Đọc "Tình buồn nhớ mãi"
thơ Thanh Chương
Làm thơ có phải là một cung cách sống? Có những lúc, đời sống bên
cạnh chúng ta tự nhiên như có điều gì bức bối, có những điều âm ỉ
trong lòng như những băn khoăn bứt rứt cứ vấn vương trong tim trong
óc. Trời, không phải là nắng mây hôm nay và đất cũng chẳng phải là
nơi chốn hiện tại. Những câu thơ bật ra, nhắc một ngày nào đã cũ,
gợi lại thời thế nào đã qua. Đọc thơ Thanh Chương, tôi đã nghĩ như
thế với những câu lục bát mượt mà, những vần năm chữ chải chuốt. Chữ
nghĩa, ngoài phần chuyên chở ý tưởng, còn là những
gợi nhớ để cảm xúc có lúc thăng hoa trong suy tư người đọc.
Có phải tôi đã quá lãng mạn trong vai trò của người đọc. Tôi cũng đã
từng nghĩ, thơ khó mà giải nghĩa, mà luận bàn. Chẳng cần thắc mắc
thơ phải viết thế này, phải gieo vần, gửi ý thế kịa. Mà chỉ cần tấm
lòng đồng cảm, thơ sẽ thành những âm thanh giao thoa với nhau, thành
những lời đồng vọng ngân nga trong tâm trí. Thơ, sẽ là tấm lòng chân
thành của người đi tìm cái đẹp. Và đừng có ai bắt tôi phân tích thơ,
phê câu này tuyệt cú, bình bài này tuyệt vời. Chỉ có một điều, tôi
là độc giả và đang sống với thơ…
Có một bài thơ, của khô cằn cỏ cháy. Những lời thơ như lời kinh cầu,
van xin để nhân thế yên bình, để bi thảm không còn tái diễn trên đất
nước chúng ta. Bài “Cỏ Cháy”, gợi lại những tình tự Việt
Nam,
của một thời đại nhiều thảm kịch.
“Cho tôi một dòng nước
cho tôi một khe suối
cho tôi một nguồn sông
cho tôi về biển cả
vùng nhược tiểu khô cằn
như sa mạc vàng đó
tuổi xanh nào không cháy
trên đỉnh đồi nắng đổ
một ngày... đã bao năm
một đời... tay thép lạnh
hỡi người điên vô thức
giữa chân tường chênh vênh
tôi xin một trái tim
luân lưu dòng máu chảy...”
Lời cầu xin buồn cho những người sống trong bụi khói chiến tranh.
Khát bỏng một thời, ngóng về những dòng nước mát của nguồn cội xa
xưa để cuộc sống không còn là những bước chân nghiêng ngả trong
triền gió cuốn. Không biết có phải thi sĩ đã có ước muốn như vậy hay
không ? Mà sao. Tôi vẫn mường tượng ra từ ngôn ngữ ấy…
Có một bài thơ. Thi sĩ gửi tăng thi sĩ.
Cũng là chia sẻ nỗi niềm. Cũng là chuyển trao suy tưởng. Một nửa là
những dở dang. Một nửa là những mặt trái mặt phải cuộc đời phơi bầy.
Một nửa, là những bước chân ơ hờ, dở đi dở đến. Một nửa, là người
thường trộn lẫn với đọa tiên. Một nửa, là thiên thần và ác quỷ thay
lốt. Và, một nửa là dung tục thanh cao quyện lẫn vào nhau để thơ có
lời và thơ không lời bỗng dưng nhập chung thành một một. Một nửa và
một nửa từ Thanh Chương nhìn Bùi Giáng:
Nửa cung thương lỡ nhịp đàn
Nửa tiêu dao khúc miên man xa vời
Nửa nào sóng gió trùng khơi
Nửa nào giông tố một thời biển dâu
Nửa nào gẫy đổ ngang cầu
Nửa trầm luân ấy kiếp sau dật dờ
Nửa hồn siêu thoát bơ vơ
Nửa chừng lưu chuyển bến bờ đành thôi
Nửa say chao đảo khóc cười
Nửa đâu Bùi Giáng mãi chơi quên về
Hỏi người đắm đuối sông mê
Thơ chìm mất ý nhập đề hư không..
Có những câu hỏi. Như một cách thế soi gương nhìn ngắm lại chính
mình. Hỏi chỉ để mà hỏi, khi đời sống vẫn nỗi buồn dằng dặc. Thi sị
tự hỏi mình. Sẽ xuôi hay ngược dòng? Câu hỏi vút vào nỗi hư không
của kiếp ngươi. Của chữ buồn như nỗi sầu chất chứa
Gọi là nghệ sĩ thế thôi
Nhưng bao nhiêu nỗi một thời lỡ mang
Cuộc đời nhiều nỗi trái ngang
Tình người xe cát dã tràng như không
Thương tôi tự hỏi lòng sông
Nước xuôi hay đã ngược dòng về đâu?
Một bài thơ viết ở Pleiku năm 1972. Năm của mùa hè đỏ lửa, năm của
dòng Poko cuộn sóng binh lửa Kontum của bi thảm chết chóc.
Hãy cho tôi yên ngủ
Trên mảnh đất khô cằn
Là quê hương tôi đó
Đã bao kiếp nhọc nhằn
Hãy cho tôi yên ngủ
Để quên đi cuộc đời
Để sống lại tuổi thơ
Một hạnh phúc tuyệt vời
Hãy cho tôi yên ngủ
Tay
sẽ rời súng đạn
Hồn không vương hận thù
Quê hương hết lầm than
Hãy cho tôi yên ngủ
Để mắt nhìn trong tối
Mà vẫn thấy yêu thương
Không nghi ngờ gian dối..
Điệp khúc hãy cho tôi yên ngủ có phải là khúc cầu hồn trong thời đại
chiến tranh. Chuyện cũ xưa mà sao còn gờn gợn trong lòng những u
trầm của những ngày quê hương khốn khó. Ở phi trường Cù Hanh, nơi
chốn không quên của Pleiku nắng bụi mưa sình, nơi ấy bây giờ chỉ còn
là kỷ niệm. Bước chân nào đã đi qua và ở lại, ai nhớ ai quên. Thanh
Chương vẫn là thi sĩ nâng niu quá khứ để nhớ về và hồi tưởng lại. Có
phải đó là chân thực những suy cảm của thơ, của bước chân bồi hồi
trở lại lãnh địa của một đời trong một thời đã sống…
Vẫn là thơ buồn và nhớ. Có những câu hỏi đặt ra, để nhớ về một thời
nào yêu đương nồng cháy. Những kỷ niệm chẳng thể nào quên được. Thơ
như lời tạ tình, mà ở đó niềm xót đau và niềm tưởng tiếc như những
sợi giây buộc trói... Ngày xưa đâu? Có phải là lời thảng thốt gọi
người…
“Sao tiếc mãi một chuyện tình đã lỡ
Hoàng hôn về theo buồn nhớ khôn nguôi
Thương người xưa nay khuất bóng đâu rồi
Từng đêm xuống hồn chìm trong khắc khoải
Thời gian trôi còn giòng sông chảy mãi
Bao giờ ngừng để anh đến tìm em
chua xót thay trăng đã úa bên thềm
Chưa đi hết đường tình sao đã dứt
Em đến không ngờ lại rồi đi mất
Chỉ còn anh cùng ngày tháng không quên
Một trời xưa sao chia cách hai miền
Tha thiết yêu nên cũng đành đau khổ...”
Bây giờ, ở xứ người. Cuộc đời qua nhiều bờ bến. Thi sĩ có lúc chạnh
lòng, ngóng về cố hương. Bến xưa, con đò trôi về đâu? Khi dòng đời
cứ lạnh lùng trôi dạt và trong cõi nhân sinh lạnh lùng kia vẫn ngầm
chứa những giông bão chực chờ. Ở
Simi Valley,
nơi đất khách có bài thơ gửi về của một người lạc lõng phương xa:
“Rời quê hương lặng lẽ
Tới đất khách âm thầm
Trời Cali xám ngắt
Nơi trú cư lạnh căm
Hồn còn nơi bến cũ
Sao xác thân chốn này
Từng chiều nhìn mây bay
Rừng đêm buồn khôn khuây
Thời gian nào có hay
Khi dòng đời cuốn chảy
Phận người trong bão giông
Bao cơn sóng dập vùi…”
Còn nhiều bài thơ khác, đọc lên để thấy xẻ chia với thi nhân những
nỗi ngậm ngùi, những tâm tình của một thời, của dĩ vãng ngày xưa và
hiện tại bây giờ. Có những vần thơ,
chân
thành của người mở lòng ra với đời. Có những câu thơ, là mang mang
tâm sự của người luôn đi kiếm tìm chính mình trong cơn lốc cuốn của
cuộc đời. Nếu thơ là nỗi niềm, thì, làm sao người đọc không trân
trọng cho được với tấm lòng trao gửi. Vậy, trong buổi tối hôm nay,
cầm tập thơ của Thanh Chương, viết vài dòng chữ để coi như là gửi
kèm chút tâm tình với người thơ đang trong cơn mộng du chữ nghĩa một
đời…
Nguyễn Mạnh Trinh
|