.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Trần Đỗ Cung

 

Câu chuyện
Hướng đạo Việt Nam

  • 3-05-2008

Viết về phong trào Hướng Đạo Việt Nam là một đề tài rộng lớn và khó khăn. Kinh nghiệm cá nhân thì không có bao nhiêu vì tôi chỉ tham gia hướng đạo trong thời gian ngắn ở tỉnh nhà trước khi ra Hà Nội gia nhập Tráng Đoàn Lam Sơn của Tráng Trưởng Hoàng Đạo Thúy. Bởi vậy tôi đã liên lạc một số cựu Trưởng tại Hoa Kỳ, Canada và Pháp Quốc. Rất may là một vài Trưởng tuy lớn tuổi đã giúp tôi khá nhiều. Như Trưởng Huỳnh Minh Quang hiện ở Paris đã 83 nhưng cũng đã gửi cho tôi hằng tuần các tài liệu viết bởi Trưởng Huỳnh Văn Diệp đã quy tiên năm 2001 ở Houston ở tuổi 92. Rồi các tài liệu của Trưởng Nghiêm Văn Thạch, đã một thời làm bí thư cho cựu Đại Sứ Nguyễn Duy Quang tại Paris. Hội Trưởng Nguyễn Tấn Hồng ở Canada cũng giới thiệu Trưởng Tôn Thất Hy cho tôi đọc các trang báo Bạch Mã xuất bản tại hải ngoại. Trưởng Hy cẩn thận khuyên tôi là nên để lịch sử Hướng Đạo Việt Nam cho tương lai khi nào Hội Hướng Đạo nước nhà chính thức hoạt động lại và có đầy đủ dữ kiện làm công việc này.

Bởi vậy tôi chỉ viết ra những câu chuyện nhỏ liên quan đến Hướng Đạo trong vòng bẩy mươi bẩy năm qua, chuyện thương tâm hay trào phúng, cho ta thấy tính cách hồn nhiên của tuổi trẻ trong nền tảng giáo dục thanh thiếu niên do Baden Powell đề xướng. Mong rằng đây chỉ là bước đầu sẽ kéo theo nhiều ý kiến và tài liệu nữa.  Phong trào ở nước ta đã trải qua bao nhiêu thăng trầm đất nước, từ thời kỳ Pháp thuộc qua những biến cố lớn lao đưa đến cuộc chiến quốc cộng đẫm máu rồi cuộc di tản vĩ đại nên lại còn phức tạp hơn nhiều.

Trước hết phải nói đến xuất xứ của Hướng Đạo, lịch sử Hướng Đạo bắt nguồn từ đâu và đã qua những lịch trình thay đổi như thế nào? Ông tổ Hướng Đạo thế giới là Baden Powell là một điều chắc chắn không ai chối cãi được. Trong trận chiến Boers ở Nam Phi Tướng Baden Powell là vị chỉ huy quân Anh ít ỏi bị quân Boers đông gấp bội vây hãm trong bẩy tháng trời và đã chiến thắng oanh liệt ở thị trấn Mafeking. Ông đã viết tập chỉ dẫn huấn luyện binh sỹ các điều căn bản về mưu sinh, tìm dấu vết đi rừng, liên lạc thám báo, quan sát địa hình và thoát hiểm.

Không ngờ khi trở vê Anh Quốc ông nhận thấy các thanh thiếu niên đua nhau tìm đọc tài liệu của ông. Ông gập các giới chức quan tâm đến phong trào thanh thiếu niên và được họ khuyến khích ông viết một tài liệu nhắm vào tuổi từ mười ba đến mười chin (teenagers). Sau một trại Hè ở đảo Brownsee, B-P thử nghiệm ý kiến với bốn đội thiếu niên đến từ Luân Đôn và Bournemouth với tài liệu “Hướng Đạo Cho Thanh Niên” ấn loát năm 1908. Tài liệu nầy trở thành ăn khách chỉ đứng sau Kinh Thánh Bible, Kinh Koran và cuốn Hồng Thư của Mao Trạch Đông.

Phong trào Hướng Đạo dần dần phát triển từ dưới đi lên theo một tiến trình hoàn toàn dân chủ. Các vị lãnh đạo có đủ tự do hành động miễn là đi theo các lý tưởng Hướng Đạo. Năm 1910 Baden Powell giải ngũ và dành cả thì giờ cùng tiền nhuận bút sách vào Hướng Đạo. Sức khỏe của B-P sút kém và đến 1938 ông qua Kenya sống nốt cuộc đời còn lại. Ông đã chết ngày mồng 8 tháng Giêng năm 1941 và để lại thông điệp cuối cùng cho Hướng Đạo toàn cầu.

“Anh em Hướng Đạo yêu quý.

Nếu các bạn đã đọc chuyện ‘Peter Pan’, các bạn hẳn đã thấy viên tướng cướp luôn luôn viết chúc thư từ biệt vì nghĩ rằng khi đến lúc, có lẽ ông không còn thì giờ thổ lộ tâm sự. Đó cũng là trường hợp của tôi. Mặc dầu hiện nay tôi vẫn còn sống, một ngày kia tôi sẽ từ giã các bạn. Bởi vậy tôi xin gửi đến các bạn đôi lời từ biệt.

Xin nhớ là có lẽ đây là lần cuối các bạn sẽ nghe tôi nói bởi vậy tôi muốn các bạn suy nghĩ kỹ. Tôi đã có một cuộc đời đáng sống và tôi muốn rằng mỗi bạn cũng sẽ có một cuộc đời như ý. Tôi tin rằng Thượng Đế đã cho chúng ta cõi đời tươi đẹp này để hưởng tất cả thú vị của nó. Hạnh phúc không tới bằng giầu sang, bằng thành quả mà cũng không phải bằng sự tự mãn. Bước chân tiến tới hạnh phúc là giữ cho sức khỏe khang cường trong lúc niên thiếu để có thể hữu ích và tân hưởng cuộc đời khi bạn thành người.

Nhìn thiên nhiên bạn nhận thấy Thượng Đế đã ban cho bao nhiêu sự thần kỳ đẹp đẽ làm nên một thế giới huy hoàng cho chúng ta thừa hưởng. Bạn hãy nhìn vào khía cạnh sáng sủa của mọi vật chớ đừng chú ý đến cái đen tối hắc ám. Hãy bằng lòng với cái mình có và tận hưởng tối đa. Phương cách tốt nhất để hưởng hạnh phúc là gây hạnh phúc cho người khác. Gắng làm cho thế giới này tốt đẹp hơn và khi đến lượt bạn xa lìa nó, bạn sẽ ra đi sung sướng rằng bạn đã không phi thời giờ mà đã làm tất cả cái gì tốt nhất. Hãy SẴN SÀNG, sống vui và chết vui -- giữ vững lời hứa Hướng Đạo --. Thượng đế sẽ giúp bạn”.

Thân chào
Robert Baden Powell

Kể từ năm 1908 Hướng Đạo đã lan dần qua một số tiền đồn của đế quốc Anh Cát Lợi. Sau một cuộc du hành qua Nam Mỹ, B-P đã gieo mầm Hướng Đạo ở Chili rồi từ đó vượt qua Âu Châu. Bước nhẩy vọt hệ trọng qua Hoa Kỳ là do một tình cờ thú vị. Năm 1907 ông William Boyce, một doanh nhân Mỹ đi Luân Đôn và bị lạc trong đám sa mù giầy đặc không tìm được đường về khách sạn. Bỗng nhiên một cậu bé tiến tới và tình nguyện dẫn đường về chỗ an toàn. Ông ta rút túi thưởng cho cậu ta một món tiền nhưng cậu bé lễ phép chối từ nói rằng đó là việc thiện trong ngày của cậu. Ông Boyce quá ngạc nhiên nên lần hồi tìm đến B-P để khi trở về Mỹ bắt đầu khởi sự phong trào ở Mỹ.  

Vào những năm 1930 nền Đại Học Việt Nam còn phôi thai, số trí thức hiếm hoi. Thời kỳ ấy cũng là lúc phong trào ái quốc bùng lên với Nguyễn Thái Học và các đồng chi Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đưa lên máy chém ở Yên Bái ngửa mặt hô Việt Nam muôn năm. Rồi sự xuất hiện của Sô Viết Nghệ Tĩnh gây chết chóc với những biểu tình của nông dân bị đàn áp đẫm máu. Xã hội cổ truyền nho học thấy cần thoát khỏi các tập quán cổ lỗ để duy tân mong theo đà Âu Tây. Các thanh niên trí thức muốn hướng dẫn các bạn trẻ theo nếp “sống vui sống khỏe” cho hợp thời. Tiên phong là Trưởng Trần Văn Khắc nhận thấy tôn chỉ hướng đạo thích hợp với tâm tính Việt Nam có thể lôi cuốn được giới trẻ vào những hoạt động gần thiên nhiên trong tập quán dân chủ. Trưởng Khắc đã lập đoàn Hướng Đạo đầu tiên tại Hà Nội lấy tên là đoàn Lê Lợi.

Về sau Trưởng Hoàng Đạo Thúy, một nhà mô phạm, lập Tráng Đoàn Lam Sơn quy tụ được những trí thức danh tiếng như Bác Sỹ Tôn Thất Tùng sau này là giáo sư y khoa nổi tiếng ở Hà Nội và Bác Sỹ Phạm Biểu Tâm, Thạc Sỹ Y Khoa, khoa trưởng Y Khoa Đại Học Sài Gòn. Còn có các Tráng và Thiếu Đoàn khác với các nhà lãnh đạo như Trưởng Trần Văn Thao nay đã trên trăm tuổi và định cư ở Vermont. Ông là Tráng Trưởng đoàn Trần Lục, lấy tên một vị linh mục nổi tiếng thường gọi là cha Sáu là người đã thiết kế và xây dựng ngôi nhà thờ Phát Diệm đồ sộ. Trưởng Lê Mộng Ngọ Tráng Trưởng Tráng Đoàn Quang Trung nay đã chin chục và hiện ở Long Beach, Trưởng Huỳnh Văn Diệp tên rừng Thiên Nga đã khuất núi tại Houston ở tuổi 92. Ngoài ra còn các tổ chức Scouts de France với Bác Sỹ Thú Y Vũ Ngọc Tân tốt nghiệp trường Alford bên Pháp, Bác Sỹ Vũ Ngọc Hoàn Thiếu Tướng Cục Trưởng Quân Y Việt Nam Cộng Hòa.

Thật ra lúc đầu chính quyền thuộc địa Đông Duơng không có mấy cảm tình với phong trào. Họ nhìn các lời hứa Hướng Đạo nhất là trung thành với tổ quốc với một nhãn quan nghi kỵ. Rồi các đơn vị đoàn ngũ lại lấy tên các vị anh hùng trong lịch sử hoặc các địa danh đánh đuổi ngoại xâm là một điều họ rất dị ứng. Hơn nữa trong những sinh hoạt ngoài trời luôn luôn có phần chào cờ Hướng Đạo trang trọng khi các đoàn viên dơ tay với ba ngón chỉ ba điều tâm niệm, Trung Thành với Tổ Quốc, Giúp ích mọi người và tuân theo Luật Hướng Đạo. Tuy nhiên sự có mặt của các đoàn thể Pháp như Scouts de France, Éclaireurs Unionistes đã khiến họ yên tâm đôi phần. Các Trưởng Pháp như Nietrich, Raymond Schlemmer, Raoul Serène thuộc tổ chức Jeunes Campeurs, Trưởng Paul Viagia Tráng Đoàn Saint Paul, Jacques Enard Trưởng Hướng Đạo Pháp Éclaireurs Unionistes với vợ là một trưởng nữ Hướng Đạo, Trưởng André Lefèvre Tổng Ủy Viên Éclaireurs de France, Denis de Massy, Claude Deswartes, là những cây cầu bắt nhịp. Họ đều là công chức chính quyền đương thời, các sỹ quan trung cấp trong quân đội viễn chinh hoặc các tư chức cấp cao thuộc các công ty thương mại như Esso Oil, Denis Frères vv.

Lúc Pháp bại trận Charles de Gaulle qua Anh tổ chức giải phóng đất nước với sự trợ giúp của phe đồng minh thì ở Đông Dương Toàn quyền Catroux đào thoát theo kháng chiến. Chính phủ Vichy của Thống Chế Pétain bổ nhiệm Đô Đốc Decoux thay thế trong một tình hình cực kỳ khó khăn đương đầu với quân phiệt Nhật và đối phó tế nhị với cao trào ái quốc bản xứ.  Các sinh viên Đại Học Đông Dương, cư trú tại Đông Dương Học Xá Bạch Mai mà Toàn Quyền Decoux đã xây dựng lấy lòng các trí thức trẻ, đang rầm rộ với các hoạt động ái quốc và tham gia Tráng Đoàn Lam Sơn. Chính quyền tung ra phong trào khỏe với cuộc đua xe đạp đường trường Nam Bắc lôi cuốn mọi từng lớp nhân dân theo rõi cập nhật các tin tranh đua của những Nguyễn Văn Thân và Lê Thành Các.

Chính quyền lại lập ra các trung tâm đào luyện ESEPIC (Trường Đào Tạo Huấn Luyện Viên Thể Dục Đông Dương} và ESEJIC {Trường Đào Tạo Cán Bộ Thanh Niên} với hứa hẹn sẽ được tuyển chọn làm việc với thù lao xứng đáng. Nhiều cán bộ hướng đạo của các ngành Thiếu Tráng tham gia nhất là trường ESEJIC, khiến cho phong trào bị khủng hoảng phần nào. Trưởng Paul Viagia thuộc Clan Saint Paul là một Đại Úy Lục Quân được Đại Tá Ducouroy bỏ nhiệm làm Giám Đốc ESEJIC. Các người còn lại trong Tráng Đoàn Lý Thường Kiệt của Trưởng Huỳnh Văn Diệp (tên rừng Thiên Nga) chuyển qua hoạt động văn hóa Bình Dân Học Vụ chống nạn mù chữ hoặc làm việc xã hôi như cứu thương và làm việc thiện. 

Trận đói thê thảm cuối 1944 sang đầu 1945 đã kết hợp mạnh mẽ tinh thần phục vụ tha nhân. Tráng Đoàn Lam Sơn tổ chức các đội cứu đói tại Hà Nội và phụ cận. Gạo khan hiếm hoàn toàn vì nhu cầu quân đội Nhật, vì gián đoạn giao thông với các oanh tạc của Mỹ phá hủy cầu kỳ và thiết lộ. Dân chúng các miền đồng bằng ùn ùn bỏ làng xóm đi tìm sống, mặt mày hốc hác, thân xác dơ xương. Các cây dọc theo các đường phố cũng bị gậm trụi vỏ để rồi lăn ra chết đen xạm khắp đầu đường xó chợ.

Sáng nào cũng từ lúc mặt trời chưa mọc tôi đã cùng các tráng sinh ngụ tại Đông Dương Học Xá chỉnh tề quần áo, khăn quàng và mũ Hướng Đạo, tập hợp từng đôi một đẩy một chiếc xe bò đi thu lượm xác chết. Lúc đầu thấy ghê khiếp rồi cũng quen đi. Chúng tôi khởi đầu qua khu đất hoang phía sau Học Xá tiến ra cuối đường Lê Lợi. Chưa ra đến phố thì chiếc xe bò đã chất đầy ắp các xác gầy dơ xương đen đủi tìm thấy ngay gầm cây cầu tạm bắc ngang cái kinh nhỏ hẹp. Hết chuyến nọ đến chuyến kia, chúng tôi khuân đống “củi khô” đến địa điểm thu gom để xe vận tải chở đi hố chôn tập thể Giáp Bát.

Hồi ấy có dịch bệnh chấy rận nhưng anh em không có thuốc phòng ngừa chỉ phó mặc số mệnh. Một kỷ niệm đau lòng khó quên là sáng sớm tôi mua cầm theo một chiếc bánh chưng nhỏ bằng lòng bàn tay để lót dạ khi làm việc mệt nhọc vì phòng ăn học xá chỉ còn dọn các đĩa mì hôi mốc. Đang đẩy xe ì ạch thì một bộ xương ma đói nằm trên lề đường bỗng nhiên chồm giậy dật phăng chiếc bánh chưng và bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến cả vỏ. Chưng hửng và tức giận tôi không kịp phản ứng nhưng rồi kìm lại chặc lưỡi coi như một việc thiện đầu tiên trong ngày.

Một việc thương tâm nữa khi tôi đạp xe về Thanh Hóa trên Quốc Lộ 1 đầy xác chết lộ thiên. Lúc vượt Đèo Đồng Giao khi hoàng hôn xuống thì trước mắt tôi độ 300 thước thấy một bóng phụ nữ lảo đảo. Tôi vừa tới nơi thì người đàn bà ấy qụy xuống chết ngay, trên tay còn ôm một đứa trẻ khoảng một tuổi, miệng còn ngậm vú mẹ. Thật là thê thảm, tôi chỉ biết xuống xe lôi xác hai mẹ con vào bên đường, phủ lên vài cành cây khô. Lại một việc thiện nữa không bao giờ quên được.

Trong kỳ Hè 1943 đội chúng tôi độ 12 người chỉ huy bởi Đội Trưởng Nguyễn Kèn (sau thành Tướng Thế Lâm) đi cắm trại mười ngày trên Núi Ba Vì. Chúng tôi nai nịt đầy đủ chăn mùng nồi niêu và gạo nước trong các túi đeo nặng chĩu (sacs scouts). Đạp xe từ Hà Nội đến chân núi mất khoảng hai tiếng đồng hồ chúng tôi ghé thăm đồn điền Thibault nuôi bò sữa. Nghỉ chân tại nơi này quan sát cơ sở làm bơ và phó mát, chúng tôi mua phó sản sữa của họ để ăn trưa với các ổ bánh mì đem theo. Truyện trò hát hỏng ầm ĩ, thật là một đoàn vô tư lự trong cái tuổi sung mãn nuôi nhiều hoài bão cuộc đời trong tôn chỉ Hướng Đạo. Nhìn lại thấy người còn kẻ mất, có những người đã nổi danh một thời như Nguyễn Kèn, Đặng Văn Việt, Tôn Thất Hoàng, Nguyễn Như Kim, Hoàng Đình Phu, Nguyễn Thương, có bạn đã chết ở tuổi quá trẻ như Nguyễn Trinh Tiếp khi thực nghiệm thuốc nổ trên Quân Giới Cục Hòa Bình của Kỹ Sư Trần Đại Nghĩa.

Chúng tôi buộc sóng đôi từng cặp xe đạp với những chiếc gậy đem theo rồi chất đồ đạc lên khung đẩy lên đường núi. Sau một giờ thì đến cao độ 400 là khu nghỉ mát nhưng chúng tôi tiếp tục theo con đường ngoằn ngoèo lởm chởm cho đến cao độ 1200 m thì lập trại. Ai nấy mệt nhoài mồ hôi đẫm quần áo để thấy một vị trí hoang vu của rừng núi Bắc Việt. Đội Trưởng Kèn là một sinh viên Thủy Lâm cho lệnh bắt đầu làm một sàn nhà thô sơ để ngả lưng qua đêm. Hì hục với cưa và búa đem theo, anh em hạ cây. Tàn cây quện vào nhau nên không đổ xuống. Bạn Kèn rất khỏe đã bám vào thân cây đu đưa cho rời ra và đổ ầm xuống dưới reo hò vang trong núi rừng của các đội viên.

Tôi phụ trách hỏa đầu quân lo cơm nước cho cả nhóm. Mới có năm ngày làm việc cật lực và ca hát vang dội núi đồi mà lương thực đã bắt đầu khô cạn. Tôi cùng bạn Phạm Qụy đạp xe đổ dốc xuống cao độ 400 mua gạo thồ lên rồi vào rừng hái rau tầu bay, lật các hốc đá bắt cua núi nấu canh mưu sinh trong năm ngày cuối cùng. Đến ngày thứ chin mới hoàn tất sàn cây thô sơ trong tiếng vỗ tay để ngả lưng thoải mái qua đêm trước khi dọn dẹp xuống núi. Về đến Hà Nội chúng tôi cùng nhau ngồi ăn trên lề nhà hàng cơm Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Mỗi người ngốn cả chục bát cơm ngon lành và trên bàn thấy la liệt các chai bia Hommel khô cạn.  

Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập tại quảng trường Ba Đình. Trong chính phủ lâm thời dưới Hồ Chí Minh có ít nhất ba Hướng Đạo Sinh, Nguyễn Hữu Đang Bộ Trưởng Văn Hóa Giáo Dục, Bác Sỹ Phạm Ngọc Thạch Bộ Trưởng Y Tế và Giáo Sư Tạ Quang Bửu Thứ Trưởng Quốc Phòng. Một huynh trưởng Bác Sỹ Trần Duy Hưng làm Thị Trưởng Hà Nội. Ngươi ta nói rằng Trưởng Thúy đã theo Việt Minh từ đầu và lôi cuốn các đoàn viên của mình theo ông. Lại đồn rằng Trưởng Thúy đã dụ Trưởng Bửu theo Việt Minh bằng cách gả con gái cho ông Bửu. Theo lời kể của một bạn Lam Sơn thì trong một kỳ họp bạn tại Hà Nội Trưởng Bửu đã đến thăm Trưởng Thúy tại tư gia. Trưởng Bửu đã gâp cô con gái rượu của Trưởng Thúy và thấy hợp nhãn. Trưởng Bửu nói với Trưởng Thúy “Ta fille me plait” thì được trả lời cũng bằng tiếng Pháp. “Tout dépend d’elle et de toi, frère. Je vote pour toi”.

Trong một cuộc họp ngẫu nhiên tại Văn Miếu trước sân thể dục SEPTO có bốn người đứng đầu là Trưởng Thúy với hai sinh viên nội trú y khoa sắp ra trường là Phạm Biểu Tâm và Hoàng Đình Cầu cọng thêm Hoàng Văn Đức là một sinh viên y khoa trẻ. Lúc ấy là thời điểm vài tuần sau đảo chính Nhật khi Hoàng Đế Bảo Đâi vừa lập xong chính phủ Trần Trọng Kim. Anh sinh viên trẻ cất tiếng hỏi các đàn anh Lam Sơn rằng ta đã có chính phủ độc lập chúng ta có bắt tay vào giúp nước không ? Các ông Tâm và Cầu đều im lặng còn Trưởng Thúy ngồi trầm ngâm một lúc lâu mới thủng thẳng nói, « Chưa đến lúc » !

Cách Mạng Tháng Tám xẩy ra. Việt Minh cổ võ thành lập Thanh Niên Tiền Phong và các đội Nhi Đồng Cứu Quốc. Hướng Đạo bị lung lay và tan rã, mỗi người tự chọn đường đi thích hợp. Tôi và bạn Nguyễn Tấn Hồng được bạn Chu Văn Tích phụ trách phòng thông tin trên đường Paul Bert Hà Nội giao cho công việc tổ chức đêm Trung Thu Nhi Đồng đầu tiên. Các giây đèn được giăng lên các cây bờ hồ Hoàn Kiếm. Trên mặt hồ phẳng lặng một chiếc thuyền giả trang chiến hạm hải quân Pháp tiến tới địa điểm đổ bộ. Các đoàn Nhi Đồng Cứu Quốc đánh trống ếch bập bùng tới nơi hò vang đánh đuổi giặc xâm lăng. Thật là một cảnh tượng vô cùng hứng khởi.

Một rạn nứt đầu tiên đã xẩy ra trong một đại hôi hợp nhất ba Kỳ khỏang đầu năm 1946 tại Hà Nội quy tụ nhiều Trưởng Bắc Trung Nam do Trưởng Hoàng Đạo Thúy triệu tập. Lúc ấy trong Nam quân đội viễn chinh Pháp của Tướng Leclerc đã bắt đầu đổ bộ đặt lại chủ quyền đô hộ Pháp. Tình hình sôi sục, từng đoàn sinh viên Nam Kỳ ở Đại Học Xá đạp xe xuôi Nam đánh đuổi thực dân. Trong Nam các đơn vị đã tán lạc nên sinh viên Lưu Hữu Phước ở Hà Nội thuộc Tráng Đoàn Lam Sơn đại diện không có thụ ủy. Các đơn vị miền Trung ngưng sinh hoạt theo lệnh của Trưởng Phan Như Ngân. Chỉ vài người có mặt ở Hà Nội như Trưởng Bạch Văn Quế, Trưởng Vĩnh Bang đi dự họp. Vào phút chót Trưởng Võ Thành Minh Tổng Thư Ký Liên Hội đã ra kịp từ Vinh.

Trưởng Hoàng Đạo Thúy tới khai mạc Đại Hội trong bộ quân phục Việt Minh. Buổi chiều Trưởng Thúy thác bận nên không tới và đã ngầm đề cử một Tráng Sinh Lam Sơn Lê Trác đứng ra cổ xúy lập Hội Hướng Đạo Cứu Quốc tức là gia nhập Mặt Trận Việt Minh y hệt trường hợp tại Việt Nam Học Xá khi Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam bị dồn vào thêm cái đuôi Cứu Quốc. Đại Hội liền phân ra hai khối tranh cãi quyết liệt, có lúc hỗn loạn ẩu đả. Trưởng Minh điều khiển cuộc họp lịch sử sôi nổi, can thiệp, phân tách cặn kẽ những luận cứ mâu thuẫn với nền tảng Hướng Đạo để giữ tình huynh đệ và kỷ luật Hướng Đạo. Trưởng Phạm Biểu Tâm lên diễn đàn rơi lệ gây một cảm xúc mãnh liệt và Trưởng Võ Thành Minh thuyết phục được đa số chấp thuận danh hiệu thích hợp “Hội Hướng Đạo Việt Nam” không có cái đuôi Cứu Quốc. Kết quả là mọi nguời đồng ý không chấp thuận danh xưng “Hướng Đạo Cứu Quốc” để mặc nhiên nằm trong mặt trận Việt Minh sau đổi thành Mặt Trận Tổ Quốc. Tuy nhiên sự bác bỏ chỉ dựa lên tinh thần hướng đạo cùng tôn chỉ của phong trào vì chưa ai có đủ dữ kiện và kinh nghiệm vạch trần chủ đích của cộng sản che dấu sau chiêu bài độc lập.

Cũng trong thời điểm này Hướng Đạo đã tổ chức Cuộc Chơi Lớn chạy Hỏa Bài Bắc Nam. Hỏa bài được trao từ địa phương này đến địa phương khác qua các đoàn thể hướng đạo. Bắt đầu là Hà Nội với Tráng Đoàn Lam Sơn, đến Thanh Hóa thì chuyển qua tổ chức của Tráng Trưởng Trần Điền. Rồi tới Nghệ An thì giao cho Trưởng Võ Thành Minh, đến địa phận Huế thì chuyền cho các Trưởng Tạ Quang Bửu và Phan Huy Đức, rồi đến Qui Nhơn với Nguyễn Xuân Trâm, Nha Trang qua tay Cung Giũ Nguyên và cuối cùng các đơn vị của Trưởng Huỳnh Văn Diệp chạy từ Phan Thiết đến Sài Gòn.  

Khi chiến tranh Việt Pháp xẩy ra ngày 20 tháng Chạp 1946 hầu hết các tráng sinh Lam Sơn đều đi theo Tráng Trưởng Thúy tham gia chiến đấu. Trưởng Thúy đứng lãnh đạo hệ thống giao thông liên lạc là cơ cấu đầu tiên của công việc phản gián cũng như B-P đã làm trong trận chiến Mafeking chống lại quân Boers đông gấp bội, dò đường thám sát, thu thập tin tức địa hình và chuyển về cơ quan tham mưu. Tôi chiến đấu trong Đại Đội Sinh Viên và khi tan hàng rút về phía Cự Đà rồi Đồng Quan thì được một cán bộ giao liên móc nối trở vào Thành do thám tình hình sắp sẵn hành quân của quân đội Pháp dưới bí danh Z-4. Tôi thi hành công việc nguy hiểm, báo cáo được số quân xa vận tải và số nhân công làm việc trong thành pháo thủ sửa soạn cho hành quân vùng Ninh Bình. Sau khi nhận được thư viết tay của tráng sinh Đặng Văn Việt gọi trở ra chiến khu huấn luyện thêm thì tôi đào thoát về với phe quốc gia.

Năm 1946 khi Hồ Chí Minh lập chính phủ liên hiệp thì Trưởng Luật Sư Trần Văn Tuyên được bổ nhiệm Thứ Trưởng Ngoại Giao cho Bộ Trưởng Nguyễn Tường Tam. Ông Nguyễn Hữu Đang trong tráng đoàn Lam Sơn làm Bộ Trưởng Giáo Dục. Ông Đang bị bắt năm 1956 và biệt giam 15 năm, quản thúc tại gia 25 năm trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, đòi hỏi tự do cho văn nghệ sỹ miền Bắc. Ông Đang được Trưởng Thúy mời làm cố vấn trong vai trò trí vận và mặc đồng phục Tráng Sinh Lam Sơn, Khi nhận thấy chính sách văn nghệ một chiều bóp nghẹt tư tưởng ông Đang đã mạnh dạn tỏ thái độ chống lại và bị bắt. Đó là trường hợp một tráng sinh đội lốt nhưng ngay thẳng trong cuộc chơi hướng đạo.

Trường hợp Tráng Trưởng Tạ Quang Bửu cũng đã được Hoàng Đạo Thúy lôi kéo vào Việt Minh. Ông Bửu rất thông minh đã tốt nghiệp Đại Học Oxford danh tiếng Anh Quốc. Tuy tầm vóc khiêm nhượng với một sắc diện dưới trung bình ông rất giỏi toán và sinh ngữ và đặc biệt xuất sắc các môn  thể thao như nhầy cao đánh chéo chân (ciseaux). Ông là một giáo sư nổi tiếng của Trường Providence Huế. Khi tham gia Hội Nghị Genève ông đã lợi dụng thời gian thu thập các tài liệu binh thư của Pháp. Ông cũng đã liên lạc móc nối được nhiều nhà trí thức khoa bảng về giúp nước như Kỹ Sư Đa Năng Trần Đại Nghĩa về dựng lên Quân Giới Cục trên Hòa Bình. Một học giả nổi tiếng là Thạc Sỹ Trần Đức Thảo cũng như Tiến Sỹ Nguyễn Mạnh Tường đã theo ông về với Việt Minh. Trong khi hội nghị Genève tiếp diễn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc nhìn ra bờ hồ Genève thì Trưởng Võ Thành Minh đã cắm lều trên bờ hồ, ngồi thổi sáo và tuyệt thực phản đối sự chia cắt đất nước. Trưởng Trần Văn Tuyên và Cung Giũ Nguyên đã đến thăm hỏi khuyên Trưởng Minh chấm dứt tuyệt thực. Không thấy Trưởng Bửu xuất hiện có lẽ vì không được khuyến khích.

Trưởng Bửu đã thay mặt chính phủ với tính cách Thứ Trưởng Quốc Phòng ký kết đính chiến với Thiếu Tướng Deltheil. Công trạng thật là to lớn nhưng khi về nước ông đã bị nghi kỵ. Ông được chuyển qua Nha Phát Triển Đại Học Kỹ Thuật và ông dành tâm huyết vào công việc mới. Tôi được biết câu chuyện của Tiến Sỹ Toán Đặng Hùng Thắng giáo sư toán số một của Đại Học Khoa Học Hà Nội đã được ông giúp đỡ tận tình. Thân phụ Thắng, Đặng Thế Bính là bạn chí thân của tôi đã cùng cưới vợ ngày 17 tháng Tư năm 1949 và cùng rước dâu về 68 Reinach Hà Nội. Chỉ vài tháng sau anh Bính được học bổng Fulbright du học Mỹ Quốc. Sau năm đầu tiên anh ký vào Bản Kêu Gọi Hòa Bình Stockholm, trái với điều khoản học bổng nên anh phải hồi hương trở về Hà Nội sống với gia đình ở số 6 Hàng Vôi. Cậu con đầu lòng là mõt học sinh trung học xuất sắc. Tuy vậy, dù thân phụ đã không di cư vào Nam sau 1954, đang làm việc rất đắc lực cho ban Tu-Thư-Dịch-Thuật và đã tham gia Phong Trào Hòa Bình ông cũng bị liệt vào thành phần bất tín. Hơn nữa hai ông em là Y Sĩ cấp Tá Hải Quân và sỹ quan cấp tá Không Quân miền Nam nên Thắng không đủ tiêu chuẩn thi vào Đại Học.

Anh Bính phải nhờ Tạ Quang Bửu cho con mượn sách vở tự học và Thắng đã đậu các cấp toán tối ưu dể trở thành Giáo Sư Tiến Sỹ nổi tiếng của Đại Học Khoa Học Hà Nội. Đã nhiều lần Thắng được dẫn phái đoàn thi toán quốc tế ở Tiệp Khắc và Đông Đức đoạt được nhiều huy chương vàng. Một trường hợp khác do chính Tôn Thất Thiện kể lại cho Trưởng Nghiêm Văn Thạch. Tráng sinh Thiện là Đổng Lý cho ông Bửu ở Bộ Quốc Phòng và là hàng xóm tại Huế. Ông Bửu đã kín đáo khuyên ông Thiện đừng lên Việt Bắc mà tìm cách trở về đi học để giúp nước sau này.

Thật là rõ ràng tinh thần Hướng Đạo vị tha, chơi thẳng thắn của một con người tiêu biểu với ba lời hứa Hướng Đạo do B-P đề xuất. Bị chèn ép quá ông đã xin nghỉ hưu về Huế sống một cuộc đời nghèo khó vì phiếu thực phẩm cho cán bộ cấp cao không còn được nữa. Hai vợ chồng phải chăn nuôi heo để sống. Ông chết trong âm thầm không một lời thăm hỏi của cấp địa phương. Trong khi ấy thì nhạc phụ Hoàng Đạo Thúy tuy ở cấp thấp hơn trong quân đội đã có đám tang linh đình do Quốc Hội tổ chức. Trong một buổi họp tại phòng hội lăng Hồ Chí Minh năm 1992 ông Thúy đã tuyên đọc lại ba lời hứa Hướng Đạo như sau, “Trung thành với tổ quốc, Giúp đỡ mọi người ở mọi hoàn cảnh và Tuân theo luật Xã Hội Chủ Nghĩa”. Băng ghi âm cassette đã được Trưởng Trần Hữu Khuê ghi lại rõ ràng.

Tôi hằng mến Trưởng Thúy như một lãnh đạo tốt với giọng nói trầm và cương trực của một nhà yêu nước chân chính. Ông đi theo Việt Minh và lôi cuốn được nhiều thanh niên trí thức đương thời vào con đường chống Pháp. Song không biết từ hồi nào ông đã ngả theo cộng sản, thật là đáng tiếc. Cũng cần nói thêm là Trưởng Thúy là bà con hàng ông cậu của tráng sinh Đặng Văn Việt nổi tiếng “Con Hùm Xám Quốc Lộ 4”. Khi sinh hoạt trong Tráng Đoàn Lam Sơn Việt luôn chào Trưởng Thúy “salut frère” với cái bắt tay trái thân mật. Nhưng ở ngoài vẫn luôn luôn xưng hô ông cháu chân tình.

Về Tráng sinh Lam Sơn Đặng Văn Việt tôi phải nói rằng ông Việt là một người năng động. Khi Việt Minh tổ chức Tuần Lễ Vàng để góp của cải của toàn dân yêu nước hối lộ cho các Tướng thổ phỉ Tầu Tiêu Văn và Lư Hán thì Tráng Sinh Việt hăng hái khuân một chiếc lư đồng khổng lồ của nhà ông Trịnh Văn Bô ra đặt trên tiền đình nhà hát Tây Hà Nội. Bà Trịnh Văn Bô và bà Phạm Lê Bổng đều là em bà Đặng Văn Hướng thân mẫu Việt. Bà Bô đã là người bỏ vào lư đồng quyên tặng một số lượng vàng kỷ lục.

Người ta nói rằng chính Trưởng Thúy đã tổ chức cho Đặng Văn Việt và Nguyễn Kèn (Tướng Thế Lâm) vào lập cái nhân Việt Minh đầu tiên tại Trường Thanh Niên Tiền Tuyến của Tạ Quang Bửu. Việt trở thành anh hùng chiến trường Việt Bắc với hơn trăm trận đánh Pháp. Bị sốt rét nặng, sau thoả ước mồng sáu tháng ba 1946 anh đã về Clinique Émile Sargeant của ông anh rể Bác Sỹ Phan Huy Quát điều trị. Sau 1975 khi ông Quát bị bắt giam tại Khám Chí Hòa Việt có vào thăm và thấy BS Quát vẫn khỏe mạnh và vui vẻ  nhưng chỉ vài hôm sau ông Quát bị chết da vàng khè có lẽ bị tiêm độc dược. Việt được cho về hưu với cấp bậc Trung Tá ngày ngày đem tấm nylon xanh trải bên lề đường bán trái cà mớ rau trồng trong mảnh vườn nhỏ ngoại ô Hà Nội. Và cũng như các bà bạn hàng Việt đã phải thu vội tấm bạt vác chạy trối chết khi cảnh sát đến.

Với cộng sản thì người anh hùng cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Việt viết những bài đề nghị sửa đổi trước khóa X Quốc Hội họp. Việt nói “Việt này không phản đảng nhưng chỉ muốn sửa sai đảng”. Tội nghiệp cho anh hùng Đặng Văn Việt vẫn không dám đụng đến Hồ Chí Minh cũng như Bùi Tín. Tết năm ngoái em út Việt là bà Tiến Sỹ Tâm Wei ở Illinois về thăm quê đã được Việt hướng dẫn về chính quán Nho Lâm. Bà Tâm kể lại rằng anh Việt chửi chúng nó ngang nhiên trước công chúng tuy nhiên bà không lo gì cho anh Việt mà chỉ sợ ảnh hưởng tới con cháu mà thôi.   

Trưởng Thúy cũng thuộc hàng ông chú họ Đại Tá Hoàng Đạo Thế Kiệt trong Cục Chính Trị VNCH. Có lời đồn rằng trước khi miền Nam xụp đổ ông chú đã chủ tâm bắt cho được tên cháu ngụy “gian manh ác-ôn-côn-đồ” để cho đi tù mọt gông. Nhưng cháu đã may thoát được qua Mỹ. Nghe những người thân thích kể lại thì về sau khi nghỉ hưu ông Thúy đã lui về nhà ở Ngọc Hà. Nhưng không phải căn nhà cũ có vườn hoa cây cảnh mà là một túp lều tranh xiêu vẹo thê thảm. Bà Thúy đau nặng nằm liệt trên chiếc ghế bố trong khi ông chồng, quần áo lem luốc ngồi dưới đất trước mặt ba cục gạch kê thành ba ông nồi rau nấu cháo nuôi vợ. Tôi có liên lạc với Trưởng Lê Mộng Ngọ ở Long Beach để nghe Trưởng Ngọ nói là Trưởng Thúy đã hối hận đi theo cộng sản tuy nhiên không có gì xác minh cả.

Cái mũ tiêu biểu Hướng Đạo có chóp với bốn múi nhấn hằn sâu. Bởi vậy được gọi là mũ miếng chanh vắt. Trưởng Thúy có công gây dựng Tráng Đoàn Lam Sơn lại còn có công trạng to lớn với Viêt Minh rồi quân đội cộng sản ở chức vụ đại Tá Chỉ Huy Trường Sỹ Quan Trần Quốc Tuấn. Nhưng với chủ nghĩa cộng sản thì không có công thần mà chỉ có phương tiện và cơ hội. Bởi vậy khi xong việc và quả chanh đã vắt hết nước thì cái vỏ mềm nhũn còn có ích gì nữa. Có chăng nó còn cái chất đắng cay có thể dùng lại được. Do đó Bộ Chính Trị cho thăng Thiếu Tướng Vỏ và ra lệnh cho Quốc Hội tổ chức đám tang xôm tụ phổ biến tuyên dương ầm ĩ trên báo trên đài.  

Khi đất nước bị chia đôi ở vĩ tuyến 17 một số đoàn viên đã theo làn sóng di cư vào Nam trong số ấy có các đơn vị Hướng Đạo Công Giáo vùng Phát Diệm. Chủ trương chơi thẳng thắn theo đúng tôn chỉ Hướng Đạo đã bị áp lực mạnh mẽ suốt thời gian phục hoạt (1950) rồi rút về nửa lãnh thổ phía Nam và ở hoàn cảnh tỵ nạn 1975. Hai phía đối kháng, một bên là cộng sản và bên kia chống cộng đều muốn dùng Hướng Đạo như một lợi khí. Năm 1963 chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập Tổng Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa thì Hướng Đạo cũng chịu áp lực mạnh. Nhờ sự vận động khéo léo của Hội Trưởng Nguyễn Thành Cung nên Hướng Đạo tránh được cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên vì không có giải pháp dự liệu khi bị dồn vào chân tường nên HĐVN tự động giải tán đẻ khỏi phụ lòng tin của đoàn sinh và gia đình.

Phía thân cộng cũng không ngớt áp đảo dai dẳng nhằm khuynh đảo và lũng đoạn. Đó là trường hợp Đạo Nhà Bè bị xách động năm 1955 cùng với sinh viên học sinh ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng của Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ chủ tịch MTGPMN sau thành Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam. Đạo Nhà Bè nhận lệnh giải tán khi đang thực hiên bích chương và biểu ngữ cho đám biểu tình và những phần tử quấy rối đã không xủ dụng được phù hiệu và đồng phục hướng đạo. Một lần nữa vào năm 63-65 họ đã không thúc đẩy được những phần tử Hướng Đạo Phật Tử tiếp tay chia rẽ lương giáo.

Sau ngày thê thàm tháng Tư Đen, ngày 15 tháng 5 năm 1975 Ủy Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh giải tán Hướng Đạo Việt Nam và tịch thu tài sản cùng trụ sở tại đường Bùi Chu Sài Gòn. Tiếp theo là các thuyền nhân với hằng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển cả. Người ta đã thấy Hướng Đạo bắt đầu xuất hiện tại các trại tạm trú đầu tiên ở Subic Bay, Guam, Camp Pendleton, Fort Chaffee. Sau đó lại có mặt ở Poulo Bidong Mã Lai, Poulo Galang Nam Dương, Singapore, Hồng Kông, Thái Lan và Phi Luật Tân. Tại các xứ định cư Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hoà Lan, Úc, Canada và Hoa Kỳ các đơn vị được gây dựng lại. Hệ thống kết hợp và hành động chung được hình thành tốt đẹp năm 1983.

Các Trưởng Nhật Tiến và Nguyễn Khanh của Liên Đoàn Bạch Đằng dưới Orange County mời được Trưởng Lazio, Giám Đốc văn phòng trung ương Hướng Đạo Thế Giới ở Genève (World of Scoutism Federation) cùng với Trưởng James Sand Giám Đốc Quốc Tế Vụ BSA (Boys Scouts of America) đến giải đáp thắc mắc về tư cách thành viên của HĐVN trong hoàn cảnh ly hương. Trong hai ngày mồng 2 và 3 tháng 7 năm 1983 HĐVN triệu tập hội nghị Costa Mesa, California. Dưới sự chủ tọa của Trưởng Trần Văn Khắc và Trưởng Phan Như Ngân hội nghị đã thông qua Hiến Chương và Nội Lệ Phong Trào HĐVN hải ngoại. Ban Thường Vụ là cơ cấu chấp hành đầu tiên gồm Chủ Tịch Trưởng Trần Văn Khắc, Phó Chủ Tịch Trưởng Nguyễn Văn Thơ, Tổng Thư Ký Truởng Nguyễn Trung Thoại. HĐVN ly hương không còn là một thực thể quốc gia (national entity) mà là một thành viên hướng đạo bản địa. Giám Đốc văn phòng Hướng Đạo Thế Giới Laszio Nagy rồi BSA lần lượt gửi văn thư chào mừng sự hình thành HĐVN.

Hiến Chương Costa Mesa xác định đường hướng hoạt động trong khuôn khổ hội bản xứ, hội nhập xã hội mới mà vẫn giữ truyền thống dân tộc. Công việc này đã được Hội Hướng Đạo Toàn Cầu (World of Scoutism Federation) khuyến khích và chấp thuận. Như ở Hoa Kỳ thì Hướng Đạo Việt Nam nằm trong BSA (Boys Scouts of America} và ở Pháp thì theo khuôn khổ Fédération de Scoutisme Francaise.

Hướng Đạo Việt Nam có bay vụt lên lại từ đống tro tàn như con phượng hoàng thần thoại không? Câu trả lời là “chỉ khi nước ta thoát ách cộng sản còn đội lốt dân chủ vỏ kinh tế thị trường theo định chế xã hội chủ nghĩa như đàn anh Trung Quốc”. Mong rằng Hướng Đạo Việt Nam có thể linh đình tổ chức mừng 100 tuổi váo năm 2030 tới đây đánh dấu sự tan hàng của chính thể độc tài tham nhũng đem lại tự do cho hơn 80 triệu đồng bào.


TRẦN ĐỖ CUNG

Sinh ngày 28 tháng Ba năm 1922 tại Nho Lâm, Nghệ An.

Chính quán tại Nhị Khê, Hà Đông. Trưởng thành ở Thanh Hóa.

Tốt nghiệp Thành Chung tại Collège de Thanh Hóa, nhập học trường Quốc Học Khải Định Huế và tốt nghiệp Tú Tài toàn phần toán năm 1942.

Ra Hà Nội học môn Toán Chuyên Biệt (Mathématiques Spéciales) ở trường Albert Sarraut và đậu các bằng Toán Học Tổng Quát (Mathématiques Générales), bằng Cơ Học Lý Tưởng (Mécaniques Rationelles) năm 1944 và 1945.

Trong thời kỳ này hoạt động tích cực với Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương, Tráng Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn của Hoàng Đạo Thúy. Và tham gia phong trào ái quốc Việt Minh chống Pháp cho đến khi trở về Hà Nội năm 1947 làm gián điệp đột nhập đầu não của Pháp ở Thành Pháo Thủ. Năm 1949 thành hôn với cô Nguyễn thị Bảo là con cụ Phủ Nguyễn Đình Tại. Nhận làm Giám Đốc Thể Dục Thể Thao cho Bộ Trưởng Nguyễn Tôn Hoàn và di chuyển vào Sài Gòn.

Động viên nhập ngũ năm 1953, du học Pháp Quốc tại trường Không Quân Salon de Provence và tốt nghiệp cuối năm 1955 với bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hàng Không.

Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thanh Niên năm 1964 rồi Tổng Cuộc Trưởng Tổng Cuộc Tiếp Tế 1965-67, ngang hàng Thứ Ủy trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, đương đầu và phá vỡ sự phong tỏa kinh tế Thủ Đô của Việt Cộng.

Về hưu quân đội Tháng Mười 1972 với cấp bậc Trung Tá và vào thương trường cho đến khi mất nước thì may mắn di tản qua Mỹ Tháng Tư 1975 rồi được bảo trợ về định cư tại Monterey California cho đến nay. .

Prunedale, 2 Tháng Ba, 2007

Tác phẩm



Câu chuyện một di dân tị nạn Việt

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.