.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Herta Müeller,
giải Nobel văn chương 2009

Một nhà văn Đức gốc Romania, Herta Müeller, vừa đoạt giải Nobel văn chương năm 2009. Bà đã được vinh danh bởi vì “văn chương đậm nét thơ và phong cách thẳng thắn” trong nhiều tiểu thuyết như “The land of Green Plums" (Lãnh địa của những trái mận xanh) đã mô tả về cuộc sống ở nơi chốn của những đời người bị bỏ phế.

Mỗi năm, cứ vào tháng 10, khi Hội đồng Tuyển chọn của Hàn Lâm Viện Thụy Điển họp để chọn lựa người trúng giải, có rất nhiều dư luận về khuynh hướng chọn lựa.  Điểm qua kết qủa của giải Nobel văn chương từ 108 năm nay, thì trong tất cả các nhà văn trên thế giới được trúng giải, các nhà văn Âu châu chiếm đa số, dù họ sinh trưởng hay đến định cư ở lục địa này. Không có một nhà văn Hoa Kỳ nào đoạt giải kể từ năm 1993 khi nhà văn Toni Morrison đoạt giải.  Cùng ở chung một lục địa là Canada là quê hương của ba nhà văn được sự kính trọng của văn giới hoàn vũ là Margaret Atwood, Alice Munro, Michael Ondaatje, thì lại hoàn toàn vắng mặt kể từ khi nhà văn Saul Bellow đoạt giải năm 1976 và không có một nhà văn Nam Mỹ nào đoạt giải kể từ khi Gabriel Garcia Marquez đoạt giải năm 1982.

Nam 2008, một thành viên của Hàn Lâm Viện Thụy Điển giữ chức vụ thư ký thường trực Horace Engdahl đã tuyên bố rằng Âu Châu hiện giờ giữ vị trí trung tâm của nền văn học thế giới, và chất lượng các tác phẩm của các nhà văn Hoa kỳ bị sa sút bởi vì các nhà văn này quá nhạy cảm để chú trọng và tự mãn về nền văn hóa của họ.

Peter Englund, thư ký thường trực của Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã nói với phóng viên của thông tấn xã AP: ”Nếu bạn là người Âu Châu thì sẽ dễ dàng hơn để liên hệ với văn chương Châu Âu...  Đó cũng là một thành quả của khuynh hướng tâm lý mà chúng ta phải cố gắng chú tâm tới. Và đó không phải là kết quả của bất cứ một chương trình làm việc nào”.

Chad Post, giám đốc của một nhà xuất bản bất vụ lợi Open Letter Books của đại học University of Rochester cũng phát biểu : ”Tôi không nghĩ rằng sự chọn lựa có khuynh hướng thiên về Âu Châu, nhưng tôi đã nghĩ rằng chúng ta đã có lợi nhuận rất nhiều vì nhìn thấy nhiều hơn những tên tuổi của các nhà văn Á Châu, Nam Mỹ, Phi Châu trong danh sách được đề cử chọn lựa.”

Mỗi năm, giải văn chương Nobel đầu có nhiều bất ngờ. Nhưng trong năm nay, hầu như chẳng có sự bất ngờ ấy trong tiến trình chọn lựa. Từ những phê phán của các nhà xuất bản, hầu như tất cả đều đồng ý rằng chọn lựa Herta Müeller là người đoạt giải là một quyết định chính xác. Thí dụ như tác phẩm mà bà đã hoàn thành gần đây ”Atemschaukel” (nhan đề dịch ra Anh Ngữ là “Everything I Have I Carry with Me”) là một trong những cuốn sách ở trong danh sách cuối cùng để nhận giải German Book Prize năm 2009 và sau đó, sẽ nhận được huy chương của hội chợ sách Frankfurt vào tuần tới.

Khi nhận được tin mình trúng giải, Herta Müellernoí: ”Tôi hết sức là ngạc nhiên và tới bây giờ tôi vẫn còn không tin tưởng rằng chuyện ấy xảy ra.  Tôi không thể nói thêm bất cứ một điều gì trong giây phút này”.

Herta Müeller nổi tiếng ở Âu Châu nhưng ít được biết đến ở Hoa Ky là một tác giả có những tác phẩm mô tả đời sống điêu linh của những người dân Romania ở sau bức màn sắt. Ngày 8 tháng 10 là ngày bà được nhận giải thưởng văn học cũng chính là ngày kỷ niệm 20 năm chế độ Cộng sản bị sụp đổ. Bà khởi đầu sự nghiệp cầm bút của mình năm 1982 với tuyển tập những truyện ngắn nhan đề ”Niederungen” ( Điểm sa sút)  hay ”Nadirs” đề tài là phác họa những cảnh sống khó khăn đầy ải của một làng nhỏ của người Romania nói tiếng Đức và tác phẩm này đã bị cấm lưu hành ở Romania. Năm 1984, một ấn bản vượt qua biên giới được lưu hành ở Đức và đã được độc giả rất hâm mộ.  

Tác phẩm tiếp theo là ”Drueckender tango” ( Oppressive Tango-Bản tango ức chế) viết về hiện thực đời sống đấy những ức chế, tham nhũng, lũng đoạn của một chế độ độc tài với những người dân ở trong làng Nitzkydorf nơi sinh quán của bà. Cuốn sách này bị chế độ Ceausescu cấm phát hành và bị lên án dữ dội cũng như sở mật vụ Securitate theo dõi canh chừng. Nhưng tác phẩm này khi in ở ngoài nước Romania thì lại được ngợi khen và được sự chú ý của giới truuyền thông Âu châu.

Englund nói "Tôi nghĩ là có một sức mạnh phi thường để viết về những gì bà đã hoàn tất và bà cũng đã tỏ ra rất nhất quán trong phong thái cầm bút.  Độc giả chỉ cần đọc vỏn vẹn nửa trang sách thôi cũng đủ hiểu ngay về phong thái văn chương của Herta Müeller.

Cũng có lúc, bà đã đề cập đến những điều của từng phần đời sống mình với kinh nghiệm trải qua của một người phản kháng chế độ ở Romania. Nhưng cùng một lúc, cũng với những trải qua ấy bà lại là một người lạ mặt với xứ sở của bà, một kẻ lạ với chế độ chính trị, và cũng xa lạ luôn với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và xa lạ luôn với chính gia đình mình...”

Englund cũng nói thêm rằng giải thưởng không phải là để kỷ niệm thời điểm 20 năm sự sụp đổ của chế độ Cộng sản, nhưng cũng có nhiều người quan sát cho rằng đã có sự liên hệ. Michael Krueger, người đứng đầu cơ sở xuất bản Hanser Verlag nhận xét:

“Trao giải thưởng cho Herta Müeller, người trưởng thành ở một cộng đồng thiểu số nói tiếng Đức ở Romania là đã thừa nhận một tác giả đã từ chối đứng về phía phi nhân bản dưới chế độ Cọng sản và làm cho không bị quên lãng từ 20 năm sau khi cuộc chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây chấm dứt... ”

Herta Müeller là người Âu Châu thứ ba trong liên tiếp ba năm đoạt giải và cũng là người Đức thứ 10 của giải văn chương cao quý này. Thủ tướng Đức quốc, bà Angela Markel đã ca ngợi hết lời những công trình văn học của Herta và dùng ngôn từ như: ”đó là văn chương xuất chúng đã được lấy ra từ kinh nghiệm sống dưới chế độ độc tài".

Và bà cũng nói với các phóng viên khi được hỏi về tác giả của Niederungen: ”Ngày hôm nay, sau 20 năm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, đó là một thông điệp tuyệt hảo rằng có một công trình văn học rất giá trị như vậy về những kinh nghiệm sống ngày đang được vinh danh và ngợi ca với giải Nobel văn chương...”

Một người hiện là lãnh đạo cơ sở kịch nghệ ở Romania, Camaritu, vốn là một lãnh tụ chống Cộng can đảm đã ở trong đoàn chiến xa bằng cách leo lên pháo tháp trên đường tiến về đài truyền hình ở Bucharest trong cuộc khởi nghĩa nổi dậy năm 1989, phát biểu : ”Bà đã rất thành thật khi viết và đã viết về những điều đã thực xảy ra và chính đó là những điều đã gây ra ấn tượng mạnh cho sự phán xét để thuyết phục độc giả. Giải thưởng là một sự công nhận có tầm vóc quốc tế về sự áp chế đã xảy ra ở Romania và Đông Âu…”

Một ký giả Romania khác, rất quen biết với Herta Müeller đã nói về trường hợp bà đã bị bắt buộc rời khỏi Romania sang Berlin ở Đức sinh sống vì sự áp chế của cơ quan mật vụ Securitate:

“Bà làm công việc của một thông dịch viên tại một cơ xưởng chế tạo máy cơ khí tối tân gần Timisoara. Bà đã bị trừng phạt, bị đuổi việc vì những tác phẩm đã viết. Tác phẩm của bà được mang sang in ở Đức bởi những người Đức yêu tự do.

Những cuốn sách và ngôn ngữ của bà gợi hứng từ đất nước Romania. Văn phong của bà mạnh mẽ, sống động, cô đọng và đầy lãng mạn thi tính”.

Hầu hết những tác phẩm đều in ở Đức, có những tác phẩm được dịch ra Anh ngữ, Pháp ngữ, Tây Ban Nha ngữ gồm có : The Passport (Sổ thông hành), The Land of Green Plums (Lãnh địa của những trái mận xanh), Traveling on One Leg (Du hành bằng độc cước), The Appointment (Buổi triệu tập tra vấn). Cuốn sách mới nhất của bà là “Atemschaukel” được dịch ra Anh ngữ : “Swinding Breath” (Nhịp thở chập chờn ) được đề cử cho giải thưởng German Book Peize.

Với kinh nghiệm đã ăn sâu vào trong trí nhớ và đời sống, Herta đã dùng hiện thực xã hội Romania dưới thời chế độ độc tài Ceaucescu để phê phán sâu sắc và tạo thành một phong cách văn chương rất sống động.  Bà viết với tâm cảm của một người muốn vinh danh những chiến sĩ kiên cường tranh đấu cho tự do dân chủ. Tác phẩm “The Land of Green Plums” viết như một cách thế tưởng niệm những người bạn, những người đồng chí hướng phản kháng chế độ độc tài đã chết.

Mặc dù Herta Müeller không phải là một diễn giả của đại chúng lâu dài cho một cử tọa có nguồn gốc rõ ràng hoặc từ sách vở đã ảnh hưởng đến trình độ cảm nhận văn chương của bà, một đặc tính của sâu thẳm tư tưởng của bà có một nguồn cội khác. Một điều nổi bật đó là bà đã theo học những lớp về văn chương của cả hai nền đại học Romamia và Đức. Khi bản thân bà so sánh và đối chiếu hai ngôn ngữ, bà ghi chú rằng thí dụ từ một nguyên lý rất giản đơn như hiện tượng một vì sao rơi xuống thì ở hai nền văn học được diễn tả khác biệt nhau: ”Chúng ta không những nói bằng ngôn ngữ khác nhau mà còn khác nhau ở thế giới sống nữa. Như thí dụ, người Romania nhìn một ngôi sao rơi rụng và nói rằng có một người nào đó đã chết. Nhưng với người Đức thì khác, đó là họ đang có một điều ước khi nhìn thấy một ngôi sao đang rớt trên bầu trời... ”Cũng như Herta Müeller cũng nói về dân ca Romania mà âm nhạc đã giữ một vai trò đặc biệt trong tâm cảm của bà: ”Khi tôi bắt đầu nghe bản nhạc đầu tiên của Maria Tanase với những âm thanh tạo những ý nghĩ bất ngờ cho tôi.  Dó là thời khắc đầu tiên tôi cảm thấy thực sự những bản dân ca đó như thế nào. Nhạc dân ca Romania đã nối liền hiện thực bằng những con đường đầy ý nghĩa...”

Một yếu tố ảnh hưởng rất quan trọng với bà là ảnh hưởng từ người chồng, nhà văn, nhà biên khảo Richard Wagner. Họ sống với nhau rõ rệt là trên những con đường song song: cả hai cùng sinh ra và trưởng thành ở Romania, cùng là thành viên và cùng sinh hoạt trong nhóm trí thức Banat Swabian và cũng cùng ghi danh theo học những lớp về văn chương Romania và Đức ở đại học Timisoara. Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai cùng hành nghề giáo sư dạy Đức ngữ và cùng là hôi viên của Aktionsgruppe Banat, một phong trào văn hóa chiến đấu cho tự do ngôn luận. Và cũng giống như người vợ, Wagner cũng đã hoàn thành nhiều tác phẩm gồm tiểu thuyết và biên khảo.

Herta Müeller có liên hệ nhiều đến nhóm Aktionsgruppe Banat và đã có ảnh hưởng đến sự cang cường của bà khi viết văn. Mặc dù, bà rất hiểu về những đe dọa và những nguy hiểm tạo ra nhiều trở ngại cho cuộc sống từ chế độ và cơ quan mật vụ khét tiếng là tàn bạo Securitate tạo ra. Thêm vào đó, khi tác phẩm của bà được tiểu thuyết hóa, bà đã đặt trên sự thực đã xảy ra hàng ngày của đời thường và từ những nhân vật có thực trong đại chúng. Cuốn sách The Land of Green Plums có nhân vật biểu trưng của những người bạn thân thiết với bà trong nhóm Aktionsgruppe và bà viết với chủ ý tưởng niệm hai người bạn thân đã chết mà Herta Müeller cho rằng đã bị cơ quan mật vụ thủ tiêu.

Tác phẩm “Reisende auf einem Bein” dịch ra Anh ngữ “Traveling on One Leg", do Valentina Glajar và Andre Lefevre trong tủ sánh Hydra Books, nhà xuất bản Northwestern University Press xuất bản năm 1992, là một cuốn sách tuy không dầy lắm nhưng độc đáo.

Bà viết về một nhân vật nữ, Irene, một cô gái bị bệnh tâm thần và mang tính chất của cuộc sống lạc lõng vô vọng trong đời của một người phải rời bỏ xứ sở ra đi. Trong tiểu thuyết này, Irene mang rất nhiều vóc dáng của chính tác giả. Herta Müeller đã dùng rất nhiều biểu tượng độc đáo viết từ chương sách đầu tiên, tuy gần gũi với cuộc sống như những bụi rậm, như những móng tay, như sự sụp đổ của mặt đất hay sức hút của đại dương thành những cơn thủy triều...  và lập lại nhiều lần trong những phần sau. Những biểu tượng ấy nói lên tâm trạng của người nữ khao khát tình dục mà không được thỏa mãn. Không khí của tiểu thuyết là một môi trường tuy đơn giản nhưng rất mực khổ hạnh mà những hình ảnh hoặc biểu tượng như có điều gì bất thường cửa những người kỳ quặc đi ngược lại dòng sống. Có một chút của chia cắt của lộn xộn từ hình ảnh đến con người trong tiểu thuyết này. Như Irene đi đứng với cách thế kỳ quặc lụn đầu xuống đất. Hay khi irene bị chụp hình thì cô có một nhận thức lạ lùng là chụp hình dạng của một ai khác không phải là mình mà nhân dáng đó in sâu trong tiềm thức từ nỗi ám ảnh lâu dài từ trước. Hoặc khi Irene đi thông qua một căn phòng thì cô lại có cảm giác ngược lại là căn phòng ấy di chuyển xuyên qua chính con người của mình.

Irene muốn di dân sang Đức với lý do rất giản dị là để gặp và sống với Franz một người du khách luôn say sưa mà cô gặp tại một bãi biển ở Romania. Khi sang sống ở Đức cô lại có một cuộc sống đam mê đầy buông thả đẫm chất dục tính với Franz và hai người bạn của anh ta là Thomas và Stefan. Cả ba người đàn ông này đều có đời sống rất khốn khổ vô vọng và họ sống gần với bản năng hơn là lý trí. Từ cuộc sống ở nơi lưu lạc xứ người, Irene quả thực đã không hiểu được rằng tại sao ngươì ta lại chán nản buồn rầu đến như thế trong cuộc sống mà nhịp đẩy nhanh đến quay cuồng trong xã hôi Tây phương. Trong khi, niềm bất hạnh ở những xã hội như ở Romania thì có nguồn gốc thật là rõ ràng và dễ hiểu chứ không phức tạp mù mờ như ở nơi mà cô định cư theo diện di dân.

Phê bình gia của nhật báo NewYork Times, William Ferguson đã viết về tác phẩm này:

“Hành động của các nhân vật trong tiểu thuyết này tuy ít có sự nổi trội nhưng lại lột tả được đến chỗ sâu thẳm nhất của Irene là nơi chốn mà những chuyện chính trị đã thành vụn vặt tư riêng.  Đó là phần đặc sắc nhất khi bà mô tả những hiện tượng ấy... ”

Một cuốn tiểu thuyết khác ”Heute war ich mir heber nicht begegnet” được dịch ra Anh ngữ với nhan đề The Appointment mà dịch giả là Michael Hulse và Philip Boehm với nội dung tố cáo sự tàn ác của hệ thống mật vụ khủng bố tinh thần của mọi công dân Romania. Một cô gái không danh tính trong tiểu thuyết này là một người bị triệu tập đến sở mật vụ để hỏi cung một cách rất bất thường bất chấp thời gian là lúc nào, đêm tối hay ban ngày. Viên đại tá mật vụ Albu dùng cách này để làm tinh thần cô gái căng thẳng, lúc nào cũng phập phồng sợ bị tra hỏi dọa nạt và không biết lúc nào mình hết bị tra tấn tinh thần như vậy. Chuyện kể xoay quanh những giây phút mà cô gái hồi tưởng những khi bị bức cung trong khi đang trên đường đến sở mật vụ gặp viên đại tá Albu. Truyện có lúc đơn giản, hiện tại và quá khứ chòng chéo lên nhau, có lúc mô tả trực tiếp nhưng cũng có khi là những cảm giác không rõ nét và tạo một không khí gờn gợn cũa những người chờ đợi những bất hạnh sẽ phải xảy đến nhưng thực sự chưa biết lúc nào. Tác giả đặt ra những suy tư, mà mường tượng hạnh phúc là những nợ nần oan trái của cuộc sống cũng như những cử chỉ yêu thương dịu dàng cũng bị rình mò và cho vào tròng vào lưới rập. Chế độ độc tài mà nồng cốt là hệ thống mật vụ đã kiểm soát tất cả sinh hoạt và bất cứ ai cũng có thể là kẻ chỉ điểm và gây ra những hậu quả ghê gớm không ngờ. Mọi người trong xã hội nghi ngờ nhau và những nhân vật trong tiểu thuyết này lúc nào cũng ở trong vị thế tự bảo vệ và không tin tưởng vào bất cứ một ai kể cả người thân của mình. Tình yêu cũng bị ảnh hưởng và trong tình cảnh dễ bị chia tan trong môi trường sống ngột ngạt đầy ắp lo lắng.

Người điểm sách của The NewYork Times, Peter Filkins, nhận định rằng Herta Müeller thường chú trọng vào sự mô tả những đổ vỡ những liên hệ tình cảm của riêng từng cá nhân sống trong chế độ độc tài như một cách lột trần gián tiếp sự phi nhân hơn là trực tiếp đề cập đến những tệ nạn dẫy đầy và hiển nhiên của chế độ Ceausescu này…

Những tác phẩm của Herta Müeller tố cáo chế độ độc tài cộng sản Ceausescu như “Traveling on one Leg“ tả tâm trạng của một người phải rời bỏ quê nhà để đến sống ở một xứ sở khác.  Và với “Even Back Then, the Fox Was a Hunter”, “The land of the Green Plums”, “The Appointment”, “Hunger and Silk” cũng cùng một chủ đề nhằm mô tả đời sống khốn khổ dưới luật lệ khắc nghiệt ở Romania.

Với tác phẩm "A Lady Lives in the Hair Knot”, bà chọn lựa những phần tinh túy của đỉnh cao thi ca, với mức khởi đầu từ điểm thấp nhất của cuộc đời giống như những điệp khúc thời trẻ dại và những tản văn du dương.

Phần đông dư luận đều tán đồng với quyết định trao giải Nobel văn chương năm 2009 cho Herta Müeller. Dù rằng có người cho rằng văn chương của bà chỉ có ảnh hưởng ở các nước châu Âu còn toàn thế giới, nhất là ở những nước nói tiếng Anh thì khá mờ nhạt. Đúng như nhận xét của Hội Đồng Tuyển Chọn tác phẩm của bà nhắc nhở mãi để cho nhân loại không thể nào quên tội ác của những kẻ độc tài xử dụng hệ thống mật vụ để đe dọa và đàn áp người dân…

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.