Sáu
mươi năm qua
Trong đời người sáu mươi lăm năm là một thời gian đáng kể. Nhưng
trong lịch sử thì chỉ là một khoảng khắc ngắn ngủi dù trải qua nhiều
biến đổi. Hồi tưởng lại năm 1943 tôi chỉ là một sinh viên trẻ mới
bước vào ngưỡng cửa Đại Học Hà Nội với tâm trạng và ý chí trau dồi
kiến thức có ích cho quốc gia dân tộc. Môi trường mới mẻ và rộng
rãi, sánh vai với các bạn mới Bắc Trung Nam và cả Miên Lào cho tôi
một tầm nhìn và đầu óc cởi mở phóng khoáng.
Cuối năm theo tục lệ, Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương tổ chức Đại Hội
tại Nhà Hát Tây Hà Nội. Khung cảnh tưng bừng của một cơ sở sang
trọng đã được kiến trúc sư Lagisquet vẽ kiểu xây dựng theo mô hình
nhà Opéra của kinh đô ánh sáng. Có thể nói tất cả Hà Thành hoa lệ đã
chờ đợi suốt năm tham dự một chương trình đặc sắc trang trọng dưới
sư chủ tọa của các chức quyền cao cấp nhất thời bấy giờ. Ngoài bài
diễn văn khai mạc trang nghiêm của Tổng Hội Trưởng Dương Đức Hiền
ra, tiết mục độc đáo nhất vẫn là một ca đoàn hùng hậu năm mươi sinh
viên nam nữ. Các nữ sinh viên thướt tha trong áo dài đủ mầu đứng
hàng đầu trước các nam sinh ưu tú của đất nước trong Âu phục trắng
tinh sắp thành bốn hàng ngang phía sau trước tấm màn nhung mầu tím
sẫm. Tôi còn nhớ trong số nữ sinh viên có chị Phan Thanh Thị Bình
sinh viên sản khoa sau này thành bà Nguyễn Tôn Hoàn, chị Đặng Mộng
Lộc sinh viên dược khoa là phu nhân tương lai của dược sỹ Chương Văn
Vĩnh, chị Đặng Mộng Khương là bào tỷ chị Lộc nay còn sống trong một
viện dưỡng lão tại Aix-en-Provence. Tôi đứng trong hàng thứ nhì cạnh
Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ. Khi nhạc trưởng Phan Thanh Hòa, sinh
viên nha y, bước ra sân khấu nói vài lời giới thiệu ca đoàn hát bài
La Marche Des Étudiants thì chiếc màn nhung mầu huyết dụ đỏ thẫm kéo
lên cho thấy một cảnh tượng đẹp đẽ dưới ánh đèn sân khấu huy hoàng.
Toàn thể khán giả cùng đứng dậy trong tiếng ồ âm vang kéo theo một
tràng pháo tay tưởng như không chấm dứt. Nhạc đệm trổi lên và tiếng
đồng ca vang dội từ các nét mặt hãnh diện với các cặp mắt sáng
choang và các bộ ngực căng phồng.

Nhà
Hát Tây Hà Nội do kiến trúc sư Lagisquet thiết kế từ đầu Thế Kỷ XIX
Năm sau 1944 tình hình đã đổi khác. Nước Pháp trong hoàn cảnh chiến
bại với Đức Quốc Xã đã phải để quân Nhật mượn đường xuống phía Nam.
Lòng ái quốc nổi lên mãnh liệt tuy nhiên chính quyền Bảo Hộ vẫn duy
trì bộ máy cai trị. Theo truyền thống Đại Hội Sinh Viên vẫn được tổ
chức trước cuối năm. Trước ngày hội trong Đông Dương Học Xá đã
chuyền tay nhau bản lời Việt Tiếng Gọi Sinh Viên hứng khởi của Mai
Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên. Những câu như “này sinh viên ơi
đứng lên đáp lời sông núi” hay “cùng nhau xông pha nơi gươm
giáo”, “thù nước lấy máu đào đem báo” đã khơi động mãnh liệt ý
chí quật cường chống Tây. Lời ca Việt ngữ được giữ bí mật tuyệt đối
nên chúng tôi phải học thuộc lòng. Buổi đại hội khai mạc. Khi tấm
màn nhung kéo lên và khi loạt vỗ tay chấm dứt thì ca đoàn lên giọng
“này sinh viên ơi” thay cho “é-tu-di-ants” trước sự ngạc nhiên lúc
đầu đưa đến tràng pháo tay như sấm giậy của cử tọa nhất tề đứng lên
kéo theo cả các quan Tây chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện. Chúng tôi
hát mà nước mắt trào ra, ý chí tranh đấu dành độc lập bùng lên trong
tim óc. May mắn thay, hai tháng sau đảo chính Nhật đã xẩy ra ngày
mồng 9 tháng 3 khiến cho sự bắt bớ của Tây đã không xẩy đến đưa hàng
loạt vào Hoả Lò. Song đây là thời điểm bắt đầu của một cuộc đồi đời
bất hạnh cho toàn thể dân tộc.
Nay sáu mưoi lăm năm đã qua tôi lại được lên sân khấu nhưng không
phải của nhà Hát Tây Hà Nội mà của Center of the Performing Arts ở
San José Mỹ Quốc. Dây là một Hý Viện tối tân tọa lạc trên đường
Almadén ở trung tâm San José nay nổi tiếng là thủ đô chính trị của
người Việt gốc Mỹ trái với Westminster và Little Saigon là trung tâm
kinh tế Việt Mỹ. Thật là một cơ duyên tình cờ khi nhà văn Giao Chỉ
Vũ Văn Lộc đọc quyển sách Câu Chuyện Một Di Dân Tỵ Nạn Việt của tôi
nhân thấy tôi quen biết nhiều bà Nguyễn Tôn Hoàn hiện nay ở Los
Altos nên mời tôi và bà Hoàn tức chị Phan Thanh Thị Bình cùng lên
đứng trên sân khấu chói chang trước một cử tọa ngồi chật cả hý viện.
Sau các chương trình văn nghệ lịch sử như du ca, tiếng hát cao vút
của Như Quỳnh trong bản Nhớ Về Miền Trung, giọng ca điêu luyện của Ý
Lan trong bài Kỷ Vật Cho Em, chúng tôi được anh Vũ Văn Lộc giới
thiệu “hai sinh viên cụ” đã cách đây sáu mươi lăm năm hòa giọng ca
bản Tiếng Gọi Sinh Viên lịch sử của Lưu Hữu Phước. Bài này đã trở
thành bài Quốc Ca Tiếng Gọi Công Dân của Việt Nam Cộng Hòa trong
suốt hai mươi năm. Theo lời giới thiệu của Giao Chỉ thì đây đích
thực là lịch sử cho viện Bảo Tàng Việt Nam. Buổi Văn Nghệ này gọi là
LỊCH SỬ MỘT NGÀN NGƯỜI VIẾT có mục đích gây quỹ hoàn tất The Vietnam
Museum tức là Nhà Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam tại The Memorial
Park trên đường Senter tỉnh San José, California. Tôi nói đùa với
nhà văn Giao Chỉ là anh đã khéo sưu tầm được hai đồ cổ hiếm hoi
trưng bầy trang trọng trong buổi văn nghệ có nhiều ý nghĩa. Tôi nay
đã 86 còn chị Hoàn thì chỉ hơn tôi có hai tháng tuổi. Anh Hoàn đã mất
sáu năm nay và anh Phan Thanh Hòa anh ruột chị Hoàn đã bị mấy tên
côn đồ Việt Cộng bắt cóc thủ tiêu đã sáu mươi hai năm ròng. Đứng
dưới ánh đèn sân khấu cạnh chị Nguyễn Tôn Hoàn tôi thoạt nhớ đến
hình ảnh dĩ vãng thời tuổi trẻ hăng hái trong sáng mà nổi da gà như
có một luồng điện chạy theo sống lưng. Tuy vậy không còn thấy cái
rạo rực hồi xưa và cặp mắt đã ráo hoảnh nhìn xuống cử tọa một cách
lạc lõng. Phãi chăng vì đã lớn tuổi nên “tuổi già giọt lệ như
sương”, không còn cái sung mãn thiếu thời, hay vì thấy cộng đồng
Việt đã quá lớn mạnh và sung túc mà cạn kiệt các cảm xúc đau thương?
Hình:
Center of the Performing Arts, San José Arts

Hình
: Ong TranDo Cung va Ba NguyenTon Hoan
Chúng tôi đi với con cháu đến nhà hát trước giờ khai mạc.
Khách tham dự khá đông quần áo chỉnh tề lịch sự. Tôi đảo mắt tìm
người quen mà tôi chưa bao giờ gập mặt. Đó là anh Vũ Thuong Quát con
thứ bẩy của cụ Vũ Quý Mão xưa là Đổng Lý Văn Phòng cho Thủ Hiến Bắc
Việt Nguyễn Hữu Trí. Cụ Mão là bạn chí thân “mày-tao” với nhạc phụ
tôi và cùng tốt nghiệp trường Luật Hà Nội năm 1924. Trong thời kỳ cụ
Mão làm Đổng Lý thì nhạc phụ tôi cụ Nguyễn Đình Tại giữ chức Giám
Đốc Công An kiêm Tổng Ủy Di Cư. Hai ông đã ở lại Hà Nội cho đến giờ
cuối cùng lo việc di tản dân vào Nam sau Hoà Ước Genève năm 1954
chia cắt đất nước thành hai miền Quốc Cộng. Đây là một tình cờ hy
hữu. Anh Quát được một người quen ở Paris điện thoại nhờ tìm mua một
cuốn Câu Chuyện Một Di Dân Tỵ Nạn Việt mà bên Pháp đã hết. Sau khi
đi lùng khắp các tiệm sách San José cũng không còn nữa anh ấy bèn
hỏi được địa chỉ và gửi thư xin mua. Thế là bắt đầu qua lại nhận
biết liên hệ và hẹn gập mặt tại buổi văn nghệ lịch sử này. Anh Quát
cũng là một thuyền nhân may mắn, lần đầu bị săn đuổi chạy thoát chỉ
mất thuyền và lần sau đã đến được Pháp Quốc để rồi qua Mỹ định cư.
Trong hai mươi phút nghỉ giải lao anh Quát tìm được tôi ngay hàng
ghế trước sân khấu. Thật là đặc biệt cảm động cho một trùng phùng
không ngờ trên đất nước tự do này xa lắc xa lơ với Hà Nội của thời
xưa không còn nữa.

Hình:
Hai sinh viên tốt nghiệp Đại Học Luật Hà Nội 1924 đã cùng lo di tản
một triệu
người Bắc vào Nam sau Hòa Ước Genève 1954
Trong chương trình, ngoài các phần ca nhạc đặc biệt ra còn có chiếu
những đoạn ngắn của các phim Chúng Tôi Muốn Sống với sự di tản cả
triệu dân miền Bắc vào Nam, phim Người Tình Không Chân Dung cho thấy
Kiều Chinh đứng trước cảnh điêu tàn chiến trận và phim Vượt Sóng
chiếu thảm cảnh vượt biển tìm tự do làm cho ai nấy đều ngậm ngùi.
Một câu chuyện thật mà Giao Chỉ đã kể lại là cảnh một chiếc thuyền
bé nhỏ đầy người lênh đênh trôi dạt trên biển cả với một thiếu phụ
trẻ bụng mang dạ chửa tay dắt đứa con chưa đầy hai tuổi bước lên mũi
thuyền quỳ lạy. Cả mấy chục chiếc tầu lặng lẽ đi qua. Bỗng nhiên
chiếc tầu Na Uy ngưng lại và hạm trưởng cho cứu cả đoàn người vô
vọng đưa vào trại tỵ nạn Hồng Kông. Thiếu phụ trẻ tuổi này chính là
ca sỹ nổi danh Ý Lan có mặt trên sân khấu và là ái nữ của cố tài tử
Lê Quỳnh trong phim Chúng Tôi Muốn Sống.
Buổi Văn Nghệ đã chấm dứt lúc bẩy giờ tối. Sau bốn tiếng đồng hồ tôi
đã thấy thấm mệt vì đã từ lâu tôi chưa bao giờ tham dự một cuộp hội
ngộ giài như vậy. Xin có lời khen ngợi Giao Chỉ Vũ Văn Lộc đã bỏ hết
tâm sức xây dựng Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt để cho các thế hệ
tiếp nối hiểu là tại sao chúng ta đã có mặt trên đất tự do này.
Trần Đỗ Cung
|