
Nhà văn Sơn Nam trong một buổi họp mặt với bè bạn. Hình
Gia Đình. |
Gần như tất cả phương tiện thông tin đại chúng ở Việt nam
trong bốn ngày qua đều đăng tin bài về sự ra đi của nhà văn
Sơn Nam. Đúng lúc Sài Gòn vào mùa Vu Lan báo hiếu. Khắp nơi,
bàng bạc không khí u trầm. ‘Đi’ giữa mùa Vu Lan – linh hồn
chuyển động dưới mưa ngâu, trong ánh lửa đốt vàng mã bập bùng,
mờ mờ ức triệu bàn tay chắp lại nguyện cầu, vài bông hồng
trắng lặng thầm cài lên áo…. Cũng có thể coi là đẹp.
‘Đi’ ở tuổi ngoại bát tuần, ông Sơn Nam không khiến ai hụt
hẫng, luyến tiếc. Cả đời văn gần sáu mươi năm của ông cũng
vậy, khi tàn cuộc không hề tạo ra cái gọi là ‘khoảng trống sau
lưng’. Với ông, có vẻ số phận mỉm cười ưu ái, ban cho
phúc-lộc-thọ tương đối đủ đầy, viên mãn. Trước và sau năm
1975, ai ở Sài Gòn cũng có thể tình cờ ‘ra ngõ gặp Sơn Nam’,
một Sơn Nam văn sĩ, không bằng cấp, không chức phận rõ ràng,
thích ngao du, giỏi sinh hoạt vỉa hè – hiểu theo nghĩa bình
dân, dễ thích nghi, không đòi hỏi. Thế nhưng cũng Sơn Nam đó,
khi đã ‘lên đường’, lại được quàn ba ngày ở Nhà Tang Lễ thành
phố – nơi xưa nay chỉ dành cho các VIP – khiến phó thường dân
Sài Gòn muốn vào niệm hương từ biệt ‘ngọn núi phương nam’ bất
giác phải chùn chân, nhường bước.
Đến chào Sơn Nam, ngày 14 tháng 8, là đại diện giới chức nhà
nước, các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà báo, nhà đài,
nhà xuất bản…’Ai viếng, phải đăng ký với Ban tổ chức. Chờ
xướng danh, mới vào’ một thanh niên mặc tang phục, ngồi ở bàn
tổ chức đã cho kẻ viết bài biết vậy. ….. Trong di ảnh, nhà văn
Sơn Nam đội khăn xếp, mặc áo dài gấm đỏ nhìn ra, qua màn khói
hương, vẫn là cái nhìn của người biết quá nhiều mà kẻ viết bài
từng có duyên gặp gỡ cuối năm 2004. Dạo đó, nhà văn đã gần tám
mươi tuổi, sức khoẻ suy giảm nhiều, nhưng vẫn là cố vấn có uy
tín về mảng văn hóa Nam Bộ. Chẳng thế mà đoàn làm phim ‘Người
Tình’ của Pháp tới Việt Nam quay ngoại cảnh, đã phải cầu viện
‘tự điển sống Sơn Nam’.
Kẻ viết bài vốn không quen biết ông Sơn Nam. Nhưng đi chuyên
ngành văn hóa Nam Bộ không thể không đọc sách biên khảo của
ông – những Văn minh miệt vườn, Bến Nghé xưa, Lịch sử khẩn
hoang miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa…
cả tiểu thuyết Bà Chúa Hòn, tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau
nổi tiếng trong gia tài đồ sộ của ông (gồm hơn 300 truyện
ngắn, hơn 40 tiểu thuyết, khảo cứu, hồi ký). Xem xong, gật gù
thán phục ‘thầy này nói, tin được’ chứ tuyệt nhiên chưa có nhu
cầu tìm gặp. Ngay cả lúc viết về đề tài cây kiểng Nam Bộ, bí
một vài chi tiết trong xuất xứ của thế cây ‘Mẫu Tử – Tam Tòng
Tứ Đức’ và ‘Mẫu Tử – Tam Cang Ngũ Thường’. Chung qui cũng vì
nghe ‘sàm tấu’: “Sơn Nam không đẹp trai khi trẻ, càng không
‘bô lão’ khi già. Nói chuyện hay nhưng không phải là người hay
chuyện. Hỏi mới nói. Thích mới nói, mà nói không buồn nhìn mặt
người đối diện. Nhớ đó! Phụ nữ, nhất là phụ nữ nhạy cảm, đa
sầu, đừng gần chi ‘ngọn núi phương nam’ khô khan nọ.”
Phải tới cuối tháng 12 năm 2004, nhân dự buổi hội thảo về đề
tài ‘Bảo tồn di sản kiến trúc TPHCM trong bối cảnh đô thị hóa’
do Hội Kiến Trúc Sư TPHCM và Trung Tâm Nghiên Cứu Đô Thị &
Phát Triển tổ chức, kẻ viết bài mới ‘bị’ gặp Sơn Nam. Trong số
34 khách mời, ai cũng chức danh, học hàm, học vị kinh người,
duy chỉ tên Sơn Nam trần trụi đầu danh sách, không đơn vị công
tác, không chức tước, không bằng cấp. Trong chín tham luận
trình bày về thực trạng các di tích Sài Gòn không được quan
tâm trùng tu, bảo vệ, có nguy cơ bị các công trình dân dụng
xóa sổ, Sơn Nam không có tham luận nào. Ông chỉ ngồi im nghe
người khác nói. Khi được mời, thì lên phát biểu ngắn gọn, toàn
những điều ‘biết rồi, khổ lắm, nói mãi’
Giờ giải lao, kẻ viết bài tới gần, xin ‘sư phụ’ chỉ giáo. Ông
hỏi trống không, vụ gì? Thưa vụ đình. Đình nào? Đình Phú Thành
(thờ Phó Tổng Trấn Gia Định Trương Tấn Bửu) và đình Phú Trung
(thờ Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy). Đình Phú Thành sắp sập,
đồ thờ quá nát, trong khi đình Phú Trung lại tươm tất. Ông thủ
đình Phú Trung là ông Bá T….Cô biết thằng T này không? Dạ biết
(ông T. kiêm quản Lăng Ông Bà Chiểu). Biết luôn đình Phú Nhuận
không? Dạ đình này được sắc phong năm ‘Tự Đức ngũ niên’
1852…Ai thủ đình? Dạ, ông M. Gặp nó lần nào chưa? Mới một lần
để xin chụp ảnh các đồ thờ. Ông M không cho, đòi phải có giấy
giới thiệu. Thằng M. và thằng T. tôi rành. Thằng thì lẹo tẹo
vợ nọ con kia, thằng thì lem nhem tiền thập phương bá tánh.
Thằng nào cũng nhậu, cũng chữ nghĩa dốt nát…Cứ thế, hỏi đáp
nhát gừng. Người đi hỏi hóa thành người bị tra hỏi. Rốt cuộc
điều muốn biết về hai ngôi đình, kèm phần mộ của Long Vân Hầu
Trương Tấn Bửu và Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy, thì không
được biết. Ngược lại, điều không muốn biết, mà cũng không ngờ
– về hai ông thủ từ T. và M., thì lại phải biết. Ông Sơn Nam
gọi họ là ‘thằng’ hàm nghĩa khinh miệt. Lời rất gay gắt nhưng
giọng đều đều, nét mặt thản nhiên – kiểu thản nhiên của người
đã thấy quá nhiều điều tương tự.
Người tổ chức hội thảo tới chỗ kẻ viết bài và ông Sơn Nam gửi
phong bì. ‘Trò’ hai trăm ngàn. ‘Sư phụ’ năm trăm ngàn. Ông mở
phong bì coi tại chỗ, rồi nhét vô túi. Hết giờ giải lao, trở
lại hội trường, không ai thấy ông nữa. Buổi tiệc chiêu đãi sau
đó, cũng không thấy ông. Mãi tới hôm nay…
Đứng ngoài hàng rào Nhà Tang Lễ nhìn vào, bên trong xe hơi đỗ
thành dẫy, một tốp chừng hai mươi người ăn mặc tề chỉnh, khá
lớn tuổi, có vẻ cán bộ trường đại học, viện nghiên cứu gì đó,
ngồi chờ tới phiên vào viếng đám. Kẻ viết bài đi một mình, đâm
ngại. Mãi mới đánh bạo vào gặp ban tổ chức, sau khi tự trấn an
‘Mình nghiên cứu văn hóa Nam Bộ. Học ông ấy, coi ông ấy như
thầy. Trò viếng thầy, có gì sợ. Tệ lắm, bị họ đuổi ra là
cùng’.
Đứng ‘trà trộn’ với một nhóm khách viếng, toàn những người lớn
tuổi, tóc muối tiêu, kẻ viết bài ‘chớp thời cơ’ bấm nhanh vài
tấm hình, tai nghe ông Hà Huy Hà đọc thơ và kể duyên gặp gỡ
với Sơn Nam những ngày ‘thân sơ thất sở’ mấy mươi năm trước.
Khi đám viếng tan hàng, một người đàn ông lạ mặt tới hỏi ‘Cô
là sao với chú Tám Sơn Nam’. Người dưng thôi! Người dưng mà
chịu viếng người dưng. Cũng hay! Còn anh? Tôi bên điện ảnh….
Hồi ức của anh ta về Sơn Nam là thế này: “Chú Tám bình thường
hòa nhã dễ mến nhưng đụng chuyện cũng nóng phừng phừng như
Trương Phi. Tây còn phải ngán. Số là hồi quay phim ‘Người
Tình’ có đoạn ông già bà cả ăn đám cưới. Quay rồi cảnh này,
thì nghỉ trưa. Chỗ đoàn phim, tây đầm ăn uống lịch sự đàng
hoàng. Ngoài sân, đám diễn viên quần chúng già cả ngồi ăn dưới
đất. Chú Tám thấy, điên lên, nhờ người kêu đạo diễn Jean
Jacques Annaud ra, ‘sạc’ một tràng tiếng Tây. Đạo diễn xin lỗi
rối rít, mời các cụ vào nhà, ngồi lên mâm tử tế. Lại cũng
trong phim đó, muốn có cảnh mấy cây cổ thụ trôi lập lờ trên
sông, đạo diễn đã cho người hạ cây, ngay chỗ phà Cát Lái. Chú
Tám biểu Nhất phá sơn lâm. Nhì đâm hà bá, mấy ông vừa phá, vừa
đâm, mà không làm lễ, e không xong. Quả nhiên như vậy. Cây
‘tòm’ xuống nước rồi, nhưng không chịu trôi xuôi, còn gây họa.
Chú Tám phải mặc áo dài khăn đóng, thân chinh đứng tế Sơn lâm,
Hà bá. Đoàn phim sắp hàng dự lễ, nhìn chú hươi cây nhang, phun
rượu, ném gạo tứ phương ai nấy sợ xanh mặt. Kỳ một điều, làm
lễ xong, cây trôi xuôi êm thấm đàng hoàng…”
Viết về Nam bộ, không phải chỉ riêng nhà văn Sơn Nam. Trước
ông trăm năm có Trịnh Hoài Đức, vài chục năm có Hồ Biểu Chánh.
Xê xích chục năm là Vương Hồng Sển, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc….
Sau ông là Huỳnh Ngọc Trảng, Phan Thị Yến Tuyết, Cao Tự
Thanh…. Và gần đây, út ít nhất, có Nguyễn Ngọc Tư.... Tất cả
họ đều sinh ra, lớn lên ở Nam Bộ. Hiểu biết, yêu mê những đề
tài về Văn minh miệt vườn, Hương rừng Cà Mau. Mỗi người một
lĩnh vực, một thế mạnh, một cống hiến. Có chỏi nhau đôi phần
vì ‘trào’ này trào nọ, ‘hệ’ này ‘hệ’ khác, nhưng hết sức giống
nhau ở chỗ cùng rút ruột gan viết về Nam Bộ – Hồ Biểu Chánh
với 64 cuốn tiểu thuyết, 64 tấn trò đời nhân nghĩa, máu lệ,
Huỳnh Ngọc Trảng toàn sưu khảo về thế giới tâm linh dân gian
Nam Bộ, Cao Tự Thanh ‘chuyên trị’ văn học Hán Nôm, Phan Yến
Tuyết miệt mài khai phá lĩnh vực dân tộc học…- Đọc những sáng
tác, biên khảo của họ, người đọc cả nước, nhất là những người
Nam Bộ xa xứ, đều cảm được hồn vía Nam Bộ mến yêu, nhận được
mạch đời không ngừng luân lưu náo nức trong ruộng lúa, rừng
tràm, vườn cây trái, thấy được tình người chơn chất, thủy
chung…Nhưng nếu ít thời giờ, thiếu tư liệu, mà lại muốn gồm
thâu ‘nhiều nhà trong một’, thì chỉ cần đọc một Sơn Nam cũng
đủ. Vì so với những nhân sĩ kể trên, Sơn Nam ‘đa hệ’ hơn, viết
đều, viết khoẻ hơn, chịu đi, chịu chơi, và chịu ‘mất để được’
hơn.
Ca dao Nam Bộ có hình ảnh con chim nhỏ xíu, lanh lợi, là con
chim quyên – Chim quyên xuống đất ăn mồi… Chim quyên ăn trái
nhãn lồng…. Con chim hiền hòa, bình dị nọ, hơn tám mươi năm
nay quen hót những điệu ‘lia thia quen chậu’ bỗng sáng nay
ngưng bặt tiếng….
Trong mưa ngâu tháng Bảy, giữa mùa Vu Lan, cánh chim già nua
đè gió bay ngược, rồi vút lên, tìm về tổ cũ Cà Mau. Đường thăm
thẳm…Coi vậy, chớ dễ gì quên!
NTLA |