.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Nhật Tiến,
nhà văn vẫn đứng ngoài nắng

  • 6.05.2009

Nhà văn Nhật Tiến là nhà văn của tuổi thơ, của những bức xúc về một cuộc chiến tranh và là một người lưu lạc suy ngẫm về thân phận của mình và của chung một thế hệ phải trải qua những ngày chiến tranh và những ngày hậu chiến tranh mà những bi thảm, những bất toàn của xã hôi lại còn đáng sợ hơn thời còn khói lửa. Ông viết với tâm cảm mà những ý nghĩ trung thực được biểu lộ không e ngại và là tiếng nói được lắng nghe từ công luận.

Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến : nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người…Mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo...

Tôi đã có dịp phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến và ông đã kể về thời gian bắt đầu sáng tác của mình. Lúc còn thơ ấu ông đã đi hướng đạo và sau này là một trong những trưởng kỳ cựu của hướng đạo Việt Nam. Ông mê thích văn chương và tất cả nỗi đam mê ấy về sau này khi di cư vào Nam ông đã kể lại trong “Thuở mơ làm văn sĩ”.

Tác phẩm đầu tay của ông không phải là thơ, không phải là tùy bút, không phải là truyện ngắn mà là một kịch ngắn vui chế diễu về một nhân vật là một nhà thơ háo danh và được đăng trên giai phẩm xuân của báo Cải Tạo. Tờ báo này có các cây bút khá nổi thời đó như Kim Sinh, Văn Bình, Nhị Lang … và do ông Phạm Văn Thụ làm chủ nhiệm… Cùng thời lúc này với ông có nhà thơ Song Hồ, nhà thơ Tô Hà Vân (tức nhà văn Nguyễn Đình Toàn sau này).... Nhóm sinh hoạt văn chương ấy hoạt động như những người trẻ yêu văn thơ và đó là thời gian để về sau họ đã thành những cây bút nổi tiếng của hai mươi năm văn học miền Nam.

Di cư vào Nam, ông xuống Bến Tre dạy học ở trường Quang Trung và cuối tuần ông không về Sài Gòn, ở lại trường nên có thời giờ sáng tác. Ông hoàn tất “Những người áo trắng“ lấy không gian và thời gian của Hà Nội kể lại chuyện của một cô nữ tu trẻ nguyện tận hiến dâng đời cho Thiên Chúa. Một giáo sư cùng dạy học với ông là Trương Cam Vĩnh đọc và thích thú với tiểu thuyết này và mang về cho nhà văn Nhất Linh đọc và cho ý kiến. Văn hào Nhất Linh rất khen ngợi và khuyến khích ông nên xuất bản thành sách. Thế là năm 1959, nhà văn Nhật Tiến đã in tác phẩm đầu tay “Những người áo trắng“ và bắt đầu cho một hành trình văn chương kéo dài đến hơn nửa thế kỷ sau…Mà, những tác phẩm tiếp theo là Những Vì Sao Lạc, Tay Ngọc, Chuyện Bé Phượng, Chim Hót Trong Lồng...

Chuyện Bé Phượng là một cảnh sống được thu gọn lại trong một viện mồ côi và tất cả các nhân vật cùng đóng trong một vai trò của một tấm thảm kịch. Ở đó, những trẻ mồ côi được phác họa lại bằng một vài nét nhưng lại biểu trưng được bằng những nét nhân bản. Những nhân vật ấy cũng sinh hoạt như ở ngoài đời thường, cũng có những tị hiềm ganh tị, cũng có những vai đạo đức giả vờ, cũng có những trẻ sớm biết suy nghĩ và có lòng thiện tâm nhưng rốt cuộc lại bị những phần thua thiệt. Như bé Phượng, tốt với cả mọi người nhưng lại bị nhiều chuyện rắc rối vì chính lòng tốt ấy. Cái chết của bé Alice, nguyên nhân gián tiếp vì chia ly với người bạn Thu Thu từng giúp đỡ yêu thương mình và là tấn thảm kịch làm những người đa cảm xúc động. Nhân vật cô bé Cúc đi ăn cắp bị mang vào trong cô nhi viện rồi trốn ra ngoài không phải là một cô bé xấu nết hoàn toàn mà vì để chống đỡ lại những ức hiếp của cuộc đời nên có phản ứng như vậy. Những đứa bé mồ côi bất hạnh đâu phải tất cả là những trẻ hư hỏng nhưng nhiều khi vì hoàn cảnh phải tự vệ để sống còn. Đó là một thực tế.

Tôi đọc và nhớ lại cái cảm giác ngày xưa của mình về truyện dài này.

Tôi đã sống ở một xóm bình dân và cũng đã chứng kiến nhiều đứa trẻ sống trong gia đình như địa ngục, cha say sưa, mẹ cờ bạc và chúng lớn lên tự nhiên như cây như cỏ, tiêm nhiễm thói hư tật xấu như là một chuyện tất nhiên và khi lớn lên lại tái diễn lại những thảm kịch mà cha mẹ chúng đã thực hiện. Chuyện trẻ thơ ấy sao buồn quá! Và cuộc đới cứ đầy dẫy những chuyện như thế! Thành ra, xúc cảm, hay nao nao trong lòng thuở đó cũng là chuyện đương nhiên... Bây giờ, đọc lại, dù đã trải qua nhiều chặng thử lửa ở ngoài đời và chứng kiến biết bao nhiêu chuyện thương tâm, nhưng vẫn nao nao khi nghĩ đến những trẻ thơ bất hạnh mà nhà văn Nhật Tiến đã mô tả trong những tác phẩm của ông… Có phải vì những bét riêng của con người muôn thuở lúc nào và bất cứ ở không gian, thời gian nào cũng làm cho mọi người chúng ta phải động tâm?

 Chim Hót Trong Lồng cũng là câu chuyện của một cô bé sống trong viện mồ côi nội trú trường Nhà Trắng với các bà sơ chăm sóc và hướng dẫn trong cuộc sống hàng ngày. Những cô bé ngây thơ ấy chưa hiểu được cuộc đời và trong những hoàn cảnh ngặt nghèo thương tâm ấy sự vươn lên khỏi vị trí thấp hèn trong xã hôi thật là khó khăn.

Chim Hót Trong Lồng là 14 lá thư của bé Hạnh viết cho mẹ và sau khi người mẹ chết là những dòng nhật ký ghi chép lai nỗi niềm của một người con gửi cho bà mẹ vừa khuất bóng. Những lá thư viết thật thà đến độ não lòng, hỏi người mẹ những câu hỏi thật ngây thơ nhưng gợi lại thật nhiều buốt xót. Mẹ của Hạnh là một người làm điếm và bị chết vì bệnh hoạn trong nhà thương thí. Trong viện mồ côi, Hạnh như sống ở trong một cái lồng và cuộc đời bên ngoài đối với cô hoàn toàn xa lạ. Câu chuyện thật buồn, người buồn và cảnh thì toàn là mưa gió u ám với những không gian lạnh lùng của tu viện, đầy cánh lá rơi và tiếng chuông buồn thảm. Hạnh gặp gỡ mẹ với cả nỗi buồn rầu và ngay trong đám tang người mẹ cũng đầy những bi thảm tang thương... Có một sự đau đớn nào hơn khi đứa con gái viết thư hỏi mẹ có phải mẹ làm nghề điếm phải không và sở của mẹ có to không và nhiều người không? trong tâm hồn ngây thơ của cô bé, làm điếm cũng là một nghề.

Và mẹ cô vẫn có một chỗ đáng kính trọng như những bà mẹ khác!

Chuyện Chim Hót Trong Lồng với cách diễn tả tự nhiên như thế đã gây cho độc giả nhiều xúc động.

Viết về tuổi thơ không phải chỉ có hai nhà văn Duyên Anh, Nhật Tiến, một viết về tuổi thơ đùa nghịch mộng mơ, và, một viết về những tuổi thơ bất hạnh của những cuộc đời đen tối. Mà còn có Lê Văn Trương với “Anh em thằng Việt”, có Hoàng Ngọc Tuấn với “Học trò”, và có nhiều người khác. Dĩ nhiên mỗi người có văn phong riêng, có ngôn ngữ diễn tả riêng. Do đó, khó lòng mà so sánh người này với người kia.

Riêng trường hợp nhà văn Nhật Tiến thì quả ông là một nhà văn hay viết về tuổi thơ bất hạnh. Ông viết rất cảm động, đầy nét nhân bản và dễ làm người đọc chia sẻ với xúc cảm mà ông đã có từ những trang sách. Tôi đoán có lẽ tuổi thơ của ông chắc cũng có những nỗi niềm riêng nên mới có những tâm tình sâu xa đến như thế.

Mỗi nhân vật tuổi thơ của ông đều có những nét riêng, gần gũi với người đọc và cả đời sống thường nhật hàng ngày nữa. Tác giả như hòa đồng vào trong khí hậu của tiểu thuyết, của chuyện kể nên chất chủ quan cũng ít đi. Và như thế câu chuyện trở thành có hồn hơn và lôi cuốn được trí tưởng tượng cũng như niềm cảm xúc.

Hồi trước thời tiền chiến các nhà phê bình văn học thường chỉ trích là các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn khi viết về những người cùng khổ thường đứng ở trên vị trí của một người ở trên cao nhìn xuống thấp. Tới bây giờ cũng có nhiều nhà văn khi tả cảnh thuyền nhân cực khổ nhưng lại đóng vai người quan sát rồi phê phán nên khi mô tả những cảnh đau khổ của con người thì lại thấy ở đó có một chút gì độc ác của những người khi tả bất hạnh của người khác để làm nổi bật lên cái hạnh phúc của mình.

Với nhà văn Nhật Tiến, ông đã đem tấm lòng nhân ái của mình để chia sẻ với những nhân vật những nỗi bất hạnh. Ở đó, là sự xúc cảm thật. Ở đó, là nỗi niềm chung mang thật. Và độc giả đã cảm thấy được điều đó qua văn phong của ông. Chất nhân bản lúc nào cũng đầy ắp trong ngôn ngữ và ý tưởng…

Trong một cuộc phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến đã phát biểu rằng công việc ra một tờ báo dành cho thiếu nhi (trong khoảng từ 10 đến 15, 16 tuổi hay trình độ từ cuối bậc tiểu học đến hết bậc trung học phổ thông) là mơ ước của ông. Nhất là trong hoàn cảnh của đất nước chúng ta khi xã hội có nhiều hiện tượng băng hoại do văn hóa ngoại lai xâm nhập và cũng do ảnh hưởng chiến tranh. Mãi đến năm 1971 ông mới được sự tài trợ của nhà sách Khai Trí và ra mắt tờ tuần báo Thiếu Nhi vào ngày 15 tháng 8 năm 1971 và đều đặn hàng tuần đến ngày 30 tháng tư năm 1975 thì chấm dứt. Ngoài ra ông còn tổ chức nhiều sinh hoạt khác như tổ chức thư viện cho các em mượn sách về nhà đọc, tổ chức các Gia Đình Thiếu Nhi ở các tỉnh và các đô thị lớn có những buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời, hay tổ chức các cuộc thi viết văn làm thơ cho thiếu nhi và có giải thưởng khá lớn. Nói chung là phối hợp giửa giải trí và giáo dục để các em có những sinh hoạt vui tươi và bổ ích.

Sau khi vượt biển sống ở hải ngoại, nhà văn Nhật Tiến cũng làm chủ bút tờ Tuổi Hoa của nhà văn Quyên Di một thời gian và lúc nào cũng chú tâm đến lớp tuổi măng non ở hải ngoại…

Trong tác phẩm “Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam”, nhà văn Mai Thảo đã viết “Nhật Tiến vẫn đứng ở ngoài nắng” Ông nói về những “cơn nắng chói chang dữ dằn đổ lửa“ của dân tôc Việt Nam. Những cái nắng của thế kỷ, bỏng cháy trên vai trần của hàng triệu con người lầm than trên trái đất, của những con người bị mất quyền làm người, nạn nhân của thế lực tiền bạc và thế lực bạo lực. Những cái nắng nhễ nhại trên bãi mìn nơi Phan Nhật Nam lê gót tù nhân như đi trên thủy tinh vỡ. Những cái nắng ngùn ngụt ở Gia Trung, nơi những Doãn Quốc Sỹ, những Nguyện Sĩ Tế, mệt lả mồ hôi mang vác những thân cây nặng nề trong thân phận của người tù khổ sai. Và những cái nắng của ngày vượt biên khát đắng và thiêu đốt con người. Hay cái nắng của đảo hoang Ko Kra, nơi những hải tặc hiện hình làm quỷ sứ. Những cơn nắng thiêu cháy con người, những đỏ lửa hun đốt cõi đời

Và nhà văn Mai Thảo viết : “Những trong nắng và những ngoài nắng ấy, Nhật Tiến đã thấy đã trải qua, đã viết ra, đã thuật lại. Gọi đó là nắng cáo trạng, nắng bạch thư, gọi đó là nắng Ko Kra, nắng Nhật Tiến. Trước cái khuynh hướng muôn thuở của con người là sự kiếm tìm những tàn cây đầy bóng mát cho tâm hồn và đời sống văn chương bây giờ của Nhật Tiến, những vận động, những lên tiếng không ngừng của Nhật Tiến cho thấy ông vẫn lựa chọn đứng ở đó. Ngoài nắng. Giữa nắng. Thái độ ấy có thể bị nhìn là khô cứng quá khích. Hoặc với những tâm hồn bóng rợp là một đọa đầy vô ích. Tôi chỉ nhìn thấy tự nhiên và bình thường nơi người nhà văn lưu đày ở Nhật Tiến một ý muốn. Cái ý muốn được đứng cùng, đứng mãi với vượt biển thê thảm như đứng với quê nhà, với Việt nam”

Có một sự kiện mà có rất nhiều sách vở hoặc tư liệu ghi chép lại. Đó là bài điếu văn nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam mà nhà văn Nhật Tiến đã ứng khẩu khi hạ huyệt.

Nhà văn Nhất Linh là một lãnh tụ đối lập với chính quyền của tổng thống Ngô đình Diệm. Ngày 7 tháng 7 năm 1963 ông bị đưa ra tòa để xử án nhưng ông đã tự quyên sinh để phản kháng và cho rằng đời ông chỉ có lịch sử phán đoán công tội mà thôi và hành động đàn áp đối lập bắt giam những lãnh tụ quốc gia sẽ làm cho mất nước về tay Cộng Sản. Đám tang của ông bị mật vụ bao vây vì chính quyền không muốn bị tai tiếng với dư luận quốc tế nhưng lại có nhiều thanh niên, sinh viên học sinh đến đưa tiễn. Nhà văn Nhật Tiến ở trong phái đoàn của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam với tư cách là phó chủ tịch nên có mặt lúc hạ huyệt và ông đã ứng khẩu bài điếu văn và đọc như là một cách thế phản kháng của người cầm bút trong hoàn cảnh thời thế ấy. Trong khi nhiều lãnh tụ đảng phái bị bắt giữ và các văn nghệ sĩ bị theo dõi thì hành động kể trên phải được coi như một phản ứng can đảm của kẻ sĩ không ngại ngùng trước bạo lực vì có thể bị bắt giam bất cứ lúc nào…

Nhà văn Nhật Tiến là một thành viên nồng cốt của Uũy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biện) Boat People (SOS Committee) và đã viết bạch thư để phổ biến trên khắp thế giới thân phận bi đát của thuyền nhân Việt nam vì tệ nạn hải tặc. Những công việc ấy đã có kết quả lớn, làm thế giới hiểu được tệ trạng hải tặc và đánh động được lương tâm của nhân loại để cứu giúp thuyền nhân. Nhà văn Nhật Tiến đã hy sinh công của để đi khắp nơi trên thế giới để xin thế giới hỗ trợ. Có lẽ cái nắng của đảo quỷ Ko Kra vẫn còn rát bỏng đôi vai ông để ông tích cực làm một công việc nặng nề như thế?

Thời gian 1960-1975 là một thời kỳ bất hạnh của dân tôc Việt Nam. Chiến tranh gây ra bao nhiêu là tàn phá và chết chóc. Sống trong những bi thảm ấy, nhà văn Nhật Tiến chắc cũng có những suy tư về cuộc chiến này và có những tác phẩm mà chủ đề về cuộc chiến đã qua.

Ông cũng đã nhìn ngắm cuộc chiến bằng những tác phẩm độc đáo mà tiêu biểu là tiểu thuyết “Giấc ngủ chập chờn“ và tập truyện ngắn “Tặng phẩm của dòng sông”.

“Giấc ngủ chập chờn” là tiểu thuyết viết về đời sống của những người ở vùng “xôi đậu” ngày thì quốc gia giữ an ninh nhưng đêm thì du kích Việt Cộng về quấy phá. Câu chuyện nói về thân phận xót xa của những nạn nhân bị đẩy vào một cuộc chém giết mà không một ai muốn. Đối thủ với nhau, chong họng súng vào nhau mà lại là những đứa bạn thời thơ ấu, là những đứa cùng ngồi với nhau trên băng ghế nhà trường. Họ chém giết lẫn nhau, để càng ngày trên cuộc đời này dần dần vắng đi những khuôn mặt, những con người của một thuở nào thơ ấu ngày xưa. Không có bi thảm nào hơn khi hai anh em ruột mà lại ở hai bên chiến tuyến và đe dọa giết nhau còn hơn quân thù là hai anh em Hoành và Há. Và, cuộc tình thời chiến cũng là cuộc tình tay ba giữa hai anh em và Thư. Rốt cuộc Hoành bỏ đi biệt kích Mỹ, còn Thư thì nhìn quang cảnh của một htị xã chiến tranh và đi lên tỉnh để rời xa một nơi mà những tấn thảm kịch đã đổ xuống đầu những người dân quê khốn khổ một cổ hai tròng…

Hình như về sau này khi Việt Cộng đã chiếm được miền Nam thì nhà văn Nhật Tiến đã bị hạch hỏi nhiều về cuốn tiểu thuyết “Giấc ngủ chập chờn“ này…

Ông có những truyện ngắn như Tặng phẩm của dòng sông, Giọt lệ đen,... mà chủ đề xoay quanh những thảm cảnh của thời chiến. Truyện Tặng phẩm của dòng sông là chuyện của con bò bị chết trôi theo dòng sông tấp vào chân cầu và bị những người lính xẻ thit để ăn... Truyện Giọt Lệ Đen là chuyện của hai anh em mồ côi Tư Híp và Ut, Tư Híp đến tuổi phải vào lính và phải mang thằng Ut vào trại và nhờ có Hiên làm trong nhà bếp để săn sóc thằng nhỏ trong khi người anh bận hành quân xa…Những hoàn cảnh dị thường của chiến tranh…

Sáng tác đầu tay của nhà văn Nhật Tiến là một vở kịch vui ông viết khi còn ở tuổi học sinh. Sau này, ông còn viết một kịch bản nào khác là một tiểu thuyết kịch Người Kéo Màn. Tại sao gọi là tiểu thuyết kịch? Đó là một kỹ thuật kịch khá mới đối với nghệ thuật Việt Nam. Ông mang những yếu tố của tiểu thuyết vào kịch, xử dụng phương pháp tả cảnh xen lẫn vào trong phần đối thoại kịch của từng nhân vật và từ đó ở những không gian, thời gian khác nhau để ngắm nhìn sự kiện như một góc độ để nhận định và diễn tả. Người Kéo Màn viết về xã hội và môi trường của những nghệ sĩ mà những nhân vật như ông lão kéo màn… người nhạc sĩ thổi kèn clarinette, đứa bé, cô gái còn trong trắng,… chỉ là những tượng hình để người kéo màn nói đến cuộc đời với những sự sắp xếp của định mệnh. Từ những góc cạnh nhìn ngắm, cuộc sống trải ra nhiều mặt mà cái giả tạo hào nhoáng bên ngoài đã che lấp đi cái phần chân thực bên trong. Cuộc đời như một vở kịch, với những nét đẹp đẽ hào nhoáng ở ngoài tiền trường sân khấu nhưng ở bên trong lại là những phản diện đen tối đến không ngờ được. Những nhân vật hành xử và đối thoại nhiều khi đối nghịch với nhau và ở trong những chi tiết thực của cuộc sống để tượng hình cái giả của vở kịch. Người viết kịch nhiều lúc muốn là một diễn viên trong vở kịch và thôi thúc người đọc, người xem gia nhập vào vở kịch như đang sống môt ngày, một tháng của cuộc sống chính mình đang diễn ra từng giờ từng phút…

Nhật Tiến còn là nhà văn xã hội mà tác phẩm tiêu biểu nhất là Thềm Hoang. Tiểu thuyết này đã đoạt giải văn chương toàn quốc năm 1962. Thềm Hoang là một tiểu thuyết lấy khung cảnh của một xóm lao động nghèo nàn ở ven biên một thành phố. Những nhân vật của truyện này là những người nghèo thất học và ngôn ngữ của họ là sự pha trộn một cách dung tục ngôn ngữ của hai miền Nam Bắc. Cái đặc sắc của tiểu thuyết này là tác giả đã phác họa ra những mẫu nhân vật đặc biệt với cá tính riêng và đầy chất sống động chân thực như cuộc sống lầm than của họ đang diễn ra hàng ngày.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Văn Học, ông có giải thích tại sao lại chọn nhan đề Thềm Hoang. Khởi đầu khi viết, ông chỉ dùng hai chữ đó để ám chỉ môt xóm nghèo, mà những túp lều là nơi sinh sống của những người bất hạnh sống bên lề xã hội như những thềm đất hoang sơ bị bỏ rơi quên lãng trong một xã hội xa hoa sung túc. Nhưng, khi kết cuộc cuốn tiểu thuyết này, nhân vật Năm Trà bị phẫn uất đau đớn đến tôt cùng nên đã châm lửa đốt rụi cả xóm Cỏ. Và như thế, cái xóm ấy đã thành một mảnh đất đầy tro bụi của những thềm hoang...

Trong tiểu thuyết ấy, có những nhân vật đặc biệt và những ngôn ngữ đặc biệt. Nhà văn Nhật Tiến đã tạo dựng ra những mẫu nhân vật thật sống động. Họ dùng những ngôn ngữ đời thường, của những người Bắc di cư vào Nam pha trộn với ngôn ngữ địa phương. Như cô Huệ với ngôn ngữ chanh chua của một gái điếm:

”- Mệt không cô Huệ ơi!

Vẫn cái tiếng chanh chua của Huệ:

- mệt cái phải gió, Cha tổ bố, ít tiền mà cứ muốn của đẹp!”

Hay: Lão Hói với những câu thơ mà ông ta chiêm nghiệm như một thuyết lý của định mệnh ; tất cả đều có ông trời hết:

Ngọc xuất thiên cung thủ quả châu

Hoàng thiên thương mến quả địa cầu.

Giáng tạo thay đời không tranh đấu

Thế giới thanh bình khỏi thuế sâu...

“Lão Hói rúc lên cười, hai hàm răng của lão nhô ra, hở hết cả lợi:

- Ông trời chớ ai! Ông trời chớ ai!

- Vậy ai sinh ra ông trời kia chớ?

- Ý trời đất ơi! Đã là ông trời thì ai sinh được ổng nữa cơ chớ Ông là nhứt hết thảy mà...

- Huệ phản đối lão bằng cách lấy chân đá một viên sỏi nhỏ về phía lão rồi bỏ đi. Mùi nước hao thoang thoảng trong gió mát làm mũi lão hếch lên. Lão lim dim nhìn cái mông của nàng ngúng nguẩy theo nhịp bước. Lão nhớ đến câu hát của bác Tốn vẫn thường gảy đàn, giọng vọng ra:

- Cô Huệ ơi

Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng.

Tôi mua ô tô cho cô ngự, mua váy đầm cho cô thay...”

Rồi những nhân vật khác: Hai Hào, Đào, Phó Ngữ, bác Nhan, vơ chồng Năm Trà, Cái Hòn, Thằng Ích, U Tám,... tất cả những nhân vật ấy sinh hoạt, chửi rủa nhau, giúp đỡ nhau, và cùng chia sẻ với nhau những mảnh đời sống của môt xóm nghèo bình dân...

Bà Thụy Khuê nhận xét rằng Thềm Hoang là một tác phẩm không viết về chiến tranh nhưng chống chiến tranh và là một tác phẩm có ý hướng hòa giải hòa hơp dân tôc. Có người đã hỏi tôi có suy nghĩ nào về nhận xét này…

Tôi đọc Thềm Hoang từ lúc còn đi học và lúc này thì chiến tranh chưa bùng nổ lớn và những cái gọi là hòa giải hòa hơp dân tộc còn xa lạ. Thành ra, tôi rất ngạc nhiên khi đọc những nhận xét của bà Thụy Khuê mà có người thắc mắc ở trên. Tôi nghĩ đó có thể là một cách suy nghĩ đi quá xa trong hoàn cảnh nhà văn Nhật Tiến sáng tác lúc đó. Thời gian mà nhà văn Nhật Tiến viết Thềm Hoang là thời kỳ đệ nhất Công Hòa của chính phủ tổng thống Ngô Đình Diệm. Lúc này cả một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam và đang tạo dựng lại đời sống. Thành ra, ngôn ngữ của những nhân vật Xóm Cỏ pha âm hưởng của nhiều địa phương và có nhiều ngôn ngữ dung tục nhưng được tác giả xử dụng rất tự nhiên nên có sức sống động và lôi cuốn. Như ”nói như bố chó xồm” của bác Tốn, như ”khí gió đùng lăn chửa“ của Huệ, như “chế nhạo cái gì, chế cái nỗ đít” của Hai Hào...

Nếu phát biểu một cách rốt ráo thì, với Thềm Hoang, tôi nghĩ đó là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nhật Tiến. Có thể, trong truyện có nhiều hư cấu nhưng với tôi lại có chất tả thực nhiều hơn. Viết về một xã hôi bất hạnh như thế, phải là người đã sống và đã có những cảm giác chân thực của người đã trải qua. Tôi cũng có lúc ở một xóm lao động như xóm Cỏ nên khi đọc những trang sách thường hay hồi tưởng về những tháng ngày cũ. Ở đó, người dân sống tạm bợ qua ngày, và có lúc dù xích mích nhau hay chửi bới nhau nhưng vẫn đậm đà tình hàng xóm láng giềng, chia xẻ với nhau những niềm bất hạnh chung. Họ không có sự cư xử của những người đạo đức giả, mà ở họ là chân thực một tình người không đãi bôi không giả dối và sẵn sàng đùm bọc nhau khi hoạn nạn…

Nhà văn Nhật Tiến làm việc một cách cẩn trọng và rất cố công để tạo ra những mẫu nhân vật độc đáo, có nét chân thực của đời thường nhưng lại biểu hiện được những cá tính của một thời đại họ đang sống. Ông có lần đã viết về cách tạo dựng nhân vật của mình : “... Tôi đã bỏ ra nhiều ngày để nghiền ngẫm về từng nhân vật trong tác phẩm của mình. Để cho lề lối làm việc có vẻ khoa học hơn tôi đã làm những tấm phiếu trên từng tấm bìa nhỏ. Mỗi tấm có đề tên một nhân vật và trong đó tôi đã ghi chép tất cả mọi đặc tính về hình hài, mọi cá tính, thói quen về tâm lý hay tình cảm và hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hôi mà tôi muốn diễn tả. Nhờ những tấm phiếu ghi chép này mà hình ảnh mỗi nhân vật hiện ra rõ nét hơn trong thế giới tưởng tượng của tôi và nó đã giúp tôi diễn tả môt cách rõ ràng mỗi khi ngồi trước trang giấy. Trong quá trình sáng tác tôi luôn luôn tự hỏi điều gì làm cho nhân vật của mình không lẫn lộn với đám đông bình thường và có tính cách nổi bật riêng biệt. Theo tôi đó là sự chú trọng diễn tả thói quen cố hữu của mỗi người, ngôn ngữ đặc trưng mà mỗi nhân vật hay xử dụng và dĩ nhiên mỗi nhân vật phải có một nội tâm riêng biệt do hoàn cảnh xã hội và môi trường chung quanh mà tác phẩm dựng lên...”

Sau năm 1975, ông ở lại Sài Gòn tới năm 1980 thì vượt biển và định cư ở Hoa Kỳ. Ông cùng với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy ”Hải tặc trong Vịnh Thái lan”, lột trần thảm trạng của thuyền nhân và lên tiếng với công đồng quốc tế để can thiệp cho những người tị nạn bất hạnh. Ông tích cực hoạt động trong Ủy ban Cứu Nguy Giúp Người Vượt Biển và sau đó mới có các tàu đi vớt thuyền nhân ở Biển Đông và các nước trong thế giới tự do cho phép những người tị nạn định cư ở đất nước thứ ba.

Sáng tác của ông trong thời kỳ này là các tập truyện ngắn :Tiếng Kèn, Một Thời Đã Qua, Cánh Cửa và truyện dài Mồ Hôi Của Đá.

Chủ đích sáng tác của ông trong thời kỳ này là phản ánh thực trạng của xã hôi Việt nam, và đưa một cái nhìn mới về cuôc chiến tranh đã qua cũng như hướng nhìn mới để vượt qua những chiến tuyến ngăn trở dân tôc trên con đường đoàn kết để xây dựng đất nước. Chính vì chủ trương này mà có sự ngộ nhận và phê phán cho rằng ông thiên tả và kết tội ông đã quên đi cương vị của một nhà văn lưu vong...

Truyện dài Mồ Hôi Của Đá nội dung ra sao mà gây ra sự tranh luận như vậy? Ở vị trí của một người đọc tôi có nhận xét như thế nào về tác phẩm này? Truyện dài này là câu chuyện xảy ra ở một nhà in và thời gian là sau ngày mà Cộng Sản chiếm đóng miền Nam. Đó là lúc mà chế độ mới tiếp thu các cơ sở sản xuất mà cả hai bên những người cai trị và những người bị trị phải sống chung với nhau với những va chạm về ý thức hệ hoặc về những nguyên tắc làm việc. Nguyệt, một công nhân trẻ, tin theo lý tưởng là mình sẽ góp sức để tạo thành môt điều gì tốt đẹp, được đề cử làm bí thư chi đoàn thanh niên của xí nghiệp in và rất hăng hái làm việc trong trách vụ này. Nhưng thực tế không như cô nghĩ nên trở thành người thất vọng ê chề. Hoàng, một nhà văn từ miền Bắc vào, qua những kinh nghiện sống của đời mình đã cho rằng chế độ này là một chế độ tồi tệ hơn cả chế độ phong kiến thực dân thời xưa nữa. Toàn, người yêu của Nguyệt, không đồng ý với công việc của Nguyệt mà anh cho là của người theo gió trở cờ, nhưng lại tin vào những người đã thức tỉnh trước thực tế như Hoàng, hay như Năm Tỏa, một cán bộ có suy xét phán đoán, sẽ làm thành những mầm mới lạc quan. Nguyệt sẽ là người đi theo con đường mới để thay đổi nhận thức của mỗi người. Cũng như Hoàng và Toàn cũng bắt đầu khởi đi công cuộc vận động về văn hóa với nhóm văn nghệ Chân Đất song hành với Nguyệt...

Nhà văn Nhật Tiến cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, phải có nhận thức mới, mà những kẻ ở bên này hoặc bên kia giới tuyến nếu bị đàn áp thì cũng sẽ chọn chung một thế đứng đấu tranh chống lại những kẻ áp bức. Và, bất cứ lúc nào, sự bất công cũng như những hành động không nhân bản cũng là mục đích để đấu tranh xóa bỏ của dân tôc Việt Nam…

Có một truyện ngắn khác cũng bị phê phán là thiên Cộng là truyện ngắn Gặp Gỡ Ngày Cuối Năm, kể lại người anh là đại tá Việt Cộng đến thăm người em là tù cải tạo nhưng người em từ chối không gặp. Đó là một bi thảm của một cuộc chiến mà anh em ruột thịt đứng hai bên chiến tuyến ghìm súng bắn vào nhau. Đến khi chiến tranh chấm dứt, vẫn còn nguyên giới tuyến…

Từ Nhật Tiến của lòng nhân ái đối với tuổi thơ bất hạnh đến Nhật Tiến luôn đòi hỏi công bằng cho những người bị đàn áp, và Nhật Tiến của những nhận thức trung thực nhìn về tương lai dân tộc, hình như tôi thấy có nhiều điểm đồng nhất giữa tác gỉa và tác phẩm.

Ở trong bất cứ tác phẩm nào của ông, từ bất cứ thời kỳ nào, tôi vẫn thấy rõ ràng một con người Nhật Tiến. Đó là con người của hướng đạo, của sự ngay thẳng, của lòng nhân ái luôn đứng về phía của những người yếu thế trong xã hôi. Không phải là thái độ cưỡi ngựa xem hoa, coi đau khổ của người khác để làm vui cho chính mình, mà là thái độ của người “Đứng ngoài nắng“ như nhà văn Mai Thảo nhận xét.

Có lúc tôi thấy nhà văn Nhật Tiến nhiều khi đã quá coi trọng văn chương và vai trò của kẻ sĩ. Mà thực tế, trong một xã hội chiến tranh đầy biến cố, thì lại là một vấn đề khác, khi lý tưởng luôn luôn ở ngoài tầm tay?

Chính nhà văn Nhật Tiến cũng cho rằng khi ông kết cuộc tiểu thuyết Thềm Hoang thì có nhiều người phê bình cho rằng hành động thiêu rụi cà xóm Cỏ của nhân vật Năm Trà là cách giải quyết vấn đề qúa dễ dãi và đầy tính tiêu cực. Và ông đã nhận rằng có lúc ông thấy sự nhỏ nhoi và yếu đuối của ngon bút.

Nhưng không phải giản dị như vậy, trong thâm tâm ông vẫn tin tưởng vào tác dụng của văn học và gía trị trường cửu của nó. Bằng cây bút, ông tranh đấu cho những mục tiêu mà ông tin tưởng. Luôn luôn trung thực và tin vào lẽ phải của cuộc đời, của giá trị của con người dù ở bất cứ hoàn cảnh nào…

Ở vai trò của một độc giả, tôi thấy những tác phẩm của ông có ngôn ngữ trong sáng và bố cục giản dị. Có người nói ông chịu ảnh hưởng của Tự Lưc Văn Đoàn thời tiền chiến nhưng riêng tôi, lại nghĩ rằng những vấn đề mà ông nêu ra trong tác phẩm của mình gần gũi với đời sống và có sự giản dị tự nhiên của cuộc sống hàng ngày. Ông không cố công xử dụng một kỹ thuật nào khi cầm bút, mà chỉ đem tấm lòng cùng sự trung thực của mình để làm cho độc giả cùng chia sẻ.

Chính thái độ tin tưởng vào con người và những giá trị nhân bản mà ở bất cứ chủ đề nào, có nhiều hay ít sự nhám nhúa đen tối của sự thực, sau cùng vẫn là sự hướng thượng và nhìn vào tương lai.

Ngoài ra, ở đời thường, tôi nhìn ông như một người anh văn chương có nhân cách và lý tưởng. Có một thời gian, khi mới bắt đầu tập tành chữ nghĩa, tôi đã có những cuộc họp mặt hàng tháng ở nhà của anh để cùng với những người anh, người bạn tin tưởng rằng khi ra sống ở nước ngoài là phải mang tâm tình của những người còn ở lại, nói ra những ước muốn và giãi bày những tâm tư thời đại của một giai đoạn vô cùng tệ mạt của lịch sử chúng ta. Không biết có phải đó là một động lực để tôi còn cầm bút đến tận bây giờ.không ?

 
Nguyễn Mạnh Trinh
 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.