.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ....

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Những mảnh vụn, ngày ... tháng 6

  • PSN - 19.06.2008

Ngày … tháng 6

Tháng 6. Mấy ngày hôm nay trời rộ nóng. Trời xanh thăm thẳm vút cao những tầng mây. Những cơn mưa đã qua. Mùa hạ tới. Một buổi chiều cuối tuần, nhìn cuốn lịch treo tường, giở trang sách, đọc bài thơ. Ngày 4 tháng 6 năm 1989, biến cố Thiên An Môn. Hồng quân Trung Hoa xả súng bắn vào đoàn biểu tình và cả ngàn người bị thương vong. Hình ảnh một người sinh viên hiên ngang đứng chặn trước một đoàn xe tăng đã thành một biểu hiện sống động cho những người không sợ chết liều mình tranh đấu cho lý tưởng dân chủ tự do.

Bei Dao, một nhà thơ Trung Hoa lưu vong đã viết để nhắc nhở đến một thời điểm khó quên của lịch sử nhân loại. Tháng 6 năm 1989, máu đã chảy trước mũi súng bạo tàn của một chế độ độc tài chuyên chính. Tháng 6, có lẽ là ký ức chẳng thể nào quên của nhiều người trong đó có Bei Dao:

Tháng sáu
“Gió ở bên tai nhắc Tháng sáu
Tháng sáu là sổ đen tôi trượt qua
Lúc đó.
Ghi chú rằng đó là một cách nói giã biệt
Thở phào trong những ngôn từ
Ghi chú từ những giải thích
Những bông hoa nhựa không nguôi
Trên những bờ gạch của thần chết
Quảng trường xi măng như trải rộng ra
Từ những hàng chữ viết về.
Bây giờ
Tôi chạy từ lúc khởi viết
Như thấy tiếng búa đập trên đe
Ngọn cờ che phủ đại dương
Và loa phóng thanh trung tín vang vọng biển
Lời trầm trầm sâu sắc nhắc tháng sáu”

Bây giờ, tháng 6 năm 2008, vẫn có người nhắc đến biến cố Thiên An Môn như một dấu hiệu bạo tàn của chế độ đỏ. Nhưng thêm vào đó, là hành động đàn áp muốn diệt chủng dân tộc Tây Tạng. Cả thế giới phẫn nộ và nhiều nước tẩy chay Thế Vận Hội Bắc kinh. Nhưng kẻ ác vẫn hình như không có một chút gì động tâm. Bàn tay dy máu của những sát thủ tàn ác vẫn chưa run tay.

Thế mà, ở đất nước tôi, lại có một chế độ hèn hạ đến mức đáng khinh, khiếp nhược đến mức đáng tởm. Ngày rước đuốc Thế Vận ở Sài Gòn công an và lực lượng an ninh đàn áp những người Việt yêu nước biểu tình phản đối những hành động lấn chiếm lãnh thổ áp bức dân tộc của Trung Cộng một cách thô bạo nhưng lại bảo vệ cho vài trăm chú Chệt diệu võ dương oai phất cờ gióng trống trên đường phố Sài Gòn.

Cái châm ngôn “Không có gì quý hơn độc lập tự do“ sao mà mai mỉa!!!

Tháng sáu Bei Dao còn làm thơ chiêu niệm cho hàng ngàn nạn nhân bị thảm sát. Bài thơ cầu hồn Requiem như một nhắc nhở cho hậu thế nhớ đến ngày 4 tháng 6 ô nhục:

”Không phải sự sống mà là nỗi chết
Dưới bầu trời tím ngắt của buổi tận thế
Những đoàn người đi
Thống khổ dẫn đường về đằng trước khốn khổ
Tận cùng của căm hờn là nỗi hờn căm
Mùa xuân khô hạn trôi qua
Đại họa căng ra không dứt
Con đường trở v

Có khi là những bước biệt xứ
Không phải thượng đế
Mà chính là tuổi trẻ thơ
Giữa âm vọng dọa đe của những bóng nón sắt
Ngỏ lời nguyện cầu
Những tay mẹ hiền nuôi dưỡng ánh sáng
Bóng tối làm họ đứt hơi
Đá tảng lộn nhào, kim đồng hồ quay ngược
Mặt trời méo mó hình bầu dục tuyệt đối ngự trị
Không phải thân xác các bạn mà chính linh hồn các bạn.
Cùng chung hưởng ngày kỷ niệm mỗi năm
như các bạn đồng niên tuế
yêu thương hình thành từ nỗi chết
trong miên viễn bước đồng hành
các bạn ôm nhau xiết chặt nhau
cuộc thảm nạn ghi tên tử biệt…”

Bei Dao là bút hiệu của một sinh viên Trung Hoa Zhao Zhenkai, là một nhà văn, nhà thơ rất nổi tiếng trên thế giới. Ông là một người có tên tuổi được ghi trong danh sách những nhà văn có hy vọng đoạt giải Nobel văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển trong nhiều năm. Bút hiệu Bei Dao có nghĩa là Bắc Đảo là một trong những bút danh mà ông đã dùng ở Trung Hoa để tránh sự theo dõi của chế độ Cộng sản. Ông là một trong những lãnh tụ sinh viên đã tham dự những cuộc biểu tình của nhiều nhóm lao động, trí thức, đòi hỏi nhân quyền và thay đổi thể chế chính trị hiện hữu. Cuộc biểu tình bắt đầu là ngày lễ truy điệu Hu Yaobang (Hồ Diệu Bang) gồm cả trăm ngàn sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn đòi hỏi phải thay đổi cái nhìn chính trị với ông này và sau lan rộng ra ở nhiều nơi, như Thượng Hải, nhưng mạnh mẽ nhất là ở Thiên An Môn từ tháng tư tới tháng sáu. Ngày mùng bốn tháng sáu, Hồng quân Trung Hoa nổ súng vào đám biểu tình và gây ra 200 người tử vong (theo báo cáo của nhà nước Trung hoa) nhưng theo New York Times thì lên tới khoảng 800 người chết và theo hội Hồng Thập Tự quốc tế hay những chứng nhân chạy thoát ra ngoại quốc thì khoảng 2000 đến 3000 người là nạn nhân.

Biến cố Thiên An Môn đã gây chấn động trên thế giới và rúng động ngay trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Tổng Bí Thư Đảng Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương) đã bị quản thúc tại gia vì không tán thành đường lối xử sự của chính quyền đỏ Trung Hoa. Những lãnh tụ sinh viên bị bắt như Wang Dan, Chai ling, Zhao Changqing, Wuer Kaixi,… Bei Dao trốn thoát ra ngoại quốc và đã cất tiếng nói của một chứng nhân về một biến cố như một vết nhơ của lịch sử Trung Hoa…

Mười năm sau ngày tàn sát ở Thiên An Môn ấy, có một tiểu thuyết ghi lại những dữ kiện bi thảm của ngày 4 tháng 6 năm 1989 với tất cả những chi tiết sống động lồng trong một mối tình lãng mạn. Đó là tiểu thuyết “Song of Tianmen Square” của David Rice. Tác giả đã ghi chép để tái tạo lại những biểu hiện, những âm vọng cuồng nộ, những mùi vị sắt máu, và tất cả những xúc cảm rất người. Lúc biến cố xảy ra, David Rice đang ở Bắc kinh nên đã nhìn thấy và là một chứng nhân để kể lại cho cả thế giới biết về những sự thực đau thương cũng như sự tàn ác dã man của những người đã hạ lệnh tàn sát... Mối tình giữa Song Lan, cô gái Trung Hoa và PJO’Connor pha trôn giữa lòng trung thành và sự phản bội, cũng như một thảm kịch mà trong đó khát vọng dân chủ và sự đối kháng giữa chế độ độc tài toàn trị và những người tranh đấu biểu hiện.

Tác giả “Song of Tianmen Square” sinh quán ở Bắc Ireland, đã hành nghề ký giả ở ba đại lục: Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Châu Á. Năm 1989 ông được mời tới Bắc Kinh để huấn luyện cho các nhân viên của thông tấn xã chính thức của Trung Cộng và ông viết cho báo China Features.  Ông ở bắc kinh trong thời gian đó và đã bí mật phỏng vấn hơn 400 người trẻ có tham dự vào biến cố Thiên An Môn. Trong bức điện thư gửi cho độc giả, Rice viết:

”Đặt tên là “Song of Tianmen Square”, cuốn sách có nỗi bí ẩn là dùng thể loại tiểu thuyết để tiếp cận với khối độc giả đông đảo trên thế giới và nói về cuộc tàn sát. Khi câu chuyện biến thành tiểu thuyết hóa, nhưng tuyệt đối không có hư cấu nào trong những dữ kiện của biến cố. Có thể nói, trong một đường lối không chủ định trước, sự khủng khiếp được diễn tả bằng cách dùng tiểu thuyết để dụng công làm cho những dữ kiện sinh động hơn trong tâm tưởng người đọc...”

 

Ngày … Tháng 6

Lại một bài thơ khác của tháng sáu. Tác giả Shi Tao, một tù nhân với cái tội là đăng bài thơ kỷ niệm Thiên An Môn. Bài thơ June :

“Nguyên cuộc đời toy
sẽ không bao giơ sống qua được tháng sáu
tháng sáu khi trái tim tôi ngừng đập
khi thơ tôi ngưng thở
khi người tôi yêu dấu
chết trong vũng máu đang mơ
Tháng sáu mặt trời lửa dãi thiêu cháy làn da
Xé toang sự thật tự nhiên của thương tích toy
Tháng sáu con cá lao khỏi biển máu đỏ
Trôi tấp vào chốn khác của giấc đông miên
Tháng sáu, trái đất quặn mình, sông rạch lặng tiếng
Chồng chất ngàn ngàn lá thư
không thể gửi đến cho những người đã chết”

Shi Tao là một nhà văn, nhà thơ, ký giả Trung Hoa bị kết án mười năm tù với tội danh là tiết lộ những bí mật quốc gia của chế độ Cộng sản ra ngoại quốc. Ông bị bắt ngày 24 tháng 10 năm 2004 khi đang làm công việc biên tập tại Dangdai Shang Bao (Giao Dịch Hiện Đại Tân Báo). Ông cũng đã viết nhiều bài luận thuyết nêu rõ ý nguyện muốn đổi mới thể chế chính trị đã được “posted” trên nhiều trang web của các phong trào tranh đấu cho dân chủ ở ngoại quốc.

Shi Tao bị bắt và kết án vì đã viết thơ văn đề cập tới ngày kỷ niệm 15 năm Hồng quân Trung Hoa đàn áp và tàn sát những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn.

Việc bắt giữ này cho thấy chủ trương của chế độ Cộng sản muốn kiểm soát hệ thống Internet. Theo báo cáo thì có tới 42 ký giả bị bắt trong năm 2004 mà hơn phân nửa là những người xử dụng Internet để chống chế độ. Ngày 20 tháng 4 năm 2004, chính quyền Trung Cộng phổ biến một chỉ thị thông báo sự cảnh giác về tình trạng những người đòi dân chủ và bị lưu đầy ra hải ngoại sẽ tái hiện trong nước để có hành động nhân ngày kỷ niệm 15 năm biến cố Thiên An Môn. Chỉ thị này cũng ra lệnh cho tất cả các ký giả trong nước tuyệt đối không được đề cập hoặc nhắc nhở đến ngày “4 tháng 6 năm 1989”.

Shi Tao bất chấp lệnh cấm trên và viết rồi dùng Yahoo email của mình gửi cho các website của phong trào ”Asia Democracy Foundation”

Chính quyền Trung Cộng phát giác ra sự kiện trên và nỗ lực kiếm tìm ai là người đã làm công việc đó. Họ đòi hỏi những dữ kiện như account number và IP adress của người gửi từ văn phòng của công ty Yahoo có văn phòng ở Hong Kong. Văn phòng này cung cấp ngay mà không cần biết để làm gì. Và, công an đã tìm ra Shi Tao và bắt giam ông.

Luật sư của Shi Tao, Guo Guoting, đã chứng minh trước tòa án là việc bắt giữ Shi Tao là trái luật lệ và xâm phạm đến những quyền tự do căn bản của con người. Kết quả là chứng chỉ hành nghề luật sư của ông bị Bộ tư pháp ở Thượng Hải rút lại một năm và bị quản thúc tại gia.

Những tổ chức nhân quyền trên thế giới nỗ lực can thiệp nhưng xem ra chẳng có kết quả gì. Công ty diện toán Yahoo cũng bị phê bình gay gắt và tạo ra một trường hợp có thể tạo thành tiền lệ giúp các chế độ độc tài truy đuổi những người dùng Internet để nói lên nguyện vọng của mình. Những công ty như Google, MSN, Yahoo... đã bị những phê bình về vấn đề trên.

Ngày 28 tháng 8 năm 2007. Nghị viện Hoa Kỳ đã có một buổi điều trần của Jerry Yang, người sáng lập của công ty Yahoo và đã bị chất vấn khá nghiêm khắc. Hành động cung cấp những dữ kiện cá nhân như email account hoặc IP address cho công an là hành động vô lý không tha thứ hoặc chấp nhận được.

Tổ chức World Organization for Human Rights đã kiện công ty Yahoo vì việc tiết lộ dữ kiện điện thư đã làm Shi Tao bị cầm tù ở Trung Quốc.

Jerry Yang của công ty Yahoo đã viết thư cho bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi để xin ân xá cho Shi Tao và Wang Xiaoning.

Nhưng, chưa có kết quả và cả hai người chiến sĩ tranh đấu cho tự do dân chủ vẫn còn bị ngồi tù…

Trở lại với bài thơ Tháng sáu của Shi Tao. Ông ghi lại những cảm xúc của mình, nghĩ về những người đã chết. Ở một trường hợp nào đó, thơ đã thành một vũ khí để tấn công giặc ác. Dù chẳng phải “ở trong thơ có thép” mà chỉ có những giọt lệ bùi ngùi, chỉ có sự tưởng niệm thành kính nhưng thơ đã đi vào lòng người và là biểu hiện của kẻ sĩ không khuất phục cường quyền…

 

Ngày … Tháng 6

Lại tháng sáu. Tháng của những ngày mà các trường đại học tại Hoa Kỳ tổ chức lễ tốt nghiệp. Dù trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế đang bị trì trệ nhưng xem ra, niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp vẫn còn, nhất là trong giới trẻ. Những nụ cười tươi, những ánh mắt long lanh của những tân khoa là những nét sống động nhất cho ngày mai của thế hệ kế tiếp. Những bài diễn văn cũng là một dịp để đối chiếu giữa thực tế và sách vở, và biết bao nhiêu nhân vật tài ba thành công đã truyền lại những kinh nghiệm quý giá của đời mình làm thành kiến thức cho lớp hậu sinh.

Làm việc ở trường học, mỗi năm chứng kiến những cuộc khởi hành vào đời của bao nhiêu sinh viên, thấy rằng học vấn cần thiết biết bao cho đời sống con người. Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, trong cái yên vắng của campus những ngày hè, tự nhiên lại thấy mình có một chút gì nao nao. Nắng vẫn rực rỡ, cây cỏ vẫn xinh tươi, những chú chim vẫn vô tư chuyền cành, cuộc đời vẫn trôi qua. Nhưng trong những chu kỳ ấy, vẫn ngoi lên những mộng ước và tự nhiên cảm thấy đời sống phong phú và mênh mông biết dường nào. Xứ sở này phải nói là xứ sở của giấc mộng đầy hy vọng. Mà giáo dục chính là con đường đi để tiến đến những phương trời xa đầy mộng tưởng.

Nhìn xem những gia đình Việt Nam tị nạn, mới có một vài thập niên mà đã có những thành đạt đáng kể. Gần gũi với những người trẻ tôi thấy họ có khác biệt nhiều so với thế hệ chúng tôi. Họ tự tin hơn, sòng phẳng hơn và có những mơ ước mà thế hệ chúng tôi ít có. Với chúng tôi, đời sống hiện tại có lẫn lộn của quá khứ, của quãng đời đã qua. Còn với những người trẻ, họ sống với hiện tại và tương lai nhiều hơn. Tôi đã gặp nhiều em, muốn gia nhập binh ngũ hoặc đi các nước chậm tiến xa xôi để làm việc xã hội hoặc giáo dục giúp đỡ người và coi như một cuộc dấn thân vì tha nhân riêng họ. Xứ sở này đã tạo rất nhiều cơ hội để tao dựng lại đời sống và nếu quyết tâm và kiên nhẫn thì nhất định sẽ thành công. Nhìn lại bản thân mình, nếu còn kẹt lại ở Việt nam thì không hiểu cuộc sống mình sẽ ra sao, và tự nhiên, lại có một chút nao nao, một chút buồn buồn khi nhìn quay lại những quãng đường đời đã đi qua…

Nhưng trong cái bồi hồi ấy, từ đất nước người lại nhớ về đất nước mình. Được hưởng những tiện nghi của nền giáo dục tiên tiến bao nhiêu thì lại càng buồn cho sự dạy dỗ đào tạo nhân tài của đất nước mình. Một phá sản khủng khiếp và hơn bao giờ hết, cái chủ điểm duy lợi, tiền bạc trên hết đã tàn phá mạnh mẽ hơn bất cứ những ruỗng mục xã hội nào…

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang ở trong tình trạng khủng hoảng nặng nề. Theo World Development Report 2006 thì cả nước chỉ có vỏn vẹn 2% dân số tốt nghiệp bậc trung học phổ thông và trong 2% ấy chỉ có 10% tốt ngiệp đại học. Tỉ lệ học sinh bỏ học rất lớn vì đời sống khó khăn, lo ăn mặc chưa đủ nói chi đến học hành. Vẫn còn bị chỉ đạo bởi một định hướng xã hội chủ nghĩa vừa sai lầm vừa lỗi thời, giáo dục chỉ có mục đích là củng cố quyền lực của Đảng Cộng Sản.

Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã phổ biến trên báo diện tử của mình:

“… Nhằm mục đích gia tăng sự lãnh đạo của Đảng trong giáo dục, Hội đồng Đảng từ trung ương đến địa phương phải hướng dẫn và thường xuyên kiểm soát sự áp dụng các chính sách giáo dục đặc biệt là sự tham gia của xã hội trong giáo dục, chính trị học và chủ nghĩa Mác-Lê, sự xây dựng một hệ thống có trật tự, kỷ lut và phải xem sự phát triển cùng gia tăng chất lượng giáo dục như dấu hiệu xây dựng một Đảng bao trùm và mạnh mẽ. Phaỉ kết nạp thêm nhiều đảng viên, thanh lọc và kiên cố hóa tổ chức đảng nâng đảng thành hạt nhân lãnh đạo trong mọi trường học.”

Chính sách thì hạn hẹp một chiếu mà thực hành thì tùy tiện bê bối nên Liên Hiệp Quốc đã đánh giá rất thấp nền giáo dục ấy. Theo báo còa thì 96% học sinh nhập học lớp 1 nhưng chỉ có 89% là học đến lớp 5 nghĩa là xong bậc tiểu học. Chính sách “xã hội hóa giáo dục” với chủ trương bắt học trò mọi cấp phải chịu học phí và phụ phí đã làm nhiều học sinh phải bỏ học vì gia đình không thể chu toàn tiền bạc cho con. Giáo sư Hoàng Tụy nguyên Khoa Trưởng khoa Toán tại Việt Nam đã cho rằng đây là một hình thức của vô trách nhiệm mà chính quyền lạm dụng để đẩy gánh nặng tài chánh cho dân chúng.

Nguyễn Thiện Nhân, bộ trưởng giáo dục và đào tạo cũng thừa nhận sự thiếu hiệu quả của nền giáo dục như sự trì hoãn trong việc cải tổ bộ máy nhà nước trong sự thay đổi cách quản lý kinh tế, quản lý tài chánh, sử dụng lao động và chính sách lương bổng là nguyên do chính ngăn cản hiệu quả cho các giải pháp cho vấn đề giáo dục, hay lương tâm nghề nghiệp của một số cán bộ quản trị và thầy cô đã bị băng hoại... Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu lên trường hợp một công ty Đài Loan thành lập hai nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh với nhu cầu hàng chục ngàn kỹ sư và chuyên viên các cấp mà Việt Nam không thể cung ứng nên hãng này đã phải quyết định huấn luyện chuyên nghiệp ở ngoại quốc vừa bất tiện vừa tốn kém hơn…

Rất nhiều người có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực giáo dục đã phê bình mà tựu chung vào những điểm như giáo dục mà kiểm soát tư tưởng và thiếu tự do ngôn luận tạo cho học sinh tinh thần nô lệ và thiếu tinh thần tìm tòi sáng tạo. Đã vậy làm việc tùy tiện, ngân quỹ sử dụng lãng phí và tham nhũng tạo gánh nặng tài chính cho quốc gia. Chính sách thu học phí đã tạo sự bất bình đẳng trong giáo dục cũng như tinh thần đạo đức và tư cách công dân không được coi trọng, chủ trương học để kiếm tiền tạo sự băng hoại cho xã hội và đất nước. Rồi sách giáo khoa cũng được soạn thảo và in ấn với một chủ trương vừa chậm tiến vừa lỗi thời, là một môi trường béo bở cho tham nhũng và các học sinh chịu thiệt thòi nhất. Tất cả những yếu tố ấy làm cho người dân không tin tưởng vào hệ thống giáo dục trong nước và vì thế chất xám bị hao hụt mất cả phẩm chất lẫn số lượng…

Có nhiều người nói tôi hay phê bình và mang những bất toàn trong nước ra để khai thác. Thực ra, đây chỉ là những suy nghĩ riêng tư nhưng thành thật của một người luôn mong mỏi sự tươi sáng của đất nước. Thấy đất nước mình băng hoại, xã hội suy đồi, chính tình rối ren, ai mà không đau đớn... Viết, không phải là xoáy sâu vào những bi kịch của đất nước, với tôi. Mà, viết là để có cái nhìn rõ ràng hơn, những suy nghĩ chính xác hơn, những đường hướng chính đáng hơn. Dẫu rằng, ở vị trí của một người viết lách nhỏ nhoi, chắc cũng chẳng có tác dụng gì mấy. Nhưng, vẫn phải viết để thanh thản với chính tâm hồn mình…

 

Ngày…Tháng…

Có người hỏi tôi đã đọc Đào Hiếu chưa? Tôi nhớ đã đọc cuốn tiểu thuyết “Nổi loạn“ của tác giả này. Hình như cuốn truyện này có mô tả vài nhân vật cán bộ Cộng sản có những ám ảnh tình dục bệnh hoạn và những hành động bất thường. Nếu có thể ví von, là một mẫu hình người vừa có tính khôi hài đen vừa có tính giáo điều của một xã hội băng hoại và lụn rã từ ngay căn bản gia đình. Tôi nhớ, truyện này có lối viết khá cường điệu và nhiều kịch tính. Và, theo tôi biết, thì cuốn sách này bị cấm phát hành và gây ra rắc rối cho người viết ra nó.

Tôi có người bạn vừa sang định cư ở Hoa kỳ. Ở Sài gòn anh cũng biết khá nhiều về những nhân vật viết lách. Khi hỏi đến Đào Hiếu thì anh cho biết là ông này có một thời làm báo Tuổi Trẻ và là một người lớn lên từ chế độ Cộng hòa nhưng lại đi theo Cộng sản.

Thời gian gần đây, một cuốn sách của tác giả Đào Hiếu được in ở hải ngoại. Cuốn “Lạc Đường”, mà nhiều người đã đọc qua cho rằng có tính cách phê phán chế độ và tính phản kháng vì bất mãn. Tôi đọc và tự nhiên muốn viết một vài nhận xét chủ quan của mình. Dù có lúc cũng khá ngại ngần, bởi sự thành thực của mình nhiều khi bị cho là có ý này ý khác. Viết mà có thiên kiến thì khó lòng mà chính xác được tôi cũng hiểu điều ấy. Tôi không muốn làm một người ở bên này để suy nghĩ và nhận xét về một người ở bên kia. Cái chiến tuyến đáng lẽ phải dẹp bỏ sau khi cuộc chiến kết thúc đã hơn ba chục năm…

Trong bài phỏng vấn Đào Hiếu của Đặng phú Phong, tác giả “Lạc Đường“ đã giải thích về nhan đề tiểu thuyết của mình khi người phỏng vấn hỏi “xin hỏi ông : tại sao là lạc đường mà không là lầm đường? Lạc đường và lầm đường khác nhau như thế nào?” : “Lạc đường nghe hay hơn lầm đường. Lạc đường là chọn một con đường nào đó nhưng khi đến thì lại đến chỗ khác. Còn lầm đường thì chọn sai ngay từ đầu”

Như vậy, Đào Hiếu cho rằng mình theo Cộng sản vì muốn làm cách mạng dân tộc vì tính lãng mạn và đọc sách hiện sinh của Sartre và Albert Camus. Và ông cho rằng mình chọn đúng hướng đi cho cuộc đời mình: đánh Mỹ, chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Hình như, Cộng sản rất dị ứng với triết học hiện sinh mà Đào Hiếu vì đọc tiểu thuyết của các tác giả hiện sinh mà theo Cộng thì chuyện ấy với tôi có vẻ hơi mâu thuẫn ít chất hợp lý. Hình như lúc Đào Hiếu sống và lớn lên ở miền Nam thì triết học hiện sinh thành một mốt thời thượng và nhiều người nói như một con vẹt, nói để có cảm tưởng mình thông thái… Chuyện đánh Mỹ, chấm dứt chiến tranh thống nhất đất nước thì giống y như chiêu bài của miền bắc. Họ gây ra chiến tranh tại miền Nam, nhờ vào giúp đỡ của khối Cộng sản quốc tế và mục đích là thôn tính miền Nam. Đáng lẽ, sau sự sụp đổ của nhiều chế độ Cộng sản trên thế giới thì Đào Hiếu cũng nên hiểu rằng chủ nghĩa Cộng sản lỗi thời đã bị dào thải. Khi ông nói rằng mình không hề lạc đường và chỉ có lịch sử đã lạc đường, tôi có cảm giác được nghe câu nói của một người nói để mà nói, nghe huề vốn và hơi lẩn thẩn..

“Lạc đường“ là một tự truyện kể lại cuộc đời của một người lớn lên ở miền Nam, đi lính với cấp bậc binh nhì ở Đại đôi 22 trinh sát, rồi trốn vào Sài gòn, gia nhập đặc công Việt Cộng rồi bị bắt. Với lối bố cục nhảy cóc, người đọc khó có thể theo dõi liên tục cuộc đời của tác giả, xen vào đó pha trộn nhiều lời thuyết giảng từ sách vở kim cổ và với cá nhân tôi khi đọc Lạc Đường có cảm giác là đọc một loạt bài luận thuyết hơn là một tự truyện. Ông mang Trang Tử với Nam Hoa Kinh, Eckhart Tolle với The Power of Now, Albert Camus với L’Etranger, John Perkins với ”Confession of an Economic Hit Man”, Micheal Moore với phim ”Fareinheit 9/11” rồi Kinh Dịch, Kinh Phật, nhồi nhét vào truyện để thành những lời thuyết giảng gượng gạo vu vơ. Có lẽ, rút gọn những “râu ria“ này thì cuốn sách dễ đọc hơn

Phê bình về một chế độ xã hội mà chỉ qua lăng kính một cuốn sách và một phim ảnh liệu có chính xác không? Nhất là tác giả này chưa có một kinh nghiệm sống nào, chưa một ngày quen thuộc và vật lộn với sinh kế thì liệu những môi trường sống như vậy có thuyết phục được độc giả không? Tôi nghĩ có lẽ là không!!! Như một trường hợp là ông Hoàng Ngọc Hiến được dịp ra hải ngoại 6 tháng để viết về văn học tại hải ngoại. Và trong bài tổng kết ông nói rằng chỉ cần đọc một vài tác phẩm tiêu biểu là có thể biết và phác họa được một nền văn học đó một cách không khó khăn. Có lẽ vì như vậy nên ông đã có một bài viết khập khiễng đầy chủ quan và thiên kiến.

Đào Hiếu có nhiều hình tích vóc dáng. Lúc thì ông la người lãng mạn hiện sinh, lúc là người Cộng sản trung kiên. Khi là người sinh viên tranh đấu, lúc đóng vai người binh nhì của đại đội 22 trinh sát, rồi lại thành anh đặc công Việt cộng mang chất nổ đi phá hoại để thành một đảng viên sau chiến công đầu. Sau năm 1975 thành anh nhà báo tiên phong của tờ báo Tuổi trẻ, rồi lại thành anh nhà văn có vấn đề vì viết cuốn sách gây nhạy cảm cho giới lãnh đạo. Nhưng dù thế nào chăng nữa, Đào Hiếu vẫn không bị cấm viết, vẫn có tác phẩm in ra và vẫn được đi xuất ngoại đều đều như đã mô tả trong các trang sách khi kể những cuộc rong chơi ở Châu Âu, ở Liên Xô, ở Châu Mỹ. Ông có số phận may mắn hơn những nhà văn Nhân Văn Giai Phẩm thuở xưa và những nhà văn nhà thơ tranh đấu cho tự do dân chủ bây giờ chăng?

Đọc xong cuốn sách, gấp lại, một câu hỏi vẫn còn trong trí óc tôi. Đào Hiếu, ông là ai? Tôi phải lựa chọn chân dung nào thích hợp nhất trong những hình tích vừa kể? Một công việc dễ mà khó, khó mà dễ!…

Đào Hiếu cũng phê bình chế độ, ông không có mục đích nhắm vào những căn bản gây ra tình trạng lụn bại hiện nay mà ông đề cập đến những cá nhân mà ông ví von : “Trước đây, chúng không phải là ruồi, chúng là bạn tôi. Về sau, vì ăn tạp, chúng bị đột biến gen và hóa thành ruồi”.

Rồi Đào Hiếu nhận dạng từng con ruồi, từ ruồi cái đến ruồi đực, từ con thứ nhất đến thứ một ngàn, hai ngàn,… Thí dụ như con ruồi cái thứ nhất:

”Đầu tiên là một ruồi cái. Cái mắt nó bự, mt là một thứ lăng kính nhiều mặt. Tay chân nó đầy lông, bụng nó phình ra như cái trống. Hồi còn là sinh viên tướng tá nó đã ngầu như vậy. Bộ ngực đồ sộ như trái bí đao. Khi ở tù nó được tụi cai ngục đặt cho cái hỗn danh ”Con ma vú dài khám Chí Hòa”

Tôi không ở tù chung với nó nên không biết trong tù nó có ngon lành không (muốn biết cứ giở những tờ khẩu cung còn lưu trong Tổng nha thì rõ) nhưng ngoài đời nó thường ăn nói đốp chát đanh đá. Chồng của ma vú dài thì tôi biết vì tôi ở tù chung với anh ta. Nhưng đó là chuyện trong tù, còn chuyện “kinh tế thị trường” thì lại khác. Chẳng biết hai vợ chồng đớp hít vơ vét cỡ nào mà phải bỏ nhiệm sở trốn. Chạy đi cầu cứu hết ông lãnh đạo nọ đến ông kia. Một bữa ma Vú Dài tình cờ gặp tôi. Nó nói:

“Mình có cái đồn điền cà phê mấy chục mẫu, Ông mua mình bán cho”

Tôi chỉ ngón tay vào giữa hai đùi của mình và nói : “làm nhà văn chỉ có mỗi cây bút bi này, tiền đâu mà mua?”

Không biết sau đó nó bán đồn điền cho ai. Nhưng đồn điền cà phê có là cái quái gì với nó. Nó làm sếp tàu biển. Mỗi lần tàu há mồm là nuốt cả xe hơi, biệt thự. Dù nó có bỏ nhiệm sở mà trốn thì cũng đã gởi cả núi tiền ở các ngân hàng Thụy Sĩ rồi”

Đại khái các con ruồi mà Đào Hiếu tả cũng đều na ná như thế. Ăn cắp, tham những, lường gạt, nịnh hót, theo thời, gian ác,… đầy đủ của những con người ham tiền sa đọa.

Nhưng, mô tả như thế có phải là đối kháng không? Theo tôi, nhiều nhà văn Cộng sản son sắt nhất cũng có những mô tả tương tự. Nhưng, họ cho đó chỉ là hiện tượng thôi chứ không phải là bản chất chế độ. Chế độ vẫn tốt, chỉ có người thi hành sai, nên nêu ra những sai sót có khi làm chế độ sạch sẽ hơn. Thành ra, nhiều khi cứ viết thả dàn, có lúc còn cường điệu cũng chẳng sao. Tôi không biết rõ sự việc nên không dám có kết luận bởi nếu không đủ yếu t để đoan quyết có thể thành sự nông nổi và làm tai hại cho người khác. Nhưng, dù sao vẫn phải phân tích cho rõ ngọn ngành hơn.

Nhân vật của Đào Hiếu có thực mà cũng có trong hư cấu. Có thực như Huỳnh Tấn Mẫm, như Dương Văn Đầy, như Cao thị Quế Hương, như Phạm Chánh Trực, như Nguyễn Tấn Tài, Sơn Nam, như vợ chồng Võ Thị Thắng –Trần Quốc Thuận … Cũng có cải danh đôi chút như Vô Hạnh ( Vũ Hạnh), như Hột Xoàn (Kim Cương)... Những nhân vật được nhắc đến thường thêm thắt vào một vài kỷ niệm với tác giả, thường là những lỗi lầm, những xấu sa hơn là lời khen tặng. Nhưng có một nhân vật đặc biệt, khi thì độc thoại, khi thì đối thoại, làm có lúc người ta tưởng Đào Hiếu – Dã Nhân là một. Nhân vật này dường như lúc nào cũng uống say rượu Bầu Đá tha hồ bốc phét chuyện trên trời dưới biển, chuyện sách vở kinh điển, chuyện đời chuyện đảng, chuyện gió chuyện mây. Có lúc người đọc có cảm giác như tác giả muốn nói nhưng ngại ngùng nên mượn nhân vật nói giùm. Thực tình tôi không hiểu nhân vật này có thực hay không, nhưng chuyện ấy cũng chẳng quan trọng. Chỉ biết rằng trong truyện, nhân vật Dã nhân đã đóng vai phát ngôn biên cho tác giả ở những điều mà chính tác giả khó biện bạch.

Đọc Lạc Đường, tôi suýt nữa cũng bị Lạc Đường theo. Khởi hành theo một con đường đến chỗ đã định nhưng lại đến một chỗ khác. Không biết có phải vì cái màn mù mù nhân ảnh của một chế độ mà sự giả trá thành châm ngôn để cứu cánh biện minh cho phương tiện chăng?  


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.