.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Nhân ngày giỗ,
nhớ tác giả “ Hình như là tình yêu”

  • 30.08.2008

Thời gian đi quá nhanh. Mới đây là đã đến ngày giỗ Hoàng Ngọc Tuấn. Tháng bảy, trời đang hạ, nhưng ở quê nhà, chắc đang mùa mưa.Và thời tiết ấy, chắc làm những trang truyện ngắn “Ở một nơi ai cũng quen nhau” hay “Hình như là tình yêu”  thêm đậm đà và lãng mạn hơn.

Được biết ở trong nước, để tưởng niệm ngày giỗ của ông, nhà xuất bản Phương Nam ấn hành tuyển tập truyện ngắn “Hình như là tình yêu” và một số bạn bè có làm lễ giỗ khá long trọng. Ở hải ngoại thì cũng xuất bản một tập truyện khác của ông: “Ở một nơi ai cũng quen nhau”. Trước  năm 1975, Hoàng Ngọc Tuấn nổi tiếng là nhà văn viết cho tuổi học trò ngây thơ hồn nhiên. Sau năm 1975, mặc dù ông vẫn còn sinh nhai bằng nghề viết nhưng không có tác phẩm nào tiếp theo được chú ý. Có người ví von, văn nghiệp của anh đã chết từ sau 1975. Viết về thể thao hay sưu tập những truyện cười, chắc không phải là công việc làm đắc ý của một nhà văn đã có nhiều tác phẩm được hâm mộ.

Đã có nhiều người viết bài tưởng niệm ông. Trong đó có nhà văn Nguyễn Đạt. Đọc bài viết này, tôi hình dung ra một cuộc sống đơn độc buồn buồn của một người cầm bút mà tôi nghĩ lúc còn trẻ ngây thơ yêu đời lắm. Thú thực tôi không thân quen cũng như hiểu biết gì về anh nhiều, nên  qua những điều mà anh viết tôi phỏng đoán vậy. Còn, đời sống mọi người sau 1975 thì cả nước đi xuống chứ chẳng riêng một mình ai. Ở Việt Nam, rất nhiều người “cùng một lứa bên trời lận đận” như thế lắm. Nhất là người cầm bút, sống trong một chế độ mà nhà văn gốc tích từ văn học miền Nam nếu được hoạt động cũng chỉ đóng vai cây kiểng và góp mặt khiêm nhường. Rồi tôi nghe anh bị bệnh nan y và hoàn cảnh rất đơn độc khó khăn…

Hồi trước, Hoàng Ngọc Tuấn nổi tiếng với những tác phẩm như Hình như là tình yêu, Cô Gái Treo Mùng, Thư Về Đường Sơn Cúc,… Lúc ấy tôi đã vào lính nên cũng ít để ý đến những tác phẩm của ông. Chiến tranh cùng với sự hung bạo của nó đã làm vẩn đục đi trong tôi cái tính thuần khiết ngây thơ của thời  mới lớn. Nhưng tôi cũng loáng thoáng thấy ở đó, khung cảnh của Sài Gòn, Huế, Ban Mê Thuột,… cũng như các nhân vật dễ thương của tuổi học trò. Và, nếu có cảm giác, cũng là tiếng cười hồn nhiên để sống lại một  buổi học sinh phá phách nghịch ngợm ngày trước của mình. Cái tính xấu, cái tật lười học nhưng mê yêu đương hình như là mẫu số chung của rất đông những cô cậu còn mài đũng quần ở ghế nhà trường nên có sự đồng cảm chia sẻ. Nhất là với tôi một đứa trẻ luôn luôn mơ mộng và không bằng lòng với hiện tại của mình. Vào quân đội nhưng vẫn chưa hết những láu lỉnh những ngang tàng của thời đi học. Đọc Hoàng Ngọc Tuấn, đôi khi là một cách để nhớ lại, để kỷ niệm sống lại, hồi sinh…

Bây giờ đọc lại, qua những “ Học trò”, “Hình như là tình yêu” được in lại ở hải  ngoại, tôi tưởng truyện sẽ nhạt nhẽo đi . Nhưng không, có một chút gì như chất xúc tác, để nhớ về một thời cũng như gợi lại hình bóng của ngôi trường xưa, bạn bè cũ. Y chang lúc trước 1975, ở hải ngoại bây giờ trong tôi vẫn đầy ắp những hồi tưởng. Những đứa bạn, đã quen biết nhau gần nửa thế kỷ, chia vui sẻ buồn và biết tường tận nhau từ cái tốt đến cái xấu. Thỉnh thoảng khi bạn bè gặp lại nhau, là kể lại những truyện cũ. Có thể là những ngớ ngẩn tuổi thơ. Có thể là những nhớ về những người, những cảnh đã xa vắng, đã mất mát. Những đứa trẻ khi gặp cảnh cha mẹ chúng gặp nhau huyên thiên cười nói đã rất lạ lùng. Chúng không hiểu được  nỗi niềm “ngộ cố tri” như thế. Tôi đã cười mỉm một mình, khi giở đọc từng trang truyện Hoàng Ngọc Tuấn…

Nhưng, vào năm 1972, trong cuộc phỏng vấn “Đi tìm các tác giả được ưa thích hiện nay” của tuần báo Khởi Hành, Hoàng Ngọc Tuấn là một tác giả được ghi tên nhiều lần đều đặn sau mỗi lần lấy ý kiến độc giả qua từng số báo. Sở dĩ có hiện tượng ấy bởi vì trong truyện Hoàng Ngọc Tuấn có nét lãng mạn dễ  thương của tình yêu thuở mới lớn và nhân vật của ông có nét sinh động tự nhiên chứ không có những sinh hoạt giả cách thời thượng nhưng rỗng không mà các nhà văn tập tành hiện sinh tạo ra. Nhân vật của ông, có nét thực của những sinh hoạt thực đời sống thực. Mà, cái gì có sự chân thành không làm dáng sẽ tạo  được nhiều lôi cuốn. Sự kiện Hoàng Ngọc Tuấn có nhiều “fans” ái mộ  cũng là điều dễ hiểu.

Nhà văn Võ Phiến, với con mắt khá tinh tường đã nhận xét về  tác phẩm Hoàng ngọc Tuấn:

“… Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh. Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng, anh Hoàng Ngọc Tuấn, là một người vui vẻ. Anh vừa ngông, lại vừa nghịch, vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên anh quyến rũ vô tả…”

Thế mà, theo như Nguyễn Đạt, những ngày cuối của  tác giả “Hình như là tình yêu” sao vắng nụ cười đến thế. Quả là “cơm áo không thường với khách thơ” như Xuân Diệu viết. Ở lại Sài Gòn, chịu qua bao nhiêu sự thay đổi, mỗi ngày thêm mệt mỏi, nặng nề vác trên vai những khó khăn chồng chất của một thời thế hỗn loạn. Và rốt cuộc cũng chỉ là cuộc trở về mà ai cũng phải có một lần trong đời…

Tuần báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh đã có bài phỏng vấn nhan đề “Hoàng Ngọc Tuấn và Một Buổi Chiều”. Tác giả thố lộ: “Văn chương không phải là một nghề nghiệp hiểu theo nghĩa thông thường. “Văn” chọn tôi chứ tôi không chọn “nó” được khi ta làm một cái nghề gì đó, nghề nghiệp ấy đòi hỏi  một thời khóa biểu, một giờ giấc, một số lương bổng nhất định, một số giờ nghỉ ngơi cuối tuần như thứ bảy chủ nhật chẳng hạn. Tôi viết văn thì không như thế. Ngày nào cũng rong chơi như một ngày chủ nhật và ngày nào cũng bận rộn làm việc như một ngày thứ hai. Đêm là ngày, ngày cũng là đêm. Đời của một kẻ sáng tác không có mùa hè hoàn toàn rảnh rang mà là suốt năm tràn đầy mùa xuân thôi thúc hứng khởi. Nhưng nếu nói một cách đơn giản hơn thì tôi theo đuổi chuyện văn chương vì đó là một sinh hoạt có ý nghĩa nhất trong đời sống theo ý kiến riêng của tôi. Sau nữa tôi không biết làm việc khác được ngoài sự viết..”

Trả lời câu hỏi: “Khi đặt bút viết dòng văn chương thứ nhất anh có nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn không?”  là: “Tôi nghĩ là đang hình thành và thời gian cùng độc giả sẽ xác định tôi có thành hình được hay không”. Nói về truyện ngắn đầu tay “Buổi Chiều Hạ Lan”: Khoảng 67 hay 68 gì đó. Sau hai năm học ở đại học và bắt đầu thấy rằng những chữ mình viết ra coi có có vẻ thích thú hơn là những chữ trong cours. Lúc đó tôi chẳng có công việc gì làm cả. Buổi sáng đang đói và thèm cà phê mà không có tiền và chẳng đi đâu được. Tôi ngồi lại một mình trong căn phòng của hội đoàn CPS (khu Khám Lớn Cũ).. Hiện tại thì trống rỗng, nhạt nhẽo, kỷ niệm thì ngọt ngào hào hứng.. Thế là tôi bắt đầu viết. Và tôi đã viết chỉ trong một buổi sáng để xong “Buổi Chiều Hạ Lan”. Hỏi thời gian bao lâu để nghĩ về “nó” thì câu trả lời là: “Đêm hôm trước. Đêm tối, ánh sáng , cô đơn, và viết, thế là có “Buổi Chiều Hạ Lan”.

Nghĩ về những người phê bình văn học: “Họ thường kết luận là chờ đợi và tin tưởng ở những tác phẩm mới hơn của tôi. Tôi mong họ giữ mãi niềm tin đó vì đó cũng là niềm tin mạnh mẽ của tôi. Bây giờ chỉ còn việc biến niềm tin thành hành động…”

Đề cập đến những lá thư độc giả khuyến khích và ái mộ, nhất là những độc giả phái nữ: Tôi “học hỏi” ở những lá thư này hơn bất cứ ở một cuốn sách khảo luận văn học nào. Điều khích lệ nhất là họ cho tôi thấy cái khối độc giả “vô danh” và “thầm lặng” trở thành những con người sống động. Lời nói bao giờ cũng thú vị hơn im lặng. Tôi không muốn được ngưỡng mộ, tôi muốn được chia sẻ và thương mến.

So sánh tác phẩm đầu tay “Hình Như là Tình Yêu” và tác phẩm mới đây “Chuyện Hai Người”, anh thú nhận: Có lẽ bớt ngây thơ và hồn nhiên hơn. Điều đó hơi buồn nhưng làm sao tránh được mọi người đều phải lớn. Nhưng tôi cũng mong rằng nếu càng ngày tâm hồn tôi càng “già” hơn đôi chút thì chữ nghĩa cũng phải già thêm mới được…


Đ
ược biết anh “thích đọc Saroyan, mến Salinger, phục Dostoievsky, nhưng chẳng mê ai cả” và bị hỏi rằng có bị ảnh hưởng nào không thì tác giả “Cô Bé Treo Mùng” trả lời: Tôi không biết. Người đọc sẽ dễ thấy hơn tôi. Nhưng tôi sẽ rất sung sướng nếu được ảnh hưởng ít nhiều của tinh hoa nhân loại. Sáng tác thì dĩ nhiên trong cô độc nhưng con người sáng tác nào cũng  phải sống với cuộc đời nhận lấy những dấu vết của cuộc đời và thụ hưởng gia tài nghệ thuật chung của con người.

Mấy chục năm sau, có một  người ái mộ Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả Songcon viết bài tưởng niệm và gián tiếp trả lời khi cho rằng trong truyện ngắn đầu tay “Buổi Chiều Hạ Lan” Hoàng Ngọc Tuấn chịu ảnh hưởng rất nặng của J.D. Sallinger của The Catcher in the Rye. Nhân vật Holden Caufield có phảng phất bóng dáng trong truyện Hoàng Ngọc Tuấn.

Trong tuần báo Mây Hồng số ra mắt năm 1972 ở Sài Gòn thời trước, Hoàng Ngọc Tuấn đã trả lời những câu hỏi phỏng vấn một cách thực thà. Như trả lời câu hỏi: Là một tác giả thường viết về tuổi thơ xin anh cho biết vì nguyên do nào mà anh đã chọn đề tài này?


A
nh viết: Trước hết tôi thấy tôi không phải là “một tác giả viết về tuổi thơ”. Có lẽ độc giả thấy những nhân vật trong truyện tôi có một vài người nhỏ tuổi nên tưởng thế. Ngay cả một  cuốn sách mới đây của tôi “Thư về đường Sơn Cúc” tuy bé tí xíu như hạt tiêu nhưng cũng không phải là một chuyện về tuổi thơ. Khi sáng tác tôi ít phân biệt về tuổi thơ hay tuổi già. Một thời nào tôi đã sống qua tôi thường viết về nó. Do đó dĩ nhiên là có một vài truyện  tuổi thơ của tôi. Một đề tài nằm mãi trong tôi, tự dưng có ngày phải nhảy ra đời để thành một chuyện. Tôi không chọn lựa đề tài.

Trả lời câu hỏi: Qua các truyện ngắn của anh, tuổi thơ thường hiện lên những hình ảnh thơ mộng, tuổi thơ của anh có êm đềm như thế không?

Hoàng ngọc Tuấn thố lộ: Hơn thế nữa là đằng khác. Tôi tiếc chưa có thì giờ và tâm hồn bình yên để làm sống lại những ngày xưa êm đẹp đó. Thuở nhỏ, tôi theo gia đình đổi chỗ ở hoài, từ tỉnh này qua tỉnh khác, mỗi năm học một trường. Huế, Qui Nhơn, Ban Mê Thuộc, v.v… Trường Bà Sơ, trường Thầy Dòng (La San), trường Thầy chùa (Bồ Đề), trường tư, trường công,.. đủ cả. Hồi đó tôi  yêu thương rất nhiều điều, và tôi mừng mà thấy đến nay tôi vẫn chưa thay đổi…

Khi bị hỏi trong “Hình như là tình yêu” anh thích truyện nào nhất, anh trả lời: Truyện thứ nhất: Hình như là tình yêu. Khách quan mà nhận xét đây không phải là truyện ngắn tốn nhiều công phu hoặc có gì mới lạ nhất của tôi. Nhưng tôi thích nó vì đã viết say sưa một mạch  truyện đó. Nó đem lại cho tôi khá nhiều hạnh phúc, một thứ hạnh phúc khó cắt nghĩa được.

Người hỏi giả sử: Bây giờ nếu viết một truyện về thời tuổi thơ anh sẽ viết gì trong đó?

Thời điểm ấy, năm 1972, Hoàng Ngọc Tuấn trả lời: Chắc là  truyện có tính cách hồi tưởng tự thuật ở Huế hoặc Ban Mê Thuộc. Làm học trò, chăm học lẫn trốn học, chạy rông cho đã đời rồi bị nhốt vào nội trú, yêu thương mơ mộng vớ vẩn , v.v. Ai cũng có một thời bé con đó cả. Khi viết lại có khác chăng là cách cảm nhận và diễn tả quá khứ riêng biệt của mỗi người.

Tác giả “Hình Như Là Tình Yêu” cũng nhắn nhủ với  lớp đàn em. Bất cứ một lời khuyên nào của những ông giáo đều chí lý cả, bây giờ nhớ lại hồi nhỏ đi học tôi mới nhận thấy thế. Cái chân lý cổ điển nhưng bất hủ là học trò cứ nên nghe theo lòi khuyên dạy của cha mẹ và thầy giáo. Tôi đã sống trái ngược với điều vừa nói trên nên bây giờ tôi mong muốn những người còn trong lứa tuổi thơ (nói rõ ràng hơn là các em của tôi) hãy làm trái với những điều tôi đã làm. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay… Gia đình và trường học đẹp lắm!

Qua những bài phỏng vấn, tôi đã làm quen được với Hoàng Ngọc Tuấn. Đọc những truyện ngắn, và cả truyện dài đăng dở dang trên tạp chí “Bách Khoa”, “Tuổi Trẻ Hư Không”, tôi thấy lại một chân dung tuổi trẻ có nhiều nét đặc thù của những vóc dáng tuổi thơ muôn thuở . Ở bất cứ không gian thời gian nào, cũng thế. Cũng là “mộng ngoài cửa lớp”, cũng là những mơ mộng lãng mạn cố hữu của tuổi trẻ. Và, ăn thua là ở cách nhìn và diễn tả, sẽ lôi cuốn được người đọc hay không. Ở Hoàng Ngọc Tuấn tôi thấy có những vóc dáng văn chương riêng biệt và đặc thù  mà về sau này nhiều nhà văn chịu ảnh hưởng.

Buổi sáng nay, mới ngủ dậy, nằm lơ mơ trên giường nghe chim rân ran ngoài hiên, cầm những cuốn sách của Hoàng Ngọc Tuấn, tôi nghĩ mình phải viết bài tưởng niệm này khác hơn. Mình phải viết về cái mình nghĩ đối với tác giả hơn là trích dẫn những điều tác giả đã nói về mình và tác phẩm mình qua những bài phỏng vấn. Dù tôi không có cái may là bạn với anh như những anh Nguyễn Đạt, Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Sơn, .. hay có chung thời sinh hoạt ở những trong trào sinh viên học sinh thuở nào. Thế mà, trong bài viết hiếm ý nghĩ chủ quan của mình…Không biết có phải là nghĩ về anh một cách gián tiếp không có gì hơn là qua những thổ lộ những tâm sự để mường tượng lại vóc dáng văn chương của anh vào một thời mà có lẽ chắc anh cũng ngầm hãnh diện về những thành quả của mình. Cầu chúc linh hồn anh sẽ rong chơi và không vướng bận gì với những trăn trở cuối đời trong cõi tạm này…

 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.