Nguyễn
Minh Bích,
và tác phẩm mới "Short Girls"
Nguyễn Minh Bích là đại diện cho một luồng gió mới của các nhà văn
nữ thế giới. Cô viết với văn phong của Isabel Allende, nhưng với ánh
sáng soi rọi như hỏa châu rực rỡ từ Amy Tan, trong tác phẩm mới xuất
bản đã tạo ra một công trình tốt đẹp về chân dung đời thường của một
khuôn mặt phụ nữ trẻ trong một xã hội nhiều bi thảm và đời sống đã
lựa chọn mà họ phải đối diện của người di dân sang sống ở một xứ sở
đa văn hóa như Hoa Kỳ. Cũng như đời sống là tất cả những giây phút
chiến đấu giữa những đối nghịch trong nội tâm, mà càng ngày càng
tăng cường độ từ lúc khởi đầu. Cô đã tạo dựng những nhân vật mang
vóc dáng của chính cô cũng như những người thân, là sự đi tìm kiếm
một căn cước lý lịch cho chính mình. Lãng mạn, đầy cá tính, và yếu
tố quan trọng nhất là gia đình đã là lực hút hấp dẫn độc giả vào
những thông điệp mà tác giả muốn chuyên chở bằng chữ nghĩa và mô tả
của mình. Đằng sau những tác động vào tâm tư người đọc từ những kích
động tâm não, cùng một lúc với những ẩn mật của tình yêu, của những
nhận thức độc đáo đã làm người đọc chú mục vào trang sách từ lúc
khởi đầu cho đến khi chấm dứt. Nguyễn Minh Bích là một tác giả nữ
người Mỹ gốc Việt Nam có một vóc dáng nổi bật của một nhà văn vào
dòng chính của văn hóa bản xứ, mà những nhánh chia của nhiều nền văn
hóa đã hình thành một văn hóa đa nguyên phong phú. Có người nhận xét
rằng đây là một tác phẩm lớn của những người di dân là một trong
những yếu tố tạo thành một nền văn hóa hiện hữu đối với văn học thế
hệ hiện đại trong xã hội Hoa Kỳ.
Short Girls là tiểu thuyết có nét rất đặc thù của một nhà văn nữ
sinh trưởng trong một gia đình tị nạn mà nhà xuất bản Viking Penguin
Group vừa phát hành trong tháng vừa qua. Những cuộc đời được phác
họa lại, như một cách thế hồi sinh những mảng suy tưởng, những ý
nghĩ của từng cá nhân trong một thế giới mà vòng quay của nó nhanh
vô tả và trí nhớ nhiều khi không bắt gặp được vòng quay nhân sinh mù
mịt ấy. Nhiều nhà phê bình đã viết những bài điểm sách giới thiệu
khá nồng nhiệt tác phẩm này như các bài book review của nhật báo Los
Angeles Times, của NewYork Times, của The Chicago Tribune, của
Publishers Weekly, của Library Journal, của San Francisco
Chronicle... với những tên tuổi như Marion Winik, Conan Putnam,
Margot Livesey, Laura Impellizzeri, Elisabeth Strout …
Giải thưởng Pulitzer, Elisabeth Strout đã nhận xét về Short Girls,
đại ý:
”Đó là một tiểu thuyết sâu sắc kể chuyện về hai chị em mà sự mô tả
giống như những mảnh lăng kính phản chiếu hiện thực với những vấn
nạn đầy cảm tính gợi ra những đường hướng sắc sảo và nhiều lúc thấm
thía cũng như lóng lánh trong suy tưởng. Câu hỏi cái gì tạo thành
gia đình? có phải là khởi từ một mái nhà? Hay từ một người Mỹ bản
xứ? Lạnh lùng đến không cảm xúc, Nguyễn Minh Bích đã trả lời những
câu hỏi ấy bằng tác phẩm của mình, can đảm và thông minh đáng nể
trọng...”
Margot Livesey, tác giả của “Banishing Verona”, “The House on
Fortune Street” cũng viết :
“Chân dung phác họa rực rỡ nhưng phức tạp của hai chị em, mà, đời
sống họ, từ những lý do thật khác biệt nhau... là sự mọt ruỗng. Tôi
thích cách viết đầy tính phù thủy đi sâu vào tính chất sự việc và
bao nhiêu là trọng lượng của sự hiểu biết về thế giới của công việc
với bao nhiêu là phức tạp từ sự chân thành đã nối kết giữa gia đình
và cộng đồng họ đang sống. Tuyệt diệu hơn cả là sự thông thái, cùng
vời tài hùng biện nhưng lại rất tình cảm đã làm độc giả bị lôi cuốn
vào cả hai thời quá khứ lẫn vị lai...”
Cuốn tiểu thuyết đầu tay này của Nguyễn Minh Bích quả đã có tiếng
vang đáng kể với những feed-back trong giới cầm bút Hoa Kỳ. Sau khi
đã xuất bản một cuốn hồi ký tự thuật về hành trình hội nhập vào dòng
chính của mình qua cách ăn uống cũng như phong tục và cách sống
”Stealing Buddha’s Dinner”, cuốn sách thứ hai này cũng được coi là
một khám phá kỳ thú về bên trong nội tâm từ cuộc đời những người lập
cuộc sống mới ở một xứ sở xa lạ.
Chuyện kể về cuộc đời của hai chị em, Van và Linny Luong, tuy cùng
sống và lớn lên trong một môi trường hoàn cảnh nhưng lại khác biệt
về cách sống, sự suy nghĩ cũng như số phận riêng mỗi người. Tác giả
đã chi tiết hóa những sự kiện cũng như những tính chất của từng cá
nhân để tìm hiểu thấu đáo những phần ẩn mật ở sâu trong đời họ mà
những di sản văn hóa cổ truyền không phải là không có những tác dụng
và ảnh hưởng. Hai chị em đều thuộc thế hệ người Việt tị nạn thế hệ
thứ hai và cùng lớn lên trong khung cảnh một nơi chốn của thành phố
Grand Rapids tiểu bang Michigan. Van là một cô gái có vẻ thành đạt
đã tốt nghiệp đại học, làm nghề luật sư về di trú và có cuộc hôn
nhân bề ngoài rất lý tưởng nhưng ở bên trong là những thảm kịch ẩn
khuất. Chồng Van là một hình ảnh đàn ông lý tưởng có học thức và đẹp
trai người Mỹ gốc Trung Hoa là người bạn học với Van. Nhưng anh ta
lại ngoại tình và đã bỏ rơi Van.
Tác giả đã phác họa ra nhân vật Van với nhiều chi tiết có khi như
đối nghịch nhau... Có khi cô là một luật sư, đại diện cho những
người thấp cổ bé miệng và luôn luôn hướng vọng về sự công bằng trong
cách ứng xử với mọi người trong xã hội. Nhưng, trong đời sống gia
đình, cô lại là một người vợ thụ động và bị người chồng khống chế.
Những chi tiết ấy xem ra làm giảm bớt sự thuyết phục độc giả. Với
tâm tính ấy, với những công việc chuyên môn mà cô đã làm có nhiều
khuyết điểm, thì nhân vật ấy khó có thể có tính chất của những nhân
vật thành đạt.
Còn Linny thì khác xa với Van, cô bỏ ngang những lớp đại học, đến
Chicago làm việc trong một công ty biến chế thực phẩm và là một
thành phần nổi loạn trong hôn nhân với những tiêu chuẩn đặt trên xúc
cảm mà người bạn trai đã có với cô.
Khi người cha, ông Đinh Luong, một công nhân bất đắc dĩ, nhưng lại
rất nhiệt thành với ý hướng thăng tiến trong cuộc sống của những
người mà ông gọi là short people - những người lùn - ám chỉ những
người di dân đến định cư ở xứ sở này. Người cha thường nhắc nhở hai
người con gái “Đây là xứ sở của những người cao - tall people.”
Trong gia đình họ Lương, sự lùn thấp là một chứng tích di truyền rõ
rệt nhất.
Và chính sự hạn chế về chiều cao này cũng là một sự hạn chế về đời
sống của những người không phải là da trắng. Chiều cao từng người
trong gia đình được đo trên vách tường của căn nhà ở vùng ngoại ô
Michigan : ông Đinh cao 5 feet 3; Van cao 5 feet 1/8; bà Lương cao 4
feet 11, Linny cao 4 feet.
Ông Đinh Luong có mặc cảm về chiều cao của mình nên ông phí hàng giờ
hàng ngày quanh quẩn trong nhà kho, để lắp ráp ra những vật dụng khá
tủn mủn mà ông gọi là những sáng chế vĩ đại, mà có khi chỉ là cái
cần cẩu nhỏ được đặt tên là “Lương Arm“ chỉ dùng để nối dài cánh tay
ngắn để kẹp gắp những vật dụng đặt trên kệ cao, một vật dụng xem ra
không có tác dụng gì nhiều trong cuộc sống nhưng lại biểu lộ cái
tính tự ty của một người thiếu thước tấc. Nguyễn Minh Bích đã dùng
một ẩn tượng khá linh hoạt và một nhân vật cũng đặc biệt nhiều cá
tính. Cô nêu lên nỗi ám ảnh của những người luôn luôn sống ở dưới
thấp kể cả về ngoại hình và cả đời sống, đầy mặc cảm về sự thua sút
của mình. Họ muốn tự nâng cao cá nhân mình lên bằng cách này hay
cách khác nhưng xem ra nỗ lực ấy nhiều khi đã tạo thành những phản
động lực và đôi khi dìm sâu vào bi kịch với những người di dân muốn
sống ngang hàng không mặc cảm với người bản xứ…
Khi người cha loan báo tin mừng là ông được vào công dân Mỹ, thì cả
gia đình tụ họp và hai cô con gái về thăm cha trong một buổi tiệc ăn
mừng. Và ông muốn hai người con gái cùng xuất hiện với ông trong một
cuộc họp mặt trên truyền hình ở Detroit. Ông nài nỉ hai người con
gái cùng ông trình diễn sống động chương trình ”Tomorrow’s Great
Inven tion” là những khám phá lớn của ngày mai. Trong chương trình
ấy, ông sẽ phác họa rõ ràng những khám phá của mình, như “Lương
Arm“, như “Lương Eye”, như “Lương Wall” - là những vật dụng có mục
đích hỗ trợ những người lùn “short people”. Cũng như từ đời sống hai
đứa con gái của ông những gợi ý hầu có thể sống trong một thế giới
có chiều hướng nâng cao hơn. Trong khi kể chuyện giữa những cuộc đối
thoại giữa hai chị em, Van và Linny, họ đã xem xét lại những quan hệ
bất toàn với nhau và cả với những người đàn ông bạn đời của họ. Đây
là một tiểu thuyết đầu tiên rất tình cảm đã bắt đầu mô tả nhiều hơn
những nhận thức về cuộc sống và văn hóa của những người di dân mà
mỗi người lùn - "short person”- cố gắng muốn nâng cao lên trong lúc
hội nhập vào xã hôi dòng chính ở Hoa Kỳ.
Trong câu chuyện giữa họ, biểu lộ những tâm tình của những cuộc tìm
kiếm khởi đi từ chính cuộc đời họ, văn hóa của dân tộc họ, và nghệ
thuật truyền thống của đất nước họ. Trong việc tự nhìn ngắm lại
chính mình, họ đã tự khám phá được những số phận cá nhân đã đeo đuổi
và ảnh hưởng đến chính bản thân. Chương trình trên truyền hình đầy
cảm tính ấy đã đánh động vào tâm thức con người rất lạc quan cho dù
khởi đi từ những mất mát bất toàn - cuộc sống vẫn lừng lững mỗi ngày
đi tới…
Những truyền kỳ về người di dân muôn đời vẫn là những nguồn gốc được
đổi mới, có lúc khát vọng muốn thay đổi để sáng tạo ra những tiếng
nói mới, những chi tiết mới, những kinh nghiệm mới trong khi vẫn còn
tồn tại những truyền thống cũ. Nơi nào mà chúng ta không kể tới
ngoài hình dáng tự mãn nhưng lại đầy lo âu Augie March của Saul
Bellow, hoặc những Portnoy’s Compkaint trong thần kinh xung động của
Philip Roth? Người Nga, người Ý, người Mễ tây Cơ, người Somali,… tất
cả đều hình thành những vai trò chính của thế hệ đầu tiên với trộn
lẫn giữa năng lực và buồn nản, giữa xấu hổ và tự hào, giữa ao ước và
phản kháng. Nguyễn Minh Bích là một phụ nữ Việt Nam người đã trải
qua nhiều năm ở một thành phố Grand Rapids nơi mà người da trắng bảo
thủ chiếm tuyệt đại đa số và gĩư vai trò tuyệt đối chi phối cuộc
sống. Cô đã viết hồi ký về khỏang thời gian thập niên 80 này. Cùng
một thời gian ấy, cô đã mang đến những thay đổi hoàn toàn cá nhân để
điều chỉnh lại những sự pha trộn văn hóa : với Philip Roth, nước Hoa
kỳ có thể là một cô gái tóc bạch kim, nhưng với Nguyễn Minh Bích thì
có thể là một cupcake của người chiêu đãi viên ở tiệm ăn.
Với một ý niệm tuy không rõ nét lắm, tác giả muốn đi vào thực chất
của sự kiện mà nhiều khi con người đã vì hoàn cảnh nào đó mà sống
một cuộc sống không phải chính mình. Những nhân vật, sống những phận
đời riêng, với mối tương quan lỏng lẻo, như muốn cuộn mình vào một
thế giới riêng và thấm thía những ẩn mật của chính mình mà chẳng thể
nào có sự thông cảm với người khác để chia sẻ.
Từ những góc cạnh ngắm nhìn cuộc sống, những chi tiết bao quanh từng
nhân vật có lúc phảng phất của tưởng tượng hư cấu nhưng cũng có lúc
là những câu chuyện mà người đọc đã biết và hiểu rằng có thể là hiện
thực trên trái đất này. Giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau dường
như có những điều thầm kín ngăn cách. Có thể đó là những cách nghĩ
cách sống khác thường của người cha, nhưng cũng có thể là mồi tình
gây ra sự bất an của Linny hay cuộc hôn nhân mà Van đã gắng hết sức
mình để đóng một vai trò không thực.
Những cảnh thổ, những môi trường sống cũng tạo ra một nét riêng cho
tiểu thuyết của Nguyễn Minh Bích. Các nhà văn ở vùng ven biển Thái
Bình Dương hay các nhà văn sống ở New York chắc chắn sẽ có đời sống
khác, sinh hoạt khác, suy nghĩ khác với các nhà văn sống ở vùng dịa
dư khác. Truyện của Nguyễn Minh Bích lấy khung cảnh là vùng Trung
Tây mà thời trước nét đặc trưng là cuộc sống êm đềm của những vùng
văn hóa ảnh hưởng nhiều từ tôn giáo. Nhưng, từ đời sống mà tác giả
phác họa thì là sự thay đổi lớn lao. Sự êm đềm dường như giảm bớt đi
và thay thế vào đó là những cảm giác vội vã của một nỗi bất an không
tên của một cuộc sống mà nỗi phiền toái lúc nào cũng chập chờn bên
cạnh.
Đối với người bản xứ, đời sống của những người tị nạn có nét riêng
kích thích tính hiếu kỳ. Nói tới Việt nam là họ nghĩ ngay đến chiến
tranh nhưng đề tài này ở những tác phẩm của những người thua trận,
tức là những người tị nạn thì ít được hấp dẫn lắm. Nhưng với đề tài
hội nhập thì được để ý nhiều hơn. Những chuyện phấn đấu trong cuộc
sống, làm lại cuộc đời bằng hai bàn tay trắng, vượt qua biết bao
nhiêu là trở ngại, từ khác biệt ngôn ngữ đến cách trở văn hóa, đã
trở thành những câu chuyện truyền kỳ của những người di dân, nhưng
với người tị nạn lại càng nổi bật hơn nữa. Văn chương của người di
dân là một nhánh có thể gọi là chính yếu trong văn học Hoa Kỳ và văn
chương của người tị nạn cũng là một nhánh đặc thù không thể bỏ quên.
Chúng ta có thể kể đến những tác phẩm như Kiên Nguyễn với “The
Unwanted”, “The Tapestries”, như Lan Cao với “The Monkey Bridge”,
như “The Book of Salt “ của Monique Trương, như “The Gangster we are
all looking for” của le thi diem thuy, như “Tin Roof, grass Roof”
của Dao Strom... và cả với Nguyễn minh Bích “Short girls”… Tất cả
những nhà văn tị nạn gốc Việt Nam thì hầu như hoặc gián tiếp hoặc
trực tiếp mang theo những biến cố của một đất nước chiến tranh. Dù
họ thuộc thế hệ thứ nhất, một rưỡi hoặc thứ hai, nhưng cái tâm cảm
của đất nước là nguồn gốc họ đã ảnh hưởng rất nhiều và đó cũng là
một nét đặc biệt.
Có lần trong một cuộc phỏng vấn khi phát hành tác phẩm “Stealing
Buddha’s Dinner” Nguyễn Minh Bích đã nói về chính bản thân cô:
“là một người Mỹ gốc Việt sống ở Grand Rapids, tuổi ấu thơ của tôi
gói tròn trong ý nghĩa của cảm giác bị cô lập. Tôi rời Sài Gòn khi
vừa 8 tháng tuổi. Lẽ ra thì thuộc thế hệ di dân thứ nhất nhưng lại
có kinh nghiệm của thế hệ di dân thứ hai. Như tôi ước chừng mình
thuộc thế hệ ở giữa, trước tôi chẳng có một chút ảnh hưởng nào của
những thế hệ già hơn tôi, và tôi chỉ có cảm giác của người di dân
không liên tục và thay đổi khi sống trong một thành phố mà người da
trắng đã làm chủ tất cả sinh hoạt một cách tuyệt đối như đã thành
nếp từ thuở rất lâu đời. Thành ra, kinh nghiệm của tôi khác với
những người Việt lớn lên và sống ở những nơi như Little Sài Gòn hoặc
những thành phố vùng West Coast đã khai sinh ra những cộng đồng
người Mỹ gốc Việt. Tôi chẳng hiểu nếu tôi sống ở đó thì tâm trạng
của mình sẽ ra sao? Có phải cảm nhận của một người từ môi trường bên
ngoài đã dẫn dắt ngòi bút hay là những cảm giác mà từ thiên phú tạo
nên? Người cầm bút luôn luôn viết từ thế giới bên ngoài họ là chứng
nhân và cũng là người quan sát luôn. Họ không bao giờ có khuynh
hướng náu mình vào khuất bên trong. Họ chỉ có “out” chứ không “in”.
Trong tình trạng ấy, lớn lên ở một nơi chốn dễ dàng có nhiều chi
tiết để khai triển cho một người cầm bút. Nhưng ở mặt khác nó đẩy
tôi vào tình trạng không thoải mái, y hệt như bắt tôi phải cứ chămm
chăm quan sát và nhìn ngắm để rồi phải cảnh giác, và phải kinh
ngạc...”
Hồi ký này đã giải thích một cách rốt ráo về trường hợp một đứa trẻ
tị nạn đã đối đầu với những xung đột văn hóa để tạo dựng một đời
sống mới thích hơp hơn ở Hoa Kỳ. Chủ tâm khi viết hồi ký, cô muốn
mang chính đời sống của chính bản thân mình để như một lăng kính
phản chiếu lại một dữ kiện mà các nhà nghiên cứu xã hội phải quan
tâm đến. Từ những tập quán, thói quen, từ những sở thích, ăn uống
vui chơi, để phác họa một chặng đường hội nhập vào dòng chính của
những người Mỹ gốc thiểu số. Nguyễn Minh Bích đã xác định căn cước
của mình là người Mỹ gốc Việt Nam, cả trong lý lịch nhà văn và lý
lịch đời thường.
Viết tiểu thuyết, viết Short Girls, Nguyễn Minh Bích vẫn mang vào
trong truyện những chi tiết của đời sống người tị nạn qua cách nhìn
ngắm ít chủ quan hơn và có thêm vào nhiều hư cấu. Nhưng, tiểu thuyết
này cũng là một ví dụ cho những trăn trở, những tìm kiếm của những
người tị nạn Việt Nam. Cô đã dùng hình ảnh những “người lùn” để
tượng trưng cho những nhân dáng bất toàn. Cả ba cha con, đều là
những người thất bại trong cuộc sống. Cô chị, Van, cố gắng vớt vát
một cuộc hôn nhân thất bại. Cô em, Linny, yêu người có gia đình và
có tâm tính nổi loạn, một cuộc tình thất bại. Người cha, ông Lương
Đinh, cố gắng sáng tạo ra những phương cách để cải tiến đời sống
những người lùn như mình nhưng xem ra chỉ là những công việc vụn vặt
chẳng có tác dụng, một người sáng tạo thất bại. Căn bản gia đình,
với những cuộc sống biệt lập của mỗi thành viên, cũng là một gia
đình thất bại. Người cha, người chị, người em, đều cố gắng tìm kiếm
một lối thoát để làm cho họ cao hơn, cả trong cả hai đời sống tinh
thần và vật chất. Nhưng xem ra, những cố gắng ấy cũng là cố gắng
thất bại. Họ rướn cao lên để có thêm một vài phân nhưng chiều cao ấy
dường như chưa đủ để học có thể mặc nhiên hòa mình vào cuộc sống ở
dòng chính. Nỗ lực vẫn là nỗ lực, diện mạo, tâm cảm, chiều cao vẫn
là của “người lùn” dù là thế hệ nào đi chăng nữa!
Nguyễn Minh Bích đã viết tiểu sử của chính mình như sau:
”Tôi sinh ở Sài Gòn năm 1974. Ngày 29 tháng tư năm 1975, trong đêm
trước khi thủ đô bị thất thủ tôi và gia đình lên chuyến bay rời khỏi
Việt Nam di tản. Sau khi ở trại tị nạn đảo Guam và ở trại Fort
Chaffee tiểu bang Arkansas, gia đình chúng tôi định cư tại một thành
phố mà hầu hết cư dân là người Mỹ da trắng và rất bảo thủ - thành
phố Grand Rapids tiểu bang Michigan. Trong hồi ký “Stealing Buddha’s
Dinner” tôi viết để kể lại tôi đã rời khỏi Viêt nam như thế nào và
tôi đã sống, đã lớn lên trong một gia đình tị nạn ở một thành phố
được mệnh danh là “AllAmerican City”. Đó là thời gian của thập niên
80 và tôi muốn mình trở thành một mẫu người Mỹ chính hiệu, một người
Mỹ “real”. Rồi tôi đã say mê lắng nghe những “bad mysic”, xem thật
nhiều những “bad TV” và ăn thật nhiều những “bad food” để cố gắng
thnah người Mỹ rặc.
Tôi tốt nghiệp MFA về môn sáng tác văn học ở University of Michigan
và hiện đang là giáo sư dạy về sáng tác tiểu thuyết thi ca và văn
học Mỹ Á châu tại Purdue University. Tôi hiện sống tại Chicago và
West Lafayette tiểu bang Indiana với chồng tôi là Porter Shreve.
Cuốn sách đầu tiên “Syealing Buddha’s Dinner” (nhà xuất bản Viking
Penguin năm 2007) là một cuốn hồi ký đoạt giải PEN/Jerard Award của
Trung tân Văn Bút Hoa Kỳ. Tôi cũng là đồng tác giả của “30/30 Thirty
American Stories from the Last Thirty Years, ContemporaryCreative
Non-Fiction : I & Eye and the Contemporary American Short Stories”
cuốn thứ ba là “Short Girls”...
Đọc một tác phẩm của một phụ nữ Việt Nam viết về đề tài xoay quangh
đời sống của người Việt Nam, chúng ta sẽ có cảm giác như thế nào?
nhất là cuốn sách ấy đã được nhắc nhở và giới thiệu từ những nhà phê
bình văn học có uy tín và những tờ báo có tầm vóc thế giới như
NewYork Times, Los Anggeles Times, Chica go Tribune, USA Today,
Boston Globe, San Francisco Cheonicle, Christian Science
Monitor,…Với tôi là nỗi vui mừng và sự lạc quan. Nhưng cũng pha chút
ngậm ngùi khi nghĩ đến những quan hệ với đất nước của những thế hệ
người Mỹ gốc Việt của những thế hệ sau dần dần phai nhạt đi và bản
sắc quê hương dân tộc sẽ chỉ là những bàng bạc không rõ nét. Nhưng
làm sao được, chúng ta không thể nào đẩy ngược lại bánh xe đời sống.
Huống chi, hôm nay, bây giờ, chúng ta vẫn phải chạy hoài chạy miết
đến hụt hơi theo vòng quay nhân sinh xứ người trong cái tâm cảm của
một người rượt đuổi theo để tìm bắt những điều tương tự như là hư
không. Dù là thực tế, nhưng là một thực tế buồn…
Nguyễn Mạnh Trinh |