.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

"Đỉnh cao chói lọi"
và Dương Thu Hương

  • 8.03.2009

Nhà văn Dương Thu Hương được văn học thế giới để ý và coi bà như một nhà văn phản kháng mạnh mẽ nhất đối vơi chế độ Công Sản đương thời. Tác phẩm mới nhất của bà “Au zenith - Đỉnh Cao Chói Lọi“ viết bắng Pháp ngữ ra mắt ngày 8 tháng 12 năm 2008 tại Paris. Sách do nhà xuất bản Sabine Wespieser và Le Livre de Poche. Sau đó sẽ có bản bằng Việt ngữ do Đặng Trần Phương dịch. Bản Việt ngữ này đã được đăng tải trên nhiều web-site và có lẽ có rất nhiều độc giả.

Trước đây, nhà văn Dương Thu Hương đã xuất bản “Chốn vắng“ (No man’s land), một tiểu thuyết xoáy sâu vào sự bất hạnh của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh và sau chiến tranh. Không những họ phải đánh vật với cuộc sống gay go của sinh kế hàng ngày của một quốc gia ít tài nguyên lại bị chiến tranh tàn phá, gánh vác cả gia đình bằng đôi vai mỏng manh của mình mà còn phải tranh đấu với sự thúc ép của chế độ, kể cả trong địa hạt sinh lý. Những bức bối tình dục, những chính sách thương binh cứng ngắc đã làm bao nhiêu cuộc sống bị dìm trong bất hạnh. Tiểu thuyết này phản ánh một khía cạnh bi đát của xã hôi Việt Nam sau chiến tranh. Ký giả Danniel Ford đã nhận định về tiểu thuyết này trong The Wall Street Fournal: “Không kể từ Norman Di Giovanni trở lại tới Jorge Luis Borge, tiểu thuyết hiện đại mà tôi đã tìm được ở câu chuyện từ ngoại quốc mà dễ tiếp cận đến mực này và cũng đầy chuyển động trong “No man’s land”.

Nhà văn Dương Thu Hương còn được dư luận biết đến từ những phát biểu của bà về chế độ đương thời. Với những người lãnh đạo trong nước bà phê phán mạnh mẽ và có lúc tỏ ra khinh miệt và xử dụng nhiều từ ngữ nặng nề. Bà lúc nào cũng cố gắng tỏ ra độc lập chỉ trích cả hai phía Cộng sản và những người chống Cộng. Người tinh ý nhận thấy rằng hình như cái quá khứ của những năm chiến tranh ở miền Nam còn sót lại đã tạo cho bà một chủ quan bàng bạc về cuộc chiến đã qua, một nửa muốn nhìn lại thực chất mà một nửa lại hình như nuối tiếc những ước vọng thời tuổi trẻ, chiến đấu vì lý tưởng… Thành ra, người đọc thấy sự bất nhất trong lý luận, trong suy nghĩ. Có những ý tưởng đôi khi như trái ngược nhau trong cùng một tác phẩm. Trong Đỉnh Cao Chói Lọi, bà như muốn bào chữa cho nhân vật Chủ tịch (tức Hồ Chí Minh) nhưng đôi khi lại mô tả thành một nhân dáng dung tục, một người bình thường yếu hèn và chịu thua định mệnh mà cuộc đời dành sẵn cho ông ta…

Với ”Đỉnh Cao Chói Lọi”, tác phẩm này biểu hiện một phần nhận xét kể trên. Dương Thu Hương đã viết về nhân vật Chủ tịch và rõ ràng bà cố ý mô tả một chân dung Hồ Chí Minh của đời thường.

Ở trong nước, tới bây giờ hình tượng Hồ Chí Minh vẫn là một nhân vật bất khả xâm phạm, là một đề tài rất nhạy cảm đến mực cấm kỵ. Chân dung của Hồ Chí Minh được thần tượng hóa là một biểu hiện linh thiêng. Đụng chạm đến thần tượng ấy là đụng chạm đến cốt tủy của chế độ và tội danh phản động sẽ được gán cho không ngần ngại. Những chữ “Bác“, những chữ “Người“ đã thành một trường quy mà mọi người trong cả nước phải tuân thủ. Có một cán bô đã chỉnh hai người khi họ xưng hô bác cháu với nhau dù tuổi tác chênh lệch ”Chữ Bác chỉ dùng cho Hồ Chủ Tịch. Nếu già cả đến đậu chăng nữa cũng chỉ dùng đến chữ “chú“ là cùng...” Hoặc có nhà thơ trong nhóm Nhân Văn giai Phẩm chỉ dùng chữ Người viết hoa trong một bài thơ mà bị kết tôi là ám chỉ hồ Chí Minh và cả đời bị đầy đọa trong cái án treo văn tự.

Nhân vật chủ tịch Hồ Chí Minh theo mô tả của tác giả là một lãnh tụ đã bị mất quyền lực và như bị giam lỏng cô lập cho đến lúc cuối đời. Ông ta bị khống chế bởi các lãnh tụ thân cận đang nắm thực quyền mà tác gỉa gọi là anh Sáu (ám chỉ Lê Đức Thọ), anh Ba (ám chỉ Lê Duẩn). Trong thời gian ấy, ông trải qua những khắc khoải nhớ thương người vợ tên Xuân và hai người con tên Trung và Nghĩa. Ông mong ước được có một cuộc sống gia đình bình thường nhưng không thể nào được bởi những chằng chéo của chính trị, của những âm mưu thâu tóm quyền lực xiết chặt chung quanh.

Tác gỉa Dương Thu Hương nói rằng cuốn sách này là kết quả của 15 năm nghiên cứu của mình để khám phá ra đời tư của một người lãnh đạo Đảng Cộng Sản, yêu và có con với một người phụ nữ thua kém ông đến 40 tuổi. Người này bị ám sát chết theo lệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1957.

Thực ra, những điều kể trên cũng chẳng mới lạ gì trong thời điểm hiện nay. Những Bùi Tín, Vũ Thư Hiên … đã phát hiện những sự việc ấy đã lâu và những câu hỏi rằng có thật sự những chuyện ấy hay không làm nhiều người thắc mắc. Kể cả Ủy Ban văn hóa UNESCO của Liên Hiệp Quốc nên đã loại tên Hồ Chí Minh ra khỏi danh sách những danh nhân của nhân loại nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông ta.

Nhà văn Dương Thu Hương nói rõ lý do bà viết tác phẩm này để tưởng nhớ lại cái chết của cả gia đình soạn kịch gia Lưu Quang Vũ - nhà thơ Xuân Quỳnh. Bà cho rằng Lưu Quang Vu viết trong vở kịch Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt có hai nhân vật Nam Tào và Bắc Đẩu mà dư luận cho rằng có đụng chạm phê phán đến hai lãnh tụ đang nắm quyền hành tuyệt đối là Lê Đức Thọ và Lê Duẩn nên bị tàn sát cả gia đình.

Giải thích tại sao lại chọn nhan đề “Đỉnh Cao Chói Lọi” bà cho rằng đó là vị trí của ông Hồ Chí Minh. Người ta đặt vị trí của ông trên đỉnh cao chói lọi như một vị thánh. Nhưng qua sự tìm hiểu của bà, thì ông Hồ không phải là một ông thánh mà đó chính là một con người bình thường tả tơi vì đau khổ tâm hồn bị rách nát giằng xé giữa rất nhiều thứ

Bà kết kuận: ”Chính vì thế tôi nghĩ ông là người đáng khâm phục Ông ấy đáng khâm phục không phải vì sự thắng lợi mà chính vì sự thất bại của ông. Cuộc đời của con người này đầy rẫy sự thất bại...”

Nhưng có một độc giả đang sống ở trong nước đã phát biểu trên internet rằng ông không thể đồng ý với nhận định của Dương Thu Hương về con người bình thường của Hồ Chí Minh mà bà mô tả trong tiểu thuyết. Vì, dù rằng ông có hối hận đến đâu, ray rứt đến thế nào chăng nữa thì cũng không bù đắp được cái đớn hèn, cái vô nhân không một phản ứng khi người ta hãm hiếp và hạ sát vợ mình và ngay cả những đứa con ruột thịt của minh bị biến thành những đứa con hoang vì bị xóa đi nguồn gốc. Người mà vì lý do này hay nguyên cớ khác bỏ mặc vợ con thì đối xử tử tế với người đời đến đâu chăng nữa cũng không thể gọi là con người đúng nghĩa…

Trong lới mở đầu, tác giả Đỉnh Cao Chói Lọi viết:

“Tôi vốn không đủ khả năng sáng tác hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng. Một cuốn sách tôi viết đều xây dựng trên một câu chuyện thật. Dẫu vậy, vẫn cần nhắc lại một cách nghiêm cẩn rằng tiểu thuyết là tiểu thuyết. Tiểu thuyết không phải là tự truyện hoặc sự lắp ghép một chuỗi tiểu sử các nhân vật… “

Tiểu thuyết là tổng hợp giữa hư cấu và sự thực. Ai cũng hiểu như vậy, nhưng tại sao Dương Thu Hương lại nhấn mạnh điều ấy. Không phải tự truyện, không phải là sự lắp ghép một chuỗi tiểu sử các nhân vật. Như vậy phần hư cấu chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trong tiểu thuyết. Và, những nhân vật như Chủ tịch, như Vũ, như Vân vợ của Vũ ,.. có thể có thực trong đời sống hay không? Nếu có nhiều hư cấu xen lẫn vào thì liệu mang những nhân vật ấy để biện hộ cho những lỗi lầm mà bà cũng xác nhận có thuyết phục được độc giả không? Trong cuộc họp báo để thông báo về cuộc ra mắt tác phẩm bà Dương Thu Hương đã “không chấp nhận việc bôi nhọ và sỉ nhục nhân vật Hồ Chí Minh cũng như việc gán tất cả mọi điều xấu xa lên đầu ông ấy mà hoàn toàn không tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử cũng như sự thực về cuộc đời riêng”.

Thực ra tìm hiểu một mẫu người như Hồ Chí Minh không phải là một việc đơn giản. Làm sao tìm kiếm ra được sự thật khi cả một chế độ với tất cả những kỷ xảo tạo ra những huyền thoại về một nhân vật đủ mọi phương diện từ chính trị, văn học, giáo dục, triết học… và làm sao xác định được sự thật khi một người tự viết bài ca tụng mình, như Trần Dân Tiên ca tụng Hồ chí Minh, hoặc một người có nhiều danh tánh, nhiều tiểu sử khác nhau có nhiều chi tiết có khi đối nghịch nhau.. Có thể vì nguồn gốc mù mờ, nên Hồ Chí Minh đã không được UNESCO vinh danh nhân 100 năm ngày sinh của ông như đã dự trù. Bà Dương Thu Hương đã buộc tôi nhà văn Olivier Todd là người xuyên tac lịch sử và “lời lẽ của ông ta cũng giết người như súng đạn, không phải giết một con người đang sống mà là phá hủy nhân cách một người đã chết tức là người không còn khả năng tự bảo vệ”.

Nếu đặt câu hỏi, như nhân vật Chủ tịch của Đỉnh Cao Chói Lọi có ”nhân cách” không? giết vợ, đợ con, có phải là nhân cách tốt? Và, nói Hồ Chí Minh đã chết nên không còn khả năng tự bảo vệ là một cách nói lấy được! cả một Đảng cầm quyền, cả một hệ thống truyền thông, cả hàng ngàn hàng vạn văn nô để đâu? Cần gì cá nhân ông Hồ Chí Minh tự bảo vệ mình! …

Tiểu thuyết “Đỉnh Cao Chói Lọi“ gồm 42 chương sách gồm trong những phần chính: Song tấu, Truyện xóm tiều phu, Ký ức vốn buồn nhớ và sầu thương cho chính nó, Người anh em đồng hao không biết mặt, Ước nguyện cuối cùng, và Vĩ thanh.

Phần đầu Song tấu là những câu chuyện của Chủ tịch và Vũ, những suy nghĩ trong hoàn cảnh của những người đang bị dồn vào cuộc cờ bế tắc. Chủ tịch – Hồ Chí Minh, và Vũ – Vũ Kỳ là những con mồi bị sa vào lưới của Sáu - Lê Đức Thọ với tất cả những thủ đoạn để kiềm chế, dồn Chủ tịch vào địa vị của một ông Thánh để làm bình phong cho những âm mưu thực hiện việc thu tóm quyền lực vào trong tay. Chủ tịch luôn luôn sống trong nỗi nhớ nhung, nghĩ đến người vợ và những đứa con, một trai một gái, nay thành một uy hiếp để bọn đàn em bắt ông phải chịu theo sự sắp xếp của chúng, những tay đồ tể uống máu người không tanh. Nhân vật Vũ cũng bị lôi kéo theo trong một tấn hài kịch khi nhận lời của Chủ tịch để chăm sóc hai đứa con, một trai tên Trung ông nhân làm con để nuôi nấng và một gái tên Nghĩa thì gửi cho người anh ruột nuôi. Vũ là một nhân vật được Dương Thu Hương mô tả như một người tốt, luôn trung thành với chủ trong khi người vơ của  Vũ – bà Vân thì ghét bỏ và hành hạ người con của Chủ tịch, một việc làm tưởng như tự nhiên nhưng cũng là một tính toán của những kẻ đang nắm quyền thế trong tay nhằm chi phối Chủ tịch một cách chặt chẽ. Dương Thu Hương viết:

“Vào ngày ông đề nghị Bộ Chính Trị công khai hóa quan hệ của ông với người vợ trẻ, những bộ mặt tươi cười của đám đàn em nhất loạt sa sầm xuống.

- Thưa Chủ tịch, lẽ ra người không bao giờ nên đề cập đến vấn đề này. Đó là một tabou, nếu có thể nói một cách chính xác.

Kẻ cất tiếng trước tiên là Thuận, anh ta khá thạo tiếng Pháp và danh từ tabou mà anh ta xử dụng chỉ có một nửa số người ngồi họp họp hiểu được thôi. Nhưng những kẻ không hiểu danh từ ấy thì diễn đạt thẳng thừng những ý tưởng của họ một cách thô bạo và suồng sã. Tiếp theo Thuận là Sáu. Y giương mắt nhìn ông như tỏ vẻ ngạc nhiên trong điệu bộ của một vai tuồng, rồi bỗng nhiên nhếch mép:

- Chuyện đàn bà. Tôi nghĩ rằng Chủ tịch nêu vấn đề này lên chỉ để làm hài lòng cô Xuân, và đấy là mục tiêu duy nhất. Chắc chắn yêu cầu này do cô Xuân đề xuất... Hoặc có khả năng do gia đình cô ta súi bẩy. Còn chủ tịch của chúng ta thừa đủ thông minh để hiểu rằng đó là điều không thể chấp nhận.

- Đương nhiên đó là điều bất khả. C’est sur.

Thuận nhấn mạnh, buột miệng buông ra một câu tiếng Pháp theo thói quen.

Chờ cho cảm giác khó chịu của số người không quen nghe - ngôn ngữ của kẻ thù trôi qua, Ba Danh lên tiếng:

- Cho dù là cô Xuân, chúng ta cũng không thể khoan nhượng. Người đàn bà chỉ nghĩ tới mái nhà của họ, quyền lợi của bản thân họ còn Chủ tịch phải coi trọng quyền lợi của dân tộc trên mọi thứ quyền lợi khác. Cuộc cách mạng của chúng ta thắng lợi là do toàn dân nhất tề tin tưởng dưới sự lãnh đạo của người. Hình ảnh của người mang lại sức mạnh cho dân tộc. Chúng ta không thể để cho hình ảnh ấy bị bôi nhọ.

- Thế nào là bôi nhọ? Chúng ta không nên dùng những danh từ nặng nề hoặc thái quá,

Tô lên tiếng phản kháng. Ngay tức khắc Sáu quay sang áp đảo anh ta:

- Không cần phải kiêng dè, không cần so đo chữ nghĩa. Chúng ta đang đứng trước vấn đề sinh tồn của cách mạng. Lợi ích cách mạng đang bị đe dọa chúng ta phải tìm mọi cách bảo vệ lợi ích đó. Vì thế giờ đây chẳng phải lúc chơi chữ hay chọn từ.

- Các đồng chí không nên gay gắt. Đâu sẽ có đó, mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách êm thắm với sự đồng thuận của tất thảy mọi người...”

Những Sáu -  Lê Đức Thọ, Ba Danh - Lê Duẩn, Thuận - Trường Chinh, Tô - Phạm văn Đồng.. và cả Bộ Chính trị đã quyết định như thế nên:

“vào lúc đó ông thấy lưỡi ông dính bết vào hàm. Mồ hôi ông chảy dọc sống lưng và đôi chân ông lạnh toát như bị chườm nước đá. Những gương mặt quen thuộc bỗng nhiên hóa thành một đám mặt nạ cao su phập phồng méo mó. Lồi lõm. Lẽ nào ông tìm được sự cảm thông và niềm tin cậy nơi những hình nhân dị dạng kia? Những gì ông vẫn tin tưởng đinh ninh chỉ là nhầm tưởng. Cả một bức tường thành sụt lở trong tim. Tâm hồn ông rỗng không, óc não ông tê bại. Ông thấy mình bỗng nhiên thành kẻ cấm khẩu. Ông không thể mấp máy đôi môi...”

Người vợ Nông Thị Xuân bị hãm hiếp và giết chết. Hai đứa con phải gửi nhờ nuôi. Thậm chí đến người lấy cô em cô Xuân cũng phải trốn chạy và lấy tên khác. Dương Thu Hương đã kể lại trong “Người anh em đồng hao không thấy mặt” Chí Văn Thành cải tên thành Hoàng An sau này để trốn sự truy đuổi của một hệ thống đen chuyên môn giết người bịt miệng. Chuyện kể có tính hấp dẫn như một phiêu lưu ký nhưng đầy ắp nỗi phẫn hận buồn rầu. Cả một dòng họ bị xóa sổ, cả những gia đình bị tan nát, chết vì bị siết cổ, bị chém, bị cháy, bị máy bay trực thăng vứt xác từ trên cao xuống... Những nạn nhân không ngờ đến cái chết của chính mình.

Dù rằng bà Dương Thu Hương xác nhận rằng đã khá phóng tay đối với các chi tiết lịch sử khi dựng lên tiểu thuyết này nhưng với các điều thu nhận được từ thâm cung bí sử, với những âm mưu chính trị đấy phản bội, bà khẳng định rằng có việc người tình của ông Hồ bị sát hại cũng như cái chết của lãnh tụ này. Ông Hồ Chí minh chết vào đúng ngày 2 tháng 9 khi tự rút ống dưỡng sinh như một hành động để bêu riếu ngày quốc khánh. Nhưng những người đang nắm quyền cũng biết thâm ý ấy nên dời ngày chết của ông sang ngày 3 tháng 9 để vô hiệu hóa cái thâm thuý ấy.

Đỉnh Cao Chói Lọi viết về huyền thoại của một lãnh tụ Cộng Sản và câu chuyện ấy cũng chẳng có điều gì mới lạ lắm. Có nhiều nhận xét về tác phẩm này, có khen có chê nhưng tựu chung một điều là tác phẩm của Dương Thu Hương đã được chú ý rất nhều từ giới truyền thông quốc tế lẫn địa phương.

Như nhận xét của ký giả Philippe Agret trên thông tấn xã AFP: Một cuốn truyện gây sôi nổi kích động của nhà văn phản kháng Dương Thu Hương đã lấy chủ đề là nhân vật huyền thoại Hồ Chí Minh và mô tả mối tình của ông này với một cô gái trẻ chỉ bằng nửa tuổi ông và là người sau đó bị chính các đồng chí của ông hãm hiếp và thủ tiêu sát hại...”

Hay như nhận xét của ký giả Thomas Bell của báo Telegraph bên Anh: ”Cuốn sách đã gây xúc động trong giới trí thức ở Việt Nam, những người đã đọc nguyên bản Việt ngữ trên các mạng internet. Cuốn sách sẽ có ấn bản Anh ngữ cuối năm nay, 2009...”

Riêng tôi, khi đọc xong Đỉnh Cao Chói Lọi thì cái cảm giác vồ vập đầy thích thú ban đầu như bị tan loãng đi. Nếu bảo đây là một khám phá văn học mới thì tôi ngờ rằng có sự ngoa ngôn. Bởi từ phong cách văn chương đến lối diễn tả, cách xử dụng những ngôn ngữ sần sượng hoặc những tư tưởng dung tục làm tôi như có một phản ứng là lạ khi đọc. Bố cục câu chuyện thì theo tôi ít được mạch lạc lắm, những phần nối kết nhau lạc lõng khiến sự theo dõi cốt truyện hơi bị trục trặc.

Những nhận xét ấy có thể là vì những thiên kiến trong tôi chăng? Bởi vì, ở điều cốt lõi là sự không đồng ý với nhận định của bà Dương Thu Hương về nhân vật Hồ Chí Minh. Tùy thuộc từng vị trí chính trị của mỗi người, mà có những nhận định riêng.

Thí dụ, tới bây giờ vẫn còn có người coi Hồ Chí Minh là thần thánh. Việc nào đúng, là công lao của ông ta. Việc nào sai, là do người khác, do người thừa hành. Thời chiến tranh với Pháp, rèn cán chỉnh quân, đấu tranh giai cấp, nhiều oan khuất, nhiều vô nhân, thì do áp dụng chính sách của cấp dưới sai chứ Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn nhân ái không bao giờ có khuyết điểm. Cải cách ruộng đất, đấu tố, “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, oan khuất chập chùng, cũng do cấp dưới, Trường Chinh bị mất chức tổng bí thư, Võ Nguyên Giáp lên tiếng nhận lỗi sửa sai và Hồ Chí Minh nhỏ vài giọt lệ cho cả vạn người bị chết thảm. Thế là xong. Sau hiệp ước Geneve, thay vì xây dựng lại đất nước trong hòa bình thì lại chủ chiến, gây cuộc chiến Nam Bắc tổn hại mấy triệu sinh linh. Thì, lại đổ thừa là do Lê Đức Thọ, Lê Duẩn và Hồ Chí Minh bị ép buộc theo đường lối ấy. (hình như tiểu thuyết Đỉnh Cao Chói lọi cũng có cùng quan điểm ấy) Rồi về đời tư, nhiều vợ con, Tăng Tuyết Minh, Nguyễn Thị Minh khai, Nông Thị Xuân và còn nhiều “bé gái Bác Hồ“ khác có quan hệ tình dục, đều bị che dấu, nhưng lâu ngày rồi cũng vỡ lở ra. Thì lại đổ thừa rằng Hồ Chí Minh cũng là người thường không muốn đóng vai vĩ nhân nhưng bị thuộc hạ rúng ép (Có lẽ Đỉnh Cao Chói lọi cũng đồng ý với nhận định ấy).

Khi Cộng sản chiếm được miền Nam, dân tình điêu đứng, ngăn sông cấm chợ, triệt phá tư sản, quyết tâm xây dựng xã hôi chủ nghĩa, đất nước thành một ngục tù lớn trong đó có ngục tù nhỏ chứa cả mấy trăm ngàn tù nhân chính trị, thì lại có câu “Nếu còn Bác Hồ thì đâu có xảy ra cơ sự như thế!???” Khi tuyên truyền đã tinh vi đến cực độ như thế thì hòng gì kiếm được sự chân thực. Nhà văn Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu đã lục tìm trong văn khố Pháp để tìm ra những bức thư của Nguyễn Tất Thành (tức Hồ Chí Minh) xin xỏ công việc làm tay sai cho thực dân. Tài liệu rành rành ra đó thì liệu có thể nói ông ta là người yêu nước không? Và, nếu phủ nhận Hồ chí Minh bán đứng cụ Phan Bội Châu thì bà Dương thu Hương lý luận thế nào để thuyết phục được dư luận…

Tôi đọc sách nhưng cũng biết phân biệt cái đúng và cái sai. Mặc dù tôi kính trọng cái cương cường của một người phụ nữ viết văn đã dõng dạc lên án một chế độ làm tàn hại đất nước. Mặc dù, tôi cũng thích những tác phẩm của bà, nói lên được thực trạng của một đất nước đang băng hoại. Nhưng, tôi không thể nào có một chút cảm tình với nhân vật Chủ tịch trong Đỉnh Cao Chói Lọi mà bà mô tả hình tượng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ đó là một hình tượng ảo, tuy có nhiều nét tương tự ở ngoài đời nhưng vẫn là một nhân vật tưởng tượng. Một hình tượng ảo giống như Lê Văn Tám chỉ có trong tiểu thuyết. Mà, nhân vật tưởng tượng của tiểu thuyết thì làm sao thuyết phục được để làm đổi thay cái nhìn và cái nhận xét của công luận dành cho một nhân vật lịch sử…

Nguyễn Mạnh Trinh 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.