Đường xưa mây trắng
(Theo gót chân Bụt)
Quyển I
Phần
4
C16.
Thì ra lệnh bà Yasodhara giả ngủ
C17.
Chiếc lá pippala
C18. Sao Mai đã mọc
C19. Trái quít của chánh niệm
C20.
Nai ngọc
C16.
Thì ra lệnh bà Yasodhara giả ngủ
Svastika là con nhà nghèo, hồi nhỏ chưa từng được đi học. Năm mười
hai tuổi mới bắt đầu được Sujata dạy cho chút ít về văn hóa. Chú nói
năng chưa được hoạt bát, cho nên trong khi kể lại những gì mà Bụt đã
kể về cuộc đời niên thiếu của người, chú đã ngập ngừng nhiều lúc và
phải nhờ những người ngồi nghe chuyện đỡ lời cho. Hôm ấy ngoài thầy
Ananda và chú Rahula, còn có hai người ngồi nghe chú kể. Đó là một
ni sư tuổi đã lớn, tên là ni sư Mahapajapati và một thầy khoảng ba
mươi lăm tuổi tên là thầy Assaji.
Chiều hôm ấy chú Rahula đã giới thiệu hai vị này với Svastika rồi.
Chú rất cảm động khi biết ni sư Mahapajapati chính là lệnh bà
Gotami, dì của Bụt và đã nuôi Bụt từ khi tấm bé. Bà là người phụ nữ
đầu tiên được xuất gia và gia nhập vào giáo đoàn của Bụt. Hiện bà
làm ni trưởng lãnh đạo hơn bảy trăm vị nữ khất sĩ. Bà mới cùng một
phái đoàn các ni sư từ miền Bắc xuống để thăm viếng Bụt và tham khảo
ý kiến của người về việc tu chỉnh giới luật của ni chúng. Chú
Svastika nghe nói quý vị ni sư mới tới Rajagaha chiều hôm qua. Chú
Rahula là cháu của bà. Biết bà sẽ rất vui mừng được nghe Svastika kể
lại những gì xảy ra trong rừng Uruvela những ngày Bụt sắp thành đạo
và những tuần lễ sau ngày Bụt thành đạo, chú Rahula đã đi thông báo
ngay cho bà và mời bà tới. Svastika chắp tay cúi đầu rất thấp để
chào vị ni trưởng vì chú đã từng được nghe Bụt kể về bà và đã có sẵn
rất nhiều cảm mến đối với bà. Bà nhìn chú với đôi mắt đầy thương
mến, và chú có cảm tưởng bà cũng thương chú như thương chú Rahula
cháu ruột của bà vậy. Nghĩ như thế chú cũng tự xưng cháu với bà.
Sau khi giới thiệu bà, chú Rahula lại giới thiệu thầy Assaji.
Svastika không nhớ tên này dù Bụt đã có nhắc đến tên thầy trong câu
chuyện mà người đã kể cho bọn thiếu nhi trong rừng Uruvela. Mắt
Svastika sáng lên khi chú biết thầy Assaji là một trong năm vị sa
môn đã tu khổ hạnh với Bụt ngay tại quê hương của chú. Chú đã từng
nghe Bụt nói rằng sau khi thấy Bụt ngừng tu khổ hạnh, bắt đầu uống
sữa và ăn cơm thì năm người này bỏ Bụt đi tu chỗ khác. Vậy mà bây
giờ không biết trong trường hợp nào mà thầy Assaji lại trở nên một
vị khất sĩ đệ tử của Bụt và đang tu hành dưới sự chỉ dẫn của người,
ngay tại tu viện Trúc Lâm. Chú dự tính sẽ hỏi Rahula về việc này.
Trong câu chuyện chú kể, chính ni sư Gotami đã đỡ lời cho chú nhiều
nhất. Nhiều khi bà đặt câu hỏi để chú có cơ hội nói thêm về những
chi tiết của câu chuyện, những chi tiết không mấy quan trọng đối với
chú nhưng hình như rất quan trọng đối với bà. Ví dụ như những chi
tiết về mớ cỏ Kusa mà chú đã dâng lên Bụt để người trải làm tọa cụ
dưới cây bồ đề. Ni sư đã hỏi: “Cỏ đó, con cắt ở đâu ? Cứ mấy hôm thì
con mới cắt cỏ mới để dâng cúng cho Bụt ? Con dâng bớt cỏ cho Bụt
như thế thì trâu con có đủ cỏ để ăn ban đêm hay không ? Và con có bị
chủ trâu đánh mắng hay không ? ... "
Câu chuyện chú kể đã xong đâu. Còn nhiều lắm. Chú xin phép ngưng lại
ở nơi đây. Chú thưa với mọi người là chú sẽ xin kể tiếp ngày mai.
Nhưng trước khi từ giã, chú muốn được hỏi ni trưởng một vài câu hỏi
mà chú đã ấp ủ trong lòng gần mười năm nay. Có thể là ni trưởng sẽ
trả lời được cho chú. Nghe chú nói thế, ni sư Gotami mỉm cười nhìn
chú:
- Chú cứ hỏi, nếu trả lời được thì ta sẽ trả lời ngay.
Svastika muốn biết nhiều chuyện lắm. Trước hết chú muốn biết khi
thái tử Siddhatta vén màn định từ giã lệnh bà Yasodhara thì lệnh bà
đang ngủ thật hay là đang giả ngủ ? Rồi khi người hầu cận thái tử
Siddhatta đem thanh kiếm, chuỗi ngọc, mớ tóc và con ngựa Kanthaka về
tới kinh đô thì hoàng thượng, hoàng hậu và lệnh bà Yasodhara đã nghĩ
gì, nói gì và làm gì ? Trong sáu năm vắng mặt, cái gì đã xảy ra cho
những người thân yêu của Bụt tại Kapilavatthu ? Và ai nghe tin Bụt
thành đạo trước ? Ai đi đón Bụt ? Và đến khi Bụt về thì cả kinh
thành đón rước ra sao?
- Chú hỏi nhiều câu hỏi thật, ni sư Gotami mỉm cười hiền hậu nhìn
Svastika. Để ta trả lời sơ lược cho chú. Trước hết là chuyện
Yasodhara có thật là đang ngủ khi Siddhatta từ giã hay không. Chuyện
này muốn cho chắc chắn, chú phải hỏi ni sư Yasodhara. Nhưng theo ta,
thì lúc ấy Yasodhara không ngủ. Chính Yasodhara đã soạn đủ nón giày
và áo dạ hành để sẵn bên hành lang. Chính Yasodhara đã vào bảo
Channa thắng yên cương vào cho con Kathanka. Vậy Yasodhara biết chắc
là đêm ấy thái tử sẽ bỏ đi. Làm sao mà Yasodhara có thể ngủ trong
một tâm trạng như thế được, hả chú Svastika ? Ta nghĩ rằng Yasodhara
đã làm như đang ngủ để tránh cho Siddhatta và cho mình giây phút khó
khăn của sự giã biệt. Chú chưa biết, chứ mẹ của Rahula tính tình
cương nghị lắm. Yasodhara hiểu được chí hướng của Siddhatta và đã âm
thầm yểm trợ cho Siddhatta. Điều đó ta biết rõ hơn ai hết ở trong
cung, bởi vì ta là người thân cận và làm việc với công nương
Yasodhara nhiều hơn ai hết.
Rồi ni sư Gotami kể tiếp những gì đã xảy ra trong cung điện. Buổi
sáng ấy, nghe tin Siddhatta đã bỏ đi rồi, trong cung náo động, ai
cũng bàng hoàng hoảng hốt, chỉ trừ có Yasodhara. Vua Suddhodana giận
dữ, quát tháo quân hầu, quát tháo mọi người, trách họ đã không giữ
gìn để cho thái tử ra đi. Bà Gotami nghe tin vội chạy qua tìm
Yasodhara. Yasodhara không nói gì, chỉ ngồi thầm lặng khóc. Quan phụ
chính đại thần tổ chức nhiều toán người ngựa sai đi bốn ngả tìm kiếm
thái tử. Toán người ngựa đi về phương Nam đã gặp được Channa, đang
trở về với con ngựa Kanthaka. Channa ngăn họ không cho họ đi về
phương Nam tìm thái tử. Channa nói:
- Quý vị hãy để yên cho thái tử tu hành. Tôi đã cầu xin hết lời, đã
khóc lóc đã van nài, nhưng thái tử đã một lòng một chí muốn đi tìm
đạo. Với lại thái tử đã đi vào chốn thâm sơn. Núi rừng trùng điệp,
lại thuộc về một vương quốc khác, thì các vị đi tìm làm sao được?
Khi Channa trở về tới cung điện, anh ta dập đầu tạ tôi rồi đem thanh
kiếm, chuỗi ngọc và mớ tóc dâng lên vua. Lúc ấy hoàng hâu Gotami và
lệnh bà Yasodhara cũng đang đứng hầu bên cạnh vua. Thấy Channa khóc,
vua không nỡ buộc tội. Vua hỏi han mọi chuyện, than vãn hồi lâu, rồi
truyền cho Channa đem gươm báu, chuỗi ngọc và mớ tóc của thái tử
giao lại cho lệnh Yasodhara cất giữ. Không khí của cung điện thật là
buồn bã. Thái tử đi rồi, kinh thành như là thiếu ánh sáng của mặt
trời. Vua ở luôn trong biệt điện nhiều ngày liên tiếp không chịu ra
thiết triều. Quan phụ chính đại thần Vessamitta phải thay vua xử lý
mọi công việc chính sự.
Con Kanthaka sau khi được trả về tàu ngựa từ chối không ăn uống gì.
Mấy ngày sau nó qua đời. Channa rất thương tiếc. Channa xin với
Yasodhara làm lễ hỏa thiêu cho nó.
Ni sư Gotami kể tới đó thì chuông thiền tọa buổi tối đã vọng lên.
Mọi người đều tỏ vẻ tiếc vì phải bỏ dở câu chuyện. Nhưng thầy Ananda
bảo không nên bỏ giờ thiền tọa, dù câu chuyện có hay cách mấy đi
nữa. Và thầy mời mọi người chiều hôm sau lại tới liêu xá thầy.
Svastika và Rahula chắp tay làm lễ ni sư Gotami, thầy Anada và thầy
Assaji để trở về liêu xá của thầy Sariputta. Đôi bạn thân đi bên
nhau im lìm không nói. Tiếng chuông chậm rãi bây giờ đây đã bắt đầu
dồn dập đổ hồi. Svastika theo dõi hơi thở và thầm đọc bài kệ nghe
chuông: “lắng lòng nghe, lắng lòng nghe - tiếng chuông huyền diệu
đưa về nhất tâm”.
C17.
Chiếc lá pippala
Ngồi dưới gốc cây pippala, sa môn Gotama tập trung hết định lực và
quán chiếu vào nội thân. Tinh lực của ông đầy dẫy và niệm lực của
ông hùng hậu. Ông thấy cơ thể của ông như một dòng sông đang trôi
chảy bất tuyệt và những tế bào trong cơ thể là những giọt nước xô
đẩy nhau trên dòng sinh khởi, trưởng thành và biến diệt. Ông không
tìm thấy một cái gì đồng nhất và bất biến có thể gọi là ngã cả. Xen
lẫn trong dòng sông cơ thể ông nhận thấy một dòng sông khác: đó là
dòng sông cảm thọ, trong đó mỗi cảm giác là một giọt nước. Những
giọt nước cảm giác này cũng xô đẩy nhau trong quá trình sinh khởi,
trưởng thành và biến diệt của chúng. Có những cảm giác dễ chịu, có
những cảm giác khó chịu, có những cảm giác không dễ chịu cũng không
khó chịu. Tự thân của những cảm giác cũng vô thường và luôn luôn
sinh diệt giống như tự thân của các tế bào trong cơ thể. Với định
lực vững chắc, sa môn Gotama khám phá ra dòng sông tri giác đang
trôi chảy len lỏi giữa các dòng sông cơ thể và dòng sông cảm giác.
Những giọt nước trong dòng sông tri giác cũng xô đẩy nhau và ảnh
hưởng lẫn nhau trên đà sinh trưởng và hoại diệt của chúng. Thế giới
là thế giới của tri giác; tri giác chính xác thì thực tại hiển lộ,
tri giác sai lầm thì thực tại chìm lặn. Tri giác sai lầm làm phát
sinh bao nhiêu cảm giác khổ đau trong dòng sông cảm thọ. Con người
sở dĩ lặn hụp trong khổ đau là vì nhận thức sai lầm của mình: vô
thường thì cho là thường, vô ngã thì cho là ngã, không sinh diệt thì
cho là có sinh diệt, cùng chung một tự tính mà lại cho là riêng lẻ
tách biệt. Sa môn Gotama quán chiếu những hiện tượng tâm ý thường
được xem là nguồn gốc của các cảm thọ khổ đau: những tâm lý sợ hãi,
giận dữ, căm thù, kiêu mạn, ganh ghét, tham đắm và u mê. Chánh niệm
bừng tỏa nơi ông như một mặt trời. Đem mặt trời chánh niệm ấy soi
vào lòng của các hiện tượng tâm lý kia, ông thấy rằng bản chất của
chúng đều là sự u mê. Tên nó là vô minh. Tên nó là mờ ám. Tên nó là
sự thiếu sáng suốt. Chìa khóa của giải thoát vì vậy là sự đập tan u
mê, là thể nhập vào lòng của thực tại để có một cái biết trực tiếp
và chân thực về thực tại. Cái biết này không phải là cái biết của
tri thức suy luận. Cái biết này là phải là cái biết trực tiếp của
kinh nghiệm, của thực chứng. Ngày xưa, Siddhatta đã tìm đủ cách để
chế ngự sợ hãi, chế ngự giận dữ, chế ngự tham đắm. Nhưng những
phương cách ấy không có hiệu quả, vì chúng chỉ là sự đè nén và đàn
áp. Ngày nay Siddhatta biết được bản chất của chúng là u mê: giải
tỏa u mê và đi tới sự hiểu biết, tức là làm cho chúng tự tan rã, như
khi mặt trời lên thì tự khắc bóng tối tan biến. Sự hiểu biết này là
kết quả của công trình quán chiếu. Giải thoát không phải là kết quả
của một sự lẩn tránh thực tại, giải thoát trái lại là hiểu biết được
tự thân của thực tại để đạt tới tự do, để cắt đứt mọi sợi dây khống
chế.
Sa môn Gotama mỉm cười. Ông thấy một chiếc lá pippala in trên nền
trời xanh, đuôi lá hướng về phía đất và phe phẩy như đang gọi ông.
Chiếc lá này là một thực tại mầu nhiệm. Nhìn chiếc lá ông thấy mặt
trời và trăng sao. Nếu không có mặt trời, nếu không có ánh sáng và
sức nóng, chiếc lá không thể nào có mặt. Cái này có vì cái kia có.
Ông lại thấy một đám mây bay lửng lơ trong lòng chiếc lá. Nếu không
có đám mây thì không có mưa và nếu không có mưa thì không làm gì có
chiếc lá. Ông thấy đại địa. Ông thấy thời gian. Ông thấy không gian.
Ông thấy tâm thức. Tất cả đều đang có mặt trong chiếc lá. Vũ trụ có
mặt trong chiếc lá và với chiếc lá. Điạ, thủy, hỏa, phong,
không, thời, phương, thức, tất cả đều có mặt với chiếc lá trong giờ
phút này. Cái này có thì cái kia có. Và ông thấy thực tại của chiếc
lá cũng mầu nhiệm như thực tại của bản thân ông. Thực tại của chiếc
lá cùng thực tại của bản thân ông là một. Chiếc lá dường như chỉ mới
có mặt từ đầu mùa Xuân năm nay. Nhưng thật ra chiếc lá đã có mặt
không biết tự bao giờ. Trong ánh nắng đã có sẵn chiếc lá. Trong đám
mây bay đã có sẵn chiếc lá. Trong cây đã có sẵn chiếc lá. Và trong
Siddhatta, đã có sẵn chiếc lá. Chiếc lá thực ra chưa từng bao giờ
sinh, chiếc lá chỉ được biểu hiện ra mà thôi. Sa môn Siddhatta cũng
chưa bao giờ từng sinh, sa môn Siddhatta cũng chỉ được hiểu hiện.
Những ý niệm sinh diệt và còn mất là những ý niệm phát xuất từ nhận
thức sai lầm, từ vô minh. Tự thân của chiếc lá pippala cũng như tự
thân của sa môn Gotama chưa từng bao giờ sinh diệt. Sự có mặt của
một hiện tượng kéo theo sự có mặt của tất cả mọi hiện tượng trong vũ
trụ. Cái một bao hàm cái tất cả, và cái tất cả được có mặt trong cái
một.
Chiếc lá không có cá thể biệt lập, không có một cái ngã thường tại
bất biến. Sa môn Gotama cũng vậy, ông không thể có mặt biệt lập với
vũ trụ vạn hữu, ông không có một cái ngã thường tại bất biến. Thấy
được tính cách trùng trùng duyên khởi của vạn hữu cũng là đồng thời
chứng nghiệm được sâu xa tính cách vô ngã của vạn hữu. Và vì vậy
chìa khóa để mở cánh cửa giải thoát là nguyên lý vô ngã, nguyên lý
duyên sinh.
Một đám mây trắng bay qua, và chiếc lá pippala giờ đây đang in hình
trên nền trắng ấy. Đám mây kia chiều nay có thể sẽ gặp một luồng khí
lạnh và sẽ biến thành mưa. Đám mây là một biểu hiện. Mưa là một biểu
hiện. Tự thân của đám mây không có sinh diệt và còn mất. Nếu đám mây
biết điều đó thì khi cần được biến thành mưa, đám mây sẽ ca hát khi
rơi xuống thành giọt trên núi rừng, trên ruộng lúa. Sa môn Gotama
thấy được rằng trong thực tại, không có gì sinh ra, không có gì mất
đi, không có gì từ không mà trở nên có, không có gì từ có mà trở nên
không, và ông vượt thoát được các ý niệm có không và sinh diệt.
Sa môn Gotama lấy cái thấy này và soi chiếu lại vào những dòng sông
cơ thể, cảm thọ, tri giác, tâm tư và nhận thức của con người. Ông
thấy hầu hết những khổ đau của con người đều được phát xuất từ nhận
thức sai lầm của con người. Nếu con người thấy được tính cách vô
thường vô ngã của thực tại thì con người giải thoát được khổ đau. Vô
thường và vô ngã là điều kiện tất yếu của sự sống; nếu không có vô
thường và vô ngã thì không có biến chuyển sinh diệt, vì vậy không có
gì có thể sinh trưởng và phát triển. Hạt lúa nếu không vô thường và
vô ngã thì không thể mọc thành cây lúa. Đám mây nếu không vô thường
và vô ngã thì không thể nào biến thành cơn mưa. Em bé nếu không có
vô thường và vô ngã thì không thể lớn lên. Vì vậy chấp nhận sự sống
tức là chấp nhận vô thường và vô ngã. Khổ đau bắt nguồn từ sự nhận
thức vô thường là thường, và vô ngã là là ngã. Chứng nhập được tự
tánh vô thường và vô ngã của vạn hữu tức là thoát ra được vòng khổ
đau.
Sa môn Gotama thấy rằng một khi đã chứng nhập được tự tánh vô thường
và vô ngã của vạn hữu thì tự tánh không của vạn hữu cũng bắt
đầu hiển lộ. Không tức là không sinh cũng không diệt, không
có cũng không không, không một cũng không nhiều, không trong cũng
không ngoài, không lớn cũng không nhỏ, không nhơ cũng không sạch ...
Tất cả những ý niệm về không và có, sinh và diệt, một và nhiều,
trong và ngoài, lớn và nhỏ, nhơ và sạch ... đều do những khuôn khổ
hẹp hòi của tri giác tạo nên. Thâm nhập được vào thể tính không của
vạn pháp, Siddhatta vượt lên trên được tất cả mọi phạm trù ấy của
tri giác.
Đêm này qua đêm khác, sa môn Gotama ngồi thiền định dưới gốc cây
pippala, chiếu rọi ánh sáng của thiền định vào thân tâm và vào vũ
trụ. Năm người bạn đồng tu của ông đã bỏ ông lâu rồi. Bạn tu của ông
bây giờ là núi rừng, là dòng sông, là chim chóc, là hàng vạn côn
trùng dưới đất trên cây. Bạn tu của ông là cây đại thọ pippala. Bạn
tu của ông còn là ngôi sao Hôm tỏa chiếu rạng rỡ vào lúc ông bắt đầu
buổi thiền tọa tối. Đêm nào ông cũng ngồi thiền định cho tới khuya.
Bọn trẻ con trong xóm mỗi khi đem thức ăn cho ông thường chỉ ở lại
một lát vào giờ trưa, giờ nóng bức nhất trong ngày.
Trưa hôm ấy, Sujata đem cúng dường ông một bát đề hồ nấu với sữa và
mật ong. Svastika cũng đem đến tặng cho ông một mớ cỏ Kusa rất tươi
để ông trải làm tọa cụ. Svastika lùa trâu đi rồi, ông có cảm tưởng
là nội trong đêm nay, ông sẽ đạt tới được chỗ tận cùng của sự tỉnh
thức mầu nhiệm. Vừa hồi khuya, ông mơ thấy những giấc mơ rất lạ.
Trước hết ông thấy ông nằm nghiêng, đầu gối lên dãy Hy Mã Lạp Sơn,
tay trái để trên bờ biển phương Đông, tay phải đặt trên bờ biển
phương Tây, và hai chân chấm bờ biển phương Nam. Trong giấc mơ thứ
hai ông thấy từ rốn mình mọc lên một hoa sen lớn và hoa sen này nở
lớn như một vành xe, dâng cao lên tận mây xanh. Trong giấc mơ thứ ba
ông thấy chim chóc đủ màu từ bốn phương bay tới quy tụ bên ông,
không biết bao nhiêu mà kể. Những giấc mộng ấy như báo trước sự
thành công của ông.
Chiều hôm ấy, sa môn Gotama đi thiền hành bên bờ sông, lội xuống
sông tắm gội, rồi lại lên bờ sông đi thiền hành. Khi nắng bắt đầu
tắt bên sông, ông trở lại với gốc cây pippala quen thuộc. Nhìn gốc
cây với tấm thảm cỏ mới trải, Siddhatta mỉm cười. Ngồi dưới gốc cây
này ông đã thực hiện được bao nhiêu khám phá quan trọng. Ông biết
giờ phút mà ông chờ đợi từ lâu đã sắp đến. Cánh cửa giác ngộ hoàn
toàn sắp được tung mở.
Khoan thai, Siddhatta ngồi xuống và điều chỉnh thế ngồi trong tư thế
hoa sen. Ông đưa mắt nhìn ra. Dưới kia dòng sông đang thầm lặng
trôi. Những ngọn gió thật nhẹ đang lướt qua bờ cỏ. Rừng chiều vắng
lặng nhưng sống động. Chung quanh ông có tiếng rì rào của muôn loại
côn trùng. Ông nhiếp tâm theo dõi hơi thở và khép nhẹ đôi mi. Sao
Hôm chắc đã lên rồi.
C18. Sao Mai đã mọc
Chánh niệm đưa thân tâm và hơi thở trở về một mối. Chánh niệm sung
mãn đưa tới một định lực hùng tráng. Sa môn Gotama bắt đầu dọi ánh
sáng quán chiếu vĩ đại ấy vào tự thân. Hồi lâu, ông bắt đầu thấy,
trong giây phút hiện tại, sự có mặt của muôn loại chúng sanh ngay
trong chính tự thân ông. Tất cả các loại chúng sanh, từ khoáng, khí,
hơi, sương cho đến rêu cỏ, thảo mộc, côn trùng, cầm thú và loài
người đều có mặt, và có mặt một cách hiện thực ngay trong giờ phút
hiện tại. Ông thấy sự có mặt của tất cả các loại chúng sanh ấy chính
là sự có mặt của ông, không những trong hiện tại mà cũng là trong
quá khứ và trong vị lai. Ông trông thấy được tất cả những sinh diệt
của mình trong các kiếp quá khứ. Ông trông thấy được tất cả những
sinh diệt của mình trong các kiếp hiện tại. Ông cũng trông thấy được
tất cả những sinh diệt của mình trong các kiếp vị lai. Ông thấy được
sự co giãn và thành hoại của muôn ngàn thế giới, muôn ngàn tinh cầu,
với tất cả những nỗi vui niềm đau của từng sinh vật; trong ấy, loài
thì do thai sinh ra, loài thì do trứng sinh ra, loài thì do sự tụ
họp biến hóa sinh ra, loài thì do sự chia cắt phân thân sinh ra. Ông
thấy mỗi tế bào trong cơ thể ông chứa đựng được cả tam thiên đại
thiên thế giới và cũng chứa đựng cả thời gian từ vô thỉ đến vô
chung. Cái thấy ấy là túc mệnh minh. Ông chứng đạt được trí
tuệ này vào cuối canh một.
Sa môn Gotama tiếp tục đi sâu trên con đường khám phá. Ông thấy tuy
vô lượng vô số thế giới từng co giãn, sinh diệt và thành hoại như
thế và tuy vô lượng vô số chúng sinh từng sinh diệt và thành hoại
như thế trong vô lượng vô số kiếp, nhưng kỳ thực những co giãn, sinh
diệt và thành hoại ấy chỉ là những biểu hiện bề ngoài, chưa từng
đụng tới thực tướng của pháp giới, cũng như trên mặt biển cả tuy lúc
nào cũng có hàng triệu đợt sóng lô nhô xuất hiện nhưng đại dương
chưa bao giờ vì vậy mà có sinh diệt hay thành hoại. Sóng dường như
có còn mất sinh diệt mà nước không hề có còn mất sinh diệt, và nếu
sóng tự biết mình là nước thì sóng có thể vượt ra ngoài sự sinh diệt
còn mất, đạt tới tâm trạng an ổn và đập tan mọi niềm sợ hãi. Cái
thấy này đưa sa môn Gotama vượt thoát lưới sinh tử. Ông bất giác mỉm
cười. Nụ cười của ông nở như một bông hoa dù là trong đêm tối. Nụ
cười đó như tỏa chiếu hào quang. Nụ cười ấy là hoa trái của một cái
thấy vi diệu. Cái thấy ấy là lậu tận minh. Sa môn Gotama đạt
tới cái thấy ấy vào cuối canh hai.
Vừa lúc ấy có tiếng sấm nổ vang trời và những làn chớp giật tiếp
nhau lóe lên như xé rách không gian. Tự hồi nào mây đen đã kéo đến
che lấp hết trăng sao. Giờ đây với tiếng sấm nổ rền, mưa cũng bắt
đầu rơi xuống xối xả. Mưa rơi ướt hết cả thân hình vị sa môn đang
ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây pippala. Nhưng Siddhatta vẫn ngồi yên bất
động. Ông thản nhiên tiếp tục công phu thiền quán.
Tiếp tục rọi ánh sáng vào cõi tâm, ông thấy chúng sanh đang chịu
đựng vô lượng khổ đau chỉ vì mỗi người mỗi loài không biết rằng mình
đang cùng chung một thể tính với mọi người và mọi loài khác, và từ
sự u mê đó đã làm phát sinh bao nhiêu phiền não làm rối loạn tâm
hồn. Tham đắm, giận hờn, kiêu căng, nghi ngờ, tật đố và sợ hãi ...
những tâm niệm ấy đều phát sinh từ gốc vô minh. Nếu mỗi người biết
tìm cách tĩnh tâm để nhìn lại, để quán chiếu sâu sắc vào lòng sự vật
thì ai cũng có thể đạt tới sự hiểu biết, và sự hiểu biết này sẽ làm
tiêu tán được mọi phiền não và làm phát sinh được sự chấp nhận và
niềm tin yêu. Ông khám phá ra rằng hiểu biết và thương yêu là một và
nếu không thể hiểu biết thì không thể thương yêu. Tính tình của một
con người, dù ác độc đi mấy, cũng là do những điều kiện sinh lý, tâm
lý và xã hội tạo thành. Nếu hiểu được điều đó ta sẽ không oán ghét
con người mà chỉ lo chuyển hóa những điều kiện sinh lý, tâm lý và xã
hội. Với một nhận thức như thế ta không còn oán hận mà chỉ có xót
thương. Có xót thương ta mới ra tay hành động để chuyển hóa con
người và chuyển hóa hoàn cảnh. Con đường mà Siddhatta tìm ra là con
đường hiểu biết để xót thương và hành động. Muốn thương yêu phải
hiểu biết. Hiểu biết là chìa khóa của cánh cửa giải thoát. Mà muốn
đạt tới hiểu biết, con người phải sống thức tỉnh trong từng giây
từng phút, thức tỉnh để tiếp xúc, để nhận diện và để nhìn thấy những
gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Cái nhìn ấy càng ngày sẽ
càng sâu sắc. Và khi nhìn sâu được vào lòng một hiện tượng thì hiện
tượng đó sẽ phơi bày chân tướng trước mặt ta. Đó là bí quyết của
chánh niệm. Có chánh niệm thì đời sống được soi sáng bởi cái nhìn
chân thực (chánh kiến), suy tư chân thực (chánh tư duy), lời nói
chân thực (chánh ngữ), hành động chân chính (chánh nghiệp), phương
tiện sinh sống chân chính ( chính mạng),sự cố gắng đi về đường chính
(chánh tinh tiến) và sự xử dụng đúng pháp những trạng thái thiền
định về mục đích giải thoát (chánh định). Con đường này gọi là con
đường thánh đạo, là aryamarga, là con đường cần được chỉ bày
cho nhân gian. “Chánh niệm là con đường duy nhất để thực hiện giải
thoát và giác ngộ", sa môn Siddhatta thì thầm. Nhìn thấu vào tâm
niệm của mọi loài chúng sanh, Siddhatta đã chứng được tha tâm
minh. Đồng thời ông cũng đạt tới khả năng có thể thấy có thể
nghe tất cả niềm vui nỗi khổ của mọi loài mà không cần đi tới tận
chỗ. Cùng một lúc ông đạt tới thiên nhãn minh, thiên nhĩ minh và
thần túc minh.
Lúc ấy, trời đã cuối canh ba. Sấm sét đã im. Mây đen đã cuốn sạch.
Và trăng sao lại vằng vặc hiện ra trên bầu trời trong suốt.
Sa môn Gotama có cảm giác một cái nhà tù thường giam hãm con người
trong ngàn vạn kiếp đã vừa bị phá tung. Vô minh là người chủ ngục.
Vì sự u mê cho nên những vọng động (hành) đã gợn lên trong tâm thức
cũng như mây đen đã giăng bủa trên bầu trời và che lấp cả trăng sao.
Từ những vọng động của tâm thức mà phát sinh ra sự phân biệt tâm và
vật, chủ thể và đối tượng, ta và người, có và không, còn và mất
(danh sắc, lục nhập, xúc). Từ sự phân biệt ấy phát sinh sự tù túng
(thọ, ái, thủ, hữu). Nhà tù đã được xây dựng kiên cố. Trong khổ đau
(sinh lão bệnh tử), vô minh lại ngày càng sâu nặng, và bốn bức tường
của cái nhà tù càng ngày càng thêm vững chắc. Càng vùng vẫy, con
người càng thấy những bức tường của nhà tù vững chắc. Chỉ có một
cách mà thôi: đó là nắm lấy người chủ ngục và khám phá chân tướng
nó. Người chủ ngục ấy là vô minh. Phương pháp giải trừ vô minh là
con đường bát chánh đạo. Một khi tên chủ ngục không còn thì ngục tù
bị phá tung, và không bao giờ còn được xây dựng trở lại.
Sa môn Gotama mỉm cười, thì thầm:
- Này kẻ cai tù ơi, ta đã nhìn thấy ngươi. Từ bao nhiêu kiếp rồi,
ngươi đã thiết lập bao nhiêu phen những nhà tù sinh tử. Bây giờ đây
những bức tường đã bị phá vỡ. Kèo cột đã bị đập nát. Ta đã nhìn rõ
mặt mũi của ngươi rồi. Từ nay trở đi, ngươi không còn xây được một
cái nhà tù nào nữa”.
Nhìn lên, Siddhatta thấy sao Mai đã mọc ở chân trời, lấp lánh như
một hạt kim cương lớn. Lâu nay ngồi dưới gốc pippala, Siddhatta đã
nhiều lần trông thấy ngôi sao này. Nhưng hôm nay sao Mai hiện ra như
một ngôi sao mới, chói sáng và lấp lánh mừng vui như nụ cười giác
ngộ. Siddhatta nhìn sững ngôi sao Mai rồi buột miệng lên tiếng:
- “Lạ thay, tất cả mọi chúng sanh đều có sẵn hạt giống của trí tuệ
giác ngộ trong lòng. Vậy mà trong ngàn muôn ức kiếp cứ để cho tự
mình lặn ngụp trong biển sinh tử khổ đau. Thật là đáng thương”.
Siddhatta biết rằng đạo lớn đã được tìm ra, và hoài bão lớn của ông
đã đạt được. Tâm hồn an lạc, thư thái, ông nghĩ đến những năm lặn
lội kiếm tìm với bao nhiêu gian truân và nhọc nhằn. Ông nghĩ tới
cha, tới mẹ, tới dì, tới Yasodhara, tới Rahula và tới mọi bạn bè
quen thuộc. Ông nhớ tới triều đình, tới kinh thành Kapilavatthu, tới
dân, tới nước, tới những kẻ cùng khổ thiếu may mắn, và tới những đứa
bé sống lây lất trong các xóm nghèo. Ông hứa sẽ tìm cách đem ánh
sáng của con đường mới soi tỏ đường đi nước bước của họ và dìu họ ra
khỏi biển khổ. Tình thương nơi ông dào dạt hơn bao giờ hết bởi vì
trí tuệ nơi ông bây giờ sáng tỏ hơn bao giờ hết.
Bóng tối đã tan. Nắng đã lên. Chim chóc đã bắt đầu ca hát. Nắng đã
bắt đầu lọc qua những chiếc lá non. Nắng và lá đẹp một cách lạ kỳ.
Sa môn Gotama đứng dậy. Rời chỗ ngồi, ông đi dần ra phía bờ sông.
Trên bờ cỏ, các bông hoa đủ màu đã lấm tấm nở trong nắng mai. Nắng
như reo mừng trên không gian, trên cành lá và trên mặt sông. Hình
như bước tới đâu ông thấy hoa nở tới đó. Sầu đau không còn có mặt.
Tất cả những mầu nhiệm của hiện hữu nối tiếp nhau hiển bày trước mắt
ông. Tất cả hôm nay đều như đổi mới, đều như khác lạ. Nền trời xanh
đối với ông cũng là mới lạ. Đám mây trắng đối với ông cũng là mới
lạ. Vũ trụ mới tinh, và tự thân sa môn Gotama cũng mới tinh.
Vừa lúc ấy thì Svastika chạy tới. Thấy chú bé chăn trâu, Siddhatta
mỉm miệng cười. Svastika đứng dừng lại. Cậu bé nhìn ông chăm chăm,
hai mắt như bỡ ngỡ và miệng há to. Nó quên cả chắp hai tay lên trán
để chào. Siddhatta gọi:
- Svastika!
Chú bé giật mình, đáp:
- Dạ!
Rồi mới chắp tay chào. Nó tiến tới mấy bước nữa, ngừng lại, rồi lại
đứng nhìn Siddhatta trân trân. Cuối cùng nó thẹn thùng nói:
- Thưa thầy, hôm nay con trông thầy rất khác lạ.
Vị sa môn vẫy nó lại gần và ôm nó trong hai tay. Ông hỏi:
- Con thấy ta khác thế nào?
Úp mặt vào Siddhatta, Svastika nói:
- Con không biết. Con chỉ biết là hôm nay thầy khác lắm. Con thấy
thầy như một cái mặt trời.
Siddhatta xoa đầu cậu bé:
- Vậy hả con? Con thấy thầy như là cái gì nữa?
Svastika nhìn lên:
- Con thấy thầy như một bông sen vừa nở. Con lại thấy thầy như ...
như ... mặt trăng trên đỉnh núi Gayasisa.
Siddhatta nhìn vào mắt Svastika:
- Con là thi sĩ rồi đó. Nào, nói cho thầy nghe đi, tại sao hôm nay
con đến thăm thầy sớm thế? Trâu của con được thả ăn ở đâu ?
Svastika kể cho Siddhatta nghe là hôm nay cậu không phải thả trâu
cho ăn, vì tất cả mấy con trâu lớn đều được đưa đi cày ruộng. Chỉ có
một con nghé thì được giữ tại chuồng. Hôm nay nó chỉ cần đi cắt cỏ
cho trâu mà thôi. Hồi hôm nó và mấy em thức dậy vì tiếng sấm sét và
vì mưa dột ướt cả mấy cái chõng tre. Mấy anh em đều phải chỗi dậy.
Chưa bao giờ nó thấy có trận mưa lớn và sấm chớp nhiều như vậy. Cả
bọn đều nghĩ đến Siddhatta và đứa nào cũng lo lắng cho Siddhatta.
Chúng ngồi với nhau cho đến khi trời tạnh mưa mới đi ngủ lại. Và khi
trời mới sáng, Svastika đã chạy qua chuồng trâu để lấy quang gánh đi
cắt cỏ. Nó muốn ra sớm để tìm xem Siddhatta có được an lành không.
Và khi ra tới bờ sông thì nó gặp Siddhatta.
Vị sa môn cầm tay Svastika:
- Ngày hôm nay là ngày vui nhất của thầy. Chưa bao giờ thầy vui như
hôm nay. Nếu được thì chiều nay các con ghé lại cây pippala chơi với
thầy. Nhớ cho mấy đứa em của con đến với nhé. Bây giờ thì con hãy đi
cắt cỏ cho đầy gánh đi.
Svastika sung sướng chạy đi, trong khi vị sa môn tiếp tục đi từng
bước một trên bờ sông ngập nắng.
C19. Trái quít của chánh niệm
Trưa hôm ấy khi mang cơm vào rừng cho sa môn Siddhatta, Sujata thấy
ông đang ngồi dưới gốc cây pippala, đẹp như một buổi sáng mai. Nét
mặt ông rạng rỡ, toàn thân ông tỏa chiếu sự an lạc và thanh tịnh. Đã
hàng trăm lần Sujata trông thấy cảnh tượng vị sa môn ngồi tĩnh tọa
trang nghiêm hùng tráng và đẹp đẽ dưới gốc cây pippala, nhưng hôm
nay cô bé cảm thấy một điều gì rất khác lạ. Nhìn Siddhatta, Sujata
tự nhiên cảm thấy tất cả những buồn lo của mình tan biến và niềm vui
phát hiện trong lòng cô như một ngọn gió mùa Xuân. Cô có cảm tưởng
rằng cô không còn ham muốn hay mơ ước một cái gì trên cuộc đời này
nữa cả. Tất cả vũ trụ như đã trở nên hoàn toàn tốt lành, hoàn toàn
đẹp đẽ và trong nhân gian không ai cần phải nhọc nhằn lo lắng nữa.
Sujata tiến tới mấy bước, đặt thức ăn xuống trước mặt vị sa-môn rồi
sụp xuống lạy. Cô bé cảm thấy rất an ổn và nhận ra rằng niềm an lạc
và thanh tịnh của thầy đã tỏa chiếu và đi vào trong con người của
cô. Siddhatta mỉm cười nhìn Sujata. Ông nói:
- Con ngồi xuống đây. Thầy cám ơn con đã cúng dường cơm nước cho
thầy trong suốt thời gian sáu tháng. Hôm nay là ngày vui nhất của
thầy, bởi vì đêm qua thầy vừa tìm ra đạo lớn. Con hãy vui mừng đi.
Mai mốt thầy sẽ ra đi để chỉ bày cho mọi người con đường thầy mới
tìm ra được.
Sujata nhìn lên, ngạc nhiên:
- Mai mốt thầy sẽ ra đi ?
Thầy bỏ chúng con sao ?
Siddhatta cười hiền hậu:
- Mai mốt thầy sẽ ra đi. Nhưng thầy sẽ không bỏ các con. Trước khi
từ giã các con, thầy cũng sẽ dạy cho các con con đường thầy mới khám
phá.
Sujata chưa được yên tâm. Cô bé định hỏi thêm, thì Siddhatta đã nói
tiếp:
- Thầy sẽ ở lại đây với các con ít ra cũng là một tuần trăng nữa.
Thầy sẽ dạy đạo cho các con. Sau đó thầy mới lên đường. Nhưng như
vậy không có nghĩa là thầy sẽ xa các con mãi mãi. Thỉnh thoảng trên
đường hành đạo, thầy sẽ ghé thăm và chơi với các con.
Nghe nói sa môn sẽ ở lại một tuần trăng trước khi lên đường, Sujata
mới tạm yên dạ. Cô bé quỳ xuống, mở gói lá chuối và dâng cơm lên.
Siddhatta thọ trai, trong khi Sujata ngồi một bên, im lặng. Thỉnh
thoảng cô bé lại ngước lên ngắm nhìn vị sa môn đang thong thả bẻ
từng miếng cơm nhỏ chấm vào muối mè để ăn. Cô thấy lòng hân hoan
không biết chừng nào mà kể.
Thọ trai xong, Siddhatta bảo Sujata đi về, và hẹn xế chiều sẽ gặp
lại cùng với bọn trẻ trong xóm.
Chiều hôm ấy, bọn trẻ đến rất đông. Ba đứa em của Svastika cũng đều
có mặt. Các cậu con trai đều đã tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc tươm tất.
Các cô bé đều choàng sari màu. Sujata mặc sari lụa màu ngà.
Nandabala màu đọt chuối. Bhima màu hồng. Bọn trẻ ngồi quanh
Siddhatta dưới gốc cây pippala, rực rỡ như những bông hoa.
Sujata đã đem đến rất nhiều trái dừa và những thẻ đường thốt nốt để
thết đãi thầy Siddhatta và cả bọn. Chúng cạy dừa và bẻ ra từng miếng
để ăn với nhau rất là vui vẻ. Đường thốt nốt càng làm cho dừa ngon
thêm. Nandabala và Subash cũng đem theo mấy mươi trái quít. Chúng
chia nhau bóc quít ăn. Sa môn Siddhatta ngồi giữa bọn trẻ, rất vui.
Bé Rupak mời ông một miếng dừa và một miếng đường thốt nốt, đặt trên
một cái lá pippala . Nandabala dâng ông một trái quít. Ông tiếp nhận
mọi thứ và cùng ăn chung với bọn trẻ.
Bữa tiệc ngắn chưa chấm dứt, Sujata đã lên tiếng:
- Thưa các anh chị, các bạn và các em. Thầy nói hôm nay là ngày vui
nhất của thầy vì Đạo Lớn đã được tìm ra. Sujata cũng cảm thấy hôm
nay là một ngày rất lớn của Sujata. Vậy thưa các anh chị, các bạn và
các em; tất cả chúng ta hãy xem ngày hôm nay là một ngày vui lớn.
Chúng ta họp lại hôm nay để mừng ngày thành đạo của thầy. Bạch thầy,
Đạo Lớn đã thành, chắc thầy không ở lại với chúng con được lâu.
Chúng con xin thầy dạy cho chúng con những điều mà chúng con có thể
hiểu được, để chúng con được thấm nhuần ơn đức của thầy.
Nói xong, Sujata chắp hai tay lại hướng về sa-môn Gotama, dáng điệu
kính cẩn và tha thiết. Nandabala và bọn trẻ cũng đều chắp tay hướng
về Siddhatta với vẻ chí thành.
Siddhatta im lặng. Một lát sau ông ra hiệu cho bọn trẻ bỏ tay xuống,
và nói:
- Các con là những đứa trẻ thông minh, thế nào các con cũng hiểu và
làm theo được những lời ta dạy. Đạo Lớn mà ta tìm ra rất sâu kín và
nhiệm mầu, nhưng nếu người nào chịu học hỏi hết lòng cũng có thể
thấy và hành theo được. Con đường ta tìm ra được gọi là con đường
tỉnh thức.
Khi các con bóc một trái quít ra ăn, các con có thể ăn quít một cách
tỉnh thức hay không tỉnh thức. Thế nào gọi là ăn quít một cách tỉnh
thức ? Đó là trong khi ăn quít, mình biết là mình đang ăn quít,
mình cảm nhận được hương thơm và vị ngọt của trái quít. Khi bóc quít
mình biết là mình đang bóc quít, khi gỡ một múi quít bỏ vào miệng,
mình biết là mình đang gỡ một múi quít bỏ vào miệng, khi tiếp xúc
với hương thơm và vị ngọt của múi quít, mình biết là mình đang tiếp
xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít. Trái quít mà chị
Nandabala vừa tặng cho thầy hồi nãy có tất cả là chín múi. Thầy đã
ăn từng múi trong sự tỉnh thức như thế và thầy thấy được rằng trái
quít là rất quý giá, rất mầu nhiệm. Trong suốt thời gian ăn trái
quít thầy không quên trái quít, vì vậy trái quít có thật đối với
thầy trong thời gian đó. Trái quít có thật thì người ăn quít cũng có
thật. Và như vậy tức là ăn quít trong sự tỉnh thức.
“Này các con, còn thế nào gọi là ăn quít một cách không tỉnh thức?
Đó là trong khi ăn quít, mình không biết là mình đang ăn quít, mình
không cảm nhận được hương thơm và vị ngọt của trái quít. Khi bóc
quít, mình không biết là mình đang bóc quít, khi gỡ một múi quít bỏ
vào miệng, mình không biết là mình gỡ một múi quít bỏ vào miệng, khi
tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít, mình không biết là
mình đang tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít. Ăn quít
như thế thì không thấy được sự quý giá và mầu nhiệm của trái quít.
Ăn quít mà không biết là mình ăn quít, thì trái quít không thật sự
có mặt. Trái quít không thật sự có mặt thì người ăn quít cũng không
thật sự có mặt. Các con, đó là ăn quít mà không có sự tỉnh thức.
“Này các con, ăn quít trong tỉnh thức có nghĩa là trong khi ăn quít
ta xúc tiếp thật sự với trái quít, óc ta không suy nghĩ vẩn vơ đến
những chuyện khác, chuyện của ngày hôm qua, chuyện của ngày mai; vì
tâm ta an trú trong giờ phút hiện tại cho nên trái quít mới thật sự
có mặt. Như vậy, sống tỉnh thức tức là sống trong giây phút hiện
tại, thân và tâm an trú trong giây phút hiện tại.
“Người tu tập phép tỉnh thức khi cầm trái quít trong tay và nhìn vào
trái quít có thể thấy được những điều mà người khác không thấy. Nhìn
trái quít trong tỉnh thức, các con có thể thấy được cây quít, các
con có thể thấy được cây quít nở hoa trong mùa Xuân, các con có thể
thấy được ánh nắng và giọt mưa đang nuôi lớn trái quít. Nhìn sâu hơn
nữa các con có thể thấy được muôn vật trong vũ trụ đang tiếp tay
nhau để làm cho trái quít có mặt. Nhìn một trái quít như thế, người
tu tập phép tỉnh thức có thể thấy được những sự mầu nhiệm của vũ trụ
và đồng thời cũng thấy được sự giao tiếp trùng trùng của mọi vật
trong vũ trụ đối với nhau”.
“Này các con, đời sống hàng ngày của chúng ta cũng giống như một
trái quít. Nếu trái quít có thể có chín múi hoặc mười múi hay mười
hai múi, thì mỗi ngày cũng có hai mươi bốn giờ. Mỗi giờ là một múi
quít. Sống một ngày hai mươi bốn giờ cũng như ăn cả một trái quít:
con đường mà ta tìm ra là con đường sống tỉnh thức suốt hai mươi bốn
giờ một ngày, thân và tâm luôn luôn an trú trong hiện tại. Ngược lại
tức là sống trong quên lãng. Sống trong quên lãng tức là sống
mà không biết là mình sống, sống mà không thật sự tiếp xúc với sự
sống, bởi vì thân tâm mình không an trú trong hiện tại ".
Nói tới đây, sa môn Gotama gọi:
- Này Sujata.
- Dạ, Sujata chắp tay nhìn lên chờ đợi.
- Con nghĩ sao, khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy
làm nhiều lầm lỗi hay ít lầm lỗi ?
- Bạch thầy, khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy ít phạm vào
lầm lỗi. Mẹ con thường dạy: làm con gái con phải có ý có tứ khi đi,
khi đứng, khi nói, khi cười và khi làm việc. Con thấy rằng sống có ý
có tứ cũng như sống tỉnh thức. Nếu con để tâm vào công việc, nếu con
có ý có tứ trong khi đi, đứng, nói, cười thì trong đời sống hàng
ngày con tránh được những ý nghĩ, những lời nói và những động tác có
thể gây nên sự đổ vỡ và làm kẻ khác phiền lòng.
- Đúng như vậy, Sujata. Khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy
biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì và vì vậy người ấy có thể
tránh được những ý nghĩ, lời nói và động tác có thể gây nên khổ đau
cho mình và cho kẻ khác.
Này các con, sống tỉnh thức tức là sống trong giờ phút hiện tại, và
biết được những gì đang xảy ra trong bản thân mình và hoàn cảnh
mình. Sống như thế ta tiếp xúc được với sự sống, và nếu tiếp tục
sống tinh cần như thế ta có thể hiểu biết được bản thân ta và hoàn
cảnh ta một cách sâu sắc. Và sự hiểu biết đưa tới sự chấp nhận và sự
thương yêu. Khi mọi loài hiểu biết nhau, chấp nhận nhau và thương
yêu nhau thì cuộc đời sẽ không còn nhiều khổ đau. Này Svastika, con
nghĩ sao? Người ta có thể thương được không, nếu người ta không hiểu
?
- Bạch thầy, không hiểu thì khó có thể thương. Xin thầy nhìn em
Bhima của con. Có một hôm bé Bhima khóc hoài, khóc cả đêm, làm cho
chị nó là bé Bala nổi cáu lên, phát cho nó một cái thật mạnh vào
mông. Bhima bị chị đánh lại khóc to hơn. Con đến ẵm Bhima và con
biết rằng Bhima đang sốt. Có thể nó khóc vì đang bị nhức đầu. Con
gọi Bala mà nói:
“Này Bala, hãy tới sờ đầu em mà xem”. Bala tới sờ đầu em, hiểu ngay.
Mặt nó dịu lại. Nó ôm em vào lòng, rồi ru em với tất cả sự thương
yêu. Em Bhima nín khóc, dù nó vẫn còn sốt. Bạch thầy, đó là nhờ Bala
đã hiểu. Cho nên con nghĩ rằng nếu không hiểu thì không thể thương.
- Con nói đúng lắm, Svastika ! Có hiểu mới thương, và có thương mới
biết chấp nhận. Này các con, tập sống cho tỉnh thức các con sẽ từ từ
hiểu; hiểu mình, hiểu người, hiểu vạn vật và các con sẽ có lòng
thương. Đó là những điều sơ lược về con đường mầu nhiệm mà ta đã tìm
ra”.
Svastika chắp tay:
- Bạch thầy, chúng con có thể gọi con đường ấy là con đường tỉnh
thức không?
Siddhatta cười:
- Được chứ, các con có thể gọi đạo của ta là đạo tỉnh thức.
Ta cũng ưa cách gọi ấy của các con lắm.
Sujata chắp tay xin phép nói:
- Còn thầy là người đã tỉnh thức, đã biết sống tỉnh thức và sẽ đi
dạy đạo tỉnh thức cho mọi người. Vậy chúng con có thể gọi thầy là
người tỉnh thức được không?
Siddhatta gật đầu:
- Các con đặt tên cho ta như vậy, ta bằng lòng lắm. Cứ gọi ta là
người tỉnh thức. Cách gọi ấy ta thấy đơn sơ mà thân mật.
Mắt của Sujata sáng lên. Cô bé nói:
- Tỉnh thức nói theo tiếng Magadhi là budh. Người
tỉnh thức nói theo tiếng Magadhi là Buddha. Vậy từ nay
chúng con gọi thầy là Bụt.
Siddhatta gật đầu. Tất cả bọn trẻ đều hoan hỷ. Nalaka, mười bốn
tuổi, là người con trai lớn tuổi nhất trong bọn. Cậu lên tiếng:
- Lạy Bụt, chúng con rất sung sướng được Bụt dạy cho chúng con về
con đường tỉnh thức. Con nghe em Sujata nói gần sáu tháng nay Bụt
ngồi tu dưới gốc của cây pippala này, và chính đêm qua Bụt đã thành
đạo dưới gốc cây pippala này. Thưa Bụt, cây pippala này đẹp nhất
trong rừng. Chúng con muốn đặt tên cây này là cây tỉnh thức,
có được hay không? Cây tỉnh thức tức là cây Bồ đề, bởi vì chữ bồ
đề (bodhi) cũng cùng một họ với chữ bụt, cũng có nghĩa là sự
tỉnh thức.
Sa môn Siddhatta Gotama gật đầu. Ông rất hoan hỷ. Ông không ngờ
trong một buổi nói chuyện ngắn ngủi với bọn trẻ nhỏ trong rừng mà
ông đã có tên, đạo của ông mới tìm được đã có tên, và cây đại thọ
nơi ông tìm ra đạo lớn cũng đã có tên.
Nandabala chắp tay:
- Chúng con xin bái biệt Bụt hôm nay. Trời đã gần tối. Ít hôm nữa
chúng con sẽ xin trở lại để được Bụt dạy dỗ.
Bọn trẻ nhất loạt đứng dậy chắp tay búp sen để cám ơn và từ giã Bụt.
Chúng ríu rít vui mừng như một đàn chim. Bụt cũng vui. Bụt đã quyết
định ở lại rừng này trong một thời gian để chiêm nghiệm về cách đem
gieo rắc những hạt giống của đạo tỉnh thức trong cuộc đời, đồng thời
cũng để có thời gian thể nghiệm đầy đủ niềm an lạc lớn lao do sự
chứng đạo đem tới.
C20.
Nai ngọc
Mỗi ngày, Bụt đều có xuống tắm dưới dòng Neranjara. Người thường đi
bách bộ để thiền hành trên bờ sông hoặc ở những con đường mòn trong
rừng do chính dấu chân của ngài tạo ra. Có khi Bụt ngồi tĩnh tọa
trên bờ sông bên dòng nước chảy. Có khi Bụt ngồi tĩnh tọa dưới cây
bồ đề trong lúc hàng ngàn chim chóc ca hát líu lo trên cành lá. Lời
nguyền xưa bây giờ đã được thực hiện. Bụt biết là người sẽ trở về
Kapilavatthu. Ở đó có nhiều người đang chờ đợi Bụt. Nhưng Bụt cũng
nhớ rằng ở thành Rajagaha, vua Bimbisara cũng đang đợi chờ người.
Vua Bimbisara quả là một người bạn tri kỷ của Bụt. Bụt phải đáp lại
tấm thịnh tình đó trước. Và còn năm người bạn đồng tu nữa. Bụt phải
giúp đỡ cho họ. Họ là những người có khả năng tiếp nhận đạo giải
thoát. Có lẽ năm người ấy cũng chỉ đang quanh quẩn trong vùng này mà
thôi.
Dòng sông, bầu trời, trăng sao, núi rừng cũng như từng ngọn cỏ và
từng hạt bụi đều trở nên mầu nhiệm đối với Bụt. Người thấy những năm
lang thang tìm Đạo của mình trước kia không phải là vô ích. Chính
nhờ những năm phong trần ấy mà người thấy được rằng đạo sáng nằm
ngay trong tự tâm mình. Tâm của chúng sinh chính là tâm của giác
ngộ. Hạt giống tỉnh thức nằm ngay trong tâm của mỗi người. Chúng
sanh không cần đi tìm sự giác ngộ ở bên ngoài, bởi vì mỗi sinh vật
chứa đủ trong tự thân tất cả trí tuệ và hùng lực của toàn vũ trụ.
Đây là một phát kiến vĩ đại của Bụt, và là một tin mừng lớn cho tất
cả.
Bọn trẻ đã rủ nhau trở lại nhiều lần để được Bụt dạy dỗ. Trong khi
tiếp xúc với chúng, Bụt vui mừng nhận ra rằng đạo lý giải thoát có
thể được diễn bày bằng một ngôn ngữ đơn giản và mộc mạc. Bọn trẻ, dù
là những em bé chưa bao giờ đi học cũng có thể hiểu được giáo pháp
của Bụt. Điều này làm cho Bụt phấn khởi. Có một bữa nọ, bọn trẻ đã
tới với Bụt với một rổ quít. Rổ quít này do Sujata đem đến. Chúng
muốn được cùng ăn quít với Bụt trong sự tỉnh thức để thực tập lại
bài học đầu tiên mà chúng đã được học về đạo Bụt. Sujata nâng rổ
quít đi mời từng người. Trước hết cô bé quỳ trước Bụt và nâng rổ
quít lên trên hai tay, đầu cô bé hơi cúi xuống trong dáng điệu thành
kính. Bụt chắp tay thành búp sen và tiếp nhận một trái quít từ trong
rổ. Sujata hướng sang mời Svastika hiện đang ngồi phía bên trái của
Bụt. Svastika cũng chắp tay búp sen như Bụt để tiếp nhận một trái
quít. Sujata làm như thế cho đến khi mọi người đều đã có trong tay
một trái quít mới trở về chỗ ngồi. Đặt rổ quít trước mặt, cô bé cũng
chắp tay trước khi lấy lên một trái quít. Bọn trẻ im lặng. Bụt bảo
chúng theo dõi hơi thở và mỉm cười. Rồi Bụt để trái quít lên trên
lòng bàn tay trái, đưa lên, nhìn vào trái quít để quán tưởng và
chiêm nghiệm. Bọn trẻ đồng loạt làm như Bụt. Một lát sau, Bụt từ từ
bóc quít. Bọn trẻ cũng làm như người. Thầy trò thong thả ăn quít
trong im lặng, trong tỉnh thức. Khi mọi người đã ăn xong quít, Bala
đi thu hồi tất cả những cái vỏ quít. Bọn trẻ rất sung sướng được ăn
quít với Bụt trong chánh niệm và Bụt cũng cảm thấy một niềm vui lớn
khi được ngồi thực tập với bọn trẻ tuy quê mùa nhưng rất dễ thương
này.
Bọn trẻ thường trở lại với Bụt vào những buổi chiều. Có khi Bụt dạy
chúng cách theo dõi hơi thở để điều phục tâm ý trong những khi buồn
bực hoặc nóng giận. Có khi Bụt dạy chúng cách ngồi yên để làm cho
tâm trí tĩnh lặng. Có khi Bụt dạy chúng cách đi thiền hành để học
nếm sự thảnh thơi. Bụt dạy chúng thật kỹ về cách nhìn người và nhìn
sự việc: nhìn như thế nào để có thể thấy, có thể hiểu và có thể
thương. Bài dạy nào bọn chúng cũng hiểu được.
Một hôm nọ, Nandabala và Sujata quyết định cùng nhau may một chiếc
áo ca sa mới để dâng Bụt. Hai chị em đã để ra một ngày để làm chuyện
này. Chiếc áo ca sa mới này màu gạch, hơi giống với tấm vải mà Bụt
đang choàng. Sujata đã khám phá được nguồn gốc của tấm vải đó. Đó là
tấm vải đã được đem phủ lên thi hài của Radha, người ở của nhà cô,
khi còn quàng ngoài nghĩa địa. Radha đã chết vì bệnh thương hàn. Ba
mẹ của Sujata đã nuôi một người ở khác tên là Purna. Khi biết rằng
thầy mình đã phải lấy một tấm vải ngoài nghĩa địa để giặt đi mà làm
áo ca sa, Sujata như muốn khóc. Và đó là lý do khiến cô bé đi tìm
người chị họ.
Ngày hai chị em đem áo vào dâng, Bụt đang ngồi thiền dưới gốc Bồ đề.
Hai chị em ngồi im lặng đợi cho đến khi người xuất thiền mới dâng áo
ca sa lên. Bụt rất vui lòng khi có áo mới. Người nói người sẽ cần
đến áo này. Và người nói người muốn giữ lại tấm vải, để mỗi khi giặt
áo thì có vật khoác lên trên người. Nghe nói thế, Nandabala và
Sujata quyết định may thêm cho Bụt một chiếc áo nữa để người có thể
thay được áo ngoài mà đem đi giặt.
Một hôm nọ, bọn trẻ được nghe Bụt kể một chuyện tiền thân. Hôm ấy
chúng đến khá đông. Bé Balagupta hỏi Bụt về tình bạn. Balagupta là
một cô bạn gái của Sujata, mới lên mười hai tuổi. Sở dĩ Balagupta
hỏi Bụt về tình bạn vì ngày hôm trước cô bé đã cùng với cô bạn gái
là Jatilika có chuyện xích mích cùng nhau, và hôm nay trước khi đi
vào thăm Bụt cô bé đã định không ghé vào rủ Jatilika cùng đi. Nhưng
cuối cùng, Sujata đã ép cô vào rủ Jatilika. Jatilika đã chiều Sujata
mà đi, nhưng khi tới cội bồ đề, đôi bạn ngồi ra hai góc chứ không
ngồi gần sát bên nhau như trong những lần khác.
Bụt kể cho bọn trẻ nghe về tình bạn giữa một con nai, một con chim
và một con rùa. Theo Bụt thì chuyện này đã xảy ra từ thời xa xưa,
cách đây hàng ngàn năm, lúc Bụt còn là một con nai. Bọn trẻ ngạc
nhiên. Nhưng Bụt bảo:
- Trong những kiếp trước, chúng ta ai cũng đều đã từng làm đất, làm
đá, làm sương, làm gió, làm nước, làm lửa. Chúng ta ai cũng đều đã
từng làm làm rêu, làm cỏ, làm cây cối, làm côn trùng, làm cá, làm
rùa, làm chim muông, làm thú vật. Điều này ta thấy rất rõ trong
thiền quán của ta. Vậy thì trong một kiếp trước, ta đã làm một con
nai, đó là chuyện rất thường. Ta còn nhớ, có một kiếp nọ, ta làm một
mỏm đá trên đỉnh núi. Có một kiếp khác nữa, ta đã làm một cây bông
sứ. Các con cũng vậy. Chuyện ta sắp kể là chuyện một con nai, một
con chim, một con rùa và một bác thợ săn. Có thể là một đứa trong
các con ngày xưa ấy đã làm con chim, và một đứa khác làm con rùa.
Các con nên biết, có một thời nọ, trên cõi đất của chúng ta, chưa có
mặt của loài người, và cũng chưa có mặt các chim chóc và muông thú.
Lúc ấy chỉ có rong rêu dưới nước và cây cối trên cạn mà thôi. Hồi
đó, chúng ta chỉ có thể là đất đá, sương khói hoặc cây cối. Rồi từ
đó mà chúng ta luân chuyển thành chim chóc, thành các loài cầm thú
và thành con người. Ngay trong kiếp này, chúng ta cũng không phải
chỉ là người. Ta là người nhưng ta cũng đồng thời là cây lúa, là cây
dừa, là trái quít, là dòng sông, là không khí ... bởi vì nếu không
có mặt những thứ đó thì con người cũng không thể nào có mặt. Cho nên
khi các con nhìn cây lúa, trái dừa, trái quít, dòng sông, các con
nên nhớ trong kiếp này tuy mình là người mình cũng phải nương tựa
vào các loài ấy và mình cũng có thể nói rằng mình là những loài ấy.
Thấy được như vậy mới thật là có hiểu biết và có tình thương.
Chuyện ta sắp kể cho các con nghe tuy đã xảy ra cách đây hàng ngàn
năm nhưng cũng có thể là đang xảy ra ngay trong giờ phút này. Các
con hãy lắng nghe cho kỹ mà suy nghĩ, để xem mình có dính líu gì tới
những con vật trong truyện hay không!
Rồi Bụt bắt đầu kể. Thuở ấy Bụt là một con Nai ở trong rừng. Trong
rừng có một hồ nước. Dưới hồ nước có một con Rùa. Bên hồ nước có một
cây dương, và trên cây dương có một con chim Sáo. Nai, Rùa, và Sáo
chơi với nhau rất thân. Một hôm, có một người thợ săn đi theo dấu
Nai tới bên hồ, nơi Nai thường xuống uống nước. Ông ta đặt một cái
bẫy bằng những sợi dây da rất chắc ở đó, rồi đi về nhà. Nhà ông ta
không xa bìa rừng là mấy.
Chiều hôm ấy, tới bờ hồ để uống nước. Nai bị mắc bẫy. Nai kêu lên.
Rùa và Sáo nghe tiếng Nai. Rùa bò đến. Sáo bay tới. Thấy Nai bị nạn,
Rùa và Sáo bàn nhau phương thức giải cứu cho bạn. Sáo nói với Rùa:
“Chị Rùa ơi, chị có răng khỏe thì chị hãy gắng gặm cho đứt những
chiếc dây da của cái bẫy này. Còn em, em sẽ tìm cách ngăn ông thợ
săn lại, đừng cho ông tới ”. Nói xong, Sáo vội vã bay đi.
Rùa khởi sự gặm các sợi dây da. Sáo bay ra khỏi rừng, tới nhà người
thợ săn và đậu sẵn trên một cành cây xoan trước cửa nhà, chờ đợi.
Trời sáng, người thợ săn cầm lấy con dao nhọn và mở cửa đi ra. Thấy
người thợ săn bước ra, Sáo vỗ cánh bay tới và lao mình vào mặt ông
ta bằng hết cả sức mạnh. Bị Sáo đập vào mặt, bác thợ săn choáng
váng. Bác trở lui vào nhà. Bác nằm xuống giường để nghỉ ngơi chốc
lát. Hồi lâu sau đó bác lại chồm dậy, cầm lấy con dao nhọn. Lần này,
bác đi ra bằng cửa sau. Nhưng Sáo đã biết trước. Sáo đã chực sẵn
trên một cành mít ở sân sau. Khi bác thợ săn mở cửa đi ra, Sáo lại
vỗ cánh và lao mình vào mặt bác một lần nữa.
Bị chim tấn công hai lần liên tiếp, bác thợ săn quay vào nhà. Bác
suy nghĩ: Ngày hôm nay xấu quá. Dù ta đi bằng ngõ trước hay bằng ngõ
sau thì cũng bị con chim quái gỡ này ngăn cản. Thôi ta hãy nghỉ
ngơi, để ngày mai sẽ vào rừng.
Sáng hôm sau, người thợ săn thức dậy sớm. Cầm lấy chiếc dao nhọn,
ông lấy nón đội lên che kín mặt rồi mở cửa đi ra. Không tấn công ông
ta vào mặt được nữa, Sáo lập tức bay về rừng báo cho hai bạn:
- Bác thợ săn sắp tới.
Lúc ấy, Rùa đã gặm đứt gần hết các sợi dây da. Chỉ còn có một sợi
nữa thôi là Nai có thể thoát được. Rùa dùng hết sức bình sinh để
gặm, nhưng sợi dây này cứng quá, cứng như thép. Răng của Rùa gần như
là sắp rụng hết và miệng Rùa chảy đầy máu rất là tội nghiệp. Rùa đã
ra sức gặm trong hai đêm và một ngày, miệng Rùa không chảy máu sao
được.
Trong lúc đó người thợ săn vừa tới. Trông thấy ông ta, Nai hoảng
kinh vùng mạnh một cái. Nhờ vậy sợi dây da mà Rùa gặm nửa chừng bị
đứt. Nai vội phóng vào rừng. Lúc đó Sáo đã bay lên đậu trên cây
dương. Nhưng Rùa kiệt sức quá, không bò đi đâu được. Thấy mất Nai,
bác thợ săn tức lắm. Bác lượm lấy Rùa, bỏ vào trong một cái túi da
và treo túi trên một thân cây rồi đi tìm Nai.
Lúc đó, Nai đang đứng sau một bụi rậm nhìn ra để thăm chừng các bạn.
Nai nghĩ: “Các bạn ta đã liều thân cứu ta. Đến lượt ta, ta cũng phải
liều thân cứu bạn”. Nghĩ như thế, Nai từ từ bước ra cho người thợ
săn trông thấy. Nai làm ra vẻ kiệt sức và khuỵu hai chân trước
xuống.
Người thợ săn nghĩ:
- Con Nai này kiệt sức rồi. Ta có thể đuổi theo nó và đâm nó một
nhát.
Ông ta liền cầm dao đuổi theo Nai. Nai đứng dậy từ từ đi vào rừng,
dụ bác thợ săn đi theo. Sau khi đã dụ được bác thợ săn đi vào khá
sâu trong rừng, Nai vụt chạy thật nhanh, làm mất dấu chân mình, rồi
phóng trở ra hồ nước. Tới bên cây dương, Nai dùng gạc của mình đẩy
cái túi da của bác thợ săn úp ngược xuống. Nhờ vậy, Rùa rơi ra khỏi
túi. Sáo cũng bay xuống gần. Nai nói với hai bạn:
- Nhờ hai bạn mà tôi đã thoát chết về tay người thợ săn. Tôi cám ơn
hai bạn. Người thợ săn sẽ trở lại ngay bây giờ. Anh Sáo, anh hãy dời
tổ anh đi nơi khác. Còn chị Rùa, xin chị bò xuống nước đi thôi. Mau
lên. Còn tôi, tôi sẽ đi ngay vào rừng.
Khi người thợ săn trở lại, ông ta thấy Rùa đã thoát đi đâu mất. Nai
và Sáo cũng bặt tăm. Buồn bã, ông ta đeo túi và cầm dao đi về nhà.
Bé Rupak và bé Subash nghe đến chỗ con Rùa gặm những sợi dây da suốt
hai đêm và một ngày khiến cho miệng Rùa chảy máu thì lấy làm thương
lắm. Chúng nó gần khóc. Kể xong chuyện tiền thân, Bụt hỏi:
- Các con nghĩ xem, thuở ấy ta là Nai, còn ai trong các con là Rùa?
Bốn em bé đưa tay lên. Svastika nhận thấy trong số những người đưa
tay có cả Sujata. Bụt lại hỏi:
- Vậy ai trong các con là Sáo?
Lần này Svastika đưa tay lên. Nó nhận thấy có hai đứa nữa cũng đưa
tay lên. Đó là Jatilika và Balagupta.
Sujata nhìn Jatilika rồi nhìn Balagupta:
- Cả hai em đều là Sáo, như vậy hai người chỉ là một người. Sáo mà
giận Sáo thì còn ra gì nữa. Tình bạn của chúng ta không bằng tình
bạn giữa Sáo, Rùa và Nai hay sao?
Nói xong Sujata lại nhìn Balagupta. Balgupta hiểu ý, đứng dậy. Cô bé
tiến tới chỗ Jatilika ngồi, đưa hai tay nắm lấy tay bạn. Jatilika
cũng đưa hai tay ôm Balagupta vào lòng. Rồi nó ngồi xịch ra một bên
cho Balagupta có chỗ ngồi sát bên nó.
Bụt mỉm cười:
- Các con đã hiểu được chuyện tiền thân. Các con nên nhớ rằng những
chuyện tiền thân như chuyện ta vừa kể đang xảy ra trong cuộc sống
hàng ngày giữa chúng ta.
|