.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác .........

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Đọc «Thời Của Thánh Thần»
tiểu thuyết bị tịch thu trong nước

 

  • 30.11.2008

Sách bị tịch thu ở trong nước có hấp lực đối với cả độc giả trong và ngoài nước. Có khi, là một cách thế để quảng cáo, nhưng có khi là tác phẩm phê phán chế độ.

Người viết văn ở trong nước hình như chỉ có một con đường để đi, nếu sai lệch sẽ bị gạt ra ngoài trường văn trận bút ngay. Phương cách siêu kiểm duyệt, không có quy định rõ ràng nhưng như là thiên la địa võng đã tạo thành những áp lực ghê gớm đè nặng lên vai người sáng tác.

Có nhiều loại sách bị tịch thu, và cũng có nhiều lý do sách bị thu hồi. Có khi là sách bị gọi là khiêu dâm đồi trụy. Có khi bị gán cho những tội vi pham luật lệ xuất bản. Có khi bị cho là có chủ đích xấu phản động chống phá chính quyền. Có khi là vì nội dung đụng chạm đến các vấn đề « nhạy cảm » liên quan đến « an ninh văn hóa » (Những từ ngữ mà các cơ quan trong nước này xử dụng thường là mơ hồ và rất dễ quy chụp cho những tội danh đi xa hơn).

Gần đây nhất, là tập truyện ngắn « Rồng Đá » của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai bị tịch thu và sau đó là dẫn đến việc nhà xuất bản Đà Nẵng bị đóng cửa. Thời gian trước, khi nhà xuất bản Đà nẵng in tập « Thơ Trần Dần » cũng bị tịch thu và gây ra nhiều xôn xao trong dư luận. Theo nhà văn Vũ Ngọc Tiến thì nguyên do là trong tập « Rồng Đá » có 3 truyện ngắn « đụng chạm », trong đó có một truyện liên quan đến cuộc chiến với Trung Hoa ở biên giới phía Bắc Năm 1979 và hai truyện ngắn liên quan đến cuộc nội chiến chấm dứt năm 1975.

Nhưng, theo các giới chức có thẩm quyền thì lại lấy lý do là nhà xuất bản làm ăn bê bối thua lỗ.

Một tác phẩm khác, cũng gây nhiều tranh cãi và đồn đại trong dư luận là tập Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh. Cuốn sách hình như chưa in ra mà đã bị búa rìu gán cho bao nhiêu thứ tội kể cả việc lôi cả gia đình dòng tộc ra mà bỉ thử. Phê bình nhẹ thì gọi là chuyện ngồi lê đôi mách còn nặng thì gán tội thân ở với Đảng mà hồn thì theo địch. Nguyễn Đăng Mạnh là giáo sư đại học, là đảng viên và là một nhà phê bình có tiếng tăm ở trong nước. Qua sự kiện ấy, chúng ta thấy được sức ép ghê gớm của guồng máy cầm quyền và nhà văn là đối tượng bị kiềm chế và kiểm soát một cách gắt gao.

Một tác phẩm khác cũng bị tịch thu và cũng tạo ra nhiều phản biện. Đó là tác phẩm « Thời Của Thánh Thần », tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường do nhà xuất bản Hội nhà Văn ấn hành. Lý do tịch thu thì hình như là phát hành sớm. Nhưng dư luận thì lại cho rằng vì nội dung cuốn sách với đề tài có liên quan đến nhiều người, nhiều vấn đề mà có lúc đã trở thành cấm kỵ với người cầm bút.

Tình cờ tôi được người bạn về từ Việt Nam tặng cho cuốn sách và anh gợi ý rằng nên viết một bài về cuốn sách này vì có nhiều điều cần đề cập đến. Tôi đã đọc và cảm thấy rằng quả thật trong nội dung tập tiểu thuyết này chứa đựng thật nhiều suy nghĩ và dễ làm người đọc có nhiều ấn tượng đi xa hơn những điều tác giả thổ lộ. Hầu như tất cả những diễn biến lịch sử từ những năm của thập niên 50 về sau và hậu quả của nó đều hiện diện trong tiểu thuyết này. Từ biến cố cải cách ruộng đất, rồi cuộc chiến tranh, rồi chương trình đánh tư sản khi miền Bắc đã chiếm được miền Nam, rồi chuyện vượt biên, rồi chuyện những người tị nạn trở thành những người yêu nước được tiếp đãi nồng hậu… Dù rằng tác giả có nhiều đoạn phê phán chế độ đến mức lột tả ra những bề trong xấu xa tàn hại nhưng bề ngoài thì cuốn sách vẫn có vẻ đi đúng đường lối mà Đảng đã hoạch định cho giới sáng tác. Không biết đó có phải là kỹ thuật đi song song để từ những điều được cho phép để nói đến những điều cấm kỵ. Mà phần chính là muốn nói đến những điều mà ai cũng thấy hợp lý nhưng lại không được quyền nói ra ?

Nhà văn Hoàng Minh Tường thố lộ : « Nhà văn thì bao giờ cũng phải có bột mới gột nên hồ. Nhà văn viết tiểu thuyết thì anh phải có tư liệu, chất liệu đời sống chứ viết thật trăm phần trăm thì là hồi ký. Tôi viết ra và tôi cảm thấy nó đã thuộc về độc giả rồi ».

Giữa hư cấu và sự thực, hình như biên giới khá gần. Và, ở hư cấu nhiều khi tạo thành những chi tiết mà người viết xử dụng nhiều khi có vẻ hơi gượng gạo và ít chất xác thực. Như chuyện di cư vào Nam của người con thứ trong gia đình Nguyễn Kỳ, Nguyễn kỳ Vọng, với những chi tiết xét ra không gần với thực tế lắm. Hoặc như chuyện bảy người tù binh Cộng sản bị chôn sống ló đầu lên để xe ủi cán, do một viên đại tá tỉnh trưởng chủ trương. Những chuyện ấy là chuyện tuyên truyền của một thời và tác giả đã có một thế đứng được lựa chọn từ xưa và không thay đổi trong nhận thức về cuộc chiến đã qua dù thời gian là một độ lùi để bình tâm và suy tư lại.

Trong bài viết của Phương Ngọc « Thời của thánh thần, tiếng nổ của văn xuôi Việt Nam 2008 ». Có trích đoạn : Nhà lý luận phê bình Vũ Nho rất có lý khi nhận xét: « Cải cách ruộng đất, Đấu tranh chống Nhân văn Giai Phẩm, Chống xét lại, Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Hòa hợp dân tộc,… Những vấn đề cốt lõi ấy được xem xét và đánh giá qua những số phận mấy đời chìm nổi của một gia đình. Thời gian đủ độ lùi cần thiết. Nhưng những hiểu biết của một cây bút phóng sự tiểu thuyết có hạng và suy ngẫm một đời viết mới là yếu tố quyết đinh làm nên thành công của tác phẩm này ».

Phương Ngọc cho rằng tiểu thuyết Thời Của Thánh Thần đã chấm dứt những sự kiện của thời cải cách ruộng đất bằng những chi tiết độc đáo đến nỗi các nhà văn khác không thể khai thác gì thêm được nữa trong sự kiện lịch sử này.

Thực ra, trước Hoàng Minh Tường đã có nhiều tác gỉa viết về thời kỳ cực kỳ đen tối này và tạo được những tác phẩm lột tả được nhiều phần sự thực bị dấu kín cấm đoán từ những cai văn nghệ. Như Sắp Cưới của Vũ Bão, Ác Mộng với Ngô Ngọc Bội, Ba Người Khác với Tô Hoài…Những tác phẩm ấy, dù chỉ một phần nào biểu tỏ được những thảm trạng nhưng cũng đủ làm người đọc rùng mình. Sự thực còn nhiều khi khó tưởng tượng gấp bao nhiêu lần tiểu thuyết.

 Với Thời Của Thánh Thần, những biến cố của cải cách ruộng đất chỉ là bắt đầu cho một chuỗi thảm kịch mà ở đó lòng yêu nước đã trở thành một tấm bình phong để tạo chiêu bài cho những con buôn chính trị có lý do đòi hỏi sự hy sinh cho những mục đích nhằm phục vụ cho dân tộc thì ít mà nhằm phục vụ cho một thiểu số nắm quyền lực thì nhiều. Hoàng Minh Tường đã kể chuyện về một dòng họ mà trong đó các nhân vật bị cuốn hút vào một cơn bão loạn thời thế. Con người không thể nào cưỡng lại một guồng máy chuyển động, và gia đình ấy đã tan tác trong một không gian thời gian dài.

Thời gian dài nửa thế kỷ đối với một cá nhân có khi là cả đời người nhưng với lịch sử thì chỉ là một nháy mắt. Từ những biến cố này xoay qua biến cố khác, cuộc sống của từng người đã đi từ cực độ này sang cực độ khác và những ý niệm như nhân nghĩa, từ ái đôi khi chỉ là câu nói suông. Còn không gian, với Thời Của Thánh Thần cũng khá bao la, hầu như bao trùm cả đất nước Việt Nam, một tiền trường xảy ra những hiện tượng mà con người có mặt ở trong đó cũng không ngờ tới.

Viết Thời Của Thánh Thần, những nhân vật của tiểu thuyết này dường như không ở trong một đơn tuyến giản dị. Con người có khi xấu, có khi tốt, và cái ảnh hưởng bên ngoài vào cuộc đời nhiều khi là những yếu tố quyết định.

Theo Phương Ngọc, nguyên thủy nhan đề của Thời Của Thánh Thần là Tốt Sang Sông. Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đã viết tặng Hoàng Minh Tường mấy câu thơ và tạo thành ý tưởng để nhà văn này hoàn tất một tiểu thuyết dầy hơn 600 trang. Bài thơ Tốt Sang Sông có những câu như:

Anh muốn xóa tất cả đi như xóa một bàn cờ
Rồi kiên nhẫn bày lại từng con tốt
Tốt chưa qua hà đâu em ơi đừng nóng ruột
Rồi tốt sẽ qua hà tốt sẽ đi ngang…

Tác giả rất thích những câu thơ trên và dùng câu văn thời tiền chiến trong Vang Bóng Một Thời làm đề từ: « Nhất tốt độ hà, bán xa chi lực. Ở đời không nên khinh thường một điều gì. Con tốt mà sang hà tức là đứa tiểu nhân đã đắc thế,,, » Hoàng Minh Tường đã muợn ngôn ngữ của một tướng cướp già Cờ Đen nhân vật của Nguyễn Tuân để nói lên được những tình cảnh thời cuộc nhố nhăng mà khi kẻ tiểu nhân thời cơ gặp lúc cờ đến tay thì phất và không từ một hành động nào dù tàn bạo vô nhân đến mực nào chăng nữa…

Khi hoàn tất xong thì Hoàng Minh Tường mới biết rằng nhan đề Tốt sang Sông đã có người dùng rồi. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã in tiểu thuyết Khi Con Tốt Sang Sông. Và thế là ông đổi thành « Thời Của Thánh Thần » là nhan đề của một tập thơ của nhân vật Nguyễn kỳ Vĩ trong truyện.

Thời Của Thánh Thần là một tiểu thuyết gồm 2 phần : Cơn Gió Bụi và Cuộc Bể Dâu, gói ghém trong 29 chương sách kể về chuyện một gia đình nông dân nhưng có truyền thống khoa bảng ở một làng quê ở cùng châu thổ ven con sông Hồng Hà. Trong suốt hơn nửa thế kỷ, họ phải trải qua những cuộc biến động ghê gớm mà ở đó nhân tính của con người đã bị thử thách đến mức không tưởng tượng được. Sự thực của đời thường đã được tổng hợp để thành một hư cấu mà người đọc khó phân biệt. Nhân vật của Thời Của Thánh Thần có khi tuy chỉ là một nhưng là hòa hợp của nhiều chân dung, nhiều cuộc đời khác nhau. Từ những góc cạnh, sự quan sát và nhận xét toàn diện hơn và nhân bản hơn nên lột tả được những mẫu nhân vật khác thường trong một thời đại đặc biệt.

Trong lời cuối sách, tác gỉa viết: « Cuốn tiểu thuyết Thời Của Thánh Thần viết về một gia đình làng quê châu thổ sông Hồng được tác giả nuôi dưỡng trong âm hưởng sử thi của Nước Việt suốt nửa thế kỷ. Vì thế nhiều sự kiện, nhiều nhân vật có bóng dáng như ở đâu đó như giống ai đó.

Thực ra không gian và nhân vật đều là hư cấu tiểu thuyết tác gỉa không ám chỉ một ai một nơi nào trong đời thực vì thế bạn đọc hãy vui lòng thể tất mọi điều… »

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường có đầy đủ những tình tiết khốc liệt kể cả dục tính. Từ cảnh nhìn thấy sự thủ dâm của một cô tiểu để sau này vì tình trạng bất đắc dĩ phải đóng vai trò vợ chồng, cả hai nhân vật Nguyễn Kỳ Khôi và Đào Thị Cam đã bị lôi vào một cuộc tình mà hậu quả còn kéo dài đến mấy chục năm sau. Đọc trong chương 3 của truyện, để nhìn thấy những cảnh thật « erotic» và cũng thật gây nhiều ấn tượng : « ...Hướng theo ánh mắt bồn chồn của tiểu Hiên, Khôi nhận ra một vạt ngô đang kỳ xây bắp. Những cây ngô xanh mướt, cây nào cũng mang một hai bắp trên mình. Đột ngột tiểu Hiên buông cuốc, đi xăm xăm đến vạt ngô, tìm bẻ một bắp to nhất giấu vào vạt áo. Thì ra nàng đói. Khôi như hiểu ra. Cậu cố thử đoán xem nàng đã ăn ngô như thế nào?

Nhưng sao chỉ có một bắp? Sao nàng không vào bếp để nướng hoặc luộc mà xăm xăm đi vào nhà kho thế kia?

Khôi lại căng óc theo dõi và phán đoán. Chờ mãi không thấy tiểu Hiên ra, Khôi càng nóng ruôt. Cậu luồn từ gác chuông, qua chái tam quan, qua cây bưởi đầy gai đến nóc nhà kho. Có tiếng thở dốc rồi tiếng rên quằn quại. Thôi chết, tiểu hiên làm sao? Khôi áp tai vào mái ngói. Tiếng thở, tiếng rên càng rõ hơn. Chắc là Hiên bị trúng gió hoặc ngộ độc thgức ăn. Lao xuống đất, phá cửa nhà kho vào cứu tiểu hiên chăng? Không được. Sẽ bị lộ. Sư thầy sẽ chạy đến hô hoán lên, hóa ra lạy ông tôi ở bụi này!

Rất may, Khôi nhìn thấy mấy viên ngói vỡ gần nóc, trườn tới dỡ viên ngói dòm xuống, Khôi bỗng bàng hoàng phát hiện ra một cảnh lạ lùng; Tiểu hiên đang nửa nằm nửa ngồi trên nắp chiếc vại đựng khoai khô, trong một tư thế gần như khỏa thân, khan áo nâu sồng vứt dưới chân, mái toác đang mọc lởm chởm bết mồ hôi, ôm lấy gương mặt đỏ bừng vừa như đang rất đau đớn, vừa như đang ở đỉnh điểm thỏa mãn, khoái cảm. Kỳ lạ nhất là đôi bàn tay. Một tay nàng xoa bóp đầu vú, như mơn trớn, như vầy vò tay kia đang cầm một vật gì đó kẹp chặt vào giữa đùi. Càng kẹp nàng càng quằn quại rên rỉ. Cố kim nén mà tiếng kêu của nàng cứ hộc lên… »

Tiểu Hiên chính là nhân vật Đào Thị Cam sau này, là một nhân vật của Việt Minh, đã gài được Lý Phúc vào hoạt động hai mang và có hai đứa con tư sinh. Một với Nguyễn kỳ Khôi là Lê lý Chu nhưng lại mang họ của người chồng là Lê Thuyết. Còn một với Trương Phiên khi còn là cô Bướm và bị anh này ruồng bỏ vì muốn thành đạt nên lấy vợ khác. Sau này Trương Phiên thành một tỉnh trưởng và một chuẩn tướng của quân đội Cộng Hòa. Đứa bé khi mới sinh ra bị vứt ngoài đồng và được bà Lý Phúc mang về nuôi chính là Nguyễn kỳ Cục, một người làm tàn hại dòng họ mà cũng chính là người gây dựng lại dương cơ gia tộc. Hai đứa bé, sinh ra trong hai hoàn cảnh khác nhau, tượng trưng cho những hình tượng đau khổ của người đàn bà trong ly loạn. Tạo dựng nên nhân vật ấy, tác giả muốn nói lên điều gì? Có phải những lý tưởng chỉ là bề ngoài đóng kịch và tự mình hiểu hơn ai hết cái kỷ luật vô nhân của Đảng của tổ chức đã làm con người phải sống giả dối, phải giả vờ gương mẫu trong khi con người ai cũng đầy ứ dục tình. Chính vì sự phải đóng kịch ấy, mà con người bị vong thân với chính mình. Đào Thị Cam tức là cô Bướm, nhân tình của thiếu úy Tây lai Trương Phiên và cũng là cô tiểu Hiên, người đàn bà đã dâng hiến cho Khôi và có một đứa con với anh chàng này.

Lý Phúc ngầm hoạt động cho Việt Minh, có ba đứa con trai ruột thì hai đứa công tác cho Cộng Sản mà trong đợt cải cách ruộng đất bị quy vào thành phần địa chủ, bị đấu tố và bị chính đứa con nuôi là Nguyễn Kỳ Cục vu vạ cho bố dâm dục với vợ mình để đến nỗi phải treo cổ tự sát.

Ba người con ruột của Lý Phúc như ba ngã rẽ của một dòng sông và thời thế đã trôi đi theo những hướng đời khác nhau. Con cả Nguyễn Kỳ Khôi, sau được đổi tên là Chiến Thắng Lợi, trở thành lãnh đạo tuyên huấn của Đảng và tương trưng cho lớp quan cán bộ với tất cả những đặc tính nha lại của nó. Nhưng khi đã bị mất chức, thì lại có một chút nghĩ lại và tìm về sự đùm bọc của gia tộc. Vì tham muốn quyền lực, mà Khôi đã hy sinh tất cả từ tình cha con, tình anh em, tình chồng vợ, tình gia tộc, sống giả dạng để mong tồn tại chức quyền. Về sau, khi bị thất sủng, mới hiểu được sự thực mình cũng chỉ là một con tốt được đấm qua sông và chỉ có một đường tiến chứ không có lối lui.

Người con thứ hai, nhà thơ Nguyễn kỳ Vĩ, mang nhiều biểu tượng của các nhà văn của Nhân Văn Gia Phẩm, có tài văn chương nhưng vì thẳng tính và có nhiều nghệ sĩ tính nên đi chệch đường lối của Đảng và bị trù úm hành hạ đến nỗi bất đắc chí thành người trầm cảm sống dở tỉnh dở điên.

Người con thứ ba, Nguyễn Kỳ Vọng, di cư vào Nam học hành trở thành một kỹ sư có năng lực nhưng khi Cộng sản vào chiếm miền Nam tuy không bị cải tạo nhưng cũng bị nghi ngờ theo dõi và phải vượt biên tị nạn, sau trở thành một Việt Kiều yêu nước và trở về để mua lại dương cơ họ Nguyễn Kỳ và chấn hưng lại.

Còn đứa con nuôi, Nguyễn kỳ Cục,,, vừa là một chính diện vừa là một phản diện. Lúc ở cực độ xấu, bị xúi giục và khống chế để làm chuyện đê hèn nhưng về sau lại là một người biết điều để làm những công việc coi như chuộc lại lỗi lầm thời trước. Trước sau, anh này cũng chỉ là nạn nhân của một chính sách một chế độ đã ngự trị trên đất nước hơn nửa thế kỷ qua.

Những nhân vật ấy trong cuồng loạn của thời thế, gánh chịu những bất toàn của cuộc sống nhưng kết cuộc lại là happy ending với những cuộc đoàn viên, người xấu thành người tốt. Viết như thế thì hình như rất đúng với đường lối của Đảng, có phải? Nào hòa giải hòa hợp, Việt kiều yêu nước Nguyễn kỳ Vọng trở về xây đắp quê hương! Rồi những tên phản động ra nước ngoài như chuẩn tướng Trương Phiên thì ăn năn hối lỗi khóc lóc vì những tội ác gây ra! Rồi tội ác Mỹ Ngụy, bảy chiến sĩ cách mạng suýt bị chôn sống cho máy ủi bừa đầu nhô lên khỏi mặt đất! Nếu người đọc có bực mình vì những dòng chữ ấy thì có nên hiểu rằng đó là một cách thế đánh rồi lại vuốt một thủ thuật để cho tác phẩm có thể ra đời?

Nhưng Thời Của Thánh Thần cũng có nhiều diểm tiêu cực chống phá chế độ theo như các quan văn nghệ tuyên huấn thẩm định. Nào bôi bác chế độ, mang những bất toàn ra để bêu xấu. Nào mang những bi thảm của một dòng họ để phóng chiếu thành tiêu biểu cho một xã hội không giống ai, một hà khắc quá mức, một áp chế văn học đến mức phi văn học. Đã thế, những nhân vật phản diện còn hao hao giống ở đời thường như Tư Vuông có phải ám chỉ Tố Hữu, hay Nguyễn Kỳ Khôi tức Chiến thắng Lợi ám chỉ đến những quan tuyên huấn như Nguyễn Đình Thi, như Chế Lan Viên,.. sống giả dối và luôn bon chen vì danh lợi. Hay Nguyễn Kỳ Vĩ có phải là tổng họp của những khuôn dáng Nhân văn giai phẩm là nạn nhân của chế độ hiện tại với một chút Trần Dần, một chút Hoàng Cầm,..

 Phương Ngọc viết : « Thời của Thánh Thần » chỉ chấm phá thêm đôi nét nhưng cũng đủ để khép lại một gia đoạn văn học vết thương về cải cách ruộng đất mà sau này các tác giả khác không nhất thiết phải quay lại... Và cùng với mạch cảm xúc bi thương ấy lần đầu tiên trong văn chương đương đại sự kiện Nhân văn Giai Phẩm và cuộc đấu tranh với bè lũ Xét lại hiện đại cũng như cuộc vượt biển di tản của gần hai triệu người được nhà văn đề cập đến với cái nhìn điềm tĩnh và xa xót của một người có độ lùi thời gian để phân tích lý giải đặng trả lại cho những nhân vật trong cuộc bức chân dung thực của họ. »

Với riêng tôi, đọc « Thời của thánh Thần » tôi nghĩ lịch sử sẽ là một đề tài vô tận cho văn chương Việt Nam. Chuyện thời thế rồi sẽ qua đi. Kẻ gieo nhân thì sẽ hái quả, những chế độ tàn ngược độc tài rồi phải bị diệt vong. Với nhà văn, những nét chấm phá để phác họa lại một thời kỳ họ sống, họ suy nghĩ phải là những nét chân thực. Khi mà chế độ bắt người sáng tác phải tô son vẽ phấn lên những sự kiện nhòe nhạt lem luốc thì làm sao có sức thuyết phục được người đọc. Và, lại thấy thương cho những người muốn trang trải nỗi niềm kẻ sĩ của mình phải vừa viết vừa lách. Làm kẻ đu giây hai tay giữa hai đường giây song song, lúc nào họ buông tay rớt xuống? Kể ra, làm nhà văn trong thời thế ây mà nói lên được tâm tư của mình cũng là một điều khó…

 


 

NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.