.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Giới thiệu sách mới:

"Chiến Trường Xưa" của Vũ Uyên Giang

  • PSN - 7.06.2008

Có những tập thơ, mà sự ra đời như một duyên do tiền định của những bất ngờ kỳ thú. Như tập thơ của Vũ Uyên Giang “Chiến trường Xưa “ là một.

Nhà thơ Trần Hoài Thư khi sưu tập lại những bài thơ cũ in trước năm 1975 ở thư viện trường đại học Cornell để làm những tuyển tập thi ca như Thơ Miền Nam, Thơ Lục Bát đã tìm thấy một số bài của Vũ Uyên Giang  và tuyển chọn vài bài rồi gửi tất cả cho họ Vũ. Tự nhiên, anh nảy ra ý định in tập thơ “Chiến Trường Xưa” và thực hiện ngay lập tức. Thế là, trong một thời gian ngắn, chúng ta có thêm một tập thơ mang lại một không gian, thời gian thuở nào.

Thơ, có khi là bước chân trở lại dĩ vãng. Thơ, cũng có khi là những hình dạng thân thuộc thoáng qua khi nhớ lại tấm lòng không khỏi bồi hồi cảm xúc. Thơ của quá khứ, nhưng một lúc trở thành hiện thực, của một phương trời nào mù xa nhưng vẫn còn hiển hiện.

Có người nói bây giờ mà còn đọc thơ thời chiến đã qua mấy thập niên có phải là biểu hiện của những người không bằng lòng với hiện tại và ngoái nhìn lại thuở vàng son của mình. Thơ như một chuyến tàu đi giật lùi vào những không tưởng đầy ắp lãng mạn nhưng bồng bềnh không thực tế. Nhưng với tôi, là một người yêu thơ và coi thơ như một phần đời sống của mình khi đọc những bài thơ trong thi tập này, tự nhiên thấy một phần đời của chính mình sống lại từ sự chia sẻ từ tâm thức đến ngôn ngữ. Những câu thơ chân thành như bàn tay lôi kéo về, như hồi tưởng chợt đến. Chiến trường xưa, ôi, đã bao nhiêu năm qua rồi mà sao còn như ngày hôm qua… Nhớ sao là nhớ!!

Thơ của Vũ Uyên Giang không mới nhưng có nét chân thành, của những nét bộc trực nội tâm và của tấm lòng yêu mình yêu đời tha thiết. Những tên bạn bè thân thuộc, những địa danh đã đi qua, đã sống những thời điểm căng thẳng của chiến tranh, trong thơ anh, được nhắc đến như những sợi chỉ màu đan vào nhau để thành một bức tranh thêu sinh động của thực tế một đất nước chiến tranh.

Thơ Vũ Uyên Giang, có khi là phút giây nhớ bạn :

“bạn mày rũ áo trận đêm qua
nước mắt làm sao chẳng nhạt nhòa
khóc cho thân phận đời chinh chiến
và khóc những thằng chết trận xa
lính chiến đi bao giờ trở lại
thân trai trong khói lửa quê nhà
bảo vệ quê hương, còn phải hỏi
giữ cho yên ấm h
u phương xa
cũng rót một ly cho bạn bè
những thằng bạn chết chốn sơn khê
tuyến đầu khói súng mù binh lửa
quyết chí hy sinh giữ cõi bờ…”

Uống rượu không phải để vui, mà có khi là chuốc nỗi buồn. Những người lính, có khi ngang tàng không quản tử sinh nhưng cũng có lúc bùi ngùi như câu thơ ở thế gian nào cũng đắng cay để kết luận cho một thời thế đầy bão giông khói lửa :

“mày hãy uống thêm nữa để say
sống trên trận mạc được bao ngày
anh hùng không tượi anh hùng nhát
hào khí ngất trời ta cứ say
tao cũng vào thêm dăm bảy chai
cho dù sống chết, để mai hay
uống giùm thằng bạn vừa nằm xuống
ở thế giới nào cũng đắng cay”

Những địa danh đi qua, những nơi chốn từng chiến đấu, dường như chẳng thể nào quên:

... Diệt giặc cỏ ở vườn thơm sáu mẫu
Phá trùng vây kinh Trà Cú, Bo Bo
Đám lá tối trời, ngủ bụi ngủ bờ
Sông Vàm Cỏ ngụy trang ta phá địch
Ôi Long An những đêm dài tịch mịch
Trong bóng đen ẩn náu những hình ma
Muỗi mòng thêm đỉa vắt quấy rầy ta
Vượt sông rạch về Đức Hòa, Đức Huệ
Tạm dừng quân nhậu vài chai lẻ tẻ
Xóm Cầu Trai ai bắc nhịp Cầu Duyên
Đi trên cầu lại nhớ Mã Sanh Nhơn
Tìm hình bóng  em Tha La, Xóm Đạo
Rời Lộc Giang, Trảng Bàng ta khờ khạo
Lỡ sa vào cô giáo  trẻ sớm mai…”

Rồi mất nước, Vũ đau đớn với thân phận tù binh. Với bạn bè như Dương Hùng Cường, như Trần Ngọc Tự ... cùng chịu chung số phận, Vũ đã tâm sự như chia sẻ những số phận hẩm hiu của người bại trận với nhau. Như bài thơ gửi Trần ngọc Tự:

“Mày đi nặng gánh lao tù
gió mưa Việt Bắc mịt mù từ đây
còn tao heo hút chân mây
khổ sai lao dịch dưới tay vượn người
mày đi môi vẫn mỉm cười
cỏ cây rũ rượi khóc lời chia xa.”

 Hay bài gửi Dương Hùng Cường:

“heo hút đồi cao bụi phủ mờ
những thân còm cõi dáng chơ vơ
bốn vòng gai sắc như dao nhọn
đâm suốt hồn ai nhát hững hờ
đã mấy mùa xuân trong đớn đau
cao su vàng lá úa u sầu
bọn ta chung kiếp tù tăm tối
ngày tháng chừng trôi qua rất lâu...”

Rồi vượt biên tị nạn. Rồi hiu hắt xứ người. Rồi nhớ thương về quê cũ nhà xưa. Tình cảnh và tâm cảm ấy, chúng ta ai cũng có. Buổi chiều xứ người sao man mác buồn giọt nắng quái như loang trong lòng người xa xứ một nỗi niềm tê tái. Bài “Chiều trên xứ người”:

“Những giọt nắng đã ngả màu cỏ úa
phủ đời ta trên xứ lạ quê xa
nước mắt nào vừa nghẹn đắng trên môi
bỗng chợt tắt khi hồn ta dậy chết
một mình ta ôm nỗi buồn trơ trọi
phố đông vui như mở hội ngày xuân
chân bước đi lòng vẫn mãi bâng khuâng
sầu trăm mối nghĩa trang hồn một cõi
quãng đời ta, ôi! Chuỗi dài xa lạ
sống lưu đầy trong biển cả hoang vu
ta bơ vơ phiêu bạt giữa sa mù
nghe trống vắng âm u dồn đáy mộ...”

Có lúc phẫn chí,  muốn lên núi ở cho tịch lặng đời, cho quên đi những eo sèo nhân thế:

"Từ độ về đây sống vắng người
Bạn bè rặt những lũ đười ươi
Chập chùng phố núi leo lên xuống
Ma chẳng ra ma, chẳng giống người”

Lúc buồn thì ngứa miệng như thế, nhưng thủy chung với bằng hữu, Vũ là người hào sảng có tình với bạn:

”Bằng hữu ngồi đây nói chuyện xưa
Chuyện xưa giờ cũng đã dư thừa
Chuyện đời thay đổi như cơm áo
Nào có khác gì buổi chợ trưa
Bằng hữu cùng ta chia nỗi đau
Nỗi đau nào cũng nhuốm u sầu
Mặc cho dâu biển thân vong kiếp
Ai nỡ nào khơi thêm nỗi đau?
Giữa quán đông người nói rất hăng
Bạn ta vung vít chửi lung tung
Rồi cười khanh khách như hào kiệt
Một thuở tung hoành khắp núi sông
Hào kiệt tứ phương đầu đã bạc
Ngồi đây ôn lại chuyện thu phong
Rồi mai tiễn biệt nhau lần cuối
Ai kẻ mài gươm ở cuối đường?”

Hay:

"hãy uống cho say mới hết buồn
Cho quên quên hết chuyện đau thương
Uống luôn dăm chén cho thằng chết
Bằng hữu gặp nhau cuối đoạn đường
Những thằng bạn cũ của ta ơi
Ta chỉ còn nhau ở cuối đời
Một tình chiến hữu từ bao kiếp
Hãy gặp nhau và hãy cứ vui...”

Mơ mộng và thực tế cho bao giờ gặp nhau? Họa chăng là ở những trang thơ lần giở. Tôi tưởng tượng, nếu đời người không có thơ u ám biết bao. Thơ, là để trái tim thầm thỉ với mình, để quá khứ trở về làm thúc đẩy cho hiện tại. Thơ, có khi là giọt nắng quái rơi rụng, tàn phai nhưng vẫn còn níu kéo tầm nhìn, còn níu kéo lúc chính ngọ rực rỡ.

Và, có khi thơ chỉ là thơ, là những hiện thực của cuộc sống kết tinh, là những nỗi niềm chất chứa tìm người đồng cảm cùng chia sẻ.

 Với “Chiến trường Xưa”, thơ của Vũ Uyên Giang, tôi đi vào những cuộc đời của một thế hệ chung mang niềm đau, mà cuộc sống là một đấu trường gay gắt. Đọc thơ để thấy cũng có người cùng ý nghĩ với mình. Cám ơn bạn, Vũ Uyên Giang!

Một câu tái bút của thông lệ vài dòng giới thiệu. Ai thích thơ Vũ uyên Giang  xin liên lạc Nhà xuất bản Đất Sống, PO Box 3521, San Leandro, CA 94578-0521, điện thoại: 510-809-7044.

  


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.