.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Nữ tác giả Việt Nam
và Văn chương hội nhập

  • 21.02.2009

Có phải văn học Việt Nam ở hải ngoại sẽ được nối tiếp và kế thừa từ các tác giả viết bằng ngôn ngữ bản xứ? như vậy, họ có hội nhập vào văn chương dòng chính không? Hiện tại, đã có rất nhiều tác giả trẻ Việt Nam có tác phẩm được xuất bản và được các nhà phê bình văn học nơi quốc gia họ định cư để ý tới.

Những câu hỏi ấy tôi suy nghĩ mãi. Đọc những dòng chữ của những tác giả Việt Nam qua những cuốn sách: tiểu thuyết, thơ, tiểu luận bằng ngoại ngữ xuất bản trong thời gian gần đây, tôi thấy rằng phần đông chất Việt Nam vẫn còn được nhìn thấy rõ ràng. Dù tác giả có khi là thế hệ di dân thứ hai, nhưng hành trang họ mang theo cũng chĩu nặng từ đời sống của cha anh họ và làm thành ngôn ngữ văn chương. Chúng ta có thể tìm thấy chân dung những khuôn mặt Việt Nam qua nhiều góc cạnh nhìn ngắm, có lúc thân thuộc, có lúc khác thường đến xa lạ.

Có người ví von, họ là những người một nửa là người Việt và một nửa là nhà văn bản xứ, sinh hoạt, in ấn, xuất bản trong dòng chính tại đất nước mà họ lớn lên và trưởng thành. Vậy có thể nói họ là nhà văn Mỹ cũng đúng mà nhà văn Việt cũng chẳng sai!

Riêng tôi, trong cảm tính của riêng mình, và chủ quan, tôi nghĩ những tác phẩm của họ cũng là một phần của văn học Việt Nam hải ngoại. Có nhiều người đồng ý với tôi khi tôi hỏi để lấy ý kiến nhưng cũng có người cho rằng nhận định như thế không được chỉnh lắm. Cái “một nửa“ ấy khó được chấp nhận. Thôi thì, để vấn đề ấy cho những người thông tuệ bàn luận.

Bây giờ, tôi xin phác họa một vài nét về những tác giả Mỹ gốc Việt hay Pháp gốc Việt với tất cả sự chia sẻ của một người Việt Nam khi thấy có người đồng hương góp mặt trong sinh hoạt văn học của người bản xứ. (Tôi hay vào kệ sách ”Asian Studies” của tiệm sách trong trường đại học mà tôi làm việc. Tôi đã mua và đọc hầu như tất cả những tác phẩm ở đó của những tác giả gốc người Việt Nam. Với vốn liếng tri thức nhỏ như thế cũng xin viết về một phần nào những gì tôi đã đọc, đã cảm để có một nhận thức. Dẫu sao, đây cũng chỉ là những cảm tưởng sơ sài và không có ý định đi sâu hơn vào những tác phẩm).

Có một cuốn sách dưới hình thức tuyển tập, tụ họp nhiều cây viết Việt Nam. ”Watermark, Vietnamese Poetry and Prose” do ba tác già chủ biên: Barbara Tran, Monique T.D.Trương và Lưu Trường Khôi. Trong đó gồm 23 nhà văn theo như danh sách: Huỳnh Sanh Thông, Christian Langworthy, Dao Strom, Linh Dinh, Thương Vương - Riddick, Monique T.D. Trương, Truong Tran, Mong Lan, Quang Bao, Barbara Tran, Diep Khac Tran, Trac Vu, Minh Duc Nguyen, Nguyen Ba Trac, Lê Thi Diem Thuy, Maura Donohue, Andrew Lam, Trinh T. Minh-ha, Lan Cao, Bao Long Chu, Lan Duong, Nguyen Qui Duc, Thanhha Lai. Cuốn sách do Temple University Press ấn hành. Ba người đồng chủ biên là Barbara Tran tốt nghiệp MFA tại đại học Columbia, Luu Truong Khoi tốt nghiệp viết văn tại Harvard College và Boston University, Monique T.D. Truong tốt nghiệp luật tại Yale University.

Viết về tuyển tập này, Russell Leong của UCLA Amerasia Journal viết đại ý ”Watermark giản dị chỉ là một vài bài viết xuất sắc nhất của một thế hệ người Việt Nam viết văn mới của văn chương Hoa Kỳ. Sôi nổi, thương cảm nhưng đôi lúc khôi hài, họ viết từ ở phía bên kia cuộc chiến để mang đến cảm tưởng cho chúng ta đang sống ở lãnh địa phố phường châu Mỹ bây giờ. Đây là văn chương Việt Nam của tương lai, có mùi vị nguyên thủy của muối biển, của nỗi niềm khổ đau biệt xứ. Cũng như, được chọn lựa bởi những người biên soạn phi thường và cực kỳ chính xác…”

Qua những dòng chữ, dù là thơ hay văn xuôi, tất cả như man mác một nỗi niềm của những người tuy lớn lên ở xứ người nhưng vẫn ngóng nhìn về đất nước xa, từ những kỷ niệm trôi qua mịt mù nhưng vẫn còn hằn vết trong tâm trí. Có một điều nhận xét, những người trẻ thường có những nhận định độc lập và thẳng thắn. Họ không có lối viết phải né tránh hoặc ngần ngại vì những mặc cảm hoặc gánh nặng của quá khứ. Điều ấy, có thể là một tích cực nhưng có khi là một tiêu cực, thoảng khi…

Tôi chọn đề tài viết về những nhà văn Việt Nam nữ giới viết bằng Anh ngữ và Pháp ngữ và họ đã có thật nhiều đóng góp cho chữ nghĩa. Hình như, các nhà văn Việt phái nữ cũng làm mưa làm gió văn đàn với một danh sách đa số những người cầm bút.

Văn học Việt Nam hải ngoại đã hình thành và phát triển từ ba chục năm nay. Chặng đường có khi gập ghềnh có lúc bằng phẳng nhưng tựu chung vẫn là của những đóng góp nỗ lực cá nhân hình thành. Do đó, vai trò của người viết vô cùng quan trọng. Không có đam mê, không thể cầm bút được trong đời sống một nhịp vội vã hiện tại. Từ văn chương, chúng ta thấy được cá tính của người viết. Mạnh mẽ, văn phong ào ạt. Mềm mại, chữ nghĩa dịu dàng. Thơ văn không phân biệt phái tính nam nữ nhưng tôi có một cảm nhận. Ở văn chương phái nữ, họ không phải là phái yếu như thường gọi. Họ mạnh mẽ. Cả từ văn chương Việt ngữ đến Anh ngữ, Pháp ngữ… Rất nhiều người nữ cầm bút lên đường. Tự tin và có tài năng. Chất đam mê cũng như sự xúc động, là động lực tốt, có phải?

Trong năm 2003, có ba tác phẩm của nhà văn Mỹ gốc Việt được in và được sự chú ý của giới phê bình cũng như độc giả dòng chính. Monique T.D. Truong với “The Book of Salt”. lê thị diễm thúy với “The Gangster We Are All Looking For”. Dao Strom với “Grass Roof Tin Roof”. Những tác phẩm của những chuyện kể được hình thành với chất liệu của xã hội Hoa Kỳ nhưng lại cho độc giả một cái nhìn rõ nét về văn hóa và con người Việt Nam. Tiếng nói của những người trong cuộc được lắng nghe về một đất nước quá nhiều biến cố đặc biệt có một thời kỳ là chủ đề cho những cuộc tranh luận phản chiến hay không.

Năm 2004, Monique Truong vừa đoạt giải thưởng của Hội Văn Bút Quốc Tế (P.E.N. International) tại Mỹ với tác phẩm “The Book of Salt”. Cô nhận giải thưởng P.E.N./ Robert Bingham dành cho những nhà văn đang viết quyển sách thứ hai.

Trong cuộc phỏng vấn của nhà xuất bản Houghton Mifflin, tác giả vừa được giải đã nói về cuốn sách của mình:

“The Book of Salt” lấy bối cảnh ở Paris tháng 10 năm 1934. Bình, người đầu bếp, vai chính trong truyện, đi cùng hai người chủ Gertrude Stein và Alice B. Toklas ra ga xe lửa. Anh phải quyết định là sẽ phải sang Mỹ cùng các chủ nhân này hay không?  Anh sẽ trở về với gia đình tại Việt Nam, hoặc tiếp tục cuộc sống tại Pháp, hoặc du lịch đến nơi nào đó mà anh chọn tùy theo ưa thích của mình?  Trước khi quyết định của Bình được tiết lộ, cuốn sách đưa ta ngược thời gian và hé mở câu chuyện của người đầu bếp Việt với hai bà chủ Mỹ. Cái gì đã khiến ho phải lìa bỏ mảnh đất nơi sinh thành?  Điều gì, nếu có, có thể đưa họ trở về quê hương? Lời giải đáp cho những câu hỏi này được nhìn ra trong những hồi tưởng, suy ngẫm, trong những quan sát và có thể trong cả những lời nói dối không thực của Bình - tất cả đều liên tục vừa xác nhận vừa phủ quyết lẫn nhau. Những câu chuyện của Bình được kể qua tiếng nói nội tâm, một tiếng nói phong phú hơn, sắc bén hơn - quả thực, nó tương phản rõ rệt với những gì mà anh đã nói thành lời. Bình là một người sống lạc lõng xứ người, làm công cho những chủ nhân mà nói một thứ ngôn ngữ hoàn toàn lạ lùng với anh. Bình vật lộn với ngôn từ của họ và mỗi lần cố gắng là mỗi lần thất bại. Bị giới hạn như thế và bó buộc chịu im lặng, Bình chỉ còn ký ức và trí tưởng tượng làm bầu bạn và chia sẻ. Trong chương cuối của cuốn tiểu thuyết, câu chuyện trở lại nhà ga xe lửa, nơi mà về thực chất chính độc giả buộc phải có một quyết định như Bình trong vui vẻ hay buồn chán tuyệt vọng. Liệu họ có xích lại gần nhau hay rời xa nhau bởi những chuyện quá khứ, hiện tại và tương lai của Bình, những câu chuyện mà tự chúng đối chọi với nhau?”

Monique Truong sinh năm 1968 tại Sài Gòn, đến Hoa Kỳ lúc mới sáu tuổi. Chị tốt nghiệp đại học Yale và học luật rồi ra trường ở đại học Columbia. Chị tiếp tục học chuyên nghành về sở hữu trí tuệ. Trương cũng là đồng tác giả của tuyển tập thơ văn “Watremark : Vietnamse American Poetry and Prose” với Barbara Tran va Luu Truong Khoi. Khi được tặng giải ”Award of Excellence” của Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Chương Việt Mỹ của đại học San Francisco, chị được tuyên dương: ”trong mọi lãnh vực vừa là học giả, luật gia, vừa là nghệ sĩ, cô đều là người đi tiên phong” và cũng là một người đam mê văn chương, can đảm chọn lựa công việc mình thích dù đã có công việc làm tốt với học vị đã có. Chị kể ”Tôi bỏ việc luật sư. Thật ra cũng chẳng phải tôi táo bạo lắm đâu. Sau khi viết truyện ngắn ”Seeds”, tôi biết rằng còn nhiều thứ tôi còn có thể viết về Bình, người đầu bếp nhưng tôi không thể viết được nếu vừa hành nghề luật vừa làm nhà văn. Tôi không đủ sức lực và cảm xúc để làm đồng thời hai việc. Một trong những đồng sự trong ban biên tập “Watermark” đã đề nghị tôi xin cấp tài trợ Van Lier cho những nhà văn dưới 30 tuổi, may thay họ cấp cho tôi một khoản tài trợ vì lúc ấy tôi vừa đúng 29 tuổi. Khoản trợ cấp tiền mặt giúp tôi trả tiền thuê nhà và tiền vay của nhà trường trong hai tháng. Tôi đã hỏi xin và nhận được một giấy phép ở văn phòng luật chỗ tôi làm việc lúc ấy. Thế là sự nghiệp luật sư của tôi chưa bao giờ thành tựu...” Monique Trương là cháu ngoại của nhà văn Phạm Văn Tươi, chủ trương tủ sách Học Làm Người nổi tiếng của miền Nam Việt Nam.

Dao Strom là tác giả của “Grass Roof, Tin Roof”. Một tiểu thuyết đối chiếu giữa hai cảnh thổ, hai đất nước. Một là của quận hạt Sierra Nevada, khí hậu khô, nhiều dốc đứng cheo leo của miền núi đá, nơi mà bà dịnh cư sau năm 1975. Một là Sài Gòn, ẩm ướt, mưa nắng thất thường, của một trận chiến bạo tàn dù đã qua nhưng để lại nhiều hậu quả. Nhân vật chính của hệ thống mẫu hệ trong tiểu thuyết là một bà mẹ độc thân, Trinh Anh Tran, một ký giả tài tử của Sài Gòn đã viết tiểu thuyết giống như “Gone with the Wind” trên báo chí của thập niên 1970. Không gian Atlanta được thay thế bằng không gian Hải phòng và cuộc nội chiến Hoa Kỳ được thay vào cuộc chiến với không khí đặc thù của thực dân Pháp. Nhân vật xuất phát từ một làng nhỏ miền bắc mà dân cư là người sùng đạo Thiên Chúa. Khi Sài Gòn thất thủ trong tay quân Cộng sản, bà cùng hai đứa con ra khỏi đất nước bằng chuyến bay di tản. Bắt đầu cuộc sống mới, bà nhìn lại Việt Nam như một con thuyền bị đắm và cuộc khởi đầu là những thử thách vô cùng.

Sau những năm tháng tại một vùng quê đồi núi gần thủ phủ Sacramento, bà lập gia đình lại với Hus Madsen, một kiến trúc sư đã ở đây từ 28 năm. Họ có thêm một người con gái, Beth, và gia đình mới này hiện diện như một cố gắng để phá vỡ sự cô lập mà người xa lạ đến ở phải chịu. Hai người con riêng của Tran, Thủy và Thiện, có mặt trong nhiều trang sách để nói về cảnh quan của California cũng như suy tư nhận xét của mình về cuộc sống mới. Người chồng Madsen thì lại có những suy tư của một người bản xứ, cổ điển và đối nghịch với những suy nghĩ của những di dân. Có những xung đột trong gia đình. Người cha kế bị gọi là người kỳ thị chủng tộc và muốn độc đoán bắt gia đình trở lại đời sống tự nhiên hoang sơ ít tiện nghi. Thủy khi về thăm lại quê hương tình cờ hiểu được sự khác biệt của nguồn cội cô và người cha ghẻ. Kết cuộc, có vẻ lạc quan và qua đó, Dao Strom gợi ý rằng sự hội nhập không phải dễ dàng dù bất cứ ở đâu. Sự chiến đấu giữa quá khứ hôm qua và hiện tại hôm nay là một cuộc chiến kéo dài và chỉ có sự hòa hợp dung hòa mới là phương cách tốt.

Dao Strom sinh năm 1973 tại Sài Gòn và cùng mẹ rời khỏi đất nước khi là đứa bé. Cha của chị ở lại và sau đó bị bắt cầm tù trong trại cải tạo. Strom lớn lên tại một vùng đồi núi tại Sierra Nevada với mẹ và người cha ghẻ. Chị tốt nghiệp Iowa Writers’ Workshop. Hiện chị cư ngụ tại Austin, Texas.

“The Gangster We Are All Looking For” là tựa đề của một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn nữ Việt Nam - le thị diễm thúy (tất cả viết chữ thường không viết hoa giống như cách của nhà văn e.e. cummings). Tác phẩm được sự chú ý và tán thưởng của giới phê bình sách Anh ngữ. Những bài điểm sách trên NewYork Times book Review, Vogue, Kirkus, Publishers Book… đã làm cuốn sách có số lượng người đọc đông đảo. Với một tác giả mới xuất hiện và một tác phẩm đầu tay, phải coi đây như một thành công.

Tiểu thuyết của diễm thúy kể về một gia đình Việt sống ở Mỹ. Nó khảo sát hậu quả cuộc chiến tranh Mỹ – Việt thông qua cuộc sống ba người: người cha, người mẹ và người con. Cuốn sách chủ yếu nói về sự mất mát - người thân, đất nước và tiếng mẹ đẻ - đồng thời viết về sự khởi đầu trong một miền đất và ngôn ngữ mới.

Nhân vật xưng tôi, người kể chuyện, đã đi theo trình tự của ký ức mình để phác họa lại chân dung của những người thân cùng những mảng đời sống có nét chân thực của một thời thế có nhiều thay đổi. ”Ba” - người tự xưng là kẻ du đãng với quá khứ ngang tàng coi thường lệ luật của xã hội, nay nhỏ bé, yếu đuối và trầm lặng. “Má”, người mẹ của đứa bé là một người luôn nghĩ và sống ngược lại lúc còn ở quê hương, sống hay gây gổ trong gia đình. Còn đứa bé, luôn sống trong mơ ước, sinh trong một hoàn cảnh chiến tranh khi mà bà mẹ trở dạ đẻ trong một ống cống kim loại sau lưng nhà ông bà ngoại khi đang trận chiến bom đạn ác liệt. Một nhân vật khác không hiện diện trong đời sống nhưng có mặt trong tiểu thuyết như một cái bóng của quá khứ. Đó là người anh bị chết đuối khi còn nhỏ. Trong hồi ức có kể về đứa nhỏ trong một đêm hè đã gặp gỡ và nói chuyện với hồn ma của anh mình. Ở đây, trí nhớ trộn lẫn quá khứ với hiện tại để thành những cảnh quan mông lung mơ hồ. Cuộc sống, từ những mất mát mà cái chết của người anh là một biểu tỏ, có nét tượng trưng cho những mảnh đời lênh đênh trôi dạt. Chương sách cuối, là ký ức rời rạc về đời sống người anh xen lẫn với cuộc sống về già của một hảo hớn. Tay anh chị đã buông xuôi sống im lặng hướng về thiên nhiên cây cỏ như cách thế trốn lánh sự đời...

Những nhà văn nữ Mỹ gốc Việt đã có mặt từ lâu không phải chỉ mới từ bây giờ. Như Tran Thi Nga với “Shallow Graves: Two Women in Viet Nam”, Le ly Hayslip với “When Heaven and Earth Changed Places” và “Child of War, Women of Peace”. Lan Cao vơi “Monkey bridges”, Duong Van Mai Elliot với “The Sacred Willow”, Barbara Tran với “In the Mynah Bird’s Own Words”, Mong Lan với “Song of the Cicadas”,…

“Monkey Bridge“ của tác giả Lan Cao là câu chuyện của một cô gái tên Mai Nguyễn đã đáp chuyến máy bay không vận cuối cùng di tản khỏi Sài Gòn ngày chấm dứt trận chiến. Và, ở đời sống xứ người, là cuộc chiến để tạo dựng lại những gì mất mát.

Tác phẩm là những điều khám phá thú vị nhưng cũng chua xót về những khác biệt văn hóa giữa nguồn gốc và xứ định cư. Cũng như, là một nhìn ngắm lại cái căn cước của người lưu lạc, hoặc mối tình cảm liên lạc giữa mẹ và con, cũng như cảm nhận về một cuộc chiến của một người Việt Nam về những vấn đề của người Việt Nam.

Như những nhận định và khen ngợi của những nhà phê bình có uy thế về “Monkey Bridge”. Đây là một tác phẩm có tính tự thuật nhưng đã mở rộng ra được những cánh cửa của lãnh địa ngăn cách giữa hai nền văn hóa. Kinh nghiệm thực của những người tị nạn sau chiến tranh đã có những bản sắc của cuộc cách mạng. Giống như người đi trên những cây cầu khỉ xây dựng bằng những cây tre mỏng manh, đi qua từ vùng quê xa xôi đến chốn thị thành, người kể chuyện đã như du hành giữa quá khứ và hiện tại. Đông và tây, trong câu chuyện đã mở ngỏ để nhìn thấy những khác biệt có sẵn từ nhận thức của một cô bé lớn lên trong một xứ sở chiến tranh. Giữa cái bề mặt của cuộc sống, của đời người tị nạn mới tạo dựng ở “Little Sài Gòn“ tiểu bang Virgina còn có những bề trái, của chính trị xen lẫn, của phản bội, của những bí mật gia đình, của những rắc rối của tình cảm và đạo đức.

Lan Cao sinh trưởng và lớn lên ở Việt Nam nhưng khi đến Hoa kỳ ở tuổi mười ba, đã tự mình làm thay đổi phương hướng đời sống mình. Với môn học chính là chính trị, tốt nghiệp tại Mount Holyoke College, và sau đó tốt nghiệp luật tại Yale University, làm việc US District Judge rồi sau đó vào một tổ hợp luật sư danh tiếng tại New York. Sau bà là giáo sư về luật quốc tế tại đại học Brooklyn Law School. Khi được hỏi là thời giờ ở đâu mà làm được cả hai công việc thì bà trả lời: ”Thực sự, đây là phương cách dễ dàng nhất trên thế giới. Với công việc của một người khoa bảng, tôi dành hết thời gian cho nó. Khi tôi viết văn, tôi có khuynh hướng viết vào buổi tinh sương, từ 4 giờ sáng đến 8 giờ sáng, trước khi tôi vào lớp dạy học“. Viết tiểu thuyết với Lan Cao không cần sự sửa soạn mọi thứ. Văn chương đến tự nhiên khi bà có những điều muốn ngỏ trong những thời ký khó khăn của cuộc sống. “Tôi bát đầu viết văn khi mẹ tôi trở bịnh nặng năm 1992... tôi cảm thấy mình là một người may mắn bởi vì tôi đã trả giá cho sự suy tưởng về những điều mà thật tình tôi thấy hiếu kỳ muốn tìm tòi để hiểu.”

Một khuôn mặt Việt Nam khác đã nổi tiếng ở Pháp với những tác phẩm được phổ biến rộng rãi Linda Lê. Nhà phê bình Leakthina L.Ollier đã viết về nhà văn này như sau:

“Nhắc lại châm ngôn của nhà văn Ba Lan Stanislaw Jersey Lec, khi phỏng vấn Linda Lê, Ook Chung đã hỏi “kẻ ăn thịt đồng loại có thể phát biểu nhân danh nạn nhân được không?” và cô đã trả lời: “Tôi không nói nhân danh nạn nhân mà tôi nói kẻ ăn thịt đồng loại là người tiêu thụ cái gì im lặng và văn chương vừa là máy nghiền những gì câm nín vừa là ống nhổ của những gì đã được tiêu hóa”. Những phát biểu như thế thường mang lại cho cô những lời phê bình, một bóng tối hứa hẹn trong văn phong của cô, những lời nhiệt tình của một ngòi bút khốc liệt, lối văn phẫn nộ lựa lọc tất cả những chất béo thừa mứa. Ở tuổi ba mươi sáu, Linda Lê là tác giả của một loạt tác phẩm đáng kể hai tuyển tập truyện ngắn Solo và Les Evangiles Du Crime, một tuyển tập tiểu luận vừa được in năm vừa rồi: Tu criras sur le bonheur, cùng bẩy cuốn tiểu thuyết: Un si tendre vampire, Fuir, Calomnies, Les Dits d’un idiot, les trois Parques, Voix, và Lettre morte. Năm 1990 cô được giải Prix De la vocation và Les trois Parques được kể trong danh sách 20 tác phẩm hay nhất của tạp chí Lire và được chọn lựa để tranh giải Prix Medicis 1998.“

Llinda Lê được nhiều nhà phê bình cho là một cây bút nữ đầy sức thuyết phục, là một người sinh ở Việt Nam sang Pháp lúc 14 tuổi và là đại diện cho những người tị nạn Đông Nam Á... Cô tỏ vẻ không thích từ ngữ “boat people” sặc mùi thương hại và chiếu cố: “ trong cô có một cái gì cần thiết vượt ra ngoài mọi hình thức tuân thủ trong cách viết bao gồm cả việc khai thác chân dung nhà văn lưu vong, khai thác những gì khách hàng ưa thích, cái khái niệm về métèque - Đứa ngoại quốc bẩn thỉu - k những chuyện ly kỳ”...

Thi sĩ Việt viết bằng Anh ngữ cũng khá nhiều. Mộng Lan với “Song of the cicadas”. Barbara Tran với “In The Mynah Bird’s On Words”. Thuong Vuong – Riddick với “Two Shores/Deux Rives”.

Mộng Lan đến Hoa Kỳ năm 1975 lúc vừa 5 tuổi cùng gia đình. Cô tốt nghiệp Master of Art tại Arizona và từng dạy ESL tại đại học Arizona. Viết về “Song of the Cicadas“ của mình: ”Thi phẩm thứ nhất của tôi được xuất bản bởi thư quán của viện đại học Massachusetts, hầu hết ghi lại kinh nghiệm của tôi ở Việt Nam trong hai năm 1995-1996 thi tập chia làm 4 phần: Ba phần viết về bể Việt Nam, thành phố và nông thôn, về Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Vĩnh Long, Hà Tiên. Phần còn lại là những bài thơ về San Francisco và Mexico… Tôi chọn tựa đề này vì bởi khi lớn lên tôi đã được nghe tiếng ve ở Việt Nam và Texas. Con ve sầu sống trong đất khoảng 7-13 năm tùy chủng loại, bay lên không trung cất tiếng hát và giao hoan khoảng nửa tiếng đồng hồ rồi chết. Toàn bộ thi tập được phát ra từ những kỷ niệm ở nơi này, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Cấu trúc và hình thể của những bài thơ được tạo dựng từ những kinh nghiệm cá nhân cụ thể - thông thường tôi không phác họa trước cho những bài thơ. Tôi để bài thơ được quyền chủ động, để linh hồn bài thơ nói lên những điều gì cần nói. Tôi cố gắng không can thiệp vào những gì bài thơ muốn nói. Tôi để ý rằng những gì được viết xuống trang giấy là ngôn ngữ phân chi theo cảm hứng một cách sống động.

Barbara Tran ngoài biên tập tuyển tập “Watermark” còn là một thi sĩ. Thi tập “In the Mynah Bird’s Own Words” viết về mẹ với ví von là một loài chim quý mạnh mẽ và thích hợp đoàn. Thi sĩ nhìn người mẹ như tượng trưng của sự che chở đùm bọc với tấm lòng quả cảm quên mình. Người mẹ trong những hoàn cảnh nghặt nghèo của đói khát của khổ ải vẫn lạc quan và tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất của đời người. Tập thơ có những câu như:

“Tôi bắt đầu tại đây và bây giờ

hay bắt đầu một câu chuyện

với thời khắc đầu tiên

mẹ tôi cầm tay lái -

người phụ nữ đầu tiên lái xe

ở một xứ sở mà những người đàn ông

đang lo lắng cho quãng đường đi bộ?  

“Two Shores/ Deux Rives” là tập thơ song ngữ đầu tiên Anh và Pháp ngữ của Thuong Vuong Riddick. Thi sĩ nhìn lại đời sống của mình qua những dời đổi, dưới ảnh hưởng của Nhật, Tầu, Pháp, Hoa kỳ và Việt Minh trong phần đầu của ti tập “the Big hunger”. Phần thứ hai là đề tài về những bờ bến mà bà tạm ngụ để trở thành một người thường trú, như ở Pháp rồi đến Canada. Thơ của bà là những nỗi niềm của một thời thế đảo lộn và mọi người phải sẵn sàng làm lại cuộc đời dù từ khởi điểm ấy đã là những ngỡ ngàng chậm trễ.

Tôi đã sơ lược một vài nét vế những điều mà tôi đã đọc. Không biết bây giờ độc giả có còn đồng ý với tôi không khi nghĩ rằng dù viết bằng ngoại ngữ họ vẫn trong dòng văn học Việt Nam vì có cùng trái tim khối óc cũng như cùng nhịp thở nhân sinh của dân tộc.

Nguyễn Mạnh Trinh 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.