Lúc
này người ta hay đề cập đến hội nhập văn học của người Việt ở
hải ngoại. Có rất nhiều bài viết, có nhiều ý kiến đôi khi đối
chọi nhau và có cả những lời kêu gọi. Như chiến tranh đã qua
rồi, thời ghìm súng với nhau đã hết, sao vẫn còn giữ những thái
độ không thông cảm với nhau. Hòa giải rồi hòa hợp, hãy quên quá
khứ để nghĩ đến hiện tại và tương lai. Nghe trên lý thuyết thì
có vẻ xuôi tai lắm. Ừ, cùng là người Việt với nhau hãy cùng xây
dựng đất nước, kẻ thù với nhau là Hoa Kỳ
và Việt Cộng sản còn
bắt tay được với nhau mà. Hãy trở về, trở về,…
Tôi có đọc một bài viết khá dài của ông Tô Nhuận Vỹ ”Nhà văn
Việt Nam : Đổi mới và Hội nhập”. Ông viết khá tâm tình, tỏ ra là
một người tuy ở trong nước nhưng đã có ra nước ngoài và có ý
hướng muốn kêu gọi sự hội nhập của những nhà văn ở hải ngoại.
Ông kể nhiều sự kiện ở trong nước và ở hải ngoại về một tình
trạng chia rẽ không chịu “ngồi chung chiếu” của cả văn nghệ sĩ ở
trong và ngoài nước. Ông nêu lên những phức tạp, những khó khăn
của hai bên. Và kết luận là lời kêu gọi, một kiểu “chiêu hồi”
những nhà văn hải ngoại :
“... Cả thế giới đang tiến bộ mau chóng, từng ngày, chẳng lẽ
chúng ta không day dứt trước cảnh “ăn sau chạy dọi“ của đất
nước mình. Nếu thực sự có tấm lòng với đất nước mỗi nhà văn ở
trong nước sẽ làm được. Các nhà văn các nghệ sĩ các trí thức
Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm được cho dù chỉ là một phần như Lê
Bá Đảng, như Điềm Phùng Thị đã làm. Như Trần Văn Khê, Phạm Duy,
Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo, đã làm. Như Nguyễn Đức Tùng đã
bày tỏ trong cuộc gặp gỡ với các nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn
Trọng Tạo, Du Tử Lê, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo.
“Tôi hy vọng rằng một ngày kia tất cả những người ra đi sẽ về
lại bên nhau đầy đủ, dù ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn, mang theo cả
những người không bao giờ còn có thể về lại được nữa. Chia sẻ và
thấu hiểu, kính trọng và tha thứ. Trên chiếc chiếu của tình tự
dân tộc và của thơ ca Việt Nam”
Tôi xin mượn ý kiến của giáo sư Cao Huy Thuần để kết thúc bài
viết này:
“Văn nghệ sĩ hãy làm đi, đừng chờ đợi ai khác. Tự mình mở ra
không gian cho mình. Nếu bây giờ mà văn nghệ sĩ không cùng nhau
“khoán” được một xã hội dân sự văn học để làm cái chuyện thông
cảm nhau, đọc nhau như anh đề nghị thì chúng ta còn làm cái gì
được nữa? Chuyện đó nhà nước coi bộ cũng muốn cũng thấy cần
thiết. Nhà nước đã muốn anh sáng tạo ra bước đi, đó chẳng phải
là chức năng của anh sao? Anh chớ ai?”
Tôi đọc đoạn văn ấy và tự nhiên nảy ra nhiều cảm nghĩ. Ông Cao
Huy Thuần một trí thức thiên tả sống ở Pháp đã quả quyết rằng
nhà nước muốn văn nghệ sĩ “khoán được một xã hội dân sự văn học
để làm cái chuyện thông cảm nhau !”. Thật ra hình dung và định
nghĩa được cái “xã hội dân sự văn học” cũng khá là dài dòng và
có thể hiểu được theo tùy định kiến của mỗi người. Nhưng, tôi có
đọc ”Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn học trong thời kỳ
mới” của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt nam, cơ quan cao cấp
nhất lãnh đạo cả nước, do tổng bí thư Nông Đức Mạnh ký ngày 6
tháng 6 năm 2008 và cố gắng tìm kiếm cái mà ông Cao Huy Thuần
nói là “nhà nước muốn“ mà tìm hoài chẳng thấy. Mà lại thấy những
điều chỏi ngược lại như khi đề cập đến “mục tiêu, quan điểm, chỉ
đạo, chủ trương và giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển văn
học nghệ thuật trong thời kỳ mới”:
”để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành
nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng, Nhà nước và nhân dân
ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa
cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tốt và xấu,
cao thượng và thấp hèn. Hiện thực đó là mảnh đất giàu tiềm
năng
cho những tìm tòi sáng tạo của văn nghệ sĩ để tiếp tục xây đắp
một nền văn học nghệ thuật ngày càng lớn mạnh với những tác giả
tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc.
Quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa có khả năng tạo ra
những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn nghệ
nước nhà, đồng
thời, sự bùng nổ của các phương tiện truyền bá
sản phẩm văn nghệ, của công nghệ giải trí cũng có thể tác động
cả tích cực và tiêu cực đến đời sống và công chúng văn nghệ. Mặt
khác, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu và
thủ đoạn
diễn tiến hòa bình nhằm tạo ra sự tự diễn biến trên lãnh vực tư
tưởng, văn hóa, đạo đức trong nội bộ ta.”
Và cả trong bản nghị quyết, thì văn học chỉ là một phương tiện
phục vụ cho chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong
cơ chế ấy, nhà văn ở trong nước làm được gì huống hồ nhà văn ở
hải ngoại. Con ruột còn bị kẹp thì con ghẻ đâu có tránh được
kềm?
Tô Nhuận Vỹ cũng phê phán một số người mà ông cho rằng còn căm
thù còn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến đã qua nên đã không chịu hòa
giải và hòa hợp. Ông cho rằng họ vẫn còn bị ảnh hưởng quá nhiều
của quá khứ của thời chiến tranh…
Nhưng tôi nghĩ không giống như vậy. Không phải vì quá khứ mà
phát sinh ra những hiện tượng chia rẽ nhau. Mà ngay ở hiện tại
cũng đầy những nguyên do cho sự thiếu đoàn kết của dân tộc. Mà,
nguyên do chính là vì sự tồn tại của chế độ đang cai trị trong
nước. Một chế độ của thiểu số một nhúm đảng viên mà bắt cả 80
triệu người tòng phục. Xét về mọi phương diện, chế độ ấy đầy dẫy
những khiếm khuyết, tràn đầy những bất công. Nào dân oan khiếu
kiện bị đàn áp, nào của cải đất đai của người dân lương thiện bị
ăn cướp trắng trợn. Nào ngoại xâm lấn chiếm đất đai biển trời mà
khiếp nhược cam chịu để cố giữ địa vị. Nào tham nhũng hoành
hành, tạo thành lớp tư bản đỏ, ăn chơi sa đọa trong khi toàn dân
thì nghèo nàn chạy cơm từng bữa toát mồ hôi. Giáo dục thì lạc
hậu, với chủ trương chạy theo tiền bạc lợi nhuận mà bất kể đạo
đức. Còn về văn học, thì chỉ là một phương tiện phục vụ cho chế
độ, người viết văn hết bị trói rồi cởi trói rồi trói lại như câu
ví von của nhà thơ Nguyên Sa “nhà văn là con người chứ đâu phải
chó lợn mà hết trói rồi lại cởi trói.”
Thành ra, nếu còn chế độ ấy, thì cả nhà văn trong nước và những
nhà văn hải ngoại bị vòng kiềm tỏa chỉ là một công cụ. Những
chiêu bài hay đẹp sẽ được vẽ ra, nhưng thực tế cũng chỉ là những
âm mưu được thực hiện do chế độ hiện tại bày ra để lừa phỉnh
những người nhẹ dạ.
Đời sống thường có những câu hỏi. Có hay không một nền văn học
lưu vong ở hải ngoại? Cũng như, những người cầm bút ở hải ngoại
nghĩ thế nào về sự giao lưu và hội nhập? Mà hội nhập thế nào,
hội nhập vào văn học dòng chính ở nước họ định cư, cũng như hội
nhập vào dòng văn học trong nước?
Hội nhập vào văn học ở những nước mà họ sinh sống nổi bật nhất ở
những thế hệ một rưỡi hoặc thứ hai. Họ viết bằng Anh ngữ hoặc
Pháp Ngữ và hình như dù họ viết với tâm cảm Việt Nam nhưng đối
tượng độc giả có lẽ không phải chỉ riêng người Việt mà còn cả
những người bản xứ. Thực tế, họ đã tạo được sự để ý của giới
xuất bản cũng như phê bình và cũng chiếm được nhiều giải văn
học. Họ là Linda Le viết Pháp ngữ, là Monique Trương, Aimee
Phan, Lan Cao, Andrew Lam, Kien Nguyen,
Le thi
Diem
Thuy, Đao
Strom, Nguyen Minh Bich, Mộng Lan,… viết Anh Ngữ.
Còn một chiều hướng khác, hội nhập vào văn học trong nước. Từ
một câu hỏi, văn học hải ngoại còn là một nền văn học lưu vong
mà yếu tính của nó là sự phản kháng chế độ đương quyền trong
nước, có thể là một tiền đề cho câu trả lời có và không. Một khi
chế độ đương thời vẫn còn là một chế độ độc tài toàn trị, thì
liệu sự hội nhập ấy có ý nghĩa gì không?
Theo tôi, giữa nhà văn trong nước với nhà văn hải ngoại không hề
có sự đối kháng cũng như giữa những người dân ở hải ngoại và
trong nước không có sự dị biệt nào để hòa đồng. Nếu có đối kháng
chăng là giữa chế độ và người dân, kẻ cai trị và người bị trị.
Thành ra, đặt ra vấn
đề hòa giải giữa những nhà văn trong nước
và hải ngoại là một chuyện dư thừa. Là người cầm bút với nhau,
chắc sẽ cùng tâm cảm và ước vọng với đất nước nên nếu có trường
hợp gặp gỡ thì cũng là nối giây thân hữu. Hơn nữa ngay mối liên
hệ giữa nhà văn và nhà cầm quyền cũng còn nhiều trường hợp trục
trặc. Như nhà thơ Trần Dần tuy được giải thưởng loại văn học bậc
quốc gia nhưng vẫn bị dè chừng, tuyển tập thơ bị cắt xén, xuất
bản bị làm khó dễ đến mức cấm cản. Thì nói gì đến những nhà văn
hải ngoại dù “lý lịch” có sạch sẽ thế nào chăng nữa cũng không
khỏi bị nghi ngờ là những người sẽ gây mầm mống chống đối chế
độ.
Thực tế cho thấy, ở trong nước ngay cả trên mặt văn hóa, cũng có
sự chỉ đạo của công an. Một thí dụ gần đây, trong nhóm đi tịch
thu cuốn sách “Thơ Trần Dần” ở nhà xuất bản Nhã Nam bên cạnh các
nhân viên của tuyên huấn, của cục xuất bản, của công an địa
phương còn có sự có mặt của A25, một thứ công an văn hóa và là
bộ phận có tiếng nói quyết định.
Hội nhập. Có rất nhiều người bàn bạc đến, thậm chí còn đặt câu
hỏi sẽ phải hội nhập như thế nào nữa. Viết xong một tác phẩm, lẽ
ra là hoàn tất công việc của một nhà văn, nhưng thực tế thì
không hẳn vậy. Những thắc mắc luôn đè nặng. Dư âm của cuộc chiến
vẫn còn và chiến tuyến vô hình không phải ngày một ngày hai mà
hết. Nó vẫn còn và những suy tư, những đau thương có khi là
những đề tài cho văn chương và phản ánh một thời đại mà con lốc
lịch sử đã đổi chiều đến độ khốc liệt.
Là nhà văn, ai cũng muốn có nhiều độc giả, nhất là ở hải ngoại
muốn có độc giả từ trong nước, khi số lượng người đọc Việt ngữ
càng ngày càng giảm đi. Nhưng, khi trong nước vẫn còn những hệ
thống không kiểm duyệt mà siêu kiểm duyệt thì chuyện có sách
được in trong nước đối với những người không có thế thần hoặc
không quen xin xỏ chạy chọt khó lòng chen vào được. Thành ra,
trong hiện tại, sách từ trong nước thì bán đầy ở hải ngoại mà
những cuốn sách của các nhà văn hải ngoại thì ít ỏi và hiếm vắng
ở trong nước. Những sách của các tác giả có “lý lịch xấu“ ở
trong nước còn bị đầy đọa huống chi những người ở hải ngoại mà
lúc nào chính quyền cũng dè chừng là sẽ “chuyển lửa về quê
hương”.
Những câu hỏi làm thế nào để hòa giải hòa hợp, để giao lưu, để
hội nhập,… đều bị một vấn nạn chính phát xuất từ chế độ đang cầm
quyền hiện nay. Từ chuyện đổi mới, cởi trói rồi trói lại rồi cởi
ra, nhà văn ở trong nước chạy theo đã hụt hơi huống chi người ở
ngoài.
Trên lý thuyết, thì mục đích của các suy nghĩ về giao lưu và hội
nhập đều đúng và là lý tưởng nữa. Nhưng trên thực tế, thì chưa
chắc. Nếu viết mà cứ luôn luôn tự hỏi mình sẽ phải viết thế nào,
nghĩ ra sao để ở “trong nước“ chấp nhận thì chẳng thà đừng viết
còn hơn…
Một câu hỏi thường hay đến với người cầm bút : Viết? Tại sao
viết và viết thế nào? Trả lời câu hỏi ấy, có khi rất giản dị
nhưng cũng có khi cực kỳ khó khăn. Viết, có phải là một cách thế
để sống đời sống thực? Hay là một cách sống với thế giới riêng
mình cả những ước mơ? Mỗi người một ý nghĩ, ở thời đại hiện nay,
nhất là với những người Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố, ở
những vị trí khác nhau, có khi là chiến tuyến đối nghịch, thì
văn chương phải phản ánh được nỗi niềm của cả một thế hệ. Có
những người, viết để giải tỏa những ẩn ức của đời lưu lạc. Có
người, coi viết là một cái nghiệp tay trái phải trả trong khi
tay phải vẫn khư khư cái nghề để mưu sinh. Từ những quan niệm
khác nhau, những suy tư khác nhau, có lẽ đã xảy ra cuộc tranh
luận. Và, câu trả lời vẫn là những phân vân bất định. …
Có người làm thơ lúc nào cũng bức xúc với câu trả lời phải viết
thế nào và ra sao. Hình như, chỉ là sự gợi ý mà không phải là
những ý nghĩ khẳng định hay phủ định. Cách nay một thế kỷ,
Rainer Maria Rilke trong tác phẩm Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi,
gồm 10 lá thư gửi cho Franz Xavez Kappus đã nêu ra một vấn đề mà
tới nay vẫn còn tồn tại. Một vấn đề muôn thuở của người làm thơ
thường suy ngẫm. Tôi đọc một
đoạn trong lá thư đầu tiên (bản
dịch Phạm thị Hoài):
Không ai có thể khuyên ông và giúp ông, không một ai. Chỉ có một
cách duy nhất mà thôi. Ông hãy đi vào chính mình. Hãy truy cứu
cái nguyên nhân khiến mình cầm bút, hãy kiểm tra xem nó có bắt
rễ từ chỗ sâu xa nhất của trái tim không, hãy tự thú xem nếu
không viết liệu mình có chết nổi không? Và trước hết hãy tự hỏi
mình vào giờ khắc tĩnh mịch nhất trong đêm, ta có phải viết
không? Ông hãy đào xới trong chính mình tìm câu trả lời tận gốc.
Và nếu có khẳng định, nên ông có quyền đáp lại câu hỏi nghiêm
trọng ấy bằng một lời mạnh mẽ và giản dị rằng “Ta phải viết“ thì
ông hãy xây đời mình trên sự tất yếu ấy, cuộc đời ông ngay cả
trong những giây phút dửng dưng và tầm thường nhất cũng phải trở
thành dấu hiệu và chứng chỉ
của sự thôi thúc ấy. Rồi ông hãy đến
gần thiên nhiên. Hãy thử làm người thứ nhất nói về những gì mình
thấy, mình trải qua, yêu thương và đánh mất. Ông đừng viết thư
tình, đầu tiên ông nên tránh những thể loại đã quá thông dụng và
quen thuộc, đấy là những thể loại khó nhất, vì sức phải lớn và
chín muồi mới đưa ra được một cái gì riêng giữa vô số thành công
và phần nào thành công xuất sắc của người đi trước. Do đó ông
đừng bén mảng đến những
mô típ chung chung mà hãy lui về với
những mô típ do chính ngày thường của mình cung cấp, ông hãy tả
ra nỗi buồn và niềm mong ước, những ý nghĩ thoảng qua và lòng
tin vào một ngày tốt đẹp nào đó. Hãy tả tất cả với lòng chân
thành tha thiết, thầm lặng và nhẫn nhục, và hãy xử dụng mọi vật
quanh ông, những hình ảnh trong mơ và những đối tượng của hồi ức
làm phương tiện diễn đạt. Nếu ông thấy ngày thường của mình quá
nghèo nàn thì xin đừng buộc tội nó, hãy buộc tội chính mình, hãy
tự nhủ rằng mình không đủ tầm thi sĩ để gọi ra những tài nguyên
của nó, bởi lẽ không có cái nghèo và không chỗ nào là nghèo nàn
chẳng đáng đếm xỉa tới đối với người sáng tạo…”
Đọc sách, cũng học và biết nhiều điều. Mà, ngay cả khi đàn đúm
chuyện trên trời dưới đất, cũng câu hỏi trên vẫn ám ảnh, canh
cánh trong lòng…
Mỗi sáng cuối tuần tôi hay ghé quán cà phê ngồi tán dóc với bạn
bè. Một tuần qua rất mau với những ngày thứ hai tới thứ sáu tất
bật để có những ngày thứ bảy, chủ nhật thoải mái. Cũng là một
cách để cuộc đời còn có niềm vui. Ở đó, tôi gặp nhiều người bạn.
Có người, nói chuyện vui vẻ, để cho qua một buổi sáng nhiều nụ
cười, quên đi những lo lắng của cuộc sống. Những câu chuyện
giỡn, những chuyện tiếu lâm. Nhưng, thỉnh thoảng, cũng có người
bạn, sau khi chuyện vãn lại làm ưu tư hơn. Thí dụ như với một
anh bạn mà tôi kể sau đây làm tôi cứ bâng khuâng cả tháng trời…
Thành thật mà nói, anh là người đọc sách rất nhiều và có những
suy tư thấu đáo. Nói chuyện với anh, nhiều khi tôi như đi lạc
vào những trang sách và có lúc như bị lạc lối không tìm được ngõ
ra. Một buổi sáng, khi nói chuyện về giải Nobel văn chương của
Hàn Lâm Viện Thụy Điển, tôi buột miệng nói rằng người Việt Nam
đã trải qua những cách thế có một không hai trên thế giới với
những đề tài tự thân nó đã có sức thuyết phục ghê gớm, thế mà
chưa có một ai cầm bút được lọt vào trong trào lưu văn học thế
giới. Thân phận con người Việt Nam, chiến tranh, thuyền nhân,...
toàn là những lãnh địa bao la cho sáng tác…
Thế là ông bạn quí của tôi có dịp “ăn nói”. Ông mang Milan
Kundura để nói chuyện. Trong ”The Art of the Novel“ nhà văn này
đã suy luận theo những trào lưu của văn học hiện đại. Với
những sự vận động và tìm tòi không ngưng nghỉ, sự cách tân trong
bút pháp cũng như bố cục truyện được coi như một mục đích tối
hậu cho bút mực. Làm mới văn xuôi tự sự cũng như thay đổi cung
cách suy nghĩ về quan niệm, vai trò, vị trí, hành động, chức
năng của nhân vật, Kundura đã đi từ James Joyce, Marcel Proust,
Franz Kafka đến tự bản thân mình.
Ở James Joyce, nhân vật ở trạng thái trở về hình thức đối thoại
nội tâm triệt để mỗi khi bị lôi kéo vào một tình trạng chỉ trong
khoảnh khắc của thì hiện tại.
Ở Marcel Proust, nhân vật được diễn tả và xuất hiện với tất cả
sự huyền diệu và kích thích nỗi ngạc nhiên về cái vũ trụ nội tại
của linh hồn con người. Hành trình “Đi tìm thời gian đánh mất”
gồm mười lăm quyển sách mở ra những cánh cửa đi vào khung trời
tiểu thuyết bao la nhiều chất suy tưởng.
Còn với Franz Kafka nhân vật chỉ còn là hiện thân cho một vấn
nạn “Đâu là những khả năng tồn tại của con người trong một thế
giới mà những quyết định từ bên ngoài trở thành nặng nề đến nỗi
những động cơ bên trong chẳng còn chút trọng lượng nào nữa”.
Kafka mô tả những động cơ thúc đẩy từ bên trong quyết định ứng
xử của bản tính con người giữa
cái thúc ép của đời sống thực tế bên ngoài thành lực chi phối và
luôn luôn giữ vai trò chủ chốt áp đảo trong mọi cách thế quyết
định.
Riêng chính Kundura thì cho rằng nhân vật tiểu thuyết là hiện
thân cái gọi là “bản chất cục diện hiện sinh của cái tôi.” Đây
là một quá trình tìm kiếm với tất cả những dụng công để khám phá
ra những chân dung còn chìm khuất từ những bức màn che kín của
sự vật.
Muốn nhập vào những trào lưu như vậy, nhà văn cần phải nỗ lực
làm mới và rời bỏ con đường mô tả theo lề lối truyền thống với
những chi tiết của nhân vật : tên tuổi, diện mạo bên ngoài, tiểu
sử, quá khứ, đời sống,… Tứ Joyce, Proust, Kafka, đến Kundura,
tất cả những yếu tố trên về nhân vật chẳng còn là quan trọng
nữa. Ngay chính những động tác để làm chuyển động tiểu thuyết
cũng không còn là chủ đích, mà cái còn lại là suy tư với những
phóng chiếu luận cứ phức tạp từ những góc cạnh nhiều chiều,
nhiều phía để soi rọi vào cái sâu thẳm của bản thể mình và đời
sống mình một cách thật rốt ráo triệt để không thỏa hiệp.
Sau khi lấy những luận cứ của Kundura làm căn bản, ông bạn trên
đi đến một kết luận. Muốn đi vào những trào lưu văn học thế
giới, phải từ bỏ chính cái tôi của nhân vật truyện. Chúng ta
phải hủy bỏ chính cái vòng mà chúng ta tự vạch ra và tự giam
mình vào. Chúng ta cứ quanh quẩn trong cái góc thế giới nhỏ nhoi
mà không chịu bước ra những phương trời khoảng khoát hơn. Những
sự kiện của chúng ta hôm nay chỉ có giá trị ở thì hiện tại,
nhưng ở thì tương lai thì chưa chắc. Cái xốc nổi chưa chắc là
cái tồn tại lâu dài. Mà, muôn đời nhất để tồn tại vẫn là hành
trình tự tìm kiếm chân dung con người, chân dung muôn thuở có
chung một mẫu số của nhân bản nhưng có thể khác về tử số, của
những hiện tượng của bây giờ. Nhà văn phải có trí tưởng tượng vượt
qua cái tôi… Tại sao chúng ta cứ viết hoài về cái đã quen thuộc
đã nhàm chán. Sao không thử bước qua đi những con đường lạ. Viết
để làm gì nếu không có sự tìm tòi khám phá. Viết để làm gì, nếu
văn học không mang được những nét tích cực cho cuộc nhân sinh.
Tôi suy đi nghĩ lại, những điều Kundura viết nó chung chung và
hiện thực những ý tưởng ấy thành cụ thể không phải là đơn
giản... Trong bụng vẫn vương vấn những suy nghĩ. Những điều kể
trên có phải thuần từ lý luận và có dễ áp dụng ở thực tế Việt
Nam không. Mà, thực hành thì ra sao? Đi tìm chính mình, soi
gương mỗi ngày? Đúng quá rồi, nhưng diễn tả ra sao vì cái thực
và cái ảo có khi nhập nhằng thành một. Đằng sau cái hình của
mình có khi còn cái bóng nhiều khi to lớn hơn, lộng lẫy hơn. Làm
thơ tượng trưng, thơ phá cách, thơ cách tân,… để sáng tạo? Đúng
rồi, nhưng có chắc là tìm kiếm chân thực mới lạ không hay là từ
ngàn xưa đã có sẵn? Tôi chợt nghĩ đến hiên tượng “tẩu hỏa nhập
ma” mà Kim Dung hay mô tả. Chưa đủ nội lực mà cứ đòi tập tành
thì phế thải có ngày ! Làm thơ có vần chưa làm chủ được vần điệu
ngôn ngữ mà đòi cách tân, phá cách thì thi ca trở thành dị hợm
mấy hồi. Cái căn bản cần thiết phải có mới đủ sức làm sâu sắc
hơn, làm mới lạ hơn văn chương. Thành ra, rút cuộc vẫn là sự tự
rèn luyện và khó khăn nghiêm khắc với chính mình. Nhà văn Nguyễn
Hiến Lê đã tự đặt một kỷ luật cho bản thân. Mỗi ngày, dù có cảm
hứng hay không cũng ngồi vào bàn làm việc. Lâu dần sẽ thành một
thói quen tốt đẹp. Và, với cách làm việc như thế, ông đã có một
công trình trước tác đồ sộ. Riêng tôi khi theo học lớp sáng tác
văn học ở tại đại học ở đây cũng được chỉ dẫn rằng mỗi ngày phải
viết vài trang bằng ngôn ngữ mình và dịch vài trang từ những tác
phẩm được kể là cổ điển để tập
thành thói quen trong công việc vận dụng chữ nghĩa để. Cũng như
đọc một cuốn sách nhiều lần, lần đầu để nắm bắt ý tưởng, lần sau
tóm lược và ghi chép lại thành từng thẻ có thể hệ thống hóa. Tôi
cố gắng theo nhưng hình như đời sống ở đây có quá nhiều thúc
bách nên kỷ luật ấy cũng gần mai một đi. Nhưng ít ra tôi cũng tự
hiểu đó là một phương thức tập luyện tốt… Kỹ thuật cũng rất cần
tuy chưa đủ để tạo thành những tuyệt tác. Mà, nói đến kỹ thuật
là nói đến những kinh nghiệm thu lượm được từ quá trình làm việc
qua sự vận động và tìm kiếm.
Nói theo lý thuyết một cách logically như vậy thì quá dễ. Làm
sao để tiếp cận được vào văn học thế giới thực sự là một câu hỏi
khó cho những người cầm bút. Vượt qua những giới hạn thực tế,
nhiều khi cần phải nỗ lực trong một đời sống nhiều thúc ép hiện
nay.
Câu chuyện trong quán cà phê có phải là chuyện phiếm bàn chơi?
Tại vì tôi quá nặng lòng với văn chương nên thắc mắc vương vấn
mà thôi. Chứ còn, ngày lại ngày, vòng quay đời sống dường như
mỗi ngày bào mòn cả ước mơ. Với tôi, còn cầm bút được là vẫn còn
một chút hạnh phúc nhỏ nhoi. Viết để cho riêng mình có một thú
vui, như mình nâng niu một đóa hoa, không phải là một điều thích
ý sao? Mỗi lần đọc những dòng chữ do chính mình viết ra, có phải
là đang tâm sự với những người cùng tri kỷ. Và, cũng chẳng để ý
làm gì đến ít hay nhiều mắt xanh để ý đến văn chương mình? Cái
gì tốt đẹp tự nhiên sẽ tồn tại, cũng như những giả trá bất toàn
sẽ bị đào thải theo đúng luật đất trời!
Ở trong nước, câu hỏi ;Tại sao viết? Viết để làm gì? và viết như
thế nào? cũng là những vấn nạn thường xuyên trên báo chí.
Nhà văn Nguyên Ngọc trong bài phỏng vấn của Dã Tượng đã phát
biểu:
“Vâng, nhà văn viết bằng cái gì? Theo tôi có ba cái chính : tài
năng “trời cho”, sự trải nghiệm hay “vốn sống” và cái thứ ba là
nền tảng văn hóa dân tộc và nhân loại mà anh ta có được, anh ta
“đứng“ trên đó để tiếp tục đi tới… Lớp người trẻ cầm bút ở Việt
nam hiện nay thiếu hụt hơn cả chính là cái thứ ba này...” Và ông
cho rằng sự thiếu thốn kể trên vì trong nước hiện nay không có
Đại Học thực sự với chất hàn lâm phải có. Nền đại học hiện tại
chỉ là những “lớp phổ thông cấp bốn“ như lời giáo sư Hoàng Ngọc
Hiến ví von. Và sau đó ông còn đề cập đến không có tự do sáng
tác tạo thành một nền văn học “minh họa“ nông cạn, một chiều và
là công cụ cho chính quyền.
Chu Văn Sơn, trong “Tác phẩm lớn, tại sao chưa?” thì phân tích :
“... Không thiếu những cây bút sau màn trình làng đầy ấn tượng
hứa hẹn một triển vọng nào đấy nhưng rồi tài năng ban đầu không
cường tráng lên để thành tài năng, trái lại, cứ sa sút mai một
dần. Những cái ra sau chỉ là sự pha loãng cái ra trước, thậm chí
loãng đến mức khó tin. Có người bi quan đã ngờ vực không khéo
cái tạng chính của người viết ở ta chỉ là “nhà văn của cái đầu
tay”.
Giải thích về hiện tượng sa sút phong độ sau những sáng tác đầu
tay, người ta thường đề cập ba thiếu hụt quen thuộc : vốn văn
hóa, vốn sống và những kỹ năng sáng tạo. Vốn văn hóa không chỉ
là tri thức về các bộ môn văn hóa hay hiểu biết về các nền văn
hóa bốn phương, mà quan trọng hơn là cái lõi nhân văn của kẻ
viết có đầy đặn hay chưa sau khi hấp thụ những tinh hoa văn hóa
khắp nơi ấy. Vốn sống cũng không phải là những tri thức cuộc
sống đã được nạp đầy hay vơi trong túi khôn của kẻ viết, mà đáng
nói hơn là vốn ấn tượng, vốn trải nghiệm cật ruột của chủ thể
sáng tạo trong trường đời đã đủ giúp anh hóa thân vào mọi nỗi
đời chưa. Cũng như thế kỹ năng sáng tạo đâu chỉ đơn giản là
những chiêu mới chiêu lạ chiêu độc tích cóp được từ việc học
những trường phái tân kỳ hay các bậc thầy đến từ phương xa. Mà
quyết định hơn là mọi thao tác kỹ năng đã ngấm vào thành ứng xử
nghệ thuật thành giác quan của người viết hay chưa. Chúng ta
thường khuyến cáo người viết hãy bồi đắp cho những thứ ấy đầy
đặn lên, vạm vỡ hơn. Không thể chối cãi được rằng nội lực của
người viết phụ thuộc rất nhiều vào sự dồi dào của ba yếu tố ấy.
Chưa có một nội lực như vậy, thật khó hy vọng về tác phẩm thật
sự lớn…”
Cũng có người thì lại quan niệm nghe ra hơi ngang tai nhưng
không phải là không lý do trong thực trạng văn học trong nước
hiện nay. Như lời phát biểu của Nguyễn Đình Chính, con ruột nhà
văn Nguyễn Đình Thi và là tác giả của tiểu thuyết “Đêm Thánh
Nhân”, cũng như đã có ý định muốn ra khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam:
“Tôi biết rằng nhà văn thì nên đứng ra ngoài lề xã hội, ngậm
miệng ăn tiền ngồi quay mặt vào vách tường mà viết văn thì mới
là nhà văn lớn, mới là khôn ngoan, biết điều. Nói nhiều là ngu.
Càng nói càng dại. Có lẽ tôi đang là một ví dụ cụ thể. Nhưng đã
hỏi thì tôi xin có nhời. Đất nước đang tiến vào vận hội mới Toàn
dân tộc đã thoát ra khỏi cơn ngái ngủ bao cấp, ỷ lại rồi. Thú
thực nhé, là một người trong cuộc mà tôi cũng chẳng hiểu văn
nghệ Việt Nam hôm nay đã chạy thoát ra khỏi cơn ngái ngủ bao cấp
đó chưa?
Viết để sống. Sống để viết. Hình như ở bất cứ không gian thời
gian nào cũng là hai vế của một phương trình. Có lúc tưởng đối
nghịch nhau nhưng tựu trung vẫn là một. Dù ở trong nước hay hải
ngoại, dù thời gian cách nay cả thế kỷ cho đến bây giờ, viết vẫn
là do bức xúc từ đời sống. Sống đeo đẳng cái nghiệp viết. Và
viết để làm đời sống có ý nghĩa hơn. Văn chương, có khi là duyên
phận, là những tình cờ, của những phút giây “bắt được của trời”.
Thực ra, để trở thành một nhà văn Việt Nam thường thường đã khó,
huống chi còn đòi tác giả lớn, tác phẩm lớn. Ở trong nước, thì
giáo dục hạn chế, đại học chỉ là bậc trung học nối dài, triết
học căn bản không có vì thay thế bằng học thuyết Mác Lênin. Ở
hải ngoại, thì tiếp cận được với căn học thế giới nhưng ít độc
giả và tất cả nỗ lực văn chương đều dồn vào trên vai cá nhân
những người cầm bút. Nhà văn, chỉ có thể cầm bút được nếu không
ở tâm trạng phải viết vì quá nhiều điều chất chứa từ cuộc sống
phải bộc lộ, phải nói ra. Cầm bút, chính là một phương cách để
tự giải phóng mình…
|