
CHƯƠNG HAI
Ngày đầu
phiếu,
tình hình quân sự trên cả nước không có biến chuyển nào quan trọng,
Việt Cộng chỉ pháo kích lẻ tẻ ở một vài quận
hẻo lánh xa xôi, cho thấy cộng sản đã đi vào âm thầm, chui rút ở địa
phương. Có lẽ Việt Cộng giữ thái độ ngóng trông xem diễn biến chánh
trị miền Nam như thế nào. Hơn nữa lực lượng võ trang Việt Nam Cộng
Hòa cũng đã được đặt trong tình trạng báo động trăm phần trăm.
Các phòng phiếu trên toàn quốc đóng cửa vào lúc mười chín giờ, ngoại
trừ thủ đô Sài Gòn và các thành phố lớn như Huế, Đà Nẳng và Cần Thơ,
khóa sổ vào lúc hai mươi giờ. Từ hai mươi giờ trở đi, thiên hạ nôn
nóng trông đợi kết quả kiểm phiếu từ Bộ Nội Vụ. Vì Việt Nam chưa có
những cơ quan thăm dò dư luận để theo dõi ý định của cử tri ra khỏi
phòng phiếu, nên không ai có thể dự đoán được kết quả. Người ta mãi
miết bám lấy những bản tin của đài phát thanh, nhưng chỉ nghe nói
đến tỷ lệ người đi bầu ở các thành phố lớn và các tỉnh lỵ, từng đợt
sáu tiếng đồng hồ.
Cuộc bầu cử trôi qua một cách êm đẹp, không một trường hợp nào bất
thường mà cũng không một khiếu nại nào quan trọng và không một lời
phản đối nào hết. Dư luận trong nước cũng như quốc tế đều nhìn nhận
và ca ngợi rằng lần đầu tiên trong lịch sử chánh trị Á Ðông mới thấy
có một cuộc bầu cử ngay tình và dân chủ như vậy. Một số dư luận cho
rằng hành pháp, mà đứng đầu là Tướng Thái, đã tổ chức và tiến hành
thật hoàn hảo, chưa từng thấy. Có thể vì cá nhơn ông không liên hệ
trong cuộc chạy đua đó chăng?
Quá nửa đêm về sáng, văn phòng Phủ Quốc Trưởng và Phủ Thủ Tướng được
Bộ Nội Vụ báo cáo sơ khởi khuynh hướng của kết quả đầu phiếu. Chánh
Văn Phòng của hai phủ đó nhận được thông tin, nhưng chưa dám trình
lên thượng cấp liên hệ của mình vì chưa phải là kết quả chánh thức.
Vả lại những con số không mấy thuận lợi cho hành pháp tại chức. Cả
hai đều nán lại chờ một vài giờ nữa, khi có những dữ kiện dứt khoát
rồi trình luôn vì đêm chưa qua hẳn. Hy vọng số phiếu của những đơn
vị chưa kiểm xong sẽ đảo ngược được tình hình.
Đang lưỡng lự xem có nên đánh thức thượng cấp của mình để loan báo
những sự kiện bất lợi hay không thì, từ tư Dinh Quốc Trưởng, sĩ quan
tùy viên điện thoại cho biết là Đại Tướng muốn nói chuyện với ông
Chánh Văn Phòng:
- Đã có kết quả chánh thức chưa?
- Dạ thưa Đại Tướng, còn thiếu kết quả của một vài đơn vị nhỏ nữa.
- Nhỏ là sao, mà những địa phương nào? Nhưng, đại loại, liên danh
của mình như thế nào?
- Thưa Đại Tướng,... không được sáng sủa mấy.
- Như vậy thì số phiếu của mấy đơn vị nhỏ đó làm sao cứu vãn nổi!
Ông chánh văn phòng chưa kịp phân trần gì thì Đại Tướng đã cúp điện
thoại. Sáng ra, Phủ Quốc Trưởng vẫn hoạt động nhưng văn phòng chánh
danh của Quốc Trưởng vẫn im lặng như tờ, ông Chánh Văn Phòng và ban
Bí Thơ cứ cô đơn làm việc.
Cuộc bầu cử được tán dương là trong sạch, ngay tình và đứng đắn. Như
vậy một phần là vì liên danh của Đại Tướng quốc trưởng Trần Sa Châu,
được coi là của chánh quyền tại chức, mà cũng chỉ về thứ nhì, sau
liên danh Nguyễn Vĩnh Nguyên và Trần Việt của Quốc Tiến bảy nghìn
phiếu! Ðây cũng là lần đầu tiên trên chánh trường Á Ðông một chánh
đảng đối lập thắng cử một cách vẻ vang. Nhờ đó mà mọi lập luận tố
cáo bầu cử gian lận đã không thấy sử dụng đến trên các phương tiện
truyền thông và trong các tập thể thất cử, mặc dù trước và trong
ngày bầu cử người ta không ngớt nêu lên những trường hợp được nghi
là chủ tâm của chánh quyền để làm sai lạc kết quả bầu cử.
Liên danh Quốc Tiến đắc cử làm cho Đại Sứ Bagwell hết sức hài lòng.
Ngay khi có kết quả sơ khởi, ông đã cho đánh một bản phúc trình viễn
ấn về Bạch Cung, như để nói lên lòng tự hào của ông về lời hứa với
Tổng Thống Hoa Kỳ. Mấy tiếng đồng hồ sau khi Bộ Nội Vụ công bố kết
quả chánh thức thì Hoa Thịnh Ðốn đã phản ứng, dù cho bên Mỹ đang nửa
đêm, vì sai biệt giờ giữa hai nơi là mười
hai tiếng, và phát ngôn viên của Tổng Thống cho biết:
"Hoa Kỳ rất hài lòng về cuộc bầu cử dân chủ vừa rồi của Việt Nam
Cộng Hòa. Ngày nay sinh hoạt dân chủ của dân tộc hào hùng này là một
chỉ dấu vô cùng khích lệ. Chánh phủ và nhân dân Hoa Kỳ tin tưởng
rằng, dân tộc Việt Nam rồi đây sẽ có được một tương lai tự do dân
chủ tốt đẹp, huy hoàng và đáng được Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ trợ lực
rộng rãi".
Kết quả bầu cử được công nhận chánh thức thì các tướng lãnh được mời
về họp tại bộ Tổng Tham Mưu. Trên gương mặt của mỗi người thoáng
thấy một nét buồn nào đó xa xôi. Buồn cho sự thất bại của quân lực
trên chánh trường sau mấy năm cầm quyền mà không có lấy một chiến
lược chánh trị. Buồn vì chánh trị đã chia rẽ chiến hữu mà hậu quả
nhãn tiền là sự thất cử của liên danh Đại Tướng Châu. Buồn vì rồi
đây những đặc quyền của tướng lãnh không còn nữa với các người lãnh
đạo dân sự, nhứt là những nhà lãnh đạo thuộc một chánh đảng đã từng
đứng ở thế đối lập quyết liệt với phe quân nhơn.
Riêng Đại Tướng Châu thì buồn với nỗi buồn của một con người trọng
tuổi lại là một tướng lãnh niên trưởng mà phải mất thể diện vì chánh
trị, trong khi ông có thể kết thúc cuộc đời binh nghiệp một cách êm
xuôi, trong danh dự. Trong bầu không khí nặng nề đầy buồn tủi và lo
âu như thế bao trùm phòng họp thênh thang, Trung Tướng Tư Lịnh vùng
Hỏa Tuyến mạnh dạn đứng lên phát biểu, sau khi Đại Tướng tuyên bố
khai mạc phiên họp:
- Kính thưa Đại Tướng. Thưa các bạn. Kết quả của cuộc bầu cử là một
gáo nước lạnh tạt vào mặt chúng ta giữa mùa đông giá lạnh! Ðiều đó
không còn ai phủ nhận được. Chúng ta đã nắm chánh quyền từ sau khi
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị lật đổ đến nay mà không giữ được thế
đứng của mình qua cuộc tuyển chọn của nhân dân. Nếu cảm tình mà quần
chúng nhân dân đã dành cho quân đội trong những ngày lật đổ Tổng
Thống Ngô Ðình Diệm thắm thiết bao nhiêu thì mấy năm chấp chánh của
quân lực đã làm cho nó suy tàn một cách thậm tệ. Lỗi đó tại ai, dĩ
nhiên là không phải tại chúng tôi, những thằng lính ở tuyến đầu...
Đại Tướng Châu linh cảm là mũi dùi tấn công đó dành cho ông, hay ít
ra cho cả ông lẫn Tướng Thái, nên ông lên tiếng ngay, hy vọng làm
dịu bớt tình hình:
- Trung Tướng đừng nói nhiều về lỗi lầm đã qua làm chi nữa vì có nói
cũng không cứu vãn được gì. Trái lại, những lời trách móc trong giai
đoạn này chỉ làm sứt mẻ thêm tình huynh đệ chi binh. Giờ đây, trở về
với chiến trường, chúng mình phải làm sao để xây dựng trở lại một
quân lực được mọi người kính nể.
Tướng Thái như bắt được chiếc phao giữa giòng nước lũ dẫy đầy chỉ
trích:
- Tôi xin tán thành ý kiến của Đại Tướng Chủ Tịch. Ðến đây chưa phải
là sứ mạng của quân lực đã chấm dứt. Chúng ta lúc nào cũng phải giữ
tư thế phòng bị vì chưa có thể hoàn toàn tin tưởng ở khả năng lãnh
đạo đất nước, đang phải đánh nhau với cộng sản, của những ông chánh
khách. Chúng ta vẫn còn nhiệm vụ theo dõi sự lớn mạnh của chánh thể
cộng hòa, qua định chế mà chúng ta đã dày công hình thành. Quân lực
lúc nào cũng phải ở thế sẵn sàng. Kinh nghiệm của những ngày sau đảo
chánh vẫn còn đó. Chắc các bạn cũng còn nhớ. Sau chánh biến 1963, áp
lực Mỹ và đòi hỏi của những nhà chánh trị phòng lạnh đã bắt buộc
quân lực phải nhường chỗ cho một chánh phủ dân sự. Nhưng, khi nắm
quyền xong thì lại xôi thịt, xâu xé nhau rồi quân lực phải đứng ra
cáng đáng. Ai cũng thế, đứng ngoài thì tha hồ mà chỉ trích, phê
bình. Khi nhập cuộc rồi mới biết đá biết vàng!
Trung Tướng Tư Lịnh vùng Châu Thổ cảm thấy Tướng Thái muốn phản công
những tướng lãnh không tham chánh và định lèo lái câu chuyện sang
một hướng khác nên chận ngay:
- Không cần dông dài gì hết, Trung Tướng Thái phải nhìn nhận chỗ sai
quấy của anh trước đã. Ai cũng biết là chính anh đã thao túng chánh
trường rồi dẫn dắt nó đi đến chỗ tồi tệ cho quân lực ngày nay. Tôi
được biết rằng chính anh đã vì quyền lợi riêng tư mà làm lệch cán
cân thắng cử về phía liên danh Quốc Tiến, do chỗ có hứa hẹn gì đó
của ông Nguyên...
- Tôi xin Trung Tướng không nên nói như thế. Tôi đâu phải là một con
người dễ mua chuộc đến như vậy. Trung Tướng có bằng chứng gì không?
- Làm sao có bằng chứng được, với một con người quá khôn khéo và mưu
mẹo như anh? Nhưng tôi tin chắc rằng người cung cấp tin tức cho tôi
không nói dối. Ðể rồi anh em sẽ thấy, sau khi ông Nguyên nhậm chức.
Tướng Tư Lịnh Sơn Khu nổi giận:
- Nếu quả như vậy thì quá tồi tệ! Lẽ nào người ta lại có thể hy sinh
một tập thể, đã từng nằm gai nếm mật, sống chết bên nhau, vì một
quyền lợi cá nhân? Nếu sự thật được chứng minh trong tương lai thì
anh Thái sẽ không ngồi dược lâu trong Dinh số 7 đâu. Quân lực sẽ
đứng lên một lần nữa để lật đổ con người phản bội đó rồi tới đâu thì
tới.
Đại Tướng Châu lo ngại, tìm cách dập tắt ngọn lửa nóng giận đang
bùng lên:
- Ðâu còn có đó! Xin anh em hãy bình tỉnh. Vì chánh trị, chúng ta đã
chia rẻ quá nhiều. Ngày nay thời kỳ chánh trị của chúng ta sắp hết,
tôi tưởng chúng mình nên đoàn kết hơn nữa để bảo vệ lấy nhau. Trong
tương lai, nếu không đoàn kết thì chúng ta sẽ bị chánh khách chi
phối nặng nề. Chừng đó, chúng mình chỉ còn biết cúi đầu vâng dạ thi
hành mệnh lệnh của họ như thời Ngô Ðình Diệm, dù bị coi như là không
đứng đắn. Tôi yêu cầu anh em nên nghĩ lại cho kỹ.
Sau những lời qua tiếng lại cho hả dạ rồi cuộc họp gay cấn cũng tan
trong lạnh lùng và nghi vấn. Nhiều nhóm thảo luận nhỏ vẫn còn tiếp
tục trong khi Tướng Châu và Tướng Thái lặng lẽ ra về. Trên đường về
tư dinh, Tướng Thái lại suy nghĩ về đề nghị của ông Nguyên trước
ngày bầu cử. Sau phiên họp lúc nãy, Tướng Thái nghĩ rằng điều kiện
mà ông định đưa ra cho ông Nguyên rất phiền phức cho cá nhân ông.
Tiếp tục làm thủ tướng cho một vị Tổng Thống trước kia đối lập với
chế độ của mình không phải là chuyện chưa hề xảy ra trên đời này. Mỹ
sẽ cho rằng đó là trường hợp mở rộng căn bản chánh quyền. Nếu ông cứ
đòi hỏi thì chắc là ông Nguyên sẽ không từ chối. Nhưng, như thế sẽ
chứng minh những gì Tướng Tư Lịnh Châu Thổ đã nói trong phiên họp
lúc nãy là đúng. Tướng Thái không phải là con người chịu chấp nhận
phiền toái khi có thể tránh được. Làm đại sứ sau một thời gian tung
hoành trên chiến trường và chánh trường đâu phải là chuyện nhục nhã.
Trong bầu không khí mát lạnh từ chiếc máy điều hòa không khí trên xe
thổi ra, Tướng Thái mĩm cười xóa bỏ mọi phiền muộn mà phiên họp đã
đem lại cho ông.
* * *
Sau khi được chánh thức công nhận đắc cử, hai ông Nguyễn Vĩnh Nguyên
và Trần Việt mời ban chấp hành Quốc Tiến họp lại để tham khảo tìm
người chỉ định vào chức vụ thủ tướng. Sau hai ngày tham khảo trong
nội bộ Quốc Tiến cũng như với nhiều đoàn thể áp lực chánh trị và tôn
giáo, ông Nguyên đưa vấn đề ra trước một phiên họp của ban chỉ đạo:
- Sau những cuộc thăm dò rộng rãi, tôi xin báo cáo với quý chánh hữu
rằng dù muốn dù không và dù chúng ta đã thắng trong một cuộc tuyển
cử tự do, chúng ta không thể một sớm một chiều xếp qua một bên các
tướng lãnh đã làm chánh trị từ bao lâu nay, nhứt là những tướng lãnh
đã góp phần trong việc hình thành ra những định chế dân chủ mà chúng
ta sắp có nhiệm vụ thi hành. Mặc dù liên danh quân lực không thắng
được liên danh chúng ta nhưng họ cũng có một số phiếu đáng kể. Ðiều
đó chứng minh rằng quần chúng cũng công nhận rằng quân đội còn có
tác dụng trong đời sống của họ. Vả lại, mối đe dọa của cộng quân vẫn
còn trước mặt chúng ta, những người làm chánh trị tay không. Chính
ông Đại Sứ Ellis Bagwell cũng đồng ý với tôi là quân lực phải còn có
vai trò của họ trong chánh trị Việt Nam Cộng Hòa này trong một thời
gian nữa. Bởi vậy cho nên tôi thấy rằng chúng ta cần có sự tiếp tay
của một số tướng lãnh đã tham chánh, ít ra trong buổi giao thời ngắn
ngủi. Tôi xin đề nghị với ban chỉ đạo đồng ý cho chúng tôi mời Trung
Tướng Thái tiếp tục giữ ghế Thủ Tướng có hạn định dưới chánh thể của
chúng ta...
Xao động nổi lên quanh bàn hội. Nhiều người nhìn sang Trần Việt để
tìm phản ứng đầu tiên. Trần Việt yên lặng, cúi mắt nhìn tập hồ sơ
trước mặt. Không để cho ông Nguyên nói tiếp, một ủy viên vội vàng
lên tiếng ngay:
- Mở rộng căn bản chánh quyền là một nguyên tắc hay trong giai đoạn
chuyển tiếp hiện nay. Nhưng, mời Tướng Thái ngồi lại ghế thủ tướng
là một trường hợp xem ra không ổn. Rồi đây dư luận quốc nội và quốc
tế sẽ nghĩ thế nào về chúng ta, một đảng đối lập trong quá khứ, nhứt
là đương đầu lại chánh quyền của Tướng Thái? Phải chi ông ta là một
nhân vật vẹn toàn thì không nói gì. Ðằng này ông ấy đã bị quá nhiều
tai tiếng đến đổi phải từ bỏ chuyện ra ứng cử vừa rồi, lại bị Quốc
Tiến chúng ta đả kích không thương xót mà nay vẫn tiếp tục làm Thủ
Tướng cho chánh quyền của mình thì coi sao được?
Một ủy viên khác tiếp lời:
- Hơn nữa, Tướng Thái là một con người mà Mỹ không muốn thấy trên
chánh trường Việt Nam Cộng Hòa nên đã phá hỏng ý định tranh cử của
ông ta. Nếu chúng ta đưa ông ấy trở lại chánh trường thì chúng ta
phải chuốc lấy sự phiền muộn từ phía Hoa Thịnh Ðốn rồi. Như vậy sẽ
khó khăn cho chúng ta không ít.
Sau nhiều ý kiến không thuận lợi cho Tướng Thái, ông Trần Việt mới
lên tiếng để tìm lối thoát cho sự cam kết tiền bầu cử mà ông Nguyễn
Vĩnh Nguyên đã cho ông biết hồi gần đây:
- Ý kiến của của quý chánh hữu ủy viên đều xác đáng. Trong tư cách
dân biểu, cá nhân tôi đã từng chỉ trích Tướng Thái nhiều và mạnh dạn
hơn ai hết tại nghị trường. Tôi không có lý do gì để bênh vực cho
ông ấy tại phiên họp này. Tuy nhiên, tôi cũng xin quý chánh hữu hãy
đứng trên quan điểm của một chánh đảng cầm quyền mà xét lại vấn đề.
Giờ đây chúng ta có thể cởi bỏ mặc cảm đảng đối lập, tự tôn lẫn tự
ti, để nhìn vào mọi vấn đề một cách rộng lượng hơn.
- Tôi rất đồng ý với chánh hữu Tổng Bí Thơ. Nhưng, trong số các
chánh hữu chúng ta có biết bao nhiêu người đã từng sống chết với
đảng mà nay lại nhìn thấy một ông Tướng, đã không xứng đáng gì, lại
tiếp tục làm Thủ Tướng thì thử hỏi phản ứng của họ sẽ ra sao?
Thấy bầu không khí bàn cãi có khuynh hướng đi xa, ông Nguyên lên
tiếng:
- Tôi biết rõ tâm trạng của anh chị em đảng viên đối với một trường
hợp như thế. Nhưng, cứu cánh biện minh cho phương tiện và nhu cầu
chánh trị đôi khi bắt buộc người ta phải đi ra ngoài những lối mòn
của những gì mà người đời cho là hợp tình hợp lý. Mong sao quý chánh
hữu thấu được nỗi khổ tâm của chúng tôi. Chánh hữu Tổng Bí Thơ liệu
có giải pháp nào khác không?
- Tôi nghĩ thời gian ba hoặc sáu tháng Thủ Tướng cho Tướng Thái cũng
chẳng phải một thiệt hại gì to lớn cho đảng chúng ta so với nhiệm kỳ
bốn năm. Trái lại, trong thời buổi đầu hôm sớm mai của nhiệm kỳ,
chúng ta cần có thời gian để sắp xếp lại đội ngũ trước giờ "tấn
công".
- Thật là tuyệt hảo, ý kiến đó của chánh hữu Tổng Bí Thơ! Nếu cứ
nhứt quyết đặt một Thủ Tướng của chúng ta rồi các tướng lãnh bất mãn
lại tìm cơ hội đảo chánh nữa thì chúng ta sẽ mất mát nhiều hơn.
- Nhưng, tại sao phải đưa Tướng Thái trở lại ghế Thủ Tướng chớ?
Chúng ta có thể đưa một vài tướng có khả năng gây bất ổn chánh trị
đi làm đại sứ ở một nước nào đó vô thưởng vô phạt thì chắc là có
tham vọng mấy thì cũng chẳng làm gì được.
- Ðó cũng là một giải pháp đẹp, nhưng chưa chắc đã giúp đỡ được gì
cho chúng ta trong thời gian mới bắt tay vào chánh quyền, một chánh
quyền đã từng bị quân nhơn chi phối từ bao lâu nay.
Như để tổng kết phiên họp, Tổng Thống đắc cử Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa
gom góp chồng hồ sơ lại vừa kết luận:
- Như thế là các chánh hữu đã cho chúng tôi hai lối thoát để giải
quyết một vấn đề khá tế nhị sau khi nhậm chức. Trên nguyên tắc,
phiên họp đã đồng ý để cho tướng lãnh tiếp tục làm chánh trị với
chúng ta trong thời gian chuyển tiếp không quá sáu tháng. Tham dự
với tư cách nào, các chánh hữu cũng đã bàn qua. Căn cứ trên những ý
kiến được đúc kết, chúng tôi sẽ tùy cơ ứng biến, khi nói chuyện với
Trung Tướng Thái. Dù thế nào thì quyền lợi của đảng cũng là kim chỉ
nam cho tôi trong các cuộc họp với ông ta.
Ở phiên họp ra, Tổng Thống đắc cử Nguyễn Vĩnh Nguyên bảo ông bí thư
của ông gọi điện thoại sang văn phòng Trung Tướng Thủ Tướng để hẹn
gặp. Ông chánh văn phòng phủ Thủ Tướng cho biết là Tướng Thái đang
bận họp ở Tổng Tham-Mưu. Ðược khẩn khoản, ông chánh văn phòng đành
thu xếp một cuộc gặp gỡ tại tư dinh Tướng Thái, nhưng ông cũng không
quên cho ông bí thư của ông Nguyên biết là phải sau mười bốn giờ vì
Trung Tướng Thủ Tướng dùng cơm trưa tại câu lạc bộ sĩ quan.
Tướng Thái về đến nhà thì ông Nguyên đang ngồi chờ ở phòng khách. Sự
có mặt sớm sủa của ông Nguyên để chờ đợi ông như thế cho Tướng Thái
hiểu rằng ông Nguyên chắc đang nôn nóng cần bàn hay giải quyết một
vấn đề gì với ông. Tướng Thái khách sáo xã giao:
- Xin lỗi ông Chủ Tịch - xin lỗi, tôi muốn nói Tổng Thống đắc cử -
đã phải chờ đợi chúng tôi. Phiên họp hôm nay khá dài dòng và bữa ăn
cũng hơi kéo dài nên tôi về hơi muộn.
- Trung Tướng bận tâm làm chi vấn đề chi tiết đó. Sớm muộn gì mình
cũng sẽ là chỗ thân tình với nhau. Tôi đến đây trước tiên là để góp
thêm một lời khen tặng Trung Tướng về cuộc bầu cử vừa qua. Thật là
một cuộc bầu cử hiếm có, không những trong nền dân chủ Việt Nam Cộng
Hòa của chúng ta mà cả trong nếp sống chánh trị của Ðông Nam Á nữa.
Sau đó là để thảo luận lại một cách dứt khoát với Trung Tướng về vai
trò quan trọng của Trung Tướng trong chánh thể sắp tới.
- Liệu tôi sẽ giúp ích được gì cho Tổng Thống? Giờ đây tôi như con
bài đã bị đánh dấu rồi!
- Trung Tướng khéo nói thì thôi. Theo chúng tôi thì công lao của
Trung Tướng trong việc hình thành chế độ sắp tới đâu phải là nhỏ.
Chính chế độ quân nhơn, nói đúng ra là chính Trung Tướng, đã dựng nó
lên và cũng chính Trung Tướng đã đặt nó vào vòng tay chúng tôi. Rồi
đây, nếu Trung Tướng đại diện cho chế độ ở các nước thân hữu nữa thì
chúng tôi nghĩ không còn gì hơn được.
- Quan điểm của Tổng Thống thật vô cùng an ủi đối với tôi, một kẻ
sắp giã biệt thành quả chánh trị của chính mình để đi vào sự quên
lãng của quần chúng. Nhưng, xin Tổng Thống thử đứng vào vị trí của
tôi mà quan niệm vai trò tương lai của tôi. Tôi không thể đảm nhiệm
một vai trò nào thấp hơn vai trò hiện nay của tôi. Nếu như Đại Tướng
Châu đắc cử Tổng Thống thì tôi không thấy gì trở ngại nếu phải làm
Đại Sứ cho chánh thể của ông ấy. Ðàng này, Quốc Tiến đã từng là đối
lập với chế độ quân nhơn, nếu không muốn nói là với chính cá nhân
tôi, nay tôi chấp nhận vai trò Đại Sứ của chế độ của Tổng Thống thì
thiên hạ còn coi tôi ra gì nữa?
- Trung Tướng cũng có lý. Nhưng, chắc là Trung Tướng cũng thừa biết
là người cầm đầu đoàn thể chánh trị đâu phải là có trọn quyền hành
động và quyết định.
- Vậy thì Tổng Thống cứ đương nhiên coi những lời cam kết trước ngày
bầu cử như không có. Tôi sẵn sàng trở về với quân đội một cách vui
vẻ. Nhưng, chắc là Tổng Thống cũng thấy trước là tôi sẽ khó kiểm
soát được những anh em tướng lãnh nóng tánh?
Ông Tổng Thống đắc cử cảm thấy một mối đe dọa nào đó, tuy xa xôi
nhưng cũng đáng ngại cho cái chánh quyền chưa trao sang tay ông. Ông
nhớ lại bầu không khí của phiên họp ban chỉ đạo. Nhưng, đồng thời
ông cũng nhớ đến hai giải đáp của bài toán mà ông đã được ủy thác.
Ông đến gặp Tướng Thái không phải với một đáp số duy nhứt cho bài
toán mà ông thấy trước là sẽ khó khăn vô cùng. Sau một lúc thảo luận
để hy vọng tìm được lối thoát ít tốn kém nhứt cho Quốc Tiến, nhưng
rốt cuộc ông cũng phải đi đến kết luận:
- Cá nhân tôi thì tôi không có gì phải đắn đo thắc mắc liên quan đến
vị trí hợp tác của Trung Tướng. Nhưng, một số chánh hữu trong ban
chỉ đạo của chúng tôi hơi khó tánh.
- Việc đó tùy Tổng Thống. Là con người yêu nước thật tâm và thật
tình, tôi có thể phục vụ tổ quốc ở bất cứ cương vị nào.
- Sự hợp tác của chúng ta không thể trả giá, như Trung Tướng đã
không trả giá với chúng tôi trước ngày bầu cử. Thật ra tôi đến đây
để trân trọng mời Trung Tướng tiếp tục ở chức vụ đó cùng với chúng
tôi vì
vấn
đề
ổn định chánh trị của đất nước.
- Xin Tổng Thống cho tôi một thời gian suy nghĩ.
- Tôi mong rằng thời gian đó không quá lâu vì lễ nhậm chức của tôi
đã gần kề. Tôi rất nôn nóng chờ tin Trung Tướng.
* * *
Sau một ngày mệt nhọc với các cuộc lễ và những buổi liên hoan nhân
dịp Tổng Thống mới nhậm chức và hình thành Đệ Nhị Cộng Hòa, Đại Sứ
Ellis Bagwell vừa trải qua một đêm tịnh dưỡng thật êm đềm. Cảm giác
của một con người hoàn thành sứ mạng chỉ còn chờ cấp trên khen
thưởng. Tuy nhiên, với tuổi đời chồng chất, những hoạt động ráo riết
như con thoi của ông trong thời bầu cử Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa
đã làm ông cảm thấy rã rời. Gần hai tháng rồi, ông chưa thực hiện
một chuyến bay nào sang Népal để thăm phu nhân, dẫu cho bà đã mấy
lần bay sang Việt Nam thăm ông. Lẽ ra trong những ngày cuối tuần này
ông phải đi về "quê vợ" nhưng ông cảm thấy thời gian ngơi nghỉ chưa
đủ với thân xác và tinh thần của một con người trọng tuổi như ông.
Sáng nay là một sáng chủ nhật, ông Đại Sứ còn uể oải vì những âu lo
vừa qua cho cuộc bầu cử của Việt Nam. Mặt trời đã lên cao. Bên
ngoài, thành phố Sài Gòn rất ồn ào với tiếng máy nổ của mọi thứ xe
vận chuyển bình dân, vậy mà bên trong khuôn viên dinh thự của ông
Đại Sứ cứ êm tĩnh nhờ những bức tường cao ngăn cách và sân cỏ minh
mông. Ông Đại Sứ rời phòng ngủ đi về hướng chiếc ghế dài bằng mây
sơn trắng, trải nệm cao su xốp bọc vải màu nước biển, nằm chờ bên bờ
hồ tắm của tư dinh.
Cũng như hầu hết tư dinh Đại Sứ Hoa Kỳ ở mọi nơi trên thế giới, tư
dinh Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn là một hải đảo thần tiên giữa bao nhiêu
là cơ cực của người dân bản xứ. Nhìn lên trời, ông Đại Sứ sẽ thấy
một vùng trời bao la. Nhìn ra xa, ông Đại Sứ sẽ thấy màu xanh của
bãi cỏ, lấy giống từ Phi Luật Tân, bao quanh tư dinh ngăn cách ông
với người dân đường phố ồn ào và bát nháo của một thủ đô tràn ngập
dân số bị chiến tranh xua đuổi khỏi nông thôn.
Trong khi đó, người dân bản xứ nếu muốn có một mảnh trời êm ả, một
vùng cỏ xanh phẳng lặng để tìm đôi chút thư thái cho lòng mình sau
sáu ngày lao tâm nhọc trí thì phải ra xa lộ hay về miền quê. Là
người từ phương xa đến nhưng ông Đại Sứ có tất cả mọi tiện nghi mà
người dân Việt Nam bình thường coi như một ảo ảnh nhởn nha nhởn nhơ,
chập chà chập chờn, không bao giờ bắt được!
Ông Đại Sứ vừa ngồi xuống ghế mây thì hàng tựa tám cột của tờ
"Sunday News", một tờ báo tiếng Anh xuất bản tại Sài Gòn, làm ông
tỉnh ngủ:"CHẾ ÐỘ MỚI VỚI NGƯỜI CŨ!" Bài báo tiết lộ sớm nhứt tin
Tướng Thái sẽ tiếp tục làm Thủ Tướng cho chế độ mới. Bài xã luận thì
xoay quanh ý niệm "bình mới nhưng rượu cũ".
Bài báo và bài xã luận tạo nên một xúc động mạnh trong tâm tư ông
Đại Sứ khiến ông bỏ bữa điểm tâm mà người hầu bàn vừa dọn ra cho ông
trên chiếc bàn sắt cạnh hồ bơi. Ông Đại Sứ ném tờ báo xuống ghế dài,
vội vã đi vào nhà gọi điện thoại cho Norton. Norton đi vắng! Ông gọi
trợ lý chánh trị. Ông này bay lên Ðà Lạt! Sau mối lo về bầu cử mùa
thu ở Việt Nam và khi bầu cử đã đúng với ý muốn thì tòa Đại Sứ như
cảnh chợ chiều sao?!
Ông Đại Sứ bực dọc đến cực độ. Ông đành gọi ngay cho Tổng Thống đắc
cử. Người đối thoại đầu dây bên kia cho ông biết rằng ông Nguyên và
gia đình đã đi Vũng Tàu từ sáng sớm. Ông Đại Sứ ném mạnh liên hợp
điện thoại xuống bàn, bình bông bên cạnh rơi xuống đất bể tan. Nét
mặt ông để lộ một sự bất bình gay gắt, trong khi người hầu lom khom
nhặt những mảnh vụn của lọ hoa và mấy đóa hồng tươi đẹp nằm hớ hênh
một cách vô duyên trên sàn nhà.
Từ khi ông sang Việt Nam đến nay, đây là lần đầu tiên những người
hầu cận tư dinh Đại Sứ mới thấy "ông già tủ lạnh" bốc lửa. Ông chỉ
thị cho viên bí thư trực tại tư dinh dàn xếp cho ông một cuộc hội
kiến khẩn cấp với Tổng Thống Nguyên. Nhu cầu của ông Đại Sứ không
được thỏa mãn vì văn phòng di chuyển cho biết rằng Tổng Thống và gia
đình hiện không có trên đất liền. Theo dự trù, Tổng Thống sẽ trở lại
đất liền lối mười tám giờ và sau đó về Sài Gòn ngay.
Ông Đại Sứ chỉ còn biết đưa hai cánh tay dài thõng thượt lên trời
rồi để cho nó tự nhiên rơi xuống dọc theo người ông trong một thái
độ bất bình. Ông lắc đầu về điều mà ông cho là hiện tượng phổ biến ở
những người gọi là lãnh đạo của cái đất nước bất hạnh này. Khi nào
người ta còn tranh đấu để nắm cho được uy quyền thì người ta nhìn
vào kẻ cầm quyền bằng một cặp mắt chỉ trích khắt khe. Nhưng, khi đã
lên ghế uy quyền rồi thì khuynh hướng hưởng thụ lại manh nha. Người
ta tự nhìn mình qua một lăng kính chủ quan và có không biết bao
nhiêu lý lẽ để biện minh cho hành động của chính mình.
Ông Đại Sứ để cho lòng nôn nóng của ông chấp nhận thử thách và chờ
cho ngày chúa nhựt mau tàn để gặp tân Tổng Thống. Trong khi đó,
đường dây viễn ấn giữa Hoa Thịnh Ðốn và Sài Gòn vẫn rộn rịp hoạt
động và thắc mắc của Bạch Cung về trường hợp lưu nhiệm Tướng Thái
vẫn thôi thúc ông Đại Sứ. Văn phòng Tổng Thống Hoa Kỳ đòi hỏi khẩn
cấp phúc trình và phản ứng của Sài Gòn về việc Tướng Thái được Tổng
Thống tân cử mời ở lại ghế Thủ Tướng.
Về phía ông Đại Sứ thì ông lại phải chờ Tổng Thống Nguyên trở lại
Sài Gòn để có yếu tố phúc đáp. Cho nên, ông bị bắt buộc phải tìm
cách hoãn binh mặc dù thâm tâm ông cảm thấy nhột nhạt vì ý thức rằng
như vậy là nhiệm vụ đại sứ của ông chưa tròn. Ðại sứ gì mà không
theo sát được bước tiến của thời sự chánh trị, chỉ biết một tin tức
quan hệ như thế qua báo chí? Ông tự kiểm điểm và suy ngẫm về cơ cấu
hoạt động của bộ máy công tác tại đại sứ quán do người tiền nhiệm
của ông để lại. Chân ướt chân ráo mà nhiệm sở lại phải đương đầu với
một biến cố chánh trị quan trọng, ông chưa có dịp để xem vấn đề nhân
sự cho nên mạng lưới tin tức của ông đang có nhiều lỗ hỏng đáng sợ.
Rồi đây ông phải duyệt lại tất cả. Ông không ngờ rằng cung cách làm
việc của người Mỹ lại khiếm khuyết đến như vậy. Chẳng lẽ nhân viên
sứ quán đã bị môi trường địa phương làm hư hỏng cả hay sao?
Thế nhưng, phản ứng chậm chạp như thế của ông đối với một biến cố
chánh trị quan trọng tại một nước mà chiến lược chống cộng của Mỹ
đang được cả thế giới dòm ngó và chánh sách viện trợ của Mỹ đang bị
quần chúng nhân dân chỉ trích là một thái độ khó được Bạch Cung chấp
nhận. Hoa Thịnh Ðốn thấy rằng Ellis Bagwell chưa chế ngự được những
người cầm quyền mới tại Việt Nam Cộng Hòa. Ðiều đó làm cho Hoa Thịnh
Ðốn không mấy hài lòng.
Sự bực dọc của Hoa Thịnh Ðốn hiển hiện rõ nét trên các công điện
viễn ấn. Nhưng, ông Đại Sứ cũng chẳng làm được gì để thỏa mãn thượng
cấp của ông vì yếu tố để trả lời nằm ở Tổng Thống Nguyên. Và, đây
cũng là một dịp làm cho ông bừng tỉnh liên quan đến cung cách làm
việc với những người lãnh đạo mới của nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam.
Ông cứ tưởng là mối liên hệ công tác giữa tòa Đại Sứ và Hành Pháp
Việt Nam vẫn đi theo đường lối xưa cũ, với các tướng làm chánh trị,
quen được Đại Sứ Hoa Kỳ dìu dắt và khuyên nhũ. Ông chợt nhớ ra rằng
Tổng Thống Nguyên là người của chánh đảng vừa nắm quyền hành pháp
qua sự tín nhiệm của cử tri, chớ không phải là người được Mỹ đưa đẩy
vào thế cầm quyền như các tướng lãnh. Bằng cách tự trách mình nhưng
ông Đại Sứ lại mưu tính một cung cách làm việc mới với những người
lãnh đạo tân cử để đưa họ vào nề nếp của một lối sinh hoạt Mỹ-Việt
tốt đẹp. Phải như thế chánh sách và đường lối của Hoa Thịnh Ðốn mới
thành công sau này.
Trực thăng của Tổng Thống Nguyên vừa đáp xuống sân thượng Dinh Ðộc
Lập thì ông Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống đến gặp ngay để trình
việc Đại Sứ Ellis Bagwell xin gặp khẩn cấp. Tổng Thống Nguyên cảm
thấy hơi bối rối khi biết rằng ông Đại Sứ đã xin gặp ông từ ban
sáng. Ông linh cảm là sẽ có vấn đề gì quan trọng và gấp lắm. Hơn
nữa, ông hơi bực mình vì có cảm tưởng như một người có hành động sai
quấy và bị bắt quả tang vì có người ngoại cuộc, hơn nữa là Đại Sứ
Mỹ, biết rằng một Tổng Thống vừa nhậm chức đã đi nghỉ ngơi. Tổng
Thống Nguyên hẹn gặp ông Đại Sứ lúc hai mươi mốt giờ tại Dinh Ðộc
Lập.
Như để phần nào sửa sai, ông rời khu tư dinh sang văn phòng sớm năm
phút để chờ ông Đại Sứ cho nó đẹp, nhưng vì quá nôn nóng ông này đã
đến rồi. Ông Đại Sứ được đưa vào tận phòng làm việc của Tổng Thống
Nguyên, nổi bực tức vẫn còn nguyên trên nét mặt. Tổng Thống Nguyên
niềm nở chào hỏi Đại Sứ Bagwell rồi vội vàng giải thích:
- Cả tháng qua, tinh thần tôi căng thẳng vô cùng. Tôi thấy cần có
đôi lúc nghỉ ngơi trước khi đương đầu với những trọng trách mới.
- Tôi rất hiểu trường hợp của Tổng Thống vì chính tôi đây còn cần
thấy được nghỉ ngơi như thế. Tuy nhiên, ngay bây giờ thì chưa phải
lúc.
- Ông Đại Sứ cần gặp tôi như thế này chắc là phải có chuyện khẩn
cấp?
- Thưa Tổng Thống, đúng vậy. Qua báo chí sáng nay, tôi rất ngạc
nhiên về việc Tổng Thống tiếp tục tín nhiệm Tướng Thái làm Thủ Tướng
cho Tổng Thống. Giá mà Tổng Thống cho tôi biết trước báo chí thì đẹp
bao nhiêu. Như thế, công việc của Tổng Thống cũng như của chúng tôi
sẽ được dễ dàng hơn và Hoa Thịnh Ðốn đỡ thắc mắc vì bị bất ngờ rồi
hỏi tới hỏi lui, thêm phiền phức cho Tổng Thống và tôi.
- Tôi nghĩ rằng đó là chuyện nội bộ của chúng tôi thì tôi có toàn
quyền quyết định. Hơn nữa, chính ông Đại Sứ cũng khuyến cáo tôi thực
hiện một cuộc chuyển tiếp quyền hành êm đẹp và dịu dàng. Ngoài ra,
việc Tướng Thái tiếp tục làm Thủ Tướng cho thấy rằng chánh thể của
chúng tôi bao dung, có căn bản rộng rãi.
- Tôi đồng ý với Tổng Thống trên nguyên tắc, nhưng Tướng Thái là một
trường hợp đặc biệt. Dỉ vãng của ông ấy không thể biện minh cho sự
hiện diện của ông ấy trong chế độ này. Tổng Thống quyết định một vấn
đề quan trọng như thế mà không tham khảo trước với chúng tôi, thật
đáng tiếc! Rồi đây sẽ có những khó khăn khó lường được hậu quả. Tôi
yêu cầu Tổng Thống nên xét lại vấn đề càng sớm càng tốt. Và, từ nay
về sau, tôi đề nghị Tổng Thống nên tham khảo và bàn trước với tôi
nhiều hơn nữa.
- Ðòi hỏi của ông Đại Sứ rất khó được thỏa mãn. Uy tín của một
nguyên thủ quốc gia không cho phép tôi phản lại quyết định của mình
trong đầu hôm sớm mai. Vả lại, đó là quyết định quan trọng đầu tiên
của tôi với tư cách là Tổng Thống của nền Đệ Nhị Cộng Hòa này. Ít
ra, chúng tôi phải để Tướng Thái làm việc, sau đó chúng tôi mới dứt
khoát được.
- Tổng Thống có thể chờ. Hoa Thịnh Ðốn và chúng tôi không đủ kiên
nhẫn vì chúng tôi đã biết Tướng Thái quá nhiều và nhứt là vì nhu cầu
chiến lược của nước Mỹ chúng tôi.
- Ông Đại Sứ đòi hỏi chúng tôi hơi nhiều! Chúng tôi cần có thời
gian.
- Việc đó tùy Tổng Thống. Sở dĩ tôi đưa ra điều kiện làm việc như
trên là vì quyền lợi chung của hai quốc gia cũng như của cá nhân
Tổng Thống và tôi.
Tổng Thống Nguyên cảm thấy mặt ông nóng lên. Một áp lực đầu tiên mà
ông phải chịu đựng với tư cách Tổng Thống dân cử. Ông Đại Sứ đã ra
về mà dư âm của câu nói đầy đe dọa còn văng vẳng bên tai ông Nguyên.
Tâm tư ông bỗng dưng rối loạn cùng với nhịp đập dồn dập của con tim.
Lần đầu tiên, ông Nguyên chạm với thực tế trắng trợn, trong tư thế
của người lãnh đạo quốc gia. Ông ngồi đối diện với cái bóng của
chính mình mà nghiền ngẫm một cách bực bội về cuộc đối thoại vừa
qua.
Khi ở ngoài chánh quyền ông cũng được nghe đến những áp lực của
Pháp, của Mỹ đối với những người lãnh đạo đất nước nhưng hôm nay ông
mới được trực tiếp với áp lực đó. Ông liên tưởng đến cuộc đảo chánh
trong đó Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị lật đổ vì xáo trộn xã hội thì
ít mà vì ương ngạnh với Mỹ lại nhiều hơn. Ông nhớ tới những người
lãnh đạo sau này, nhờ nghe lời Mỹ một cách ngoan ngoãn mà tồn tại.
Ông nghĩ tới tinh thần chống Mỹ của những quốc gia khác trên thế
giới, dù họ nhận viện trợ Hoa Kỳ.
Ông hồi tưởng lại những ngày sinh hoạt trong Quốc Tiến, có dịp hòa
mình với quần chúng nhân dân, tinh thần ghét Mỹ của họ đã là một
trong những yếu tố thúc đẩy đảng tranh đấu một cách hăng say và nồng
nhiệt. Những suy nghĩ của ông dẫn ông đến một quyết định dứt khoát
là không thể nào nhượng bộ Ellis Bagwell một cách dễ dàng như thế
được. Hơn nữa, đây là một cuộc chạm trán đầu tiên của ông với Mỹ
trên thế chánh quyền. Nếu nhượng bộ thì những gì là quyền hành của
ông trong suốt nhiệm kỳ sẽ chuyển từ Dinh Ðộc Lập sang tòa nhà đồ sồ
kia của sứ quán nằm trên đại lộ Thống Nhứt. Thà rằng không làm Tổng
Thống còn hơn. Dứt khoát được tư tưởng như thế, ông Nguyên rời phòng
làm việc trở lại khu tư dinh nhưng tâm tư ông không khỏi vương vấn
một vài lo âu thật xa xôi.
Với bản tánh cố hữu, Tổng Thống Nguyên tìm cách kéo dài thời gian để
đáp ứng lại áp lực của Đại Sứ Bagwell, viện cớ là ông cần phải sắp
xếp lại cơ cấu chánh quyền. Trong lúc đó thì ông Đại Sứ cứ nôn nóng
trông chờ kết quả của lời khuyến cáo mà ông đã đưa ra. Còn Hoa Thịnh
Ðốn thì cứ luôn nhắc nhở ông Đại Sứ về chuyện nội các của Tướng
Thái. Lòng kiên nhẫn của thủ đô Hoa Kỳ đã bị thách thức khá nhiều và
tâm trạng đó được phản ánh trong một vài bài bình luận của các báo
có ảnh hưởng đáng kể của Mỹ. Một cách tổng quát những bài báo đó cho
rằng:
"Chánh sách của chế độ mới tại Việt Nam Cộng Hòa, với kiểu chấp nối
uy quyền như người ta đang thấy hiện nay, khó tiến triển như Hoa
Thịnh Ðốn mong muốn để có ưu thế trong cuộc dàn xếp chiến tranh sắp
tới.
Có lẽ những nhà lãnh đạo mới của nền Đệ Nhị Cộng Hòa muốn có một sự
chuyển tiếp êm dịu, nhưng dường như họ đang phạm một sai lầm tai
hại. Dĩ vãng của vị Tướng cầm đầu nội các, cũng như sự nguyên vẹn
của nội các đó trong chánh thể mới không thể nào là liều thuốc an
thần hữu hiệu cho Hoa Thịnh Ðốn, trong trường hợp Mỹ muốn giải kết
tại tuyến đầu ngăn chận cộng sản đó".
Một vài nhựt báo Sài Gòn, mà khuynh hướng thân Mỹ đã nổi bật từ lâu,
cũng có bài chỉ trích nặng nề sự tồn tại của nội các Tướng Thái
trong chế độ dân cử. Có tờ tiết lộ tin cho rằng một số sĩ quan cấp
tá và tướng đã biểu lộ thái độ bất mãn vì thấy chế độ mới lại tiếp
tục giữ Tướng Thái ở vị trí đó. Giả thuyết, mà Tướng Tư Lịnh vùng
Châu Thổ đưa ra trước đây trong một phiên họp, được coi như là được
chứng minh đúng nên đã làm cho lòng tin của một số tướng lãnh khác
cũng chao đảo. Họ cho rằng Tướng Thái đã phản bội quân lực vì quyền
lợi riêng tư. Tin đồn về một biến cố quân sự để thanh trừng nội bộ
tướng lãnh đã được loan đi và được tòa Đại Sứ Hoa Kỳ thêm mắm giặm
muối cho thêm phần bi đát.
Biến chuyển của tình hình chánh trị tại Sài Gòn ngày một sôi động
hơn quanh chuyện nội các của Tướng Thái. Quốc Hội bắt đầu quan tâm
và một vài dân biểu bắt đầu đặt thành vấn đề và đòi đưa ra khoáng
đại hội nghị để biểu quyết bất tín nhiệm Tướng Thái cùng với nội các
của ông. Do một sự thúc đẩy thầm kín nào đó, túc số dân biểu đã đầy
đủ nên hội đồng nghị trình Quốc Hội phải đưa vấn đề ra khoáng đại.
Tổng Thống Nguyên cảm thấy lo âu vì ông chưa có được đa số ở Quốc
Hội, mặc dù trước kia dân biểu Trần Việt đã gây được khá nhiều cảm
tình ở đó.
Người lo âu nhiều nhứt là Tướng Thái vì kỳ này ông là đối tượng
chánh và khối dân biểu thân chánh ngày trước nay đang chuẩn bị
chuyển hướng. Hơn nữa, bây giờ Đại Tá Tư Lịnh cảnh sát quốc gia
không còn tác dụng gì nữa ở Quốc Hội. Tuy nhiên, Tổng Thống Nguyên
nghĩ rằng Quốc Hội khó có được đa số hai phần ba để biểu quyết đòi
ông phải thay Thủ Tướng, làm dở dang quyết định đầu nhiệm kỳ của
ông. Hơn nữa, hiến pháp còn cho Tổng Thống một lối thoát khác nữa là
phủ quyết, dựa trên một lý do đặc biệt.
Tổng Thống Nguyên chỉ thị cho ông Phụ Tá Đặc Biệt, có nhiệm vụ liên
lạc lập pháp, tiếp xúc với các khối lớn trong Quốc Hội để tìm cách
phá vỡ những thế liên minh nguy hiểm có cơ đưa tới đa số hai phần
ba. Ngoài ra, Phó Tổng Thống Trần Việt, với danh nghĩa cựu dân biểu
có nhiều cảm tình của đồng viện và có uy tín tại Quốc Hội trước kia,
cũng gia tăng hoạt động. Tổng Thống Nguyên, tích cực phá tan chiến
dịch bất tín nhiệm Tướng Thái, không phải vì ông nhứt quyết giữ ông
này bằng mọi giá nhưng vì uy tín và thể diện của chính ông. Tổng
Thống Nguyên không muốn quyết định quan trọng đầu tiên của một Tổng
Thống tân cử lại bị Quốc Hội bác bỏ, thì còn gì là giá trị của chính
ông và nếu những quyết định về sau của ông lại đều như thế hết thì
làm sao lãnh đạo được đất nước?
Chung cuộc, may mắn thay, nỗ lực đầu tiên của chế độ ở phía Quốc Hội
đã thành công, dù là một thành công đắc giá. Vấn đề bất tính nhiệm
Tướng Thái và nội các của ông rồi cũng phải được đưa ra khoáng đại
hội nghị. Sau một ngày dài chất vấn, với hai mươi dân biểu lên diễn
đàn, Quốc Hội cũng không tìm được đa số hai phần ba cần thiết để cho
nghị quyết có giá trị cưỡng hành. Quốc Hội chấm dứt phiên họp trong
xôn xao.
Tướng Thái ra về đầy vẻ mệt nhọc và bực mình vì phải trả lời nhiều
câu hỏi khá tọc mạch, xỉa xói vào những hoạt động có thể nói là mờ
ám của ông trong hàng ngũ quân đội. Kế nữa, vì đây là lần đầu tiên
mà ông đối đầu với một thử thách táo bạo, nếu không muốn nói là hằn
học và trịch thượng. Tướng Thái thấy có một sự khác biệt giữa chánh
thể của ông trước kia, nơi mà ông tha hồ tung hoành, và chánh thể
dân cử non nớt mới chào đời hôm nay. Dù sao ông cũng cảm thấy một
đôi chút hãnh diện như một thí sinh qua lọt đợt hạch hỏi của giáo sư
giám khảo, dù thắng lợi đó chưa hẳn là thành quả của riêng ông.
Tướng Thái mừng thầm vì được thoát nạn, ít ra cũng một thời gian
ngắn để ông chuẩn bị lối thoát cho cá nhân ông ra khỏi chánh quyền
mà không bị trầy vi tróc vảy. Qua dư luận và báo chí, Tướng Thái đã
thấy sự hiện diện của ông trên chánh trường là điều làm cho người Mỹ
khó chịu. Cho nên, ông nghĩ không thể kéo dài được lâu hơn nữa nếp
sống đó. Ông thấy hối tiếc quyết định của mình và thầm nghĩ phải chi
ông nhận đi làm đại sứ thì tình hình chắc phải khác hơn.
Rời trụ sở Quốc Hội vừa về đến văn phòng, Tướng Thái xin yết kiến
ngay Tổng Thống Nguyên, trong khi Tổng Thống đang tiếp Đại Sứ Ellis
Bagwell. Ðã một lần không theo sát hoạt động của Tổng Thống Nguyên
nay ông Đại Sứ nhứt định không để phải hồi hộp lo sợ Hoa Thịnh Ðốn
như lần trước nữa. Ông theo dõi từng hoạt động và quyết định của
Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.
Ðại sứ tự mình hạch hỏi, không dám tin tưởng ở những người phụ tá và
trợ lý nữa và ông cũng không thể ngồi yên trong sứ quán để chờ báo
cáo của Dinh Ðộc Lập. Ông Đại Sứ muốn biết ngay phản ứng của Tổng
Thống Nguyên đối với nghị quyết không thành và thư khuyến cáo của
Quốc Hội để ông có yếu tố gởi viễn ấn về Hoa Thịnh Ðốn.
Ông Đại Sứ vừa ra về thì Tướng Thái đã tới Dinh Ðộc Lập. Tổng Thống
Nguyên tươi cười hỏi Tướng Thái:
- Thế nào? Trung Tướng chắc là mệt lắm với phiên điều trần hôm nay?
- Thưa Tổng Thống, mệt thì không bao nhiêu, nhưng rất bực mình vì
mấy ông dân biểu. Họ là gì đâu? Là những sĩ quan đàn em của tôi, là
những ông công chức tầm thường được chút may mắn qua một cuộc bầu
cử, thế thôi! Nay lại hạch hỏi tôi bằng một giọng điệu trịch thượng.
Thậm chí còn có những ông trước kia đã đến văn phòng tôi khúm na
khúm núm nhận bao thư, mỗi khi chúng tôi có yêu cầu đặc biệt với
Quốc Hội. Dân chủ là một điều quá tốt trên cõi đời này. Nhưng, dân
chủ chưa phải là một thiên ân mà dân tộc này được quyền hưởng.
- Trung Tướng lại nổi giận rồi! Trung Tướng cứ yên tâm, đâu còn có
đó. Không phải vì cơn phẫn nộ của Quốc Hội mà tôi sẽ bỏ rơi Trung
Tướng đâu. Sự tồn tại của Trung Tướng trong chế độ này, giờ đây, đã
trở thành một vấn đề uy tín và thể diện của chế độ và của riêng tôi.
Mới đây, Ellis Bagwell có đến thăm dò phản ứng của hành pháp đối với
trường hợp của Trung Tướng sau phiên khoáng đại và thơ khuyến cáo
của Quốc Hội. Áp lực của Mỹ khá mạnh đó Trung Tướng. Chính Quốc Hội
còn phải cúi đầu dưới sự thôi thúc của tòa Đại Sứ cho nên mới có
phiên khoáng đại hôm nay. Tờ giấy bạc màu xanh lá cây coi vậy mà
mạnh vô cùng. Ngồi ghế hành pháp bao nhiêu năm qua chắc hẳn Trung
Tướng cũng thừa biết. Nhưng, truyền thống bất khuất của dân tộc
mình, cũng như của đảng Quốc Tiến chúng tôi, không cho phép cá nhân
tôi cúi đầu dưới sức nặng của Mỹ kim. Tôi không thể nào để cho Trung
Tướng rời chánh phủ trong một tình thế như hiện nay...
Tướng Thái, như kẻ vừa thoát hiểm một cách kỳ diệu, đứng lên cáo
biệt Tổng Thống Nguyên và không quên nói lên sự ngưỡng mộ của ông:
- Tổng Thống đích thật là một chánh khách đầy quả cảm mà lần đầu
tiên tôi mới biết được. Tôi không ân hận chút nào khi đã đứng về phe
của Tổng Thống.
Tướng Thái ngồi dựa lưng một cách khoan khoái vào góc xe phía sau,
tâm tư nhẹ nhàng thư thái vì giờ đây mọi việc đều đúng như ước tính
của ông. Ít ra cũng còn đủ thời gian để hành động.
Không bất tín nhiệm được Tướng Thái, nhưng Quốc Hội cũng biểu quyết
gửi một bản nhận định cho hành pháp, tóm lược nội dung của phiên
khoáng đại. Trong phần kết luận, bản nhận định ghi nhận:
[...]
"Dù chưa hội đủ đa số luật định để biểu quyết bất tín nhiệm Thủ
Tướng và nội các của ông nhưng Quốc Hội cũng trân trọng lưu ý hành
pháp rằng ở Trung Tướng Phan Anh Thái uy tín cần thiết cho một Thủ
Tướng xứng với danh nghĩa đó không còn bao nhiêu. Bởi những lẽ đó,
Quốc Hội khuyến cáo hành pháp nên sớm tìm phương thức và cơ hội
thuận lợi để chấn chỉnh lại nội các hầu việc điều hành đất nước được
hanh thông".
[...]
Báo chí, đối lập cũng như độc lập, đều nắm lấy cơ hội đó để chỉ
trích mạnh mẽ đường lối của Tổng Thống Nguyên và cá nhơn Tướng Thái.
Những lập luận chỉ trích và chống đối kéo dài cả tuần lễ chưa chấm
dứt. Ngay cả báo chí quân đội, từ trước đến nay thường đứng ngoài
các biến cố chánh trị, cũng nói xa nói gần về trường hợp Tướng Thái
ngồi lại trong chế độ dân sự hiện nay. Nếu như một chiến dịch báo
chí như vậy xảy ra trước kia thì đã lãnh sấm sét của Tướng Thái rồi.
Nhưng, nay thì Tướng Thái chỉ là một loại cua bị bẻ càng, một thứ
rùa bị lật ngửa!
Ông không thể phản ứng lại, dù là một cách nhẹ nhàng, vì nhiều lẽ.
Chế độ của Tổng Thống Nguyên không cho phép ông tiếp tục hành động
như một Trung Tướng Thủ Tướng kiểu trước kia. Thói hư tật xấu của
ông từ thời ông còn bên quân đội cho đến ngày nay không phải là điều
bịa đặt mà cũng chẳng phải là đề tài của thơ ngụ ngôn. Trong bối
cảnh như vậy, như chim bị ná, như cá bị nôm, chánh phủ chỉ hoạt động
cầm chừng và dư luận trong chánh giới cũng như ngoài xã hội đếm từng
ngày một để chờ hồi kết của bi hài kịch "bình mới mà rượu cũ"!
Ngày đến rồi ngày qua đi, người ta mong đợi một biến chuyển nào đó,
sớm muộn gì cũng phải đến. Thái độ lục bình trôi sông của nội các
giao thời này càng ngày càng tăng thêm điểm tiêu cực cho chế độ Đệ
Nhị Cộng Hòa, trong khi Tổng Thống Nguyên cần có những hoạt động
mãnh liệt và ngoạn mục để gây thanh thế cho chánh quyền của ông. Để
cho quần chúng Việt Nam, cũng như giới quan sát ngoại quốc, nhứt là
dư luận của Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ, thấy rõ sự khác biệt giữa một
chế độ dân sự và một tập đoàn nhà binh.
Thái độ bất bình của Đại Sứ Ellis Bagwell đối với Tổng Thống Nguyễn
Vĩnh Nguyên đã lộ liễu. Sau hai tuần lễ chờ đợi xem chánh phủ Việt
Nam phản ứng ra sao đối với lời khuyên của ông và nhứt là sau phiên
họp khoáng đại và thư khuyến cáo của Quốc Hội, ông Đại Sứ rất phiền
lòng khi thấy rằng Dinh Ðộc Lập vẫn bình chưn như vại, vẫn sinh hoạt
bình thường như chẳng có chuyện gì. Trong khi đó, Bạch Cung vẫn
thường xuyên nêu ra cho ông Đại Sứ những thắc mắc tại sao thế này mà
chẳng phải như thế kia? Người ta để ý là hồi gần đây chiếc xe đen có
quốc kỳ Mỹ và hiệu kỳ của Ellis Bagwell không năng ra vào Dinh Ðộc
Lập như trước kia.
Tin khác lại cho hay rằng toàn bộ tham mưu nhẹ của ông Đại Sứ đã họp
liên miên. Quanh bàn họp tối mật đều là những bộ mặt rất mới, những
người mà đích thân Ellis Bagwell đã yêu cầu Hoa Thịnh Ðốn bổ xung
đặc biệt cho ông, vì nhu cầu công tác. Mục đích của các phiên họp là
để tìm một phương cách đối xử với một ông Tổng Thống, vì tự ái dân
tộc, có vẻ "cứng đầu" với Mỹ. Kết quả của những phiên họp như vậy là
một phương án hành động được coi như là bản phụ lục để đính kèm kế
hoạch chánh trị cao cấp của Hoa Thịnh Ðốn liên quan đến chiến tranh
Việt Nam.
Phương án hành động này được cho áp dụng ngay sau đó. Trong buổi
thuyết trình thường ngày dành cho mọi phương tiện truyền thông quốc
nội lẫn quốc ngoại tại trung tâm báo chí, bỗng dưng người ta lại
thấy sĩ quan giao tế của bộ Tư Lịnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ xuất
hiện. Sĩ quan đó đã ngưng công tác tại trung tâm này đã lâu, viện cớ
rằng hoạt động quân sự của Hoa Kỳ không còn quan trọng như trước,
trên chiến trường Việt Nam Cộng Hòa.
Sau khi các thuyết trình viên Việt Nam trình bày xong, người sĩ quan
Hoa Kỳ lên bục thuyết trình để cho biết rằng, theo nguồn tin tình
báo có độ khả tín cao của Mỹ, cộng sản miền Bắc đang cho nhiều đơn
vị quan trọng, có tăng và pháo tháp tùng, tập trung trên lãnh thổ Ai
Lao dọc theo biên giới phía Tây Kon Tum. Người ta chưa rõ ý định của
cộng sản qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự như thế. Tuy
nhiên, theo ước tính tình báo Hoa Kỳ thì rất có thể cộng sản sẽ đột
ngột xua quân qua tiến chiếm tỉnh cao nguyên này của Việt Nam để hậu
thuẫn cho giai đoạn thương thuyết sắp tới của họ tại Hòa Ðàm Paris.
Do chỗ tình hình chiến trường đã lắng đọng trong mấy tháng qua,
nguồn tin được tiết lộ đó thu hút một sự chú ý quan trọng. Phòng họp
báo xôn xao hẳn lên, phóng viên và ký giả đua nhau hỏi thêm chi tiết
nhưng người sĩ quan giao tế nhân sự của Mỹ chỉ kín đáo trả lời bằng
thành ngữ thông dụng "No comment" (xin miễn bàn). Ngay đêm hôm đó,
các chi nhánh thông tấn ngoại quốc đã đánh về hãng gốc những bản tin
sốt dẻo về biến cố quân sự này. Ngày hôm sau, báo chí Việt Nam in to
những hàng tựa tám cột vụ cộng sản đe dọa Kon Tum của vùng cao
nguyên tuy chưa có một cuộc chạm súng nào, dù là lẻ tẻ, đã xảy ra.
Thủ Tướng Thái, thiếu Tướng Tổng-Trưởng Quốc-Phòng và Tướng Tổng
Tham-Mưu Trưởng được Tổng Thống Nguyên mời đến Dinh Ðộc Lập để thảo
luận về nguồn tin bất ngờ đó. Sau khi Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trung
Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu trình bày tình hình và trận liệt vùng
Sơn Khu nói chung và tiểu khu Kon Tum nói riêng, Thiếu Tướng Tổng
Trưởng Quốc Phòng nói tiếp:
- Thưa Tổng Thống, theo nguyên tắc đã được thỏa thuận thì những tin
tức như thế cần được phía Hoa Kỳ thông báo cho tình báo Việt Nam để
phối kiểm và có hành động thích ứng. Ðây là lần đầu tiên phía Mỹ đưa
tin riêng lẽ như vậy.
- Nhưng Thiếu Tướng có thể cho tôi biết tin đó có cơ sở vững chắc
hay không?
- Thưa Tổng Thống, theo tin tức của phòng nhì Tổng Tham Mưu thì từ
trước đến nay áp lực quân sự của cộng sản ở vùng đó vẫn nặng, vì là
vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào mà cũng là địa bàn xâm nhập của
địch. Ðịa thế vùng này là núi và rừng rậm nên sự kiểm soát hơi khó
khăn. Hơn nữa, dân cư ở đây thưa thớt lại thuộc thành phần thiểu số
nên công tác tình báo nhân dân cũng không thuận lợi. Từ khi đơn vị
không kỵ của Mỹ rút đi đến nay, tương quan lực lượng tại đây có phần
bất lợi cho phía chúng ta.
- Nếu thật sự địch tấn công để tràn ngập Kon Tum, liệu quân trú
phòng của chúng ta có chống đỡ nổi không và nếu có thì sẽ cầm chân
đối phương được bao lâu?
- Thưa Tổng Thống, trước tiên tôi nghĩ rằng giả thuyết địch tấn công
không vững vì địa điểm đó nằm xa hậu cứ của họ. Ðứng vào địa vị của
cộng quân, tôi sẽ tấn công Quảng Trị thay vì Kon Tum. Tác dụng chiến
lược và tâm lý của Quảng Trị cao hơn của Kon Tum rất nhiều. Nhược
bằng địch cứ liều mạng tấn công thì tuyến phòng ngự Tây Bắc của
chúng ta cũng khó bị bể một cách nhanh chóng. Ít ra còn đủ thời gian
để lực lượng trừ bị của Sơn Khu và thậm chí lực lượng tổng trừ bị
của trung ương đến tiếp viện.
- Như vậy, theo ý kiến chuyên môn của thiếu Tướng Tổng Trưởng, mối
hiểm họa ở phía Kon Tum không phải là chuyện đáng quan tâm. Tuy
nhiên, tình báo của ta cũng nên để ý theo dõi xem sao, mặc dù chúng
ta phải dè dặt đối với những dữ kiện do Mỹ cung cấp vì mấy lúc sau
này tôi thấy họ không mấy cảm tình với tôi.
Tướng Thái cảm thấy yên tâm với ý nghĩ đó của Tổng Thống Nguyên và
góp lời:
- Tổng Thống có thể yên tâm. Mặc dù lực lượng chiến đấu của Mỹ đã
rút khỏi Kon Tum khá nhiều nhưng những chiến sĩ của ta ở đó có thừa
khả năng để đánh trả. Hơn nữa, Trung Tướng Tư Lịnh Sơn Khu là một
tướng lãnh đã nhiều lần vinh thăng tại chiến trường nên rất đáng tin
tưởng.
Mấy ngày sau, Trung Tướng Tư Lịnh Sơn Khu tiếp một người khách Mỹ mà
ông không ngờ vì ông này không thuộc tuyến liên lạc từ trước đến
nay. Bất ngờ nhưng lý thú. Ông khách Mỹ không ai khác hơn là bạn
đồng khóa với ông trong thời gian theo học khóa tham mưu của Lục
Quân Hoa Kỳ tại Fort Leavenworth. Sau những lời chào hỏi xã giao và
tâm sự sau bao nhiêu năm xa cách, câu chuyện giữa hai người bạn cũ
lướt qua những kỷ niệm quân trường, chuyển sang sinh hoạt của hai
người từ ngày giả biệt nhau rồi đến tình hình quân sự và chánh trị
của Việt Nam Cộng Hòa.
Theo tiến trình đối thoại, thân tình lần hồi trở lại tạo môi trường
thuận lợi để người khách Mỹ đi thẳng vào vấn đề mà ông có nhiệm vụ
bàn đến:
- Chính Trung Tướng cũng thấy là Trung Tướng Thái không thật tình
với anh em Tướng lãnh. Giờ đây việc đã rõ như ban ngày. Tướng Thái
đã vì chiếc ghế Thủ Tướng chánh phủ mà bỏ rơi liên danh quân lực của
Đại Tướng Châu.
- Anh nói tôi mới nhớ lại. Trong một phiên họp sau ngày bầu cử,
Trung Tướng Tư Lịnh Châu Thổ có nêu lên nghi vấn đó. Nhưng, tôi
tưởng rằng Tướng Thái đâu đến đổi tồi tệ như thế.
- Trong chánh trị khó tin ai được lắm Trung Tướng à. Không như trong
tình chiến hữu, "huynh đệ chi binh" gì đó, theo cách nói của quân
đội Việt Nam. Tôi được biết là nhiều tướng lãnh bất mãn với Tướng
Thái, nhưng chẳng ai làm gì được ông ta.
- Không phải chúng tôi không làm nổi như anh tưởng đâu. Chúng tôi
không muốn làm thì đúng hơn. Vì quyền lợi của đất nước và nhân dân
đó thôi.
- Rất đồng ý với Trung Tướng, nhưng chẳng lẽ Trung Tướng và các bạn
của Trung Tướng lại tiếp tục cúi đầu thi hành mệnh lệnh của một con
người như thế sao?
- Vì quyền lợi của quê hương và dân tộc, chúng tôi không thể làm bất
cứ một điều gì tạo kẽ hở cho đối phương khai thác.
- Nhưng ít ra thì các Tướng lãnh cũng phải nói lên tiếng nói của
mình để Tổng Thống Nguyên có cớ hành động chứ?
- Tôi hỏi anh, làm thế thì đẹp đẽ gì chớ? Mượn tay một người dân sự,
nhứt là một chánh khách đã từng chống đối tướng lãnh để hạ bệ một
tướng lãnh khác thì còn ra thể thống gì nữa!
- Là một Tướng lãnh không làm chánh trị, Trung Tướng suy nghĩ có
khác. Nhưng, người ta không bao giờ đắn đo nếu họ muốn làm một việc
khó coi đối với Trung Tướng.
- Vì vậy nên tôi không thích chánh trị chút nào hết.
- Thôi thì xếp chánh trị qua một bên vậy. Về mặt quân sự tôi được
biết là cộng quân đang tập trung quân bên kia biên giới đe dọa nặng
nề quân khu của Trung Tướng. Trung Tướng nghĩ sao?
- Tin đó xuất phát từ phía Hoa Kỳ. Sau khi phối kiểm, Tổng Tham-Mưu
không đồng ý. Nhưng chúng tôi có xem lại thì có phần đúng. Tôi đã đề
nghị tăng cường cho Kon Tum. Trung ương chưa chịu thỏa mãn lời yêu
cầu của quân khu vì chưa xác nhận nguồn tin.
- Tôi không nghĩ rằng Trung Tướng sẽ được tăng cường như ý muốn. Tôi
được biết là sau khi Thiếu Tướng Tổng Trưởng Quốc Phòng trình bày,
trước mặt Trung Tướng Thái, Tổng Thống Nguyên cho rằng việc tung tin
đó là một âm mưu chánh trị của chúng tôi. Vì lẽ đó mà hôm nay tôi
muốn đích thân tìm hiểu vấn đề với cá nhân Trung Tướng. Trung Tướng
thấy không, những người làm chánh trị bao giờ cũng tránh né sự thực,
dù cho sự thực đó có hại cho người khác miễn sao đừng hại đến họ là
được rồi...
Người bạn quân trường ngày trước từ biệt Trung Tướng Tư Lịnh Sơn Khu
ra về để lại cho ông nhiều suy nghĩ về tình chiến hữu, về những lắc
léo của chánh trị và về mối đe dọa quân sự ở bên kia biên giới Kon
Tum. Những ưu tư không lối thoát của ông và các yêu cầu tăng viện
của Sơn Khu không được trung ương thỏa mãn làm cho ông khó đương đầu
lại cuộc tấn công ồ ạt của cộng quân vào tỉnh lỵ Kon Tum, trong một
đêm không trăng sao mùa bão rớt của ngày cuối tháng âm lịch.
Khi Kon Tum kêu cứu, Trung Tướng Tư Lịnh Sơn Khu yêu cầu đơn vị Mỹ
cuối cùng đang chờ ngày thu quân tiếp viện, dựa trên tình chiến hữu
đồng minh. Thế nhưng, qua tần số hành quân ông chỉ nhận được câu trả
lời "rất tiếc" của người sĩ quan Hoa Kỳ chỉ huy đơn vị. Chỉ huy
trưởng đơn vị Mỹ này cho ông biết rằng đơn vị của ông đã hết nhiệm
vụ chiến đấu, chỉ còn công tác tự vệ. Họ chỉ đánh trả nếu bị tấn
công. Lời từ chối của đơn vị Mỹ cho Trung Tướng Tư Lịnh Sơn Khu thấy
trước rằng số phận của Kon Tum đã được an bày một cách bi thảm trong
đêm đó!
Ðúng như Trung Tướng Tư Lịnh dự đoán, đêm đó quân trú phòng của Kon
Tum bị cộng quân tấn công bất chợt và tràn ngập với tương quan lực
lượng một chống năm, lại có pháo và tăng trợ chiến. Một lực lượng
hết sức bất ngờ, quân báo của tiểu khu cũng như của vùng chưa khi
nào đề cập đến khi nói về trận liệt địch. Theo cường độ chiến đấu và
vũ khí sử dụng, các chuyên viên tình báo cho rằng có sự tham dự của
quân chánh quy Bắc Việt. Phía quân trú phòng Kon Tum thì thời tiết
ngay bên trên chiến trường đêm đó lại không cho phép phi cơ hoạt
động. Vì thế nên chương trình tăng viện bằng trực thăng của Sơn Khu
không làm sao thi hành được, còn phi cơ hỏa long và soi sáng cũng
không đến được mục tiêu. Tăng viện của trung ương thì bặt vô âm tín
dù nhiều điện cầu cứu đã được đánh đi trong đêm. Bao nhiêu là yếu tố
bất lợi đã phối họp lại để đưa Kon Tum vào vòng tay cộng sản chỉ
trong một đêm. Ðơn vị trú phòng đành phải bỏ tỉnh lỵ rút về phía Nam
Kon Tum với hy vọng sẽ ráp nối được với cánh quân xuất phát từ
Pleiku, di chuyển bằng đường bộ lên Kon Tum. Bây giờ thì chỉ còn chờ
cơ hội thuận tiện để mở một cuộc phản công tái chiếm lại phần đất đã
mất.
Sáng ra, đài VOA, trong bản tin đặc biệt, loan báo:
"Ðêm qua, quân trú phòng Việt Nam tại tỉnh lỵ Kon Tum đã bị cộng
quân, có tăng và pháo yểm trợ, tràn ngập một cách dễ dàng. Chỉ trong
vòng mười mấy tiếng đồng hồ, quân cộng sản - dường như thuộc lực
lượng chánh quy - đã làm chủ được tỉnh lỵ này. Nhóm tàn quân Việt
Nam Cộng Hòa đã mở con đường máu rút xuống phía Nam trong ý định
giao tiếp với đoàn quân tăng viện của Sơn Khu từ Pleiku tiến lên.
Sài Gòn không chi viện được tiền tuyến trong thời hạn cần thiết.
Người ta chưa rõ số phận của thường dân trong tỉnh lỵ.
"Tin điện từ Sài Gòn cho biết rằng áp lực địch quân từ bên kia biên
giới đã được quân báo Hoa Kỳ tiết lộ trước. Thế nhưng, Sài Gòn đã
coi thường vì cho đó là một âm mưu chánh trị của Mỹ. Hơn nữa, từ khi
chế độ mới lưu nhiệm Tướng Thái ở ghế Thủ Tướng, mối tị hiềm giữa
các tướng lãnh trong quân lực và Tướng Thái ngày càng gay gắt làm
cho hệ thống quân sự trở nên rời rạc. Kon Tum thất thủ có thể là hậu
quả của tình trạng mà Tổng Thống Nguyên gọi là "sự liên tục uy
quyền", nhưng lại không được cân nhắc đúng đắn. Ðây là bài học thứ
nhứt khá đắc giá cho Tổng Thống đầu tiên của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa!"
Riêng báo chí Việt Nam thì chỉ loan tin vắn tắt, không có bài tường
thuật cũng như không có xã luận vì khi tin tức được loan đi thì báo
đã lên khuôn. Nhưng không vì đó mà dư luận quần chúng không hoang
mang vì tin đồn rỉ tai còn tai hại hơn nhiều. Muốn có tin cụ thể thì
phải đợi buổi thuyết trình của trung tâm báo chí thường được tiến
hành vào cuối buổi chiều. Các phương tiện truyền thông của chánh phủ
thì lờ đi không thấy đả động gì đến biến cố Kon Tum trong đêm. Ngày
đó giá vàng thị trường đen đột nhiên lên cao và một vài bà nội trợ
lo xa đã bắt đầu đi mua gạo, muối và cá khô dự trữ. Do đó mà một số
mặt hàng nhu yếu phẩm cũng nhích lên đôi chút.
Hai mươi bốn, rồi bốn mươi tám tiếng đồng hồ trôi qua, không một
cuộc phản công nào được nói tới và Sơn Khu dài cổ trông chờ quân
tiếp viện từ lực lượng tổng trừ bị. Sơn Khu chỉ đủ sức cầm cự tại
chiến tuyến nằm giữa Kon Tum và Pleiku, tổng hành dinh của quân
đoàn, để chận đà tiến của cộng quân không cho họ tiến xa hơn nữa
xuống phía Nam. Nhưng, quân cộng sản không tiến xuống phía Nam mà
lại đột nhiên rút khỏi Kon Tum biến mất vào thiên nhiên trong vòng
một đêm.
Ðược thám báo cho hay, thế là đoàn quân di tản chiến thuật kia lại
hùng dũng kéo trở vào tỉnh lỵ giữa sự bàng hoàng của quần chúng mà
đa số là đồng bào Thượng. Những người Kinh phần đông là gia đình của
quân nhơn công chức của tỉnh. Cờ đỏ sao vàng được dẹp đi trong cấp
bách và cờ quốc gia mới xuất kho lại tung bay, thậm chí còn nhiều
hơn mọi khi. Một vài công sở bị bắn phá hay đặt chất nổ. Giấy tờ,
tài liệu tung tóe ngoài sân, trên đường. Những người cán bộ đủ mọi
ngành, từ cán bộ sơn thôn đến thông tin chiêu hồi đều hùng hổ thi
hành công tác để chứng minh chủ quyền vừa lấy lại ở tỉnh lỵ. Các loa
công cộng, đặt trên xe lưu động hay ở các ngả đường, được mở tối đa
cường độ âm thanh để kêu gọi dân chúng bình tỉnh sinh sống bình
thường. Sinh hoạt đường phố rộn rịp, xe cộ ngược xuôi như bầu không
khí ngày lễ hội nhưng dường như để che đậy một thái độ lúng túng
không tiện nói ra.
Trong khi đó tại Dinh Ðộc Lập, giữa lòng của một Sài Gòn như vô tình
với vết thương ở tuyến đầu đất nước, Tổng Thống Nguyên đang rối bời
tâm tư với Đại Sứ Bagwell trong phòng khách máy lạnh của ông. Một
lần nữa, "ông già tủ lạnh" có được cơ hội tốt để chứng minh rằng
việc Tổng Thống Nguyên lựa chọn Tướng Thái làm Thủ Tướng cho ông
trong cái gọi là "chuyển tiếp quyền hành dịu dàng" là một sai lầm
tai hại:
- Tổng Thống đã khinh thường những khuyến cáo của tôi trong mấy
tháng qua. Hậu quả ra sao nay chắc là Tổng Thống đã thấy! Sự thiệt
hại này đâu phải chỉ riêng Tổng Thống hay Việt Nam gánh chịu mà Hoa
Kỳ chúng tôi cũng bị ảnh hưởng lây. Từ bao lâu nay, chúng tôi đã tự
hào với dư luận Mỹ cũng như dư luận quốc tế là chương trình Việt Nam
hóa chiến tranh này của chúng tôi đã thành công. Thế mà khi chúng
tôi sắp sửa bước sang giai đoạn giải kết toàn diện thì chánh quyền
của Tổng Thống đã để cho thất bại ở Kon Tum phá hỏng tất cả! Nguyên
nhân chánh của thất bại đó là điều mà Tổng Thống cho là "sự liên tục
chánh quyền". Nôm na thì đó là chuyện Tướng Thái.
- Ông Đại Sứ không cần phải nói nhiều. Tôi đã thấy chỗ sai quấy của
tôi trong buổi đầu làm quen với chánh quyền. Tôi đâu ngờ rằng, với
kinh nghiệm cầm quyền bao nhiêu lâu mà Tướng Thái có thể để cho mình
bị sa lầy đến như vậy.
- Một bài học khá đắt, không những chỉ cho riêng Tổng Thống mà lại
còn vô cùng đau đớn cho những người lính chiến và thường dân của Kon
Tum. Họ không có tội tình gì hết nhưng lại phải trả cái giá của sự
sai lầm mà cấp lãnh đạo của họ ở Sài Gòn này phạm phải. Thôi, tôi
xin cáo biệt để Tổng Thống có thời gian và sự yên tĩnh cần thiết để
suy ngẫm.
Thất bại Kon Tum tạo nên một dư luận không mấy thiện cảm cho Việt
Nam Cộng Hòa và vô cùng đối nghịch với chánh sách Mỹ tại Việt Nam.
Thất bại đó làm cho Trung Tướng Tư Lịnh Sơn Khu chán nản hơn bao giờ
hết, chán nản nhứt trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Vô cùng bất
mãn với trung ương, nhứt là với Tướng Thái, khi ông nhớ lại câu
chuyện mà người bạn Mỹ nói với ông trước khi Kon Tum bị tấn công,
ông đệ đơn xin từ chức.
Chuyện từ chức của Tướng Tư Lịnh Sơn Khu được báo chí khai thác thật
ồn ào với một khuynh hướng bênh vực quân đội và chỉ trích những
tướng lãnh bị chánh trị mê hoặc. Trong khi đó, trả lời một thông tín
viên ngoại quốc, Tướng Thái cho rằng:"Sự thất bại của quân trú phòng
Kon Tum là do một khuyết điểm quân sự, nhẹ về mặt thiệt hại, nhưng
nặng về tư cách của người chỉ huy".
Như một giọt nước bé nhỏ rơi vào ly nước đã đầy tràn, các tướng lãnh
họp lại mổ xẻ vấn đề và sau đó xin yết kiến Tổng Thống để trình bày
những uẩn khúc trong tâm tư họ. Trong bối rối, Tổng Thống Nguyên tìm
những lời lẽ để tạm thời xoa dịu cơn thịnh nộ của những người có
quân dưới trướng và có súng trong tay để có được thời gian hành
động. Tổng Thống Nguyên mong sao Tướng Thái còn chút liêm sỉ để tự ý
xin rút lui cho ông khỏi có một hành động mà ông cho là phủ phàng
đối với ông Thủ Tướng mà ông bị bắt buộc phải lưu giữ vì một cam kết
chánh trị, nghĩa là không mấy lương thiện, trước cuộc bầu cử. Khi
mời Tướng Thái ngồi lại ghế Thủ Tướng trong chánh quyền của ông,
Tổng Thống Nguyên cũng đã thấy trước cái ngày mà ông sẽ yêu cầu
Tướng Thái nhường chỗ cho một nhân vật khác. Nhưng, không ngờ rằng
thời điểm đó đến quá nhanh.
Về phần Tướng Thái thì trái lại ông cứ cho rằng sự hiện diện của ông
trên ghế Thủ Tướng gắn liền với uy tín và thể diện của chế độ, như
Tổng Thống Nguyên đã có lần nói với ông. Do đó, Tướng Thái thấy đắn
đo không muốn đưa ra ý định từ chức với Tổng Thống Nguyên, dù ông
cảm thấy rằng dư luận không thuận lợi cho ông bao nhiêu, nhứt là sau
khi Kon Tum thất thủ.
Thế là, một tuần rồi nửa tháng lại trôi qua. Ai cũng nghĩ rằng rồi
đây phải có một diễn biến chánh trị như thế nào đó. Nóng lòng nhứt
phải là ông Đại Sứ Ellis Bagwell. Tin đồn thay đổi Thủ Tướng chạy đi
khắp thành phố, từ phòng trà này sang quán giải khát nọ. Chính khách
xôn xao trông đợi ngày mình được mời vào dinh, không phải Ðộc Lập
thì cũng số bảy đại lộ Thống Nhất. Ông nào cũng tưởng tượng về một
bóng dáng của chính mình trong ngôi thứ thủ tướng hay tổng bộ trưởng
của nội các tương lai. Tư thế trông chờ bên kia lên tiếng trước của
Tổng Thống và Thủ Tướng làm cho cơn hồi hộp chánh trị cứ kéo dài.
Quốc Hội bắt đầu lên tiếng. Ông Đại Sứ Mỹ lại lui tới Dinh Ðộc Lập
thường hơn.
Tổng Thống Nguyên thấy là không thể kéo dài tình trạng như thế lâu
hơn nữa nhưng vấn đề nhân sự cho chức vụ Thủ Tướng không phải là
chuyện đơn giản. Ông chợt nhớ đến Trần Việt, vị phó Tổng Thống mà
ông đã cho đóng vai trò của một kẻ bàng quan, "ngồi chơi xơi nước"
thật sự từ ngày nhậm chức đến nay. Thái độ lãng quên có vẻ như vô
tình đó của Tổng Thống Nguyên được Phó Tổng Thống Trần Việt cho là
cố ý, bắt nguồn từ những sự xích mích giữa hai người trước ngày bầu
cử. Tuy phiền lòng vì cảnh thế thái nhân tình nhưng Trần Việt không
làm gì được vì hiến pháp đã quy định nhiệm vụ của phó Tổng Thống là
ngồi chờ ngày thay thế Tổng Thống, thế thôi.
Trong thái độ phải chờ đợi trong tiêu cực như vậy, Phó Tổng Thống
Trần Việt lặng lẽ nhìn Tổng Thống Nguyên điều hành quốc sự. Có phê
phán chăng, Phó Tổng Thống Trần Việt chỉ còn biết phân trần với các
chánh hữu thân tình mà thôi. Ông đã đôi ba lần thử góp ý kiến với
Tổng Thống Nguyên, nhưng lần nào ý kiến của ông cũng được ghi nhận
rồi để đó. Qua cung cách tiếp cận hời hợt và lạnh lùng như thế, Trần
Việt thấy có làm gì cũng vô ích nên đã tự cô lập mình trong cái vỏ
ốc cô đơn. Do đó mà giờ đây được Tổng Thống mời để tham khảo ý kiến,
ông Trần Việt thấy ngạc nhiên. Một sự ngạc nhiên hằn rõ đôi chút
thích thú vì ông phó thấy rằng ông chánh đang bối rối nên phải cầu
viện. Sau những lời chào hỏi niềm nở một cách gượng ép, Tổng Thống
Nguyên tâm sự:
- Tình hình đất nước, như anh thấy đó, thật vô cùng rắc rối! Trước
kia, tôi còn cái thế để chống trả lại áp lực của Mỹ. Giờ đây, không
hiểu sao mà Tướng Thái điều hành chánh phủ bết bát đến như vậy? Thế
mà mấy năm qua... Với chuyện Kon Tum, tôi không còn lý lẽ nào để nói
chuyện với Đại Sứ Bagwell về Tướng Thái nữa. Tôi nghĩ đã đến lúc
mình phải buông ông ta ra. Anh thấy thế nào?
- Lâu nay, tôi chỉ được biết chuyện đất nước qua báo chí, qua những
báo cáo và qua các bản sao phúc trình thông thường và hạn chế. Giờ
đây, phải góp phần vào một quyết định to lớn như vậy tôi thấy hơi
khó. Tổng Thống quan niệm thế nào thì tôi nghĩ thế ấy.
- Theo anh thì ai là người có thể giữ vai trò Thủ Tướng thay Tướng
Thái trong giai đoạn hiện nay?
- Tổng Thống quan niệm như thế nào về vai trò đó mới được?
- Thì một người điều khiển chánh phủ một cách hữu hiệu trong lúc
giao thời này. Tôi muốn nói khi chánh quyền chuyển từ chế độ quân
nhơn qua chế độ dân sự của mình.
- Tổng Thống không đưa ra một cách chính xác tính chất của nhân vật
thì khó tìm người lắm.
- Anh quan niệm ra sao?
- Tổng Thống hỏi để biết hay là để áp dụng?
- Anh lại rắc rối với tôi!
- Nếu Tổng Thống thật tình hỏi tôi thì một ông Thủ Tướng trong giai
đoạn này phải là một con người của Quốc Tiến, hăng say, dám hành
động, nhạy bén với tình hình và quyết định nhanh chóng. Hơn nữa,
phải là một nhân vật mà các đảng, đoàn thể và phe phái khác có thể
hợp tác.
- Tôi dường như mường tượng ra được con người mà anh muốn nói rồi,
nhưng...
Tổng Thống Nguyên vừa nói đến đó thì cánh cửa phòng đã mở trong sự
ngạc nhiên của ông vì lúc nãy khi tiếp ông Trần Việt ông đã có dặn
là không được làm gián đoạn cuộc hội đàm với bất cứ lý do gì. Chưa
phản ứng được thì ông bí thư Tổng Thống đã trình ngay rằng Đại Sứ
Bagwell đến mà không báo trước, đang chờ ở phòng khách và xin gặp
ngay Tổng Thống.
Không chút lưỡng lự, Tổng Thống Nguyên cho mời ông Đại Sứ vào. Phó
Tổng Thống Trần Việt hiểu ngay là Tổng Thống không muốn kéo dài cuộc
thảo luận với ông nữa. Ông đứng lên cáo biệt Tổng Thống mặc dù ông
này bảo ông cứ ngồi lại. Trên đường ra cửa, Phó Tổng Thống Trần Việt
bắt tay mà không buồn nhìn mặt ông Đại Sứ.
Vừa ngồi xuống chiếc ghế bành to lớn, bọc nệm dày, ông Đại Sứ đi
ngay vào vấn đề:
- Tổng Thống đã dứt khoát thay Thủ Tướng à? Một quyết định tuy hơi
trễ nhưng cũng còn kịp thời. Vậy Tổng Thống sẽ ủy nhiệm cho ai đó?
- Tôi đang tìm người. Tôi vừa bàn bạc với ông phó của tôi thì ông
Đại Sứ đến.
- Phó Tổng Thống Trần Việt có giới thiệu ai chưa?
- Chúng tôi chưa kịp đi đến kết luận thì phải tiếp ông Đại Sứ.
- Rất tiếc! Phải chi Tổng Thống giữ ông ấy ngồi lại để chúng mình
cùng nhau thảo luận thì hay biết bao nhiêu. Mà cũng chẳng sao. Ông
Trần Việt có những tư tưởng quá tiến bộ về chánh trị chắc khó mà hợp
với Tổng Thống và tôi, những người đã có tuổi. Trẻ và non yếu trong
chánh trị làm sao có kinh nghiệm được.
- Tôi có giữ nhưng không được. Có lẽ ông ấy phật lòng, vì tôi đã vội
vàng tiếp ông Đại Sứ. Ông ấy lại cho rằng tôi đuổi khéo cũng nên.
Nhưng, có ông Đại Sứ là quý rồi. Tôi cần có những ý kiến để tìm
người.
- Như vậy thì tôi đến thật đúng lúc. Tôi xin gặp Tổng Thống gấp là
để bàn về ông thủ tướng tương lai đó. Không những tôi xin góp ý với
Tổng Thống mà tôi đã có sẵn danh tính của người đó để giới thiệu với
Tổng Thống. Nhân vật này đã được Hoa Kỳ đào tạo từ lâu. Chính Hoa
Thạnh Ðốn đã tìm nhân vật đó cho chúng ta. Tôi vừa được viễn ấn của
Bạch Cung cho tôi biết nhân vật đó cách đây ba mươi phút nên tôi vội
vàng đến gặp Tổng Thống ngay. Chắc Tổng Thống cũng không lạ gì ông
ấy, ông Nguyễn Xuân Thành, phó giám đốc Viện Tiền Tệ Thế Giới ở
Nữu-Ước.
- Nguyễn Xuân Thành! Cái tên nghe rất quen, nhưng tôi chưa được hân
hạnh biết
- Ông Thành là một giáo sư đại học luật khoa Sài Gòn thời cố Tổng
Thống Ngô Ðình Diệm. Vì bất đồng chánh kiến với chánh phủ Diệm trong
vụ đàn áp Phật Giáo nên ông Thành đã thừa dịp đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ
để ở lại luôn bên đó. Dĩ nhiên là ông Thành đã được sự đồng ý gián
tiếp của chánh phủ Mỹ. Từ đó đến nay, ông Thành không có trở về Việt
Nam. Ông được chánh phủ Hoa Kỳ giới thiệu vào làm việc tại Viện Tiền
Tệ Thế Giới. Trong giai đoạn giải kết của chúng tôi, Việt Nam Cộng
Hòa cần có một ông Thủ Tướng nắm vững kinh tế và tài chánh. Tổng
Thống chắc cũng thừa hiểu rằng trong một quốc gia đang phát triển
như Việt Nam này mà chánh trị và ngoại giao đều được chúng tôi lo
liệu cả thì kinh tế tài chánh là một lãnh vực hệ trọng. Ai quản lý
được hai vấn đề đó, người ấy sẽ giải quyết được mọi vấn đề khác của
đất nước.
- Theo lời ông Đại Sứ thì ông Thành quả thật là một nhân tài. Việt
Nam chúng tôi bị băng hoại người giỏi khá nhiều chỉ vì chánh trị.
Tôi sẵn sàng chấp nhận đề nghị của ông Đại Sứ, thế nhưng, trong giai
đoạn hiện nay tôi thấy cần có một ông Thủ Tướng hiền lành gần như
phi chánh trị. Tôi muốn đích thân mình điều khiển hành pháp qua nội
các. Như thế tôi sẽ yên tâm hơn.
- Tôi mong rằng Tổng Thống không có ý định tóm thâu tất cả vào một
mối như Tổng Thống Diệm ngày trước. Ông Thành không phải là một nhân
vật chánh trị mà là một chuyên viên. Theo thăm dò của chúng tôi thì
ông ấy có thể được nhiều đảng phái và đoàn thể miền Nam chấp nhận,
ngay cả Mặt Trận Giải Phóng, nếu chúng ta cần phải thương thuyết để
giải quyết chiến tranh.
- Lời khuyên của ông Đại Sứ rất đáng để cho chúng tôi quan tâm.
Nhưng, với quan niệm của tôi về chức năng của một ông Thủ Tướng như
đã nói lúc nãy tôi không tin là ông Thành chịu nhận làm Thủ Tướng.
Tôi xin ông Đại Sứ cho Hoa Thịnh Ðốn biết là tôi chấp nhận người của
Hoa Kỳ đề nghị vào bất cứ chức vụ nào trong nội các, ngoại trừ Thủ
Tướng. Ít ra, Hoa Thịnh Ðốn cũng nên dành cho tôi một chút uy tín,
một tí tự do trong hành động để tôi còn giữ được thể diện chứ.
- Tôi đã được Hoa Thịnh Ðốn khoán trắng trong việc điều đình để
thành lập nội các mới với Tổng Thống. Tổng Thống rất có lý khi quan
niệm như thế vai trò của Thủ Tướng trong lúc này. Tôi đành nghiêng
mình. Như vậy, người của chúng tôi sẽ giữ ba bộ kinh tế, tài chánh
và chiêu vận.
- Kể ra ba bộ đó là huyết mạch của chánh phủ. Nhưng, tôi xin giữ lời
đã nói khi nãy.
- Tổng Thống có thể tiết lộ cho tôi danh tính của Thủ Tướng tương
lai bây giờ không?
- Tôi đang cân nhắc giữa ba người. Khi nào dứt khoát được thì ông
Đại Sứ sẽ là người được thông báo trước tiên.
- Ðể tôi có thể trình lên Tổng Thống danh tính những nhân vật của ba
bộ nói trên. Và đồng thời cũng để tôi báo về Bạch Cung.
* * *
Ngày đã về trưa mà phiên họp của ban chỉ đạo trung ương đảng Quốc
Tiến cũng chưa ngã ngũ ra thế nào cả. Khá lâu rồi, có lẽ từ ngày Chủ
Tịch Nguyễn Vĩnh Nguyên nhậm chức Tổng Thống đến nay, ban chỉ đạo
chưa họp lần nào. Phiên họp hôm nay đã được triệu tập khẩn cấp sau
khi ông Trần Huyền Thanh, một đảng viên Quốc Tiến không mấy tiếng
tăm, được Tổng Thống Nguyên chỉ định đứng ra thành lập nội các, thay
thế Tướng Thái.
Ông Thanh chưa được mười tuổi đảng trong Quốc Tiến, chưa có một
thành tích nào đáng kể mà cũng chưa từng giữ một chức vụ lãnh đạo
nào trong đảng. Ông là một chuyên viên nghiên cứu thuộc khối chánh
trị ban chỉ đạo. Ông vào đảng qua sự giới thiệu của ông Nguyên và
cũng được ông Nguyên nâng đỡ nên tiến thân nhanh chóng trong hệ
thống của đảng. Suốt mười năm trong đảng, ông Thanh chỉ biết thi
hành theo chỉ thị mà không mấy khi có sáng kiến. Là một nhân viên
thừa hành tốt nhưng ở ông Thanh không thấy có năng khiếu chỉ huy.
Việc Tổng Thống chỉ định ông Thanh làm Thủ Tướng tự nó không phải là
lý do để triệu tập phiên họp khẩn cấp của ban chỉ đạo. Chính thái độ
của Tổng Thống Nguyên trong việc đề cử ông Thanh mà không hội ý với
đảng mới là vấn đề. Sau khi đã va chạm nhiều lần với ông Đại Sứ Mỹ
về trường hợp lưu nhiệm Tướng Thái, kế đó về vụ thất bại ở Kon Tum,
ban chỉ đạo nhận thấy rằng Tổng Thống Nguyên đã xoay chiều lập
trường một trăm tám mươi độ. Tổng Thống đã bắt đầu nghe Mỹ nhiều
hơn, thậm chí Tổng Thống không cần đếm xỉa gì đến Quốc Tiến nữa, dù
đảng này là gốc rễ chánh trị của ông.
Cụ thể là Tổng Thống Nguyên vắng mặt phiên họp hôm nay mà không cần
cho biết lý do. Sự khiếm diện của ông ở kỳ họp này, trong khi ông
được kể như là đối tượng chánh, càng làm cho ban chỉ đạo phẫn nộ hơn
nữa vì ban chỉ đạo cho rằng hành động này của ông Nguyên được kể như
là ông đã tự ý bỏ rơi đảng sau khi đã được đắc cử và đã có Mỹ ủng
hộ. Sau khi nhiều ý kiến được trình bày xoay quanh thái độ của chánh
hữu Nguyễn Vĩnh Nguyên đối với Quốc Tiến trong thời kỳ gần đây và
sau mấy vòng thảo luận, ông tân Chủ Tịch Quốc Tiến cho rằng:
- Chánh hữu Nguyên ngày nay đã sang sông rồi thì còn coi chiếc đò
ngang này ra gì nữa! Ðể có đầy đủ chi tiết hơn về cung cách của
chánh hữu Nguyên trên tư thế Tổng Thống đối với đảng, tôi nghĩ không
ai có thể cho chúng ta nhiều thí dụ điển hình bằng chánh hữu Trần
Việt. Suốt mấy tháng nay, Tổng Thống Nguyên không buồn thảo luận với
ông phó của mình về bất cứ một vấn đề nào của chánh phủ hay đất nước
cả. Nói làm gì đến chuyện ông ấy tham khảo ban chỉ đạo? Tôi xin yêu
cầu Phó Tổng Thống Trần Việt trình bày cho hội nghị biết những uẩn
khúc liên quan đến nội bộ của chế độ hôm nay.
- Như ban chỉ đạo vừa được chánh hữu Chủ Tịch cho biết, từ ngày
tuyên thệ Tổng Thống đến nay chánh hữu Nguyên không bao giờ bàn với
tôi bất cứ một vấn đề nào hết cả. Tổng Thống đã đối xử với tôi đúng
như hiến pháp đã quy định. Tôi không có gì phải than phiền. Thế
nhưng, đều là đảng viên Quốc Tiến cả nhưng Tổng Thống và phó Tổng
Thống của chế độ lại như mèo với chuột, chẳng ai buồn nói với ai!
Thế nhưng, việc chánh hữu Nguyên đứng đầu hành pháp Việt Nam ngày
nay đâu phải là chuyện riêng tư của ông ấy mà là vấn đề uy tín và
thể diện của toàn đảng chúng ta. Thật ra mà nói, thì chuyện thay đổi
Thủ Tướng lần này tôi có được biết vì đã được gọi là tham khảo ý
kiến phần nào. Ðó là lần duy nhứt tôi được Tổng Thống mời đến để bàn
chuyện quốc sự. Thế nhưng, Tổng Thống và tôi chỉ trao đổi với nhau
về đặc tính tổng quát của chức vụ Thủ Tướng, chưa đi vào chi tiết
thực tế thì văn phòng loan báo là Đại Sứ Ellis Bagwell đã tới mà
không báo trước. Thế là Tổng Thống vội vàng tiếp ông Đại Sứ. Tức
nhiên tôi phải xin cáo biệt và rút lui. Tuy Tổng Thống Nguyên có bảo
tôi cứ ngồi lại nhưng trên nguyên tắc nghi lễ xã giao mình cũng phải
hiểu rằng đó chẳng khác nào một cách đuổi khéo người đang đối thoại.
Từ đó, tôi không được hỏi ý kiến gì nữa và tân nội các đã hình thành
như ban chỉ đạo đã biết.
Với việc bổ nhiệm chánh hữu Trần Huyền Thanh và qua thành phần chánh
phủ hiện nay, người ta thấy rõ Tổng Thống Nguyên muốn tóm thu quyền
hành, muốn tự mình điều khiển chánh phủ qua tay Trần Huyền Thanh.
Ban chỉ đạo cũng thừa biết chánh hữu Thanh là con người như thế nào
đối với Tổng Thống Nguyên. Một con người thuộc loại gọi dạ, bảo
vâng. Rồi đây phủ Thủ Tướng sẽ trở thành một thứ văn phòng đặc biệt
của "Phủ Đầu Rồng" mà thôi.
Ngoài ra, áp lực của tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đã lộ liễu một cách trơ trẽn!
Vào đầu nhiệm kỳ, Tổng Thống Nguyên còn giữ truyền thống bất khuất
của Quốc Tiến, coi thường tòa Đại Sứ Mỹ bao nhiêu thì nay ông ấy lại
thuộc loại "chống Mỹ lom khom" bấy nhiêu. Sau vụ lưu nhiệm Tướng
Thái rồi đến biến cố Kon Tum, tôi được biết ông Ðại Sứ Bagwell đã
lên lớp Tổng Thống Nguyên không tiếc lời! Cho nên vì muốn được yên
thân trên chiếc ngai tổng thống và vì cái gương của anh em nhà Ngô
mà chánh hữu Nguyên thay đổi chiến lược và cứ tuân lịnh của Ellis
Bagwell là chắc ăn. Tôi không hiểu ban chỉ đạo thấy thế nào chứ
riêng tôi thì tôi thấy rằng Hoa Kỳ đang cố tâm chi phối Việt Nam qua
kinh tế và tài chánh. Chỉ dấu của hiện tượng này là hai ông tổng
trưởng kinh tài trong nội các Trần Huyền Thanh.
Hai ông ấy là người được Mỹ đào tạo đã lâu và nay ép buộc Tổng Thống
Nguyên phải đưa vào chánh phủ. Nhưng, điểm quan trọng hơn hết là
việc họ giới thiệu người vào làm tổng trưởng bộ Chiêu Vận. Ông này,
theo tin tức riêng của chúng tôi, trước kia là một cán bộ cao cấp
bên Mặt Trận Giải Phóng đào thoát nhân chiến dịch "Firewind" đánh
vào chiến khu D. Sau đó Mỹ đã đưa ông ta sang Hoa Kỳ và giao phó cho
CIA khai thác tin tức địch rồi huấn luyện mấy năm qua. Ngày nay, ông
ấy về đây làm tổng trưởng cho chánh phủ này với ý đồ gì?
Như thế Mỹ đã để lộ khuynh hướng mơn trớn Mặt Trận Giải Phóng Miền
Nam, chuẩn bị một thế liên hiệp xâm nhập nhẹ nhàng, ngụy trang dưới
lớp nhân vật từ Mỹ về. Nguy cơ là như thế, không hiểu Tổng Thống
Nguyên có biết hay không mà cứ chấp nhận tất cả những gì lão "già tủ
lạnh" khuyến cáo. Ðiều dễ thấy nhứt là Tổng Thống Nguyên đã làm vừa
lòng ông Đại Sứ để Mỹ đừng cản trở ông đưa chánh hữu Thanh lên ghế
Thủ Tướng, bất chấp điều kiện mà ông Đại Sứ đưa ra để trao đổi. Như
vậy, với nội các mới này Tổng Thống Nguyên đã gián tiếp nối giáo cho
giặc, không chịu thấy hiểm họa to lớn trước mắt là tiếp tay cho Mỹ
giải quyết vấn đề của Việt Nam mà không có ý kiến và quyết định của
chính người Việt Nam.
Phòng hội im phăng phắc, bị lời trình bày của Phó Tổng Thống Trần
Việt thu hút. Không phải vì lời hay ý đẹp mà vì vấn đề có nhiều lắc
léo quanh co lại có khả năng đem lại nhiều mối nguy cho dân tộc và
đất nước. Mười mấy nhân vật đầu não của Quốc Tiến lần hồi bị một mối
âu lo nào đó xâm nhập tâm can, theo đà trình bày của Phó Tổng Thống
Trần Việt. Tuy nhiên, có người còn nghi vấn và thắc mắc:
- Làm sao chánh hữu biết được những chuyện mờ ám đó? Và nếu biết,
tại sao chánh hữu lại không can ngăn?
- Làm chánh trị thì phải bằng mọi cách tìm hiểu thời sự và thời cuộc
công khai cũng như kín đáo và bí mật. Muốn vậy thì mình phải có hệ
thống tin tức mật kín và riêng tư. Nhờ thế nên tôi mới có thể trình
bày cùng ban chỉ đạo từ nãy đến giờ. Ban chỉ đạo cứ ghi nhận rồi
theo dõi sự kiện mà đối chiếu với những gì tôi đã trình bày xem thử
coi có đúng không? Xin quý chánh hữu cho phép tôi được bảo vệ nguồn
tin tức riêng của tôi. Tôi biết mà không can ngăn được là vì, thứ
nhứt, Tổng Thống Nguyên đâu có chịu nghe tôi, một người vừa ít tuổi
đời vừa non tuổi đảng hơn ông ấy. Thứ hai là tôi đâu có mạnh và hữu
hiệu hơn ông Ellis Bagwell được.
Một vài tiếng thở dài ngao ngán nghe được đâu đó trong gian phòng có
người mà như hoang vắng! Thở dài vì thói người và tình đời dễ đổi
thay khi bị chánh trị và bổng lộc dẫn lối đưa đường! Và ngao ngán vì
hiểm họa rồi đây sẽ giáng xuống đầu của mọi người, trong khi những
kẻ ăn trên ngồi trước cứ quyết định đại sự quốc gia lại dựa theo các
tiêu chuẩn nặng tính quyền lợi cá nhân. Ban chỉ đạo khuyên Phó Tổng
Thống Trần Việt nên tìm hiểu sâu rộng và cụ thể hơn nữa khuynh hướng
của Mỹ trong giai đoạn mới này. Ban chỉ đạo biểu quyết chuyện đề cử
một phái đoàn đến xin yết kiến Tổng Thống Nguyên hầu tìm hiểu và tìm
cách làm cho ông thức tỉnh. Nếu phái đoàn thất bại thì Ðảng sẽ có
quyết định sau để cứu nguy toàn bộ Quốc Tiến.
-Hết
Chương Hai-
|