.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Tự truyện của một tổng thống

  • 28.03.2009

Lúc viết cuốn tự truyện “Dream of my Father: A story of Race and Inheritance“, Barack Obama chưa là tổng thống và chưa bước vào chính trường. Sau khi về thăm quê nội, nhìn thấy rõ ràng hoàn cảnh của gia tộc, ông đã thai nghén những ý tưởng để viết lên tác phẩm này. Và, tác phẩm này lại là một cuốn sách best- seller trong một thời gian khá dài và được các giới truyền thông cũng như văn học để ý.

Khi ứng cử tổnh thống, Obama đã mang khẩu hiệu: Thay Đổi Đất Nước và chủ trương này đã được nhiều người ủng hộ. Ngay trong thời kỳ Obama còn là sinh viên ông đã nuôi dưỡng ý tưởng này và cố gắng thực hiện nó. Trong cuốn tự truyện Dream of My Father ông đã tả lại:

“Năm 1983 tôi quyết định sẽ trở thành người tổ chức và điều hành hoạt động cộng đồng. Khi còn ở trường đại học nhiều người bạn đã hỏi tôi thế nào là người tổ chức cộng đồng và họ sẽ phải hoạt động ra sao, tôi không trả lời trực tiếp câu hỏi mà chỉ gợi ý là phải thay đổi, một sự thay đổi cần thiết. Thay đổi ở chính tòa Bạch Ốc nơi mà Reagan và những cộng sự của ông đã làm nhiều việc bất xứng. Cũng như phải thay đổi ở Quốc hôi nơi có những cá nhân tham nhũng và sống buông thả. Thay đổi suy nghĩ của một đất nước ám ảnh vì sự tự cao và coi mình như trung tâm của vũ trụ. Tôi đã nói sự thay đổi ấy không khởi đầu từ trên xuống mà phải đến từ phía dưới đi lên từ cơ sở, Do vậy cần phải huy động những người từ cơ sở. Công việc mà tôi sẽ làm phải như sau. Tôi sẽ vận động tổ chức cộng đồng người da đen. Đó là cơ sở để có sự thay đổi. Những người bạn tôi, da trắng cũng như da đen đã nồng nhiệt ủng hộ ý tưởng của tôi trước khi họ đến bưu điện nạp đơn xin dự tuyển vào những trường đại học lớn có uy tín.”

Ngày 20 tháng 1 năm 2009, lễ đăng quang của tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ: Barack Obama. Ông đã thắng cử trong cuộc bầu phiếu mà địch thủ là thượng nghị sĩ John McCain. Lễ đăng quang đã được tổ chức thật trọng thể và hầu như tất cả thế giới đều kỳ vọng vào sự thay đổi của nước Mỹ để vượt qua những khó khăn hiện tại. Lần đầu tiên, một người da màu làm tổng thống nước Mỹ. Ngày này là một ngày trong đại của lịch sử nước Mỹ. Ngoài ban nhạc cổ điển của John Williams, tay đàn cello Yo-Yo Ma còn có nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin. Bà là người hát bản quốc ca Hoa Kỳ trước khi ông Obama tuyên thệ. Bà còn hát một bản nhạc của Samuel Francis Smith viết năm 1831 và là một trong những bản nhạc được vào vòng chung kết của những bản nhạc chọn lựa thành quốc ca…

Riêng tôi, trong kỳ bầu cử tháng 11 năm vừa qua, tôi bầu cho thượng nghị sĩ John McCain. Với tôi, ông là một phi công anh hùng đã tham dự cuộc chiến Việt Nam và đã là tù binh chiến tranh, bị hành hạ đánh đập nhưng không bao giờ thay đổi vị trí của một chiến sĩ ái quốc dù bị nằm trong tù ngục. Tôi bầu vì tình cảm dành cho một vị anh hùng dù ông đã vào tuổi trên 70. Còn với thượng nghị sĩ Obama, tôi nghĩ ông còn quá trẻ để lãnh đạo nước Mỹ dù ông là một người hùng biện, có tài thuyết phục mọi người. Dù rằng, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về một khuôn mặt chính khách có vẻ tả khuynh. Như tại sao Obama lại tìm kiếm một giáo sư chuyên về Marxist ở đại học? Tại sao Obama lại chọn một counselor ở trung học là một đảng viên đảng Công sản Hoa Kỳ? Tại sao Obama lại dùng nhiều thời giờ để học về chủ nghĩa tân thực dân cũng như những bài viết của Franz Fanon, một tác giả có lối viết khích động bạo lực của “tuyên ngôn của chủ nghĩa Cộng sản về chủ nghĩa tân thực dân” ở đại học?… Trong cuốn sách ”The risks of the knowledge” của hai tác giả Alieno Odhiambo và David William Cohen đã mô tả Barack Obama father đã tấn công chương trình phát triển kinh tế của khối thứ ba mà người lãnh tụ là Tom Mboya ra sao và đã về phía lãnh tụ Cộng sản tả khuynh Oginga Odinga trong bài viết đăng ở East Africa Journal. Cũng như có một bài viết “Barack Obama hid his father socialist and anti-western convictions from his reader” post lên mạng bởi Greg Ransom nói về vài chi tiết trong thiên tự truyện này mà Barack Obama không đề cập hoàn toàn đến về việc làm của người cha mà ông cho rằng đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời ông. Như khi ông kể cha ông đã bị cách chức vì có lúc đã chống đối tổng thống Kenya Jomo Kenyatte ở giữa thập niên 1960 và khi ông đã nói cha ông bị bắt giam vì tội chính trị bởi chính kiến chống lại chính quyền ở giai đoạn cuối của thời bị thực dân thống trị, cũng như cha ông có quan điểm gần giống với những tay tranh đấu quá khích muốn dùng bạo lực để làm ách mạng.

Cho đến khi tôi đọc “Dream of my father”. Tâm tư và suy nghĩ của tôi hơi khác trước. Đây là một thiên tự truyện kể lại cuộc đời của Obama từ thơ ấu đến lúc ông vào học trường luật của đại học Harvard.

Tôi chợt nhớ trước đây mục sư Martin Luther King đã có một bài diễn thuyết nổi tiếng “I have a dream”. Bản văn này được đọc ngày 28 tháng 8 năm 1963 tại bậc thềm của đài kỷ niệm Abraham Lincoln trong cuộc diễn hành cho công ăn việc làm và tự do tại thủ đô Washington DC. Bài diễn văn bày tỏ một ước muốn bình đẳng và tự do không phân biệt chủng tộc và tôn giáo ở tương lai nước Mỹ, một giấc mộng tưởng khó đạt được theo tình thế lúc ấy. Đọc “Dream of my father “ để thấy càng ngày tư duy của nước Mỹ đã có nhiều thay đổi. Từ Martin Luther King đến Obama, là một chặng đường dài, thời thế rất nhiều thay đổi và lúc đó, chỉ có một giấc mơ bình đẳng thôi mà cũng thấy thật xa xôi và tưởng chẳng bao giờ đạt đến được.

Barack Obama Jr sinh trưởng tại Honolulu, con của Barack Obama Sr, một người da đen xứ Kenya và bà Ann Dunham ở Wichita, cả hai đều là sinh viên trong East West Center của đại học Hawaii ở Manoa. Cha mẹ của Obama sống xa nhau lúc Obama mới 2 tuổi và ly dị nhau năm 1964.

Obama đã tượng hình người cha vắng mặt của mình qua lời kể của bà mẹ và bà ngoại. Ông nói rằng cha của ông chỉ đến thăm lại Hawaii vào năm 1971 và ở đây trong suốt một tháng trời. Tuy vậy, với riêng trong tâm trí của Obama, người cha ấy đã có dấu ấn rất sâu đậm và một phần nào đã ảnh hưởng trong những dự định cho tương lai của chàng sinh viên trẻ đầy mơ mộng này.

Sau khi ly dị, mẹ Obama Jr tái giá với Lolo Soetoro cũng là một sinh viên của East West Center người Indonesia và cả gia đình di chuyển tới Jakarta để sinh sống. Khi mười tuổi, Obama Jr trở lại Hawaii với sự bảo bọc của ông bà ngoại và sau này là người mẹ, để công việc học hành tốt đẹp hơn. Ông vào học lớp 5th của trường Punahou, một trường tư thuộc loại tốt ở đây. Ông là một trong ba người học trò da đen duy nhất ở đây trong khi đa số học sinh thuộc cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu. Và ông bắt đầu thành mục tiêu của kỳ thị chủng tộc và cùng một lúc làm nổi bật được đặc tính của một người Mỹ gốc da đen Phi Châu. Ông học từ lớp 5th của trường Punahou và tốt nghiệp trung học năm 1979 Obama đã viết “Với ông bà ngoại tôi, việc tôi được thu nhận vào học ở Punahou Academy báo trườc sự khởi đầu của những điều gì to tát trong thứ bậc của tình trạng gia đình tôi và điều đó tạo thành nỗi đau mà những người khác thấu hiểu…” Sau khi học ở trung học, Obama chuyển lên trường Occidental College nơi mà ông mô tả là đất của những cuộc vui với rươu và ma túy. Sau ông chuyển trường lên Columbia College thuộc đại học Columbia mà môn học chính là chính trị học. Khi tốt nghiệp ông làm việc ít năm trong lãnh vực kinh doanh. Sau ông di chuyển về Chicago làm việc ở một cơ quan “non–profit” của cộng đồng, tổ chức và giải quyết những trở ngại về nhà cửa cư trú của người nghèo ở Algeld, một chương trình của thị xã South Side... Ông đã có nhiều kinh nghiệm trong sự đối đầu với những mâu thuẫn của công đồng cũng như những cảnh thương tâm vì hậu quả của chế độ thư lại. Lúc này cũng là lúc ông gia nhập ”Chicago Trinity United Church of Christ”

Trước khi vào học ở trường luật của đại học Harvard, Obama quyết định trở về Kenya thăm quê nhà. Lúc này là lúc ông thâu thập những dữ kiện để có thể bắt đầu cấu tạo thành một cuốn sách sẽ viết sau này với tất cả những tình cảm và kinh nghiệm của mình. Cũng như lịch sử của đời ông, cuốn sách phản ánh những ước vọng cũng như tâm tư và những điều muốn truyền đạt để sự kỳ thị chủng tộc chỉ là một kinh nghiệm chua xót của quá khứ…

Cuốn sách “Dream of my father” được viết 9 năm trước khi ông bắt đầu cuộc tranh cử chức thượng nghị sĩ của tiểu bang Illinois và chính cuốn này được viết khi ông đắc cử chức President của tạp chí Harvard Law Review.

Cuốn sách mở đầu với câu: ”Tôi vừa dến tuổi 21 được vài tháng thì có một người lạ điện thoại gọi tôi báo một tin thật buồn...  Và người đàn bà lạ ấy là cô Jane ở Nairobi báo tin người cha ruột của Obama vừa từ trần vì một tai nạn xe hơi. Lúc ấy, Obama đang sống ở Newyork và bắt đầu một chuỗi ký ức về những ngày đã qua của đời mình để viết thành một thiên tự truyện. Tác phẩm này đã nhanh chóng trở thành một cuốn sách bán chạy nhất trong danh sách “best-seller“ của nhiều tờ báo có uy tín như Newyork Times, Los Angeles Times,… Và cũng là một dấu chỉ để báo hiệu cho những thành công của một người mang hai nguồn gốc vượt qua được những trở ngại của một xã hội vẫn đầy những mầm mống của kỳ thị chủng tộc. Obana kể lại mối tình giữa cha mẹ mình, một phụ nữ da trắng mà gia đình đã sinh sống ở một thành phố nhỏ ở Kansas sau di chuyển đến đảo Hawaii và cha mình, một sinh viên da đen từ xứ Kenya Phi Châu xa xôi. Cuộc tình có chất bồng bột của tuổi trẻ nhưng cũng có những đam mê của những người muốn vượt qua những rào cản tưởng như khó vượt qua của xã hội.

Khi viết, Obama đã tỏ ra rất thành thật. Những chi tiết của cuộc sống được ông mang vào trong những dòng hồi ký tạo ra sự lôi cuốn sống động. Và khi đề cập đến những thành công hay thất bại của đời mình, cũng là sự bồi hồi của một người nhìn lại quá khứ và cảm nhận được sự quí báu của những kinh nghiệm sống của mình. Ông nhắc lại những ngày thơ ấu ở bờ cát biển Hawaii hay thành phố Jakarta xa lạ, hay những khuôn viên trường học từ khi học high-school đến lúc lên đại học, tất cả đầy những cảm xúc mà người đọc cảm nhận dễ dàng. Những đoạn đường đời là những chuỗi phấn đấu và trên tất cả vẫn là lòng quả cảm, nhìn thẳng vào cuộc sống để tìm ra ý nghĩa của nó.

Viết về người cha mà có lẽ ông chỉ có cảm nhận qua những lời kể lại của người thân vì ông không có thời gian nào sống gần gũi:

”Tôi được biết cha tôi là người xứ Kenya, thuộc bộ lạc Luos, sinh ra ở một làng tên là Alego ở trên bờ hồ Victoria. Lúc bé cha tôi chăn dê cho ông nội tôi và học ở trường làng do chính quyền thực dân Anh lập ra. Ông đã tỏ ra thông minh lúc còn thơ ấu.

Ông được học bổng lên tỉnh Nairobi và teong thời kỳ vẫn là thuộc địa của Anh ông được học bổng du học Mỹ nhờ sự giúp đỡ và tài trợ của các nhà lãnh đạo Kenya và các nhà tư bản Hoa Kỳ. Ông là một trong những người đầu tiên của lớp đầu sinh viên ưu tú đi học những kỹ thuật Tây Phương để mang về áp dụng tại xứ sở mình thành một châu Phi tân tiến.

Năm cha tôi 23 tuổi, đúng vào năm 1969, ông nhập trường vào đại học Hawaiivà là sinh viên gốc Phi Châu da đen đầu tiên của đại học này. Trong một lớp học về Nga ngữ ông đã gặp một cô sinh viên người mỹ e thẹn, khiêm tốn 18 tuổi và họ đã yêu nhau rồi cưới nhau và có một đứa con trai mà cha tôi đặt tên là Barack Obama. Ông lại có học bổng mới để tiếp tục học trình tiến sĩ tại đại học Harvard nên phải di chuyển và vì không đủ tiền bạc nên phải để lại vợ con và sống xa gia đình. Sau đó cha tôi trở lại Phi Châu đúng như lời cam đoan khi bắt đầu du học. Tuy cha tôi về nước nhưng sự liên lạc và tình cảm vẫn còn liên tục…”

Trong thiên tự truyện, Obama có kể lại một chuyện mà cha của ông bị gọi là mọi đen trong một quán rượu ở Waikiki. Thay vì nổi nóng, cha của ông lại bình tĩnh thuyết giảng cho người khách da trắng nọ về câu nói hẹp hòi trên không hợp thời và trái với tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của nhân loại. Người khách da trắng phải xin lỗi và trả tiền rươu và ăn cho gia đình cha ông.

Cũng như ông đã kể lại cảm giác đau buồn của mình khi nhìn một bệnh nhân người da đen muốn thay đổi mầu da nên bị phản ứng thành ra lở lói ghê rợn.

“Rồi tôi thấy bức ảnh của một người đàn ông có tuổi, mang kính dâm đen và mặc áo khoác ngoài đi mưa. Ông ta đi trên con đường vắng vẻ không một bóng người. Tôi chưa hiểu bức ảnh muốn nói gì và đề tài cũng bình thường chẳng có điều gì đặc biệt. Trang tiếp theo lại là một tấm ảnh khác chụp cận ảnh đôi bàn tay cũng của người đàn ông này với hai bàn tay có mầu trắng nhợt nhạt thật là kỳ cục, của một màu trắng không tự nhiên của một màu da không cón sắc máu. Tôi lật trở lại bức ảnh đầu và chú ý ngay tới mái tóc xoăn, đôi môi dày, bờ mũi tròn và tất cả đều có một màu da nhợt nhạt ma quái.

Tôi nghĩ đây chắc là một bệnh nhân bị nan y, bị nhiễm phóng xạ hặc có thể bị bệnh bạch tạng. Mấy ngày trước tôi có thấy một người bị bệnh bạch tạng trên đường và mẹ tôi có giải thích cho tôi về bệnh này. Nhưng khi tôi đọc những dòng chữ ghi chú kèm theo bên dưới tôi mới hiểu ra là không phải như vậy. Bài báo đã nói về người đàn ông trong ảnh đã dùng phương pháp hóa trị để tẩy đi màu da đen và đã cạn sạch tiền bạc vì phương pháp ấy. Ông hối tiếc vì đã cố gắng để biến thành người da trắng mà không thành công. Trái lại là kết quả kinh khiếp như thế này. Thế nhưng bây giờ ở Hoa kỳ đã có hàng chục ngàn người như ông, những người đàn ông, đàn bà da đen đã cố gắng chạy chữa theo những quảng cáo với sự hứa hẹn trở thành người có hạnh phúc khi mốt mai trở thành người da trắng. Tôi tự nhiên thấy nóng rát ở mặt và ngứa ở cổ. Lòng tôi như bị thắt lại. Chữ nghĩa như bị nhòa nhạt đi…”

Cũng như ông luôn luôn tâm đắc với giấc mơ của cha ông một giấc mơ bình đẳng giữa mọi người không phân biệt da màu hay không.

Obama đã viết: ”... Tôi vào học trong phân khoa luật của đại học Harvard. Ba năm trời tôi chúi mũi trong thư viện nơi mà ánh đèn thường không đủ sáng, mê man đọc các tài liệu khảo cứu và các văn bản luật pháp. Nghiên cứu luật là một công việc buồn tẻ bởi vì khi học những quy định cứng rắn, những thủ tục tố tụng nhiều kẽ hở không rõ ràng nhiều khi áp dụng cho những thực tế trái ngược hẳn với lý thuyết. Nhưng không phải chỉ có vỏn vẹn như thế, luật đòi hỏi trí nhớ chính xác. Và cũng ghi nhận chi tiết các cuộc đối thoại. Đó là cuộc thảo luận giữa quốc gia và chính lương tâm của nó…

Chúng ta rất cần những sự thật mà chính tự nó là hiển nhiên.

Tôi cố gắng đóng góp một cách khiêm tốn vào sự thay đổi những khuynh hướng này. Tại văn phòng luật sư, tôi chú trọng làm việc với các nhà thờ, các nhóm cộng đồng thiểu số, với các người đang âm thầm tạo dựng những cửa hàng thực phẩm, những bệnh viện trong các khu gia cư người nghèo, và xây dựng nhà cửa cho những người không đủ khả năng. Đôi khi tôi phải giải quyết một hồ sơ của sự phân biệt đối xử để bảo vệ cho khách hàng. Họ đến văn phòng tôi và kể lại những câu chuyện mà chúng tôi thường nói với nhau là đã bị diệt trừ lâu rồi. Hầu hết các khách hàng này thường rất bối rối với hoàn cảnh xảy ra cho họ cũng giống hệt như những đồng nghiệp người da trắng phải đứng ra làm chứng hoặc bênh vực cho những khách hàng người da đen. Thực ra, đâu có ai tạo ra cho mình là kẻ tạo ra những rắc rối cho thiên hạ. Thế mà có lúc những nguyên cáo cũng như các nhân chứng lại tự nói rằng đó là một vấn đề nguyên tắc và cho dù mọi sự đã qua, với những chữ nghĩa đã được ghi lại cách nay hơn 200 năm chắc chắn vẫn còn cực kỳ quan trọng. Dù là người da trắng hoặc da đen. Mọi người đòi hỏi phải có một cộng đồng mà chúng ta gọi là nước Mỹ. Họ lựa chọn phần tốt đẹp nhất trong lịch sử của chúng ta …”

 
Nguyễn Mạnh Trinh
 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.