.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Nghĩ về một nghệ sĩ vừa ra đi: Võ Đình

  • 17.06.2009

Võ Đình 2004
Một số tác phẩm văn học

Tại sao tôi không gọi là Võ Đình họa sĩ, Võ Đình nhà văn, Võ Đình thi sĩ, Võ Đình dịch giả, mà gọi là Võ Đình nghệ sĩ? Bởi, tôi thấy rằng cái nét nghệ sĩ đã trùm lấp dù đôi lúc ẩn hiện trong văn chương ông và cả cuộc sồng ông. Vẽ tranh, viết truyện, dịch sách, làm thơ, ông đều có cái phong thái của một người vừa đam mê, vừa trân trọng, nhưng lại có một chút mơ mộng của những người muốn vượt qua cảnh giới hiện tại để đi đến một bến bờ nào xa xăm hơn và nhiều khám phá hơn.

Ở vai trò một độc giả, tôi như một người cùng đồng hành với tác giả để cùng tìm kiếm những khám phá và hình như cũng lây theo cái trân trọng, cái đam mê có sẵn trong nghệ thuật của ông. Ông từ trần ngày 31 tháng 5 năm nay, 2009, thọ 77 tuổi và hỏa táng vào cuối tuần vừa qua.

Nhà văn Trần Thị Lai Hồng, người vợ của nhà văn Võ Đình đã gửi email cho nhà văn Lê Thị Huệ báo tin về những giây phút cuối cùng của chồng mình:

“Huệ ơi! Nụ cười sau cùng của anh gửi lại cho túng hôm qua, còn nắm tay chặt đong đưa mấy lần mắt mở to và gọi nhẹ Hồng ơi!…

Từ trưa hôm qua đến sáng nay (lúc 4 giờ) anh yếu dần... nằm nhắm mắt nghe kinh... Không có phản ứng khi Phương Nam và Linh Giang đến và nắm tay gọi Papa... Sáng nay anh cũng không nắm tay mình như trước… buông thả… buông thả dần trong an nhiên tự tại… Anh đã được các Thầy và Sư Cô đến tụng kinh cầu… Sáng nay mình mới thăm thì vẫn còn sốt và không phản ứng nắm tay nữa, nhưng khi rà miệng thì có phản ứng ngậm môi… và nhúc nhích môi... Anh đang yếu dần... có thể ra đi trong hôm nay hay ngày mai... Chân lạnh rồi…”

Nhà văn, họa sĩ Võ Đình tên thật là Võ Đình Mai sinh năm Quý Dậu 1933 tại Huế. Chánh quán huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên. Những năm của thập niên 1950 du học ở Lyon và Paris, Pháp Quốc. Năm 1961, triển lãm họa phẩm đầu tiên ở New York City. Từ đó tham dự hơn 40 cuộc triển lãm cá nhân và tập thể ở Châu Âu, Châu Á, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ.

Năm 1970, hai tác phẩm đầu tiên được xuất bản The Jade Song (nhà xuất bản Chelsea và The ToadIs The Emperor’s Uncle), nhà xuất bản Double Day. Tổng cộng đã có hơn 40 tác phẩm được ấn hành từ sáng tác, dịch thuật, minh họa, trong đó có ấn bản Anh, Pháp, và Việt ngữ. Những tác phẩm Việt ngữ có thể kể đến là Tuyển Tập Võ Đình, Lầu Xép, Xứ Sấm Sét, Sao Có Tiếng Sóng, Rừng Mắm Văn Nghệ, Mây Chó, Huyệt Tuyết...

Võ Đình là một họa sĩ và dịch giả chuyên nghiệp, nhưng cũng là một nhà văn có nét cá biệt riêng đáng kể là một cây bút có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam.

Riêng với tôi, những truyện ngắn của ông đã tạo cho tôi nhiều liên tưởng cũng như nhiều ấn tượng. Tôi chỉ gặp có vài lần và hình như có viết một hai bài cảm nghĩ khi đọc sách của ông. Khi tôi thực hiện những cuốn sách như Tuyển Tập 23 người viết sau 1975 hay Nguyên Sa, Tác Giả Tác Phẩm tôi có xin ông tranh phụ bản hoặc bài viết thì ông vui vẻ cho ngay. Quan hệ của ông đối với tôi chỉ có giản dị như thế.

Nhưng ở vị trí độc giả với một tác giả, tôi có sự thích thú vì kiếm tìm được những điều mà mình muốn biết, muốn cảm. Đó là lý do để tôi viết một bài tưởng niệm ông, coi như một nén hương trân trọng của một độc giả dành cho một tác giả mà tôi yêu mến. Qua một vài cảm nghĩ từ những cuốn sách ông đã xuất bản, tôi hy vọng sẽ phác họa được phần nào chân dung văn học Võ Đình. Còn, chân dung đời thường Võ Đình thì tôi mượn vài lời và ý của những người thân gần với ông như người vợ của ông, nhà văn Trần Thị Lai Hồng, hay như nhà văn Lê Thị Huệ…

Có nhiều chân dung Võ Đình, mà ở mặt nào cũng đều có những nét đặc biệt. Ông thỉnh thoảng mới làm thơ nhưng không phải vì thế mà thơ của ông không có những rung động mà những người làm thơ hay cộng hưởng từ thế giới bên ngoài. Nếu có thể so sánh, thơ của ông là những bức tranh mà những gam màu là những tiết tấu hài hòa giữa thiên nhiên và nội tâm con người. Thơ không hề muốn trong trạng thái động để khám phá sự vật mà thơ ở trong trạng thái tĩnh, để sự chuyên chở tâm tình không bộc lộ rõ nhưng lại có tác dụng mạnh mẽ vào cảm quan người đọc.Thơ ít lời nhưng dàn trải nhiều ý,…

Đọc thử một bài “Nắng Thu Phong”, tôi cảm thấy một không gian nào rất tĩnh lặng nhưng lại ngầm chứa nhiều xung lực. Giữa lá bay và lá rụng, có điều gì như chống chỏi nhau nhưng cũng lại hài hòa với nhau. Lá không bay nữa mà lá rụng, như cuộc tử sinh đã sẵn bày rồi ai ai cũng phải đi qua. Thực tình, diễn dịch thơ là điều không bao giờ chính xác với ý định hoặc những điều chuyên chở của thi sĩ, tôi biết thế. Nhưng, tôi muốn bộc bạch một ít suy nghĩ chủ quan của mình, của một độc gỉa yêu thơ:

“Từ miền xa ta đến chốn này

rừng phong xơ xác lá vàng bay

ngồi coi mây trắng bay qua núi

cười cuộc ba sinh luống tháng ngày

ngày đêm mây trắng ngủ trên ghềnh

trời thở dài đất cũng làm thinh

lá rừng phong lá không bay nữa

lá rụng tơi bời lối tử sinh”

Có một bài thơ của Võ Đình do nhạc sĩ Lam Phương phổ nhạc, ý thơ nhẹ nhàng, nhạc và lời như tạo thành cảm giác hờ hững mong manh của cuộc sống. Trong nhịp hối hả của cuộc sống, có những khoảng lặng, mà, ở đó, là những nhịp thở rướn lên những cuộc sống khác, có trầm lặng đi nhưng hướng vọng về những suy tư nào vượt trên cuộc đời diễn ra hàng ngày:

"Sớm mai thức sớm

Nhìn quanh một mình

Đời mong manh qúa

 kể chi chuyện mình

biết lời tỏ tình

 đã có người nghe

Sớm mai thức sớm

nhìn quanh một mình

Ngoài hiên nắng lóe

Đàn chim giật mình…”

Với Võ Đình nhà văn, cái cảm nhận đầu tiên từ những bài viết của ông là một không gian lãng đãng của một khí hậu văn chương tạo cảm giác man mác, có hiện thực và mơ mộng trộn lẫn. Ông đi nhiều, sống ở nhiều nơi, nhiều đất nước nên kinh nghiệm đời phong phú đã thành vốn liếng để ông xử dụng trong thơ văn và hôi họa. Những truyện ngắn của ông, là những mảnh phác họa đời sống và hơn nữa, lẩn khuất những phần nội tâm sâu kín mà cuộc sống chuyên chở.

Phần đông những bài viết của Võ Đình ở thể đoản văn, gọi là tùy bút cũng đúng mà gọi là tản văn hoặc tiểu luận cũng không sai. Ông thường nhấn mạnh đến hai thể loại. Truyện và chuyện. Truyện là những sự kiện đã qua được viết ra có bố cục lớp lang và có cả những hư cấu nữa. Còn chuyện là nghĩa từ chuyện trò, chuyện vãn, là những chuyện bàn bạc về những đề tài có khi là từ cuộc sống, có khi là từ văn chương…

Dù là truyện hay chuyện, tất cả những đoản văn của Võ Đình đều phát xuất từ những kinh nghiệm riêng của những năm ăn nằm với nghệ thuật với sách vở. Thêm nữa, là tình quê hương của một người xa xứ quá lâu, nồng đượm trong từng câu văn từng nét bút.

Đọc “Một món tết thật mặn mà”, để thấy một Võ Đình tha thiết với quê hương đến bực nào. Món ăn, không là thuần túy thực phẩm, mà còn là những cái để nhớ về, để gợi lại một thời kỳ xưa, của dĩ vãng không chỉ ở trong những tấm ảnh quê hương bạc màu thời gian. Món ăn mặn mà ấy, giản dị:

“…Trên cái mâm sơn tróc vỏ là một đĩa rau luộc. Một đĩa rau dền đỏ. Và bên cạnh là một chén nước tôm kho đánh. Mùi rau dền chính cống và mùi nước ruốc chính hiệu nai vàng thơm lừng. Rau mới luôc tươi ngon. Nước mắm mới kho, lấm tấm màng mỡ ớt đỏ rực, còn nóng, còn bốc khói. Cô Tâm nói:

- Em bưng qua Anh thời cơm túi. Anh đừng cười Anh hí! Em mô dám bày vẽ.

Tôi nhìn cô Tâm, rồi nhìn cô Hằng em tôi, rồi tôi nhìn xuống đĩa rau và chén nước chấm. Tôi muốn khóc nhưng tôi chỉ cười. Tôi nói:

- Trời ơi ! ngon quá ri!

Cô Tâm phân trần:

- Anh đừng chê. Anh hí! Có chi mô… Em hỏi cháu Quế chớ rứa cậu thích ăn cái chi. Quế nói cậu không thích ăn chi cả. Em mới nói thiệt không, răng lại không thích chi cả. Cháu Quế mới nói, thiệt dì nợ, bữa nớ Cậu bên Mỹ mới về Mệ có hỏi con đi Tây đi Mỹ cao lương mỹ vị đã từng, chừ về nhà rồi ưng ăn cái chi cứ nói, mẹ nấu cho mà ăn. Cậu thưa với Mệ là Cậu không thấy thèm chi cả. Mệ hỏi hoài cậu mới nói Cậu thèm ăn canh mít non có bỏ lá sân lá lốt. Mệ la, trời ơi, cái thằng ni mi đi Tây đi Mỹ mi học cái chi mà mi về mi đòi ăn canh mít non! Lại phải có lá sân lá lốt! Tết “dứt” lạnh lẽo như ri mít non mô mà kiếm cho ra. Mệ nói có bánh tát, có thịt đông, có chả lụa, có ram, có tré đó, nhưng Cậu chỉ cười. Ròi em hỏi cháu Quế, rứa ngoài món canh mít ra, Cậu có ưng chi nữa không? thì cháu nói là dì nợ, cháu có nghe Cậu nói với mẹ cháu là từ khi về nước đến chừ cứ Tết “dứt” hoài, chưa ăn được một miếng rau dền thiệt ngon chấm nước tôm kho đánh thiệt ngon... Anh đừng cười, Anh hí... Em tìm hoài mới được chừng đó rau dền...

Như đã lỡ thì liều, cô Tâm nói liên tu bất tận. Tôi nhìn cô em tôi. Cả hai chúng tôi cùng sững sờ. Tối hôm đó, mồng ba Tết Giáp Dần một năm trước ngày miền Nam thay ngôi đổi chủ, tôi ngồi ăn cơm với đĩa rau luộc chấm nước ruốc. Tôi ăn ngon lành, tôi ngồi ăn như "ông khó tính“ của Nguyễn Bá Trạc. Trong khi mọi người trong nhà còn ăn cơm Tết. Tôi ngồi ăn mà nhớ lại những đĩa rau luôc ở Paris, ở New York, ở San Francisco, những đĩa rau dền, những chén nước chấm như là nước tôm khô đánh…”

Món ăn là kỷ niệm của những ngày sinh viên xa xưa với món rau ”spinach” hay “epinard” như là rau dền quê nhà, với món ”páte anchois“ như là “nước tôm kho đánh” hay món ”bún thịt ngựa” như là bún bò xứ Huế. Cái “như là“ này tạo thành những kỷ niệm của những ngày xa quê hương nhắc lại những nơi chốn đã qua, của một thời hoa niên.

Võ Đình người Huế và ông yêu nơi chốn mà ông đã sinh ra và lớn lên. Nhưng không phải như vậy mà ông thành người viết mang chất đặc thù địa phương của sông Hương núi Ngự. Từ những cảnh thổ, của đất nước Việt Nam hay xứ người, ông đều yêu mến thật tình và gắn bó với cái tâm của một người tìm ở thiên nhiên những khung trời cao rộng của suy tư. Không gian đối với ông vô cùng mênh mông mà người nghệ sĩ phải đi tìm kiếm để thành những cống hiến cho cuộc sống. Phương Đông hay phương Tây, quê cũ hay xứ người, nếp sống cổ kính xứ Huế hay những phong tục ở những xứ sở đã từng đến, đã từng sống để viết và vẽ, tất cả cùng chung với nhau sự hài hòa để người nghệ sĩ tự thấy mình vượt qua những khuôn sáo, những ý niệm tiền chế, những câu hỏi viết và vẽ cho ai, để làm gì...

Nhà thơ Crystal Brown, là một trong những người chủ biên của tạp chí Antietam Review đã hỏi Võ Đình:

“Thời gian xa cách Việt Nam yêu dấu thật sự đã ảnh hưởng anh như thế nào. Anh, như một nghệ sĩ. Và ngay trong lòng anh, có sự xung đột Đông Tây nào chăng?

Võ Đình: Không, không có, không còn sự xung đột nào chị ạ! Hai con sông Đông và Tây đã hợp lại với nhau và xuôi dòng qua tôi. Đối với tôi, chuyện cầm bút, cầm cọ, thật ra đâu có khác gì cuộc sống hàng ngày, chuyện làm vườn, làm việc nhà. Giả sử tôi đang lau sàn nhà đi. Tôi không thắc mắc ”Giờ này phải cầm cọ vẽ hay cầm bút viết. Không phải lúc cầm cái cán “mốp” lau nhà. Lau nhà lúc đó cũng là một công việc quan trọng như vẽ hay viết thôi".

Tùy bút là một thể văn viết dễ mà khó. Viết về cái mình nghĩ, cái mình cảm, có lẽ dễ hơn là dùng trí tưởng tượng để tái tạo lại những sự kiện để thành một thế giới riêng. Nhưng, cái khó là viết được những điều mà người khác cũng cảm được, cũng chia sẻ cái nghĩ cùng mình. Với Võ Đình, qua gần nửa thế kỷ cầm bút và cầm cọ, từ 20 năm văn học miền Nam đến gần 30 năm văn học hải ngoại, đã tạo riêng cho mình một sắc thái nghệ thuật độc đáo. Ông viết tùy bút bằng nghệ thuật của một người cầm cọ vẽ và tâm hồn lãng mạn của người làm thơ. Có thể, chỉ bắt nguồn từ một việc, một người mà chữ nghĩa đã phiêu du đi thật xa, đến thế giới nửa hiện thực nửa huyền ảo. Hiện thực vì nó mang hơi thở của cuộc sống. Huyền ảo bởi những nét vờn sương khói của những cơn mơ, của những tưởng tượng bước sải đi trong không gian nhiều chiều đầy cảm giác.

Đọc những truyện ngắn như Chiếc Vòng hoặc Huyệt Tuyết của Võ Đình, thấy được sắc thái riêng biệt. Một điều rõ ràng, nét cẩn trọng trong suy tư cũng như tài hoa trong ngôn ngữ chan chứa trong các đoản văn của ông. Những truyện ngắn có phong thái khác lạ làm người đọc lạc vào trong một thế giới lãng đãng phân hai giữa thực và mộng, giữa đêm Liêu trai phương Đông, giữa ngày náo động vùn vụt của xã hội Tây phương.

Những truyện ngắn tiêu biểu được chọn in trong Tuyển Tập Võ Đình gồm 30 truyện ngắn trích trong những tập in trong khoảng gần 30 năm: Xứ Sấm Sét, Lầu Xép, Huyệt Tuyết, Mây Chó, Trời Đất. Thật ra, nếu tuyển chọn rộng rãi một chút thì số lượng phải nhiều hơn. Bởi, qua những bài viết được đăng trên các tập san văn nghệ, truyện của ông đã được nhiều khen ngợi nồng hậu. Tả cảnh, tả tình, kể chuyện, tất cả là một nghệ thuật được nâng cao với Võ Đình. Như, chỉ tả một con chim mà tạo được một không gian huyền ảo và gây được những kích động tâm lý người đọc trong truyện G. Phải là người yêu cái đẹp và khiếu thẩm mỹ cao độ mới có thể viết được những đoạn văn đẹp như những câu thơ văn xuôi óng ả. Không gian mù sương của một nơi chốn yên tĩnh đã tạo thành hình ảnh không phải là một con chim bình thường mà còn là ảo giác cũa những cảm xúc tạo thành vẻ diễm lệ khó tìm được trong hiện thực. Từ nhìn ngắm cánh chim để suy nghĩ xa hơn, đến những điều tuy gần cận trong đời sống nhưng ít để ý, nay bỗng hiện ra trong cảm giác kỳ thú lạ lùng. Đoạn kết của truyện ngắn G. thật lạ lùng. Chỉ với một cái lông chim còn sót lại mà tạo thành một nỗi xúc cảm mạnh mẽ đến phát khóc:

“Tôi cúi nhặt một cái lông cánh, một cái lông dài màu lục mà tôi mà tôi vẫn thường ví với ngọc thạch “tourmaline” Tôi nhìn cái cánh chim hồi lâu rồi tôi dim mắt chìa cái lông ra theo hướng ánh sáng mặt trời. Rồi tôi xoay nó lại qua chiều khác, để nó ngược lại hướng ánh sáng mặt trời. Nhưng cái lông chim tuyệt đẹp chỉ còn lại một màu lục tầm thường, không phản ánh hỏa hoàng và huyết dụ nữa như tôi đã từng thấy khi nó còn dính liền nguyên vẹn với hình hài của G.

Sáng ấy, tôi đã nói, là ngày sinh nhật của tôi, giờ Tây Bán Cầu, trời rất đẹp, tôi đứng đó, một con người đã trưởng thành, một gã đàn ông xưa nay vẫn kiêu căng về cái “gươm đàn nửa gánh” của hắn, một đấng tu mi. Thế mà, tôi thấy rậm rựt, run run trong lòng. Một tí ti nữa, chỉ một tí ti nữa thôi, thì tôi đã đưa tay lên ôm mặt khóc, như một đứa trẻ con”

Chắc chắn Võ Đình không phải người chỉ đơn thuần kể chuyện. Bởi trong ngôn ngữ của ông, chất đầy những liên cảm và những ý tưởng, những suy tư cứ bật ra và nối kết. Đọc truyện ngắn Người Chạy Bộ để thấy nhiều sự kiện cứ nối tiếp nhau với không gian khác, thời gian khác nhau. Người đàn ông tuổi ở giữa 40 và 50, mỗi ngày chạy bộ tập thể dục với hình ảnh người đẹp ám ảnh. Nhìn mây, anh ta cũng tưởng tượng như đang nhìn thấy một hình dáng cơ thể đàn bà gợi cảm. Để rồi tơ tưởng mãi một người đẹp mà anh ta gọi là Kiều, một người mỗi tuần gặp một lần trong chuyến xe lửa đi làm. Hình ảnh người đàn bà với sợi tóc mai phơ phất, với mùi hương nồng nàn, với nịt ngực màu cánh sen, cứ ám ảnh mãi trong tưởng tượng. Trong khi chạy bộ, anh nghĩ về mối tình chồng vợ của mình thuở vừa lớn, rồi lan man nghĩ đến chuyện tình giữa Cô Sao và Chú Chín mà anh biết đến lúc còn bé. Anh nhớ đến lúc mười ba tuổi, nhìn thấy cái quần lót của cô Sao phơi trên giây với cái tưởng tượng khiến dục tính căng trào và đã xuất tinh trong cái cảm giác khám phá kỳ lạ. Kết truyện, khi nhìn thấy nàng Kiều trong mộng của mình lúc gặp chồng con còn quay ngước lại nhìn anh với cái nhìn giống y hệt mắt con nai bị săn đuổi ngày xưa, trước khi chết ngước nhìn.

Không hiểu mẫu người đàn ông bị ám ảnh nặng nề của dục tính này có thực sự trong cuộc đời không? Tôi nghĩ có lẽ rất nhiều ở trong mổi chúng ta, mỗi người một ít. Ai mà chẳng có lúc bồi hồi xôn xao trong cái nửa kín nửa hở của ngọn vu sơn và lạch đào nguyên. Ai mà chẳng có lúc tưởng tượng đến điều xa hơn những phần da thịt ẩn hiện. Những cảm giác ấy, những liên tưởng ấy đã làm cho “truyện” của Võ Đình có chất lãng mạn. Trong những lần chạy bộ hoặc những chuyến xe lửa đi về có chất tĩnh trong cái động, con người như trong hai không gian, hai thái cực. Chạy bộ, di chuyển trong khung cảnh những ngã đường vắng vẻ. Đi tàu, di chuyển trong chỗ ngồi cố định, âm thầm suy nghĩ một mình...

Có người đọc truyện Marie Louise và nhận định đây là một chuyện đậm đặc dâm tính. Nhưng có người lại cho rằng đó là một khám phá nội tâm con người qua chuyện sinh lý. Truyện là một người đàn ông có một người tình “bé bự“ và tìm khoái lạc trong cách làm tình với đôi vú khổng lồ. Người đàn bà dâng hiến thật tình trong khi người đàn ông thì lợi dụng thể xác một thời gian rồi cũng chán và không giao tiếp nữa. Truyện chỉ có thế nhưng qua lời kể của người đàn ông khi về già lại là những hồi ức về một xúc cảm đã có, cũng như đi vào những trạng thái tâm lý tuy có vẻ bất thường nhưng thực ra bình thường với một con người. Những khám phá tâm sinh lý đã làm nổi bật lên phong cách riêng của lối xử dụng con chữ thật lãng mạn và chuyên chở được cảm xúc.

Truyện khác, Án Mạng lại có không khí nửa quái đản nửa hiện thưc. Người đàn ông ghen giết vợ và tình địch bằng một cây gậy gỗ. Mà tình địch lại là một chú rùa già đang sống ở hồ nước sau nhà. Truyện kể người đàn ông lúc nào cũng bên cạnh một hỏa diệm sơn bốc lửa của thân hình sexy và tâm tính lẳng lơ của người vợ nên lúc nào cũng ghen tuông và rình mò trong cái thèm muốn ẩn ức sinh lý. Lần đánh chết con rùa và người vợ, anh gặp một cảnh thật ướt át gợi tình, người vợ thủ dâm với bàn tay và cổ của chú rùa…

Truyện của Võ Đình là tổng hợp của hiện thực và hư cấu huyền ảo. Không gian của ông thường bàng bạc trong màn sương nhàn nhạt, của những gam màu mà bóng tối nhạt nhòa giữa ánh sáng. Và, nhân vật của ông, dù đầy ắp chất nhân bản nhưng cũng nhiều mặt trộn lẫn nhau. Những nhân vật ấy, sống nhiều với bản năng nhưng cũng suy tư và mơ mộng như những người nghệ sĩ lãng mạn.

Với những tùy bút, viết từ những niềm hoài nhớ, từ đời sống đã xưa, từ quê hương đã khuất, tôi thấy được cái công phu hàm dưỡng của một người lúc nào cũng băn khoăn và đi tìm cái mới trong văn chương. Đọc tác phẩm Võ Đình, tôi như lạc vào một thế giới mơ hồ nào, mà ở đó, âm thanh, màu sắc, tưởng tượng, suy tư, tất cả làm thành một không gian mơ hồ như đã có từ rất lâu trong hồi ức của một đời người.

Ở những tác phẩm văn xuôi của Võ Đình, là tổng hợp của nhiều bộ môn thơ, họa, với văn. Từ bút pháp đến suy tưởng, đều ở trong hành trình đi tìm cái đẹp của người nghệ sĩ. Ở một phần nào, ngôn ngữ của hôi họa đã làm cho ngôn ngữ của thơ và văn có nét lãng mạn thơ mộng nhưng lại chứa nhiều sinh động của đời sống thực. Với ông, nghệ thuật nhiều lúc chẳng phải là những điều cao xa mà chính là những sự kiện rất bình thường của cuộc sống hàng ngày. Tác phẩm của ông có không gian vô cùng rộng khắp và tạo ra sự man mác bâng khuâng cho người đọc. Vốn liếng sống cùng với kiến thức rộng tạo những suy ngẫm sâu sắc làm cho hành trình đi tìm kiếm con người trở thành hiện thực.

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.