.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Chiến tranh hay hòa bình?

  • 14.02.2009

Văn học miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 và văn học trong nước sau 1975 là một nền văn học của chiến tranh. Khi trong thời chiến, là khích động để hy sinh để chém giết. Thế mà, khi hòa bình, vẫn đường lối cũ, vẫn cung cách xưa, vẫn là bóng dáng của chiến tranh ngự trị.

Nguyễn Khải, trong bài viết tưởng niệm Nguyễn Đình Thi, “Chiến sĩ- Nghệ sĩ” là một điển hình. Ông viết đại ý đối với nhiều nhà văn thời kỳ đẹp đẽ nhiều ý nghĩa nhất trong đời là thời chiến tranh. Thế mà trong thời hòa bình lại sống hoài sống phí và hưởng thụ một đời quan liêu phù phiếm. Do đó đã bỏ quên những chuyện tốt đẹp của thời chiến tranh không viết mà quay về những đề tài dung tục tầm thường.

Nguyễn Khải cũng có một lúc chạnh lòng, nhìn lại công việc của mình và những người đồng thời:

“…Chúng tôi biết nhau trong một thời kỳ hòa bình, là những viên chức nhà nước của một thời thanh bình. Anh Thi là viên chức cấp cao, tôi là viên chức cấp thấp, cả cao lẫn thấp đều là thành viên của cái thế giới viên chức. Cái thế giới ấy có sống trong nó, sống với nó mới thấy hết cái tầm thường cái nhỏ nhen, khó có ai tôn trọng được ai trong cuộc ganh đua vừa vô nghĩa vừa buồn cười. Trong cuộc ganh đua ấy không có người thắng, cả mọi người đều thua vì đã tự hạ mình trong nhiều chuyện nghĩ lại cũng nhảm. Lại thêm trong nhiều chục năm chúng tôi luôn luôn bận rộn bởi nhiều cuộc tranh cãi về lập trường, quan điểm giai cấp trong văn nghệ. Các cuộc tranh luận ấy lại diễn ra trong bầu không khí chính trị thường xuyên căng thẳng của một thế giới chia đôi, một đất nước chia đôi và một xã hội cũng bị chia ra bởi các cuộc đấu tranh giai cấp... Đó là những cơ hội bằng vàng để đám thư lại thời bình bày chuyện, đơm chuyện làm rối tung mọi sự khiến từng người cảm thấy bất an, đều không dám bộc lộ công khai những niềm tin riêng của mình, đều sẵn sàng nhân nhượng để đổi lấy sự yên ổn của một anh viên chức mẫn cán. Cái chân dung lẫm liệt của giới văn nghệ một thời cách mạng kháng chiến bị che phủ dần bị mờ tối dần. Những người làm công việc tổ chức và quản lý văn nghệ đã quên, rồi chúng ta cũng quên khi nhìn vào nhau và nhìn lại chính mình. Đó là cái nguyên do vì sao khi đọc nhiều hồi ký văn học mình không thấy vui, không thấy tự hào mà cứ buồn buồn thế nào...”

Phong Lê, một người chuyên viết phê bình văn học “cảm khái" vì những dòng chữ của Nguyễn Khải

"Đọc những nhận xét này của anh Khải tôi thấy thật dễ sợ, và bỗng sợ cả cho mình, tuy là hậu sinh, nhưng không khéo sẽ lâm vào, hoặc giả cũng đã lắm lúc nhiễm phải nó, mà không tự biết và bất giác nhớ lại bài thơ của một tác giả quen thuộc có tên là Mới đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân 1956 sau khi hòa bình lập lại chỉ mới hơn hai năm khi thấy quanh mình bao kiếp người:

"sống lâu trăm tuổi

Y như một chiếc bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại

Và còn thảm thiết hơn khi tự thú về mình

Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm hại

Khôn ngoan không dám làm người

Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi

tim chết cứng trong lề thói

những đêm trắng tấy lên dữ dội

không muốn nhìn mặt mình…”

Vương Trí Nhàn, cũng cảm khái mà lý trí hơn khi đọc cả Nguyễn Khải và Phong Lê:

“Sau hết, tôi muốn nói một câu tóm tắt, nếu quay về quá khứ, trở lại với những người đã khuất là một cách tốt nhất để hướng về tương lai thì việc dừng lại ở cảm khái chưa đủ cái cần hơn là lý tính sáng suốt.”

Nhưng, dễ gì có sự sáng suốt khi văn nghệ sĩ chỉ là một viên chức, dù là quan văn nghệ hay lính trơn văn nghệ. Làm sao, để những cảm khái ấy có tác dụng khi nghệ sĩ được chế độ định nghĩa như một chiến sĩ?…

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ lâu. Không ít người ngay từ giây phút chiến thắng của miền Bắc, đã thấy được sự thực và bản chất của cuộc chiến tranh ấy. Như nhà văn Dương Thu Hương, đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975, bà đã theo những đoàn quân chiếm đóng thành phố Sài Gòn và cái cảm giác chua xót của bà là lúc đó “đã ngồi xuống vỉa hè ôm mặt khóc như cha chết vì nhận ra rằng kẻ thắng trận là một chế độ man rợ hơn người thua và có cảm giác vô cùng hoang mang cay đắng vì cái đẹp phải tan nát và văn minh phải quy hàng.” Và bà kết luận “cả thế hệ chúng tôi bị lừa... Năm 69, khi tôi gặp những tù binh đầu tiên hoàn toàn là những người Việt Nam thì tôi biết mình đã bị lừa. Tôi tưởng kẻ thù của mình phải là mắt xanh mũi lõ và da trắng. Năm 69, tôi thấy họ là người mũi tẹt da vàng tóc đen. Cả thế hệ chúng tôi bị lừa bịp…“

Nhưng, sự thực ấy, mãi đến mấy chục năm sau mới được nói ra. Dù, Dương Thu Hương là một người trí thức can đảm và dám nói dám làm. Và, ở trong dân chúng, có rất nhiều người cùng ý nghĩ như thế mà không có can đảm phát biểu. Cả trong văn học, cũng thế. Khi tất cả đất nước bị chỉ đạo từ một đường lối thúc đẩy một cuộc chiến vô nghĩa, gây điêu linh tang tóc cho dân tộc. Cả văn học cũng bị chi phối từ đường lối đó.

Văn chương có phải là tấm gương soi để phản ánh tất cả tâm tư thời đại? Tôi vẫn nghĩ người cầm bút một phần nào biểu lộ được bộ mặt bề ngoài và vóc dáng bên trong của xã hội mà họ sinh sống để những lớp trẻ thuộc thế hệ sau hiểu được tình cảnh của thời đại mà họ biểu hiện. Trong văn học Việt Nam, đời sống xã hội thay đổi nhiều lần đến tận gốc rễ đã được phác họa với nhiều nét khá đặc biệt. Quyền lực chính trị đã chen vào chi phối tất cả và văn học cũng chỉ là một phương tiện để phục vụ cho chế độ.

Trước năm 1945, thời tiền chiến văn chương mô tả được một cuộc sống tuy có nhiều đè nén của chế độ thực dân nhưng cũng có nhiều nét khai phá chuyển đổi từ văn chương chữ Hán và Nôm sang quốc ngữ. Buổi giao thời, có nhiều cảnh ngộ được phác họa để độc giả sau này có thể tưởng tượng được. Văn học chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn học lãng mạn của chính quốc Pháp nhưng ở giai đoạn khởi dựng đã có nhiều cống hiến đáng kể.

Rồi sau mốc thời gian 1945 là những chuyển đổi đến chóng mặt. Bao nhiêu là biến cố và sau mỗi biến cố là một chuỗi hiện tượng văn học tiếp theo. Kháng chiến chống Pháp, rồi chính phủ quốc gia, rồi cuộc di cư 1954, rồi cuộc chiến đẫm máu của miền Bắc và miền Nam, rồi hai mươi năm văn học miền Nam, và hai mươi năm văn học xã hội chủ nghĩa Miền Bắc, rồi ngày 30 tháng tư năm 1975, rồi những đợt thuyền nhân để có văn học hải ngoại đối chiếu với văn học trong nước…

Đọc trong sách vở, tâm tư của thời đại được thấy khá rõ nét. Chiến tranh, là một đề tài lớn, là nỗi bức xúc khôn nguôi của thời thế được chuyên chở qua ngôn ngữ. Nhìn vào từng khía cạnh, thấy thân phận của nước nhược tiểu bắt đầu nhiều tấn thảm kịch cho dân tộc. Cơn mê cuồng ý thức hệ của những người Cộng Sản đã gây ra những vết thương rỉ máu.

Từ năm 1949, khi Cộng sản chưa nắm hết quyền hành sinh sát, một đường lối chỉ đạo văn nghệ đã được soạn thảo “Đề Cương văn Hóa“ của Trường Chinh, tức nhà thơ Sóng Hồng, một ”lãnh đạo văn nghệ” của Đảng. Và, phương thức “phê bình và tự phê bình“ đã được áp dụng, phương thức mà nhà thơ Lê Đạt đã lên án :

“đem bục công an

máy móc

đặt giữa tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi

Theo đúng luật đi đường nhà nước...”

Những nhà văn phải tự nói lên sự phản tỉnh của mình. Và, chính họ, không ai khác, kết tội chính mình. Trong một hội nghị bốn ngày tại Việt Bắc, từ 25 đến 28 tháng 9 năm 1949, nhiều nhà văn, nhà thơ nổi danh từ thời Tiền Chiến đã tự mang tâm tư, tác phẩm của mình ra “đấu tố”. Một hội nghị bắt đầu cho một thời kỳ kinh hoàng mà sau này, đọc lại, mới thấy được sự tinh vi cũng như tính toán của những người Cộng Sản quan niệm chính trị thống trị và chi phối tất cả.

Hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung tự kiểm thảo mình như sau:

“... Cái cản trở chính là tiểu tư sản. Tôi chỉ vì sợi dây tiểu tư sản mà nhiều lần vấp ngã. Ngày xưa tôi vẽ rất bậy, vẽ cho mình xem, lung tung tùng phèng, cóc cần ai hiểu. Cách mạng thành công tôi nhảy ra vẽ tranh tuyên truyền, nhưng lại đại chúng hóa vô ý thức. Rồi tôi vào Nam Trung Bộ để vẽ riêng cho mình. Kháng chiến tôi thấy tranh tuyên truyền nhưng tám phần rưỡi cá nhân chủ nghĩa vẫn thò ra. Tôi lại đi sáng tác. nhưng vẫn chẳng đi tới đâu tôi vẫn vấn vít với sự nghiệp của mình.

Thanh niên thật là sung sướng. Vì họ không phải chịu ảnh hưởng của thời đại cũ. Tôi phá phách cái cũ đi, tìm cách để lột xác với các ý nghĩ là nếu mình tiến thì cũng có lợi cho nhiều người. Tôi đã vẽ những cảnh kháng chiến, và tôi trưng bày tranh cho mọi giới phê bình mình nên giản đơn trong nghệ thuật của mình. Nằm trong dân chúng, tình cảm giản dị như dân chúng...”

Còn Nguyễn Tuân, một người có nhiều ngang ngạnh gai góc mà cũng phải “đấm ngực“ tự phê:

“... Tôi không những là tiểu tư sản mà còn là phong kiến nữa. Tôi không vu cáo cho tôi, làm cho nó thêm kỳ dị hơn.Quyển sổ đầu tay của tôi. Vang bóng một thời, đủ chứng tỏ lời tôi nhận định.

Trước kia, tôi không tìm được giá trị của cuộc sống. Tôi phủ nhận cuộc đời. Cuộc đời chỉ là một chuyện mệt cho mình. Tôi tập làm một phong lưu công tử. Kéo cuộc đời trở về cũ, tôi không tin là cuộc sống hiện tại sẽ đem lại hạnh phúc cho mình. Tôi có một thái độ phản động. Cuộc cách mạng đến tôi vui sướng nhưng nhưng sự thực cái vui đó chỉ được trong mấy ngày thôi.

Tôi tin là nhiều cái lạ sẽ đến với tôi ghê gớm lắm. Tôi tưởng cách mạng là một cái chổi quét sạch hết - Quan niệm một cách tuyệt đối và không hiểu cái đường tiến hóa chung, tôi tự coi tôi như là một người để hưởng cuộc đời chứ không phải là người đi xây dựng cuộc đời. Cách mạng Tháng Tám giúp tôi thay đổi không mấy. Tôi thấy nhiều cái bẩn thỉu vẫn còn.

Cuộc kháng chiến tiếp theo Cách Mạng Tháng Tám làm tôi nhận định rõ hơn. Cho nên có nhiều người ca tụng, riêng tôi, tôi ca tụng cuộc kháng chiến hiện tại hơn. Tôi đã cách mạng tư tưởng ở chỗ tìm hiểu được cái cơ cấu xã hội. Tôi thấy phải có hành động có ý thức phục vụ tìm thấy sự vui thích trong lúc làm công tác văn nghệ…”

Văn Cao cũng tự phê phán mình một cách nghiêm khắc:

“... nhạc của tôi chưa gột được hết chủ nghĩa lãng mạn và những bài mà tôi cho là có tính chất dân tộc như Buồn Tàn Thu, Trương Chi, Đàn Chim Việt cũng rất nặng cái phần lãng mạn. Nó thoát thai từ quãng đời yếu đuối của tôi, cái thời kỳ tôi chuyên môn làm những bài hoài tình. Đến kháng chiến quan niệm của tôi lung bung chẳng có cái gì là thực cả. Tôi chỉ mơ trần gian san bằng hết biên thùy, nghe thì to lắm. Thật tình tôi không cách mạng một tí nào...”

Nhà thơ Anh Thơ thì thực tế hơn:

”Tôi nhận mình có lỗi khi đánh phấn bôi nước hoa. Tôi quan niệm người cách mạng phải đẹp hơn người khác. Do đó các chị em xa dần tôi. Rút kinh nghiệm sau này tôi cũng mặc quần nâu và tôi được chị em yêu quý. Trước kia tôi quan niệm viết văn phải cầu kỳ khó hiểu. Công tác thực tế cho biết thơ văn phải giản dị dễ hiểu mới được dân chúng thích…”

Nguyễn Đình Thi cũng nhận tội, cũng tự phê phán:

“... Anh Xuân Diệu nói là thơ của tôi giả. Gần đúng, vì thơ của tôi không phải là những bài thơ vui. Đó là những bài thơ đau đớn. Lúc tôi làm nó tôi đã nghĩ rằng : trong lúc này, có nên đưa ra cái đau đớn đó không? Có. Vì cuộc kháng chiến của ta có bao nhiêu cái đau đớn chính đáng miễn là cái đau thương ấy không phải là cái đau thương đi xuống. Anh Xuân Diệu nói nó gò bó, cũng đúng. Rất đau thương mà không nói, đó là thái độ nội dung của tôi. Khi tôi nói cái đau thương của tôi ra, nó ẩn ở một chỗ rất kín (Ví dụ trong bài Không nói: môi em, đôi mắt còn ôm đây)

Nhưng nội dung ấy khách quan mà xét thì nó không đúng với cuộc kháng chiến bây giờ, cái đau đớn của kháng chiến không giống cái đau đớn của thơ tôi. Ở nhiều chỗ kháng chiến còn đau đớn hơn nhiều, nhưng cái đau đớn không như thế. Một số thanh niên như tôi, nhiều khi không phải là văn nghệ sĩ cũng thích thơ tôi. Một số bạn khác rất mê thơ tôi, nhưng nhìn kỹ lại các anh phải nhận rằng họ cũng ở một tình trạng na ná như tôi.

Sau này tôi cố gắng sữa chữa, những lời phê bình làm tôi suy nghĩ. Tôi suy nghĩ và tôi tự bảo tôi phải đổi. Vì cái nội dung đã u uất rồi cho nên khi nó thể hiện ra ngoài nó cũng có vẻ khắc khổ, gò bó. Trong khi tôi đi tìm một hình thức tự do, thì cái nội dung của tôi nó gò tôi lai. Tôi muốn có cái mộc mạc đơn sơ thì trái lại, nó lại cầu kỳ…“

Ở miền Bắc, trước khi khởi động cuộc chiến tại miền Nam, văn học là một loại vũ khí của chế độ để phục vụ cho mục tiêu chính trị. Và, dĩ nhiên có phản ứng của những người cầm bút phản kháng lại hệ thống theo dõi và kiểm soát văn học nghệ thuật. Cái án văn tự kéo dài mấy chục năm là lưỡi gươm chém treo ngành lúc nào cũng lơ lửng trên đầu cổ những người làm văn nghệ. Như trường hợp nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, hay những Quang Dũng, hay Tô Hoài với tiểu thuyết “Mười Năm”. Nguyễn Công Hoan với “Đống rác Cũ”. Hà Minh Tuân với “Vào Đời”. Kim Lân với “Con chó xấu xí”… Những tác phẩm gây rắc rối cho tác giả của nó. Nhiều người bị buộc phải treo bút, có người bị nhẹ hơn nhưng búa rìu không từ một ai, kể cả những công thần. Ngay đến Nguyễn Đình Thi, người lèo lái Hội nhà Văn bao nhiêu năm mà cũng có lúc phải tự từ bỏ hay phê phán tác phẩm mình. Tô Hoài cũng bị đẩy trong trường hợp ấy khi ông in cuốn tiểu thuyết “Mười Năm”.

Cái án Nhân Văn Giai Phẩm đã được một người cầm bút kể lại trong quyển Cát bụi Chân Ai. Tô Hoài là một nhà văn được nhiều sủng hạnh của chế độ và là người coi như trong nhóm lãnh đạo văn nghệ của Đảng Đoàn Nhà Văn. Ông viết lại và mô tả một thời kỳ văn chương tệ hại nhất với cái bóng công an của chế độ luôn luôn rình rập. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng cảm khái: Giờ này còn sống được là nhờ biết sợ. Thành ra dù cứng đầu cứng cổ đến đâu thì văn chương cũng phải có lẫn vào một câu trung phải có một câu nịnh. Tô Hoài khi viết tiểu thuyết “Mười Năm” tiếp theo tiểu thuyết “Quê người” cũng bị phê phán tơi bời với những lý luận khá khôi hài của những tay chuyên chế muốn người cầm bút phải đi trên một con đường đã được chỉ sẵn của những bức tranh minh họa với những nhân vật anh hùng và đời sống đầy tích cực không tiêu cực.

Đọc những trang sách ấy, có lẽ phải mường tượng được cái không khí bức bối đè nén đến bực nào. Sống trong hoàn cảnh ấy, nhà văn có thói quen sợ sệt thành quán tính cố hữu. Né, lách, để khỏi phải trở thành những cái bia cho những nhà ”phê bình văn học xã hội chủ nghĩa” xạ kích. Do đó, văn chương trong những năm tháng ấy được mặc chung những bộ đồng phục. Ít có ai dám có vóc dáng của riêng mình. Cái riêng của cá nhân không được chế độ chấp nhận và mặc nhiên trở thành một cấm kị không thành văn bản nhưng được ngầm hiểu. Trong không khí ấy, làm sao có được những tác phẩm lớn được? Tô Hoài viết:

“…Các đoàn thể tổ chức kiểm điểm và kỷ luật những cán bộ tham gia viết và hoạt động cho báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm của nhà xuất bản Minh Đức.

Ở hội Nhạc, Đặng Đình Hưng bị khai trừ đảng. Văn Cao, kỷ luật cảnh cáo, chỉ được ở hội Nhạc không được ở trong hội Văn và hội Vẽ. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên tuy chỉ làm có cái bìa sách cho nhà xuất bản nọ nhưng chắc là những không khí sát phạt ở các buổi họp khiến các anh ngại xin ra khỏi đảng. Trên có nghị quyết không khai trừ mà đồng ý cho được thôi. Có lẽ đến bây giờ, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn giữ cuốn sổ tay ghi đến nghìn thứ bao nhiêu những cuộc họp mà Nguyễn Tư Nghiêm không phải đi. Anh có vẻ thú vị vì những con số tỉ mẩn ấy. Khác Nguyễn Sáng, Nguyễn Sáng vẽ ký họa trên báo Nhân Văn một đầu người ở cổ có vết khía như cái lá. Người ta bảo là chân dung Trần Dần và cái vết sẹo còn lại khi anh định tự vẫn. Nguyễn Sáng không được bình huân chương kháng chiến. Những năm sau trong lúc Hà Nội bị báo đông liên miên, Nguyễn Sáng đã lo. Rồi giải phóng miền Nam tao về thăm qua họ hàng bà con hỏi chú đi làm Việt Minh Việt Cộng bao nhiêu năm thế mà trên ngực không có cái mề đay nào? Mày bảo tao trả lời sao? Tao buồn lắm! Hoàng Cầm bị ra khỏi ban chấp hành, phải thôi việc nhà xuất bản chuyển công tác về Sở Văn Hóa Hà Nội. Phùng Quán nhờ có chú Phùng Thị Chánh Văn Phòng Bộ Văn Hóa đưa lên làm ở Vụ Văn Hóa quần chúng. Nhưng ai cũng bức bối không yên. Ông thì mở quán rượu, thằng thì câu cá Hồ Tây hiu hắt dông dài cho tới năm về hưu. Đi Bắc Kinh dự kỷ niệm Lỗ Tấn về, ông Phan Khôi hào hứng viết về chuyến đi, Nhưng rồi nhạt dần, Ông ngồi yên. Ông vẫn được đãi chế độ nhân sĩ nhưng chẳng ai hỏi tới. Mấy năm sau lâm bệnh mất. Đám ma bác Phan Khôi, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng Phương - cháu gọi bằng cậu. Trần Dần và Lê Đạt ra khỏi cơ quan, chuyên dịch cho nhà xuất bản Văn Học. Nhà xuất bản Sự Thật thuê Trần Đức Thảo dịch sách lý luận kinh điển. Ban chấp hành Hội Nhà Văn quyết định truất ba năm hội tịch đăng trên báo Văn Học cơ quan của hội…”

Đó là biện pháp đe nẹt lúc ấy mà thôi. Cái án đeo đẳng suốt đời những người cầm bút mới là ghê gớm. Vợ con cũng chịu theo cái tội vạ như kiểu tru di tam tộc thời phong kiến xa xưa. Cái khốc liệt là tạo ra nỗi sợ sệt ám ảnh và người cầm bút lúc nào cũng trong trạng thái đề phòng. Như thế còn tâm trí đâu cho thẩm mỹ quan văn học. Làm sao cho văn chương sáng tạo bay bổng được. Tô Hoài mô tả:

“.... Nhưng đằng đẵng ba mươi năm không hội văn học nghệ thuật nào lôi ra xem xét lại. Sợ sệt, âm thầm, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông “Nhân Văn cả nước” mà tràn lan đến những “Nhân Văn phố, Nhân Văn xóm” chẳng bị kỷ luật gì, nhiều người không phải vì bài văn câu thơ, mà bởi lời nói bông lông bốc trời chẳng hạn, bị quy chụp liền. Hữu Loan không ở phe nhóm nào cũng bỏ làm báo về Thanh Hóa. Nghe nói là đi xe thồ và vào núi đập đá bán. Có những cây bút trẻ như Vũ Bão, như Lê Bầu, mấy truyện in sách, đăng Văn Nghệ Quân Đội tươi mát lắm, cũng chột luôn. Triền miên lẳng lặng bình thường như đã xóa đi không bao gìơ lôi ra nữa. Người có vấn đề thì lo đối phó. Người canh gác thì “cảnh giác”. Tập ký của Nguyễn Tuân đưa cho nhà xuất bản Văn Học lần nào cũng được trả lời “phát hành người ta chưa lấy được đủ số lượng”, Nhà xuất bản có nhã ý gửi tác giả tí tiền ứng trước, rồi thỉnh thoảng lại ứng trước. Nhưng năm tháng cũng không hẳn yên ổn. Đôi khi lại tòi ra “Đống Rác Cũ”, lại “Vào Đời“, lại “Cái Gốc“ lại chuyện Bác Hồ đi tắm bãi Titop ngoài Hạ Long… Những người theo dõi lại vất vả lại nhộn nhịp..."

Không khí khủng bố ấy kéo dài mãi tới bây giờ dù đã đổi mới tư duy dù cởi trói văn chương tới năm bẩy bận. Lãnh đạo vẫn dùng những ngón đòn chia rẽ, kiểm soát với những người cầm bút làm nhiệm vụ “canh gác” như một loài chó săn một lòng phục vụ chủ.

Mấy chục năm qua, những bản án dù được xét lại nhưng vẫn còn tác dụng răn đe với người cầm bút.

Tôi vẫn thường tự hỏi. Lúc ấy các nhà văn nhà thơ sẽ chọn đề tài ra sao trong cái tâm thức ấy? Và có những người can đảm biết bao khi dám đi ra khỏi con đường mà lãnh đạo đảng đã vạch ra. Nhiều khi, viết kiểu “một câu trung, một câu nịnh” là một phương cách né lách trong hoàn cảnh khủng bố và đe nẹt. Dù đã có đổi mới, có nhìn lại nhưng những người cầm quyền Cộng Sản vẫn luôn luôn nhìn người văn nghệ sĩ với cặp mắt nghi ngờ đề phòng. Họ cũng hiểu được tác dụng ghê gớm của chữ nghĩa, nhiều chế độ chuyên chế bị sụp đổ vì những người cầm bút.

Nguyễn Mạnh Trinh 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.