôi tưởng những danh từ như “mụ ngụy cái”, “lũ thám báo“,...
hoặc những chuyện moi tim gan người để ăn nhậu, có lẽ đã mất
biệt rồi chứ? Cái văn chương sặc mùi căm thù ấy vẫn còn tồn tại
sao ? Mà cả với những người cầm bút luôn luôn kêu gọi hòa
giải!!!
Nhà văn mà còn viết với giọng như thế thì những từ ngữ như “hòa
giải, hòa hợp”, hay “hợp lưu, giao lưu” liệu còn ý nghĩa không?
Tôi đọc những hàng chữ ấy và thấy hệ thống tuyên truyền quả đã
có tác dụng, không phải với giới bình dân mà cả trong văn
chương.
Đi xa hơn nữa, Bảo Ninh, người viết “Nỗi buồn chiến tranh” trong
truyện ngắn “305” in trong tập “Lan man khi kẹt xe” đã đổ tội
cho cả toàn dân miền Nam cái tội vong bản chạy theo đế quốc mà
bỏ lại người thân một cách lãnh đạm vô nhân. Truyện ngắn này kể
lại chuyện những người lính lái xe tăng mang số 305 trên đường
hành quân đã ghé vào một thị trấn nhỏ khi đang hành quân vào
tháng tư năm 1975. Và nhờ cung cách hiền hòa họ đã làm cho người
thiếu phụ ở đó cảm mến. Sau đó cả xa đoàn chết hết chỉ còn sót
lại một người trở về thị trấn xưa ghé thăm người thiếu phụ ấy.
Giây phút gặp lại anh ta mới biết cả gia đình đã bỏ rơi chị để
di tản ra nước ngoài. So sánh gia đình chị và anh bộ đội kia chị
thấy cảm mến anh bộ đội ấy hơn…
Ở thời điểm bây giờ, mà còn viết với luận điệu như thế, nào ta
anh hùng, địch dã man, ăn tim gan người sống. Cái nếp nghĩ, nếp
viết ấy đã ăn sâu vào tâm thức người viết và bao nhiêu năm sau
chiến tranh mà vẫn chưa hề thay đổi. Phùng Nguyễn nhận xét khá
xác đáng:
“... Có qúa nhiều điều luôn rắp tâm kéo nhà văn xuống thấp có
khi thấp hơn cả mức độ cho phép. Đó là khi họ, vì một hay nhiều
lý do, phải nín thở qua sông, phải viết điều không muốn viết,
phải ca tụng những điều không xứng đáng, phải báng bổ điều họ
thực sự quý trọng. Họ buộc phải đứng về phía của kẻ mạnh. Nhưng
cũng có khi, không phải là luôn luôn vô tình, họ chọn đứng cùng
phía với những thế lực đen tối một cách tự nguyện, gieo rắc mầm
độc hại xuyên qua việc xiển dương điều trá ngụy. Chính là ở đây,
nhà văn trở thành không chỉ là kẻ đồng lõa.”
Câu hỏi là bây giờ, các người cầm bút sẽ phải làm gì để hố ngăn
cách nhau được lấp dần đi? cả người cầm bút ở trong nước và hải
ngoại? Nhưng xem ra câu hỏi chỉ để mà hỏi. Khi văn học ở trong
nước còn là một công cụ để phục vụ cho nhu cầu tuyên truyền của
chế độ hiện hữu thì còn rất lâu sự phân hóa tạo thành chiến
tuyến của thời chiến tranh…
Ngày… Tháng…
Một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã ra đi. Nhà thơ Lê
Đạt từ trần ngày 21 tháng tư tại Hà Nội, thọ 79 tuổi. Đã có rất
nhiều bài viết về ông, một nhà thơ luôn luôn đánh vật với ngôn
ngữ để cố gắng tao ra nét sáng tạo cho thi ca. Nỗ lực cách tân
của ông, tận dụng những kỹ thuật để làm nổi bật lên sự độc đáo
của con chữ, dường như kéo dài trong suốt cả cuộc đời ông.
Riêng với tôi, bài thơ làm tôi nghĩ đến Lê Đạt là bài thơ “Ông
Bình Vôi” đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân:
“Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
y như một cái bình vôi
càng sống càng tồi
càng sống càng bé lại…“
Đó là một cách nói ám chỉ đến Hồ Chí Minh, dù bề ngoài chỉ là để
đả kích những cán bộ nhiều tuổi đảng sống lâu lên lão làng mà cả
tư cách và tài năng đều hèn kém. Ở một chế độ toàn trị như ở
miền bắc thì đụng chạm đến lãnh tụ là một điều không thể tha
thứ. Và, nhà thơ đã phải chịu mấy chục năm lao đao, muốn viết mà
không được viết và bị gạt bỏ ra ngoài sinh hoạt chữ nghĩa.
Trong cuộc phỏng vấn của báo Thanh Niên gần đây, ông đã có những
nhận xét về thơ như sau khi trả lời câu hỏi tập thơ mới nhất
U75 có những thể nghiệm thơ khác với trước đây không:
“Khác nhiều chứ, nó khác với thể loại thơ hai-kau (haiku) trước
đây của mình. Một nhà thơ nước ngoài đã nói ”Khi ngôn ngữ thơ là
hình ảnh, nó trói buộc ta trong một nhà tù rất ghê gớm và thoát
ra khỏi nhà tù ấy là bước đầu tiên đã dám đổi mới, ta đã dám
sống mới” Điều ấy quan trọng lắm và tôi cho rằng cách tân là
quan trọng nhất. Vì những câu thơ hay bao giờ cũng xuất phát từ
cách nhìn mới, bởi hiện tượng chính là tự nhiên cùng với cách
quan sát về nó nên thay đổi cách nhìn là điều quan trọng nhất
đối với một nhà thơ. Trong tập thơ mới này của tôi ngoài phần
thơ hai-kau còn thêm phần đoản ngôn rất mới và là một hình thức
suy nghĩ ngắn gọn về nghệ thuật và cách ứng xử trong cuộc đời.
Thể thơ đoản ngôn này thoải mái hơn tập thơ hai–kâu vì nó viết
theo kiểu thơ văn xuôi..”
Trong Từ Điển Văn Học bộ mới đã nhận xét về nhà thơ Lê Đạt như
sau:
“Những câu thơ của ông đưa chúng ta vào mê cung chữ nghĩa và gợi
ý với ta vô số dạng kết hợp mới có cả đảo ngữ, nói lái, thay con
chữ, coi mỗi chữ có một hóa trị riêng…”
Ông còn sáng tạo ra một thể thơ mà ông gọi là “hai-kâu” mỗi bài
chỉ có hai câu mà gói ghém tất cả ý lời. Thí dụ như bài Chân
trời gợi ý từ câu thơ Trần Dần: ”Tôi khóc những chân trời không
có người bay”:
“Đời bất trắc mộng đầy đất chật
Đói sân chơi hành khất chân trời”
Hay bài “Phố Phái”
“Xe chuyển bánh mặc anh hớt hải
Đất Phố bụi mày cuối Phái mưa may”
Đã có rất nhiều nhà phê bình khen và tán thưởng thơ của ông cũng
như có nhiều người lại tỏ ra dị ứng với những điều mà ông đã cố
công đem vào thơ để tạo sự cách tân. Những kỹ thuật như dùng đảo
ngữ, hoặc dùng những ngôn ngữ dễ tạo ra sự liên tưởng hoặc mang
nhiều ý nghĩa tạo ẩn ý đã được ông xử dụng để tạo thành một lớp
vỏ bọc cho thơ.
Riêng tôi, tôi thích những bài như “Cha Tôi”, ý rõ ràng, lời
giản dị. Chính vì những con chữ đã đi trực tiếp vào giác quan
nên chất cảm được nhận thức rõ ràng hơn. Bài thơ như một câu
chuyện kể của một người không cưỡng được lại những xô đẩy cuốn
hút của cuộc sống nên suốt đời sống trong ray rứt dằn vặt. Một
người cha giống dòng cách mạng ngang tàng được phác họa bằng
những câu thơ đầy cảm khái:
“Đất quê cha tôi
đất quê Đề Thám
rừng rậm sông sâu
con gái cũng theo đòi nghề võ.
Ngày nhỏ
Cha tôi dẫn đầu
Lũ trẻ chăn trâu
Phất ngọn cờ lau
Vào rừng na Lương đánh trận
Mơ làm Đề Thám
Lớn lên
Cha tôi đi dạy học
Gối đầu lên cuốn Chiêu Hồn Nước
Khóc Phan Chu Trinh
Như khóc người nhà mình
Ôm mộng bôn ba hải ngoại
Lênh đênh khói một con tàu
Ngâm nga mấy vần cảm khái
Đánh nhau với Tây
Bỏ việc
Lang thang
Vào Nam
Ra Bắc
Cắt tóc đi tu
Nhưng quá nặng nghiệp đời”
Thế mà vì nặng nợ gia đình, vì sinh kế đa đoan nên không sống
thanh cao được vì
“muốn sống thanh cao
đi lên trời mà ở
mày đã quyết kiêu căng
níu lấy cái lương tâm gàn dở
dám
không tồi như chúng tao
suốt đời mày sẽ khổ.”
Nhưng rồi, tất cả chỉ là nỗi niềm dằn vặt của một người không
cưỡng lại được những xô đẩy của cuộc sống. Sẽ không thanh cao
nữa để khỏi khổ về vật chất nhưng đau đớn ở phần tâm hồn:
“Rồi cha tôi
lui tới nhà quan tuần quan phủ
lúc về
gặp tôi
đỏ mặt
quay đi
Một hôm
Tôi thấy chữ R.O.
Treo ngoài cửa
Cha tôi không dạy tôi làm thơ nữa
Người còn bận đếm tiền
Ghi sổ
Thỉnh thoảng nhớ những ngày oanh liệt cũ
Một ngày uống rượu say
Ngâm mấy câu Kiều
Ôm mặt khóc
Tỉnh dậy
Lại loay hoay
Ghi sổ
Đếm tiền
Hai vai nhô lên
Đầu lún xuống
Như không mang nổi cuộc đời
Bóng in trên tường vôi
Im lặng
Ngọn đèn leo leo ánh sáng
Bóng với người
Như nhau
Múi ẩm mốc tiếng mọt kêu cọt kẹt
Ở chân bàn
Hay ở cha tôi
Cuộc sống hàng ngày
Nhỏ nhen
Tàn bạo
Rác rưởi gia đình
Miếng cơm manh áo
Tàn phá con người
Những mơ ước thời xưa
Như con chim gãy cánh
Rũ đầu chết ngạt trong bùn
Năm tháng mài mòn
Bao nhiêu khát vọng
Cha đã dạy con một bài học lớn
Đau thương
Kiên quyết làm người.”
Bài thơ này nhà thơ Lê Đạt làm đã lâu từ năm 1956 đến nay đã hơn
nửa thế kỷ sao tôi đọc lại vẫn nghe có điều gì gờn gợn trong
lòng. Thực tế cuộc sống đã bày ra những bài học để con người
phải chọn lựa. Và, kết cuộc chỉ là một tiếng thở dài, rất nhẹ
nhưng sâu lắng.
Đọc bài thơ trên, tôi không tìm thấy những con chữ cầu kỳ, những
đảo ý gút mắc, những ẩn ngữ sâu xa. Thơ như câu chuyện kể thường
ngày, ngôn ngữ bình dị, và người đọc không cần phải trang bị bất
cứ một thứ gì để tiếp cận với những ý lời diễn tả. Tôi lại chợt
nhớ đến một nhà thơ khác nói về thơ hậu hiện đại và phê bình
những người không ưa thích là không đủ khả năng về kiến thức để
lãnh hội cái hay, cái đẹp, cái lạ của thơ hậu hiện đại hay thơ
tân hình thức. Kể ra, hiểu thơ và cảm thơ cũng có nhiều cách,
cũng như cách tân cũng có nhiều kiểu. Nhưng phê bình những người
khác sở thích với mình là không đủ tri thức là một điều khá chủ
quan và nông nổi. Cũng như, có nhà thơ đã chết rồi mà còn đòi
sống lại để bóp cổ kẻ vẽ rắn thêm chân vẽ rồng thêm cánh cho
những bài thơ của mình được tán hươu tán vượn và gán cho những ý
tưởng hoàn toàn xa lạ với tâm thức và những điều diễn tả…
Đối với tôi, Lê Đạt là một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm
đã bị nhiều truân chuyên trong cuộc sống văn chương và đời
thường. Và chỉ có thế cũng đủ để tôi khâm phục. Sống làm người
trong chế độ Cộng Sản đã khó, huống chi là nhà văn. Ở cái tuổi
của ông, ông vẫn miệt mài làm thơ, vẫn say sưa với những thử
nghiệm ngôn ngữ của mình, vẫn đem hết tâm lực của tuổi già còn
sót lại từ lúc ấu thơ với mộng ước tạo thành một cuộc cách mạng
trong thi ca. Qua bao nhiêu chìm nổi của cuộc sống, bị bao nhiêu
là cay đắng dằn vặt của cuộc sống, cái tâm thức cống hiến cho
đời cho văn chương vẫn còn rạng rỡ. Bây giờ, ông đã đi xa và bay
xa… Một kẻ hậu sinh như tôi, đọc một bài thơ, góp một vài ý kiến
nhỏ, cũng là một cách thế để nhớ về và tưởng niệm…
Ngày...
Tháng…
Có những trang sách, giở ra một cuộc đời. Có những cảnh ngộ,
chia ly để rồi đoàn tụ, như nước chảy về nguồn. Tôi đọc một
cuốn sách để tưởng tượng ra một đời sống mà ở đó một cô bé 7
tuổi đã khởi hành một chuyến qua nửa trái địa cầu với tất cả
sự đơn độc và bỡ ngỡ. Tôi đọc, bát đầu từng trang “Oceans Apart:
A voyage of international adoption”. Tác giả Mary Mustard Reed,
một cô bé người Việt mang tên Hiền nhưng lại mang tên họ của
người bản xứ. Cuốn sách vẽ lại một cuộc đời bắt đầu từ chuyến ra
đi bằng máy bay rời khỏi đất nước Việt Nam ở phi trường Tân Sơn
Nhất khi cô bé vừa bảy tuổi. Một biến cố kỳ lạ đã làm thay đổi
cả cuộc đời cô khi bà mẹ cô đã giao phó cô cho một cặp vợ chồng
người Mỹ làm con nuôi. Bà đâu biết rằng đã đẩy đứa con gái ấy
vào một cuộc sống xa lạ u buồn mà tuổi ấu thơ đã trải qua như
một cơn ác mộng kéo dài. Mary (tức Hiền) vẫn nhớ như in ngày
phải rời khỏi vòng tay của bà mẹ để đi vào một cuộc sống mới,
ngỡ ngàng đối với một đứa bé.
Là một đứa trẻ lớn lên ở Hoa Kỳ, Mary đã trải qua những tháng
ngày u ám khi ở với gia đình Mustard với sự bạo hành về tâm hồn
lẫn thể xác. Không lâu sau khi đến Hoa kỳ, cô bé đã hỏi về người
mẹ với người cha nuôi, Sam Mustard, thì được trả lời rằng mẹ cô
là một nạn nhân của cuộc pháo kích ở Sài Gòn trong thời kỳ chiến
tranh đang dữ dội ở đó. Dĩ nhiên, đó không phải sự thực và mãi
đến hơn ba chục năm sau với thời gian trải qua từ giọt nước mắt
vô vọng, với sự giúp đỡ của Hội Hồng thập Tự, hai mẹ con mới
trùng phùng với nhau. Cả hai gặp nhau trong bất ngờ, một kết
cuộc tốt đẹp đã đến với họ. Mặc dù, một câu hỏi vẫn còn dằn vặt
trong lòng người con gái. Tại sao một người mẹ lại nhẫn tâm đem
con của mình đến một nơi chốn xa lạ mà không cảm thấy đau xót?
Tại sao và điều gì đã thúc đẩy bà hành xử như vậy. Và, câu trả
lời chỉ có khi cô bé nay đã trở thành một phụ nữ khá thành đạt
trở về thăm lại chốn cũ xưa, nhìn lại những căn nhà nghèo nàn
thiếu tiện nghi để tưởng tượng ra một cuộc sống sẽ kéo dài trong
thiếu thốn lầm than nếu mình không ra đi làm con nuôi. Cô mới
hiểu được cái động lực mà mẹ cô đã giao phó cuộc đời cô cho một
gia đình Hoa Kỳ xa lạ.
Tác giả Mary Mustard Reed đã trả lời câu hỏi là điều gì đã thúc
đẩy bà viết để tạo thành tác phẩm này khi đề cập đến tâm trạng
và ước vọng của mình. Thứ nhất bà muốn thắp lên một tia ánh
sáng về một cuộc chiến đấu để tự cứu mình để trở thành một kinh
nghiệm hữu ích cho những người đồng cảnh ngộ. Hơn nữa, quan yếu
hơn, bà muốn lấy từ chuyến ra đi đau thương của mình để hy vọng
rằng những người khác sẽ không bị trải qua những đau thương buồn
khổ mà bà đã phải chịu đựng. Bà cũng muốn gửi gấm đến những
người con nuôi và những người làm cha mẹ nuôi những thông điệp
rất tế nhị rằng tùy theo cách đối xử của những người cưu mang
đứa con nuôi, tốt đẹp hay bi đát giống như chuyện cổ tích hay
cơn ác mộng.
Nguyên do thứ hai thúc đẩy bà viết là muốn gìn giữ và làm sống
lại lịch sử của gia đình mình, viết như một cách thế hướng vọng
về các đứa con mình và những thế hệ kế tiếp. Trong thâm tâm bà,
đó là một phần di chúc để lại.
Lý do thứ ba, thì tác phẩm “Oceans Apart“ chính là một lời tạ ơn
đến tất cả những ngươi đã tạo thành sự kỳ diệu trong cuộc đời
mình, những người đã giúp đỡ, đã tin tưởng và nâng đỡ bà để có
một đời sống khá thành đạt hiện nay. Với bà, họ là tất cả cho sự
vinh quang của mình.
Kế tiếp, bà hy vọng rằng từ tác phẩm này nhiều người sẽ tìm thấy
từ sự thực đau thương để nhìn lại từ quá khứ và cố gắng để kiếm
tìm những người thân yêu bị thất lạc vì cuộc sống đưa đẩy. Bà
cuối cùng cũng không quên tạ ơn hội Hồng thập tự đã giúp đỡ để
tìm ra được tông tích người mẹ để hai mẹ con được trùng phùng…
Những lý do thúc đẩy kể trên thật là bình thường đối với một
người bình thường. Liên hệ huyết thống là nguyên do chính để tạo
ra một kết cuộc có hậu. Một độc giả trong phần góp ý đã tỏ bày
rằng bà rất vui lòng với kết cuộc như thế dù cũng có lúc chạnh
lòng khi đọc những đoạn tác giả kể lại chuỗi ngày ấu thơ của
mình với nhiều tủi buồn và nước mắt.
Riêng tôi, khi đọc những trang sách, mường tượng được được những
khó khăn của một người đã sinh sống ở xứ người khi vừa bảy tuổi.
Ngôn ngữ Việt Nam hoàn toàn xa lạ mà tất cả những kiến thức về
quê cha đất tổ từ lịch sử văn hóa đến chính trị thời cuộc đều ở
mức tối thiểu. Thế mà, vẫn cố gắng và nỗ lực để trở về nguồn với
hướng vọng tốt đẹp cho quê hương. Tuy rằng, tâm tư ấy có thể bị
lợi dụng để tuyên truyền cho sách lược của nhà cầm quyền trong
nước muốn tận dụng cả tài lực, tâm lực của những người Việt đang
sống ở hải ngoại.
Nếu chỉ nhìn tác phẩm qua khía cạnh của một cuộc đoàn viên như
ký giả Deepa Bharath thì có lẽ cũng hơi đơn giản …
Tôi đọc những chương sách viết về những ngày tháng lớn lên ở xứ
người của Hiền và hình dung được một cuộc va chạm văn hóa giữa
hai đất nước. Với gia đình Mustard, họ không muốn Hiền có quan
hệ nào đối với đất nước và gia đình của cô. Không có tình
thương, không có sự hiểu biết nên làm sao có được sự thông cảm.
Mary Mustard Reed đã kể ”Họ chưa có lúc nào hiểu biết về tôi
hay về văn hóa của đất nước mà tôi đã ra đi. Họ chẳng bao giờ
trìu mến tôi, vuốt ve hôn hít tôi hoặc hát ru tôi như mẹ đã làm.
Tôi sống một cuộc sống, trở về một căn nhà với tôi thật trống
vắng và nếu có những câu chuyện nói thì cũng đầy ắp những ngôn
từ bất nhã gây đau đớn cho tâm hồn tôi hoặc những hành hạ thể
xác..”
Tác giả còn kể rằng người con ruột của gia đình Mustard đã dọn
ra ở riêng từ lâu mỗi khi trở về thăm lại gia đình lại thấy được
nỗi u uẩn trong đôi mắt của cô em nuôi. Trong trí nhớ của anh,
Hiền chỉ là một cô bé nằm trên giường với đôi mắt đẫm lệ và
tiếng khóc thút thít của cô đơn trước khi chìm vào giấc ngủ.
Gia đình cha mẹ nuôi thì muốn tẩy sạch những gì là Việt Nam
trong con người Hiền. Bà kể lại ”Tôi cảm thấy rõ ràng là con
người của gốc gác mình bị tẩy sạch. Tôi đã quên những món ăn có
mùi vị Việt Nam và cũng quên hết ngôn ngữ Việt Nam mà có lúc tôi
đã nói rất thành thạo...”
Sống trong gia đình Mustard với Hiền (đổi tên thành Mary) là cả
một cơn ác mộng. Sam, người cha nuôi thì tính khí bất thường,
hay làm những chuyện không ngờ trước được. Còn người mẹ nuôi,
Magaret, thì luôn luôn khi nhìn thấy Hiền lại ghen tức vì nghĩ
Sam đã nặng lòng với Yvonne tức mẹ của Hiền.
Đến năm 1975, Hiền tốt nghiệp trung học và đủ 18 tuổi. Cô vào
đại học và cảm thấy đời mình đã đổi khác. Năm này, là năm Cộng
sản đã chiếm được hoàn toàn miền Nam. Vì không hiểu rõ lịch sử
nên đã ví cuộc đời được giải phóng của mình như miền Nam bị
cưỡng chiếm. Và, trong một vài biểu tỏ với một người bạn tôi, cô
đã tỏ ra rất tiếc vì đã có những điều bất cập ấy trong tác phẩm
của mình.
Bây giờ, Hiền tức Mary Mustard Reed đã thành một người khá thành
đạt. Tốt nghiệp đại học CSU Norhtridge, làm nghề trình dược viên
và hay liên lạc với các bác sĩ Việt nam ở Little Sài Gòn, Hiền
đã trở lại gần với văn hóa Việt đất nước Việt. Cô nhờ hội Hồng
thập Tự để tìm lại người mẹ…
Ngày...
Tháng…
Một buổi sáng cuối tuần, ngồi chung với bạn bè, chuyện trên trời
dưới đất. Kể ra, cũng vui, để chấm dứt một tuần lễ tất bật mệt
mỏi. Có một vài người bạn, nói về bài viết Những Mảnh vụn, Ngày
… tháng… kỳ trước của tôi. Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần thì nói tôi
trích dẫn câu thơ của Bùi Chí Vinh viết về Trinh Công Sơn là
sai, không đúng với nguyên tác. Câu thơ ấy phải là
“Thằng nhạc sĩ vàng
Chơi đàn ghi ta đỏ
Và từ đó âm nhạc thành màu da cam”
Tôi thú thực là câu thơ ấy họa sĩ Hồ Thành Đức đọc cho tôi nghe
và còn dặn với ”Nghe thôi, đừng viết, tội cho thằng Sơn...” Dù
sao, đó cũng là một sự cẩu thả. Phải viết cho đúng khi trích dẫn
của người khác!
Anh Thành Tôn thì cười cười ”Hoàng Phủ Ngọc Tường đang kiện
ông đó...” Tôi muốn nói cho anh hiểu thêm về suy nghĩ của
mình. Tôi không hề có thiên kiến với ông Hoàng Phủ Ngọc Tường
nhưng quả thấy khó chịu khi đọc văn chương ông. Tôi chẳng phải
là nhà phê bình, chỉ là một người thích đọc và yêu sách vở. Nên
khi đọc bộ Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường gồm 4 cuốn mà người
bạn mua ở VN về cho tôi, thực tình tôi thất vọng và tự hỏi đây
có phải là một khuôn mặt văn học tiêu biểu?
Đọc những bài ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thấy những tùy bút
viết rất đều tay, có lãng đãng ở trong sự lãng mạn của một người
có suy tư. Và thơ, cũng có những bài mượt mà như thế. Nhưng,
những điều ấy chỉ như một cái áo để phủ chụp lên những ý định
của những điều bày tỏ bên trong. Ông muốn lý tưởng hóa những
điều mà mọi người đã thấy là lỗi thời, là sản phẩm tinh vi của
Cộng sản quốc tế tạo thành cuộc chiến tương tàn. Không hiểu ông
viết cho người đọc hay cho những quyền chức đọc để may ra có ân
sủng nào chăng? Nhưng có lẽ không may cho ông, ông đã bị chế độ
ấy nhìn theo quan điểm đấu tranh giai cấp của những người Mác
Xít nên không được trong dụng. Điều ấy ông Ngô Minh người thân
cận với ông đã tiết lộ.
Ông viết ký, để muốn mình là người đi sâu đi sát vào những chặng
đường của lịch sử. Ông mượn những sự thực có chút lãng mạn để
giải thích cho hành động của ông. Thành ra, đọc những bài ký mà
có người khen là sâu sắc, là bao trùm được một kiến thức rộng,
tôi lại càng thấy rằng viết văn thật khó, càng tay nghề cao mà
tâm không chỉnh thì càng gây nhiều phản cảm cho người đọc bấy
nhiêu.
|